• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Spoiler
Chỉ nắm tay mà như nhấp mỹ tửu ngọt ngào kỳ tuyệt, đến tận khi thời quang tan diệt, vẫn không muốn buông lơi.

Sáng ra tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường Tống Dực. Trên kệ đầu giường có chặn một mảnh giấy.

Anh đi làm đây. Cháo hâm nóng trong nồi cơm điện, lò vi ba có quả trứng luộc. Không cần đến công ty, cho em nghỉ một hôm để chuẩn bị hành lý ngày mai.

Tôi đưa ngón tay lên miệng cắn mạnh. Đau! Lại cầm điện thoại gọi cho Ma Lạt Thang:

– Ma Lạt Thang, tôi đang nằm mơ sao?


Ma Lạt Thang hầm hầm nói:

– Mơ cái con khỉ!

Tốt lắm, tôi không nằm mơ. Tôi ngắt điện thoại, ngắm nghía căn phòng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới một lượt, cuối cùng cũng đã xác định rõ ràng mình đang ở đâu. Tôi cuộn tròn người lại, lăn lộn trên giường cười sằng sặc.

Hôm qua mọi việc xảy ra quá đột ngột, ngay niềm vui cũng có phần phi thực. Hôm nay mới thực sự điểm lại tất cả, hạnh phúc lớn lao khiến cảm giác muốn cười râm ran đến tận đầu ngón chân.

Lăn lộn chán trên giường, tôi chạy chân trần vào bếp, sờ soạng chỗ này, rờ rầm chỗ nọ, tựa hồ tất cả đều mới mẻ vô ngần, quý giá vô ngần. Cứ nghĩ mọi thứ ở đây mang dấu ấn của Tống Dực, tôi lại toét miệng cười hềnh hệch.

Tôi múc đầy bát cháo, xì xụp húp. Nếu có người hỏi tôi, món gì ngon nhất trần đời? Chắc chắn tôi sẽ trả lời họ rằng: cháo hoa trong nồi cơm điện.

Ăn xong bữa sáng, tắm rửa xong đâu đấy, tôi dọn dẹp cái giường bừa bãi nhăn nhúm sau màn lăn lộn của mình, tiện tay sắp xếp lại chỗ sô-pha mà Tống Dực ngủ hồi đêm. Áp má lên gối, cảm giác còn vương hơi ấm của anh, má tôi bất giác nóng ran, lòng ngập tràn hạnh phúc.

Tôi ở nhà Tống Dực suốt buổi sáng, xem xét khắp mọi nơi. Tất cả đã trở về nguyên trạng. Tuy bịn rịn lắm nhưng không thể mặt dày chây ì ở mãi, đành bắt xe về. Lúc xuống taxi, đi bộ qua cây cầu vượt, tôi gặp người bán trái cây thường bày hàng ở đây. Anh ta vừa trông hàng vừa dùng mấy sợi lạt hí hoáy đan lát, tay cóng đỏ tía lên trong gió rét.

– Cho tôi một cân táo.

Anh ta vội đặt món đồ đan dở xuống, cân táo cho tôi.

– Anh đang đan giỏ hoa à? Khéo tay quá!

Khuôn mặt thật thà đôn hậu lộ rõ nụ cười ngượng nghịu:

– Sinh nhật vợ tôi. Bắt chước người thành phố các cô, tôi chuẩn bị quà tặng cô ấy.

Lòng bồng bềnh muôn bong bóng hạnh phúc, tôi vui vẻ đến nỗi chỉ muốn bay lên, muốn ai nấy trên đời đều vui vẻ như mình. Tôi cười híp mắt:

– Trái cây còn lại trong sọt, tôi mua hết. Anh tính tiền đi.

– Cô ơi, cô ăn hết được không?

Tôi cười:

– Bạn bè tôi đông lắm.

Chỉ tích tắc, khuôn mặt người nọ sáng bừng lên. Anh ta đưa hoa quả đến tận cửa nhà tôi, nhận hai trăm đồng tôi trả xong thì luôn miệng cảm ơn, biểu lộ niềm vui một cách thẳng thắn và đơn giản. Tôi cũng luôn miệng đáp, “Không có gì.”. Người bán hàng nắm chặt tiền trong tay, cầm giỏ hoa mới đan được một nửa hớn hở chạy xuống tầng.

