“Ngưu Đầu Mã Diện cứ vội vội vàng vàng lôi mình đi cứ như là tống khứ Ôn thần (1), cũng không biết đây là cái thời đại nào nữa. Tuy nhiên bọn họ có nói sẽ đem mình nhập xác sống lại làm vương hầu, vậy người mà mình nhập vào hẳn là một vị vương hầu rồi.”
“Nhưng mà nơi này là nơi nào? Sao tối tăm, lạnh lẽo thế?” - Trịnh Thiếu Bằng yếu ớt đưa tay mò mẫm. Trên người y phủ một lớp chăn mỏng, có vẻ như trời đang vào tiết đông, sự âm u giá rét tràn ngập không khí.
Đang muốn tìm hiểu chỗ ở của mình, Trịnh Thiếu Bằng chợt nghe thấy ba tiếng “tóc tóc tóc” của mõ trúc lanh lảnh vang lên, tiếp theo có người lớn tiếng hô to:
- Có khách đến… Ơ kìa, Dương lão thái gia, lão nhân gia ngài sao lại đến đây? Dương tú tài là vãn bối hậu sinh, không đáng để ngài làm như vậy đâu!
Trịnh Thiếu Bằng định thần lại: “Dương lão thái gia? Đây là kiểu xưng hô gì vậy? Bên cạnh náo nhiệt nhưng sao mình lại chỉ thấy tối thui thế này? Ôi trời… chẳng lẽ… chẳng lẽ mình đã chuyển thế vào một tên vương gia mù?”
Chỉ nghe thấy một thanh âm già nua ho mấy tiếng rồi nói:
- Chao ơi! Một nhà này của lục đệ xem như là đã tuyệt rồi, ta có thể không ghé qua một chút hay sao? Lăng nhi là nhân vật hiếm thấy của nhà họ Dương chúng ta đấy. Vị huynh đệ này của ta đến năm mươi bốn tuổi mới có độc một mụn con là đứa này, mà thằng nhỏ mới mười bảy tuổi đã trở thành tú tài trẻ tuổi nhất của Tuyên phủ chúng ta. Vốn còn muốn dựa vào nó để cho nhà họ Dương chúng ta được rạng rỡ tổ tông, vậy mà… Than ôi!
Loáng thoáng còn có cả tiếng khóc thút thít của con gái. Trịnh Thiếu Bằng có chút mơ hồ: “Rốt cuộc chuyện này là sao? Mặc dù chưa từng quay về thời xa xưa, nhưng mà mấy cái giọng điệu này nghe không giống với vương hầu thế gia à.”
Trước mắt vẫn tối đen như mực. Y sốt ruột muốn đứng lên, thế nhưng cái xác vừa mới nhập vào còn trong quá trình hồi phục, máu huyết trong chân tay tê cóng mới vừa bắt đầu lưu thông, cho nên trong một thời gian ngắn sẽ không đủ sức lực nâng người dậy. Cũng may là đã mấy lần làm hồn Trương Ba mượn da hàng thịt nên cũng quen; ở mỗi lần chiếm xác sống lại, lúc mới bắt đầu khống chế thân thể đều yếu đuối như vậy, cho nên y vẫn nhẫn nại nằm yên tại chỗ tích tụ sức lực.
Cái họng to ấy lại hô lên:
- Lão thái gia, mời ngài ngồi bên này! Các vị thân hữu hãy làm lễ!
Lập tức trong căn nhà vừa rồi hãy còn yên tĩnh đã trở nên ầm ĩ như có núi lở, khiến Trịnh Thiếu Bằng giật cả mình. Mới nãy trong phòng còn yên ắng tĩnh mịch, như thể chỉ có dăm ba người, đến khi một trận gào khóc như sói tru quỷ hú của của cả nam lẫn nữ vang lên, Trịnh Thiếu Bằng mới hiểu ra trong nhà vốn đã có nhiều người. Mấy lần chuyển thế trước cũng có khi nhằm ngay lúc mọi người trong nhà đang khóc lóc, nhưng chưa bao giờ tối thui đến nỗi xòe bàn tay không thấy ngón cả. Trịnh Thiếu Bằng chớp chớp mắt, mặc dù vẫn không trông thấy gì, nhưng trực giác cho thấy cặp mắt y không hề khuyết tật, thế nên trong lòng cũng có chút an ủi.
