Nương và ngũ cô chọn nếp ngon chuẩn bị nấu xôi gấc cúng chùa. Ngày mười lăm tháng giêng là Rằm Thượng Nguyên hay Tết Nguyên Tiêu. Ngày Tết này được tổ chức tại các chùa người Việt, người Hoa và người Chân Lạp nên nhà nào cũng chuẩn bị mâm lễ. Đặc biệt ngày này là ngày hội của các chàng trai cô gái, thiếu nữ thanh tân được phép ra ngoài đi dạo cảnh chùa, xem đốt lồng đèn mà không sợ tai tiếng, dị nghị.
Hân ca nói năm trước chùa lớn ở Cần Vọt tổ chức rất náo nhiệt. Nam nữ thanh niên nhảy múa thâu đêm, tiếng trống tiếng chiêng rộn ràng khắp nơi.
– Năm nay ca không đi nữa sao?
– Không, ở đây cũng có chùa mà.
– Chắc không có nhộn nhịp như ở Cần Vọt.
– Ừ, không sao, ta lớn rồi, ở đâu cũng được.
Phải không đó? Nghi ngờ của Mai càng lớn, Hân ca rất ham vui, thích náo nhiệt. Sao giờ lại không muốn đi chùa lớn ở Cần Vọt chứ? đáng nghi lắm!
Lễ hội của người Chân Lạp phần lớn tổ chức tại chùa chiền, tụ tập hầu hết người dân trong làng trong sóc. Bản tính người Chân Lạp thích múa hát và sùng đạo nên các lễ hội luôn náo nhiệt và rất được coi trọng. Họ thích hát múa tập thể, ăn mặc rất đẹp. Quần áo trang sức dành cho các ngày lễ hội rất đặc sắc, cầu kỳ và tỉ mỉ. Họ thích dùng các loại mùi hương lấy từ hoa, vỏ cây. Ngày lễ hội sẽ có đủ thanh, sắc, hương.
Nam thanh nữ tú cùng nhảy múa, ca hát chung. Thậm chí nữ giới còn được khuyến khích học múa hát, cô gái nào múa đẹp hát hay sẽ được ca tụng. Ở mỗi vùng họ đều tổ chức các lễ do các cô gái đồng trinh đại diện dâng lễ. Những cô gái này được tuyển lựa rất kỹ, phải đẹp, hát hay, múa giỏi.
Người Việt, người Hoa theo đạo Khổng Nho nên lễ nghi bó buộc hơn, đặc biệt là nữ giới. Tiểu thơ nhà quan lại đều được cho học cầm kỳ thi hoạ nhưng không khuyến khích trình diễn ở chốn đông người. Kiểu như học ‘cho biết’ vậy thôi, có biểu diễn cũng trong phạm vi hẹp và ‘đối tượng’ xem cũng hạn chế. Giống như đồ thêu của tiểu thơ lúc còn con gái thì chỉ thêu cho cha, nương hoặc anh chị em trong nhà. Đến lúc lấy chồng thì chỉ thêu cho chồng con; không cho phép truyền ra bên ngoài.
Làng Đông Hồ dân cư vẫn còn ít, nghèo khó cộng thêm chỉ có tịnh xá nhỏ nên Tết Nguyên Tiêu sẽ không náo nhiệt như các nơi khác. Nghe nói tịnh xá trên sườn núi Tô Châu bên kia sông lớn và náo nhiệt lắm.
Mai theo nương đến chùa dọn dẹp, làm đèn lồng từ nan tre. Có nhiều nhà cũng đến, chuẩn bị nếp, mâm tre, mâm gỗ, hoa quả, nhang đèn. Cây mai vàng đã nở rộ hôm Mùng tám đến nay đã tàn, chồi lá xanh mướt. Sư ông chọn một cành đẹp cắm trên gian thờ chính. Mai được sư ông cho hai cây cao hơn đầu gối ở gốc sân, đến đầu mùa mưa thì đào gốc mang về trồng.
Lúc đan đèn lồng, Mai nói nương mang về nhà làm, có ngũ cô và Cúc tỷ giúp sẽ nhanh hơn. Nhà Mai nhận làm hết ba mươi sáu đèn lồng này.
Trong lúc người nhà đan đèn, Mai ngồi bên cạnh vẽ lên bảng gỗ hình các chụp đèn cầy. Đèn dầu ăn là những cái chén rộng miệng, thấp. Có tim đèn bằng sợi vải, dầu ăn đậm đặc nên chỉ có thể đốt bằng tim vải ngắn, tim dài quá không dùng được.
Mai muốn dùng ống trúc đổ đèn cầy. Mỗi đốt trúc chiều dài cũng vừa phải. Chỉ là phải mài mặt trong ống hoặc có lớp lót để đèn cầy phẳng mặt đẹp, không bị bọt. Lồng đèn như ngũ cô đang làm dùng trong nhà thì được, nhưng xách theo ra đường sẽ dễ bị gió thổi tắt.
– Nương ơi, vải nào giá rẻ nhất?
– Vải bố, con muốn làm gì?
Vải bố không xuyên sáng được, chỉ có thể dùng vải lụa hoặc giấy mỏng. Mai nhớ đến những cái đèn lồng ở Hội An, lung linh sắc màu thật lộng lẫy. Nếu có thuỷ tinh thì tốt quá rồi. Trước mắt chỉ có thể làm đèn dùng trong nhà.
– Cô, cô đan cho con hai cái đèn theo mẫu này.
Mai chỉ ngũ cô cách xem và ước lượng chiều cao, rộng của đèn. Mẫu một là hình tròn xoay giống cái nôm cá, mẫu hai giống bình hoa không có đáy.
– Cái này nếu đốt đèn sẽ cháy nan tre đó.
Ngũ cô rất nhanh nhìn ra chỗ không đúng, – Dạ, con tính làm mẫu đưa lò gốm làm bằng đất sét.
– À, vậy thì được.
Chụp đèn dùng trong nhà làm bằng đất sét rất tiện lợi. Mỗi nhà chỉ mua vài cái chụp, đèn cầy hết thì mua gắn vào. Giá của đồ gốm thô không cao lắm, người nông dân vẫn mua được. Buổi tối dùng thử chụp đèn, ánh sáng toả ra thành những vệt dài hắt lên vách mang lại cảm giác mờ ảo. Tuy nhiên đèn không đủ sáng để học đọc hay viết chữ, nhưng không lo bị tắt, không chập chờn.
Chất lượng không cao làm Mai nhíu mày, người nhà lại hân hoan. Đốt nhà trên một cái đèn, nhà dưới một cái đèn thì ban đêm trong nhà trở thành không gian ấm áp, vui vẻ. Được một lát thì bầy thiêu thân lao vào và hy sinh thành từng lớp phía dưới chân đèn.
Muốn làm và bán đèn này cần bỏ ra chút vốn, mua sáp ong, đặt làm chụp đèn gốm. Cha nói chợ phiên sau ngày rằm sẽ đi đến lò gốm ở làng trong. Một năm này có vẻ bận rộn hơn rồi.
Tết Nguyên Tiêu luôn có không khí rộn rã hơn Trung thu. Một phần vì mùa nắng, trời khô ráo không lo mưa. Một phần là vụ mùa đã xong, năm mới vừa đến, ai cũng muốn vui vẻ những ngày đầu năm để cả năm may mắn. Đèn lồng thắp lên làm sáng cả gian thờ. Bên ngoài cắm hàng đuốc do mấy thanh niên trong làng làm. Nhà cửa xung quanh cũng đốt đuốc, đốt lửa ở sân. Ai ở nhà thì ăn vội chén cơm để đi lễ, ai ở chùa phụ giúp cũng vội bày biện gọn gàng.
Trời vừa tối, sư ông gõ chuông cho hồi kinh như mọi ngày. Trong gian chính mọi người đều ngồi chắp tay nghe đọc. Giọng sư ông trầm, nhịp nhàng theo tiếng mõ thanh thanh. Bên ngoài bắt đầu có người đến. Có người mang đèn lồng nhà làm, nhang, hoa quả chờ sư ông dứt hồi kinh tối thì tiến vào chánh điện cúng dường, đốt nhang khấn vái.
