Beta: Thanh Du
*****
Chúng tôi muốn đi giúp họ soát núi, ban đầu A Quý còn không chịu, hai đứa phải năn nỉ hết nước hết cái mới được đi theo. A Quý bảo con gái nhỏ của mình là Vân Thái đi cùng chúng tôi, căn dặn không được tách đoàn, người trong thôn gom lại được chừng hai mươi, giơ cao đuốc và đèn pin, dắt theo chó săn hướng về rạch Đầu Trâu.
Đường núi bốn bề tối tăm lạnh lẽo, chúng tôi vừa gọi vừa đưa quần áo cho chó săn ngửi mùi.
Lâm trường này đã bị chặt một lần, con đường phía trước cũng không quá khó đi, khổ nỗi vùng này mưa nhiều, nước đọng lại thành vũng trên núi, trong đó nhung nhúc những đỉa rừng. Đến khu rừng bảo tồn đường mới bắt đầu khó đi, được cái những người miền núi này đều là thợ săn, kinh nghiệm đầy mình, đi cũng không vất vả cho lắm. Mà đối với chúng tôi, so với lối dẫn ra khỏi Tháp Mộc Thác thì đi con đường này khác gì tản bộ. Đoàn người cứ thế tiến sâu vào ngọn núi lớn.
Tôi vừa đi vừa hỏi Vân Thái, rạch Đầu Trâu là nơi thế nào, có nguy hiểm gì không?
Vân Thái ngoảnh đầu lại đáp: “Đó là ranh giới giữa mặt sau khu rừng bảo tồn và rừng phòng hộ của thôn chúng tôi, núi Dương Giác nằm trong khu rừng bảo tồn còn núi Chu Độ nằm trong rừng phòng hộ, giữa hai ngọn núi là rạch Đầu Trâu, sau lưng núi Dương Giác chính là rừng già sâu thẳm. Người ở lâm trường căng một tấm bảng chỗ sơn khẩu, trên bảng viết chúng tôi không được đi vào, cho nên ngoại trừ những thợ săn già thời trước, đám chúng tôi thường không đặt chân đến núi Dương Giác, càng chưa nghe nói có ai đã từng tiến vào cánh rừng sau núi.”
A Quý đi sau tôi nói: “Trong thôn này, người thông thạo núi Dương Giác nhất e rằng chỉ có lão Bàn Mã. Cánh rừng sau núi nghe đâu trước kia chỉ có dân buôn lậu người Việt cổ mới dám đặt chân vào, thời xưa dân buôn ngọc người Việt trốn thuế thường đi xuyên rừng ròng rã cả tháng để bán ngọc thạch, không biết đã có bao nhiêu người đi qua vùng rừng sâu núi thẳm này rồi.”
Buôn bán ngọc thạch là cái ngành thương mại hái ra tiền nhất, khắc nghiệt nhất, mà cũng thần bí nhất ở biên giới Trung Việt thời xưa. Tôi đã từng nghe kể về cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt trong giới buôn ngọc Việt Nam và Myanmar, sau một đêm trở nên giàu sụ hoặc trắng tay đều là chuyện thường. Trước những món lợi khổng lồ lấy một đổi vạn, nhân tính hoàn toàn không có đất dung thân.
A Quý bảo nơi này còn cách khá xa địa điểm giao dịch ngọc thạch lý tưởng nhất. Dân buôn ngọc từ Ba Nãi đến Quảng Tây đều có mối làm ăn với một vài ông chủ bên Quảng Đông, đều là người nghèo khổ nên cũng đặc biệt hung ác. Nhất là vào thời nhà Thanh, khi đó người Việt Nam một nửa là dân buôn một nửa là thổ phỉ, đến đây theo tốp, trở thành một mối nguy của vùng này.
Tôi thầm nghĩ, nếu tìm được di hài của dân buôn ngọc Việt Nam trong cánh rừng này, thì không chừng cũng sẽ tìm được ngọc thạch nguyên khối mà họ mang đến. Dạo gần đây những khối ngọc thạch lấy từ mạch ngọc tốt cực kỳ hiếm hoi, giá ngọc thạch bị hét lên cao chót vót. Vả lại chất lượng đá hồi đó tốt hơn bây giờ nhiều, tìm được vài khối ngọc tốt còn đáng giá hơn bất cứ món minh khí nào. Nhưng nghĩ lại thì dân buôn ngọc Việt Nam thời đó coi ngọc thạch còn quý hơn mạng mình, giờ cứ thế lấy đi là rất bất nghĩa, cái này không giống với trộm mộ, e rằng sẽ gây ra chuyện chẳng lành.
Đi một mạch đến nửa đêm, chúng tôi mới tiến vào trong rạch. Người phát hiện ra bộ quần áo nhuốm máu chỉ vào một gốc cây, nói bộ đồ này tìm thấy trên kia. Hắn nói mình thấy có máu dính vào thân cây, ngẩng đầu lên mới phát hiện ra nó, mới đầu còn tưởng có con cú bị mèo hoang cắn chết, sau mới nhận ra là quần áo của người.
