Mục lục
Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Gần đến rằm tháng chạp mà sư ông chưa về. A Vĩnh và hai nhóc cháu Dương ông vẫn mỗi ngày quét dọn và đốt nhang lễ Phật.

Ruộng bắt đầu cạn nước, đất ẩm ướt là chỗ thích nhất của ếch nhái, cua đồng. Mấy đứa nhỏ trong làng sáng chiều đều mang đục ra ruộng bắt ếch. A Phúc cũng xách đục theo An ca, Vĩnh ca chăn vịt, vừa tranh thủ đào hang bắt cua dọc bờ rạch. Mùa này nước rút, vịt hoang đã di cư về rừng ngập nước miệt Cà Mau.

Nhà Dương ông dặn nương một cặp vịt làm cơm cúng ngày ba mươi. Bây giờ mọi người mới thấy nhà Mai nuôi vịt thật tốt, có thể bán kiếm thêm ít tiền dịp Tết, trong nhà làm mấy món thịt cho mấy đứa nhỏ ăn.

Tiếng đồn nhà Mai có đàn vịt nuôi mập mạp lan xa, nhà phú hộ nhờ Tương huynh mua giúp năm cặp vịt. Tương huynh lại cao thêm một khúc, gương mặt cười sáng rỡ, được nhờ mua giúp mà vui vậy sao?

Mấy ngày tháng chạp, nhà Hùng huynh cũng đi săn cả ngày, mấy ổ gà con, trứng cũng nhiều. Hùng huynh chọn gà con khoẻ mạnh, trứng đẹp mang thẳng đến nhà Mai, còn đi ra chuồng gà xem, nói chuyện phiếm một lát mới về.

Ngũ cô đang ngồi trên sạp tre nghe nương chỉ cách chọn trứng gà để ấp, trứng tròn đều, không bị trầy xướt. Trứng gà đẻ ở nhà, mua thêm của anh em La Hùng nữa được hơn sáu mươi trứng đủ một lò ấp. Ngũ cô lần đầu làm cái này, không khỏi tò mò, nâng niu mấy cái trứng nhỏ như sợ có con gà nhỏ sắp nở ra.

Lò ấp được đốt lên, một lứa gà con bắt đầu.

Trăng rằm tháng chạp không lạnh lẽo mà mang theo niềm vui lan toả trong không khí. Mỗi nhà đốt đống lửa lớn ở sân, cùng nhau làm nốt mấy việc trong ngày. Đám con nít thì xin cha nương khoai vùi vào đống lửa, xâu mấy con tôm nướng trên than hồng. Còn có mấy con vọp lớn cỡ bàn tay cũng được nướng trong than. Mấy nhà có người nhà ở biển có thêm mực nướng thơm lừng.

Nương, ngũ cô và Cúc tỷ lau lá chuối đã phơi lúc trưa, xếp lại từng xấp, cái này là chuẩn bị gói bánh tét. Năm nay nương gói hai loại nhân, nhân ngọt là chuối chín và nhân mặn là đậu xanh mỡ. Nương định gói nhân ngọt trước, cái này cúng dường tịnh xá nên sợ lẫn với nhân mặn.

Ngày hai mươi tháng này là cúng tổ nghề mộc. Cúng xong thì thất thúc, Hân ca về nhà nội. Cha cũng dọn dẹp đồ nghề, nghỉ làm đến qua Tết hết mùng mới làm tiếp. Còn mấy ngày cha cố làm xong chiếc ghe thứ năm để nhà dùng, chở cả nhà đi chợ Tết.

Mấy ngày chợ phiên từ đầu tháng chạp đã rộn ràng. Người nông dân có lúa gạo đầy bồ trong lòng vui vẻ gặp nhau chào hỏi rôm rả.

Chợ phiên ngày mười chín, nương và ngũ cô đi chợ Sông Lớn bán vịt, dầu, đường cùng với Lưu bá mẫu. Mai và An ca đi bán ở chợ làng, có a Phúc đi theo. Ba đứa nhỏ chống ghe lường men theo rạch. Sương sớm mang hơi lạnh, gió hiu hiu thật thích, làm tinh thần rất thoải mái.

Lúc trước làng chỉ có mười mấy nóc nhà, giờ đã nhiều hơn. Dương ông nói đã có gần ba mươi nhà trong này. Nhà Nguyễn bá và cụm ba nhà chỗ nhà Mai, cách một khoảng về phía Bình San có mười nóc nhà nữa. Làng Đông Hồ trở nên đông đúc hơn trước.

Hôm nay trong chợ rất nhộn nhịp, chỗ bày bán chen chúc. A Báo từ xa thấy mấy đứa đã ngoắc tay gọi lớn. Nhà hắn sao đến chợ sớm hơn mọi lần. Sau lưng a Báo ngoài Hùng huynh còn có bà lão lưng hơi còng, gương mặt có nhiều nếp nhăn nhưng rất sắc nét, cương nghị. Mai chưa gặp cha a Báo, nhưng gương mặt hai anh em hắn thừa hưởng từ bà lão này, sống mũi thẳng cao, cằm vuông cương nghị, xương quai hàm sắc gọn.

Mấy đứa nhỏ khoanh tay thưa bà, là bà nội a Báo. Bà hơi cười gật đầu. A Báo nhanh nhẹn giúp bày hàng, vừa làm vừa hỏi:

– Sao đệ không mang con Mực theo chơi?

– Nó không chịu nằm yên. Đệ sợ nó rớt xuống sông.

– Trời, nó lội rất giỏi, sợ gì?

– Thật? Đệ chưa dạy nó mà.

– Hắc, hắc, đâu cần dạy, nó tự biết, đệ cứ quăng nó xuống nước rồi xem.

– Hả?

Mấy đứa nhỏ vui vẻ nói chuyện con Mực, giọng a Báo rất ‘kẻ cả’. Nhà hắn nuôi con Vện từ nhỏ nên hắn rất rành. Thấy An ca và a Phúc ‘lơ mơ’ hắn rất khoái chí chỉ bảo. Mai thấy bà lão nghe tụi nhỏ nói chuyện gương mặt cũng giãn ra, ẩn hiện ý cười. Nhà họ La sống ở lưng chừng núi, cách phía chân núi gần nửa canh giờ mới có nhà nên ít người qua lại. Con nít có bạn bè nói chuyện, cãi nhau mới tốt.

Hết chuyện con Mực lại đến chuyện gà con và trứng gà. Nhờ có nhà Mai mua mà a Báo bán được gần hai quan tiền gà con và trứng. Hắn tất nhiên là hăng hái, tiếp theo ‘chỉ bảo’ An ca, a Phúc tập quán, thói quen của gà rừng.

Chợ đông người hơn, Hùng huynh nói với bà nội hắn:

– Nội đi mua đồ đi, con ở đây bán.

– Ừ.

Nói rồi bà xách giỏ đệm đi đến khu bán lúa gạo, gia vị. Mai cũng muốn đi xem, dù sao chưa bao giờ thấy chờ nhộn nhịp như vậy. Chợ Sông Lớn chắc còn náo nhiệt hơn, thật là mong đợi.

– Muội đi chơi đi, ca bán cho. Chợ đông người coi chừng bị chen té.

An ca rất hiểu ý nói.

– Đệ đi với, a Báo, huynh đi không?

A Báo ra vẻ chợ có gì mới lạ đâu, rồi cũng bước ra, còn lầu bầu nhăn nhó nói:

– Cũng đâu có đông lắm, chợ Sông Lớn còn đông hơn.

Nói là nói vậy chứ hắn cũng tò mò hết xem chỗ này lại chạy chỗ kia. Chỉ là lúc nào cũng đi gần Mai, giống như ‘hộ vệ’ sợ cô bị người ta chen lấn té. Mai buồn cười không nói.

Ngoài những món ngày thường, có mấy sạp mới bán món đồ dùng cho ngày Tết. Câu đối mực đen viết trên giấy đỏ dùng dán trên hai cột giữa nhà. Bình rượu gốm dán chữ Phúc, chữ Thọ ở thân bình. Có xấp giấy hình bát quái, hình ông ba mươi, các hoa văn khác.

Mai nhìn hai chữ viết to trên tờ giấy đỏ hình vuông, phía dưới có hình vẽ giống con mèo cách điệu nhìn có vẻ dữ dằn. Mai bước đến hỏi ông lão bán hàng.

– Chữ này là gì vậy ông?

Ông lão nhìn xấp giấy nói:

– Là Kỷ Mẹo, con mèo đó cháu.

– Ông bán bao nhiêu?

– Ba mươi văn một cặp.

A, mắc quá. Người ở đây ít để ý thời gian, họ tính bằng năm, theo mùa chứ không để ý từng giờ từng phút như hiện đại. Chính vì vậy cuộc sống trôi qua thư thả, không cảm thấy công việc ‘dí’ sau lưng. Mai vẫn còn tâm lý người hiện đại là cần biết ngày nào, thứ mấy, năm mấy nên cô rất muốn tờ giấy ghi nhớ năm Kỷ Mão này, chỉ là hơi mắc tiền.

