*****
Tấm ảnh được gửi qua email, mà Phan Tử mù tịt cái này. Tôi dạy anh cả buổi, đến khi thông thạo thì đã là một tiếng sau khi tôi gọi điện thoại cho anh.
Đó là một tấm ảnh cũ kỹ ố vàng, bề mặt còn có dấu hiệu phai màu. Nhưng dù là thế, tôi vẫn có thể nhìn ra cảnh tượng trong đó, cũng vỡ lẽ vì sao Phan Tử không thể khẳng định, và “ma” có nghĩa là gì.
Tấm ảnh kia hẳn là được chụp trong gian nhà cũ nào đó, lấy phông nền là một tấm bình phong. Ảnh chụp bạc phếch, không nhìn rõ từng chi tiết mà chỉ thấy phía sau bình phong có một bóng người đứng thẳng.
Nắng chiếu xuyên qua bình phong, bóng người nhìn tương đối rõ. Điều khiến người ta nổi gai ốc chính là tư thế của cái bóng đó, người thường khi đứng luôn có xu hướng nghiêng về trọng tâm, nhưng bóng người này gần như đứng thẳng. Hơn nữa bả vai người đó còn lõm xuống, liếc qua đã thấy bất thường, cảm giác đầu tiên của tôi chính là người kia đang treo lơ lửng giữa không trung.
Sau bình phong treo một xác chết?
Tôi rùng mình ớn lạnh, bỗng chốc bừng tỉnh. A, đây là ảnh chụp trong viện điều dưỡng bỏ hoang ở Cách Nhĩ Mộc. Trong đầu tôi lập tức hiện ra tình cảnh lúc đó, đây không biết là hành lang ở lầu mấy.
Viện điều dưỡng kia là nơi nhóm Văn Cẩm chọn làm chốn ẩn thân để tránh khỏi sự truy lùng của chú Ba. Nhóm Văn Cẩm thân thế bí hiểm, theo như lời chú Ba thì không biết bọn họ đang tiến hành nghiên cứu cái gì. Trong viện điều dưỡng bỏ hoang, bọn họ đã quay rất nhiều băng hình, giám sát nhất cử nhất động của bản thân, trong số đó thậm chí còn một người giống hệt tôi, chuyện này hoàn toàn là một mớ bòng bong.
Vì sao gã họ Sở lại có ảnh chụp nơi đó, chẳng lẽ gã cũng dây dưa vào chuyện này?
Lòng tôi hơi khó chịu, mà nghĩ mãi không ra bức ảnh này có chỗ nào khơi gợi hứng thú của mình. Nhìn ảnh sẽ đi tìm người? Không hề có cảm giác ấy.
Nhìn xuống bên dưới, sàn nhà lát gỗ, bên trái bức ảnh có một cảnh ở xa, là hành lang phía sau bình phong, một nửa bị bình phong che mất, một nửa vẫn thấy được. Chỗ đó đã nhăn nhúm, thoạt nhìn không rõ ràng lắm, nhưng nhìn kỹ thì thấy một bên hành lang có vài khung cửa.
Trong một thoáng, tôi đã cảm thấy cảnh tượng này có phần quen thuộc. Cái cảm giác xưa cũ cổ kính này, thêm vào đó là cách sắp xếp các phòng, tôi chắc chắn đã từng gặp ở đâu đó, hơn nữa ấn tượng còn tương đối sâu sắc.
Tôi rê chuột xuống dưới, trong email còn gửi kèm ảnh scan, bên trên có chữ viết tay của gã họ Sở, hiển nhiên là viết cho tôi.
Trên đó viết: Năm 1984, ở viện điều dưỡng Cách Nhĩ Mộc của quân giải phóng.
Không đúng, tôi thử nghĩ, gã rất thân với chú Ba, không chừng chú Ba đã để lại vật gì ở chỗ gã chăng? Hoặc là chú từng nhờ gã giúp việc gì. . . . . . nên gã mới biết chút tin tức.
Khả năng này khá lớn, nếu gã thật sự biết ở viện điều dưỡng đã xảy ra chuyện gì thì quả là một tin vui bất ngờ cho tôi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bức ảnh này chụp cái gì mới được chứ?
Đối với người bình thường, chụp ảnh dĩ nhiên là vì mục đích chủ quan, hoặc để giữ làm kỷ niệm, hoặc để bảo tồn tư liệu, không có chuyện rỗi hơi đi chụp một tấm hình vô nghĩa. Lúc ấy trong viện điều dưỡng hiển nhiên đã xảy ra chuyện gì đó, tạo cơ hội cho một người chụp được bức ảnh này.
Xem ra đây khó có thể là ảnh lưu niệm, vì tấm bình phong chẳng có gì bắt mắt, hành lang thô sơ nằm ngoài rìa bức ảnh chắc chắn cũng không phải lý do chụp hình. Vậy thứ người này muốn chụp hiển nhiên là cái bóng sau bình phong rồi.
Đây là chuyện khá kỳ lạ, một mặt cái bóng khiến người ta sởn gai ốc, mặt khác cách chụp ảnh quả thực gây cho người ta cảm giác có thể nó đang chụp “ma”, vì nhìn thoáng qua trông nó hơi giống ảnh ma trên internet. Hơn nữa lòng tôi hiểu rất rõ, đó không thể là ma, đằng sau tấm bình phong nhất định phải có vật gì. Mà người chụp, vì lý do nào đó, đã đứng cách một tấm bình phong để chụp bức ảnh này. Có điều chúng tôi không ở hiện trường, chỉ thấy được thành quả, nên có hơi khó tưởng tượng.
Trong viện điều dưỡng đúng là ẩn chứa nhiều bí ẩn, bọn họ ghi hình lại nhất cử nhất động của mình, giờ còn lòi ra tấm ảnh này, rốt cuộc họ đã làm cái quỷ gì trong đó chứ?
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng không thể đắn đo quá nhiều, xem ra đúng là phải đi gặp người này một chuyến. Tôi gọi điện cho Phan Tử, nói rõ suy nghĩ của mình. Phan Tử suy tính một lát rồi bằng lòng, nói để anh thu xếp, thu xếp thỏa đáng rồi sẽ báo cho tôi sau.
Bỏ qua mấy chuyện râu ria, chẳng bao lâu sau, tôi đã gặp được gã họ Sở ở trại giam Bình Đường, quá trình thuận lợi hơn tôi nghĩ. Phan Tử đưa tôi đến, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào nhà đá, trên đường vào mồ hôi lạnh túa ra như mưa, qua vài cánh cửa sắt, tôi đã thấy gã ngồi trong phòng nghỉ.
Người này rõ ràng đã gầy đi kha khá, quả đầu trọc cũng không còn sáng bóng như xưa, xem ra đã già đi mấy tuổi, run rẩy nhíu nhíu mày. Tôi cho gã điếu thuốc, gã rít mấy hơi mới bắt đầu thả lỏng. Nhớ lại mặt mũi bóng nhẫy của gã ngày trước, lòng tôi không khỏi cảm khái, lăn lộn trong cái nghề này phất nhanh mà tàn cũng nhanh, sa chân đến nước này cũng đành chấp nhận.
Gặp rồi lung túng mất một chặp, tôi không biết phải nói gì, trái lại là gã mở lời trước: chú Ba nhà cậu ra sao rồi? Giọng nói cũng khản đặc đi nhiều.
Tôi kể sơ lược về tình hình ở Trường Sa, nói chú Ba đã bặt vô âm tín, cũng không thấy xuất hiện trong giới tai to mặt lớn, chẳng biết lại chạy đi đâu rồi.
“Báo ứng, đi con đường này tất gặp báo ứng!” Gã hung hăng rít một ngụm khói, hình như hơi thất thần, ngẫm nghĩ rồi ngước lên nhìn tôi nhìn chằm chằm, lại hỏi, “Cậu đang thăm dò chuyện về Trương câm điếc?”
“Trương câm điếc?” Tôi ngây ra một chặp mới phản ứng, “Anh đang nói Tiểu ca kia? Các anh gọi hắn là Trương câm điếc?”
“Trên đường đi mọi người đều gọi hắn như thế.” Lúc này gã đã hít xong, tốc độ cực nhanh. Tôi thấy tay gã bắt đầu run, liền đưa cả thuốc lẫn bật lửa của mình qua, gã lập tức lấy thêm một điếu. “Vì hắn không thích mở miệng, cậu hỏi thăm chuyện của hắn làm gì?”
Tôi thầm nghĩ cái này liên quan đếch gì đến anh, tạm thời không biết trả lời sao. Phan Tử bên cạnh liền xen ngang: “Mẹ kiếp, anh hỏi nhiều thế làm gì?”
Gã họ Sở rít vài hơi, liếc qua Phan Tử, ỷ thế làm càn: “Anh thích vậy đấy, hỏi mấy câu thì có làm sao?”
Phan Tử vừa thấy gã đã nổi điên, “hừ” một tiếng định buông lời độc địa. Tôi ngăn anh lại, giờ có thể coi như thời gian gã họ Sở sa sút nhất, có xỉa xói cũng vô dụng. Gã đã không còn gì để mất, anh mắng vài câu thì ích gì? Tôi liền mở lời: “Anh Sở, anh dấn thân vào giang hồ lâu hơn em, hẳn cũng biết có một số việc thật sự khó nói.”
“Ái dà, cậu Ba cũng tính khua môi múa mép với tôi, khá lắm.” Gã gật đầu nhìn tôi, nói bằng giọng xách mé.
Tôi trái lại không hề bị khiêu khích, chỉ nhìn thẳng vào gã. Gã làm bộ run run nhịn cười một lát, thấy tôi không tỏ thái độ thì cũng hơi cụt hứng, đột ngột quay sang Phan Tử hỏi: “Chú Phan, đã chuyển tiền cho ông già nhà anh chưa?”
Phan Tử lấy ra một tờ biên lai, đại khái là Phan Tử trả giùm tôi mười vạn đồng, quẳng đến trước mặt gã. Gã nhặt lên xem, nói: “Đúng là người của ông Ba, sảng khoái lắm!”
“Tiền tụi em đã trả, người anh cũng gặp rồi, giờ anh nói được chưa?” Phan Tử nói dỗi.
Gã gật đầu rồi nói với anh: “Mời chú Phan ra ngoài một lát, đây là chuyện giữa anh và cậu Ba nhà chú.”
Phan Tử cau mày, có vẻ bực bội. Tôi vội nháy mắt ra hiệu cho anh nghe lời gã đi, lỡ đâu gã có cách thì sao. Phan Tử rủa thầm một tiếng rồi đứng dậy ra ngoài.
Gã họ Sở nhìn theo anh, cho đến khi cửa đóng hẳn lại mới quay sang tôi. Tôi phát hiện gã đổi sắc mặt, nhả ra một ngụm khói rồi nói với tôi: “Cậu Ba, cậu không thể tiếp tục điều tra nữa.”
Tôi giật mình nhìn gã họ Sở, không ngờ gã lại nói thế.
“Vì sao?” Tôi buột miệng hỏi.
“Cậu cứ xem kết cục của tôi, của chú Ba cậu, của Trương câm điếc và của mọi người là hiểu ngay thôi.” Gã thở dài rồi đứng lên: “Bí mật đằng sau rất ghê gớm, cỡ như chúng ta không dây được đâu.”
Tôi ngồi thẳng lại, nhớ tới bức ảnh kia, liền hỏi gã: “Thật ra anh biết những gì?”