Sáng sớm hôm nay, Uông Thiệu Quân còn chưa kịp ăn sáng đã tất bật lái chiếc xe tải nhỏ đi về quê. Hôm nay là ngày đại thọ 80 tuổi của mẹ ông, nên mọi thứ phải được chuẩn bị thật chu đáo.
Các món chính như thịt heo và rau dưa đã được ông đặt trước tại cửa hàng từ ngày hôm qua. Thêm vào đó, ông còn nhờ chủ lò thịt bên thôn mua giúp một lượng lớn thịt bò tươi ngon. Không quên chuẩn bị món cá, ông đã hẹn trước với một nhà nuôi cá trong làng để lấy vài con cá tươi.
Chiếc xe tải nhanh chóng được chất đầy rau củ và thịt thà. Trước khi rời đi, Uông Thiệu Quân hạ kính xe, cười hào sảng nói với chủ lò thịt: “Giữa trưa nhớ qua sớm nha, ăn chút hạt dưa nói chuyện tí!”
Chủ lò thịt, trên tay vẫn cầm con dao lớn, cũng vẫy tay đáp lại: “Cứ yên tâm, giữa trưa ghé uống với ông nào hết vài cân rượu thì thôi!”
Chiếc xe tải từ từ lăn bánh, tiếng cười sang sảng của Uông Thiệu Quân vang vọng, hòa vào không khí tươi mát của buổi sáng vùng quê.
Khi Uông Thiệu Quân về đến nhà, cả gia đình đang ngồi quây quần ăn sáng trong sân. Nghe thấy tiếng xe từ xa, con trai ông Uông Thanh, reo lên: “Ba về rồi!”
Ông đỗ xe ngay ngắn, thò đầu ra khỏi cửa sổ xe, hỏi vọng vào: “Thằng cha bên lò rượu còn chưa tới à?”
Vợ của Uông Thiệu Quân, Lý Nhuận Hương đặt đũa xuống, tiến lên giúp chồng dọn đồ từ trên xe. Bà trách yêu: “Người ta nói 9 giờ mới đến, bây giờ mới hơn 8 giờ thôi, còn sớm mà, có gì phải vội. Nhìn ông xem, cơm sáng cũng không thèm ăn đã vội chạy đi.”
Uông Thiệu Quân gãi đầu, cười hì hì: “Hôm nay là ngày quan trọng mà, tôi sợ làm chậm trễ việc gì.”
Mẹ của ông, bà cụ tuổi đã cao, đang chậm rãi ăn tô mì trường thọ mà con cháu nấu riêng cho bà. Răng bà đã yếu, nên chỉ có thể ăn từng sợi một cách chậm chạp.
Thấy con trai và con dâu lỉnh kỉnh dọn xuống biết bao nhiêu đồ ăn, thịt cá, bà cụ khẽ lắc đầu: “Mua nhiều chi vậy bây ơi, tốn kém quá.”
Uông Thiệu Quân quay lại, cười xòa: “Tiền kiếm ra để xài mà má? Với lại, trưa nay bà con trong thôn đến chúc thọ, mình không chuẩn bị tươm tất thì làm sao đãi họ được?”
Bà cụ vuốt nhẹ chén cơm trong tay, nghe xong thì gật gù: “Vậy thì phải làm sao cho mọi người ai cũng được ăn ngon.”
Đúng 9 giờ, đầu bếp mà Uông Thiệu Quân thuê đã có mặt. Hàng xóm, bà con thân thích xung quanh cũng lục tục kéo đến giúp một tay. Đàn ông thì khiêng bàn ghế, dựng rạp; phụ nữ ngồi túm tụm nhặt rau, rửa rau, trò chuyện rôm rả.
Ở quê, những dịp như thế này không cần phải mời thiệp. Nghe tin có việc vui, ai rảnh rỗi đều sẽ tự giác đến phụ giúp, coi như thói quen của làng quê.
Trong sân, thím Uông đang ngồi tước một rổ măng tây. Lý Nhuận Hương từ bếp đi ra, bưng trà mời mọi người. Bà đặt một cốc nước trà xuống trước mặt thím Uông, rồi hỏi: “Chị Phương, hôm nay thằng Dương có về không?”
Thím Uông mỉm cười, gật đầu: “Có chứ, bà ba đại thọ 80 làm sao nó không về được. Tối qua chị nói với nó rồi, nó bảo trước giờ ăn tiệc nhất định sẽ đến.”
Uông Thiệu Quân và chú Uông là anh em họ, nên hai gia đình rất thân thiết.