Chỉ nghe đám người đó kêu gào khóc lóc cái gì mà “đại huynh đệ ơi! Ngươi còn trẻ mà sao đi sớm quá vậy”, “Lăng huynh đệ ơi, sao ngươi lại chết như vậy chứ!” loạn cả lên, cũng chẳng biết cái đám người đó có quan hệ họ hàng thân thích gì với người chết hay không nữa.
Trịnh Thiếu Bằng nghe thấy chỉ muốn cười, khóc thật khóc giả cũng đã nghe chẳng phải lần một lần hai. Có điều ở thời hiện đại còn biết kềm chế, còn bây giờ nghe bọn họ hô khóc là khóc ngay, cứ như đang diễn kịch vậy, rất tức cười.
Cái giọng nói ồm ồm ấy lại hô lớn:
- Khách nhân đã làm lễ xong, thân nhân trả lễ nào!
Giọng nói vừa cất lên, những tiếng khóc lóc hỗn loạn lập tức im bặt, im đến nỗi có thể nghe được cả tiếng kim rơi. Thật không thể đoán được làm sao bọn họ có thể đồng diễn một cách thuần thục đến như vậy.
Tiếp đó chỉ nghe thấy giọng đau thương của một người con gái khẽ nói:
- Vị vong nhân (2) Dương Hàn Thị đa tạ lão thái gia, đa tạ các vị thân bằng hảo hữu!
“Vị vong nhân?” - Trịnh Thiếu Bằng nhíu mày: “Chắc hẳn những người này chính là khóc cho mình. Thế thì tốt, thậm chí vợ cũng đã cưới rồi. Nhưng mà… tại sao lại tối om thế này? Phúng điếu thì cũng không có lý gì mà phải tối như bưng chứ nhỉ?”
Đột nhiên y sực nghĩ đến cái gì đó, vội vã đưa tay ra sờ chung quanh.
Chân tay vừa mới cử động được, mặc dù còn yếu ớt chưa thể dùng sức, nhưng khi ngón tay vừa chạm vào vật ở chung quanh, trong lòng y liền có chút minh bạch. Thì ra là y đã bị bỏ vào trong quan tài.
“Trời ạ, một chốc nữa đây không phải sẽ bị chôn sống chứ?” - Lúc này Trịnh Thiếu Bằng đã bắt đầu trở nên sốt ruột, nhưng vì hiện giờ toàn thân của y đều vô lực nên cũng không biết phải làm sao.
Tiếp theo chỉ nghe cái giọng ồm ồm lúc nãy lại hô lớn:
- Các vị thân bằng hảo hữu ở trước linh cữu hãy chia buồn tiễn đưa thêm một chặng nữa nào!
Lời vừa mới dứt, những tiếng gào khóc thảm thiết lại vang lên. Lúc này âm thanh nghe đã gần hơn, đoán chừng là cả bọn đều đã vây trước linh cữu mà khóc.
Thừa cơ, Trịnh Thiếu Bằng cố gắng đưa tay gõ vào quan tài, nhưng vì chân tay vẫn còn hơi cứng nhắc, mới gõ nhẹ có mấy cái y đã cảm thấy đau muốn ngất đi. Mấy tiếng gõ yếu ớt này bị tiếng khóc rống của bọn người kia át hẳn. Không còn cách nào khác, y buộc lòng phải dừng tay.
Lúc này giọng nói ồm ồm lại vang lên:
- Gia quyến tạ lễ một lần nữa! Chư vị thân bằng hãy cố nén bi thương, chấp nhận sự mất mát. Đã đủ lời đủ lễ đủ tâm, lễ hoàn tất!
Như một vị nhạc trưởng tài ba nhất, lời gã vừa dứt, tiếng khóc lập tức ngừng bặt.
Chỉ nghe bên ngoài một trận huyên náo, sau đó giọng nói già nua kia cất tiếng:
- Dương Hàn Thị, cha mẹ chồng ngươi sớm đã ra đi, mà hôm nay Lăng nhi cũng đã theo bọn họ xuống suối vàng, để lại ngươi một mình trơ trọi. Ngươi có dự tính gì không?
