• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Spoiler
Xa bao năm cuối cùng tương ngộ, anh trước đây vẫn như anh trong mộng, và em vẫn là người xa lạ với anh.

Đang chìm trong mộng đẹp, tôi bị điện thoại của Ma Lạt Thang khua dậy.

Trong mộng tôi vừa mới đôi tám, còn là bông đậu khấu đầu cành, mơn mởn tươi tắn, căng mọng đến mức chỉ cần xoắn khẽ là nhựa ứa ra.

Tôi đứng ở rìa sân nhìn anh chơi bóng rổ. Bóng đập lệch, lăn lông lốc về phía chân tôi. Anh sải chân chạy đến.

Áo bóng rổ màu trắng, làn da màu đồng.

Theo nhịp chạy, những giọt mồ hôi ở mái tóc anh văng tung tóe ra khoảng không. Dưới ánh mặt trời vàng óng, mỗi giọt đều biến thành một viên đá quý bảy màu, tỏa hào quang khiến tôi choáng ngợp đến độ không thở được. Anh chìa đôi tay tới trước, nhưng không nhặt bóng mà ôm lấy tôi. Đầu anh từ từ hạ thấp, khuôn mặt tuấn tú lớn dần trước mắt làm máu tôi sủi lên, tim đập nhanh vọt, ngạt thở tưởng ngất tới nơi, người run rẩy vì hạnh phúc…

“Anh yêu em, yêu em như chuột yêu gạo…”*

*Trích ca từ “Chuột yêu gạo”, một bài hát mạng rất thịnh hành đầu những năm 2000, sau được làm đĩa và hát lại bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Tôi không nghe thấy, tôi không nghe thấy, như người điếc không nghe thấy vậy. Tôi gắng sức tự kỉ ám thị, nhưng rõ ràng anh không hợp tác, hình bóng đã tan biến rồi.

Chỉ còn một milimet, một milimet nữa thôi!

Tôi nhắm mắt thở dài, hồi lâu mới uể oải mò lấy điện thoại di động, còn chưa kịp “A lô”, Ma Lạt Thang đã phủ đầu:

– Bà làm gì thế, mãi không bắt điện thoại, tôi còn tưởng bà rơi xuống bồn cầu rồi chứ! Mau ra ngoài bát phố với tôi!

Trên đời ngoài bố mẹ ra, chỉ có Ma Lạt Thang dám la hét với tôi mà không bận tâm đến tính mạng này đấy!

– Tôi vừa ngủ dậy để tôi đi tắm đã. Bốn mươi lăm phút nữa ở chỗ cũ nhé!

Ngắt điện thoại tôi chệnh choạng đi vào nhà tắm, đứng mấy phút dưới vòi hoa sen mới tỉnh táo hẳn. Hồi tưởng cảnh trong mộng, tôi bất thần ngửa cổ, bật ra một tiếng kêu dài ai oán, “A a a…!”.

Bao nhiêu năm nay, giấc mộng đẹp ấy vẫn thường tìm đến, nhưng lòng ham hố của tôi chưa bao giờ được thỏa mãn, không phải tại sự cố này thì sẽ tại sự cố khác. Thời gian đầu, lần nào tôi cũng ngất xỉu đúng lúc vừa được anh ôm, rồi choàng tỉnh. Về sau tôi không ngất nữa, nhưng lại vô thức nhắm mắt lúc anh sắp hôn, kết quả là vừa nhắm mắt thì thức giấc. Lần sau, nhất định tôi sẽ chủ động “chìa môi” ra ngay khi được anh ôm. Tôi đã không thể làm chủ đời thực, lẽ nào bất lực với cả giấc mơ của chính mình? Vô lý! Tôi không tin điều đó.

Vừa trét sữa tắm lên người, tôi vừa ngúng ngẩy ngêu ngao với vòi hoa sen:

Lần nào cũng vậy,

Đều kiên cường trong hoang mang cô độc.

Lần nào cũng vậy,

Tổn thương đến đâu cũng không rơi nước mắt,

Em biết,

Luôn có một đôi cánh vô hình mang em bay lên, vượt qua tuyệt vọng…*

*Trích ca từ bài “Đôi cánh vô hình”, Trương Thiều Hàm hát.

Hát trong phong tắm tiếng thường rất vang, giúp lòng tự tin của người ta tăng vọt.

Tôi thường băn khoăn dạng có năng khiếu như mình đây mà sao mãi vẫn chưa được khai quật. Nếu năm xưa tôi chẳng may tham gia cuộc thi Super Voice Girl* thì Ngọc Mễ hay Lương Phất đều phải đổi tên thành Màn Thầu hết rồi. Tôi tên là Tô Mạn, giá có fan thì gọi fan là Màn Thầu* cũng hợp lắm.

*Cuộc thi Super Voice Girl: Cuộc thi đơn ca và tốp ca nữ do đài truyền hình Hồ Nam Trung Quốc tổ chức thường niên trong khoảng thời gian từ 2003-2006. Các ca sĩ nổi tiếng như Lý Vũ Xuân, Chu Bút Sướng, Trương Lương Dĩnh đều đi lên từ cuộc thi này.

*Ngọc Mễ (hạt ngô) là tên gọi chung của fan Lý Vũ Xuân, Lương Phấn (thạch đậu) là tên các fan của Trương Lương Dĩnh. Người hâm mộ ở Trung Quốc thường chọn một cái tên ngồ ngộ, có phát âm tương đồng với tên thần tượng để đặt cho nhóm mình. Ngọc và Vũ, Lương và Lương, Màn và Mạn trong tiếng Trung đồng âm. Màn thầu có nghĩa là bánh bao.

Mới xong công đoạn thoa sữa tắm thì tiếng nhạc chuông “Anh yêu em, yêu em như chuột yêu gạo” lại réo lên.

Ma Lạt Thang! Bà thật không còn nhân tính nữa! Tôi mặc kệ, tiếp tục tắm, chuông ngừng một lát lại giục giã. Khi chuông keo tới lần thứ năm, trong đầu tôi đã có cả một dàn giao hưởng đang diễn tấu: “Anh hận em, như chuột hận mèo”. Tôi khẩn trương tắm cho xong, quấn quanh khăn tắm lên người rồi lao ra ngoài. Sàn nhà lát gạch hoa, dép lê trượt một cái làm tôi suýt ngã nhào. Ngộ nhỡ ngã thật, chắc phải đến bệnh viện mất. Tôi hậm hức tiếp điện thoại, câu đầu tiên là:

– Bà vội đi đầu thai hả! Tắm rửa một lúc cũng không yên thân, khốn kiếp!

Ma Lạt Thang nhiễm giọng đường phố, ăn nói bỗ bã, cứ mở mồm là khốn kiếp. Thoạt đầu nghe không quen, tôi còn khéo léo góp ý:

– Bà kể cũng là thanh niên trí thức, nói năng nên nhã nhặn lịch sự.

Ma Lạt Thang chớp chớp mắt, dễ dãi đáp. “Được!”. Tôi đang cảm động vì mình đủ khả năng làm người ta cải tà quy chính, thì cô buông thõng một câu:

– Mẹ kiếp, bà thật là cảnh vẽ!

Tôi nghĩ một lát, chỉ còn nước nhái giọng Tinh gia* đáp:

– Quả nhiên lịch sự.

*Tinh gia: Tức Châu Tinh Trì.

Từ bấy giờ trở đi, tôi hoàn toàn đầu hàng Ma Lạt Thang. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, lâu ngày, đúng nguyên tắc có đi có lại, tôi bắt đầu ăn tục nói phét với cô, coi như cách giao lưu tình cảm riêng giữa hai đứa.

– Con nói gì! Nói gì! Nhắc lại lần nữa xem, về nói thẳng trước mặt bố mẹ xem…

Tôi sợ chết đứng đúng ba giây trước giọng nữ trung dày khỏe, rồi vội vàng đưa điện thoại ra xa, nhưng màng nhĩ đã tê liệt. Đợi tiếng sư tử bên kia gầm rống gần ba phút, tôi mới xoa xoa vành tai tê bì, thẽ thọt đáp lại. Nhưng mẹ không màng viên đạn bọc đường của tôi, nên tôi đành tiếp tục lắng tai nghe giáo huấn. Những tưởng bài ca này phải kéo dài đến khi cạn pin mới thôi, tôi nhẹ nhàng đặt điện thoại lên bàn, định lén lút lên mặc quần áo, nào ngờ mẹ đột nhiên ngừng mắng. Tôi giật mình, chắc không may mắn vậy chứ?