Nghe vậy, Lý Nhuận Hương lại hỏi thêm: “Thế còn cháu ông Uông thì sao hả chị? Lần trước Thiệu Quân ghé đưa đồ, thằng bé ấy còn gửi lại nào thuốc lá, nào bánh kẹo. Em nhận mà ngại quá chừng, thuốc lá thì quý lắm!”
Thím Uông bật cười: “Thằng Tễ ấy à? Nó ngoan lắm, hiểu chuyện nữa. Chị có nhắn với nó rồi, chắc chắn nó không quên đâu.”
Ở quê, những buổi tiệc mừng như vậy thường không cầu kỳ như trong thành phố. Không cần thiệp mời, chỉ cần tin tức lan đi là đủ. Bữa tiệc thường được sắp xếp rất thoải mái, bàn ghế kê tạm trong sân, ai đến thì ngồi, người ít thì bàn rộng, người đông thì chụm lại một chút. Điều quan trọng nhất là không khí rôm rả, vui vẻ giữa bà con xóm giềng.
Uông Tễ và Phù Tô cưỡi chiếc xe máy nhỏ đến nơi thì sân nhà Uông Thiệu Quân đã đông kín người. Vừa bước vào, cả hai lập tức trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn.
Vốn dĩ, hai khuôn mặt anh tuấn như vậy xuất hiện cùng lúc, làm sao không khiến mọi người chú ý?
Những người không quen mặt bèn xì xào với nhau, vừa cắn hạt dưa vừa trao đổi: “Nhà ai thế nhỉ? Tôi không nhận ra, hình như chưa gặp bao giờ.”
“Ờ, cao ghê, đẹp trai thế này, không biết đã có vợ chưa?”
Một người khác liếc nhìn kỹ, rồi reo lên: “Ơ, phía sau kia không phải là cháu nội nhà ông cụ Phù đấy à? Thằng bé từ nước ngoài về ấy, năm ngoái nhà nó sửa nhà, chồng tôi còn qua làm thợ, nó trả tiền hào phóng lắm!”
…
Trước ánh mắt tò mò của mọi người, Uông Tễ và Phù Tô tiến đến bàn tiền biếu ở ngay cổng.
Ở quê mỗi khi có tiệc lớn, chủ nhà thường đặt một chiếc bàn nhỏ gần cổng để khách ghi danh và trao tiền mừng. Hai người thân tín của chủ nhà sẽ được giao nhiệm vụ ghi chép số tiền biếu và tên của từng người.
Uông Tễ bước tới trước, đưa phong bì lì xì, rồi nói rõ tên mình.
Người lớn tuổi ngồi sau bàn ngước lên, ánh mắt kinh ngạc khi nghe thấy cái tên quen thuộc: “Nhà Thế Văn hả?”
Thế Văn chính là tên ông nội của Uông Tễ.
Uông Tễ gật đầu: “Vâng ạ.”
Người lớn tuổi chăm chú nhìn cậu vài giây, đôi mắt đục mờ lóe lên sự vui mừng: “Bây lớn thế này rồi, giỏi, giỏi lắm!”
Đến lượt Phù Tô, khi cậu nói tên mình, người lớn tuổi ngạc nhiên hỏi: “Bây là cháu nội nhà cụ Phù đấy phỏng?”
Phù Tô không hiểu câu hỏi, liền nghiêng đầu nhìn Uông Tễ. Uông Tễ mỉm cười giải thích: “Ông ấy nhận ra anh là cháu nội của cụ Phù, đang hỏi đấy.”
Phù Tô gật đầu, nhẹ nhàng đáp lại. Người lớn tuổi lại nhìn hắn thêm vài lần, rồi mỉm cười hài lòng: “Giỏi, giỏi lắm.”
Trao tiền biếu xong, cả hai tiến vào bên trong gặp bà cụ thọ 80. Bà cụ vừa thay bộ quần áo mới, đang ngồi trên ghế ở giữa gian nhà chính, vẻ mặt rạng rỡ. Uông Tễ dẫn theo Phù Tô tới chúc mừng, nói vài câu chúc thọ tốt đẹp.
Uông Tễ nói tiếng địa phương nên không gặp khó khăn, nhưng Phù Tô chỉ biết tiếng phổ thông. Tuy bà cụ không hiểu hết lời hắn nói, nhưng vẫn cười hiền hậu, bàn tay gầy guộc vỗ nhẹ lên tay hai người, ánh mắt đầy niềm vui và sự thân thiết.
