• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Spoiler
Theo tháng năm chuyện xưa phủ bụi, nhưng nỗi đau tim này, phải xoa dịu từ đâu?

Sáng sớm, vừa đến phòng bệnh của bố đã nghe thấy có tiếng cười nói, tôi đẩy cửa ra thì thấy cả Tống Dực và Ma Lạt Thang. Cô căng thẳng nhìn tôi, rụt rè gọi, “Mạn Mạn!”. Tôi cười chào:

– Sao hai người đến sớm thế? Không phải rắp tâm làm nổi bật sự lười biếng của tôi trước mặt bố đấy chứ?

Ma Lạt Thang nhẹ nhõm thấy rõ, nhưng vẻ gượng gạo trên khuôn mặt vẫn chưa tan hết. Bố thấy tôi đeo khẩu trang, liền lo âu hỏi:


– Con bị cảm à?

“Không ạ!”, tôi vội đáp. Đang rề rà tháo khẩu trang thì lại thấy cửa phòng mở ra, tiến vào trước tiên là một chậu hoa hạnh rực rỡ tươi tắn . Hoa nở chi chit, che lấp cả người đi sau, chỉ thấy một vạt sặc sỡ muôn màu “bảo trắng không còn trắng, khen hồng chưa thật hồng*”, khiến người ta ngỡ ngàng nhận ra mùa xuân đã về.

*Bảo trắng không còn trắng, khen hồng chưa thật hồng: Trích bài thơ Hạnh hoa của Dương Vạn Lý thời Tống, tả hoa hạnh trong trạng thái đang chuyển màu.

Trong phòng bệnh có chậu hoa lớn ngời ngời sức sống như vậy, mùi thuốc sát trùng bất giác cũng nhạt bớt đi. Lục Lệ Thành vừa lau tay vừa chào bố, lại hỏi tôi một cách rất tự nhiên:

– Vết cào trên mặt còn đau không? Chọn lựa nửa ngày trời, kết quả vẫn không lấy cái chậu đó, ngược lại còn làm mình bầm dập như bị người ta đánh ấy!

Mặt Ma Lạt Thang hết đỏ lại tái. Tôi liền lắc đầu:

– Không đau nữa, trông thì nặng, thật ra xước nông thôi.

Bố xót xa hỏi:

– Con bé này, chọn hoa mà cũng bị thương à?

Tôi cười:

– Sẽ lành nhanh thôi ạ.

Tôi giúp bố ăn cơm sáng xong, hộ lý đến đưa bố đi trị liệu. Họ vừa khuất dạng, căn phòng liền tịch mịch hẳn. Ma Lạt Thang đến gần tôi, khẽ khàng nói:

– Xin lỗi! Tôi không biết việc nhà bà. Thời gian này tôi như bị điên ấy, thấy Tống Dực có việc gấp phải về Bắc Kinh trước, giục tôi khẩn trương về ngay, tôi không buồn nghĩ xem là chuyện gì, ngược lại còn cảm thấy như mình bị ruồng bỏ, lên máy bay lại uống rượu, nên trông thấy hai người…

Tôi ngắt lời cô:

– Tại tôi sai trước, nếu…

Nếu mình không có ý tránh mặt cậu, có lẽ đã gọi điện cho cậu từ lâu rồi, chẳng đến nỗi xảy ra hiểu lầm về sau. Nhưng mình làm sao để khỏi lẩn tránh cậu được đây? Mình không thể cùng lúc đối diện với cậu và Tống Dực, khúc mắc này thật chẳng biết cởi bỏ thế nào. Tôi cười buồn, nắm tay Ma Lạt Thang:

– Không sao đâu.

Ma Lạt Thang nhìn tôi, ngập ngừng muốn nói lại thôi, cuối cùng cũng nắm tay tôi coi như hòa giải nghi kỵ lúc trước. Nhưng tôi biết hố sâu ngăn cách chúng tôi đang ngày càng khoét rộng. Nếu vẫn là Ma Lạt Thang của tôi, cô nên xỉa tay vào mặt tôi lục vấn, vì sao xảy ra bao nhiêu chuyện như thế mà không cho cô biết? Cô nên đánh vào mặt tôi hỏi tôi rằng rốt cuộc có coi cô là chị em nữa không? Cô sẽ tếu táo cầm tay tôi để tôi tát lại cô một cái. Cô sẽ rủa xả tôi, sau đó lại cùng tôi khóc rưng rức.

Nhưng cô không làm thế. Cô chỉ lịch thiệp nói:

– Tôi đã kể với mẹ rồi, mẹ hứa sẽ giúp tôi liên lạc với chuyên gia ung thư giỏi nhất Bắc Kinh.

– Cám ơn.

Không khí trong phòng bệnh yên ắng một cách lạ lùng, tôi thận trọng nói:

– Bố tôi trị liệu rất lâu đấy, mọi người cứ về lo việc của mình đi, lát nữa chưa biết chừng tôi cũng phải chạy đi đằng này nữa.

Tống Dực và Ma Lạt Thang đứng lên từ biệt. Ma Lạt Thang dừng ở ngưỡng cửa nhìn tôi, mãi không đi, nhưng cũng không nói năng gì. Tôi thấy khổ sở đến nỗi chỉ muốn khóc, chỉ muốn ôm cô mà nói, “Chúng ta lại như trước, được không? Bị bà mắng nhiếc lên lớp cũng còn hơn thế này.”. Nhưng không thốt nên lời, đành lẳng lặng nhìn cô. Cuối cùng cô cười:

– Ngày mai tôi lại đến thăm bà và bác.

Tống Dực nhìn tôi và Lục Lệ Thành, sắc đen trong mắt càng lúc càng thâm, cúi mặt xuống, cùng Ma Lạt Thang ra về. Thấy họ đi xa rồi, Lục Lệ Thành mới hỏi:

– Cô cần làm gì thế? Có cần tôi đưa đi không?

– Lúc sáng người môi giới gọi điện, nhắn rằng có khách muốn xem nhà, tôi đi tàu điện ngầm về rất tiện, nên không phiền anh nữa.

Anh gật đầu, không nói gì. Tôi trỏ hoa:

– Cảm ơn anh.

Lục Lệ Thành cười:

– Đừng nói cảm ơn, tôi nhớ cô từng nói sau này sẽ nhảy vào nước sôi lửa bỏng vì tôi đấy!

Nghe anh ta chọc ghẹo, tôi đâm xấu hổ, mới nói câu ấy chẳng bao lâu, tối qua đã đùng đùng nổi giận với anh ta rồi. Thấy tôi ngượng chín người, Lục Lệ Thành không còn hứng thú trêu tôi nữa:

– Vậy tôi về trước.

– Ừm.

Tôi dọn dẹp phòng bệnh sạch sẽ, bảo với hộ lý một tiếng rồi về cho người ta xem nhà.

Người đến xem nhà là một phụ nữ đứng tuổi, hình như định mua cho con gái. Tôi không biết bà ta thật sự không vừa mắt với căn hộ hay chỉ muốn ép giá, mà cứ liên tục bới móc nhược điểm.

Hồi ấy thiết kế nội thất kiểu gì vậy? Nhà vốn đã nhỏ xíu rồi, vì sao còn làm phòng tắm to tướng thế? Vì sao lại lắp cái bồn cỡ bự này? Vì sao không làm phòng tắm vòi sen thôi? Màu với kiểu cái bồn tắm sao mà xấu quá?

Tôi giữ vẻ mặt lầm lì, im lặng nghe. Cái bồn này năm ấy là do tôi và bố cùng đi chọn, hai bố con lùng gần hết Bắc Kinh mới tìm được kiểu bồn tắm vừa ý. Mệt nhọc một ngày mà ngâm nước nóng ở đây thì dễ chịu đến nỗi không muốn đứng dậy, tuy rằng diện tích căn hộ bị thu hẹp vì nó, nhưng tôi thấy vô cùng xứng đáng.

Bà ta lại bắt đầu bài bác giấy dán tường, sao chỉ dán trên mỗi một bức tường thế? Sao chỉ có hai màu đen trắng thôi? Cái giấy này tóm lại là vẽ gì đây? Chẳng ra cái thể thống gì! Nếu mua nhà, bà ta sẽ phải lột tường làm lại hết…

Người môi giới cũng phải bồn chồn, mỉm cưởi với tôi vẻ áy náy, nhưng tôi chỉ đờ đẫn nghe. Hồi tưởng một cuối tuần rực rỡ nắng vàng từ rất lâu rồi, tôi và mẹ phết hồ dán giấy, hai mẹ con đầu đội mũ nhỏ làm bằng giấy báo, tôi đứng trên thang hát vang, “Tôi là anh thợ hồ, tay nghề giỏi, tôi sẽ trát căn nhà mới này cho đẹp hơn. Trát trần nhà lại trát tường nhà…*”

*Tôi là anh thợ hồ, tay nghề giỏi, tôi sẽ trát căn nhà mới này cho đẹp hơn. Trát trần nhà lại trát tường nhà…: Thợ hồ, một bài hát thiếu nhi.

Ở cửa đột nhiên vọng vào giọng nói lạnh băng:

– Tranh thủy mặc Trung Quốc chỉ có hai màu đen trắng, cái cần chú trọng là hồn tranh, không phải hình thức. Nếu bà không biết đường thưởng ngoạn thì bước cho mau!

Người phụ nữ đùng đùng nổi giận, trừng mắt với người đứng ở cửa, thấy người đó mặc đồ Chanel, tay xách túi mẫu mới của Louis Vuitton, thái độ băng giá, ánh mắt sắc lẻm, bà ta chỉ còn nước trút giận sang tôi:

– Rốt cuộc cô có bán nhà không? Bán nhà mà còn không chịu được tiếng phê bình à?

Tôi chưa kịp nói gì, đại tỷ đã cười nói:

– Bán thì sẽ bán, nhưng không định bán cho bà. Mời bà đi cho!

Đại tỷ đứng ở cửa làm động tác mời. Người đàn bà muốn nổi điên nhưng hễ chạm phải ánh mắt đại tỷ thì lại lập tức tiu nghỉu, cuối cùng vừa lùng bùng trong miệng vừa bỏ đi. Tôi chỉ biết nói với người môi giới, “Xin lỗi”, anh ta khẽ khàng an ủi tôi:

– Lần sau nhất định tôi sẽ giới thiệu một người mua tử tế – An ủi xong thì vội vàng đuổi theo người đàn bà kia, tiếp tục làm công tác an ủi khách hàng.

Đại tỷ đóng sầm cửa lại:

– Nhất định phải bán nhà ư?

– Ừm, chắc trong một thời gian dài em không thể đi làm được.

– Cũng phải, trong ngành chúng ta đây, lúc bận thì một ngày phải làm đến mười hai tiếng là thường. Nếu cô đi làm, ngay cả thời gian cho bản thân nghỉ ngơi cũng không đủ, nói gì đến chạy đảo bệnh viện. Thôi bán đi vậy! Cái cũ không đi thì cái mới không đến. Sau này mua nhà đẹp hơn. Nhưng giờ cô bán thì ở vào đâu?

– Em đang tìm thuê phòng.

Đại tỷ ngồi xuống cái ghế cạnh bàn máy tính của tôi:

– Tô Mạn, tôi bàn với cô thế này. Nhà tôi thì cô cũng trông thấy rồi, có phòng đấy, mà một mình tôi ở, cô dọn sang ở chung với tôi đi!

– Không cần đâu, thật sự không cần mà.

Đại tỷ bực bội nói:

– Cô đừng vội từ chối, nghe tôi nói xong đã. Mỗi tháng tiền thuê nhà là một nghìn rưỡi. Cô đừng tưởng rẻ quá, tôi vẫn chưa nói hết điều kiện đâu. Hễ khi nào cô nấu nướng ở nhà tôi thì tiện thể nấu cho tôi một suất. Tôi chán cơm tiệm lắm rồi, thuê người giúp việc thì không yên tâm, ai biết họ có nhổ nước bọt vào thức ăn không chứ?

Tôi trầm ngâm không đáp, đại tỷ lại nói:

– Tô Mạn, dọn sang đi! Có lẽ tôi muốn giúp cô thật, nhưng cô cũng giúp được tôi nữa. Chúng ta coi như lợi cả hai đằng. Nhiều lúc tan sở trở về, nhà cửa vắng tanh yên ắng đến nỗi có thể nghe thấy cả tiếng vọng của bước chân mình. Đã rất lâu rồi tôi vẫn tính đến việc tìm người ở cùng, ít nhất khi về nhà cũng được trò chuyện lấy dăm ba câu, nhưng tôi địa vị thế này, đi tìm người thuê chung khác nào trở thành trò cười cho cả công ty? Huống hồ tôi cũng không dám rủ bừa rủ bãi, rước về thì đuổi đi khó? Trong phòng làm việc của tôi lại có rất nhiều giấy tờ không thể tiết lộ ra ngoài. Cô dọn lại ở, những mối lo ấy tuyệt nhiên không còn nữa, vừa giải quyết khó khăn của mình, vừa được tiếng thơm giúp người khác, coi như là một mũi tên trúng n con chim.

Nghe đại tỷ thuyết phục, tôi bắt đầu dao động. Bán nhà là việc nhất định phải làm, thuê nhà cũng thành việc bắt buộc phải làm rồi, nhưng thuê được một căn hộ vừa ý là vô cùng khó. Đại tỷ bực mình:

– Tô Mạn, tôi đã nói hết nước hết cái rồi, cô còn vờ vịt gì chứ? Tóm lại có bằng lòng hay không đây?

– Bằng lòng. Khi em nấu cơm, làm thêm một suất cũng không thành vấn đề. Nhưng mà, em muốn dọn hết đồ đạc bên nhà này sang.

Đại tỷ cau mày đánh giá một vòng quanh nhà tôi, sắc mặt có vẻ khổ sở, “Được!”.

Những món như giấy dán tường, bồn tắm, bồn rửa mặt đều không dọn đi được, nhưng ký ức về chúng, tôi sẽ vĩnh viễn lưu giữ trong tim.

Tôi thỏa thuận với đại tỷ về việc dọn nhà, chị bảo tôi cứ yên tâm chăm sóc bố, việc dọn nhà để chị lo, đảm bảo khuân đủ từng cái kim sợi chỉ an toàn sang đến nhà chị.

Hôm sau, tôi đang chăm bố ở bệnh viện thì Lục Lệ Thành đột nhiên xuất hiện, túm lấy tôi kéo sang một bên, cáu kỉnh nói:

– Tôi vừa đến nhà cô, trông thấy một toán người đang dọn đồ, nhà cô đã bán rồi ư? Bây giờ cô ở đâu?

Tôi đáp:

– Chưa bán. Tôi dọn sang ở nhà đại tỷ… à nhà Lâm Thanh, sếp cũ của tôi. Bữa trước tôi tiếp người đến xem một lần, nhận ra trái tim mình không đủ kiên cường, mà cũng lãng phí thời gian quá nên thôi, khuất mắt trông coi, quyết định dọn ra xong giao luôn chìa khóa cho người môi giới để khách hàng xem cho thoải mái, mai sau tôi đến ký hợp đồng là được rồi.

Lục Lệ Thành chưa kịp nói gì thì đúng lúc Tống Dực đi tới, thảng thốt kêu lên:

– Em sắp bán nhà?

Tôi vội gật đầu nói khẽ, ý bảo anh đừng để bố biết:

– Các anh, sao ai cũng sửng sốt thế? Căn hộ ấy nhỏ như vậy, bây giờ nói không bán thì mai sau cũng phải bán.

Lục Lệ Thành nói với Tống Dực:

– Tôi không đủ sức khuyên cô ấy, trông vào khả năng của anh vậy.

Dứt lời bỏ mặc tôi và Tống Dực, đi vào nói chuyện với bố. Tôi cũng định đi luôn, Tống Dực bèn níu tôi lại:

– Mạn Mạn!

Tôi nhẹ nhàng ngắt:

– Từ giờ trở đi xin gọi tôi là cô Tô hoặc Tô Mạn!

Tay anh chững lại, rồi buông tôi ra. Tôi lập tức chạy vào với bố. Bố nhìn Tống Dực đằng xa, lại nhìn Lục Lệ Thành ở gần, mắt lộ nét ưu tư.

Ba chúng tôi chơi cờ nhảy với bố. Công ty của Ma Lạt Thang đã bắt đầu đi làm trở lại, vì thế tan sở cô mới đến, đến nơi cũng lao vào trận chiến luôn.

Yếu lĩnh của trò này là mình phải gắng sức đi thật nhanh, buộc người khác đi chậm hết mức. Năm người chơi, bàn cờ thành loạn cào cào, quân cờ chen chúc đông đặc, không đi nổi nữa. Bố vẫn bình thường, bản thân gắng sức nhanh, nhưng cũng không hại tôi, có lúc nhảy xong còn mở sẵn để tôi đi được thêm mấy bước.

Tống Dực hiển nhiên là phải nhường đường cho Ma Lạt Thang, hễ thấy cờ của Ma Lạt Thang sắp mắc kẹt, anh luôn chủ động bớt đi mấy bước để chừa đường cho cô, nhưng cũng không nỡ chặn đường tôi, có lúc rõ ràng thừa sức hại tôi, buộc tôi phải đi chậm nhất, anh vẫn né tránh, giả vờ không nhìn thấy nước đi đó. Tôi không muốn nhận ý tốt của anh, cũng giả vờ không phát hiện ra đường anh nhường, khăng khăng không đi, thà đắp đường lại từ đầu còn hơn.

Lục Lệ Thành chơi thảnh thơi nhất, lợi dụng sự nhường nhịn của mấy người chúng tôi để xây cầu đắp đường cho bản thân, thấy chỗ trống là nhảy, gặp người hại người, nên nói chung là anh đi nhanh nhất.

Năm người giằng co hồi lâu, mãi mới phân thắng phụ. Lục Lệ Thành thứ nhất, bố thứ hai, Ma Lạt Thang thứ ba, tôi thứ tư, Tống Dực xếp chót.

Chơi cờ xong, bố lộ vẻ mệt mỏi, mấy người kia lần lượt ra về. Tôi xếp dọn để bố ngủ, tưởng đâu bố đã ngủ say, không ngờ bố đột nhiên hỏi:

– Tống Dực là bạn trai của Hứa Liên Sương à?

– Vâng.

– Bao lâu rồi?

– Lúc con ở Mỹ.

Tôi toan giải thích rõ ràng, nhưng không biết nên giải thích thế nào. Bố cũng không hỏi gì nữa, tôi lại ngồi một lúc lâu, thấy bố ngủ say thật rồi mới dọn dẹp đồ đạc về chỗ đại tỷ.

Tống Dực và Lục Lệ Thành đều đã đi làm trở lại, những tưởng ngày tháng sẽ bình lặng hơn, không ngờ sáng vừa thức dậy đã nhận được điện thoại.

– Xin hỏi có phải cô Tô Mạn không?

– Vâng ạ.

– Tôi họ Vương, là mẹ của Hứa Liên Sương. Cháu có thể gọi tôi là bác Vương.

Tôi liền nói:

– Cháu chào bác Vương.

– Mạo muội gọi điện cho cháu. Chuyện là thế này, Liên Sương có kể với tôi chuyện nhà cháu. Vốn định liên lạc với cháu sớm, nhưng chuyên gia hàng đầu về ngành này là giáo sư Trần lại đi dự hội nghị ở nước ngoài vì thế phải đợi đến tận hôm nay. Lát nữa giáo sư Trần và mấy chuyên gia nữa sẽ cùng đến bệnh viện chẩn đoán cho bố cháu, cháu thấy có tiện không?

– Tiện ạ! Tiện… Chỉ là…

Tôi bắt đầu do dự, nên nói với bác sĩ Trương thế nào? Tôi hành động thế này có phải rất thiếu tôn trọng ông ấy không?

– Cháu đừng lo. Giáo sư Trần kể cũng như bậc thầy của bác sĩ Trương. Anh ta sẽ không để ý việc giáo sư Trần đến chẩn đoán cho bố cháu đâu. Bạn tôi đã gọi cho giám đốc bệnh viện, ông ấy rất hoan nghênh. Đối với họ, đây là cơ hội hiếm có để trao đổi về chuyên môn, đằng nào thì mấy chuyên gia lần này cũng rất ít khi cùng nhau chẩn đoán.

Không ngờ mẹ Ma Lạt Thang lại là một phụ nữ bén nhạy tinh tường như thế, tôi hết lo âu, chỉ còn biết tỏ lòng cảm kích.

– Bác ạ, cháu cảm ơn bác!

– Đừng khách sáo! Lát nữa gặp nhau ở bệnh viện nhé!

Tôi ăn qua quýt vài miếng rồi chạy đến bệnh viện. Chẳng bao lâu, một người phụ nữ đứng tuổi đi cùng một giáo sư tóc đã bạc trắng tiến vào phòng bệnh. Giám đốc bệnh viện và bác sĩ Trương đã đợi sẵn ở đây, lập tức cùng đứng dậy. Thấy bầu không khí hòa hợp, tôi yên dạ, bây giờ mới có thời gian chào hỏi người phụ nữ:

– Bác Vương phải không ạ?

– Đúng rồi, Tô Mạn?

– Vâng ạ!

– Chúng ta ra ngoài ngồi, bác sĩ và hộ lý sẽ chăm sóc bố cháu.

– Được ạ!

Bà Vương dẫn tôi xuống tầng dưới, chúng tôi gọi hai cốc trà rồi ngồi uống. Bà là một người phụ nữ đẹp, Ma Lạt Thang đã đẹp thế rồi, nhưng so với bà thì vẫn kém một bậc, không phải về đường nét mà về phong thái.

– Bác Vương, bác đẹp quá ạ!

– Hả? Vậy sao? Cảm ơn cháu! – Bà bật cười – Thật ra tôi đã nghe nói về cháu lâu rồi. Cảm ơn cháu đã chăm sóc Liên Sương mấy năm nay.

– Làm gì có, thật ra toàn cô ấy chăm sóc cháu.

Lòng bàn tay khẽ chạm vào cốc trà, bà im lặng mỉm cười, tôi cũng im lặng đợi bà nói tiếp. Bà cất công đến bệnh viện, không thể nào chỉ để đưa giáo sư Trần đến khám cho bố tôi.

– Cháu là bạn thân nhất, và cũng là bạn duy nhất của Liên Sương. Tôi có mấy câu muốn hỏi cháu.

– Bác cứ hỏi ạ!

– Liên Sương… thích… Tống Dực đến mức nào? – Bà nói rất khó nhọc, không biết là do dị ứng với chữ “thích”, hay do không thể chịu đựng cái tên “Tống Dực”.

Tôi đờ người một lát, rồi đáp:

– Rất thích, thích vô cùng.

Nỗi buồn phiền lộ rõ trong mắt, nhưng bà kiềm chế được, mỉm cười hỏi:

– Vì sao nó không thích Lục Lệ Thành? Tôi và ba nó đều có ấn tượng tốt về Lục Lệ Thành, lúc trước Liên Sương cũng rất hồ hởi với cậu ấy. Tôi hỏi nó, nó cũng nói là thích, vì sao đột nhiên lại hẹn hò với Tống Dực?

Tôi không biết nên trả lời thế nào. Bà mỉm cười:

– Tôi biết mấy câu này nên trực tiếp đi hỏi con gái mình, nhưng mà… – Bà hạ mi xuống, hầu che giấu nỗi u sầu trong mắt – Nó chẳng mấy khi tâm sự với tôi, mỗi lần tôi muốn trò chuyện, nó đều sốt ruột, hễ nói quá nhiều, chúng tôi lại cãi nhau. Tôi là một người mẹ vô cùng thất bại.

Tôi cân nhắc rồi nói:

– Liên Sương đã thích Tống Dực từ trước, cô ấy nói đã thích anh ấy được năm sáu năm nay chứ không phải đột nhiên đâu.

– Gì cơ? – Bà Vương tái mặt – Không thể nào. Sáu năm trước nó không nhìn thấy bất kỳ ai cả.

– Cô ấy kể là chưa bao giờ gặp Tống Dực, chỉ nghe giọng thôi, nhưng cô ấy đã phải lòng ngay giọng nói ấy rồi.

Bà Vương chăm chăm nhìn tôi, mắt lộ rõ sự nghi hoặc, vẻ mặt ấy khiến người ta cảm nhận được sự đau đớn và bất lực trong đáy lòng. Tôi gắng trấn an bà:

– Cô ấy rất thích Tống Dực, Tống Dực cũng thích cô ấy. Nhưng mà, cô ấy kể với cháu rằng hai bác đều quý Lục Lệ Thành, vì thế mới phải giấu giếm hai bác mãi. Bác ạ, để hai người họ thỏa nguyện đi!

– Tống Dực thích Liên Sương? Tống Dực thích Liên Sương? – Bà Vương cười nhạt, giọng điệu rất thê lương – Cái thằng dối trá này!

Bà gắng sức kiềm chế bản thân, nhưng tay cứ run bần bật:

– Tôi không đồng ý. Ba nó càng không đồng ý. Con bé không thể ở bên Tống Dực. Tống Dực làm hại một đứa con gái của chúng tôi còn chưa đủ? Lẽ nào muốn hại thêm đứa khác?

Từ lúc xuất hiện cho tới vừa rồi, lời lẽ cử chỉ của bà đều rất chừng mực, bây giờ lại mất kiềm chế đến mức này. Tôi thì đứng người vì những lời ấy, đầu óc lâu lắm vẫn không tiếp nhận được.

– Bác ơi… bác… bác… bác nói… Ma Lạt Thang… Liên Sương có một người chị em?

Trước thái độ của tôi, bà Vương sầu não hỏi:

– Liên Sương chưa bao giờ kể cho cháu biết nó có một người chị ư?

Tôi lắc đầu:

– Lúc mới quen nhau, cô ấy hỏi cháu có anh chị em không? Cháu nói không, cháu là con một, cô ấy bèn nói mình cũng thế.

Bà Vương nói khẽ:

– Cháu thứ lỗi cho nó nhé? Nó không có ý lừa cháu đâu. Có lẽ từ tận đáy lòng, nó luôn cho rằng nhà chỉ có mình nó. Đây đều là lỗi của tôi.

Đầu óc tôi hoàn toàn không thẩm thấu được những thông tin này, nhưng không thể khiến một người mẹ phải xuống nước hạ mình xin lỗi như thế, tôi đành hứa bừa:

– Cháu không trách cô ấy.

– Cảm ơn cháu, nhờ chơi với cháu, mấy năm nay Liên Sương vui vẻ chưa từng thấy, tính tình cũng trở nên cởi mở lạc quan, tôi với ba nó tuy không tiện ra mặt cảm tạ cháu, nhưng trong lòng đều hết sức biết ơn. Bây giờ tôi còn muốn nhờ cháu một việc, hy vọng cháu có thể nhận lời.

– Việc gì ạ?

– Ba con bé vẫn chưa biết việc giữa hai đứa, khi nào biết nhất định ông ấy sẽ điên tiết. Chúng tôi không bao giờ cho phép Liên Sương gắn bó với Tống Dực. Đến lúc đó, chỉ e quan hệ giữa Liên Sương và chúng tôi sẽ rất căng thẳng, có lẽ sẽ phải phiền cháu đả thông cho nó.

– Cháu không hiểu. Vì sao không thể gắn bó với Tống Dực? Bác ạ, cháu quen Tống Dực đã nhiều năm rồi, cháu dám dùng mạng sống của mình để đảm bảo anh ấy là người tốt.

Lòng tôi cũng đã nổi sóng, giọng nói bắt đầu kích động.

– Tuyệt đối không được! – Bà kiên quyết lắc đầu – Ba của Liên Sương sẽ không tha thứ cho thằng đó! Tống Dực cặp kè với Liên Sương cũng không phải vì thích con bé, nó chỉ vì bản thân nó thôi, con bé Liên Sương thật quá ngây thơ!

Thái độ bà vô cùng quyết liệt, bất kể tôi nói gì, bà đều không muốn giải thích thêm, chỉ nhờ tôi ở bên Liên Sương nhiều hơn, khuyên giải cô. Tôi lo cho bố, nghĩ chắc có kết quả hội chẩn của các chuyên gia rồi, nên đành chào bà.

Trở về phòng bệnh, bố vẫn chưa quay lại, đợi thêm một tiếng nữa hộ lý mới đẩy xe đưa bố vào, có lẽ đội ngũ bác sĩ hôm nay đã khiến cô choáng váng, tuy không biết tôi là thần thánh phương nào, nhưng ít nhất có thể khẳng định rằng người mời được bao nhiêu bậc thầy cấp quốc gia cùng tập hợp lại một chỗ như thế nhất định không tầm thường, bởi vậy cô đối xử với tôi hết sức hòa nhã chu đáo. Tôi thẳng thắn tiếp nhận thái độ hòa nhã chu đáo ấy, làm như thể tôi đích thực là một nhân vật có máu mặt. Hộ lý càng cẩn thận hơn lên.

Nằm viện chữa bệnh thực là vất vả, không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Điều này tôi đã thấm thía sâu sắc từ năm năm trước rồi. Bây giờ tôi chỉ hy vọng, bất kể dùng cách gì, trong những ngày nằm viện sắp tới bố phải được kính trọng và chăm sóc ở mức tốt nhất. Còn những người mà tôi mắc nợ, tôi sẵn lòng làm trâu ngựa để báo đáp họ.

Giáo sư Trần và bác sĩ Trương cùng giải thích với tôi về bệnh tình của bố. Giáo sư Trần vạch ra một phác đồ chữa trị mới, lại thêm vào vài loại thuốc, có một số thuốc Trung Quốc còn chưa phê duyệt nhập khẩu, nhưng ông sẽ dùng danh nghĩa nghiên cứu y học để nhập về cho bố tôi. Tôi không do dự gì, ký ngay vào đơn chấp thuận, đằng nào thì đây cũng là tia hy vọng đầu tiên tôi được nghe sau bao nhiêu ngày qua.

Trở về phòng bệnh, thấy bố có vẻ lạc quan, tâm trạng tôi cũng phấn chấn hơn hẳn.

Một hộ lý đến đưa nước nóng cho chúng tôi, trước giờ đều là tôi tự đi lấy cả. Lúc sắp rời đi, cô còn lịch sự dặn khi nào cần giúp đỡ thì gọi các cô.

Bố cười nói với tôi:

– Mạn Mạn nhà mình tiến bộ quá! Bố cũng được mở mày mở mặt theo rồi.

Tôi lắc lắc tay bố:

– Mạn Mạn nhà mình hoa nhìn hoa nở, người gặp người ưa, bạn bè đều sẵn lòng tương trợ.

Bố mỉm cười vuốt tóc tôi một lát, mắt lại dâng nét ưu tư:

– Mạn Mạn, con… Tống Dực…- Bố không nỡ nói tiếp, khẽ thở dài rồi chuyển đề tài – Lục Lệ Thành xem ra cũng rất khá, dạo gần đây đều nhờ cậu ấy giúp đỡ cả.

Tôi cười, ôm lấy cánh tay bố, chen vào nằm cạnh:

– Bố ơi, kể chuyện cho con nghe đi! Con muốn nghe chuyện thời trẻ của bố. Còn nữa… bố làm sao quen… mẹ vậy?

Tôi ngập ngừng một lát, cuối cùng nhắc đến mẹ. Bao lâu nay tôi không nói tới mẹ trước mặt bố. Bố cười, mắt híp thành một đường kẻ:

– Chuyện xa lắc rồi, mẹ con… – Bố nhìn tôi, thở dài – Con không thanh tú như mẹ, trán con giống bố, không xinh.

Tôi ứ ừ không chịu thừa nhận:

– Con nói bố kể chuyện cho con nghe làm sao quen mẹ cơ mà, cớ gì bố lại chê con? Nếu bố còn chê bai nữa, con giận đấy!

– Được, được, để bố kể. Hồi ấy, bố lái xe tải hàng, không chở người. Một hôm mẹ con có việc gấp phải vào thành phố, nghe người ta nói đúng lúc bố cũng phải vào thành phố lấy hàng, bèn chạy lại xin bố cho đi nhờ. Lúc đầu bố không chú ý xem mẹ con mặt mũi ra sao, chỉ nhớ có hai bím tóc đu đưa, lắc lư khiến bố hoa cả mắt, tóc mẹ con đượm hương hoa hòe, khiến ca bin xe ngan ngát thơm…

Nụ cười của bố không gượng gạo như bình thường, mà thật sự hạnh phúc, giống như được trở về buổi chiều mùa đông hôm ấy, hồi hộp chở một thiếu nữ đi cùng, hương thơm mát lành trên tóc cô lững lờ trong ca bin, không nghe rõ cô nói gì, chỉ nghe tim mình đập mạnh đến mức muốn nhảy ra khỏi lồng ngực…

Tôi tựa vào vai bố, cũng cười vui vẻ. Bố mẹ đã hạnh phúc, chỉ cần giữ được hồi ức, niềm hạnh phúc ấy sẽ không bao giờ trôi xa. Tống Dực nói đúng, bố rất mong nhắc chuyện về mẹ, vì đó là niềm vui và hạnh phúc của bố, mẹ chưa bao giờ rời xa, mẹ vĩnh viễn sống trong tim bố.

Cuộc sống hằng ngày của tôi đơn điệu mà bận bịu, sáng dậy làm bữa sáng cho bố, sau đó đến bệnh viện, đợi khi bố đi trị liệu thì đem quần áo bố thay về nhà giặt. Nấu xong cơm trưa lại mang vào bệnh viện ăn với bố, nói chuyện, đánh cờ, đi dạo, rồi hai bố con cùng ăn bữa tối.

Chúng tôi chuyện trò về nhiều điều. Bố kể cho tôi những kỷ niệm hồi nhỏ của mình, kể cho tôi nghe từng mẩu chuyện giữa bố và mẹ, cũng kể cho tôi nghe chuyện ông bà nội, thường là tỉ tê thủ thỉ đến quên cả thời gian, hộ lý phải giục tôi về.

Do sự tàn phá của quá trình hóa trị, sức khỏe bố mỗi ngày một kém, tóc cứ rụng dần, khi tác dụng phụ quá ghê gớm, bố đau đến nỗi rúm ró người lại, tôi lực bất tòng tâm, chỉ biết rũ tay đứng nhìn bố đau đớn, thường đợi bố dứt cơn là lao vào nhà vệ sinh, trốn trong đó mà khóc nức nở. Khóc xong, lại trở ra quấn quýt bên bố, giục bố kể chuyện cho tôi nghe.

Tiền tiết kiệm đã tiêu gần hết, tôi gọi điện cho người môi giới, hỏi xem nhà cửa bán chác thế nào. Người môi giới phấn khởi cho tôi biết:

– Đừng nóng vội! Bây giờ có hai người ưng ý căn hộ của chị. Tôi đang nâng giá với cả hai bên, đã cao hơn mức dự tính của chúng ta đến sáu mươi nghìn đồng rồi.

Tôi thắc mắc:

– Chuyện thế nào vậy?

– Lúc đầu một phụ nữ đến xem nhà, nói rằng mua về để đầu tư vì thấy khu vực này rất dễ cho thuê, lại nói nhà cửa giữ gìn khá tốt bèn đồng ý ngay mức giá sáu trăm nghìn mà chị đưa ra. Chúng tôi định ký hợp đồng thì một bà già đến xem nhà, trông có vẻ rủng rỉnh lắm, cũng thích căn hộ của chị, nhất là trầm trồ khen ngợi tranh trên tường nhà chị, nghe nói đã có người muốn mua, bà ấy bèn trả thêm mười nghìn. Chúng tôi liền nhắn với người mua đầu tiên, họ tăng luôn thêm hai mươi nghìn. Chúng tôi báo lại cho bà già, bà ấy tăng luôn thành ba mươi nghìn. Bây giờ là sáu trăm sáu mươi nghìn, chúng tôi định gọi điện cho người còn lại xem cô ấy chịu tăng giá hay bỏ cuộc.

Tôi nhẩm tính, trừ hết tiền vay ngân hàng và phí thủ tục cho môi giới thì còn khoảng ba trăm nghìn, đã cao hơn kỳ vọng của tôi rồi.

– Thật phiền các anh quá! Bây giờ tôi đang cần tiền gấp, anh cố giúp tôi bán gọn trước tuần sau.

– Vâng, xong ngay. Chúng tôi nhất định giúp chị lấy được giá lời nhất.

– Cảm ơn anh.

Quả thực, về giá cả thì tôi không cần lo lắng, người môi giới được hoa hồng theo tỷ lệ, giá bán càng cao, họ càng kiếm bầm.

Đại tỷ trong bếp, ăn xúp tôi để phần, nghe cuộc đối thoại giữa tôi với môi giới, mặt giãn ra, khẽ nói:

– Cũng may! Cũng may! Tuy bán gấp, nhưng giá cũng khá.

Tôi nói:

– Căn hộ này là do bố giúp em chọn. Năm ấy em định mua căn hộ khác rẻ hơn cơ, bố bèn nói địa thế ở đây tốt, đắt hơn một chút song mai sau dễ bán. Bố em không làm về tài chính, nhưng xem ra rất có tầm nhìn.

Đại tỷ bưng bát đến ngồi bên tôi:

– Tô Mạn, dạo gần đây cô có gặp Tống Dực không?

– Thi thoảng. Đôi lúc hết giờ anh ấy đến thăm, chơi cờ với bố em.

– Cậu ta ổn chứ?

Tôi thắc mắc nhìn đại tỷ:

– Anh ấy phải không ổn hay sao?

Đại tỷ gật đầu:

– Gần đây chắc cậu ta khốn đốn lắm!

– Vì sao?

– Tôi cũng chưa nhìn thấy rõ ràng. Nhưng cảm giác hình như Tống Dực xử lý không tốt các mối quan hệ trong nước, sếp bự của mấy doanh nghiệp lớn đều khước từ gặp cậu ta, số khách hàng do cậu ta phụ trách đều đã chuyển hết sang tay Lục Lệ Thành, những khách hàng khác cũng bỏ đi khá nhiều, bây giờ cậu ta chỉ làm mấy doanh nghiệp nước ngoài có đặt chi nhánh ở Trung Quốc thôi, nhưng lượng công việc rất hẻo. Tôi nghe nói uy tín cậu ta lung lay lắm rồi! Sự việc tác động nặng nề đến MG, có tin đồn mấy lão trùm sò ở bên New York vô cùng thất vọng về Tống Dực, không khéo Tống Dực sẽ rời MG thôi, nhưng tình trạng cậu ta thế này, bất kể nghiệp vụ thành thạo đến đâu mà không giữ được khách hàng thì chẳng ngân hàng đầu tư nào ở Trung Quốc dám chiêu nạp cậu ta hết. Có lẽ, cậu ấy chỉ còn cách quay lại Mỹ thôi.

Đại tỷ tỏ rõ nghi hoặc:

– Bây giờ tôi cũng không hiểu, rốt cuộc Tống Dực quá yếu hay Lục Lệ Thành quá mạnh? Làm sao cục diện đột nhiên lại rõ ràng như vậy? Tôi vốn mong đợi hai tay đó đại chiến ba trăm hiệp kia đấy! Thật kỳ quái! Cô gặp Tống Dực, cậu ta không lộ vẻ gì bất thường à?

Tôi lắc đầu. Vì không quan sát anh kỹ càng, tôi thật sự không biết anh có gì khác lạ không, huống hồ anh giấu kín tâm tư như vậy, cho dù có điểm khác lạ, tôi cũng không nhìn ra được.

– Thế còn Lục Lệ Thành? Có lần tôi vào bệnh viện đón cô thì thấy cả mặt anh ta, chắc anh ta đến đấy không chỉ một lần chứ?

Tôi ngẫm nghĩ, rồi cũng lắc đầu:

– Anh ấy vẫn như trước, không tỏ vẻ gì đặc biệt.

Đại tỷ cười khanh khách:

– Tô Mạn, mệnh đào hoa của cô vượng quá đấy! Thành thật khai mau, suy cho cùng cô thích ai?

– Tỷ hâm à? Tống Dực đến thăm bố em đều đi cùng Ma Lạt Thang. Lục Lệ Thành thì có nguyên nhân khác. Ngay cả tỷ còn đến thăm bố em lại không cho phép Lục Lệ Thành cũng đến thăm bố em như một người bạn của em hay sao?

Đại tỷ không để ý đến những điều kía, chỉ kinh hãi hỏi:

– Tống Dực cặp với Hứa Liên Sương à?

Tôi gật đầu, đại tỷ suýt nhảy dựng khỏi ghế:

– Không thể nào! Hứa Liên Sương…

Chị nhìn tôi, im bặt. Tôi nói:

– Em biết rồi, Hứa Liên Sương là con gái của ông Hứa Trọng Tấn.

Cuối cùng đại tỷ cũng có thể thở một hơi dài khoan khoái:

– Đúng, vậy là cô đã biết, Tống Dực có cây đại thụ chọc trời như thế, sao lại nảy sinh khúc mắc với khách hàng được? Không cần mất công, khách hàng cũng quấn lấy cậu ta ấy chứ?

– Cây đại thụ kia không thích Tống Dực, em nghĩ ông ta đang ép Tống Dực rời Trung Quốc đấy! Những ngày tháng tới của Tống Dực sẽ càng lúc càng chật vật thôi.

Đại tỷ trố mắt há miệng, bắt đầu bất bình thay Tống Dực:

– Tống Dực có điểm nào không tốt? Là cây cảnh của Thanh Hoa chúng ta, cần diện mạo có diện mạo, cần tài năng có tài năng, cần đức độ có đức độ. Hứa Liên Sương nhà ông ta thì chỉ có hai con mắt như thiên hạ, dựa vào cái gì mà chèn ép người ta như thế?

– Em tưởng tỷ theo phe Lục Lệ Thành.

Đại tỷ lúng túng:

– Thì tôi theo phe Lục Lệ Thành. Tôi cũng là thổ biết như anh ta, đều dựa vào sức mình phấn đấu từng bước để giành lấy thành công, nhưng tại chiến lược dùng người bất công của bọn tư bản mà chúng tôi không thể leo tới đỉnh kim tự tháp. Đương nhiên tôi nghiêng về phía Lục Lệ Thành, chỉ mong anh ta tống cổ được Tống Dực. Nhưng mà, đằng nào thì tôi, Tống Dực, Lục Lệ Thành cũng đều thuộc hạng dùng hai bàn tay đánh dẹp thiên hạ, khác hẳn giai cấp đặc quyền như Hứa Liên Sương. Tự dưng có người thấy ngứa mắt mà bao nhiêu khổ sở phấn đấu của bọn tôi, bảo hủy hoại là bị hủy hoại liền, thì trong lòng tôi cảm thấy thật uất ức! Cảm thấy khó chịu! Cảm thấy bất công quá lắm!

Tôi nín thinh, trên đời này có gì là công bằng đâu? Vì sao mẹ tôi ra đi? Vì sao bố mắc bệnh? Vì sao người tôi yêu lại yêu người khác? Hình như trên đời này, hạnh phúc, thành công, vui vẻ từ trước tới giờ không mảy may liên quan đến lẽ công bằng.

– Tô Mạn, cô nói gì đi!

Tôi đứng dậy, đi về phòng riêng:

– Em phải gọi điện cho Ma Lạt Thang.

Tôi bấm dãy số từng rất quen thuộc, nay lại có vài phần xa lạ. Chuông vừa reo, Ma Lạt Thang đã bắt máy.

– Mạn Mạn à?

– Ừ, bà ổn chứ?

– Rất ổn.

Cả hai cùng yên lặng. Không biết nên nói gì, nhưng lại không muốn cúp máy. Từng phút từng giây trôi đi trong im ắng. Cuối cùng Ma Lạt Thang nói:

– Tôi cúp nhé!

– Ừ – Tôi đáp.

Ngắt điện thoại, trong lòng bức bối đến nỗi tưởng chừng sắp nổ tung, tôi bật máy tính, đăng nhập QQ, Ma Lạt Thang đang trên mạng. Tôi không muốn giả vờ khách sáo nữa, đi thẳng vào vấn đề luôn, “Hôm trước tôi gặp mẹ bà, mẹ bà kể là bà có một người chị.”.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK