Mùng chín là ông bà ngoại đi về nhà ở Trấn Giang. Mấy đứa nhỏ đều quyến luyến. Bà ngoại dặn dò nương rất nhiều. Phải đến qua năm khi Sinh ca thành thân mới gặp lại. Nương và Cúc tỷ gói gém khô cá, khô mực để ông bà mang về. Trấn Giang ở hơi xa biển, mấy món này khó có được.
Chiều ngày rằm Trung thu trời đổ mưa, không lớn nhưng dai dẳng đến tối, không thấy mặt trăng đâu cả. Cha bày đồ cúng trên bàn ngoài hiên, có rượu, bánh dẻo, trái cây. Vĩnh ca chỉ hướng nhà Nguyễn bá có hai cái đèn lồng bằng tre dán vải đỏ treo trước cổng nhìn thật sinh động, ấm áp.
– Năm sau nhà mình cũng làm nha tỷ.
A Phúc nhìn đèn lồng ao ước nói.
– Ừ, Tết mình treo luôn đi.
– Thật?
– Thật.
Thời gian này quá bận rộn lo kiếm tiền để dành mua lương thực nên Mai quên vụ đèn Trung thu. Đến Tết sẽ rãnh rỗi hơn, dùng nan tre làm đèn lồng tròn như nhà Nguyễn bá không khó.
Cúng xong nương cắt bánh dẻo ra, mấy đứa nhỏ vừa ăn vừa cười đùa.
– Bánh này khác bánh năm rồi hả nương?
– Ừ, cái này làm theo kiểu nhà ngoại, nhân bánh có thêm dừa, bột cũng có nước cốt dừa.
– Mấy ngày nữa thất thúc mới vào đây sao?
– Chắc vậy, thất thúc phải ở nhà ngày Trung thu chứ.
Đến lúc sắp đi ngủ thì trời trong, mặt trăng hiện ra tròn vành vạnh giữa trời. Đêm nay mười bốn trăng vừa đủ tròn, tối mai đêm mười lăm thì trăng bắt đầu già rồi!
Lưu tam bá mẫu sai Ngọc tỷ qua xin rau hai lần. Cúc tỷ đều tự mình đi hái đầy rổ mang vào mà không cho a Ngọc ra vườn. Ngọc tỷ cũng không hỏi tại sao còn vui cười ngồi sạp tre ăn hai thanh mứt chuối chờ, lúc về còn cầm theo hai thanh nói là cho a Châu. Nghe tứ Mi nói qua nhà bên đó hái rau mấy lần, cũng quần nát vườn rau. Lưu bá mẫu đào mấy gốc rau mang qua vườn bên đó dạy Lưu tam bá mẫu và Ngọc tỷ, a Châu cách trồng, tưới nước, làm giàn cho dây mướp dây bầu leo. Mong là sẽ không qua hai nhà này xin nữa.
Thật ra nhà ai cũng có vườn rau, người nhà ăn không hết, cho hàng xóm hay dòng họ thì đâu có tiếc. Chỉ là người nông dân ghét nhất là kiểu hái non hoặc giẫm cây ngắt ngọn. Người làm vườn nhìn cảnh đó khóc không ra nước mắt luôn!
Vĩnh ca từ chỗ sư ông về lấy gói vải từ trong rổ ra nói với Mai:
– Đỗ lang y đến gặp sư ông, kêu ta vào hỏi chuyện hôm trước.
‘Chuyện hôm trước’ là ý chỉ chuyện trị thương cho Lý bá. Sư ông từ chùa lớn ở Nam Vang về trước Trung thu mấy ngày. A Vĩnh đến học và dọn dẹp tịnh xá để cúng rằm. Có nhiều nhà trong làng mang bánh mứt, trái cây đến cúng. Nhà Mai cũng cúng bánh dẻo, mứt gừng, còn có thêm hai cân gạo nếp.
– Ca kể lại chuyện hôm đó. Đỗ lang y nói muốn thu ca làm đồ đệ, theo ông ấy học. Sư ông nói y thuật ông có hạn nếu ca được lang y thu nhận rất tốt. Sư ông nói ta rất có ngộ tính.
A, thì ra là Đỗ lang y chờ sư ông về mới nói, vậy mới đúng lễ. A Vĩnh vẫn còn hưng phấn, chắc được sư ông và lang y khen hắn có ‘ngộ tính’ về y thuật.
– Ca trả lời sao?
– Ta nói sẽ hỏi ý kiến cha nương, a… Ta còn nói rất muốn học y thuật sau này trị thương cứu người.
Ha ha, cũng biết lấy lòng cả hai ông lão nha.
– Đỗ lang y nói Dương ông muốn nhờ dạy thêm hai đứa cháu của ông ấy. Sư ông đồng ý rồi, chỉ cần chịu học thì giống ta, cách ngày đến tịnh xá học chung.
– A, vậy ca là đại sư huynh rồi, đã nha.
– Đã gì chứ!
A Vĩnh nhíu mày nhăn mặt nhưng không giấu nổi vui vẻ trên mặt làm Mai phì cười. Hắn mới mười tuổi, làm đại sư huynh cũng oai lắm! Ha ha.
– A, lang y đưa cho ca cái này nói ca giữ cẩn thận.
Bây giờ hai đứa mới nhớ gói vải, mở ra xem là hai kim khâu và một ống gỗ quấn sợi chỉ mãnh màu trắng, là kim chỉ khâu của lang y. Là chê vết khâu của cô hôm trước quá xấu sao? Nhưng mà đây đúng là vật quý, hơn nữa có ý công nhận hai đứa đã làm tốt, sau này có thể trị thương rồi. Mai chạy lấy cái hộp gỗ nhỏ cô kêu Bình ca làm cho cô, đặt túi vải kim chi vào, cất trong phòng.
A Vĩnh không kể hết chi tiết buổi nói chuyện. Có thể hắn chưa hiểu ẩn ý trong ánh mắt của sư ông và Đỗ lang y chiều hôm đó. Hai người nghe a Vĩnh kể chuyện cách Mai dùng rượu hạ sốt, uống nước dừa, đặc biệt là lúc khâu vết thương cho Lý bá, Đỗ lang y đã hỏi:
– A Mai tự mình khâu sao? Lần đầu muội muội con làm việc này?
– Dạ phải, lúc con khâu cho Lý Sao, tay con run lắm. Muội ấy nói như vậy sẽ làm bệnh nhân đau đớn hơn. Chắc a Mai cũng sợ Lý thúc đau nên khâu rất nhanh, chỉ là muội ấy đổ mồ hôi rất nhiều.
– Bình thường a Mai cũng biết cây thuốc, trị bệnh?
A Vĩnh nhìn sư ông rồi lo lắng nói:
– Mỗi lần sư ông dạy con cái gì con đều nói muội ấy nghe. Vườn cây thuốc trong nhà là muội ấy chăm sóc với con.
Sư ông cười hiền lành nói:
– Con đừng sợ, con làm vậy rất tốt. Con có ngộ tính cao, chỉ cho muội muội biết càng tốt.
Ý ông là muội con chỉ mới nghe qua lời con nói mà đã biết trị thương như vậy cũng khiến người ta kinh ngạc, là con biết cách dạy hơn ta!
Đỗ lang y gật đầu, nhưng mà Mai là con gái, nam nữ hữu biệt. Sau này lớn lên càng khó – không thể ra ngoài trị bệnh, thôi thì bồi dưỡng a Vĩnh – hắn cũng thật sự có ngộ tính.
Tối hôm đó a Vĩnh nói cha nương biết ý của sư ông và Đỗ lang y. Hai người rất vui mừng, nghĩ một hồi cha nói:
– Cha đi gặp Đỗ lang y tạ ơn. Nửa chữ cũng là thầy, dù con không làm lễ sư đồ với sư ông cũng không thể quên ơn. Sau này vẫn phải đến giúp sư ông chăm sóc sân vườn, quét dọn tịnh xá. Việc nhà không cần lo.
– Con sẽ đến giúp sư ông và học ở nhà lang y, nhưng việc nhà con cũng làm được.
A Vĩnh hơi dỗi nói, hắn chỉ đi học y thuật thôi, giống như trước đây cách ngày đến gặp sư ông. Cha nói giống như bị đuổi khỏi nhà vậy?
– Học y thuật rất vất vả, con tưởng dễ dàng sao?
Cha có vẻ giận nên lớn giọng, không khí vui vẻ bỗng chốc trầm xuống. Mai ở hiện đại nên quên mất đạo sư đồ thời này rất trọng. Mấy đứa nhỏ thì chưa bao giờ được đi học hay ra bên ngoài, quanh quẩn sống trong nhà, làng chài nên không biết.
Thầy như cha, đạo sư đồ có khi còn nặng hơn đạo phụ tử. Một người khi thu đệ tử sẽ cân nhắc rất kỹ. Đệ tử giống như con, phải có trách nhiệm dạy dỗ. Sau này đệ tử ra ngoài lỡ gây chuyện thì người thầy cũng có trách nhiệm, đôi khi bị huỷ cả danh tiếng. Đối với đệ tử cũng vậy, nhận thầy là chuyện suốt đời, tuân thủ lời dạy của thầy. Nhiều khi đệ tử ở nhà thầy học tập, thỉnh thoảng mới về nhà.
– A Vĩnh, con phải cố gắng học, ngoài con trai trưởng của mình ra Đỗ lang y lần đầu thu nhận đồ đệ, con phải giữ lễ, biết không?
Nương nhẹ giọng nói.
– Dạ, con biết.
– A, vậy lang y có dạy ca học chữ không?
Sau khi giật mình, Mai nhớ ra chuyện quan trọng này. Cả nhà không ai biết chữ, mà hình như cũng không coi trọng. Trời ơi! Cần học chữ, Mai đã hơn tám tuổi rồi, nếu bây giờ không học sau này học càng khó, mà chữ Hán Nôm lại khó nhằn, phải thuộc lòng từng chữ nữa!
Mai nhăn nhăn mặt kéo tay áo cha:
– Cha xin Đỗ lang y dạy chữ cho Vĩnh ca, rồi ca ấy dạy lại tụi con được không? Biết chữ rất tốt, a… Sau này còn đọc được trên văn tự đất viết cái gì, có ghi sai ba mẫu thành hai mẫu hay không?
– Làm gì ghi sai chứ.
Nương phì cười gõ đầu cô.
– Con cũng muốn họ chữ, học tính như dượng năm.
A An lên tiếng, Mai nhìn đôi mắt hắn phát sáng, kiên nghị không khỏi tán thưởng. Hắn mới hơn mười hai tuổi đã có trực giác rất tốt. Nói là ‘trực giác’ vì hắn thật sự không biết rõ học chữ có lợi như thế nào, người lớn xung quanh hắn không ai nói cho hắn biết.
Mọi người đều nghĩ học chữ hay chữ viết chỉ dành cho những gia đình giàu có, quan lại. Họ cho con trai đi học chữ để thi đỗ trạng nguyên, tú tài. Tầng lớp quan lại, trí thức cách người nông dân rất xa. Họ nhận bổng lộc từ triều đình, có quyền thế, được miễn sưu thuế, trong làng luôn ngồi mâm trên, được cung kính. Nhà nông muốn cho con đi học phải tốn rất nhiều tiền mà đâu dễ đỗ công danh tú tài, trạng nguyên.
Thật ra học chữ để làm thơ, viết văn gì đó Mai cũng không nghĩ đến. Chỉ cần học chữ để biết đọc viết các văn tự đất đai, làm mua bán, quan trọng là ghi chép lại công việc hàng ngày để không nhớ sai hoặc bỏ quên là được.
Nghe Mai nói lợi ích của việc biết chữ trong công việc hàng ngày làm cả nhà ngẩn ra. Cô nói tiếp:
– Cha viết lại lời ông ngoại dặn sâu nào, làm sao diệt, cây lúa trồng bao lâu thì tháo nước, năm nay thu hoạch bao nhiêu giạ, được bao nhiêu cân gạo.
– Bình ca thì viết lại kệ gỗ dài, ngắn bao nhiêu, còn nữa lúc đóng ghe xuồng cũng ghi lại kích thước từng miếng gỗ, lần sau làm đúng như vậy, không sợ sai.
– An ca, Vĩnh ca thì mọi người biết rồi, phải ghi lại cây nào trị bệnh gì. Nương giao cho An ca tính mỗi con trăng nhà mình kiếm được bao nhiêu tiền, mua hết bao nhiêu. Rồi mỗi lần bán cho Tiêu Ân thúc, Lưu bá mà chưa thu tiền cũng ghi lại.
A Phúc mở to mắt nhìn Mai gấp gáp hỏi:
– Vậy đệ học chữ làm gì?
– A, đệ ghi lại xem mỗi lần nuôi bao nhiêu con gà, bán mỗi con bao nhiêu tiền, sau này nở con vịt con giao đệ nuôi, cũng phải ghi lại.
– Được, cha con muốn học chữ. Không sợ mất gà vịt của con.
Ôi trời, mỗi ngày đệ đều đếm lại mấy con gà, ai dám lấy mất chứ! Bà ngoại mua cho mười hai con gà con, nhưng do đi đường xa, đến nơi lạ chỗ bị chết hai con. A Phúc mếu máo, càng chú ý chăm sóc đàn gà. Thật ra hắn rất đắc ý việc hắn có đàn gà này. Mấy đứa trẻ trong làng ít nhà nuôi gà, chỉ nuồi năm sáu con là nhiều. Hắn có gần ba mươi con, nhiều nhất rồi, hí hí.
Nghe vợ con nói chuyện, Lê tứ nguôi giận, ông thấy a Vĩnh không coi trọng việc học y thuật với Đỗ lang y nên thật sự tức giận. Có lẽ lúc đầu được học cây thuốc với sư ông dễ dàng nên a Vĩnh chưa hiểu. Sư ông ở chùa là dạy ‘cho biết’, sau này a Vĩnh cũng không thể làm lang y được. Đỗ lang y dạy lại hoàn toàn khác, có ông là sư phụ thì a Vĩnh có thể theo ông học khám chữa bệnh, bốc thuốc. Hai ba mươi năm sau có thể tự mình làm lang y, cuộc sống không tính giàu có nhưng sẽ có ăn có mặc, không lo nghèo đói ( A Vĩnh: cha nghĩ tới hai ba mươi năm à?).
– Sáng mai cha mang rượu và một quan tiền đến nhà Đỗ lang y. Chuyện dạy chữ cha sẽ hỏi nhưng không chắc được.
Không ai dám nói thêm gì, nhìn cha vẫn còn uy! Lần sau nhờ ông ngoại nói, ha ha ha! Mai thầm nhủ trong bụng.