Dù tuổi cao, bà cụ không nhận ra hết khách khứa, nhưng nhìn thấy đông đủ mọi người, bà vui mừng khôn xiết.
Bên cạnh, Lý Nhuận Hương tỏ vẻ ngạc nhiên, ghé sát thím Uông hỏi: “Ông cụ Phù nhà bên cũng gửi cháu trai đến à?”
Không phải bà không chào đón, mà vốn dĩ chỉ nghĩ rằng Phù Tô sẽ không xuất hiện ở một bữa tiệc làng quê như thế này.
Nghe vậy, mấy bà thím xung quanh cũng nhìn sang Phù Tô với vẻ tò mò.
Thím Uông cười, trả lời: “Nó tên Phù Tô, chắc thằng Tễ rủ cùng đến. Hai đứa nó thân thiết lắm.”
Sợ có người vì tò mò mà làm khó Phù Tô, thím Uông dặn thêm: “Thằng nhóc không hiểu phương ngữ quê mình, nên mấy bà nói chuyện với nó thì nhớ nói chậm một chút.”
Mấy bà thím xung quanh đều gật đầu thông cảm: “Ừ đúng, người ta từ nhỏ toàn nói tiếng nước ngoài với tiếng phổ thông, nghe không hiểu cũng phải thôi.”
Chào hỏi xong, Uông Tễ và Phù Tô rời khỏi gian chính, đi ra sân. Ở góc sân, Uông Dịch Dương đã ngồi từ trước, vẫy tay ra hiệu cho cả hai lại gần.
Uông Tễ kéo ghế ngồi xuống, đối diện thẳng với ánh nắng mặt trời. Phù Tô thấy vậy, liền kéo ghế của Uông Tễ về phía mình, nhẹ nhàng dịch cậu sang một góc mát hơn.
Uông Tễ hơi ngạc nhiên, quay sang nhìn Phù Tô, nhướng mày: “Sao thế?”
Phù Tô chỉ đáp ngắn gọn: “Nắng.”
Uông Dịch Dương sớm nghe mẹ mình kể chuyện về hai người kia, biết rằng hiện giờ Uông Tễ và Phù Tô khá thân thiết. Uông Tễ thậm chí còn đưa Phù Tô về nhà mình ăn cơm vài lần, khiến ba mẹ Uông Dịch Dương khi nhắc đến Phù Tô đều khen ngợi hết lời. Nhưng hiện tại nhìn cách hai người họ tự nhiên và hòa hợp như vậy, Uông Dịch Dương vẫn không giấu được sự ngạc nhiên.
“Anh giỏi ghê,” cậu ta ghé sát tai Uông Tễ, cười tủm tỉm. “Ngay cả vị cao nhân ẩn dật như Alice mà cũng bị anh nắm gọn trong tay.”
“Biến.” Uông Tễ lạnh lùng phun ra một chữ, dứt khoát.
Uông Dịch Dương bật cười, rồi quay sang Phù Tô, chìa tay ra: “Tôi là Uông Dịch Dương, em họ của Uông Tễ.”
Cậu ta lại chỉ tay về phía xa, nơi chú Uông và thím Uông đang trò chuyện: “Kia là ba mẹ tôi.”
Phù Tô bắt tay đáp lễ.
Vị trí Uông Dịch Dương ngồi là góc tụ tập của đám trẻ con trong nhà. Xung quanh là những chiếc ghế băng nhỏ, nơi mấy đứa nhóc ríu rít chơi đùa.
Đối diện Uông Tễ là một bé gái nhỏ, thấy hai anh trai đẹp trai tiến tới, đôi mắt to tròn không giấu được sự hiếu kỳ, thỉnh thoảng lén liếc nhìn. Uông Tễ phát hiện, liền chỉ tay vào chiếc kẹp tóc hình con bướm trên đầu cô bé, khen: “Đẹp quá nha!”
Cô bé đỏ mặt, khẽ cười ngượng ngùng nhưng rất vui.
Tiệc chưa bắt đầu nhưng trong nhà ngoài sân đều rộn ràng tiếng trò chuyện. Uông Thanh tay bưng ấm nước, đi khắp sân rót trà cho mọi người. Thấy Uông Tễ và Phù Tô ngồi đó, cậu nhanh nhẹn bê hai ly trà đến.
“Anh.” Cậu đưa ly trà đầu tiên cho Uông Tễ.
Sau khi Uông Tễ nhận, cậu lại đưa ly còn lại cho Phù Tô, giọng vừa bất ngờ vừa thân thiết: “Anh Phù Tô, hôm nay anh cũng tới ạ?”