Ngày thường mọi người lo việc đồng, việc nhà ít có dịp tụ tập. Hôm nay đa số đều viếng lễ chùa nên phá lệ đông đúc. Người lớn tuổi thì chào sư ông, trò chuyện vài câu, đốt nhang lễ Phật rồi về. Người trẻ tuổi và con nít thì ríu rít cười đùa, đi vòng quanh các gian thờ, sân trước nhìn ngắm. Mấy gốc lài toả hương thanh khiết, vài vòng hoa lài được kết thành vòng cổ, vòng tay.
Mặt trăng lên đầu ngọn tre là lúc con đường từ chùa ra ao sen sáng ánh đuốc, lá sen xanh mướt dập dờn gợn sóng. Trên con rạch rẽ vào làng có hai chiếc ghe lớn, sáng ánh đèn. Xung quanh đây chỉ có nhà phú hộ Từ giàu có như vậy. Mọi người đều ngưng chuyện đưa mắt nhìn về phía hai chiếc ghe.
Con người ở thời nào cũng có óc tò mò, luôn muốn biết chuyện của người khác. Mai cũng muốn biết cuộc sống của các vị tiểu thơ, công tử nhà giàu là như thế nào.
– Từ tiểu thơ đó suốt ngày chẳng cần làm gì sao? Như vậy rất buồn.
Mai vừa nói xong đã nghe mấy tiếng phì cười, Ngọc tỷ đứng gần đó bĩu môi nói:
– Người ta có người hầu hạ, không động móng tay. Làm gì mà buồn, sung sướng vui vẻ thì có.
– Tỷ không phải tiểu thơ cũng không cần động móng tay mà,
Là tiếng của một cô nương lạ mặt Mai không biết tên.
– Ta, ta … sao biết ta không động chứ.
Vậy là thật rồi. Nghe tứ Mi nói Lưu tam bá mẫu đang tìm mối cho Ngọc tỷ. Tam bá mẫu còn bắt chước nhà giàu không để Ngọc tỷ làm gì cả, sợ chân thô tay thô không tìm được nhà chồng tốt. Trước đây Ngọc tỷ ở làng chài, da không khỏi ngâm đen vì nắng. Mới mấy tháng đã khác nhiều, làn da mịn màng, tóc dài tha thướt. Hôm nay tỷ ấy mặc áo xanh nhạt, mắt to đen láy cài mấy chùm hoa lài trắng nhìn rất sống động, thanh tân. Chỉ là Ngọc tỷ có đôi môi hơi dày, làm cả gương mặt thêm mấy phần quyến rũ mất mấy phần trong sáng.
Nhà Lưu tam bá đông người, việc bếp núc không ít. Mai thấy Lưu tam bá mẫu hay đi chợ phiên, rồi đi quanh mấy nhà trong làng. Giờ Ngọc tỷ không làm việc nhà nữa. Vậy việc nhà đều là con dâu lớn làm? Trời, đúng là bận tối mặt mũi rồi.
Nếu như truyền ra ngoài Ngọc tỷ không đảm đang, giỏi giắng thì các nhà làm nông đâu dám hỏi cưới. Mà chắc Lưu tam bá mẫu không muốn gả Ngọc tỷ cho nhà nông rồi! Vậy muốn gả cho nhà ai? Phú hộ Từ bên kia? Mai nhìn về phía hai chiếc ghe sáng đèn xa xa.
Tương huynh đang đi cùng mọi người thì tách ra, tiến về hướng đường làng. Lúc nãy là huynh ấy cười Mai sao. Huynh ấy có qua lại chở đồ nhà phú hộ chắc cũng biết không ít việc ở nhà đó.
Tiếp đó là tiếng bàn tán xôn xao, nhóm thì nói xem nhà phú hộ đến mấy người, có tiểu thơ, công tử hay lão phu nhân hay không. Nhóm thì nói năm nay trúng mùa, nhà phú hộ nên đến trả lễ thần Phật, trời đất.