Trăng tròn treo lơ lửng trên ngọn tre, tiếng chim tu hú kêu xa xa. A Phúc lắng tai nghe hỏi nương:
– Chim gì kêu vậy nương? ở nhà mình không có.
– Ừ, chim tu hú.
Bà ngoại ăn cơm xong, đang ngồi nhai trầu, đưa tay ngoắc a Phúc. Hắn bưng chén canh húp hết rồi chạy lại ngồi kế bà.
– Cháu nghe tiếng nó kêu không? Tu …. hu…hú.
Thấy a Phúc lắng nghe tiếng chim xa xa, bà ăn thêm miếng cau rồi kể chuyện sự tích con tu hú. Mai ăn cơm xong cũng ngồi gần nghe bà kể. Hơi khác chút so với truyện ở hiện đại.
– Sau này làm chuyện gì cũng cần sự kiên nhẫn, ông bà có câu ‘dục tốc bất đạt’ nhớ nghe.
Mấy đứa nhỏ cái hiểu cái không gật gật đầu. A Duyên chắc đã nghe mấy lần rồi, không chăm chú như a Phúc mà nghĩ nghĩ rồi nói:
– Ông sư đó nghe hiểu tiếng chim nên bị biến thành chim. Sau này cháu chỉ học tiếng người thôi, chắc chỉ làm người.
Ha ha, thì ra hắn nghĩ lâu vậy là nghĩ chuyện này.
Từ đầu năm đến giờ nương về nhà ngoại hai lần, làm ông bà ngoại rất vui vẻ. Sáng sớm nương dậy cùng bà ngoại vo gạo nấu cơm, giống như mười mấy năm trước con gái còn ở chung, hai người nhỏ giọng nói chuyện nhà. Nhìn cảnh ấy, Mai không khỏi xúc động, trong mắt cha mẹ con cái luôn còn nhỏ dại.
Mấy đứa nhỏ vừa ăn sáng, vừa nói chuyện sôi nổi. Hôm nay là chợ phiên trấn trên, mấy đứa sẽ đi bán tổ ong do nương mang đến xong thì được đi chơi vòng quanh trấn luôn. Thất thúc, a Vĩnh và a Phúc là lần đầu tiên đi nên rất háo hức. Hai đứa nhóc cứ thì thầm nói chuyện, a Duyên khoa tay múa chân kể đủ chuyện trên trấn mà hắn biết cho a Phúc.
– Ăn no mới được đi,
– Dạ.
Bà ngoại ‘dằn’ làm mấy đứa nhỏ ráng ăn hết cơm, đồ ăn trên bàn. Mợ hai và nương đang coi lại mấy tổ ong, xếp vô giỏ đệm từng cặp bình đất.
– A Mai thiệt hay, đi một chuyến lên trấn đã kiếm mối bán rồi. Người lớn chúng ta đi tới lui bao nhiêu bận mà đâu có nghĩ ra.
Mợ hai vui vẻ nói, còn kể chuyện Mai ba hoa với chưởng quầy dược liệu nữa. Nương liếc Mai nói:
– Cũng không biết giống ai!
Lúc dì dượng năm xuống Đông Hồ nhận đèn cầy, Mai đã nhắn mang mấy tổ ong lớn, ngon lên bán làm cha nương ngạc nhiên. Đúng là không nghĩ ra Mai tìm người mua nhanh vậy. Dì dượng năm cũng cười nói không biết sao mình không nghĩ bán cho tiệm dược liệu chứ, không nhanh nhạy nữa rồi!
Chiếc ghe chở tám chín đứa nhỏ, mấy giỏ đệm mật ong, còn hai rổ đựng bình nước, khoai, cơm, cá khô mang theo. Cậu hai nhét vô tay Mai mấy văn tiền; nương cũng đưa túi tiền cho thất thúc dặn dò. Có thức ăn, được mang theo tiền, được đi chơi cả ngày hôm nay làm đứa nào cũng háo hức.
Thất thúc, Hữu ca và Bình ca thay phiên nhau chèo ghe lên trấn. Mặt trời sắp lên rồi. Giờ đến chợ phiên thì cũng gần vãn, nhưng mà tụi nhỏ cũng thấy không sao. Vốn chỉ đi xem chợ cho biết, không cần mua đồ gì nên đi trễ không sao. Cái chính là được đi vòng vòng trong trấn, nhìn mấy cửa tiệm lớn, nhà ngói đỏ ngói xanh của phú hộ.
– Lần trước ta còn thấy xe ngựa nữa đó. Con ngựa lông đen huyền, cao lớn.
Nghe Hữu ca nói, mấy đứa càng ngóng nhìn về phía trước, mong mau đến trấn. Nắng sớm xuyên qua màn sương tạo ra đủ sắc màu. Mấy con chim dậy sớm nhảy nhót trên cây tìm thức ăn, ríu rít nói chuyện cùng nhau.
Đúng là chợ phiên sắp vãn rồi, chỉ còn vài người khách mua vội đồ. Bến ghe còn gần chục chiếc đang neo. Mai trả hai văn cho lão ông trên bến.
– Nhà con đi bán đồ, xế mới về lấy ghe được không?
Lão ông nhìn một đám đứa nhỏ đang xách mấy giỏ đệm gật gật nói:
– Được, nhà ta ở kia, xế đến đó lấy ghe.
– Dạ, đa tạ ông.
Đi một vòng xem chợ, rồi rẽ vào đường lớn trong trấn. Hai bên đường là những ngôi nhà tương gạch, mái ngói khang trang. Có nhà sân lớn cổng vào là hai trụ gạch xây lớn, bảng hiệu sơn xanh, sơn đỏ. Theo con đường lần trước, vòng qua ngã này là đến cửa tiệm dược liệu.
Bên này vẫn còn ba người chờ khám bệnh. Mai bước vào trong chào chưởng quầy. Ông ngẩng đầu thấy một đám lố nhố con nít hơi giật mình, nhìn thấy tiểu cô nương lần trước dẫn đầu đang cười giải thích:
– Hôm nay chợ phiên, ông bà cho phép tụi cháu lên chợ chơi. Cháu cũng mang theo tổ ong, bá bá xem đi. Nghe Mai nói thất thúc và Bình ca để bốn giỏ đệm xuống, lấy từng bình đất ra, mở nắp cho chưởng quầy xem. Ông ấy lấy cây đũa gỗ từ trong quầy ra thử mật ong từng bình. Đúng là mật tốt, lấy từ rừng trong kia, hương vị không sai. Ông không khỏi nhìn kỹ lại mấy đứa nhỏ, quần áo tươm tất, không mới không cũ. Trong rổ có mấy thức ăn mang theo; đúng lời tiểu cô nương này nói là đi lên trấn này chơi; đồ ăn để dành ăn dọc đường. Gia cảnh chắc không tệ nhưng không phải nhà phú quý, nhưng dám giao chuyện mua bán lớn này cho mấy đứa nhỏ, cũng thiệt là lạ.
Tám bình mật này bán được tám quan, là số tiền lớn đối với nhà thường dân nên chưởng quầy ngạc nhiên cũng đúng. Ông nghĩ là vậy nhưng không trì hoãn, vào trong mang tiền ra. Từng xâu tiền được Mai đếm cẩn thận, mỗi xâu một trăm tám mươi văn là nửa quan, ba quan cũng mất gần một khắc mới đếm xong và một đỉnh bạc là năm quan.
Cất xong tiền Mai cảm ơn rồi hỏi.
– Bá còn muốn mua nữa không?
– Còn, có loại tốt giống này thì mang đến cho ta.
– Dạ được, nhất định.
Hẹn thời gian hơn tháng nữa mang thêm xong, Mai và mấy đứa nhỏ chào rồi đi ra. Lúc đi khuất khỏi tiệm, mấy đứa đều vui mừng hớn hở, a Cơ hít hà nói:
– Muội hay thiệt, đếm tiền nhanh như vậy.
– Phải đó, nếu là đệ, đệ không đếm được.
Hữu ca cốc đầu a Duyên nói:
– Còn không biết ráng học.
Thất thúc đưa tay lên miệng suỵt, ra dấu nói nhỏ thôi. Dù sao đang ở trên đường, không thể lớn tiếng cho người khác biết tụi nó đang giữ nhiều tiền. Mai chỉ quán nước gần đó nói:
– Khát nước chưa, ghé đó ngồi chút đi.
– Ừ, đi đi.
Quán nước là mấy cái bàn ghế gỗ cũ đặt dưới bóng hai cây cổ thụ rậm rạp xanh mát. Cách một khoảng là cổng vào ngôi nhà nhỏ. Thấy có khách vào, một thiếu niên cỡ tuổi Hữu ca từ trong nhà đi ra hỏi:
– Huynh đệ uống gì?
– À, huynh bán cái gì?
Hữu ca nhìn nhìn quầy bên trong hỏi, đúng là không biết quán này bán gì. Phía ngoài có hai quài dừa; trên quầy là một rổ trái cam, quýt.
– Ở đây ta có nước trà nóng, nước dừa tươi, rượu gạo, rượu nếp, chè đậu xanh; còn có trầu cau tiêm sẵn.
Nghe thiếu niên kể một loạt cũng đa dạng, mấy đứa nhỏ uống nước dừa và chè đậu xanh; còn trà rượu gì đó bỏ qua đi.
– Rổ cam quýt này cũng bán hả?
– Ừ, năm văn một chục, nhà ta trồng đó, rất ngọt.
Thất thúc nhìn rổ cam quýt hơi lạ nên hỏi. Mấy loại trái cây này ở Đông Hồ chưa có ai trồng; ở đây thì có nhà trồng rồi. Cơ ca kéo tay áo thất thúc nháy mắt ra hiệu. Đợi thiếu niên vào trong nhà múc chè, Cơ ca nói:
– Gần nhà mình có trồng, về nhà đi ta đi xin cho thúc ăn, không cần mua.
Nhà ông bà ngoại có vườn trái cây, thất thúc mới đến hôm qua nên chưa kịp đi xem, nghe vậy gật đầu. Nếu nhà mình có thì đương nhiên không cần tốn tiền mua.
Trên đường thường có người qua lại, lúc nãy có chiếc xe bò đi ngang; nhưng mà tụi nhỏ đang trông mong thấy xe ngựa. Ngồi quán ven đường nghỉ chân, uống nước, ăn chè còn nhìn người qua lại cũng vui. Mai mang gói khoai, mực khô ra nhấm nháp.
Trời trưa rồi, tửu quán bên kia bắt đầu có khách, mấy đứa nhỏ nhìn hâm mộ. Người đến tửu quán ăn uống đều là người khá giả, xa nhà làm ăn hoặc công chuyện gì đó; là tầng lớp rất xa lạ với tụi nhỏ. Như Tương huynh đi chành hay dì dượng năm buôn bán cũng không ghé vào tửu quán ăn mà tự nấu nướng trên ghe hoặc ghé vào bãi đất trống nào đó nấu nướng thức ăn, nghỉ đêm. Cho nên nhìn thấy nhóm người ra vào tửu quán ăn mặc sang trọng, quần áo khăn đầu đủ màu nhìn vui mắt, đẹp ý.
– A Bình, phải hai người hôm trước không?
Nghe Hữu ca gọi, mấy đứa quay qua nhìn trước cửa tiệm dược liệu. Hai người đang đi vào chính là Đoàn Bằng bá và nghĩa đệ Hồ Lung gặp nạn chìm xuồng hôm trước. Hai người họ chưa rời khỏi trấn, chắc lưu lại trị bệnh cho Đoàn bá rồi.
Hôm trước nghe cậu hai nói riêng với ông ngoại chuyện tối hôm tai nạn. Đoàn bá tối đó ho rất dữ, cậu hai từ giường trong đi ra thì thấy Hồ thúc đang cho bá ấy uống thuốc, là thuốc viên từ trong bình sứ trắng nhỏ. Thêm việc hai người rất hào phóng trả tiền cho thợ lặn mò rương đồ, cậu và ông đều đoán hai người không phải là thương lái bình thường. Nhìn quần áo hai người mặc hôm nay, với thần thái trầm ổn càng thể hiện họ không phải dân thường.