Lúc Mai đang tính xem có mua hay không thì thấy Tùng huynh đi đến cùng một vị bá mẫu dáng người hơi mập, là nương của huynh ấy. Chắc họ muốn mua câu đối và giấy tiền cúng ngày ba mươi. Nguyễn gia là nhà giàu có nhất trong làng, chỉ không bằng nhà phú hộ Từ ở làng trên thôi.

Sạp bán đồ gốm rất đông người xem, nhà nào cũng muốn mua thêm chén, dĩa, chậu hoặc nồi để nấu nướng cúng tổ tiên. Có mấy bộ bình trà sáu ly nhìn rất đẹp, đất nung già màu nâu đỏ hơi sậm, tay cầm uốn lượn hoa mỹ.

Cách mấy sạp đồ gốm là sạp đồ đá bán các đồ dùng bằng đá. Cối xay đá, Mai rất nhớ mấy món hủ tiếu, mì, còn bún gạo xạo nữa, chỉ là ở đây không có bột xay nhuyễn bán sẵn. Lần trước nương làm bánh ú cúng Tết Đoan ngọ phải ngâm gạo nếp qua đêm rồi bóp nhuyễn rất mất công mà cũng không nhuyễn được như bột.

Giá của một cái cối xay lớn là ba quan, cỡ nhỏ hơn chút thì hai quan.

Cũng may là mình không có tiền. Nếu không nãy giờ cũng hết, cái gì cũng muốn mua.

– Tỷ muốn mua mấy cái đó sao?

A Phúc đi theo thấy Mai hỏi giá món này món khác hỏi.

– Ừ, mà giá mắc quá, giờ nhà mình chưa có tiền. Đợi gà lớn mình bán có tiền, mua cái cối xay đó về nương làm bánh ăn rất ngon.

A Phúc chưa được ăn mấy món bún hay mì nên không biết mấy món đó ngon như thế nào. Có điều tỷ nói ngon thì chắc đúng như vậy. Trong lòng hắn lục tỷ là nhất.

– Ta có tiền, đủ mua cái cối xay nhỏ. Ngươi thích ta mua cho ngươi, không cần đợi gà lớn.

A Báo phía sau lên tiếng, Mai giật mình quay lại nhìn:

– Ngươi có nhiều tiền vậy à?

– Là tiền bán gà con và trứng ngươi mua đó. Bà nội nói tiền đó là của ta, nội để dành cho ta muốn mua gì thì mua.

A Báo đắc ý nói, bà nội đang giữ tiền dùm hắn. Hắn kiếm được rất nhiều tiền. Mấy đứa con trai dưới chân núi không kiềm được nhiều như hắn đâu.

– Ngươi không muốn mua gì sao?

– À, … Không, bây giờ chưa cần lắm.

A Báo có vẻ lúng túng, Mai mỉm cười nhìn hắn. Xem ra hắn để dành tiền muốn mua cái gì đó, là cái gì ta? Tại sao giờ lại muốn cho nàng tiền để mua cối xay đá. Hắn cũng hào phóng quá, đúng là con nít tốt tính. Thấy Mai mỉm cười nhưng cũng không nói là nhận tiền của hắn mua cối xay, hắn vội vã nói:

– Không sao, qua Tết ta đi săn nữa, để dành thêm tiền mua cung tên sau.

– A, huynh muốn mua cung tên sao?

A Phúc nhanh nhảu hỏi. Đối với chuyện săn bắn của nhà a Báo, mấy đứa con trai luôn háo hức muốn biết. Thấy mình nói hớ, a Báo hơi ngượng nhưng rất nhanh quay qua nói tiếp với a Phúc ‘lợi hại’ của cung tên. Đúng là hắn muốn để dành tiền mua cung tên, cha nói đợi hắn săn thú thành thạo sẽ mua cung tên cho hắn. Nhưng nếu tự mình có tiền mua sớm một chút càng tốt. Lúc nãy thấy Mai nhìn bộ đồ uống trà, cối xay đá rất lâu, rất thích làm hắn phân vân. Miệng còn nhanh hơn hơn suy nghĩ nói là cho cô tiền mua, nói xong hắn cũng hơi tiếc, nhưng mà không sao.

Mai làm sao lấy tiền a Báo. Ba đứa nhỏ đi xem đủ thứ nhưng không mua gì. Lúc quay lại chỗ Hùng huynh và An ca thì hai người đã bán hết rồi. Bà nội a Báo cũng mua đồ xong, cái giỏ đệm căng phòng đặt phía sau. Xem chương mới tại dienvan.space

– Ta còn định đi tìm các ngươi,

A An đặt túi tiền vào trong ngực áo thấy bọn nhỏ nói. Hai nhà chào nhau rồi đi theo hai hướng về nhà

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK