Hôm nay La Hùng huynh và a Báo rất đúng hẹn, đến sớm hơn hôm trước. Nghe cha nói từ Bình San đến chợ làng phải đi bộ một quãng đường dài. Sau đó là đi ghe từ phía trong làng ra nữa. Hai anh em đến đây sớm như vậy chắc là dậy từ canh tư.
Nhìn hai người chỉ mặc áo ngào dài tay, mang giày dây gai, đội nón lá đơn bạc như vậy, thật sự không lạnh? Con người thích nghi rất tốt với hoàn cảnh xung quanh, “ở bầu thì tròn, ở cuống thì dài”.
Hùng huynh chỉ thấy hai đứa nhỏ thì hơi thất vọng, ‘mình nhìn nhầm sao!’ Mai nhủ thầm, huynh ấy muốn gặp ai? A! A, biết rồi.
Mai cười tủm tỉm hỏi:
– Hùng huynh chờ ai sao?
Free Domain Name with every hosting package.
– Đâu có, đâu có.
Ha ha, không thành thật! A Báo thì cười tươi rói kéo An ca ra phía sau, mở gùi bắt từng con gà ra. Mấy đứa con trai thật mau thân thiết, mới gặp lần trước mà giờ đã thân thiết như vậy. Mà tính tình a Báo thật ngộ, giống như chưa từng có bạn, gặp mấy anh em nhà Mai cứ huyên thuyên.
– Thấy không? Chúng còn khoẻ mạnh hơn mấy con lần trước, mười con.
An ca nhìn mấy con gà đang mổ cỏ, đúng là lớn hơn ổ gà trước, hắn hơi khó xử nói:
– Ta chỉ còn tiền mua chín con thôi, con kia, …
– Biết biết, con đó ta tặng cho ngươi, không lấy tiền,
A Báo sảng khoái đáp, còn lôi một lớp lá trong gùi ra, dưới đó là gần chục trứng gà.
– Cái này cũng cho ngươi luôn. Bà nội nói chúng ta không nên nhận đường của nhà ngươi, dù sao đã nhận rồi nên tặng lại cái này.
Hai đứa nhỏ nói qua lại, a Báo rất nhanh nhẹn, hắn lấy gà và trứng đặt vào trong rổ cho An ca rồi vỗ vỗ hai tay ‘xong việc’. Mai buồn cười nhìn, chắc ở nhà bà nội hắn giao việc này cho hắn, dặn phải làm xong.
La Hùng chắc hai mươi tuổi rồi. Ở đây thiếu niên mười bảy, mười tám là đã có vợ, có con. Tuổi huynh ấy đã coi như “ế” rồi. Là do hoàn cảnh hay huynh ấy kén chọn?
Qua mấy lần tiếp xúc, Mai thấy tính huynh ấy trầm tĩnh, làm việc cũng được, nói ít nhưng nói là làm. Mặt mũi rất “đường đường chính chính”, đúng dạng mặt chữ điền cứng cỏi của đàn ông. Hơn nữa huynh ấy cũng tính là có tài. Cha nói muốn vào rừng săn bán phải thạo nghề bắn cung, có võ nghệ; còn phải biết nhìn hướng đi, theo dõi dấu vết con mồi. Thịt rừng luôn mắc hơn, thợ săn giỏi sẽ sống rất tốt nhưng nguy hiểm cũng không nhỏ nên nhiều người muốn đi săn mà không dám.
Nghe a Báo nói hắn đã bắt đầu học săn bắn từ nhỏ, La bá phụ thật là thợ săn có nghề. Mai ngước nhìn dãy núi Bình San phía bắc nhấp nhô như dãy tường thành che cho vũng Đông Hồ. Màu xanh thẫm của rừng cây cổ thụ chứa nhiều bí mật hiểm nguy mà con người chưa biết.
Mai lại liên tưởng đến chuyện hôm trước, là ở gần Bình San sao? Cô chỉ nhớ mang máng là vùng đất này cọp, beo, gấu, mãng xà, trăng đều có. Nhưng ba trăm năm sau bojn chúng đã bị con người dồn vào thế yếu, phải tránh thật xa. Còn hiện tại, con người chưa có vũ khí chống lại, phải dè chừng bọn chúng rồi.
Lúc Mai đang miên man suy nghĩ thì a An vui vẻ đếm tiền đưa cho a Báo. Hai anh em nói thêm mấy câu rồi về. Mai liếc gương mặt La Hùng mất hứng nhìn theo hơi buồn cười. A Cúc nhà cô cũng lợi hại quá, mới một lần gặp đã bắt mất hồn người ta rồi.
Vừa ra khỏi chợ thì trời bắt đầu mưa, lúc đầu còn thưa sau đó lộp độp lớn dần. Quay lại chợ tìm chỗ núp mưa hay chạy nhanh về nhà? Hai đứa nhỏ nhìn rổ gà con phân vân, gà mắc mưa sẽ dễ bệnh chết. Đang định quay lại chợ thì gặp hai anh em a Báo.
– Đưa gà đây.
Hùng huynh bắt gà bỏ lại trong gùi, bẻ nhánh cây bên đường che sau đó còn cởi áo phủ lên, mấy động tác diễn ra lưu loát. Mai không kịp phản ứng, mở to mắt nhìn nửa thân trên trần của huynh ấy!
Khinh người quá, cô là con gái mà, sao huynh ấy ‘thoát y’ không ngại ngùng vậy chứ!
– Trong chợ đã tản hết rồi, a An, đệ dẫn đường ta chạy nhanh về nhà, gà gặp mưa lâu sẽ lạnh chết. A Báo đi sau với Mai.
Hùng huynh thật quyết đoán a, lo cho gà hơn mình! Mai than thở gật đầu với An ca.
– Ca đi nhanh, muội theo sau.
Hùng huynh đưa gùi còn lại vẫn còn một con gà rừng, hai con thỏ chưa kịp bán cho a Báo, rồi chạy nhanh với An ca. Mưa nặng hạt hơn, đường đất vừa trơn vừa nhão, đôi giày nặng trịch. A Báo đi rất nhanh, hắn đã treo đôi giày lủng lẳng ngay miệng gùi đang đeo sau lưng, bản thân thì xăng quần lên cao quá đầu gối. Đi một lát hắn quay lại thấy Mai chật vật chậm chạp phía sau có vẻ mất kiên nhẫn nhíu mày.
– Ngươi bỏ giày ra, xăng quần lên giống ta nè, chậm như vậy chắc tới chiều chưa tới nhà.
Gì chứ, không ai nói cho hắn biết là con gái không được làm thế sao? Mai mặc kệ hắn, bẻ nhánh cây bên đường làm gậy chống đi tiếp. Mưa lớn mà trời vẫn nắng, cái kiểu vừa ướt mưa vừa ấm áp cũng không tệ lắm! Mai liếc nhóc đi trước một đoạn thì đứng lại dậm chân chờ cô mà buồn cười! Tuy hắn không đủ kiên nhẫn nhưng cũng không bỏ mặc Mai mà chạy trước, cũng tạm được!
Đi được hơn nửa đường thì mưa tạnh, ánh mặt trời rạng rỡ hơn, đường vẫn nhão nhẹt trơn trợt nên đến giờ tỵ cô mới về nhà. Vĩnh ca thấy Mai thì chạy đến nắm tay cô hỏi:
– Lạnh không? Có té không?
– Muội không sao.
Mai để mặc a Báo nhăn mặt đứng đó, đi vào trong nhà thay quần áo, thân thể này vẫn gầy nên sợ lạnh, phải cẩn thận không để bệnh. Lúc Mai vào bếp thì hai anh em đã ngồi trên sạp tre uống nước mật ong gừng ấm nóng, có vẻ rất thỏa mãn.
La Hùng đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà, cảm thấy rất thoải mái. Bếp lửa tí tách làm không khí ấm áp hơn. Trong lòng bỗng dâng lên cảm giác thân thiết. Thất thúc ngồi đối diện nói:
– Ta không thể nhận gà, thỏ này được. Ngươi đã mang gà con về dùm là quý lắm rồi.
– Không sao, đem về nhà cũng không còn tươi, huống hồ nhà ta muốn ăn sẽ đi săn về, trong rừng có nhiều.
Thất thúc nói Cúc tỷ gói đường, mật ong và gừng cho Hùng huynh, còn nói cách pha nước mật ong gừng cho hắn. Hắn nhận đường và gừng, nói là mật ong nhà hắn có. Hắn xin một ít muối; đúng rồi, nhà hắn gần rừng nên thường thiếu muối.
Đã qua giữa giờ tỵ mà La Hùng vẫn chưa muốn về. Hắn hỏi thất thúc đủ chuyện. Còn a Báo đã đứng dậy theo mấy đứa con trai ra xem chuồng gà, xem vườn rau. Tiếng cười nói ha ha của mấy đứa nhóc vang vang.
Sao Mai có cảm giác dẫn sói về nhà. À mà con sói này lợi dụng thời cơ vào nhà chứ! Mà còn giả bộ làm con sói tốt bụng nữa!