Phù Tô gật đầu, mỉm cười đáp lại.
Uông Tễ hơi bất ngờ: “Hai người quen nhau à?”
Phù Tô quay sang giải thích: “Trước đây gặp rồi.”
Hóa ra khi sân nhà Phù Tô thi công, người trong thôn được thuê theo ngày công. Vào dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, Uông Thanh muốn kiếm chút tiền sinh hoạt để phụ giúp gia đình nên đến đó làm việc vài ngày. Một hôm cậu tình cờ gặp Phù Tô lần đầu tiên đến Vân Lĩnh.
Lúc ấy, một cậu nhóc mười mấy tuổi như Uông Thanh, lại học sửa xe, chẳng mấy mà bị thu hút bởi chiếc xe việt dã được cải tiến của Phù Tô. Đôi mắt cậu sáng rực, dán chặt vào chiếc xe đến mức không rời nổi. Trong giờ nghỉ trưa, cậu thậm chí còn ngồi ăn ngay cạnh xe để được ngắm thêm.
Phù Tô vốn định rời đi ngay sau khi xem qua căn nhà, nhưng thấy Uông Thanh mê mẩn chiếc xe như vậy, lại nghĩ cậu còn nhỏ, chưa có bằng lái, nên đề nghị đưa cậu đi thử vài vòng quanh vùng. Sau đó, Phù Tô còn dặn đội thi công trả công ngày hôm đó đầy đủ cho Uông Thanh, khiến cậu nhóc cảm kích mãi không thôi.
Bên này, Uông Dịch Dương đang nói chuyện với Uông Tễ thì có một cậu học sinh trông cỡ cấp ba đi tới. Tóc cậu ta nhuộm vài sợi vàng, nhìn qua là biết thân với Uông Dịch Dương. Cậu ta nhảy phóc lên lưng Uông Dịch Dương, rồi quay qua Uông Tễ chào: “Anh gà!”
Uông Tễ nghe xong, khựng lại: “Hả?”
Uông Dịch Dương quay sang đập nhẹ lên đầu cậu ta: “Anh thì cứ gọi là anh, cái gì mà anh gà? Chữ ‘Tễ’ đọc thanh bốn, học kiểu gì mà chữ cũng không biết đọc? Ba mày mới nói hồi nãy đó, kiểm tra tháng này lại đứng chót bảng, thiệt hết nói nổi!”
Cậu tóc vàng gãi đầu cười lỏn lẻn, bị đánh nhưng không giận, chỉ xoa xoa cánh tay rồi ngồi xuống cạnh Uông Dịch Dương. Cậu ta nhìn qua Uông Tễ, tò mò hỏi: “Anh Tễ, má em nói anh không còn ở Thượng Hải làm nữa mà về quê ở nhà… nằm chơi trồng rau, thiệt hông?”
Uông Dịch Dương cười khẩy: “Ủa, má mày cũng hiện đại ghê ha, còn biết cả chữ ‘nằm chơi’?”
Cậu tóc vàng cười hề hề: “Bà coi trên mạng đó!” Rồi quay qua hỏi tiếp: “Thiệt hở anh?”
Uông Tễ gật đầu, bình thản đáp: “Ừ, anh về nghỉ rồi.”
Cậu tóc vàng nghe vậy, mắt sáng rỡ: “Chờn ơi, sướng dữ dằn! Em cũng muốn nghỉ giống anh luôn, học hành chán chết. Anh học cao rồi còn về quê, thôi em khỏi học, nghỉ sớm cho khỏe.”
Nghe tới đây, Uông Tễ hơi giật mình. Trong lòng anh thầm nghĩ, chết cha, mình nói kiểu này lại làm gương xấu, lỡ đầu độc tư tưởng cậu nhỏ này rồi.
Còn chưa kịp nghĩ cách giải thích, Uông Dịch Dương đã đứng bật dậy, trừng mắt nhìn cậu tóc vàng, giọng gằn: “Mày mà cũng đòi nằm chơi hả? Học không nổi thì thôi, tao bảo mày qua phụ việc trong tiệm kiếm chút tiền mày còn không chịu, ở đó mà nằm chơi? Mày đứng yên đó, tao cho mày nằm luôn!”
Mỗi câu Uông Dịch Dương nói đều đi kèm với một cái búng tay chát chúa.
Cậu tóc vàng ôm tay, vừa né vừa la: “Ai da, ai da! Anh họ, đừng đánh nữa!”
“Mày đừng chạy! Gần nghỉ hè rồi, không chịu làm bài tập thì lo vô quán tao bưng bê. Đừng có tối ngày lêu lổng!”
“Em hông chịu đâu! Đi bưng bê mắc cỡ muốn chết. Chừng nào anh cho em làm quản lý thì em mới chịu!”
“Quản lý cái đầu mày! Có ngon thì nói y chang vậy với ba mày thử coi…”
Hai anh em cứ thế rượt nhau vừa chạy vừa cãi chí chóe một đoạn xa.
Uông Dịch Dương nói tiếng phổ thông hơi bập bẹ, nhưng nãy giờ từng câu từng chữ rõ ràng, Phù Tô đứng đó nghe không sót một chữ.
Phù Tô cúi đầu nhìn mình, sau đó đưa tay kéo cổ áo ra sau. Ngón tay hắn cầm chiếc nhãn mác vẫn còn dán trên áo và chìa cho Uông Tễ xem.
Uông Tễ bật cười, đưa tay giúp hắn vuốt phẳng: “Được rồi, biết anh tiết kiệm. Chờ lát nữa mà nhàu thì uổng.”
Ngón tay chạm nhẹ sau cổ làm Phù Tô thấy hơi ngứa. Hắn chớp mắt, cố giải thích: “Cũng không phải chỉ dựa vào may mắn mà có đâu. Tôi đi học cũng chăm chỉ lắm.”
Dù không bằng học sinh trong nước, nhưng khi bạn bè tụ tập tiệc tùng, hắn vẫn cặm cụi làm bài tập.
“Tốt nghiệp rồi đi làm cũng vất vả lắm,” hắn nói, suy nghĩ một chút rồi bổ sung, “…khá là quay cuồng.”
“Quay cuồng hả?” Uông Tễ nghe thế nhướn mày, “Vậy chắc anh chưa thấy tôi. Ngày xưa tôi là ‘vua tăng ca’ ở công ty, mãi sau này không kham nổi nữa mới nhường cho đồng nghiệp khác kiếm cơ hội sống.”
Phù Tô nhún vai, không chịu thua: “Tôi mà làm thì phải đứng đầu.”
Uông Tễ tiếp lời: “Tôi làm ở công ty lớn, tăng ca kiểu 996.”
Phù Tô bật lại: “Tôi làm liên tục nửa tháng, mỗi ngày 3 giờ sáng mới ngủ.”
Uông Tễ cười khẩy: “Tôi sẵn sàng 24/24, tăng ca trọn một tháng không nghỉ.”
Hai người đàn ông hơn 30 tuổi mà cãi nhau như trẻ con, cuối cùng nhìn nhau rồi cười phá lên, dựa lưng vào tường mà cười.
“Cậu còn khổ hơn tôi.” Phù Tô chống cằm lên cánh tay, khẽ cười. Đôi mắt hắn sáng lấp lánh, còn khuôn mặt lạnh lùng lúc này lại dịu dàng bất ngờ.
Ánh nắng nhẹ nhàng chiếu lên hai người. Uông Tễ nghĩ, mình mới về đây chưa đầy bốn tháng, mà mọi thứ trong quá khứ như đã trôi xa lắm rồi. Những ngày tăng ca tới sáng, những lần lặn lội qua bao thành phố xa lạ… giờ tất cả đều trở thành kỷ niệm.
Hiện tại, họ ngồi đây, trước mặt không còn là những tòa nhà cao tầng, mà là núi non, đồng ruộng, và quê hương.
Khi tiệc bắt đầu, mọi người lục tục tìm chỗ ngồi.
Bàn tiệc là nơi tập trung đủ kiểu người, ồn ào với thuốc lá, rượu bia, chuyện phiếm và những câu chuyện lặt vặt. Ai hợp gu ai thì ngồi cùng, ăn uống cũng thành nhóm người giống nhau quây quần với nhau.
Uông Tễ và Phù Tô thì không thích hút thuốc, cũng không thích uống rượu hay nói chuyện phiếm. Lúc đầu hai người còn không biết ngồi đâu cho hợp.
Bỗng nhiên, một bàn tay nhỏ túm nhẹ góc áo Uông Tễ. Anh cúi xuống nhìn, thì ra là cô bé lúc nãy có chiếc kẹp tóc hình con bướm: “Anh ơi, bàn tụi em còn chỗ trống, hai anh qua đây ngồi đi.”
Cả bàn toàn là trẻ con. Uông Tễ và Phù Tô nhìn nhau, cuối cùng cũng gật đầu rồi đi qua.
“Cảm ơn em.” Uông Tễ mỉm cười với cô bé.
Cô bé cũng cười, để lộ hàm răng đang thay dở, rồi vội vàng lấy tay che miệng vì ngượng.
Bên cạnh Uông Tễ là một cậu bé tròn trĩnh, tay đang loay hoay với cây kẹo que mãi không bóc được.
“Vợ con anh đâu? Sao lại ngồi ở đây với tụi em?” Cậu bé vừa hỏi, vừa liếc Uông Tễ tò mò.
“Anh chưa có vợ con,” Uông Tễ cười, “Ăn cơm rồi mà còn ăn kẹo, lát nữa đồ ăn nhiều quá lại không ăn nổi cho xem.”
Nghe vậy, cậu bé gật gù, bỏ cây kẹo vào túi: “Cũng đúng, phải để bụng ăn cơm nữa chớ. Vậy còn anh kia có vợ con chưa ạ?” Cậu ta chỉ vào Phù Tô.
“Sao em tò mò quá vậy,” Uông Tễ bật cười, “Anh ấy cũng chưa có đâu.”
Cậu bé mũm mĩm đột nhiên như vỡ lẽ, vỗ tay một cái rõ to: “À! Hóa ra hai người đều… ế!” Vừa nói, cậu vừa quay sang nhìn Uông Tễ với Phù Tô, ánh mắt đầy thích thú.
Nghe tới đây, Uông Tễ bật cười, suýt sặc: “Ủa? Mấy cái này ở đâu mà em học được vậy?”
Cậu bé gầy hơn, đang ngồi hí hoáy nghịch cái nắp xoong bên cạnh, chen lời vào: “Nói gì kỳ cục vậy! Nói ế nghe sao được, phải gọi là độc thân chớ!”
Uông Tễ ngẩng mặt nhìn trời, lại nhìn hai đứa nhỏ, bất lực bật cười: “Hai đứa còn nhỏ mà nói chuyện chững chạc dữ vậy trời?”
Cậu bé mũm mĩm xụ mặt, chống tay lên hông, cãi lại: “Sao mà không chững chạc được chớ? Bà nội nói đó, tới tuổi mà không lấy vợ, không có con thì đúng là ế! Như chú út nhà em nè, rõ là một ông ế!”
“Im đi! Người lớn mới gọi là ế, chứ hai người này nhìn đâu có già! Mày nói bậy nữa đi, lỡ sau này họ không cưới được vợ thì tại cái miệng quạ đen của mày đó!”
“!!!” Cậu bé mũm mĩm tức muốn khóc, quay sang gắt lên: “Liên quan gì đến tao?! Là tại họ không chịu đi mà ngồi đây chơi với tụi mình đó chớ! Hai người lớn vậy mà còn ngồi chung bàn với đám con nít, lại còn hai người ế ngồi sát bên nhau, thì làm sao mà kiếm được vợ!”
Uông Tễ ngẩn người: “Ơ… Ơ…”
May mà lúc này một đĩa chân giò hầm được bưng lên, hai đứa nhỏ nhanh chóng chuyển mục tiêu sang giành giật thức ăn. Chỉ còn lại Uông Tễ ngồi đờ đẫn, không biết nói gì, trong lòng chỉ thấy ngạc nhiên hết sức với cái cách mà bọn trẻ con thời nay suy nghĩ.
Anh nhìn qua bên kia bàn, phát hiện Phù Tô cũng đang cười khẽ, ánh mắt đầy ý tứ.
Ánh mắt hai người chạm nhau, Phù Tô khẽ nhếch môi: “Sao? Cậu bị gọi là ‘độc thân vui tính’ đó hả, đồ FA.”
Ở quê, tiệc tùng là phải xào nấu tại chỗ. Mấy người đầu bếp dựng bếp ngay trong sân, nấu món nào xong là bưng ra món đó, nóng hổi vừa thổi vừa ăn.
Nào là chân giò kho tàu, cá hấp, cải mầm cuốn thịt, bò hầm tàu hũ khô… Món nào món nấy đều đậm mùi thơm của lửa củi, nhìn qua đã thấy khác hẳn với mấy món nấu bằng bếp ga hay bếp điện trong thành phố.
Cuối cùng, món tráng miệng được đưa ra: một chiếc bánh bao khổng lồ hình quả đào mừng thọ, bốc khói nghi ngút.
Bánh vừa được hấp xong, nặng hơn cả ký. Một cô dì bếp tay cầm con dao to, đặt bánh lên bàn, ép từng người ngồi xuống. Bánh được xẻ thành từng miếng, chia đều cho mỗi người một phần, giống như cắt bánh kem, nhưng ăn vào lại thơm lừng vị bột ấm và chút ngọt ngào giản dị của nhân đậu.
Lớp vỏ đào mừng thọ mềm mại, bên trong là nhân đậu đỏ nghiền thơm ngọt, ăn vừa bùi vừa tan nơi đầu lưỡi. Nhưng Uông Tễ đã no căng, cắn được hai miếng rồi, anh cầm miếng bánh trên tay mà không nỡ tiếp tục cắn miếng thứ ba.
Bên cạnh, cậu nhóc mập mạp vừa gặm xong nửa cái chân giò bụng đã căng tròn, cũng ôm khối đào mừng thọ trên tay, trông giống như đang chia sẻ nỗi trăn trở cùng Uông Tễ.
Trong làng, dù nghịch ngợm cỡ nào, trẻ con đều biết một điều: đồ ăn trên mâm có thể thừa, nhưng đào mừng thọ tuyệt đối không được bỏ phí. Đó là biểu tượng của may mắn và trường thọ, dù có rơi xuống đất cũng phải nhặt lên, thổi bụi mà ăn.
Khi Uông Tễ quyết tâm cắn thêm miếng nữa, một bàn tay đột ngột vươn tới lấy nửa miếng bánh trên tay anh. Phù Tô chẳng nói chẳng rằng, hai miếng đã xử lý gọn.
Uông Tễ ngẩn người: “Tôi ăn rồi đó.”
Phù Tô thản nhiên nhìn anh: “Không còn cách nào khác, sợ cậu lát nữa ăn không nổi mà phun ra.”
Uông Tễ thở dài: “Là tôi suýt phun thật, sáng giờ đã ăn nhiều quá rồi.”
Nhìn cảnh đó, cậu nhóc mập mạp bên cạnh liền cầm miếng bánh mình đang ôm, đưa tới trước mặt Phù Tô, ánh mắt tràn ngập mong đợi. Nhưng vừa thấy miếng bánh dính đầy nước miếng và mỡ từ chân giò, Phù Tô liền nhíu mày, giọng lạnh lùng: “Mơ đi.”
Sau bữa tiệc, khách khứa dần rời đi. Uông Dịch Dương nhờ Uông Tễ chờ để cùng về, vì thế Uông Tễ đứng cùng Phù Tô trong sân, vừa trò chuyện vừa giúp thu dọn bàn ghế.
Trong phòng khách, thím Uông và mấy người thân đang trò chuyện với bà cụ, toàn lời chúc mừng khiến bà vui vẻ hẳn. Đột nhiên, bà cụ kéo tay cháu trai, khẽ nói: “Chụp cho bà một tấm hình đi.”
Cả đời bà chưa từng chụp ảnh. Trong nhà tuy ai cũng có điện thoại, nhưng chẳng mấy khi nghĩ đến việc chụp ảnh cho bà.
Uông Thanh vội lấy điện thoại ra. Bà cụ chân yếu, chậm rãi bước ra gian giữa, ngồi xuống ghế. Trông bà vừa hồi hộp vừa vui, cẩn thận chỉnh lại mái tóc bạc và kéo thẳng góc áo mới.
Người nhà đứng xung quanh, bà cụ hơi ngượng nhưng vẫn cố ngồi thẳng, cười nhẹ nhàng nhìn vào ống kính. Những nếp nhăn sâu hằn trên gương mặt già nua chồng chéo lẫn nhau, nhưng ánh mắt thì sáng ngời.
Sau khi chụp, Uông Thanh đưa điện thoại cho bà xem. Bà nhìn thật lâu, rồi ngại ngùng hỏi: “Tấm này… có in to để treo được không?”
Uông Thanh gật đầu: “Bà muốn phóng lớn phải không ạ?”
Nghe thế, bà cụ khẽ gật, rồi quay người chỉ lên bức tường sau lưng, nơi có một khung ảnh treo.
Uông Thanh quay lại nhìn – đó là di ảnh của ông nội.
Đứng bên cạnh, Uông Thiệu Quân tiến lại gần, nắm tay mẹ: “Má muốn phóng ảnh ra đúng không?”
Bà khẽ gật đầu: “Ừ, tốn 80 đồng thôi, là có tấm hình đẹp.”
