Tuy rằng cảm giác cũng có thể là nghe nhầm, nhưng ở cái nơi như thế này, không nên nghĩ cái gì cũng tuyệt đối. Tôi kéo khóa quân, bật đèn pin, đi về phía đằng sau tảng đá kia để kiểm tra.
Tảng đá này rất lạ thường, không biết là loại đá núi gì. Ở đây toàn là đồi đất, không biết những tảng đá lung tung này là từ đâu tới, không thể là tự dưng mọc ra từ đất được.
Phía sau tảng đá là một khoảng đen nhánh như mực, là góc chết mà có một cái đèn pin chiếu vào mà cũng không thể chiếu đến được. Đi vòng quanh chiếu một lượt nhưng chẳng nhìn thấy cái gì, phía sau tảng đá có khe hở rất nhỏ, không nhiều khả năng sẽ chứa nổi vật gì. Tôi đạp một cước vào tảng đá, thấy nó không chắc chắn cho lắm, lại chiếu đèn khắp bốn phía, cũng không nhìn thấy gì, tất cả đều rất tĩnh lặng, tôi bèn tự nhủ hay là mình nghe lầm thật rồi. Lắc lắc đầu, tôi bèn đi về, A Ninh hỏi tôi sao thế, tôi nói với cô ta có lẽ là do thần kinh hơi nhạy cảm quá thôi, cứ tưởng ở chỗ đó có cái gì.
Quay lại ngồi sưởi ấm bên đống lửa trại, đôi bên không nói câu nào. Tôi tựa mình vào tảng đá, vốn muốn nhắm mắt dưỡng thần một chút, sợ có gì xảy ra cần bọn tôi hỗ trợ. Nhưng cơn mệt mỏi rã rời ập tới, chẳng mấy mà tôi đã mơ mơ màng màng, cũng không biết đã thiếp đi từ lúc nào.
Khi tỉnh lại, trời đã sáng, nhưng cũng không quá sáng, hình như chỉ vừa mới bình minh. Lúc này gió đã ngừng hẳn, tôi nghe thấy tiếng Trát Tây, bèn nhổm dậy nhìn coi. Chỉ thấy bọn họ đều đã đến cả rồi, hình như dọn hết cả doanh địa bên ngoài vào đây, khắp bốn phía đều dựng lều bạt và nhóm lửa. Anh người Caucasus đã được chuyển vào trong lều, A Ninh vẫn còn ngủ trong túi ngủ ở một bên, có người vẫn bận rộn ở khắp nơi.
Trên người tôi được đắp thêm tấm thảm, không biết là ai đắp cho. Tôi ngọ ngoạy đứng lên, ngáp một cái, nhìn quanh quất. Vừa nhìn một cái, tôi liền bị cảnh sắc phong hóa ở xung quanh thu hút, không khỏi ngẩn người.
Ban ngày, tầm nhìn ở tòa thành ma cực kỳ rộng, núi đá phong hóa ở bốn phía trông còn hùng vĩ hơn cả hồi tối nhìn, những núi đá khổng lồ nhô lên trên mặt đất như những Kim Tự Tháp sừng sững ở khắp xung quanh chúng tôi. Buổi tối nhìn thì chỉ thấy núi đá tối đen như mực, bây giờ nhìn mới thấy đủ loại hình thái kỳ dị, cùng với sa mạc mênh mông vô cùng tận, cái cảm giác choáng ngợp vì sự nguy nga hùng vĩ này không thể dùng ngôn ngữ mà miêu tả nổi.
Đây vẫn chưa phải địa hình Yardang lâu năm, nếu đã trải qua mài mòn tôi luyện của bão cát suốt hàng trăm vạn năm, không biết cảnh sắc sẽ còn hùng vĩ đến nhường nào?
Tôi ngẩn ra nhìn một hồi mới lấy lại được tinh thần, chú ý đến người xung quanh, bọn họ đang vật chuyển đồ đạc từ trong con thuyền chìm trên gò đất ra ngoài. Gò đất bây giờ còn cao hơn so với hồi tối qua tôi nhìn, ở trên có đóng đinh với dây thừng để dễ bề leo trèo, còn làm cả một cái giỏ treo, có người ở phía trên khai quật, Ô lão Tứ thì đứng dưới tiếp ứng và sắp xếp, đồ vật được đặt trong giỏ trực tiếp chuyển xuống dưới.
Định Chủ Trác Mã cùng cô con dâu đang nấu bữa sáng và trà bơ, bà nhìn thấy tôi đã tỉnh, liền ra dấu bảo tôi qua ăn. Tôi qua đó uống chén trà, cầm một cái bánh mì, vừa ăn vừa đi đến bên Ô lão Tứ hỏi bọn họ đang làm gì vậy.