– Mải mắng con quên mất cả việc chính.

Tôi tức thì ớn lạnh, việc chính của mẹ?

– Mạn Mạn, con trai một người bạn của cô Trần vừa đi nước ngoài về, vể ngoài đĩnh đạc, sáng sủa đứng đắn, công thành danh toại…

Tôi khẽ lẩm bẩm:

– Hạng trâu bò như thế mà cần đi xem mắt ư?

– Con nói sao? – Mẹ quát lên.

– Không nói gì ạ – Tôi đáp liền. – Mời mẹ tiếp tục!

Nghe cô Trần kể, cậu ta cứ mải mê lo sự nghiệp nên lơ là chuyện bạn gái, tuổi cũng đã lớn, cha mẹ bên ấy âu sầu phiền muộn, khó khăn lắm mới đợi được cậu ta trở về, lập tức chạy đôn chạy đáo tìm người mai mối giúp con trai. Cô Trần đã hẹn sẵn địa điểm gặp mặt cho hai đứa rồi, ở quán cà phê gần cửa Nam đại học Thanh Hoa.

Mẹ càng nói càng điềm đạm, càng nói càng dịu dàng, nhưng tôi lại cảm thấy giọng điệu ấy như tơ tằm chằng rịt lấy mình, người ngợm xụi lơ.

– Mẹ ơi, xem mặt kiểu này chưa đủ một trăm lần thì cũng được chín mươi chín lần rồi. Đợt trước chẳng phải con gặp một kẻ vô lại, hôm nào cũng nhè nửa đêm gọi điện tới nhà đấy còn gì…

– Công học hành bao nhiêu năm vứt đâu hết thế? Tuổi còn trẻ, mới gặp chút trắc trở đã không kham nổi là sao? Không được tháo chạy khỏi thất bại, mà phải vượt qua! Khuỵu ngã ở đâu, phải bò dậy ở đó!

Hay lắm! Mẹ giở hết kinh nghiệm hồi làm công tác tuyên truyền ở cơ quan ra rồi đây!

Vận dụng liên hoàn chính sách cây gậy và củ cà rốt, nào mềm, nào cứng, nào vừa vừa, cuối cùng mẹ tỏ rõ lòng mình bằng giọng run rẩy, rằng nếu hôm nay không đi xem mặt, thì tôi sẽ là đứa con bất hiếu nhất trần đời tự cổ chí kim, bao nhiêu sợi bạc trên tóc mẹ đều tại tôi chọc tức mà ra cả.

Đôi vai nhỏ của tôi chắc cũng gánh được bản tuyên án bất hiếu này thôi, nhưng nghĩ đến những món ngon mẹ nấu, tôi đành xuống nước. Mẹ nhắn cho tôi số điện thoại của cô Trần, đã cúp máy rồi mà còn gọi lại dặn dò tôi nhất thiết phải trang điểm cho đẹp. Tôi đáp bằng giọng nhỏ nhẹ, nhưng bộ điệu lại hung ác:

– Thưa mẹ, mẹ cứ yên tâm. Nhất định con sẽ “trang điểm” cho đẹp.

Ba mười phút sau, tôi bắt taxi đến cửa Nam trường đại học Thanh Hoa. Vừa nhìn thấy tôi, tài xế đã trắng bệch cả mặt, khiến tôi rất đỗi hài lòng về diện mạo của mình.

Tôi chui vào xe, đang ngâm nga trong miệng thì Ma Lạt Thang gọi điện, vì biết nhìn xa trông rộng, tôi dịch điện thoại ra cách mình một khoảng. Tràng rủa xả inh ỏi khiến tài xế tài xế ngồi bên cạnh tay cứ run lên từng chập. Tối vốn định đợi Ma Lạt Thang chửi hết hơi mới giải thích, nhưng để giữ gìn cái mạng nhỏ của mình, tôi đành ngắt ngang lời:

– Mẹ bắt tôi đi xem mặt. Tôi mà không đi là mẹ cắt quan hệ mẹ con.

Ma Lạt Thang lập tức trật tự lại. Là con gái lớn mà vẫn chưa có nơi có chốn, cô bị mẹ thúc ép cũng không kém gì tôi, thậm chí còn ráo riết hơn. Chỉ hiềm tính cách cô tương đối mạnh mẽ, chẳng mấy khi đầu hàng, vì thế hai mẹ con cứ gây nhau gay gắt, tưởng tích tắc là có thể trở mặt thành thù.

Im lặng một lát, Ma Lạt Thang chán nản nói:

– Vậy bà đi đi, tôi lượn lờ một mình.

– Không cần đâu, tôi chỉ đến ngồi một lát, ừm… – Tôi liếc đồng hồ xe – Bà tạm đi gội đầu hay đắp mặt nạ, năm mươi phút nữa bọn mình gặp nhau.

Ma Lạt Thang bật cười hiểu ý:

– Hôm nay bà rất khác thường phải không?

– Rất quái chiêu, rất huyền ảo, rất kinh dị.

Bộ dạng của tôi bây giờ. Đảm bảo mẹ đứng trước mặt tôi cũng không nhận ra là ai luôn.

– Được, tôi đi làm móng, bọn mình gặp nhau ở spa nhé! Bà mà cho tôi leo cây lần nữa thì tôi ngắt đầu bà đó.

– Vâng vâng vâng!

Sự kiện xem mặt lần này khiến Ma Lạt Thang lại được thể hờn oán thế giới bi thảm của mình. Hẹn hò xong xuôi, cô vẫn không ngắt điện thoại:

– Mẹ tôi ấy! Từ lúc tôi vào trung học, đại học, đến tận lúc đi làm, mẹ vẫn luôn răn đe phải đặt việc học lên hàng đầu, đừng tơ tưởng lung tung, cần chăm chỉ học hành, ngày ngày phấn đấu. Tôi mà chuyện phiếm với bọn con trai thì mẹ có thể tra khảo cả tiếng đồng hồ, nào cấm váy ngắn, cấm quần áo mỏng, cấm áo hai dây, cấm áo hở rốn, chỉ thiếu nước khắc lên mặt tôi dòng chữ “cấm con trai” nữa thôi. Chẳng hiểu sao tôi vừa qua tuổi hai lăm, mẹ bỗng đổi tính đổi nết, không hỏi han đoái hoài công việc tôi làm nữa, chỉ hỏi đã quen chàng nào có triển vọng dài lâu chưa, có ai theo đuổi tôi không. Thấy tôi trả lời “không” suốt, mẹ liền chê bai tại cách ăn mặc của tôi qua bặm trợn, thiếu nữ tính. Xì! Tưởng dễ dàng như vẫy ong gọi bướm sao chứ? Hai mươi lăm năm qua không hề dạy dỗ, cũng không cho học hỏi, tôi quyến rũ ai được đây? Gái điếm ngày xưa trước khi lên sàn còn được tú bà huấn luyện mấy năm kia mà…

Tài xế lại bắt đầu run tay. Vì sự an toàn của bản thân, tôi đành vung vít vài câu rồi ngắt điện thoai.

Mười lăm phút sau, tôi đã hội ngộ cô Trần ở quán cà phê. Trông thấy tôi sắc mặt cô biến đổi y như tranh sơn dầu Molet*, một thứ màu mà phải nói là lòe loẹt sặc sỡ bê bết loang lổ. Tôi điềm tĩnh ngồi xuống, không gọi cà phê vội mà nhắc gạt tàn về bên tay phải mình, trong ví đã chuẩn bị sẵn thuốc lá và bật lửa, chỉ đợi bạn “mọt sách nước ngoài” kia xuất hiện là biểu diễn.

*Claude Molet, họa sĩ Pháp thế kỉ XIX, đại biểu và là một trong những người khai sáng trường phái Hội họa ấn tượng.

Năm phút trôi qua, còn ba mươi giây nữa là đến giờ hẹn rồi mà bạn “mọt sách nước ngoài” vẫn lặn tăm. Tôi liếc đồng hồ đeo tay, xem ra bạn ấy cũng không nhiệt tình với vụ này. Nếu bạn đến muộn, tôi sẽ có đầy đủ lí do để rời khỏi đây. Đang toan tính, chợt nghe cô Trần kích động kêu “Tới rồi, tới rồi!”, tôi vừa luồn tay vào ví tìm thuốc, vừa nhìn theo ánh mắt cô ra ngoài cửa kính.

Chỉ tích tắc, như bị gậy phép của phù thủy điểm trúng, tôi ngừng cử động. Thế giới trong này bỗng biến thành phim câm đen trắng, còn bên ngoài cửa sổ là dương quang chói ngời, là anh đào lả tả.

Vóc dáng anh vẫn cao dáo dĩnh đạc, khuôn mặt anh vẫn tuấn tú khôi ngô như tôi hằng mơ thấy.

Xuyên qua dương quang, xuyên qua bảy năm thời gian, anh dần dà tiến về phía tôi. Sau lưng anh là anh đào tan tác, là tim tôi rụng rơi.

Đầu óc tôi như sấm rung chớp giật, vẻ mặt tê điếng, cử động cứng ngắc như rối gỗ theo mối cũ giật cũ kéo của cô Trần.

Anh tự giới thiệu thế nào, tôi bắt tay anh ra sao, anh ngồi đối diện tôi ra sao và tôi tiến chào cô Trần thế nào, tôi không còn mảy may nhận thức. Tôi chỉ biết, con người mà tôi thương thầm nhớ trộm mười một năm trời, con người mà tôi đi theo để lên cấp III vào đại học, con người mà tôi tưởng đã vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời mình, con người mà ban ngày tôi không bao giờ nghĩ đến nhưng đêm về lại mơ tưởng hàng ngàn hàng vạn lần, đang một lần nữa xuất hiện trước mắt tôi.

Tôi mất đến mười phút cho việc hoài nghi tính chân thực của sự kiện. Ngờ rằng mình vẫn đang chìm trong mộng đẹp, tôi véo thật mạnh vào đùi để xác định mình không nằm mơ.

Tôi mất tiếp mười phút cho việc tiêu hóa tính chân thực của sự việc, đồng thời liên tục quát bảo những tiếng nổ đùng đoàng trong đầu, “Dừng lại, dừng lại ngay!”

Cuối cùng, khi đầu tôi cũng bằng lòng ngừng nổ, tôi lại mất thêm mười phút cho việc vui sướng điên cuồng, nhưng không dám biểu lộ ra ngoài, trong bụng mường tượng mình đang chống tay vào nạnh, ngửa mặt cười lớn: “Ha ha ha, anh ấy cũng đi xem mặt! Còn son, còn son!”

Hê hê hê, ta là một quả dứa, dứa, dứa, dứa

Hê hê hê, ta là một quả xoài, xoài, xoài, xoài…*

*Trích ca từ bài: Ta là một quả xoài”, nhạc phim Sư tử Hà Đông. Giai điệu náo nức vui vẻ về sau thường được giới trẻ Trung Quốc hát nhại lại để biểu lộ niềm hân hoan, tương tự bài The Cup of Life ở Việt Nam ta vẫn hay hát: Gô gô gô, à lề a lế a lê, dô dô dô, à lề à lế à lê ề…

Vũ khúc Hawaii hoa quả còn chưa kết thúc, tôi chợt liếc thấy bóng mình phản chiếu trong thìa cà phê…

Á …

Long trời… lở đất! Thảm họa… nhân gian!

Nỗi oán hận tái tê tràn ngập tâm hồn, tôi chỉ muốn bóp chết bản thân ngay tắp lự.

Tôi trừng trừng nhìn cái tôi bé xíu đang đần thối trong chiếc thìa cà phê, họng tắc lại, mắt rơm rớm lệ.

“Anh yêu em, yêu em như chuột yêu gạo…”

Điện thoại trong ví tru tréo. Không nói một lời, tôi nhấn ngắt, bắt đầu khuấy cà phê. Điện thoại réo tiếp, tôi nhấn ngắt tiếp. Điện thoại lại réo, tôi lại nhấn ngắt. Đang mò mẫm tìm nút tắt hẳn thì nghe anh nói:

– Nếu cô bận việc thì cứ đi trước đi, phía cô Trần tôi sẽ giải thích.

– Tôi không bận!

Giọng rất khẩn thiết, cứ chỉ van lơn, khiến anh ngẩn người. Tôi muốn phân trần, nhưng lưỡi như bị xoắn, không sao nói được. Lẽ nào lại giãi bày rằng, tuy anh không còn mảy may ấn tượng về tôi, nhưng tôi đã tương tư anh những mười một năm trời, vì thế vừa nhìn thấy anh là tôi hồi hộp, không thốt lên lời, đến tứ chi cũng phớt lờ điều khiển của đại não…

“Anh yêu em, yêu em như chuột yêu gạo…”

Bài hát thịnh hành chọi chan chát với tiếng dương cầm rủ rỉ trong quán cà phê, cộng thêm bề ngoài kì khôi của tôi, khiến mọi ánh mắt liếc về phía tôi đều biến ảo khó lường như một đề toán vi phân.

Anh bình thản nhìn tôi, vẻ mặt vẫn ôn hòa lịch thiệp. Trước cái nhìn ấy, tôi không còn lí do gì để ngắt điện thoại nữa, đành lề mề lôi điện thoại trong túi ra, cảm xúc dồn dập trong mấy giây ngắn ngủi ấy giúp tôi thấu hiểu cảm giác của tử tù lúc ra pháp trường.

“Ông trời ơi, cầu mong ông để Ma Lạt Thang bỗng nhiên đổi tính!”, tôi thầm khấn và bắt điện thoại. Kết nối vừa thông thì một tràng chửi bới chói tai vang lừng bắn thẳng ra, tôi như nhìn thấy từng âm giai hí hửng nhảy vũ điệu Hawaii trên bàn cà phê, tất cả đều mang vẻ mặt quỷ Satan.

Anh là người giỏi kiềm chế, thời gian ngần ấy năm qua lại hun đúc thêm ở anh khí độ từng trải. Không muốn tôi ngượng, anh nhấc cốc cà phê, vẻ mặt vẫn bình thản, dõi mắt nhìn ra cửa sổ như đang thưởng thức phong cảnh bên ngoài.

Kính cửa phản chiếu một chàng trai ăn vận đứng đắn và một cô gái phục sức luộm thuộm như bãi rác. Tất cả khách khứa trong quán đều phải chú ý, ngay cả đám phục vụ cũng tò mò săm soi chúng tôi. Đột nhiên, tôi rã rượi cả người, vừa bải hoải đứng dậy vừa nói:

– Xin lỗi, tôi còn có hẹn với một người bạn.

Anh lịch sự đứng lên theo, đáp lại một cách thực nhã nhặn, mà cũng thực xa lạ:

– Chào cô!

Tôi tháo chạy khỏi quán cà phê cùng tiếng chửi rủa của Ma Lạt Thang. Kéo mở của xe taxi xong, tôi quát lại:

– Ngậm ngay cái miệng vào, nếu không tôi sẽ rút ruột bà ra, siết hai vòng quanh cổ cho bà tắt thở!

Chắc chắn lúc ấy tài xế đã manh nha ý định từ chối, nhưng tôi đã ngồi vào xe, nộ khí xung thiên hất ra tờ bạc một trăm đồng: “Đến…” Ngẩn người một thoáng, tôi lại thét vào điện thoại, “Đến đâu đây?” và đưa điện thoại về phía tài xế. Ma Lạt Thang liền ngoan ngoãn khai bảo địa chỉ cái spa ấy. Xe lao vọt đi, Ma Lạt Thang khép nép hỏi:

– Sao thế? Lại gặp phải quân ăn hại hả? Mợ vuốt giận đi, để rồi em từ từ trị nó, đảm bảo sau này nó không dám lộ diện ở kinh thành nữa.

Tôi tươi mặt tếu táo:

– Không! Tôi gặp giai đẹp, thân hình phải nói là chuẩn.

– Bà xiêu lòng rồi?

– Ừa! Tôi ngắm chàng mà nước dãi chảy thành sông.

– Bà muốn rù quến người ta? Hắn gục không?

– Muốn thì muốn, nhưng tôi không vừa mắt xanh người ta, người ta thà chết không gục.

Ma Lạt Thang cười to:

– Tối vào hộp đêm, tròn béo dẹt gầy bà mặc sức chọn, tôi bao.

– Tôi muốn một chàng có khuôn mặt Phùng Thiệu Phong, ánh mắt Cổ Thiên Lạc, thân hình Ngô Ngạn Tổ…

Hai chúng tôi cười the thé như sói-giả-bà-ngoại vào điện thoại, tài xế bắt đầu lái giật cục, nhưng tôi chẳng buồn bận tâm cho cái mạng nhỏ của mình nữa.

Tôi cứ cười một cách vô tư phổi bò. Tôi là người thế nào? Một “Bạch Cốt Tinh”* thế hệ mới, đã bị xã hội tàn khốc này thui rèn thành “hạt đậu tương nảy cong cong, hấp không chín luộc không mềm đập không vỡ nhai không nát”*. Nhưng vì sao hết lần này đến lần khác, lòng tôi cứ miên man về giọng điệu lạ lẫm xa cách của anh? Vì sao tiếng cười của tôi giòn giã, mà trái tim tôi lại trống rỗng như vậy?

*Bạch Cốt Tinh: Tiếng lóng chỉ giới trẻ công sở hiện nay, ghép từ ba chữ đầu của Bạch lĩnh (dân văn phòng), Cốt cán ( giỏi ngiệp vụ) và Tinh anh (năng động tháo vát).

*Danh ngôn của Quan Hán Khanh thời Nguyên, dùng để miêu tả bản lĩnh kiên cường cứng rắn của con người.

Từ đầu đến cuối, anh không hề nói năng gì, để mặc tôi ngồi ngây, bề ngoài trầm lặng mà nội tâm cuồng loạn đóng phim Phù sinh lục kí*. Lần gặp mặt này sao mà giống tình cảm bao nhiêu năm của tôi thế!, tôi phải băng qua trăm sông ngàn núi, sương gió dãi dầu, nhưng anh thì bụi không lấm gót, cứ mỉm cười đứng nguyên dưới gốc ngọc lan.

*Phù sinh lục kí: Một bộ phim đen trắng do Trung Quốc sản xuất năm 1947, kể về sự truân chuyên ly tán của một đôi nam nữ.

Tôi và Ma Lạt Thang shopping cả ngày rồi đi ăn lẩu cay, uống chút rượu. Cơm no rượu say xong vẫy tay vẫy tay chào nhau.

Tôi vừa vào cửa, mới bật máy tính thì thấy ngay cửa sổ QQ* của cô nhấp nháy.

”Về đến nhà chưa?”

*QQ: Phần mềm chat thông dụng ở Trung Quốc Đại lục.

Việc chúng tôi gặp gỡ, kể ra cũng ngộ. Hai đứa quen nhau trên mạng khi vẫn còn là thiếu nữ phơi phới tuổi xuân, chat chit lâu ngày, dần dần chuyện gì cũng tâm sự. Tên thật của Ma Lạt Thang là Hứa Liên Sương, nghe rất văn vẻ, nhưng nickname thì vô cùng hổ báo: Ta Muốn Làm Bà Bựa. Bấy giờ tôi đang lạc lối trong sầu thảm tự ti, trông cái nick hung hãn như vậy thì lập tức thêm vào danh sách bạn ngay. Cô ăn nói đanh đá, thường rất hiểm, rất đau, khiến người nghe vừa tái tê vừa cay cú, tôi bèn gọi cô là Ma Lạt Thang*. cô cũng mặc nhiên chấp nhận. Chat với nhau hơn một năm, một buổi tối trăng không thanh gió không mát, chúng tôi hẹn chỗ gặp mặt. Cô gái khoác áo choàng đỏ ấy, và tôi, cùng run cầm cập đứng hứng gió rét mười mấy phút liền mà tôi không dám liên tưởng cô với Ma Lạt Thang. Về sau chính cô thấy tôi cứ gọi điện không ngừng, bèn lường lự đến gần ướm hỏi có phải tôi là thời “Thời Tươi Đẹp” không, và cho biết cô là ”Ma Lạt Thang”, sau đó giải thích rằng điện thoại đã đánh rơi trên xe buýt mất rồi, bấy giờ hai đứa mới coi như gặp được nhau.

*Ma Lạt Thang: Lẩu cay tê. Ở Việt Nam có thể tìm thấy món này ở các nhà hàng Tứ Xuyên.

Tôi uống mấy ngụm nước trái cây, định thần rồi mới chậm rãi gõ bà phím. “Ừ, vừa vào đến cửa.”

“Xảy ra chuyện gì thế?”

Biết ngay giọng điệu cười cợt của mình không che nổi “cặp mắt laser” của Ma Lạt Thang, tôi thẫn thờ nhìn màn hình, không biết nên kể từ đâu nữa.

“Lúc gặp mặt đã xảy ra chuyện gì à?” Cô hỏi đón.

“Xác xuất để một người đi xem mặt gặp đúng người mình từng yêu thầm, là bao nhiêu?”

“Yêu thầm? Mối tình đầu à? Hay mối tình duy nhất?”

“Coi như đúng cả đi!”

Ma Lạt Thang gửi sang một biểu tượng kinh ngạc, “Đã từng thôi à? Chắc không chỉ là đã từng chứ?”

Câu nói đâm trúng tim tôi, làm tim thắt lại, tay vặn vào nhau.

Ma Lạt Thang gửi tiếp một biểu tượng ôm, kèm theo chén trà bốc hơi nghi ngút.

Trạng thái cảm động của tôi kéo dài đúng 1/10 giấu, vì Ma Lạt Thang lập tức bộc lộ bản chất mẹ ghẻ Bạch Tuyết, “Có hai khả năng khiến anh ta đi xem mặt, một là muốn tìm người yêu, hai là cũng bị bố mẹ bắt buộc giống bà. Bất kể nguyên nhân nào, đều chứng tỏ anh ta đang độc thân. Giai chưa vợ gái chưa chồng, bà khẩn trương thu dọn điệu bộ hải đường ứa máu kiểu em Lâm* ấy đi. Khốn kiếp! Bản cô nương mà gặp chuyện vui như vậy thì đã cười ngất ngư rồi, bà còn rầu rĩ cái gì? Tôi thật muốn bóp cổ bà quá!”

*Ý muốn nói đến Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng.

Nói xong cô gửi một hình động lăn tôi lên cao, máu văng tung tóe, sau cùng ngoắc cành cây cho tôi chết treo. Tôi cũng kính trả một hình tôi cưỡi ngựa, móc cô vào đầu mũi đao.

“Nhỡ người ta là núi băng…”

“Bà là lửa dục thiêu thân, núi băng cỡ nào cũng bị tan chảy.”

“Nhỡ tôi phải bơi qua biển lửa…”

”Bà có lửa dục thiêu thân rồi, còn sợ biển lửa nữa ư?”

“Tôi đã mất rất nhiều năm để quên anh ấy, tro tàn mà bị nhóm lại, tôi sợ mình…”

Màn hình không có phản ứng gì, tôi lấy điện thoại ra gọi cho mẹ:

– Mẹ ơi, con đây!

Đúng lúc tôi đang khôn khéo lái mẹ theo hướng hỏi cô Trần cách liên lạc với anh, thì một tràng chữ hoa to thô lố đỏ lòe loẹt nhảy ra cửa sổ chat, “CHẲNG PHẢI BÀ ĐÃ THỦ SẴN Ý ĐỊNH RỒI SAO? CÒN VỜ VỊT ÕNG ẸO VỚI BẢN CÔ NƯƠNG, ĐI CHẾT ĐI!”

Tôi đóng bộ cáo con, nhưng mẹ tôi lại là cáo già thành tinh. Tôi còn đang túm trước đậy sau, vòng vo tam quốc thì mẹ đã thấu suốt ý nghĩ thầm kín của con gái rồi. Xem mặt bao nhiêu lần, đây là lần đầu tiên tôi tỏ lộ hứng thú, mẹ vui sướng cười nói:

– Được, được! Mạn Mạn. mẹ với bố con ở hậu phương toàn lực ủng hộ, con cứ yên tâm xung trận, chúng ta nhất định thắng!

Thế là thế nào? Có phải tôi đi đặt bom giật nổ lô cốt đâu! Không dám dằng dai với mẹ nữa, tôi vội vàng cúp máy.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang