Ngày chợ phiên tiếp theo cậu hai chèo ghe chở Mai và Vĩnh ca lên trấn như đã hẹn. Phía ngoài dược quán đã mở cửa, phòng chẩn bệnh cũng đã hoạt động. Mai nhẹ nhõm, mọi chuyện chắc ổn rồi. Trần chưởng quầy thấy ba cậu cháu thì bước ra chào hỏi rồi dẫn đường vào trong.
– Trần lang y đã bắt mạch cho phu nhân và tiểu thơ sáng nay. Cả hai đều ổn. Giờ lang y đang chẩn bệnh cho khách. Nguyễn huynh có gặp không để ta báo lại?
– Đa tạ chưởng quầy, chắc không cần đâu. Chúng ta vào trong chào hỏi, không có việc gì cần kíp.
– Vậy thì được, Sáng hộ vệ kìa, để đệ ấy dẫn mọi người vào.
– Đa tạ.
Hôm nay, lính gác bên ngoài không nhiều như hôm trước. Chắc Bùi đại nhân không có mặt, Sáng thúc dặn mọi người đứng chờ rồi vào trong bẩm báo.
– Phu nhân đang nghỉ ngơi, các vị vào trong chờ một lát.
– Sáng đệ, ta có việc đến khách điếm tìm người. Nếu Bùi đại nhân hoặc Bùi quản gia đến nhờ đệ báo giúp là chúng ta có đến thăm. Chúc mừng phu nhân và tiểu thơ mạnh khỏe, được không?
– Được. Ta nhất định sẽ bẩm báo.
– Đa tạ.
Thị trấn Trấn Giang này cũng không nhỏ, khách điếm của Đoàn bá ngụ không gần lắm, đi gần một khắc mới tới. Đi bộ liên tục hơi mệt, nhưng Mai lại biết thêm chỗ bến sông bên này còn lớn và nhiều ghe xuồng hơn ở chợ mé kia. Thì ra chợ bên kia là của người dân quanh vùng đến mua bán lẻ những món nhà mình làm. Chợ bên này mới là chợ dành cho thương lái, thương hồ đến làm mua bán lớn. Có mấy chiếc ghe lớn đang đậu trên bến. Bên hông có vẽ chữ hình như là tên của hãng buôn Thuận Giang, đặt tên cũng hay.
Đối diện bến sông là hai tòa nhà hai tầng làm khách điếm. Cậu hai đến xin gặp Đoàn bá thì vị chưởng quầy nói:
– À, lúc nãy ta thấy hai vị đó lên xe bò ra ngoài rồi, có thể qua giờ ngọ mới về.
– Nhờ huynh nhắn giúp, ta họ nguyễn, đến báo là ghe của Đoàn huynh đã sửa xong. Nếu huynh ấy cần thì có thể đến lấy ngay.
– À, được được.
Hình như hôm nay “không phải ngày tốt” nên không gặp được ai. Thấy hai đứa nhỏ đã thấm mệt, cậu dẫn vào quán nước nhỏ cạnh khách điếm gọi trà và nước mát. Nước mát là loại nước được nấu từ rễ cỏ tranh, mía lau và hai ba loại cỏ nữa. Uống vào giúp cơ thể bài độc, lợi gan. A Vĩnh nhấm nháp rồi đoán già đoán non mấy loại cỏ được nấu chung.
– Cậu, bò mắc tiền không? Mà cháu không thấy trâu?
– Giá một con bò tơ kéo xe cũng gấp năm lần con heo, bò trưởng thành mà cày ruộng còn mắc hơn. Chỉ có vùng ngoài mới lai giống được. Trâu thì lớn hơn nên giá cũng mắc hơn. Ở đây có tiền muốn mua cũng khó.
– Dạ, con thấy có trâu cày ruộng sẽ đỡ cực, mà đất tươi xốp lúa sẽ lớn nhanh, bón phân càng tốt.
Ha ha, cậu vừa cười vừa vuốt đầu Mai.
– Con làm như lão nông thứ thiệt. Mình không biết cách lai giống, đi mua chỗ xa xôi thì làm sao chở về.
Đường bộ thì xa xôi mà cũng không thông suốt, đường sông thì phải có ghe lớn. Mà đi dài ngày tụi trâu bò cũng cuồng chân.
– Ca, Đỗ lang y biết lai giống không?
Ha ha,
– Muội hỏi bậy bạ cái gì chứ? Sư phụ là chẩn trị người ta, làm sao lại biết chuyện trâu bò.
Nhưng mà nếu lai giống được, sẽ kiếm được tiền nhiều hơn, lại giúp người nông dân đỡ cực khổ, mất sức. Người ta không làm lụng quá cực nhọc, sẽ không sinh bệnh. Cái này coi như gián tiếp phòng bệnh rồi, không phải sao?
Bàn bên kia quán có mấy người đứng dậy ra về, người đàn ông râu ria xồm xoàm “phẹt” một cái, một mớ bả trầu đỏ lườm nằm trên đất. Mai khó chịu nhăn mày, dịch ghế về phía góc xa. Trầu vừa cay, vôi ăn vào rất độc hại, sao người ta lại thích ăn. Vì truyền thuyết về tình nghĩa trong câu chuyện. Ân tình son sắt như câu người ta hay nói đỏ thắm vôi với trầu, khoan! Hình như mình vừa nhớ ra cái gì đó. Vôi với trầu trộn với nhau sẽ có màu đỏ thắm, có thể nhuộm làm đèn cầy đỏ không? Không biết khi đốt có bị mùi gì không? Mai kéo tay a Vĩnh nói nhỏ:
– Được không? – Không biết, phải thử mới biết chứ.
– Thử cái gì?
Nghe hai đứa nói, cậu hai chưa rõ câu chuyện nên hỏi. Giá mua vôi không mắc lắm, lá trầu thì ở nhà nào mà chẳng có trồng. Có hy vọng thì cứ thử xem sao. Mai săm soi cục vôi vừa hỏi mua được của chủ quán. Mọi người thích ăn trầu nên hầu hết các quán xá đều bán trầu tiêm sẵn hay bán vôi, cau khô, cau xanh.
Cô không nhớ rõ lắm vôi chính xác có chứa chất gì, nhưng chắc là do khai khoáng mà có. Ở thời này, khai khoáng là quyền lợi của vua và hoàng tộc, dân thường không được phép làm. Nhất là mỏ quặng sắt, đồng, than đá, mỏ vàng mỏ bạc thì khỏi nói rồi.
Hôm trước nương về Đông Hồ cô chỉ dặn mang mật ong mà không dặn mang sáp ong đến. Làm sao có sáp để thử đây. Đang còn chìm trong suy nghĩ cô nghe cậu hai nói:
– Hình như là Trương huynh, hộ vệ bên cạnh Bùi đại nhân. Ta qua đó chào hỏi, hai đứa cứ ở đây.
– Dạ.
Cái tàu lớn nhất ở bến đang chất hàng lên, mấy người phu khuân vác mình trần da đen, có người vác một lần hai bao vẫn vững chân đi trên cầu ván. Đúng là Trương Bàn thúc đang đứng cạnh trông coi. Thì ra Bùi gia cũng làm buôn bán, vận chuyển. Có câu phi thương bất phú, nếu không làm buôn bán thì rất khó thành phú hộ. Làm ruộng phải dùng sức người, đủ ăn đủ mặc là tốt lắm rồi.
Cậu hai qua chào rồi đứng nói chuyện với Trương thúc chưa lâu thì có xe ngựa lộc cộc đi đến, là xe của Bùi gia. Bùi quản gia từ trên xe bước xuống, hai đứa nhỏ thấy thì đứng lên ra chào.
– Ta vừa đến dược quán cùng thiếu gia. Nghe nói nhà cháu đến thì đoán là ra đây tìm Đoàn huynh. Đã gặp chưa?
– Dạ chưa, Đoàn bá có việc ra ngoài, cậu cháu đã nhắn lại. Ghe đã sửa xong nên muốn báo một tiếng. Cậu cháu bên kia, đang tới.
Bên kia Nguyễn Cần và Trương Bàn thấy xe ngựa Bùi quản gia thì cùng nhau đi qua. Hai đứa nhỏ vào quán ngồi chờ nhóm người lớn đi một vòng xem chất hàng, một lát sau thì lên xe ngựa về dược quán.