Uông Thiệu Quân hiểu nỗi lòng mẹ. Hai năm trước, cha ông qua đời, lúc chuẩn bị di ảnh mới nhận ra cả đời ông sống chẳng có một tấm ảnh ra hồn. Cuối cùng, người nhà đành lấy ảnh thẻ trên chứng minh phóng lớn để làm di ảnh, treo trên tường, nhìn xa chỉ thấy mờ nhạt, chẳng rõ mặt mũi.
Uông Thiệu Quân nói: “Dùng điện thoại chụp không rõ lắm, hôm nào để con chở má lên huyện, vào tiệm ảnh chụp, ở đó có máy móc xịn, hình sẽ đẹp hơn.”
Nghe đến chuyện phải lên huyện, bà cụ lưỡng lự, rồi vẫn xua tay: “Thôi khỏi, không cần chụp đâu.”
Bà ngại tốn kém, sợ làm phiền đến mọi người trong nhà.
“Cháu có máy ảnh, cháu chụp được.”
Câu nói bất ngờ khiến cả gian nhà im lặng. Mọi người cùng quay về phía cửa, nơi Uông Tễ và Phù Tô đang đứng. Hai người bước vào, Phù Tô cúi người về phía bà cụ, lễ phép nói: “Cháu có máy ảnh, có thể chụp cho bà một tấm thật đẹp.”
Bà cụ nghe không hiểu tiếng phổ thông, Uông Thanh liền vội hỏi thay: “Anh Phù Tô, vậy có phiền anh không?”
Phù Tô lắc đầu, bình thản đáp: “Không phiền, giờ tôi về nhà lấy máy.”
Nói xong, hắn quay qua nhìn Uông Tễ: “Cùng đi không?”
Uông Tễ còn chưa hiểu chuyện gì nhưng cũng gật đầu. Uông Dịch Dương từ xa ném chìa khóa xe qua: “Hai người đi bằng xe máy của em đi, lấy đồ xong thì lái xe hơi về. Nhớ nhanh một chút.”
Phù Tô sống trên tầng hai, chỗ này Uông Tễ đã đến nhiều lần. Phía bên cạnh tivi đặt một chiếc tủ gỗ lớn, nhưng trước giờ anh chẳng để ý đến nó.
Khi Phù Tô mở tủ, Uông Tễ mới ngạc nhiên nhận ra bên trong toàn là thiết bị nhiếp ảnh. Tuy không rành về máy móc, anh cũng biết giá trị của những thứ này không hề nhỏ.
“Tôi cứ tưởng anh chỉ mua đại cái máy chơi chơi. Hóa ra là dân chuyên hả?”
Phù Tô chọn máy, lắp ráp các bộ phận, vừa kiểm tra pin vừa nói: “Tôi nghỉ việc rồi, rảnh rỗi hai năm nên chụp chơi thôi. Sao? Giờ có thấy tôi ngầu không? Trước giờ tôi toàn giấu tài mà!”
Uông Tễ lờ đi câu đùa của hắn, nhìn máy ảnh mà thắc mắc: “Anh mua cả tủ thiết bị này để chụp cái gì? Người nổi tiếng à?”
“Tôi đâu thích mấy thứ đó,” Phù Tô ngẩng lên, trả lời tỉnh bơ, “Tôi chụp phong cảnh.”
Mang máy ảnh xong, hai người xuống tầng. Khi bước ra sân, Phù Tô cố tình đi chậm lại, giữ khoảng cách vài bước phía sau. Uông Tễ đi trước, ánh nắng chiếu qua mái tóc anh, phản chiếu màu vàng óng ánh, cả người rực sáng như một bức tranh sống động.
“Uông Tễ.” Phù Tô bất ngờ lên tiếng, dừng lại.
“Gì?” Uông Tễ ngoảnh lại nhìn.
Phù Tô trầm giọng nói: “Tôi nói tôi chụp phong cảnh là thật. Tôi chưa từng chụp ảnh người bao giờ.”
“Hả?” Uông Tễ hơi ngơ ngác.
Xung quanh anh là một rừng tường vi nở rộ, những cành hoa đan xen, sắc hồng phấn xếp tầng tầng lớp lớp như ôm trọn lấy người trước mặt. Dưới ánh nắng chiều, khung cảnh ngập tràn sức sống.
Phù Tô nâng máy ảnh lên, trong phút chốc bấm màn trập.
Sau khi hạ máy, hắn mỉm cười nhìn Uông Tễ. Giữa ngày hè rực rỡ, hắn khẽ nói: “Giờ thì, chụp rồi.”