Nghe nói Ô lão Tứ là người trong nghề, được Cầu Đức Khảo chiêu hàng về dưới trướng, có chút hảo cảm với tôi, thấy tôi đến thì gật gật đầu, nói: thương thế của anh chàng Caucause kia khá nghiêm trọng, bác sĩ còn đang kiểm tra vết thương trên bụng, có dấu hiệu nhiễm trùng, cho nên có lẽ phải lui đội ngũ về chỉnh trang lại mới tiếp tục dự định được. Bọn họ không muốn tay không đi về, con thuyền chìm này cũng xem như là một phát hiện, bọn họ muốn ghi chép lại một chút, mang ít đồ ra ngoài báo cáo với công ty.
Tôi ngồi xuống bên cạnh ông ta, ngước lên nhìn con thuyền chìm trên đỉnh đầu, bự thật! Buổi tối xem không có cảm giác to lớn đến vậy, nhìn xem thì con thuyền này là thuyền thương buôn chính quy, phần đầu thuyền có lẽ là do trước đây đồi đất bị sụt lở nên mới lộ ra ngoài, lơ lửng gác giữa không trung, bên dưới đã có cái giá chống đỡ.
Tôi lại cúi đầu xem đồ vật bọn họ dọn dẹp ra từ bên trong. Mấy cái vò gốm từng cái từng cái to như cái bồn cầu, lạ ở chỗ không cái nào bị tổn hại cả, xem ra quá trình thuyền bị đắm khá vô cùng chậm. Trên bình có hoa văn đặc trưng Tây Vực, cái thì có hình vẽ màu đen, cái thì lại trông lại giống văn tự gì đó, nhưng không phải là thứ của người Hán. Tôi hỏi đấy là cái gì thế, Ô lão Tứ chỉ lắc đầu bảo không ai biết cả. Văn hóa Tây Vực này vô cùng đặc biệt, vô cùng thần bí, mà những thứ còn lưu giữ lại được thì khá ít ỏi. Tây Vực có hơn năm ngàn năm lịch sử, cực nhiều thành thị cổ, tất cả đều bị cát vàng của sa mạc chôn vùi hết. Ở Khả Khả Tây Lý và Taklimakan ngày xưa, thời cổ gọi là Tây Hoang, rất ít người sinh sống, bây giờ muốn đi nghiên cứu cũng quá khó khăn.
“Có điều những đồ gốm cổ này lịch sử cũng khá lâu đời, thông thường chúng ta giao dịch với Tây Vực đều là đồ gốm sứ. Những vò gốm này sản phẩm của thời đại đồ gốm sứ phát triển đến cực thịnh, có lẽ là khoảng trước thời Đường. Không biết là từ Trung Nguyên vận chuyển đến Tây Vực, hay là từ Tây Vực vận chuyển đến Ả Rập. Khu vực này có lẽ đã thuộc vào lãnh thổ của nước Tây Vương Mẫu, không biết có liên quan gì đến nước Tây Vương Mẫu hay chăng.” Người đeo kính ở bên cạnh nói.
Ô lão Tứ liền gật đầu tán thành, nói: “Tôi cũng thấy có thể lắm, cậu xem.” Ông ta chỉ vào một hoa văn trên vò gốm, đó là hình vẽ một con chim. “Đây là totem của Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết, chim Tam Thanh. Đương nhiên, cũng không loại trừ khả năng người của nước khác cũng sử dụng totem này. Bởi vì thời đó nước Tây Vương Mẫu là trung tâm tinh thần của Tây Vực, vì nó thần bí lại quỷ dị, cho dù nó không còn mạnh như thời Chu, nhưng các quốc gia khác vẫn kính nể ma lực trong truyền thuyết của Tây Vương Mẫu nên thường đến triều phụng, hoặc thể hiện sự sùng bái trên hình thức.”
Tôi hoàn toàn không có hứng thú gì với mấy cái này, đây đều thuộc về phạm vi khảo cổ rồi, thế là tôi bèn ngắt lời bọn họ, hỏi: “Vậy trong vò có gì thế? Chắc không phải vò trống nhỉ, thế thì lãng phí quá.”
Miệng vò đều bị phong kín, dùng một loại bùn đặc biệt để niêm phong, xanh xanh đen đen, hơi giống kiểu bùn niêm phong trên miệng vò rượu vậy. Tôi ngửi ngửi, có mùi hơi cay cay, cảm giác rất quen, thử cầm lên thì thấy vò hơi nặng, chắc chắn bên trong có thứ gì đó, nhưng không phải là chất lỏng.
Tôi hỏi bọn họ sao không mở ra? Ô lão Tứ nói bọn họ cố gắng không phá hỏng những thứ vẫn còn hoàn hảo như thế này, đợi lát nữa xem có cái nào đã bị hư hại hay không, như thế cũng không cần mở vò, chứ lỡ đồ trong vò quá trân quý, không chịu được oxy hóa, làm thế này có thể tiết kiệm một chút, phòng ngừa lãng phí khảo cổ.
Tôi liền bật cười, nghĩ bụng bọn chú Ba thế nào cũng không có cái kiểu này đâu, nếu là Bàn Tử thế nào anh ta cũng không nói một lời, đem vò đập luôn.