Sắc mặc Mạc phu nhân đã khá lên rất nhiều. Nhưng vẫn còn trong lúc ở cữ nên không ngồi lâu, bà kêu Mai vào hỏi thăm vài câu. Đứa bé đã biết bú sữa, đi vệ sinh, biết khóc la đòi ăn, mạch tượng đã tốt. Mai nghe xong nói:
– Cháu và Vĩnh ca thật chưa phải lang y. Nhờ có Trần lang y y thuật cao, theo dõi sức khỏe tam tiểu thơ thật tốt. Bây giờ phu nhân và tiểu thơ đã khỏe, xin chúc mừng.
Mạc phu nhân mỉm cười nhìn đứa bé gái trước mặt. Giống như ấn tượng lần trước, có vẻ ít nói, không tò mò hiếu động như mấy đứa trẻ khác nhưng không phải nhút nhát mà hình như rất hiểu ý người. Nghe nói biết một ít chữ, tính toán cũng giỏi, tương lai sẽ không tồi. Không biết nương đã sắp xếp quà tặng như thế nào. Nghe ý tứ Bùi thúc quản gia thì người lớn trong nhà này cũng đường đường chính chính, không có ý kể công ơn. Mình không thể hỏi thẳng nhà người ta muốn trả ơn cái gì? Thôi cứ để tam đệ và nương lo liệu đi.
Từ hôm Mai về nhà đến nay còn chưa được mười ngày, đứa bé còn cần điều dưỡng rất lâu. Hai đứa cũng không biết y thuật gì nên xin phép thỉnh thoảng ghé thăm, việc điều dưỡng do Trần lang y đinh liệu. Lúc vừa nói chuyện xong thì Bùi quản gia đứng dây trao cho cậu một gói quà.
– Đây là quà phu nhân và thiếu gia gởi Nguyễn bá dùng.
Cậu hai vừa khoát tay từ chối thì ông đã nói tiếp:
– Chỉ là mấy gói trà sen, mấy vóc lụa thôi. Còn có hai bình rượu tốt bên ngoài.
– Đa tạ phu nhân và đại nhân, ta xin nhận trà và rượu thôi, vậy là quý lắm rồi. Chúng ta cũng không làm gì, chủ yếu là Trần lang y ra sức. Quả thật không thể nhận.
Trà rượu là lễ nghĩa, người ta tặng ra thì không thể không nhận. Còn những món khác thì không nhất thiết phải có.
– Bùi huynh đến nhà ta rồi đó, chúng ta làm ruộng quanh năm. Lâu lâu vào trấn một chuyến, gặp chuyện thì cùng ra sức, không nghĩ đó là làm ơn mà chỉ coi như có duyên. Khi nào Bùi gia đi ngang ngả bảy ghé vào nhà ta uống chén trà là hân hạnh rồi.
Xem ý tứ cậu hai đã quyết nên Bùi quản gia lui một bước cười nói:
– Được, có dịp đi qua sẽ ghé vào xin nhà huynh chén rượu gạo.
– Được, nhất định. Cũng trưa rồi, ta xin phép cáo từ.
Chào hỏi một vòng thì được xe ngựa chở ra bến chợ. Hai vò rượu là loại sứ tráng men đen bóng, miệng bịt vải đỏ nhìn rất thuận mắt. Nếu như có mấy cái thố tráng men đẹp như vậy để đựng đồ thật là thích. Nghe nói kỹ thuật làm men tráng ở Đàng Ngoài rất đẹp, không biết Bùi gia mua hai bình này từ đâu?
Chiếc tàu lớn trên bến chở khẳm, có hộ vệ trông coi, chắc không phải hàng hóa tầm thường. Mai nhớ đến huynh đệ Trần bá mua bán gạo ở miệt Giá Khê, Đông Hồ. Vùng này còn chưa an toàn, nhất là thương lái. Bùi gia nhiều lính, hộ vệ lại là thông gia với Mạc gia. Khẳng định Bùi gia là thương lái lớn, hãng buôn Thuận Giang đó với tay đến Đông Hồ chưa? Thế lực Bùi gia quả thật không nhỏ, chắc họ không muốn phô trương nên ít lời đồn đãi. Nay Mạc gia nhậm chức miệt dưới, sớm muộn gì Bùi gia cũng đến đó.