Chỉ nghe tiếng một người con gái khe khẽ cất lên:
- Thúc thúc, Ấu Nương đã bước vào cửa nhà họ Dương thì chính là con dâu của nhà họ Dương. Phu quân lần này bị bệnh, mặc dù nhà nghèo xơ xác, vẫn may hãy còn bốn mẫu ruộng nương để lại cho Ấu Nương để giữ gìn môn hộ, cho dù có khổ một chút cũng vẫn có thể sống qua ngày.
Dương lão thái gia ho khan vài tiếng rồi nói:
- Ấu Nương à, tuổi tác của ngươi còn nhỏ, một mình khó mà gánh đỡ cái môn hộ này. Giờ ngươi đã là người của nhà họ Dương chúng ta, nhà họ Dương chúng ta ở nơi này cũng có thể xem là một họ lớn, dù gì cũng không thể để cho ngươi một mình vất vả qua ngày, để cho người ngoài chê cười bọn ta.
Ta và mấy lão nhân trong tộc đã thương nghị, muốn đem bốn mẫu sơn điền (3) này giao cho Tuyền nhi trồng trọt và cày cấy, để bọn Tuyền nhi phụ trách ngày cơm ba bữa cho ngươi. Ngươi là đàn bà, hơn nữa cũng xem như em dâu của nó, giao ruộng đất cho nó cày cấy, ngươi cũng bớt đi được một phần lo lắng về cơm áo gạo tiền. Ngươi thấy có đặng không?
“Chậc, lại còn có cảnh tranh chấp di sản nữa.” - Trịnh Thiếu Bằng buồn bực suy nghĩ: “Còn làm ra vẻ quang minh chính đại. Sao mấy cái chuyện này cổ kim thời nào cũng có nhỉ? Chỉ mới vừa tới phúng điếu thôi mà giờ đã trở mặt rồi, cái vị ‘thúc thúc’ này cũng thật là thiếu kiên nhẫn quá đi!”
Bên ngoài yên tĩnh một hồi rồi mới nghe Ấu Nương nói:
- Ý tốt của thúc thúc Ấu Nương xin tâm lĩnh. Ấu Nương bạc phước, phu quân mất sớm, cũng chưa hề để lại chút hương hỏa, nhưng Ấu Nương dù là nữ nhi gia đình bình thường cũng là người có học ‘Nữ Huấn’ từ nhỏ, hiểu được đạo lý “vi nhân thê tử, tòng nhất nhi chung”(4).
- Nô gia sinh là người của nhà họ Dương, chết là ma của nhà họ Dương. Dù hiện giờ trong nhà chỉ còn lại một mình nô gia, một nhà này vẫn chưa thể tính là đã tuyệt. Dương Tuyền đại bá và phu quân dù gì cũng không phải là anh em ruột thịt, thậm chí thúc thúc người cũng đã sớm phân chia tài sản cho huynh ấy ra nơi khác ở. Giờ nô gia lại đem ruộng đất cha mẹ chồng để lại giao cho huynh ấy, như vậy thỏa đáng hay sao?
Những lời của người con gái này trong nhu có cương, vừa nhắc nhở chớ nên nghĩ rằng nàng là một quả phụ trẻ tuổi vô lực, sẽ không giữ được mà đem gia sản tổ tiên bán đi, vừa ám chỉ rằng lão ta chỉ vì suy nghĩ cho nhi tử của mình mà đến đây tranh đoạt sản nghiệp của anh em con chú con bác của mình.
Dương lão thái gia bị nàng nói toạc ra tâm tư, mặt thoáng đỏ lên, nhất thời có phần không kềm chế được. Lão có tổng cộng bốn người con, duy chỉ có đứa con thứ ba Dương Tuyền này là không nghề không ngỗng, ăn chơi đàng điếm, đã tiêu xài hết sạch số ruộng đất mà hắn được chia.
Mặc dầu lão hận hắn đã khiến cho mình phải thất vọng, nhưng vì không cam lòng nhìn thấy đứa con ruột của mình sống trong cảnh nghèo khổ chán chường, cho nên lão mới dày mặt tới đây đề xuất ra lời thỉnh cầu phi lý này, chỉ mong con mình sau khi có được số ruộng đất này, có thể thay đổi làm lại từ đầu. Không ngờ con bé này tuổi còn nhỏ mà đã cương nghị, lại cứ khăng khăng cự tuyệt.
Điều mà lão không biết chính là, đứa con kia nhờ lão ra mặt đề xuất yêu cầu này với Dương Hàn Thị thật ra còn có một mục đích không thể nói ra. Dương Tuyền ăn chơi đàng điếm, xóm làng đều biết, lại còn xài hoang cạn kiệt gia sản. Từ sau khi bọn Thát Tử vào thôn cướp bóc giết chết cô vợ của hắn vào năm trước, cho đến giờ hắn vẫn chưa tìm được vợ, đã ngoài bốn mươi tuổi đầu mà vẫn còn là một kẻ lông bông.
Em họ Dương Lăng của hắn, cũng là gã tú tài mà Trịnh Thiếu Bằng vừa mượn xác nhập vào, năm nay vừa mới cưới Dương Hàn Thị, vốn tên thật là Hàn Ấu Nương, là một nữ tử xinh đẹp nổi tiếng gần xa. Người ta nói “thâm sơn dục tuấn điểu, sài ốc xuất giai lệ” (5), lời này quả thật một điểm cũng không sai.
Dương Lăng thân ôm bệnh lo toan hôn sự, mong có thể mượn chuyện thành thân để trừ vận xui, rốt cuộc ngay cả tấm khăn voan của tân nương còn chưa kịp dỡ xuống thì bệnh tình đã trở nặng, phải nằm liệt giường. Dương Tuyền mượn cớ thăm huynh đệ nhiều lần đến nhà cò cưa, kết quả đều bị Hàn Ấu Nương đuổi đi.
Nếu không phải vì đứa em dâu này là con gái của Liệp Nhân Vương (vua săn bắn) có võ nghệ giỏi giang thì hắn cũng đã nghĩ đến chuyện dùng vũ lực rồi.
Hắn vốn định bụng đoạt xong ruộng đất của nàng sẽ khống chế cuộc sống của nàng. Lúc đó, việc dần dần chiếm đoạt trái tim và thân xác của tiểu quả phụ đáng thương mới mười lăm tuổi này cũng sẽ không còn là chuyện khó nữa.
Dương Tuyền đứng một bên, cặp mắt tham lam nhìn chằm chằm vào cô em dâu trong bộ đồ tang càng lộ ra vẻ quyến rũ động lòng người. Vừa thấy nàng khiến cho phụ thân mình nghẹn họng, tính tình vô lại tức thời phát tác, hắn không nhịn được quát to:
- Hàn Ấu Nương, ngươi còn nhỏ tuổi, dựa vào cái gì mà đòi giữ gìn cái nhà này? Cha ta đây cũng là có ý tốt, không muốn ngươi đến lúc không thể chịu đựng được nữa sẽ làm ra chuyện nhục nhã gia phong cho nhà họ Dương.
Hàn Ấu Nương tuổi tác tuy nhỏ, nhưng lại rất cương liệt, nghe xong liền phất tay áo đứng dậy, mày ngài xếch ngược, lạnh lùng nói:
- Nô gia đọc sách hiểu lễ nghĩa, tuân thủ đến trọn đời. Từ khi bước vào nhà họ Dương, mỗi ngày không chút nghỉ ngơi phụng dưỡng phu quân, có chỗ nào là không phải với đức hạnh của người phụ nữ? Đại tộc Dương thị cho dù có thứ con cháu xấu xa cũng tuyệt đối sẽ không xuất phát từ nhà ta.
Dương Tuyền nghe nàng chế giễu mình, không khỏi nổi nóng, lớn tiếng mắng:
- Con tiểu tiện nhân nhà ngươi! Lăng đệ là tú tài duy nhất của nhà họ Dương ta, chúng ta đều nhờ vào đệ ấy để làm cho dòng họ nhà họ Dương được vinh dự. Nếu không phải vì bát tự (6) của ngươi khắc chết đệ ấy, thì cớ sao đệ ấy còn trẻ, thân thể trước giờ vẫn luôn khỏe mạnh lại có thể cứ nói chết là chết chứ?
Nói người phụ nữ khắc chết chồng thật sự là gán cho một tội danh không thể biện bạch, mà cũng không thể gánh nổi. Hàn Ấu Nương tính tình cương liệt, lại bị “lưỡi dao mềm”(7) giết người không thấy máu của tên vô lại này đâm cho một nhát khiến nàng giận đến run người. Đảo mắt nhìn quanh, nhân số gia đình của trượng phu vốn đơn bạc, ở chỗ này đều là thân nhân trực hệ của nhà thúc thúc, bọn họ kẻ nào kẻ nấy đều nhìn nàng với một ánh mắt kỳ quái, những cái nhìn lạnh nhạt khó chịu ấy như từng mũi kim đâm vào tim nàng.
Uất ức, bi thương, phẫn nộ, từng dòng cảm xúc lần lượt dâng lên trong lòng; người trượng phu này, từ lần gặp mặt đầu tiên thì đã nằm liệt trên giường như chờ chết. Mặc dù chưa có cảm tình gì, nhưng cái đạo lý “theo đến suốt đời” đã khiến nàng còn chưa kịp cởi áo cưới này đã phải thường xuyên bận rộn chạy đi mời thầy, tìm thuốc, bán của cải để chữa bệnh cho trượng phu, đêm ngày không ngừng chiếu cố cho y.
Chính mình đã bất hạnh như vậy, tuổi còn trẻ đã phải ở góa suốt đời, vậy mà không ngờ thi thể phu quân còn chưa lạnh, tộc nhân của y đã đến mưu đoạt gia sản, còn trút lên đầu mình cái ô danh như vậy. Thân mình thế đơn lực bạc, sau này sẽ phải sống như thế nào trong cái đại gia tộc này?
Nhất thời trong nỗi bi ai, Hàn Ấu Nương không kềm được lệ rưng rưng quanh đôi mắt xinh đẹp, nói:
- Được! Được! Được lắm! Tiễn Ngọc Liên đầu giang toàn tiết (8), lưu danh muôn thuở! Hàn Ấu Nương ta há lại tiếc tấm thân này. Giờ đây ta theo bước phu quân, miễn khỏi phải chịu sự chèn ép của bọn tiểu nhân các người.
Tiểu cô nương nói xong liền xoay người, muốn đập đầu vào quan tài của trượng phu. Dương lão thái gia sợ đến nhảy dựng: “Phụ thân của Hàn Ấu Nương này võ nghệ giỏi giang, khắp làng khắp xóm không ai mà không biết. Hôm nay trượng phu của người ta vừa chết, mình đến nhà uy hiếp đoạt gia tài vốn đã là đuối lý, lại còn bức cô ta đập đầu vào quan tài mà chết. Chuyện này nếu lan truyền ra ngoài, không những bị hàng xóm láng giềng chỉ trích mà cha cô ta há chịu bỏ qua sao?”
Lão ta hoảng hốt bật dậy khỏi ghế la lớn:
- Mau, mau ngăn nó lại!
Thế nhưng Hàn Ấu Nương thân thủ linh hoạt, vừa dứt lời thì đã hành động. Mọi người còn chưa kịp ngăn lại thì nàng đã phóng đến trước quan tài, nhắm vào một góc quan tài muốn đập đầu xuống.
Đúng lúc này, nàng bỗng nhiên khựng lại, đôi mắt tròn xoe sợ hãi nhìn vào quan tài. Chiếc nắp đóng hờ trên quan tài để cho người đến phúng điếu hiện giờ bỗng dưng lại xê dịch qua bên cạnh một chút, sau đó bốn ngón tay trắng bệch vươn ra vịn vào mép quan tài.
Chứng kiến chuyện kỳ quái này, Hàn Ấu Nương không khỏi kinh hãi lui về sau một bước. Mọi người trông thấy hành động của nàng đều nhìn về phía quan tài, lập tức có mấy bà cô hoảng hốt kêu lớn: “Xác chết sống lại rồi!”, sau đó lập tức xoay người co giò chạy mất.
Mấy nam nhân mặc dù không bỏ chạy nhưng cũng đều nơm nớp sợ hãi, tụm lại thành một đoàn. Hàn Ấu Nương can đảm hơn một chút, ngẫm lại dù gì thì đó cũng là phu quân của mình, có là xác chết sống lại hẳn cũng không làm tổn hại đến mình. Hay vì người ấy thấy mình chịu sự hiếp đáp của người khác nên mới từ cõi âm trở về?
Cố đè nén sự sợ hãi trong lòng, nàng dè dặt bước tới trước, đẩy chiếc nắp quan ra. Chỉ thấy trượng phu đang ngồi xổm thở hổn hển bên trong hòm, mà vì trời lạnh nên hơi thở cũng mang theo những làn sương trắng. Hàn Ấu Nương thấy vậy trong lòng không khỏi lấy làm mừng rỡ: “Người chết nào có thể thở ra hơi ấm chứ? Ông trời có lòng thương, không ngờ người ấy… người ấy đã sống lại rồi.”
Trịnh Thiếu Bằng hao phí tất cả sức lực, khó khăn lắm mới đẩy được một góc nắp quan ra, đang quỳ thở hổn hển, bất thình lình trước mắt sáng lòa, ánh sáng chiếu vào khiến y phải nhíu mắt lại, phải một hồi lâu mới thích ứng được đôi chút. Y ngẩng đầu nhìn người quả phụ đáng thương bị người ta hiếp đáp, thật không tài nào có thể liên tưởng đến một người phụ nữ đã xuất giá đi lấy chồng: đây rõ ràng chỉ là một cô bé còn chưa trưởng thành mà.
--------------
(1) Ôn thần: một vị thần mang mầm dịch đến cho loài người, cụm từ “tống Ôn thần” ý chỉ muốn xua đuổi một người hoặc một thứ gì xấu.
(2) Vị vong nhân là người chưa chết, ý chỉ người phụ nữ chưa tuẫn tiết. Chữ dùng khiêm cung kiểu cách của người đời xưa do người vợ góa tự xưng.
(3) Ruộng núi, để phân biệt với “thảo điền” (ruộng cỏ).
(4) Làm vợ người ta thì sẽ theo người ta suốt đời.
(5) Núi sâu sinh chim đẹp, nhà củi xuất giai nhân.
(6) Bát tự: tám chữ (giờ ngày tháng năm sinh viết theo Thiên can và Địa chi) Là một cách xem số mệnh của Trung quốc. Người mê tín cho rằng giờ, ngày, tháng, năm con người được sinh ra đều bị Thiên can Địa chi chi phối. Mỗi giờ, ngày, tháng, năm sinh ấy được thay bằng hai chữ, tổng cộng là tám. Dựa vào tám chữ ấy, ta có thể suy đoán ra vận mệnh của một con người. Theo phong tục cũ, khi đính hôn, hai bên nhà trai và nhà gái phải trao đổi “Bát tự thiếp” cho nhau, còn gọi là “canh thiếp” hay “bát tự”.
(7) Ám chỉ những thủ đoạn âm hiểm, khó biết. Ý nói miệng lưỡi ác độc.
(8) trích trong “Kinh Sai ký”, kể về câu chuyện Tiễn Ngọc Liên vì chấp nhận lấy thư sinh Vương Thập Bằng với sính lễ bằng cây trâm mận gai (kinh sai) mà cự tuyệt cự phú Tôn Nhữ Quyền. Về sau Vương Thập Bằng đậu trạng nguyên, bởi vì từ chối thừa tướng Mặc Sĩ bức hôn, nên bị đưa ra vùng hoang vắng làm quan. Tôn Nhữ Quyền ngầm sửa gia thư của Vương Thập Bằng thành “hưu thư” (thư đuổi vợ) để lừa Ngọc Liên; mẹ kế của Ngọc Liên cũng vì tham tiền mà bức nàng cải giá. Ngọc Liên không nghe, đâm đầu xuống sông tự vẫn, nhưng may mắn được cứu sống.