Có điều, bọn tôi vẫn phải tôn trọng phương thức làm việc của người ta. Tôi ăn xong miếng bánh mì cuối cùng, nói với họ vậy mấy người cứ làm trước đi, đến lúc tìm thấy vò rồi, lúc nào mở vò thì kêu tôi một tiếng. Nói xong tôi liền đi vào trong lều anh Caucasus nằm, đi xem anh ấy sao rồi.
Vừa vào trong lều liền thấy rất chật chội, nhìn kỹ mới phát hiện ra hai thi thể kia cũng đã được chuyển đến đây, đang nằm ở một bên, phủ kín chăn giữ ấm. Bác sĩ không ngủ nguyên một đêm, vành mắt thâm đen lại, đang đo nhiệt độ cho anh người Caucasus.
Tôi hỏi ông ta thế nào rồi, ông ta kể lại một lượt cho tôi, rằng người vẫn đang mê man, còn mê sảng, nhưng có khởi sắc hơn trước rồi, ngạt thở và thiếu oxy bây giờ đã hết rồi, chỉ là vết thương cổ quái trên bụng thì… Ông ta cho tôi xem hai thi thể kia, cũng là những vết thương y như vậy, một người thì bị trên lồng ngực, một người thì bị ở trong bắp đùi, đều mất một ít máu, nhưng quần áo bên ngoài thì không thấy lỗ thủng nào, không biết là làm sao nữa.
Tôi đi tới bên người anh Caucasus, sắc mặt anh trắng bệch, đầu đầy mồ hôi, nhưng đã không cần phải dùng mặt nạ thở nữa, đúng là đã ổn định rồi. Tôi thấy môi anh đang mấp máy, như thể đang nói cái gì đó, tôi ghé tai lại nghe, không phải tiếng Trung, hình như là tiếng Anh.
“Anh ấy đang nói gì thế?” Tôi hỏi bác sĩ. Tiếng Anh của tôi chả ra sao, bàn chuyện làm ăn còn tạm tạm, chứ nghe nói mê thì chịu rồi.
Bác sĩ cũng lắc đầu, nói bản thân ông ta cũng không nghe rõ nữa, tiếng Anh của ông ta cũng không tốt. Có điều, sau khi ý thức có hơi hồi phục lại, anh Caucasus này cứ liên tục nói mê cái này.
Tôi cúi xuống, muốn ghé lại gần nghe, vẫn không nghe ra được gì, đành bỏ cuộc. Ra khỏi lều, muốn về đánh một giấc, đằng nào chỗ này cũng không có việc gì cho tôi.
Về đến chỗ ngủ, nằm xuống suy nghĩ chuyện tối hôm qua, rất nhanh thì chợp mắt, không biết ngủ bao lâu, đột nhiên nghe thấy tiếng người gọi tên tôi. Tôi mơ mơ màng màng ngồi dậy, thấy bên phía Ô lão Tứ tụ tập rất nhiều người, ông ta đang ngoắc tôi, hình như có chuyện gì đó.
Tôi đứng lên đi đến xem. Vừa đến gần, tôi đã ngửi thấy một mùi cực kỳ cổ quái, nói thối không phải thối, nhưng ngửi thôi cũng thấy cổ họng phát cay, cứ như hít phải hơi axit sunfuric, cực kỳ khó chịu. Tôi che mũi tiến lại xem, hóa ra là bọn họ đã tìm thấy được mấy cái vò bị hư hại, đang đập vò, Ô lão Tử gọi tôi tới xem.
Có mười mấy vò đã bị đập bể rồi, Ô lão Tứ đang đổ từng thứ ở trong ra ngoài. Thứ đầu tiên tôi thấy là vụn bùn, bên trong toàn là bùn khô đen sì, trong đống vụn bùn này còn có một cục đất tròn, dính toàn bùn, cực tởm. Lạ là, tôi nhìn thấy bên ngoài cục đất tròn này có dính rất nhiều lông đen, trông cực kỳ dị thường.
Ở một bên đã chất đống mười mấy cục đất tròn, không biết là cái thứ gì, tôi nghĩ lẽ nào đây là trái dưa hấu hồi xưa, đến giờ thì đã biến thành đá rồi?
Đến gần, nhìn kỹ lại, tôi liền cảm thấy ngộp thở. Tôi phát hiện ra, những cục đất bùn này chính là những cái đầu lâu người bị bọc đầy đất bùn, còn đám lông đen kia, đương nhiên là tóc người.
—————————
Trích một đoạn “Sơn Hải Kinh” viết về Tây Vương Mẫu:
Lại hướng tây 350 dặm là Ngọc Sơn, đó là nơi ở của Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu dạng như con người, đuôi báo răng hổ mà tiếng kêu to, tóc cỏ bồng đội ngọc thắng, là chủ quản nghiêm trang trên trời và năm hình phạt tàn hại. (Tây Sơn Kinh)
Tây Vương Mẫu dựa bàn mà đeo ngọc thắng, phía nam đó có chim tam thanh, bị Tây Vương Mẫu lấy ăn. (Hải Nội Bắc Kinh)