Chiếu đèn pin lên cây, loại đèn pin vỏ đồng này chiếu sáng rất kém, nhưng cũng đủ để xác định bên trên không còn gì khác nữa. Hiển nhiên lão Bản Mã đã trèo lên cây rồi để bộ quần áo dính máu đó lại.
Lão già ấy đã gần tám mươi, dù trước kia là cao thủ trèo cây, nhưng theo lý mà nói cũng không thể vô duyên vô cớ leo lên đó, hiển nhiên là gặp chuyện gì nguy hiểm. Tôi hỏi Vân Thái nơi này có thú dữ không, Vân Thái đáp hồi xưa nghe nói có hổ, chứ bây giờ trong núi chỉ còn báo.
Tôi nghe vậy liền nghĩ thời nay đào đâu ra hổ nữa, nhưng báo lại leo cây rất giỏi, lỡ gặp báo thì phiền phức to. Vả lại báo có tập tính tha thức ăn lên cây giấu, không khéo lão già gặp nạn rồi cũng nên.
A Quý lại nói báo sống sâu trong núi, rừng chỗ này chưa đủ sâu, rất khó gặp báo. Nhưng lão Bàn Mã không mang súng, chẳng biết đi vào tít vào trong đây làm gì nữa.
Tôi nhớ lại chuyện tiểu binh giấu những khẩu súng thu được trong tổ chim, thầm nghĩ lẽ nào lão Bàn Mã cũng học theo cái chiêu này. Nhưng trên cây làm gì có tổ chim cơ chứ?
Chúng tôi lùng sục quanh gốc cây một lúc mà không tìm thấy gì ngoài vài vết máu, nhưng rải rác khắp mọi hướng. Lúc này mấy con chó dắt theo đã có chỗ dùng, mấy tay thợ săn đều mang súng, nạp đạn đầy đủ rồi chia nhau ra mà tìm.
Rạch Đầu Trâu vừa sâu vừa dài, chưa có ai đi đến tận cùng, đoạn giữa rạch chính là sơn khẩu của núi Dương Giác và Chu Độ. Nơi đây mang dáng dấp của một cánh rừng rậm nhiệt đới, cho cảm giác giống như hồi ở Tháp Mộc Thác. Tôi không hề cảm thấy dễ chịu, lúc nào cũng nghe mang máng như có tiếng cười khanh khách, sau đó rớt mồ hôi lạnh. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, tự mình muốn đến đây mà, đành phải miễn cưỡng đi theo nhóm A Quý cùng với ba con chó, hướng về núi Dương Giác.
Chó miền núi rất khỏe, con nào đứng thẳng lên cũng cao hơn đầu tôi. Tuy chúng là chó lai tạp nhưng đều được huấn luyện thành thục, nhanh chóng đánh hơi được mùi, dẫn chúng tôi đi một mạch vào sâu trong khe núi.
Dọc đường đi không ai nói câu nào, đi đến quá nửa đêm trăng đã treo đỉnh đầu, chúng tôi mới dừng lại ở một nơi gần sơn khẩu núi Dương Giác. Đó là một con dốc nằm trên sườn núi, do đất đá thường xuyên sạt lở nên cây cối trên sườn dốc này khá thưa thớt. Hình như chó đã tìm được mục tiêu, nó kéo chúng tôi đến dưới một tán cây, sủa oang oang vào một bụi rậm đằng sau đó.
Vân Thái hơi hoảng, tim tôi cũng treo lơ lửng trên không. Nếu ông lão bị con báo tấn công, thì thứ ẩn trong bụi cỏ kia hẳn là thê thảm đến không nỡ nhìn.
A Quý tiến lên, cầm nhánh cây vén bụi cỏ ra, chiếu đèn pin vào, không thấy có thi thể bên trong. Chúng tôi qua đó, phát hiện ra đó là mảnh vỡ của một tấm bia đá có niên đại rất lâu đời, hẳn là từ đầu công nguyên, in rõ dấu vết gió mưa, hoa văn trên bề mặt đã bị mài mòn sạch sẽ.
Đám người A Quý nhổ hết đám cỏ cao đến thắt lưng xung quanh mà tìm kiếm, bỗng một người thợ săn “a” lên một tiếng, lùi lại mấy bước. Chúng tôi vội vã qua xem, chỉ thấy sườn dốc phía sau bụi cỏ có một hố bùn nhão, chắc là do bùn đất bị nước mưa cuốn trôi đến đây. Vừa nhìn vào trong hố, tôi và Muộn Du Bình liếc nhau, tim nảy lên một nhịp. Trong lòng hố có thể thấy loáng thoáng vài khúc gỗ mục ngâm bùn, nhìn hình dáng này tôi dám chắc đó là một cỗ quan tài đã nát vụn. Nơi này có một ngôi mộ cổ đơn sơ bị đào ra sao?