Khi tôi đến bệnh viện, Ma Lạt Thang đang ở trong phòng cấp cứu vì tắc khí quản đột ngột, do chức năng thận suy quá nhanh gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Bà Vương khóc lả đi trong lòng ông Hứa, van nài bác sĩ để bà hiến tặng một quả thận cho con gái. Tống Dực nhìn trừng trừng vào cửa phòng cấp cứu, mặt trắng bệnh như người sắp chết.
Cuối cùng bác sĩ cũng ra, nói với ông Hứa rằng :
– Tình hình bệnh nhân tạm thời ổn định, nhưng tốc độ suy thận nhanh quá, nếu không tiến hành cấy ghép ngay thì chỉ e lần sau…
Bà Vương đột ngột ngất xỉu khiến bác sĩ không nói tiếp được, tốp thầy thuốc vừa rời khỏi phòng cấp cứu lại lật đật trở vào, khẩn trương cứu tỉnh bà Vương.
Hết con gái lại đến vợ ngã bệnh, ông Hứa không gắng gượng được nữa, cũng lảo đảo chực ngã, tôi vội dìu ông xuống ghế. Ông nói:
– Cháu đọc xong chưa?
– Xong rồi ạ, cháu muốn ở riêng với Ma Lạt Thang một lúc, nhật ký thì lát nữa cháu sẽ trả lại bác.
Ông hứa yếu ớt gật đầu.
Tôi vào phòng bệnh, khóa trái cửa, ngồi xuống bên giường Ma Lạt Thang. Cô không mở mắt, chỉ yếu ớt hỏi, “Mạn Mạn à?”
– Ừ! – Tôi đáp.
– Xin lỗi, tôi đã cố gắng hết sức rồi, nhưng tế bào trong người không nghe lời tôi nữa.
– Chưa gắng hết sức đâu! Bà chỉ không chủ động tìm cách chết thôi, chứ chưa chủ động tìm đường sống. Sâu trong tâm khảm, bà vẫn không chạy thoát được bóng ma của Hứa Thu, vì thế bà hoàn toàn buông xuôi. Từ nhỏ đến lớn, bà luôn tự ti, yếu đuối, lẩn tránh. Rõ ràng là vì cảm thấy mình vẽ quá xấu nên mới thôi vẽ, nhưng bà không thừa nhận, lại nói là không thích vẽ nữa. Rõ ràng là vì cảm thấy múa kém quá mới thôi múa, nhưng lại nói là mình không thích giáo viên. Mỗi lần bỏ cuộc bà đều tìm lý do lý trấu, chưa bao giờ chịu thừa nhận nguyên nhân là ở bản thân mình.
– Không phải đâu! – Ma Lạt Thanh kêu lên – Tại Hứa Thu mà!
– Đúng rồi! Hứa Thu biến thành lý do để bà lấp liếm mọi thất bại của mình. Bà không vẽ được nữa là tại Hứa Thu, bà không múa được nữa là tại Hứa Thu, bà trượt đại học là tại Hứa Thu, bà rầu rĩ là tại Hứa Thu, Tống Dực không yêu bà cũng có lẽ là tại Hứa Thu nốt. Tại là tại thế nào? Chị ta giằng bút khỏi tay bà? Chị ta cấm giáo viên dạy bà múa? Chị ta bảo bà đi học không được nghe giảng? Suy cho đến đầu đến đũa, chị ta chỉ là yếu tố bên ngoài, còn bà mới là mấu chốt bên trong, nhưng không bao giờ quyết định thay bên trong được. Bây giờ bà mệt mỏi, thất vọng, kiệt quệ, bà định buông xuôi, nguyên nhân lại tiếp tục là Hứa Thu!
Ma Lạt Thang nức nở:
– Tôi không muốn nghe nữa, bà ra ngay!
Tôi không buồn trả lời, giở nhật ký đọc thành tiếng, bắt đầu từ chỗ Hứa Thu tham gia đám cưới của cha và người đàn bà nọ.
“Bụng mụ ta nhòn nhọn, cô mình nói là vì bên trong có một sinh linh, còn cắt nghĩa là tại sinh linh đó mà ba mới phải cưới mụ đàn bà, mình không hiểu…”
Tiếng khóc nhỏ dần. Nhật ký đã đưa Ma Lạt Thang trở về thời thơ ấu, từ một góc độ khác, quan sát lại bản thân mình và Hứa Thu.
Nghe đến đoạn Hứa Thu xô ngã cô rồi bỏ chạy, cô khóc rầm rĩ dưới đất còn chị ta đứng hóng gió nhưng nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, Ma Lạt Thang cau mày, vẻ không tin nổi.
Nghe đến đoạn Hứa Thu bứt rứt lo lắng khi biến cô thành trò đùa trước mặt cả trường, cô lộ rõ thắc mắc, lẩm bẩm tự hỏi, “Tôi tưởng chị ta khoái chí lắm, vui thích lắm kia đấy! Hóa ra là không dễ chịu chút nào, thế thì vì sao còn hành hạ tôi như vậy?”
Nghe mỗi lần mình bỏ cuộc đều do bản thân tự động nói ra, Ma Lạt Thang im lặng.
…
Từng trang từng trang qua, nhật ký đang tiến dần đến chỗ Hứa Thu xuất ngoại, tôi nói:
– Phần ở nước ngoài không liên quan lắm đến bà, nhưng tôi vẫn muốn đọc cho bà nghe một đoạn, không phải vì Tống Dực mà vì Hứa Thu.
Ma Lạt Thang im lặng, tôi bắt đầu đọc. Để cô dễ nắm bắt, tôi thay chữ “hắn” mù mờ bằng Tống Dực và K.
“Chân thì nhảy nhót, mà nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, biết rằng sắp mất Tống Dực, mất đi ánh sáng cuộc đời, từ nay về sau, mình sẽ vĩnh viễn quay cuồng trong bóng tối.”
Ngoài kia trời đã tối mịt, rất nhiều người đến gõ cửa, tôi đều không trả lời. Ma Lạt Thang im lặng, tôi vừa nói vừa cúi mặt nhìn nhật ký:
– Hứa Thu sống rất tỉnh táo. Tuy nhật ký không miêu tả chi tiết, nhưng chúng ta có thể hình dung được rằng K đã gây ra khá nhiều chuyện với Hứa Thu, không chỉ mở cánh cửa địa ngục, mà còn nắm tay, vừa đẩy vừa kéo, vừa dỗ vừa lừa dẫn chị ta vào, nhưng từ đầu tới cuối, chị ta không hề cho rằng trách nhiệm nằm ở K, bởi chị ta biết K chỉ là tác nhân bên ngoài, bản thân chị ta mới là yếu tố quyết định tất cả. Đương nhiên Hứa Thu là người trưởng thành, đã đủ năng lực hành vi, nhưng nhiều lúc, tuổi tác cũng không thể biện minh cho hết thảy. Giống như nhiều đứa, hoàn cảnh gia đình rất tốt, được bố mẹ cố gắng tạo điều kiện học hành mà chúng lại lười nhác, có đứa bố mẹ đánh mạt chược suốt ngày nhưng nó vẫn cố gắng học bài giữa những tiếng xoa lách cách, mà còn học giỏi nữa. Sự tồn tại của Hứa Thu quả thật khiến bà già trước tuổi, nhưng nhiều lúc có lựa chọn khác, bà vẫn quy về bỏ cuộc. Chúng ta từng học câu chuyện chiếc ghế của Edison* đấy! Mặc cả lớp cười nhạo, Edison vẫn bình thản khẳng định thành quả hiện thời đã tốt hơn lúc trước, vậy vì sao bà không thể bảo Hứa Thu rằng, “Đúng là bây giờ em chưa giỏi, nhưng chắc chắn mai kia sẽ khác hơn.”? Tôi nói thế này e chừng hơi nghiệt ngã, nhưng tôi muốn bà hiểu, Hứa Thu luôn là tác nhân bên ngoài, bà mới là yếu tố quyết định. Chính bà đã chọn cách buông xuôi tất thảy!”.
*Câu chuyện về chiếc ghế của Thomas Edison: Hồi tiểu học, có lần cô giáo giao bài tập thủ công là đóng ghế gỗ, ai cũng đem nộp những chiếc ghế ngay ngắn, xinh xắn, nhưng Edison lại nộp một chiếc ghế xẹo xọ mà bốn chân cũng không cân. Cô giáo nhận xét rằng chưa bao giờ thấy chiếc ghế nào xấu thế này, bạn học thì đều cười nhạo. Edison bèn lôi trong ngăn bàn ra hai chiếc ghế nữa, còn xộc xệch méo mó hơn, và nói, chiếc cô vừa xem là sản phẩm thứ ba, đây mới là chiếc đầu tiên em làm. Ý nghĩa câu chuyện chính là lòng tự tin và sự cố gắng không ngừng tiến bộ.
Ma Lạt Thang đột nhiên lên tiếng:
– Bà nói Hứa Thu có phác họa một bức chân dung tôi. Cho tôi xem!
Tôi vặn đèn giường lên nấc sáng nhất, đưa bức tranh đến trước mặt Ma Lạt Thang. Cô chong mắt nhìn. Cô bé trong tranh mặc chiếc váy chấm hoa, đang cầm bút sáp hí hoáy vẽ. Trong bức vẽ là một nhân vật cũng đang vẽ, chỉ có điều kỹ thuật của cô bé còn thô vụng, đường nét nhân vật trông rất nguệch ngoạc.
Khi thảo bức phác họa này, chắc chắn Hứa Thu đã chăm chút hơn hẳn bình thường, từ những bông hoa nhỏ xíu trên tà váy đến nhân vật trong bức tranh đều được chắt lọc từng nét một, thậm chí còn cố gắng bắt chước nét vẽ của cô bé để mô tả lại nhân vật trong tranh cô.
Ma Lạt Thang nói khẽ:
– Tôi vẽ Hứa Thu đấy, tôi tưởng chị ta không biết, hóa ra biết cả.
– Hứa Thu có một tâm hồn tịch mịch lạ thường, chị ấy khao khát hơi ấm, nhưng lại gây tổn thương cho hết thảy những người mang hơi ấm đến cho mình.
Lại có người gõ cửa, tôi phớt lờ, tiếp tục nói với Ma Lạt Thang:
– Quyển nhật ký này là bác trai đưa cho tôi. Sau cái chết của Hứa Thu, bác đã biết mọi chuyện bà phải nếm trải, bao nhiêu năm nay bà có lưu ý đến sự thay đổi của ba không? Có nhận ra sự quan tâm ba dành cho mình không? Không hề!
Ma Lạt Thang hoang mang nhìn tôi. Tôi ngồi lên cạnh cô, nắm tay cô nhấn mạnh:
– Vì bà mà bác gái đã phải vào phòng cấp cứu, bà không thể tưởng tượng được nếu… nếu bà chết thì bác sẽ thế nào đâu. Có lẽ cứ lấy thận của bác đem ghép cho bà còn hơn để bà chết mòn vô ích. Cả bác trai nữa, trông bề ngoài vẫn kiên cường lắm, vì bác tin Hứa Liên Sương, bác tin con gái Hứa Trọng Tấn không phải là kẻ dễ dàng thoái chí bỏ mặc những người thân yêu, nhưng nếu bà thực sự nản lòng, tôi nghĩ bác trai sẽ suy sụp, người nào kiên cường, đến lúc suy sụp lại càng thê thảm.
Mắt cô rớm lệ, tôi nói:
– Tôi không đủ khả năng đánh giá ân oán giữa Hứa Thu và bà, cũng không thể thuyết phục bà tha thứ cho chị ấy. Nhưng bà biết không? Trong khoảnh khắc hồi quang phản chiếu, chính chị ta đã chủ động nói với bác trai, “Ghép thận của con cho con bé!”. Tôi nghĩ hành động ấy không xuất phát từ mong muốn chuộc lỗi, cũng không phản ánh thái độ ăn năn về những việc đã làm. Hứa Thu không màng chuộc tội hay ăn năn đâu, mà đơn giản hơn, chị ấy không thể phủ nhận bà là em gái, còn chị ấy là chị của bà.
Nước mắt cô trào ra, rỏ tong tong xuống mặt tranh. Nước mắt tôi cũng trào ra, rơi lã chã xuống tay cô.
– Ma Lạt Thang, nếu bà chết, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Tống Dực. Trên đời này, người tôi không muốn ghét hận nhất chính là anh ấy. Nếu bà thực sự coi tôi là chị em, thì đừng để tôi dằn vặt.
Tôi đứng dậy bước ra. Ông Hứa đứng bên ngoài, đăm đăm nhìn tôi, mắt rực lên niềm hy vọng cháy bỏng. Tôi đưa trả nhật ký cho ông :
– Cháu đã cố gắng hết sức mình, lựa chọn cuối cùng là ở cô ấy.
Ông Hứa toan nói nữa, nhưng tôi không còn cả sức để nghe, vội rảo chân chạy khỏi bệnh viện, vẫy một chiếc taxi, bảo lái xe chở về Phòng Sơn.
Căn nhà xưa ăm ắp kỉ niệm. Mỗi ngăn kéo, mỗi ngóc ngách đều ẩn giấu những khám phá bất ngờ, quả bóng cao su từng chơi, chiếc kẹp tóc gãy, túi thơm khâu hồi nhỏ…
Tôi tắt di động, rút giắc cắm máy bàn, ngắt mạng Internet, vừa hoàn tất album dở dang vừa thu dọn nhà cửa và phân loại đồ đạc của bố mẹ.
Sáng nào tôi cũng đi chợ, mua độ mười mấy đống thức ăn đủ dùng cho ngày, còn sắm một quyển sách hướng dẫn bếp núc rồi cứ hí hoáy nấu nướng theo mẫu, thử nghiệm đủ mọi công thức kì quái, không ngại tốn thời gian công sức. Buổi tối ngồi trên sô pha xem vô tuyến, từ tin tức tới phim thần tượng, không buồn chán chút nào.
Ban ngày tất cả đều ổn thỏa và yên bình, nhưng đêm xuống, tôi thường choàng tỉnh vì ác mộng.
Một tuần sau, khi đi chợ về, tôi thấy một chiếc xe Jeep Wrangler màu đen đỗ dưới lầu, hai chân bỗng nhũn ra, không biết là nên tiến tới hay nên tháo chạy. Tôi ngồi thụp xuống, nhìn trừng trừng vào mũi giày, mãi không quyết định được.
– Tô Mạn, chúng tôi đã đợi cô trên kia suốt hai tiếng đồng hồ, cô lại hong nắng dưới nhà à? Đừng nói là cô không nhận ra xe tôi nhé!
– Cô ấy không muốn gặp ai trong chúng ta đây? Tống Dực, có lẽ anh nên chủ động tránh mặt đi nhỉ?
Giọng Ma Lạt Thang! Tôi nhảy dựng dậy, cô đang ngồi xe lăn, cười với tôi, Lục Lệ Thành đứng bên cạnh còn Tống Dực đẩy xe. Nắng tràn quanh họ. Một ngày sáng tươi.
Ma Lạt Thang nheo mắt nói:
– Ưu tiên bệnh nhân đi nào, lại gần đây, tôi không trông rõ đâu.
Tôi liền chạy đến. Cô cười, tôi cũng cười, rồi chỉ tích tắc, hai đứa ôm chầm lấy nhau. Cô mắng:
– Hai tội lớn này! Một, dám lên lớp tôi khi tôi ốm. Hai, không thèm vào bệnh viện thăm tôi. Nói đi, phạt thế nào đây?
– Phạt thế nào cũng được.
Ma Lạt Thang cười khúc khích:
– Bà nói đấy nhé! Phạt sau này tuần nào cũng phải gọi điện cho tôi, để tôi nắm được tình hình của bà.
Tôi nghi hoặc nhìn cô, Lục Lệ Thành giải thích:
– Tính mạng thì đảm bảo rồi, nhưng thận đã hư hại, cần trị liệu và hồi phục, cô Vương định đưa Liên Sương sang Thụy Sĩ chữa bệnh.
– Nếu chữa khỏi hẳn thì mắt sẽ sáng lại chứ?
– Có thể có, có thể không. Nhưng quan trọng gì? Như thế thì bảy ngày một tuần, mỗi ngày có thể đeo một màu kính áp tròng khác nhau – Ma Lạt Thang khum tay hình hoa lan*, tạo dáng yêu nữ kiều diễm làm điên đảo chúng sinh.
*Tay hình hoa lan: Tư thế bàn tay thường thấy ở Phật bà, tiên nữ hoặc vũ nữ trong phim cổ trang, ngón cái và ngón giữa chạm nhau, các ngón khác khum tự nhiên.
Tôi cười vang. Ma Lạt Thang của tôi đã trở lại thật rồi. Khi ngẩng đầu lên, mắt chạm phải Tống Dực, tôi vội nhìn lảng đi.
Ở sảnh chờ sân bay, mọi người đều đang đợi tôi và Ma Lạt Thang. Cô níu lấy tôi nói tía lia, làm tôi chỉ kịp gật đầu sau mỗi câu. Cuối cùng cô ngừng lời, tôi cười nói:
– Quý cô, có thể lên máy bay được chưa?
Ma Lạt Thang chăm chú nhìn tôi, chợt kể:
– Sau hôm bà đọc nhật ký Hứa Thu cho tôi nghe, tôi đã đồng ý để Tống Dực vào thăm.
Tôi cười không nổi, nên cũng không cố. Ma Lạt Thang tiếp:
– Tôi kể cho anh ấy nghe chuyện ba mẹ tôi, bảo anh rằng tôi là một cô gái nhỏ nhen ích kỷ, dứt khoát không lặp lại sai lầm của mẹ, không bao giờ sống dưới bóng ma của một người đàn bà khác đâu. Vì thế, bất kể anh có thích tôi hay không, tôi cũng muốn chia tay anh. Tống Dực đồng ý. – Ma Lạt Thang ngừng lại chốc lát – Trước khi anh bước ra ngoài, tôi hỏi anh đã từng thích tôi chút nào bao giờ chưa. Tôi những tưởng anh sẽ không trả lời, nào ngờ anh giải thích rất rành rọt, anh không thể từ chối tôi là vì tôi có ánh mắt giống Hứa Thu, anh cưng chiều tôi vô điều kiện là vì năm xưa chưa làm được như vậy cho Hứa Thu. Bằng cách đối xử tốt với tôi, anh muốn bù đắp những món còn thiếu chị ta.
Ma Lạt Thang cười :
– Đáp án tàn nhẫn như vậy mà cũng nói trắng ra, không buồn lo nghĩ cho tình trạng ốm đau của tôi. Bấy giờ tôi uất lắm, bèn đuổi anh cút đi. Nhưng về sau thông suốt, lại nhận ra đó là đáp án tốt nhất dành cho mình, vì tôi có thể quên anh mà không vương vấn tiếc nuối gì nữa. – Cô nắm nhẹ vai tôi – Vì trơ trọi, vì cảm kích, tôi mới nảy lòng yêu Tống Dực. Thật ra người tôi yêu cũng không hẳn là anh, mà là một người sẵn sàng nắm lấy tay tôi bất kể tôi là ai, đối xử với tôi dịu dàng, dẫn tôi rời xa u ám. Anh tốt với tôi nhưng tôi lại dằn vặt anh, còn âm thầm đổ lỗi và ngấm ngầm thất vọng về anh. Bây giờ tôi mới biết, mình hoàn toàn không hiểu Tống Dực, cũng chưa biết trân trọng anh bao giờ.
– Bà có kể cho anh ấy chuyện của Hứa Thu không? – Tôi hỏi.
Ma Lạt Thang lắc đầu, đưa cho tôi một tập giấy, là bản sao thời gian ở Mỹ trong nhật ký của Hứa Thu.
– Không. Tôi nghĩ quyết định nằm trong tay bà. Kể ra Tống Dực không phải là một người yêu lý tưởng, anh ấy là duy nhất với bà, nhưng bà lại không phải duy nhất của anh ấy. Tình yêu vốn dĩ bất công mà, ai bảo bà không thể quên Tống Dực chứ! Liệu bà có cho anh ấy xem không?
Tôi hỏi ngược lại:
– Tống Dực tin rằng Hứa Thu yêu anh ấy, tin vào khía cạnh tốt đẹp của Hứa Thu, cũng tin rằng chỉ vì mình tuổi trẻ bồng bột, không biết cách độ lượng với những khuyết điểm của người yêu nên đã phụ lòng Hứa Thu trông đợi. Giờ tôi lại nói rằng mọi điều anh tin tưởng đều là giả tạo, thì khác nào đập tan những tín niệm đẹp đẽ nơi anh ấy. Hành động như thế có đúng không? Nếu, tôi nói nếu nhé, có một ngày tôi chết, bà sẽ buồn thương khi nhớ đến tôi, nhưng cũng hạnh phúc vì mình từng có một người bạn tuyệt vời thế này, tự nhiên có một kẻ nhảy ra nói với bà rằng, “Ma Lạt Thang! Tô Mạn không như cô tưởng tượng đâu, kỳ thực cô ta rất xấu xa, sâu trong tâm khảm chưa bao giờ coi cô là chị em, lại còn làm ra đủ chuyện phản bội cô”, bà sẽ nghĩ thế nào? Liệu bà có cảm kích người đã nói thật với mình không?
Ma Lạt Thang nghĩ ngợi một lúc rồi lắc đầu:
– Không, có khi tôi còn căm ghét kẻ đó đa sự. – Mắt cô ánh lên thương xót – Mạn Mạn, bà yêu anh ấy đến tuyệt vọng rồi, phải không?
Tôi điềm tĩnh đáp:
– Anh ấy yêu hay không yêu tôi, không mâu thuẫn gì với việc anh ấy yêu hay không yêu Hứa Thu, chúng tôi một người là quá khứ, một người là hiện tai. Cho dù tôi xô đổ vị trí của Hứa Thu trong lòng anh ấy, thì cũng không có nghĩa anh ấy sẽ yêu tôi. Nếu yêu tôi, anh ấy phải chủ động tiến tới, nhưng anh ấy không định lãng quên quá khứ, bởi vậy… – Tôi trả bản sao cho cô.
Ma Lạt Thang nhận lại:
– Nếu không phải vì cứu tôi, chắc chắn không bao giờ ba tôi chịu thừa nhận với người khác rằng Hứa Thu là một kẻ tinh thần bệnh hoạn. Cha mẹ nào cũng thiên vị cả, đối với ba, mọi hành động của con gái đều có thể châm chước, nhưng Tống Dực, dù chưa hề lầm lỗi lại không thể thứ tha. Bởi vậy, dẫu đã biết rõ những chuyện ở New York, ông vẫn căm hận anh ấy như thường. Tôi ngờ rằng lý do duy nhất khiến ông giữ nhật ký Hứa Thu lại chính là vì tôi, bây giời tôi đọc rồi, cuốn sổ ắt đã bị thiêu hủy, tôi giữ nó lại là vì bà, hy vọng Tống Dực xứng đáng với tấm lòng bà dành cho anh ấy.
Bà Vương gọi:
– Tiểu Liên! Mạn Mạn! Phải lên máy bay rồi!
Ông Hứa bật cười:
– Hai cái đứa này! Bây giờ phương tiện liên lạc phát triển như vậy, muốn chuyện trò thì sợ gì không có dịp? Định trút bầu tâm sự ở ngay sân bay sao?
Tôi đứng dậy, đẩy Ma Lạt Thang tới chỗ bà Vương. Bà nhận xe từ tay tôi, đưa cô đến chỗ cửa vào. Ma Lạt Thang ngoái lại vẫy tay chào Lục Lệ Thành và Tống Dực, lại gửi hôn gió cho ông Hứa, nói to:
– Ba ơi, con chào ba! Con và mẹ sẽ nhớ ba lắm!
– Con bé này, lớn như vậy rồi còn điên điên khùng khùng! – Ông Hứa ra chiều trách móc, nhưng thật tình rất hài lòng.
Đợi hai mẹ con vào hẳn bên trong rồi, ông mới quay sang tôi, điềm đạm nói:
– Từ lúc gặp tai nạn xe đến lúc qua đời, Tiểu Thu hôn mê suốt, cũng không hề nói câu nào.
Tôi cười:
– Hôn mê ba ngày ba đêm, có tỉnh lại lúc nào hay không, chỉ mình bác Hứa biết.
Ông khẽ thở dài:
– Tôi cảm thấy Tiểu Thu sẽ bằng lòng thôi.
– Dĩ nhiên ạ! – Tôi gật đầu – Dẫu sao chị ấy cũng là chị của Ma Lạt Thang mà.
Chết thì đã chết rồi, miễn là có thể an ủi người sống, thì nói thế nào cũng có quan trọng gì? Ông Hứa bắt tay tạm biệt tôi:
– Cảm ơn cháu! Tiểu Liên kể với tôi là từ khi bác bên nhà qua đời, cháu vẫn chưa đi làm lại, nếu cháu cần tìm việc, hoặc có việc gì tôi giúp được thì cứ gọi điện cho tôi, bất cứ lúc nào.
Tuy không định tìm việc, tôi cũng không khước từ, bèn mỉm cười nhận ý tốt của ông. Tôi không muốn lấy lòng quỵ lụy ai, chỉ là nếu có người giúp đỡ, tôi cũng không ra vẻ thanh cao mà từ chối. Ai bảo tôi còn phải kiếm bát cơm ăn giữa cõi hồng trần này chứ!
Ba chúng tôi rời khỏi sân bay. Lục Lệ Thành đề nghị cả bọn cùng đi ăn cơm. Tống Dực và tôi đều không phản đối.
Chúng tôi tìm một quán ăn nhỏ trên đường Học Viện, bày biện không cầu kỳ cho lắm, được cái sạch sẽ. Tôi nói:
– Bữa cơm này để tôi mời, vừa tỏ lòng cảm ơn thịnh tình của hai sếp cũ, vừa coi như tiệc chia tay.
Lục Lệ Thành ngạc nhiên hỏi:
– Tin tức lan đi nhanh thế à? Tống Dực vừa đệ đơn thôi việc mà bên ngoài đã biết rồi sao?
Tôi ngẩn người nhìn Tống Dực. Anh giải thích:
– Anh định nhân lời mời của CS Luân Đôn, nên vừa nộp đơn nghỉ việc cho Mike.
– Ồ, hay đấy! Nghe nói vùng eo biển Anh phong cảnh rất đẹp. – Tôi mỉm cười cúi mặt, điềm đạm giải thích – Tôi không biết Tống Dực sắp đi, tiệc chia tay là chỉ bản thân tôi thôi.
Tống Dực lẳng lặng nhìn tôi. Lục Lệ Thành hỏi:
– Ý gì vậy?
– Sau ngày bố qua đời, tôi đã nhờ một người bạn học xin hộ chỗ dạy ở một trường miền núi xa xôi, đã được chấp thuận. Mấy hôm nữa tôi sẽ lên đường.
– Đi bao lâu? Ở đâu?
– Có lẽ một hoặc hai năm. Để xem tâm trạng tôi thế nào đã.
– Ở đâu?
Lục Lệ Thành lặp lại. Thấy không thể lảng tránh được nữa, tôi đành đáp:
– Tôi không muốn cho ai biết cả.
Một sự im lặng đến ngạt thở ngự trị giữa chúng tôi.
Lục Lệ Thành châm điếu thuốc, rít mấy hơi rồi mỉm cười:
– Cô định cắt đứt quan hệ với chúng tôi?
Tôi mềm mỏng:
– Miền núi hẻo lánh, thông tin liên lạc còn lạc hậu.
Tống Dực không hé một lời, tự rót rượu rồi uống một hơi cạn sạch. Tôi cũng rót cho mình và Lục Lệ Thành, rồi nâng chén:
– Cảm ơn thịnh tình của hai sếp.
Ba chén chạm nhau, “cạch” một tiếng khô khốc.
Bàn bên cạnh, không hiểu học sinh cũ trường nào họp mặt, say sưa hào hứng, đồng thanh hát váng lên:
…
Nếm đủ mọi phong ba
Có khóc có lầm lỗi, vẫn kiên trì vượt qua
Có cô đơn tiếc nuối, yêu rồi sẽ hiểu ra
Cuối cùng tròn mơ ước, có bạn trong tim ta
Những ngày cùng sánh bước, chỉ một lần rồi xa
…*
*Trích ca từ bài Bạn bè của Châu Hoa Kiện, là bài mà Tống Dực từng hát trong buổi karaoke.
Tôi ngẩn ngơ hoài niệm, tự nhiên thấy nhớ cảnh kiếm bạt cung giương hôm nào. Hai người nghe bài hát cũng lắc đầu tủm tỉm. Tôi rót rượu mời Lục Lệ Thành:
– Chúc mừng anh, cuối cùng đã công toại danh thành.
Anh cười, nhưng xem chừng không hề vui thích, một tay cầm thuốc, một tay đón chén rượu ngửa cổ uống cạn. Tôi lại rót một chén mời Tống Dực:
– Thuận buồm xuôi gió!
Tống Dực không nhìn tôi, cúi mặt uống hết.
Tựa hồ muốn đấu xem ai sẽ gục trước, Tống Dực và Lục Lệ Thành thi nhau nốc rượu thật nhanh, chẳng mấy chốc đã xé bỏ mặt nạ, phơi bay hết con người thật của mình ra, Lục Lệ Thành vỗ vai Tống Dực:
– Lúc trước chỉ muốn mau mau đá bay ông khỏi MG, bây giờ lại bịn rịn mới lạ.
Tống Dực liền chân thành đáp:
– Thật ra tôi cũng không muốn đi, chi bằng ông nói giúp với Mike một tiếng để rút đơn thôi việc về.
Lục Lệ Thành sững người. Tống Dực và tôi phá lên cười. Hiểu ra Tống Dực đang trêu mình, Lục Lệ Thành bèn đập mạnh tay lên vai anh:
– Giật bắn cả mình! Không sao quen được với việc ông biết nói đùa. Nếu ông định ở lại thật, e rằng tôi lại phải tìm cách để tống ông đi.
Tống Dực lắc đầu cười:
– Thú thực, ông là đối thủ khó xơi nhất mà tôi từng gặp đấy!
Lục Lệ Thành cả mừng, chạm chén với Tống Dực:
– Thật không? Tôi coi đây là lời tán tụng nhé! Đáng tiếc ông không để tâm, nên cuộc đua này chưa sướng. Đợi mai kia, khi nào tinh thần ông phấn chấn, chúng ta lại đấu một trận ra trò.
Hai người nhìn nhau cười, Lục Lệ Thành hỏi:
– Tò mò một chuyện. Quả ba điểm cuối cùng trong trận thi đấu bóng rổ ấy, ông chắc chắn được mấy phần?
Tống Dực chỉ cười, tiếp tục uống rượu. Lục Lệ Thành không chịu thôi, vừa cạn chén vừa truy hỏi.
Tôi im lặng nhìn họ, lòng man mác buồn thương. Chuyện đã qua vẫn còn nguyên trong trí nhớ, nhưng chúng tôi thì sắp vẫy tay từ giã nhau rồi. Từng hy vọng rằng đây là bến đỗ, cuối cùng cuộc sống lại bảo rằng, chúng ta là khách qua đường với nhau thôi, hành trình vẫn còn phía trước, chỉ có thể nói một tiếng “Bảo trọng” rồi biệt ly, ai tiếp tục con đường của người ấy.
Theo thời gian, ký ức về nhau có thể phai mờ có thể rõ nét, nhưng chẳng bao giờ còn nữa những khoảnh khắc nâng chén tâm tình như đêm nay.
Tôi từ biệt Lục Lệ Thành và Tống Dực, cho biết tuần sau sẽ rời Bắc Kinh, nhưng định bụng đi trong tuần này. Từ khi yêu Tống Dực, tôi toàn đứng bên lề, bất lực nhìn anh ra đi và trở về, chưa bao giờ ở vào vị trí được lựa chọn, còn lần này, tôi chủ động rời xa anh.
Thu dọn quần áo xong xuôi, mang theo máy tính xách tay, vào cái ngày lên tàu hỏa rời thành phố, tôi bỏ hai phong thư viết tay vào hòm thư.
Lục Lệ Thành,
Tôi đã rời Bắc Kinh, không báo cho anh biết vì không muốn anh khuyên tôi ở lại, càng không muốn chịu cảnh tiễn biệt. Năm vừa qua, tôi đã nếm trải quá nhiều tiễn biệt rồi.
Viết đến đây, sực nhớ lại lần đầu gặp gỡ ở quán cà phê. Kể từ lúc ấy, anh đã không ngừng giúp đỡ tôi. Nỗi đau mất cha mất mẹ, cũng chỉ mình anh đồng cảm và chia sẻ.
Muôn vạn lời ăm ắp trong tim, nhưng chẳng biết giãi bày thế nào qua ngọn bút. Nhận thấy mắc nợ anh nhiều quá mà khả năng hạn hẹp, không thể đáp đền, chỉ biết dùng cách riêng để phần nào tỏ lòng cảm kích.
Chúc anh mạnh khỏe, công việc xuôi chèo mát mái!
Tô Mạn
Nước mắt lã chã làm chữ nhòe trên giấy, tôi định viết lại, nhưng nhớ ra Lục Lệ Thành từng chứng kiến khoảnh khắc riêng tư nhất của tôi rồi, nên sẽ thấu hiểu nỗi đau hiện giờ của tôi.
Và tôi biết, sự nghiệp của anh cũng sẽ xuôi chèo mát mái. Tống Dực đã chủ động từ bỏ, Ma Lạt Thang lại kể với tôi rằng ba cô vừa giao việc đưa XX lên sàn cho MG, công lao hãn mã trong dự án giành lấy khách hàng siêu bự này cố nhiên thuộc về Lục Lệ Thành. Ngoài ra, mấy ông già bên trụ sở chính không thể phớt lờ mạng lưới khách hàng Trung Quốc của Lục Lệ Thành, vì thế, chức giám đốc khu vực chắc chắn sẽ thuộc về anh.
Tống Dực,
Tối hôm qua, khi thu dọn hành lý, em tìm thấy một chiếc đĩa Titanic cũ, năm xưa ở Thanh Hoa xem đĩa lậu, chẳng nhớ rõ nội dung như thế nào nữa, chỉ nhớ mỗi bài My heart will go on. Vì không bận bịu gì, em vừa xem đĩa vừa thu dọn đồ đạc. Nhưng xem một lúc, em bắt đầu ngừng tay, nhập tâm vào câu chuyện, mọi ký ức quanh bộ phim bắt đầu ùn ùn tràn về. Rose vốn đã ngồi lên thuyền cứu sinh rồi, chúng ta đều biết kết thúc câu chuyện, biết rằng người trên thuyền cuối cùng đều sống sót cả, nhưng Rose không chọn cách ra đi, vào phút cuối cùng, cô ấy nhảy về tàu, quyết định ở bên Jack, đối mặt với cái chết. Jack dẫn cô ấy vượt qua mọi chướng ngại, tìm thấy một mảnh ván tàu bập bềnh trên mặt biển, nhưng không may, mảnh ván chỉ chở được một người, bởi vậy Jack để Rose ngồi bên trên, bản thân ngâm mình dưới nước. Khi tàu cứu hộ tìm thấy họ thì Jack đã chêt cứng vì lạnh, chỉ còn Rose sống sót. Một bạn học của em khi xem đến lần thứ hai, thấy Rose bỏ thuyền cứu sinh nhảy về tàu lớn, đã ngoạc miệng rủa xả rằng Rose quá ngu ngốc, nếu không phải tại cô làm Jack bị liên lụy thì anh đã có nhiều cơ hội thoát thân hơn, một mình anh thừa sức ngồi trên ván tàu, không đến nỗi chết rét, và thế là hai người cùng sống cả.
Viết lan man thế này, chính em cũng bắt đầu mơ hồ không rõ mình muốn diễn đạt điều gì nữa.
Tối qua em bỗng hiểu ra, vì sao từ đầu đến cuối Rose không hề oán trách lựa chọn của mình. Là người trong cuộc, lẽ nào cô ấy lại chưa từng tự hỏi, nếu bây giờ mình yên phận ở lại trên thuyền, phải chăng Jack đã không chết rét vì nhường cơ hội sinh tồn cho mình? Trong bao nhiêu đêm mịt mùng, lẽ nào cô ấy chưa từng thổn thức vì ân hận? Em đoán cô ấy có nghĩ cả đấy, nỗi đau đớn vì mất đi người yêu còn khiến Rose dằn vặt hơn nhiều sơ với những kẻ ngoài cuộc như chúng ta.
Nhưng sau mọi khổ lụy và ăn năn, Rose đã chọn cách kiên cường, cô ấy tiếp tục sống, kết hôn, rồi sinh con đẻ cái.
Định mệnh đã an bài, rằng đường đời không bao giờ là con đường bằng phẳng, đằng sau mỗi khuôn mặt nhuốm màu thời gian là rất nhiều vết hằn đau thương khắc lại từ năm tháng, nhưng tất cả vẫn chọn cách dũng cảm tiến lên, lần theo ánh sáng và hạnh phúc.
Năm xưa, em cho rằng Titanic là một bộ phim câu khách rẻ tiền, bây giờ em đã hiểu suy nghĩ của mình nông nổi quá! Vì ý nghĩa của bộ phim là hướng khán giả vào sự kiên cường và lòng dũng cảm của con người.
Hồi chat trên mạng, anh đã từng hỏi em vì sao lại lấy cái tên Thời Tươi Đẹp, em nói rằng khi anh nghe hết câu chuyện Nghìn lẻ một đêm, em sẽ cho anh biết. Đọc đến đây hẳn anh rất bồn chồn, nghĩ em đang thất vọng về kết quả. Quả thật em luôn mong mỏi Nghìn lẻ một đêm sẽ kết thúc ở chỗ “Từ đó, nữ chính và thiếu niên bóng rổ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”. Nhưng anh biết không? Cho dù Nghìn lẻ một đêm chấm dứt bằng câu “Đáng tiếc, thiếu niêm bóng rổ không yêu nữ chính”, thì em cũng không hối hận vì đã yêu anh. Thậm chí em lấy làm mừng vì vào vào mùa hè của cái năm mười bảy tuổi, em đã yêu anh. Vì tình yêu đó, em đã theo bước chân anh, cố gắng để mình trở nên giỏi giang, dần dà trở thành Tô Mạn của ngày hôm nay. Em rất thích Tô Mạn bây giờ!
Vì thế, cảm ơn anh, cho dù không yêu em, nhưng anh đã mang lại cho em những tháng ngày tươi đẹp nhất.
Tô Mạn