Tôi rửa một quả táo to, ngoạm một miếng, thơm ngọt khôn xiết, ngọt đến tận tâm can. Tôi ăn táo, ngâm nga hát và di chuyển theo nhịp khiêu vũ. Tôi vừa khiêu vũ vừa cười, quả nhiên quá nhiều hạnh phúc và vui sướng, có muốn cũng không kiềm chế nổi, đành để nó ào ạt trào vào như suối tuôn.

Buổi tối, Tống Dực đến, gặp ngay cảnh táo đủ cho tôi ăn ba tháng đang chất ngồn ngộn trong căn hộ tổng cộng có hơn ba mươi mét vuông, còn tôi thì ngồi giữa đống táo, xoay xở lấy chỗ để sắp xếp hành lý. Tôi đưa cho anh một quả to:

– Cứ tự nhiên, tối về nhớ xách theo mấy cân.

Anh cầm quả táo, nói:

– Em mở tiệm hoa quả đấy à?

– Em mua lúc chiều.

Trong nhà chẳng còn chỗ nào để đặt chân. Trên giường trên sàn lổng chổng toàn quần áo với hòm xiểng. Tống Dực đành ngồi luôn kên bàn sách của tôi, nhắc nhở:

– Sáng mai em phải lên máy bay rồi đấy!

Tôi cười:

– Hôm nay là sinh nhật vợ anh bán trái cây, em bèn mua hết táo hộ anh ấy.

Tống Dực cắn một miếng:

– Anh chẳng thấy hai việc đó liên quan gì đến nhau, em là bạn của vợ anh ta à?

– Anh ta bán hết táo thì có thể dọn hàng về sớm, đón sinh nhật cùng vợ. Hai người cùng đón sinh nhật thì sẽ vui vẻ lắm, vui như em đây.

Tống Dực im lặng, vẻ tư lự. Kéo khóa va li xong, tôi phủi tay đứng lên:

– Ăn cơm được rồi.

– Hành lý chuẩn bị xong chưa?

– Cũng hòm hòm rồi.

Anh đưa một tập tài liệu cho tôi:

– Đây là những việc và người mà em cần đặc biệt lưu ý, cất vào hành lý xách tay ấy, có thể xem qua trong lúc bay. Nhớ là lên máy bay thì chỉnh đồng hồ theo giờ New York luôn, nghỉ ngơi theo đúng giờ giấc ấy, như thế thì tới khi bị lệch múi giờ sẽ không đến nỗi khó thích ứng lắm nữa.

Tôi đón lấy, tiện tay lật giở, những dòng liệt kê rất rành mạch, còn dùng bút dạ đánh dấu những chi tiết đáng chú ý. Tôi im lặng nhét vào túi xách.

Từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, công ăn việc làm của tôi không khó khăn vất vả gì hơn người khác, mà cũng chẳng thuận lợi suôn sẻ gì hơn người khác, song tất cả vấp váp gom góp lại cũng đủ để viết một bộ sử ký khiển trách trước mặt mọi người, thoạt đầu gắng gượng nuốt nước mắt, dần dần gặp sự cố đã biết bình tĩnh xử lý. Tôi quen với việc tự thân gánh vác mọi chuyện rồi, cái đầu tôi chỉ do đôi vai tôi nâng đỡ mà thôi. Nhưng mà, thì ra cảm giác được người khác chăm sóc lại… lại khiến ta bùi ngùi thế này.

Mẹ gọi điện thoại lúc chúng tôi chuẩn bị đi.

– Mẹ ạ, vâng, bay sáng mai, hành lý thu dọn xong rồi ạ.

– Không cần mang đồ ăn lên cho con, Mỹ không cho mang thực phẩm nhập cảnh đâu.

Tôi kẹp điện thoại vào vai, vừa nói vừa mặc áo khoác, cố gắng vặn vẹo để xỏ tay vào. Tống Dực bèn đến trước mặt tôi, đỡ lấy áo giúp tôi mặc. Tôi vừa chăm chú trả lời điện thoại vừa ngoan ngoãn mặc áo, anh ra hiệu giơ tay thì tôi giơ, đổi thì tôi đổi.

– Vâng, đi cùng một cậu đồng nghiệp.

– Lấy vợ hay chưa thì mặc kệ cậu ta. Độc thân hay không cũng liên quan gì đến con?

– Gì ạ? Mẹ! Mẹ bảo sao? Con đi ăn cơm đây, không nói với mẹ nữa!

Vừa nghe có đồng nghiệp nam đi cùng, mẹ liền hỏi tôi người đó lập gia đình chưa, khuyến khích tôi phải nắm lấy cơ hội, nơi đất khách quê người và trên máy bay là những địa điểm vô cùng lý tưởng để gắn bó. Tống Dực đứng gần thế này, cố nhiên nghe rõ mồn một. Tôi đỏ lựng cả mặt, anh cúi đầu cài chiếc cúc cuối cùng cho tôi, không lộ vẻ gì, nói:

– Được rồi, đi nào!

Anh im lặng sải bước đi trước, tôi lót tót chạy mới bắt kịp anh.

Đêm lạnh giá, ai nấy vội vã về nhà, người đi đường và xe cộ đều không nhường nhau, phố xá ồn ào nhốn nháo. Anh bỗng dừng bước, quay lại nắm tay tôi, dắt tôi đi xuyên qua dòng xe. Cảm giác thấp thỏm vừa trào lên trong lòng liền tan biến, tôi cười chúm chím rảo bước theo anh.

Sang bên kia đường, Tống Dực định buông tay nhưng tôi nắm chặt không buông. Anh dừng chân nhìn tôi, tôi ngẩng mặt nhìn anh, tay vấn nắm tay anh.

Dưới ánh đèn đêm, không nhìn rõ vẻ mặt anh tươi tắn hay ảm đạm, chỉ biết đôi mắt u tối khó hiểu kia sâu như bể thẳm, gắng sức đến đâu tôi cũng không thể nhìn thấu đáy. Chúng tôi như đứng ở hai bờ biển, như cách nhau cả khoảng sông dài. Tôi đành nắm chặt tay anh, vịn vào chút hơi ấm ở lòng bàn tay ấy mà an ủi rằng chúng tôi đang ở rất gần nhau.

Đã mấy lần anh muốn rút tay ra, nhưng đều bị tôi dùng sức mạnh hơn ghìm lại. Không buông tay, nhất định không buông! Lỡ buông tay rồi, tôi sợ rằng chuyến này anh sẽ đứng ở đầu kia mãi mãi.

Người qua lại kìn kìn như nước chảy, khi đi ngang qua thấy tình trạng của chúng tôi thì đều nhìn tôi một cách tọc mạch. Tôi không biết mình còn giữ được sự ương bướng đến bao giờ, chỉ bặm chặt môi, gắng sức để lệ không hoen mi.

Dường như có tiếng thở dài thườn thượt, năm ngón tay Tống Dực từ từ bao lại, cuối cùng thành nắm tay tôi. Tôi cúi mặt , giả vờ như dụi mắt để lau đi giọt lệ vừa ứa ra. Anh dắt tay tôi vào nhà hàng. Phục vụ chủ động xếp cho chúng tôi một bàn tình nhân, tôi lén liếc anh, thấy anh không tỏ vẻ gì phản đối, tôi yên tâm, hi hi ha ha, nhờ anh giới thiệu cho những món ngon ở New York. Anh cười nói:

– Cái đó không gấp, giải quyết đống táo trong nhà em mới là việc đáng lo hiện giờ.

Tôi tách từng ngón tay mà đếm:

– Em tính xong đâu đấy hết rồi. Mẹ em mấy cân, anh mấy cân, Ma Lạt Thang mấy cân, đại tỷ mấy cân , cho phòng bảo vệ dưới tầng nhà em mấy cân…

Anh dúi cốc nước vào tay tôi:

– Được rồi, được rồi, anh biết rồi.

Tôi uống nước quả, chống cằm cười tít mắt nhìn anh. Lần này, anh không lảng tránh mà chăm chú nhìn lại, trong mắt cũng ấm áp cảm xúc như tôi. Trái tim tôi cuối cùng cũng bình yên. Anh thích tôi, không thể lầm được.

Tôi nhăn mũi, sà tới gần anh, vẻ bí hiểm ra hiệu cho anh lại gần:

– Em có việc muốn thỉnh giáo anh.

Thấy tôi nói giọng văn vẻ như vậy, chắc cho rằng có liên quan đến công việc, anh bèn ghé đầu xuống, chú ý lắng nghe.

– Em ở New York hơn một tháng, liệu anh có nhớ em không?

Anh đờ ra một lúc. Câu trả lời là cú búng vào trán tôi.

– Anh sẽ nhớ cái này này.

Tôi xoa xoa trán, lẩm bẩm phụng phịu:

– Nhớ búng trán em á? Trán em chỉ có mình em có, vậy chắc chắn là nhớ em rồi.

Anh nghẹn lời, thở dài bưng lấy đầu:

– Anh già thật rồi chăng? Con gái bây giờ đều “tự tin đầy mình” như em chăng?

“Một trái tim chân tình, lại thêm hoa hồng đỏ, chín mươi chín bông đó, tròn rung động yêu thương…”

Tiếng chuông điện thoại vang lên không đúng lúc chút nào, cũng may hôm nay tôi mới đổi nhạc thành bài Yêu anh không cần lý lẽ của Trương Thiểu Hàm, tuy cũng rất sến súa ngây ngô, nhưng ít ra còn đậm đà hơn chất thiếu nữ, chất thanh xuân, nhất là rất rất rất hợp với tâm trang hiện thời của tôi. Vì thế tìm được điện thoại xong, tôi lại không nỡ nhấn nút nhận ngay mà cầm trên tay, để bài hát véo von thêm một chút. Chắc Tống Dực cũng hiểu tâm sự của tôi nên không nói lời nào, chỉ ấm áp nhìn tôi, mắt có nét cưng chiều cảm động.

Một trái tim chân tình, lại thêm hoa hồng đỏ, chin mươi chin bông đó, tròn rung động yêu thương. Như tràn ngập mùi hương, sô cô la nhiều vị, mỗi vị là một ý, đều hạnh phúc ngập tràn. Trên ly tình miên man, rõ thêm hương ảo mộng, vườn bí mật mở rộng, đợi ta cùng vào chơi. Mật ngọt ái tình ơi, rịn ra từng khoảnh khắc, tình này em biết chắc, gìn giữ được lâu dài. Tình yêu ninety-time, lãng mạn là muôn vẻ, yêu anh không lý lẽ, cứ vui tươi tháng ngày. Tình yêu ninety-time, tâm hồn hòa dịu ngọt, nếm giọt say ngây ngất, vì được anh cưng chiều…

Đợi tiếng chuông hát hết một lần, tôi đỏ mặt nhấn nút nghe, “A lô?”. Bởi tâm trạng vui vẻ nên tiếng “a lô” phát ra cũng êm đềm tình cảm, đầu dây bên kia xem chừng ngỡ ngàng, lặng đi một tích tắc mới có tiếng vọng vang.

Như gặp cường địch, tôi lập tức ngồi thẳng dậy, khách sáo nói:

– Chào anh ạ!

Điện thoại trong tay lại lặng đi một tích tắc nữa:

– Tối nay cô rảnh không?

Tôi liếc Tống Dực:

– Không, tôi xin lỗi.

– Cô ăn cơm chưa?

– Đang ăn.

– Một mình?

– Không, với bạn tôi.

Điện thoại lặng đi rất lâu, tôi còn tưởng đường dây bị ngắt, “A lô, a lô?”.

– Đây.

– Xin hỏi có chuyện gì?

– Một vài chuyện liên quan đến công việc, định bảo là nếu cô có thời gian thì ghé văn phòng. Thế này thì thôi vậy, sang New York rồi sẽ nói khi họp qua điện thoại.

Ngày mai tôi phải lên máy bay mà đêm nay anh ta còn muốn bắt tôi làm việc, đừng nói tôi bận, mà dù không bận cũng nhất định sẽ viện cớ thoái thác. Tôi thầm nguyền rủa trong bụng đúng là đồ thần kinh, nhưng ngoài miệng thì vẫn lễ phép:

– Được, được ạ. Cảm ơn anh, đến New York sẽ liên lạc.

– Ăn cơm xong cô có rảnh không?

Tôi suýt chết vì uất. Anh ta là tên cuồng công việc, không có nghĩa tôi cũng phải là tên cuồng công việc. sao lại có loại cấp trên không biết thương xót cấp dưới thế này?

– Xin lỗi, không ạ. Buổi tối bố mẹ sẽ đến thăm tôi. Ngày mai tôi phải rời Bắc Kinh rồi ạ – Tôi có ý nhấn mạnh vào câu cuối.

Lục Lệ Thành im lặng, tôi gọi liền hai tiếng “A lô, a lô”?

– Vậy không quấy rầy nữa, để cô dùng cơm. Chào cô! – Anh ta nói.

– Chào anh!

Nhờ thói quen tốt do đại tỷ huấn luyện, để biểu lộ lòng kính trọng, tôi thường đợi cấp trên cúp máy trước. Nào ngờ chờ một lúc lâu Lục Lệ Thành vẫn không ngắt điện thoại, lắng tai nghe còn nghe được cả tiếng thở của anh ta, thế mà tuyệt nhiên không nói năng gì. Tôi đành “Chào anh” thêm lần nữa rồi ngắt điện thoại. Quay sang Tống Dực tôi làm mặt hề:

– Xem ra em không phải dạng có tiền đồ cho lắm, không như nhiều đồng nghiệp, điện thoại mở 24/7, sếp truyền lúc nào tới ngay lúc ấy. Peter chứ ai xa, ngày thường cậu ta huênh hoang bộc tuệch là vậy, nhưng em nghe nói dạo trước hồi còn dưới tay Lục Lệ Thành, ba giờ sáng Lục Lệ Thành gọi điện hỏi vài số liệu, cậu ta lập tức báo cáo rành mạch.

Tống Dực không bình luận, chỉ mỉm cười nhìn tôi.

Ăn cơm xong, chúng tôi nắm tay nhau lững thững về nhà. Khi đi qua một tiệm áo mũ, anh kéo tôi vào, tôi tưởng anh thiếu thứ gì, không ngờ anh lại mua cho tôi một cái mũ, một cái khăn và một đôi găng tay.

– New York gần biển, gió mạnh hơn Bắc Kinh, độ ẩm cao, mùa đông thường có tuyết, nhớ mặc cho dày dặn một chút.

Khi rời cửa tiệm tôi vũ trang kín mít, chỉ để chừa hai con mắt. Nhưng người qua lại cho dù chỉ nhìn hai con mắt tôi, cũng biết cô gái này nhất định đang sung sướng.

Tống Dực đưa tôi về nhà, lại giúp tôi mang hành lý lớn nhỏ ra đặt sẵn ở cửa. Anh xách cặp máy tính của mình và một túi táo, chuẩn bị giã từ:

– Em nghỉ sớm đi, ngày mai anh còn đi làm, không tiễn em được. Anh sẽ dặn Peter đến đón em cùng ra phi trường, hành lý của em cứ để cậu ta xách cho.

– Nghi là anh lợi dụng việc công để mưu lợi riêng quá!

Anh mỉm cười:

– Không phải “nghi”, mà là “đúng”.

Tôi cười vui sướng, vì lời anh nói đã thừa nhận tôi là “riêng” của anh.

Chúng tôi chia tay ở cửa, tôi khép cửa lại, đang trở vào nhà bỗng lại lao ngay ra. Đến khi tôi nhớn nhác chạy ra khỏi thang máy thì anh sắp chui vào taxi.

Anh quay lại nhìn tôi, tôi chạy như bay, lao bổ vào lòng anh, ôm chặt lấy anh. Tống Dực cứng đờ người, như muốn cự tuyệt, lại như bất lực. Tôi nhắm mắt, nhón chân, ghé vào tai anh nói:

– Anh biết không? Em rất yêu… rất yêu… rất yêu anh!

Hồi mười bảy tuổi, tôi đã hy vọng sẽ được chính miệng nói với anh rằng tôi yêu anh. Mãi hai mươi tám tuổi, tôi mới hoàn thành được mong ước ấy. Tôi thở một hơi dài mãn nguyện, buông anh ra, quay mình chạy về nhà.

– Tô Mạn! – Anh gọi với theo.

Tôi dừng chân mỉm cười nhìn về phía anh. Tống Dực chăm chú nhìn lại, không nhúc nhích. Thình lình anh cất bước, đi nhanh tới ôm tôi vào lòng, cánh tay khép lại quanh tôi, ghì mỗi lúc một chặt như muốn miết tan tôi vào lồng ngực. Tôi nhắm mắt, cũng ôm riết lấy anh.

Ở đằng kia, lái xe taxi nhấn còi. Ban nãy tôi còn bất chấp tất cả, giờ lại đâm ra ngượng, ngẩng mặt lên đẩy nhẹ anh ra. Chơt cảm thấy khóe mắt bắt gặp cái gì, không cầm được ngoái đầu nhìn. Rõ rang tôi vừa thoáng thấy con Jeep Wrangler của Lục Lệ Thành, nhưng nhìn kĩ thì chỉ toàn xe cộ tấp nập trên đường, không có gì khác lạ, chắc là một chiếc xe cùng nhãn hiệu chạy ngang qua mà thôi.

– Sao thế? – Anh hỏi.

– Hình như có người đang theo dõi chúng mình.

Anh cười bên tai nói, “Hình như luôn có người đang nhìn chúng mình” rồi không buồn để tâm đến lái xe taxi, cứ ôm tôi như thế đưa vào tận tòa nhà. Bảo vệ ở phòng thường trực cười đầy ngụ ý. Tôi tuy dạn dĩ, mà bất giác mặt cũng nóng ran.

Cuối cùng Tống Dực cũng buông tôi ra:

– Mau lên gác, lần sau không được xuống nhà mà không đem áo khoác nữa.

Tôi gật đầu thật mạnh. Anh xoa đầu tôi, quay mình định đi thì đúng lúc bố mẹ vào tới, bắt gặp anh ở bên tôi, lại thấy tướng mạo tuấn tú, thông minh ngời ngời, hai mắt lập tức sáng rực. Bố kín đáo hơn, còn mẹ không hỏi han gì tôi, đã vọt tới trước mặt Tống Dực:

– Cậu là…

Tôi đâm luống cuống, ngượng nghịu giới thiệu với anh:

– Đây là mẹ em, bố em.

Tống Dực cũng lúng túng, nhưng che dấu rất giỏi, trông bề ngoài không thể nhận ra. Anh mỉm cười:

– Chú ạ, cô ạ!

– Mẹ ơi, sao bố mẹ đến nhanh thế?

Mẹ lừ mắt nhìn tôi:

– Chắc con chỉ mong bố mẹ đến thật muộn chứ gì? – Rồi quay sang cười tươi như hoa với Tống Dực – Cháu là đồng nghiệp của Mạn Mạn à? Hay bạn? Bao nhiêu tuổi rồi? Quen Mạn Mạn lâu chưa?

Tôi đỏ bừng cả mặt, chỉ muốn kiếm ngay lỗ để mà chui xuống, Tống Dực mỉm cười đáp:

– Cháu tên là Tống Dực, làm cùng công ty với Tô Mạn.

– Chữ Dực có bộ lông vũ ấy hả?

Tống Dực hơi ngạc nhiên:

– Vâng.

Mẹ liền trỏ anh, kêu lên sửng sốt:

– Tống Dực… Có phải cháu từng hẹn xem mặt cùng Mạn Mạn nhà chúng tôi rồi đúng không?

Tống Dực hoàn toàn rối trí, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi cười khan, hạ giọng, “ Cô Trần ấy!” Anh vẫn chưa hiểu, tôi lại nhắc, “Ngoài cửa Nam Thanh Hoa.” Cuối cùng hình như Tống Dực đã nhớ ra, đủ thấy anh hờ hững với cuộc gặp mặt đó đến mức nào, tôi vội phân trần:

– Không phải em cố tình giấu anh. Câu chuyện Nghìn lẻ một đêm vẫn chưa kể đến phần ấy.

Anh không chú ý đến lời giải thích, lại chăm chăm nhìn tôi, hỏi:

– Vậy là sau khi đi xem mặt, biết anh về Bắc Kinh rồi, em mới chủ tâm nghỉ việc để vào MG phải không?

Tôi im lặng, coi như mặc nhận. Mẹ thì ré lên:

– Gì cơ? Con đổi việc là vì…

Tôi đỏ mặt tía tai, lập tức trấn áp:

– Mẹ, Tống Dực đang bận, phải về rồi.

Mẹ nhìn hết Tống Dực lại nhìn tôi, cuối cùng quyết định tha cho tôi một đường sống. Bố thì ngắm nghía Tống Dực từ đầu xuống chân, đúng kiểu bố vợ đáng giá con rể, tỉ mỉ đến nỗi Tống Dực cũng phải bồn chồn, vội từ biệt chúng tôi. Tôi vẫy tay với anh, rồi đưa mắt tiễn theo.

Tống Dực chui vào taxi xong, mẹ liền hỏi:

– Tóm lại có phải cái cậu mà cô Trần giới thiệu không? Nhưng cậu đó kém cỏi lắm mà?

Tôi kéo bố mẹ vào thang máy:

– Cậu đó đó!

Mẹ vỡ lẽ:

– Thì ra cậu ta không ưng Mạn Mạn nhà mình, nên mới viện cớ rằng bản thân rất kém?

Bố nói:

– Hình nhứ đúng thế đấy, kể cũng là cách khước từ của một người lịch sự nhỉ!

Mẹ phật ý “hừ” một tiếng, tiếp đó lại vui hơn hởn, nói với bố rằng:

– Trông bộ dạng cậu ta hôm nay, em thấy không có vẻ gì là không ưng Mạn Mạn nhà mình cả.

Bố mỉm cười gật đầu. mẹ ghé vào tai bố, thì thào:

– Mạn Mạn nhà mình cũng khôn lắm! Trước đây em cứ nghĩ nó khờ khạo, thì ra là mãi chưa chấm được ai. Anh thấy đấy, chấm đúng đối tượng là hành động chóng vánh làm sao, tác phong cũng rất bạo dạn, dám bỏ cả việc để theo đuổi…

– Mẹ, con nghe thấy rồi đấy nhé! – Tôi kêu lên, vừa bực vừa ngượng.

Mẹ hờ hững gật đầu:

– Mẹ biết.

Tôi bó tay toàn phần với bố mẹ, bèn dứt khoát giả câm giả điếc, mặc bố mẹ bàn tán tùy thích. Vào tới nhà, mẹ vừa giúp kiểm tra hành lý xem tôi có mang thiếu gì không, vừa bình luận về Tống Dực với bố, bóng gió hỏi tôi xem hai đứa đã tiến triển tới giai đoạn nào. Tôi một mực không để vào tai. Bố thấy mặt tôi càng lúc càng khó đăm đăm, cuối cùng cũng ngăn mẹ lại:

– Được rồi, được rồi! Mạn Mạn khắc có chủ kiến, chúng ta không nên nhúng tay vào.

Mẹ cười tinh quái:

– Cũng phải, người thiếu chủ kiến không thể chỉ vì lấy được số điện thoại mà chạy ngay đến làm cùng công ty với người ta. Em yên tâm hoàn toàn rồi.

Tiễn bố mẹ về xong, tôi lập tức gọi điện thoại cho Ma Lạt Thang. Bao điều ấm ách trong lòng nhất thiết phải được dốc ra với cô.

– Xin chào, xin hỏi ai đấy ạ?

Tôi giơ điện thoại ra trước mặt để xem có gọi nhầm số không. Đúng Ma Lạt Thang mà…

– Tôi đây. Bà… Bà vẫn ổn chứ?

– Xin hỏi chị có việc gì gấp không ạ? Tôi đang dùng bữa với cha mẹ, nếu không có việc gì gấp, thì để lát nữa tôi gọi lại cho chị được không?

– Không có, không có, chị cứ ăn cơm đi ạ! – Tôi liếc đồng hồ – Mai tôi bay, tối nay sẽ ngủ sớm, không đợi điện thoại của chị được. Khi nào về chị lên QQ đọc lời nhắn của tôi nhé!

Ngắt điện thoại, tôi lập đi lập lại mấy lần “Bà… bà…” mới rủ bỏ được hình thức nói chuyện ấy. Mẹ của Ma Lạt Thang là người như thế nào? Sao có thể uốn nắn cô thành thế này?

Tôi gửi lời nhắn cho Ma Lạt Thang, dặn cô đến phòng bảo vệ lấy táo và tiện thể mang cho đại tỷ một ít, xong xuôi mới lên giường đi ngủ.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK