• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Spoiler
Anh nắm tay em, đi từ hôm qua cho đến hiện tại, chỉ mong dựa vào anh mãi, chẳng muốn xa lìa.

Trên máy bay, tôi liên tục uống hết chai nước này đến chai nước khác, Lục Lệ Thành ngồi bên, nín lặng từ đầu tới cuối.

Chúng tôi vừa ra khỏi sân bay Nội Bài, lập tức có người đến đón, bắt tay Lục Lệ Thành và tự giới thiệu với tôi:

– Cô cứ gọi tôi là Ken.


Tôi những tưởng đây là người của công ty lữ hành, không ngờ lại là một trong các trưởng phòng của chi nhánh MG tại Hà Nội. Ken đã biết mục đích chuyến đi của chúng tôi nên lái xe đưa thẳng tới bệnh viện. Anh ta cho tôi biết đã thu xếp bệnh viện tốt nhất và bác sĩ giỏi nhất ở Việt Nam, tôi vội ngỏ lời cảm ơn. Ken lại nói với Lục Lệ Thành rằng, sau khi xảy ra sự cố, công ty lữ hành chối bỏ trách nhiệm, đổ tại bố mẹ tôi không nghe theo hiệu lệnh của hướng dẫn viên, chạy lung tung trên đường để mang tai mang vạ, không liên quan gì đến công ty. Lục Lệ Thành ngăn anh ta đi vào chi tiết:

– Không cần đôi co việc đó, để luật sư nói chuyện với họ.

Gần đến bệnh viện, Ken gọi điện thoại. Chúng tôi vừa xuống xe thì đã có một bác sĩ ra đón anh ta. Ken giới thiệu hai bên với nhau, bác sĩ tên là Rio, bạn nối khố của Ken, làm việc ở bệnh viện này, dặn chúng tôi có việc gì thì cứ tìm, anh ta sẽ giúp đỡ. Tôi bèn hỏi ngay về tình hình bố mẹ. Rio không trả lời thẳng, đề nghị dẫn chúng tôi đi gặp bác sĩ điều trị chính để ông ta cho biết thì hay hơn.

Chúng tôi theo bác sĩ điều trị vào thăm bố. Bố nằm li bì trên giường bệnh, bác sĩ nói bố còn ngủ do tác dụng của thuốc an thần chứ không có gì đáng ngại cả. Thế này thì chắc mẹ cũng ổn thôi, cuối cùng tôi đã yên tâm được phần nào.

– Mẹ tôi đâu?

Bác sĩ ra hiệu cho chúng tôi cùng rời phòng bệnh:

– Theo như cảnh sát kết luận, khi tài xế say rượu gây tai nạn, người ở mé mà xe lao tới là bố cô, nhưng chắc mẹ cô trông thấy xe trước nên kịp thời đẩy bố cô đi, chắn mình ra ngoài ông ấy, vì thế bố cô chỉ chấn thương nhẹ ở đầu, còn mẹ cô thì bị thương nặng. Thành thực xin lỗi, chúng tôi cố gắng hết sức nhưng không cứu được, bác gái qua đời rồi!

Tôi đờ dại nhìn bác sĩ, điều ông ta nói không phải sự thật! Không phải sự thật! Hôm kia tôi còn gọi điện cho mẹ cơ mà! Ông ta nói dối!

– Tôi muốn gặp mẹ tôi, tôi muốn gặp mẹ!

Bác sĩ bối rối nhìn Lục Lệ Thành:

– Tôi nghĩ nên đợi tâm trạng chị ấy ổn định hơn rồi hãy đến nhìn mặt mẹ lần cuối.

– Không! Tôi muốn gặp mẹ!

Lục Lệ Thành đưa tay đỡ lấy tôi, nhưng bị tôi đẩy ra. Bác sĩ nói với anh ta:

– Khi chị ấy ổn định hơn thì mời lại đằng văn phòng tôi, còn vài điều muốn trao đổi với anh chị. Rất lấy làm tiếc! – Nói xong, ông ta rời đi.

Tôi lùng từng phòng bệnh tìm mẹ, Lục Lệ Thành đi theo. Tôi đẩy tung các cửa, hễ không thấy mẹ là lập tức bỏ đi, anh ta ở đằng sau, nói “ Xin lỗi” với người nổi giận bên trong. Cuối cùng, khi tôi xô mạnh một cánh cửa làm đứa trẻ ở trong giật mình khóc thét, thì Lục Lệ Thành túm lấy tôi, “Tô Mạn!”. Tôi gắng vùng thoát khỏi tay anh ta:

– Tôi muốn gặp mẹ!

Anh lặng lẽ nhìn tôi, đôi mắt đầy thông cảm. Tôi cấu tay anh:

– Buông tôi ra! Buông ra!

Lục Lệ Thành nói với Rio vẫn đi cùng nãy giờ, “Dẫn chúng tôi đến phòng để xác!” rồi kéo tôi vào thang máy.

– Không, tôi không đi mà, tôi muốn tìm mẹ!

Lục Lệ Thành không nói một lời, chỉ vòng tay ôm cứng lấy tôi, bất kể tôi tay đấm chân đá thế nào để lao ra khỏi thang máy, anh cũng không buông tay.

Vừa vào phòng xác, đã thấy lạnh lẽo lặng ngắt như vào một thế giới khác. Nhân viên giở vải trắng phủ thi thể lên, rồi im lìm lùi sang một bên.

Trông thấy mẹ, tôi yên lặng lại.

Khuôn mặt mẹ an lành bình thản như đang mơ một giấc mơ đẹp. Tôi nhẹ nhàng lại gần, y như những buổi sáng chủ nhật hồi nhỏ dậy sớm, rón rén đến bên giường xem bố mẹ đã thức chưa. Có lúc, mẹ sẽ đợi mặt tôi kề sát mới đột ngột mở bừng mắt, tôi giật mình kêu “a” một tiếng, quay sang bố, bố bèn cười lớn, bế bổng tôi lên giường, đặt tôi vào giữa bố mẹ.

Tôi cúi xuồng nhìn. Mẹ ơi, mẹ hù con đi, làm con giật mình một lần đi!

Mẹ ngủ yên lành, tôi đưa tay lay nhẹ vai mẹ, “Mẹ ơi, mẹ!” Mẹ vẫn ngủ say, tôi nhẹ nhàng rờ tay lên mặt mẹ, cảm giác lạnh giá từ những đầu ngón tay thấm vào huyết quản rồi mau chóng tỏa đi toàn thân.

Còn nhớ hồi tôi học cấp I, bố phải làm ca đêm, ban ngày tôi đi học về bố vẫn ngủ, tôi bèn chạy lại lay bố dậy, mẹ thường khẽ khàng kéo tôi ra khỏi phòng, dặn dò, “Bố con mệt lắm, bố cần ngủ, con đừng quấy rầy.” Có lúc tôi rất biết nghe lời, ngồi xem vô tuyến một mình. Có lúc tôi lại bướng bỉnh, lập tức ngoác miệng gào lên, “Bố ơi, công chúa cưng của bố giá lâm!” Mẹ tức giận trừng mắt với tôi, tiếng bố cười vọng ra, “Công chúa cưng của bố đâu nào?”

“Đây ạ!” Tôi nhăn mặt trêu mẹ rồi chạy ào vào phòng, nhảy lên ngồi bên bố.

Mẹ ơi, mẹ mệt rồi ư? Mẹ muốn ngủ ư? Vậy được! Bây giờ con đã có ý thức rồi, không quấy rầy mẹ đâu, con sẽ chăm sóc bố, mẹ cứ yên lòng nghỉ ngơi!

Sau khi nhìn mẹ lần cuối, tôi quay đi, cúi mình với nhân viên nhà xác:

– Cảm ơn anh!

Anh ta nói khẽ, Rio bèn dịch:

– Gắn nén đau lòng!

– Cảm ơn.

Tôi rời khỏi phòng để xác, Lục Lệ Thành bồn chồn nhìn tôi:

– Nếu cô muốn khóc thì cứ khóc, đừng cố nhịn.

Tôi lắc đầu:

– Tôi không sao, tôi còn phải chăm sóc bố, tôi không sao đâu.

Ký vào đơn đồng ý hỏa táng mẹ xong, tôi đi gặp bác sĩ điều trị chính để làm thủ tục xuất viện, muốn mau chóng đưa bố mẹ về Bắc Kinh, bố mẹ sẽ thích nghỉ ngơi ở nhà hơn.

Bác sĩ nghe tôi nói muốn xuất viện thì không ký ngay mà dẫn tôi vào một gian phòng tối. Ông ta bật đèn tường làm nổi mấy tấm phim X quang, đoạn trỏ các đốm đen trên phim chụp:

– Đây là phim chụp khi chúng tôi khám cho bố cô lúc mới đưa vào viện.

Ký ức như ác mộng lại ùn ùn tràn về tâm trí, những lời tiếp theo của bác sĩ, tôi đã từng nghe một lần hơn bốn năm về trước. Không! Tôi thụt lùi, va luôn vào Lục Lệ Thành đang đứng phía sau. Anh đặt hai tay lên vai tôi “Tô Mạn!”, giọng nặng trĩu xót xa thương cảm. Bác sĩ hỏi:

– Trước đây bố cô đã làm phẫu thuật ung thư rồi phải không?

Tôi thẫn thờ gật đầu, ánh mắt bác sĩ cũng nhen lên thương cảm:

– Rất tiếc, chúng tôi phát hiện ra tế bào ung thư của bác ấy đã lan rộng.

– Cứ nửa năm đều kiểm tra sức khỏe một lần, lần nào cũng tốt cả, liệu có chẩn đoán nhầm lẫn hay không?

Không hề phật ý vì bị nghi ngờ năng lực, bác sĩ giải thích:

– Tế bào ung thư vẫn là một vấn đề nan giải của y học, nó có thể ngủ yên hai mươi năm liền, cũng có thể mọc lan khắp đại não chỉ trong vài ba tháng ngắn ngủi. Tôi đề nghị chị khẩn trương liên lạc với bác sĩ điều trị trước đây để lên phác đồ trị liệu – Ông đưa một túi hồ sơ dày cộp cho tôi – Đây là tất cả những tài liệu liên quan và đề xuất riêng của tôi. Bên trong có cả thông tin liên lạc, nếu mắc mứu gì, anh chị có thể liên hệ với tôi bất cứ lúc nào.

Tôi nhận túi hồ sơ, bác sĩ vỗ nhẹ vai tôi:

– Kiên cường lên!

Tôi cầm túi hồ sơ, bình tĩnh đi ra khỏi văn phòng bác sĩ, tiến vào thang máy. Lục Lệ Thành gọi: “Tô Mạn!” Tôi quay lại nhìn anh:

– Gì thế?

Anh nháy môi, nhưng không ra tiếng, một lúc sau mới nói:

– Tôi đã đặt vé chiều mai, cô thấy có cần đổi lịch không?

– Không cần đâu – Tôi đáp – Buổi sáng tôi đến nhận hũ tro, phiền anh trông bố hộ tôi, trưa về tôi sẽ làm thủ tục xuất viện, buổi chiều có thể đi được rồi.

– Được! Anh nói.

Ra khỏi thang máy, sắp vào tới phòng bệnh, tôi bỗng dưng sững lại, chăm chăm nhìn cửa phòng:

– Sáng mai tỉnh dậy, nhỡ bố tôi có hỏi đến mẹ, thì anh nói… nói mẹ bị sốc nặng, điều kiện chữa trị ở Bắc Kinh tốt hơn, nên tôi đã nhờ người đưa mẹ về trước.

– Được

Khi đi mua hũ đựng tro, tôi mới biết thì ra thứ này lại được làm đẹp đẽ tinh xảo như vậy. Người ta gọi nó là “bảo cung”, tôi thích cái tên ấy lắm, cũng lấy làm cảm kích rằng trên đời có người chịu đổ tâm huyết để tạo ra những bảo cung đẹp đẽ này. Tôi dùng hết hạn mức thấu chi của thẻ tín dụng để mua cho mẹ một bảo cung lớn, làm thủ công, bằng gỗ hồng đào chạm hoa, ngoài bịt vải sợi bạc. Tôi nghĩ, thế này thì mẹ nghỉ ngơi cũng sẽ thoải mái hơn một chút.

Buổi trưa tôi về đến bệnh viện, bố đã tỉnh. Tôi khẽ hỏi Lục Lệ Thành:

– Bố tôi có nhắc đến mẹ không?

– Không, từ lúc tỉnh dậy đến giờ, bác chưa nói một câu nào cả.

Lục Lệ Thành đẩy xe lăn cho bố, tôi ôm mẹ trong lòng, cùng lên máy bay.

Bố không hỏi vì sao mẹ không đáp máy bay về với chúng tôi. Vẻ mặt bố ngơ ngác, cứ trân trân nhìn mãi vào một chốn nào đó, nhưng ánh mắt thì hoàn toàn thất thần. Tôi ngồi xổm xuống bên cạnh “Bố ơi! Bố”. Bố hoang mang nhìn tôi, một lát sau mới nhận ra tôi là Mạn Mạn, bèn mỉm cười, đưa tay xoa đầu tôi, bàn tay rất yếu. Tôi cũng cười, nắm chặt tay bố, đôi tay này từng dồi dào sức mạnh, từng nâng tôi lên cao quá đầu, đưa tôi bay lượn.

Hồi tôi còn nhỏ, cảnh nhà không lấy gì làm sung túc, hễ đi đâu, phương tiện di chuyển chủ yếu là tàu hỏa và ô tô. Các bạn cùng lớp đi du lịch đều đáp máy bay, nhưng tôi chưa bao giờ được ngồi máy bay cả. Tôi cảm thấy rất xấu hổ nên về nhà luôn bực bội kêu ca, “Muốn đi máy bay, muốn đi máy bay cơ!” Bố bèn nâng tôi lên cao, vừa chạy vừa nói, “Máy bay cất cánh!”, sau đó đột ngột ngoặt một cái, thông báo “Máy bay chuyển hướng!”, có khi còn thình lình rung lắc kịch liệt, thảng thốt kêu cứu, “Gặp bão, gặp bão, hãy chi viện gấp, hãy chi viện gấp!” Tôi vừa la hét vừa cười ha hả.

Tôi cầm tay bố, thủ thỉ:

– Đến mồng một tháng Năm, nhà mình đi Cửu Trại Câu chơi. Con mời. Mua vé khoang hạng nhất nhé!

Bố mỉm cuời gật đầu.

Về tới Bắc Kinh, tôi lập tức liên lạc với bác sĩ Trương, bác sĩ điều trị chính của bố trước đây. Ông ta đang nghỉ phép, nghe thông báo bệnh tình liền nhận lời khám cho bố ngay lập tức. Gặp tôi, ông ta hỏi:

– Mẹ cô đâu?

Tôi cúi đầu, Lục Lệ Thành khẽ cho ông biết tình hình. Bác sĩ Trương rất sửng sốt, lại nói với tôi:

– Cô yên tâm, tôi sẽ tìm bác sĩ giỏi nhất cùng hội chẩn, nhất định chúng tôi sẽ cố gắng hết sức – Rồi kéo Lục Lệ Thành sang một bên, hạ giọng dặn anh – Chú ý trấn an tinh thần bệnh nhân, bác sĩ cố nhiên là quan trọng, nhưng suy cho cùng chiến thắng được bệnh tật hay không phải trông vào bản thân người bệnh.

Tôi làm thủ tục nhập viện, lại gọi điện cho cơ quan của bố hỏi thăm xem tình hình bảo hiểm y tế thế nào. Gọi xong bị Lục Lệ Thành kéo đi ăn cơm, tuy không thấy ngon miệng, nhưng bây giờ không phải lúc phó mặc bản thân, đành ép mình ăn từng miếng một cho hết suất cơm. Lục Lệ Thành nhìn tôi mãi, tôi nói:

– Mấy hôm nay cảm ơn anh nhiều, anh không cần đi mãi với tôi đâu, sắp tới là những việc tôi đã rất quen thuộc. Đây lại là Bắc Kinh, là địa bàn của tôi rồi.

Lục Lệ Thành nói:

– Bây giờ vẫn là Tết, cả công ty đều nghỉ, cô định bắt tôi đi làm à? Đằng nào cũng đang rảnh rỗi, vừa may tôi lại có xe, dù cô không coi chúng ta là bạn bè đi nữa thì vẫn là đồng nghiệp, giúp đỡ nhau là điều nên điều phải.

– Xin lỗi, lẽ ra anh đang được nghỉ ngơi ăn Tết ở nhà rồi.

– Cô lôi thôi quá! – Lục Lệ Thành vừa nói vừa đứng dậy – Chúng ta về nhà cô lấy quần áo và đồ dùng cho bác nào.

Đang ngày Tết, đường xá thưa xe cộ, con Jeep Wrangler phóng như bay, chỉ hơn hai tiếng đã đến Phòng Sơn. Khi mở cửa xe, tôi theo thói quen cất tiếng gọi, “Bố mẹ ơi! Con về đây này!”. Nhưng lời vừa bật ra bỗng cảm giác trời xoay đất chuyển, bước chân loạng choạng, tôi phải dựa vào tường, ôm chặt bảo cung mẹ đang yên nghỉ, lặng người đi. Lục Lệ Thành cũng im lìm dừng ở cửa.

Một lúc lâu sau, tôi mới cất bước lại được, đem bảo cung vào phòng ngủ, đặt lên tủ và nhẹ nhàng nói:

– Mẹ ơi, mình về đến nhà rồi.

Tôi mở tủ lớn, bắt đầu thu dọn quần áo của bố. Lục lệ thành tới đứng ở cửa:

– Sắp xếp xong thì cô đi tắm và ngủ một giấc, sáng sớm mai chúng ta về thành phố.

– Tôi định lát nữa đi luôn.

– Tô Mạn, cô thử nghĩ xem đã bao lâu cô chưa ngủ rồi? Bây giờ đang giữa đêm, bác đã ngủ, lại có hộ lý trông nom, cô hành hạ bản thân như thế để làm gì? Chính cô cũng nói cô còn phải chăm sóc bố, cô thử nghĩ cứ tình trạng này thì cô có thể chăm sóc đến bao giờ?

Tôi mân mê chiếc áo bludông dày, nói khẽ:

– Chiếc áo này là mẹ tôi mua cho bố tháng trước…

Giọng Lục Lệ Thành dịu đi:

– Cô nghỉ ngơi một chút, ngày mai đi sớm, tôi hứa với cô, khi bác nhà tỉnh dậy thì cô đã ở bên cạnh bác rồi.

– Tôi biết – Tôi đáp – Anh nói đúng lắm! Tôi dọn đồ xong sẽ ngủ.

Sắp xếp xong tôi đi tắm, khi trở ra thì thấy Lục Lệ Thành đang ngồi trên xô pha xem vô tuyến, nhưng tắt tiếng, phát thanh viên thời sự vẫn nói luôn mồm, không hiểu anh đang xem gì.

Tôi vào bếp, hâm nóng hai bịch sữa bò anh mang đến, “Uống một chút.” thì phát hiện ra anh đã ngã người ra xô pha ngủ thiếp đi rồi. Mấy ngày nay, vì Lục Lệ Thành cố ý giấu giếm tin tức, ít nhất tôi cũng đã ngủ được vài giấc ở nhà anh, trên xe và trên máy bay, nhưng chính anh thì xoay như chong chóng từ khi biết tin tối hôm ấy, nào đặt vé máy bay, thu xếp hành trình, liên lạc với bạn bè ở Hà Nội, nào tìm bệnh viện, giục công ty lữ hành bồi thường bảo hiểm…

Tôi khẽ khàng đặt sữa lên bàn, lấy chăn đắp cho Lục Lệ Thành rồi tắt đèn, ngồi thu lu ở góc xô pha, vừa uống sữa vừa xem vô tuyến. Tuy tắt tiếng, cũng chẳng biết đang chiếu cái gì, nhưng cứ chong mắt nhìn những khuôn hình vùn vụt lướt qua, đầu óc cũng đỡ phải suy nghĩ.

Mãi một lúc lâu Lục Lệ Thành vẫn chưa thức dậy, dù không nỡ quấy rầy, nhưng nếu ngồi ngủ suốt đêm, ngày mai nhất định sẽ ê ẩm cả người.

– Lục Lệ Thành, đi tắm một cái rồi hẵng ngủ!

Anh mở bừng mắt, nhớn nhác nhìn tôi.

Tôi đang cúi xuống, mái tóc còn ẩm buông xõa hai bên má anh, anh đưa tay vén tóc ra sau tai hộ tôi, giọng âu yếm:

– Em không đơn độc đâu.

Tôi ngẩn người nhìn, không hiểu ý anh ra sao, là thông cảm, hay an ủi?

Lục Lệ Thành đứng dậy, mặt bình thản như không.

– Tôi đi tắm.

Tôi theo vào nhà tắm, chỉ cho anh biết chỗ để dầu gội đầu và sữa tắm, rồi lấy một bộ đồ ngủ mua cho bố dạo trước, hồi mua về thấy hơi rộng, bây giờ đến Lục Lệ Thành mặc lại vừa vặn.

Cửa đóng lại, anh tắm bên trong, tôi đứng ngoài nói chuyện:

– Trong nhà có hai phòng ngủ, phòng của bố mẹ tôi…

Anh nói ngay:

– Tôi ngủ ở xô pha là được rồi.

– Xin lỗi!

– Không sao, tôi thường ngủ trên xô pha ở văn phòng, cô cứ đi nghỉ trước, không cần đợi tôi.

Tôi lấy một tấm ga sạch trải lên xô pha, lại xếp sẵn gối, chăn bông rồi mới về phòng ngủ của mình. Thoạt đầu không tài nào chợp mắt được, tôi gắng sức không suy nghĩ để đầu óc giữ được trạng thái thanh tịnh, cuối cùng cũng chìm vào giấc ngủ.

Một đêm không mộng mị. Năm giờ sáng, đồng hồ báo thức réo vang, tôi lập tức vùng dậy, rửa mặt rồi gọi Lục Lệ Thành. Khi anh đánh răng rửa mặt xong xuôi thì tôi cũng hoàn tất bữa sáng, hai chiếc bánh ngô trứng vừa hấp, hai ly sữa nóng, một đĩa rau muối gồm cải bắp, cà rốt, đầu đũa, màu sắc tươi tắn đẹp mắt. Lục Lệ Thành mỉm cười, gắng sức xử sự như thể mọi việc vẫn bình thường.

– Thịnh soạn quá!

Tôi cũng cười:

– Rau là do mẹ tôi muối sẵn, muốn ăn chỉ việc vớt ra. Sữa thì cho vào lò vi ba hâm nóng là được, công lao duy nhất của tôi chính là hai chiếc bánh ngô trứng này đây.

Lục Lệ Thành nếm một miếng bánh:

– Ngon lắm!

Tôi nói:

– Cứ tưởng thực phẩm trong tủ lạnh đều quá hạn rồi nên chỉ định quẩy ít cháo ngô nhưng xem hạn trứng hóa ra vẫn sử dụng được… – Lời tôi tắc nghẹn ở cổ, sinh ly tử biệt cách nhau chỉ mới một tuần. Một tuần trước, mẹ vẫn còn bận rộn trong căn phòng này.

Tôi cúi đầu lẳng lặng ăn. Lục Lệ Thành cũng không nói gì nữa.

Chúng tôi câm nín ăn cho xong bữa rồi đến bệnh viện.

Khi bố thức dậy, tôi đẩy xe đưa bố ra ngoài, vừa tản bộ vừa nói chuyện.

Sau bữa trưa một lúc, hộ lý vào giục chúng tôi về, nói đã hết giờ thăm nom, phải để bệnh nhân nghỉ. Tôi nhờ Lục Lệ Thành chở tôi về căn hộ, sắp đến chân khu nhà thì bảo anh dừng xe.

Tôi vào một công ty môi giới bất động sản, một người đàn ông trông thấy tôi và Lục Lệ Thành theo nhau đi vào, tưởng là vợ chồng, bèn vồn vã đón chúng tôi:

– Anh chị mua nhà ạ?

Tôi ngồi xuống đối diện anh ta:

– Không, tôi bán.

– Ồ, nhà ở đâu ạ?

– Đằng hoa viên XX, gần chỗ các anh đây thôi.

– Khu vực đó tốt lắm, gần ga tàu điện ngầm, căn hộ của chị rộng khộng ạ? Nếu không rộng thì dễ xử lý, rất nhiều nhân viên trẻ mới bắt đầu đi làm muốn mua một căn hộ nhỏ ở khu vực này.

Tôi định cúi xuống điền thông tin, Lục Lệ Thành liền chặn tay lên giấy:

– Ý cô là gì vậy?

Tôi ngoảnh nhìn anh ta:

– Tôi định bán nhà.

– Tôi không điếc. Nhưng vì sao?

– Đây là việc của tôi, không liên quan lắm đến anh thì phải?

Lục Lệ Thành trừng trừng nhìn tôi:

– Nếu cô lo lắng về chi phí điều trị của bác, thì vẫn còn có cách giải quyết khác mà.

Tôi cười nhạt:

– Giải quyết thế nào? Anh thật sự tưởng rằng bảo hiểm y tế sẽ chi trả toàn bộ hay sao? Anh nên biết rằng chữa bệnh là một quá trình tốn kém. Lần trước bố tôi ốm có một năm, phẫu thuật, nằm viện rồi xạ trị, nhà tôi tiêu hết một trăm sáu mươi nghìn đồng, chưa tính những khoảng lặt vặt khác. Nhiều loại thuốc tốt nhập khẩu đều nằm ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế. Lần trước vì tiết kiệm, bố tôi đã chấp nhận đau đớn chứ kiên quyết không dùng thuốc ngoại. Anh có biết xạ trị khiến người ta vật vã thế nào không? Lần này, tôi không muốn bố phải chịu đựng tất cả những cảnh ấy nữa, tôi sẽ mua thuốc men đặc hiệu nhất, thuê hộ lý tận tình nhất… – Tôi không nói nữa, quay mặt đi – Đây là việc riêng của tôi, xin anh đừng xen vào.

– Tôi có tiền, có thể…

Tôi quay ngoắt lại nhìn, Lục Lệ Thành chưa kịp nói hết đã nín lặng, ánh mắt thoáng vẻ tổn thương. Tôi hơi hối hận, bèn mệt mỏi nói:

– Tự tôi đủ khả năng chăm sóc bố, tôi cũng muốn chính mình chăm sóc bố, anh hiểu không?

Lục Lệ Thành không nói năng gì, tôi gắng sức mỉm cười:

– Hơn nữa, dù anh cho vay, tôi vẫn phải hoàn lại cơ mà? Sớm hay muộn có gì khác nhau?

Lục Lệ Thành nhấc tay ra, tôi bắt đầu điền đơn, ghi chi tiết địa chỉ, diện tích, tình trạng mới cũ, rồi kí hợp đồng với môi giới.

Về tới nhà, tôi không mời Lục Lệ Thành vào mà đứng ở cửa nói:

– Sự giúp đỡ của anh trong thời gian vừa qua, hai chữ “cảm ơn” không đủ đáp đền. Sau này, nếu có ngày nào anh cần đến Tô Mạn tôi, thì dẫu phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng tôi cũng không từ nan. Sắp hết thời gian nghỉ lễ rồi, anh về nhà nghỉ ngơi còn chuẩn bị đi làm. Không cần đến thăm tôi nữa, ở đây giao thông thuận tiện, taxi hay tàu điện ngầm đều dễ bắt cả.

Lục Lệ Thành định nói gì đó nhưng nén được:

– Cô cũng nghỉ ngơi cho khỏe!

Dứt lời quay mình bước đi.

Tôi đặt đồng hồ, để hai tiếng nữa thì báo thức. Tôi đổ vật xuống giường, không thay quần áo, cũng không tụt giày, cứ thế nặng nhọc thiếp đi, trong đầu vẫn tự nhủ phải gửi email cho đại tỷ, nhờ chị gới thiệu một chỗ làm lương cao. Còn phải nấu cơm, hầm canh sườn cho bố, khi đến bệnh viện nhớ mang theo cờ tướng để buổi tối hai bố con chơi vài ván, sáng mai dậy đi chợ mua cá tươi, còn viết đơn xin nghỉ việc nữa…

Nghỉ ngơi đi, Tô Mạn! Mày cần nghỉ ngơi, mới có thể ứng phó được mọi việc! Nghỉ nào, nghỉ đi!

Buổi chiều tôi đến bệnh viện, bố không ở trong phòng, hộ lý cho tôi biết có một người đàn ông đã đẩy xe đưa bố xuống đi dạo ở vườn hoa dưới sân. Cô vừa kể vừa cười:

– Chị thật may mắn, người yêu đẹp trai mà hiếu thảo thế!

Tôi may mắn? Tôi nhếch miệng, cười lịch sự.

Nghe thế, bà hộ lý bên cạnh trừng mắt với cô hộ lý rồi nói với tôi:

– Tôi vừa gặp họ, đúng lúc nghe họ nói chuyện đánh cờ, chắc bây giờ đang trong phòng sinh hoạt chung đấy! Cô cứ đi theo cầu thang bộ ở hông nhà, đến chỗ ngoặt là thấy, nhanh hơn dùng thang máy.

Phòng sinh hoạt yên tĩnh, chỉ có hai người chăm chú đánh cờ bên chiếc bàn gần cửa sổ, nắng tràn vào phòng, cảm giác rất ấm áp.

Tôi tưởng là Lục Lệ Thành, hóa ra không phải, mà là Tống Dực. Trông thấy anh, cảm giác xa vời như chuyện kiếp trước, lòng bình tĩnh đến độ chính tôi cũng không thể tin được. Tôi chỉ liếc anh một thoáng rồi dồn mọi sự chú ý vào bố. Theo thói quen, bố vê cằm khi suy tính nước đi, nghĩ được nước hay thì vô thức gõ nhẹ tay kia vào bàn. Bởi tập trung nên khuôn mặt bố không còn vẻ thất thần, không gây cảm giác người ở đây mà hồn tận phương nào nữa.

Tôi ngồi xuống bên bàn, Tống Dực nghe động bèn ngoảnh mặt sang liếc tôi, không nói gì, lại quay vào bàn cờ. Anh chơi rất cừ, cơ hội gỡ bàn của bố càng lúc càng ít, cuối cùng bố khoanh cả hai tay trước ngực, cau mày chăm chú nhìn các quân cờ. Tôi mỉm cười sà lại gần:

– Có muốn con làm quân sư không?

Bấy giờ bố mới nhận ra tôi, liền mỉm cười, nụ cười gần đây đã thành hiếm hoi:

– Thôi đi! Với bản lĩnh còm cõi đó thì con cứ ngồi một bên mà học hỏi.

Tôi kéo ghế đẩu lại ngồi bên cạnh. Bố tập trung suy nghĩ một lát, cẩn thận đổi vị trí quân mã rồi nhìn Tống Dực, cổ tay tựa trên bàn cờ, trông rất ung dung, thực ra căng thẳng vô cùng. Cân nhắc một lát, Tống Dực lên tượng. Khuôn mặt bố không biểu lộ gì, tay bắt đầu gõ bàn, đi một quân mã khác. Cùng với những nhịp gõ nhè nhẹ ấy, Tống Dực dần dần bị dồn vào thế bí.

– Tướng! – Bố reo lên, bày liên hoàn mã.

Tống Dực chăm chú nhìn hồi lâu rồi cười:

– Cháu thua!

Bố cười:

– Bạn trẻ chơi cờ khá lám, cố gắng thêm nữa là lần sau có thể thắng được.

Tống Dực làm động tác ôm quyền:

– Vậy thỉnh thúc thúc truyền thụ vài chiêu.

Bố cười nói:

– Học hỏi lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau thôi!

Tống Dực thu dọn bàn cờ. Tôi hỏi bố:

– Bố đói chưa? Con đã hầm canh sườn, có cả món cà tím sốt thịt mà bố thích ăn nữa đó.

Bố nhìn tay tôi:

– Con không phải vất vả nấu cơm cho bố đâu, cơm nước bệnh viện cũng ổn mà.

– Không vất vả, con ăn quán cũng thấy chán ốm rồi.

– Vậy thì ăn cơm – Bố vui vẻ nói, nhưng sự vui vẻ lúc này xem chừng phần nhiều là vì tôi.

Bố vừa ăn cơm vừa luôn miệng khen tài người nấu. Tôi biết bố nói để Tống Dực nghe, giả như hồi trước thì tôi đã thẹn quá hóa giận, nhưng bây giờ chỉ thấy xót xa, chỉ muốn nghe bố nói như thế suốt đời. Đến khi ăn cơm tối xong, chuyện trò với tôi một lúc, bố giả vờ mệt mỏi, nói muốn nghỉ ngơi, giục tôi về, lại nói Tống Dực đưa giúp.

Tôi không muốn làm trái ý bố nên giả vờ không nhận ra, cùng Tống Dực rời khỏi phòng bệnh. Khi tôi đi ngang phòng trực của hộ lý, cô gọi tôi lại:

– Bác sĩ Trương nhắn chị, trước khi về ghé vào văn phòng ông ấy một lát.

– Cảm ơn.

Thấy người theo sau tôi không phải là Lục Lệ Thành, bác sĩ Trương hơi ngẩn người, tôi bèn giới thiệu:

– Tống Dực, đồng nghiệp của tôi.

Bác sĩ Trương bắt tay Tống Dực, mời chúng tôi ngồi, tay vẫn cầm một tập bệnh án dày cộp, trù trừ mãi không mở lời. Tôi nói:

– Bác sĩ Trương, có gì bác sĩ cứ nói thẳng ra. Tôi muốn nắm bắt chính xác tình hình.

Bác sĩ Trương đẩy tập bệnh án về phía tôi:

– Tế bào ung thư của bố cô lây lan rất nhanh, các chuyên gia cho rằng… họ cảm thấy không thể phẫu thuật được nữa.

– Các ông từ chối phẫu thuật cho bố tôi – Giọng tôi rít lên.

– Không phải chúng tôi không muốn phẫu thuật, mà là tế bào ung thư đã lan ra quá rộng rồi, phẫu thuật căn bản không cứu được…

Tôi biến sắc, đứng bật dậy định đi:

– Tôi sẽ đi tìm những thầy thuốc sẵn lòng cứu người bệnh.

Tống Dực túm cánh tay tôi, lôi tôi trở lại:

– Mạn Mạn, nghe bác sĩ Trương nói hết đã – rồi nói với bác sĩ – Xin lỗi bác sĩ.

Bác sĩ Trương đáp:

– Không sao, tôi hiểu mà.

Tôi ngồi xuống, đưa tay bưng mặt:

– Xin lỗi.

Bác sĩ Trương nói:

– Tình trạng sức khỏe của bố cô hiện không ổn định, bây giờ rất khó chịu đựng được phẫu thuật liên tục, vì thế tôi đề xuất là duy trì trị liệu.

Không khí trầm lắng làm nổi rõ tiếng thở nặng nề như người đang hấp hối của tôi. Tôi khó nhọc hỏi:

– Có bao nhiêu hy vọng?

– Tôi mong cô hãy giữ nhiều hy vọng nhất, nhưng hãy chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất – Ngừng một lát, bác sĩ lại khuyên – Nếu có thời gian, cô hãy gắng ở bên bác thường xuyên.

Tôi đờ đẫn lê bước khỏi bệnh viện, Tống Dực giơ tay vẫy taxi, tôi nói khẽ:

– Tạm biệt. Tôi về bằng tàu điện ngầm.

Anh rảo chân đuổi theo tôi. Hòa cùng dòng người, chúng tôi một trước một sau bước lên tàu điện ngầm. Tôi đứng quay mặt ra cửa sổ, chăm chú nhìn những khúc đường hầm tối đen loang loang lướt qua ngoài lớp kính.

Đến ga, chúng tôi lại theo dòng người rời khỏi tàu điện ngầm, tôi đi về hướng nhà mình, anh cũng lầm lũi theo sau. Sắp vào tới khu nhà, tôi thình lình dừng bước, sốt ruột hỏi:

– Ma Lạt Thang đâu? Vì sao anh không đi lo cho cô ấy? Cô ấy mới là trách nhiệm của anh.

Mắt anh có nét bi thương.

– Khi anh gọi điện chúc Tết cô Trần, nghe nói nhà em xảy ra chuyện. Anh vốn định cùng Liên Sương quay về, nhưng cô ấy đã dọn đến một khách sạn khác, khi anh đi tìm thì cô ấy đã ra biển câu cá, nên chỉ kịp để lại lời nhắn thôi.

– Cảm ơn sự quan tâm của anh, bây giờ tôi muốn về nhà nghỉ. – Tôi ngụ ý là anh có thể đi được rồi, nhưng anh không nhúc nhích, chỉ đăm đăm nhìn tôi, trong đôi mắt đen xoáy chuyển một thứ cảm xúc tựa như phiền muộn, lại như thương xót sâu xa.

Người qua lại tò mò nhìn cả hai, bảo vệ bên trong tường kính tươi cười với tôi, tôi quay mình đi đến một vườn hoa nhỏ, chọn một chiếc ghế dài xa lối đi ngồi xuống. Anh ngồi bên cạnh.

Trong bồn hoa có một bụi nghênh xuân* đã nảy những mầm non lớn bằng hạt gạo, tôi nhìn chằm chằm nghiên cứu chúng hồi lâu.

*Nghênh xuân: Hoa nhài đông (winter jasmine).

Điện thoại réo vang “ Gió lồng lộng tràn qua đồng dã, cuốn hết đi để dạ ai đau…”

– A lô!

– Tôi Lâm Thanh đây. tôi nhận được thư cô gửi rồi. Với kinh nghiệm làm việc của cô trước đây, lại có tôi bảo đảm tiến cử, tìm việc tốt là không khó. Nếu cô cần một công việc lương cao thì kinh nghiệm công tác ở MG rất đáng giá đấy! Dĩ nhiên, quan trọng là cô phải lấy được thư giới thiệu với lời lẽ chân thành của Lục Lệ Thành hoặc Tống Dực, còn không chân thành được thì thôi chẳng cần. Đằng nào chúng ta cũng không cùng ngành với họ, không tiện giải thích những bước ngoặt nghề nghiệp của cô. À mà… có chuyện gì thế? Cô vay nặng lãi ư? Sao đột nhiên lại sốt sắng kiếm tiền? Sao chỉ yêu cầu lương cao chứ không yêu cầu gì khác về công việc?

– Cảm ơn đại tỷ, nhưng tạm thời chưa cần. Em muốn nghỉ một thời gian, không đi làm vội.

– Tô Mạn, tóm lại đã xảy ra việc gì?

– Không có gì.

– Tô Mạn, tôi phải nói với cô rằng, đừng có giở trò thanh cao. Bạn bè chính là để giúp đỡ và nhờ vả lẫn nhau, bằng không cần bạn làm quái gì! Thích giấu giếm thì giấu cho kín vào, kẻo sau này tôi biết được chân tướng thì cô yên tâm, thời cô còn ngây ngô non nớt ở trường trung học, tôi đây đã thạo trò bạn bè lạnh nhạt rồi! – Lên lớp xong, chị bỗng quát vang, tác phong cấp trên bay biến hết – Nói! Rốt cuộc là chuyện gì?

– Bố em đổ bệnh, chi phí mọi mặt đều rất lớn. Vì thế em định tìm một công việc lương cao, nhưng mà, hôm nay bác sĩ khuyên em gắng tranh thủ thời gian để ở bên bố, vì thế… em nghĩ không nên tìm việc vội, em muốn ở với bố nhiều hơn nữa… – Tôi nói, nước mắt vẫn cố nén trong tim cuối cùng cũng tìm được cửa trút, tuôn xuống đầm đìa.

Đại tỷ lặng đi, không an ủi câu nào, một lát sau mới lên tiếng:

– Mai chị về Bắc Kinh.

– Không cần, không cần!

– Đằng nào cũng đến lúc phải về rồi. Thế thôi, mai gặp!

Đại tỷ gác máy, tôi không kìm được nước mắt nữa, cứ khóc rưng rức, nhưng khóc thế nào cũng không vơi hết nỗi đau trong lòng. Tôi biết sẽ có một ngày bố mẹ lìa xa, nhưng tưởng rằng ngày đó còn lâu lắm, không ngờ nó đến nhanh tới mức trở tay không kịp thế này.

Hối hận, lo lắng, đau đớn, hoang mang… mọi cảm xúc quấy trộn vào nhau, biến thành tuyệt vọng bơ vơ, tôi vừa khóc vừa nói:

– Lúc ấy tôi nên dứt khoát theo bố mẹ đi Đông Nam Á mới phải. Đều tại tôi, nếu tôi đi cùng, có lẽ mẹ sẽ không bị tai nạn, bố sẽ không phát bệnh.

Trong mắt Tống Dực là nỗi đau đớn nặng nề:

– Đây không phải lỗi của em.

– Anh không hiểu đâu. Tôi chưa hề nói với bố là mẹ đã đi xa, bố cũng chưa hỏi tôi lần nào, nhưng bố đã biết từ trước rồi. Nhất định là bố hận bản thân mình lắm, hận mình không bảo vệ được mẹ, ngược lại còn khiến mẹ vì bố mất mạng. Bố tôi là trẻ mồ côi, sống cùng với ông chú, lúc đầu ông không có con trai nên quý bố lắm, nuôi ăn học đàng hoàng, về sau bà thím sinh được con trai, bố bị ra rìa, cơm ăn còn bữa đói bữa no, nói gì đến học hành. Bố chỉ học đến lớp Hai là nghỉ. Vừa đủ tuổi là nhập ngũ, vì ở quân đội ít nhất cũng no bụng. Về sau xuất ngũ chuyển ngành, nhờ biết lái xe nên đi làm tài xế ở một cơ quan. Bố nghèo, lại không có bề trên lo chuyện hôn nhân cho, những cô được giới thiệu đến đều không ưa bố, nhất loạt bỏ chạy hết. Mẹ tôi tốt nghiệp trung cấp. Cách đây ba mươi năm thì trung cấp cũng danh giá lắm đấy! Mẹ lại xinh đẹp, vừa được phân về cơ quan công tác là đàn đàn lũ lũ người theo. Mẹ kể xách nước nấu cơm đều không cần tự tay làm, sáng sáng đã có người chuẩn bị sẵn. Mọi người đều phải lần lượt trực nhật quét dọn hành lang, nhưng mỗi lần đến phiên mẹ cầm chổi giẻ đi thì đã có người làm vệ sinh sạch sẽ rồi, mẹ cứ đứng ngẩn ra mà nghĩ đất ở của Mao chủ tịch có khác, đồng chí Lôi Phong* thật là nhiều!

*Đồng chí Lôi Phong (1940-1962) là một chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, nêu tấm gương sáng cho thanh niên Cộng sản noi theo. Đồng chí sống giản dị cần kiệm đến mức, gặp một bàn chải đánh răng của ai đó nằm trong thùng rác, thấy còn dùng được là nhặt lên, rửa sạch để dùng lại. Có câu thơ ca ngợi tấm gương Lôi Phong, “Với đồng chí ấm áp như mùa xuân. Với việc chung cháy nồng như nắng hạ. Với chủ nghĩa cá nhân gió mùa thu quét lá. Với kẻ thù như băng giá đêm đông.”

Hồi tưởng giọng mẹ khi kể chuyện này, tôi không nhịn được bật cười, nhưng nước mắt càng thêm đầm đìa:

– Bấy giờ các đồng chí nam cũng thật kín tiếng, giúp mẹ tôi trực nhật đến một năm trời mà vẫn không chịu ra mặt cho biết là ai. Bố tôi thì khác, sau một lần mẹ đi nhờ xe, bố để ý đến mẹ, bèn nhờ người giới thiệu, người ấy không bằng lòng, nói con gái người ta điều kiện tốt như thế, bao nhiêu kẻ còn không dám mơ tưởng, anh đừng ngấp nghé nữa đi. Bố bèn nghĩ, anh nói không được là không được đấy à? Cho dù không được, cũng phải do con gái người ta chính miệng nói với tôi. Thế là bố chạy đi gõ cửa, đợi mẹ ra mở liền nói, “Tôi thích cô, muốn làm người yêu với cô, thấy được không?”, mẹ tôi khiếp đảm tới mức mãi một hồi lâu vẫn không phản ứng lại được, bố bèn nói, “Cô đã không phản đối, vậy thì chúng ta làm người yêu, đây là thư tỏ tình của tôi.”

Tôi vừa gạt lệ vừa cười:

– Bức thư tỏ tình ấy mẹ tôi vẫn giữ, trong đó soạn phỏng theo ba điều chú ý và tám điều kỷ luật của quân đội, khẳng định với mẹ những cách thức để xử lý chính xác quan hệ giữa hai người. Mẹ vốn đã phát hoảng gần chết, đọc thư xong lại buồn cười gần chết. Sau đó bèn nghĩ, đằng nào cũng phải có người yêu, thôi thì với bố cho xong. Về sau rất nhiều người ganh tị, không hiểu làm sao bố theo đuổi được mẹ, bèn chạy đi hỏi, bố đáp, “Tôi nói thẳng là muốn làm người yêu với cô ấy.”. Đám người giúp mẹ tôi xách nước quét nhà nấu cơm đều hối hận đến tái mét cả mặt. Ông bà ngoại tôi không thích bố, chê là ít học, điều kiện gia đình thấp kém, không xứng với mẹ, nhưng mẹ lại luôn kính trọng bố tôi, ở nhà bất kể việc lớn hay nhỏ đều hỏi ý kiến bố, chưa bao giờ cho rằng mình giỏi giang hơn. Về sau ông ngoại trúng gió bị liệt, bố tôi tận tụy hầu hạ đến khi ông mất, mẹ kể lúc lâm chung, ông ngoại trăng trối rằng, “Con ơi, con lấy người đó là không nhầm đâu, có cậu ấy chăm lo cho con, bố rất yên tâm.” Quả thật, bố cũng không bao giờ để ông ngoại phải thất vọng, từ khi tôi bắt đầu có ý thức, chỉ thấy mẹ giận dữ và phát khóc với tôi, chứ với bố thì thậm chí chưa từng bực bội. Tôi không thể tưởng tượng được tâm trạng dằn vặt của bố lúc này, tôi cũng không dám đả động đến mẹ nữa, sợ nhắc đến thì cái tinh thần mà bố đang cố gượng vì tôi cũng sẽ suy sụp mất. Thật ra, không phải bố không chăm sóc mẹ tôi, mà chính tôi không chăm sóc bố mẹ tử tế, bố muốn trách thì nên trách tôi, không nên trách bản thân.

Tôi bưng mặt khóc nức nở, ước sao mẹ vẫn bên cạnh, ước sao bố đừng rời xa, đừng đau khổ đến nỗi sống không bằng chết mà vẫn phải gượng cười với tôi như thế. Tống Dực gỡ tay tôi ra, nhẹ nhàng nắm vào lòng bàn tay mình:

– Em sai rồi. Anh nghĩ bố em có thể ân hận đau khổ đấy, nhưng không oán trách bản thân đâu. Mẹ đã cứu bố, chắc cũng ngậm cười mà đi. Trong hai người, người ở lại mới đau khổ nhất. Nếu tai nạn xe cộ là không thể tránh được, anh tin bố em sẵn sàng chấp nhận kết cục hiện tại, chứ không muốn mẹ em rơi vào tình cảnh bị cả nhớ thương và ăn năn dày vò như ông bây giờ. Bố em là người đàn ông chân chính, bố kiên cường hơn em tưởng nhiều. Anh cho rằng không phải bố sợ nhắc đến mẹ trước mặt em, mà bố chỉ muốn tìm một cơ hội thích hợp hơn để nói, vì bố lo lắng cho em.

– Thật ư? – Tôi lẩm bẩm hỏi. Nét cười thanh bình yên ả của mẹ hiện lên trước mắt, khiến tôi buộc phải tin, vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời, quả thật mẹ đã hạnh phúc vui vẻ. Còn bố tôi? Bố mong rằng người sống sót là mình thật ư?

Tống Dực gật đầu, trong mắt có nỗi đau thương nặng nề, tôi mơ hồ cảm thấy sắc diện này có phần giống bố. Anh đưa tay lau nước mắt cho tôi, chậm rãi nói:

– Bố em yêu mẹ em, hình ảnh mẹ sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim bố…

Anh bỗng ngưng ngang, tôi ngoảnh đầu ra, trông thấy Ma Lạt Thang đang trừng trừng nhìn chúng tôi vẻ không thể tin được. Mặt cô đỏ bừng, mắt ngập nỗi nghi ngờ phẫn nộ. Tôi đứng bật dậy, “Ma Lạt Thang… ”. Cô chợt bật cười, vừa cười vừa tiến về phía tôi, mặt rạng rỡ như hoa nở, bước thoăn thoắt như gió cuốn:

– Tô Mạn, bà khuyên tôi sống tách Tống Dực một thời gian cho bình tâm, cốt là để bà thuận tiện nằm vào lòng anh ấy hả?

Tôi ngửi thấy mùi rượu nồng nặc tỏa ra từ người cô:

– Bà uống rượu à?

Ma Lạt Thang cười khẩy:

– Tôi tưởng bà khác với mọi người. Tôi tưởng tình bạn của chúng ta là bền vững. Vì sao bà lại như vậy? Người yêu của bạn mà cũng mồi chài thế này ư? Bà mà lại đê tiện thế ư?

Tống Dực trầm giọng:

– Liên Sương, im đi!

Ma Lạt Thang choáng váng nhìn Tống Dực, buồn giận đan xen, nụ cười mai mỉa:

– Anh biết giận rồi? Thật không dễ dàng, cơn giận tôi mong đợi bao lâu cũng đã tới! Sớm biết Tô Mạn là cục cưng trong lòng anh, không được phép động vào, thì đã đỡ bao nhiêu công sức.

Cô nói, chân vẫn bước đến chỗ tôi:

– Tôi chẳng muốn đóng cái cảnh nhảm nhí này đâu, nhưng tôi cũng không phải người chịu để kẻ khác đạp đầu cưỡi cổ, bên trong ứa máu bầm gan mà ngoài mặt vẫn thanh cao xí xóa. Thục nữ thì để cô làm đi, tôi chỉ muốn làm bà bựa… – Cô vung tay, không để Tống Dực kịp phản ứng, “đét”, một tiếng chói tai, đã tát thẳng vào mặt tôi.

Tôi ôm má, trân trối nhìn Ma Lạt Thang, xem chừng chính cô cũng không ngờ rằng mình có thể đánh tôi, mà tôi lại không hề né tránh. Cô tự nhìn tay mình, vẻ sửng sốt. Mắt lóe lên đủ mọi cảm xúc, nào kinh hãi, khổ sở, nào tức giận, nhưng thái độ vẫn bướng bỉnh, chỉ cắn môi nhìn tôi.

Tống Dực phẫn nộ.

– Em điên rồi à? Ở Hải Nam thì gây sự phi lý, về Bắc Kinh vẫn gây sự, em có thể đừng coi mình là trung tâm, chịu khó quan tâm đến những người xung quanh một chút không?

Ma Lạt Thang vùi sâu mọi cảm xúc trong mắt, chỉ chừa ra vẻ ngoan cố lạnh lùng. Cô phá lên cười ha hả, trỏ tôi mà rằng:

– Vì cô ta mà anh dám mắng tôi?

Cô quay phắt mình bỏ đi, bước chân tuy lảo đảo, nhưng dáng người rất thẳng. Tống Dực thoáng vẻ hối hận, tôi giục:

– Tôi không sao, anh mau đuổi theo cô ấy. Dạo này Ma Lạt Thang không được vui, lại đang say rượu, anh nên đi chăm sóc cô ấy.

Anh đứng bất động, trong mắt là giằng xé và đau khổ, vừa không yên tâm về tôi, vừa vướng víu về nỗi Ma Lạt Thang.

Tôi cúi mặt, rảo chân chạy về nhà.

Tôi chạy một mạch về tới nơi, đóng sầm cửa lại tựa lưng vào đấy, cả người run rẩy như lá khô trong gió thu. Được cái tát của Ma Lạt Thang cảnh tỉnh, tôi bàng hoàng phát hiện ra, tình bạn mà mình khổ sở duy trì bấy lâu đã dần dần lìa xa tự lúc nào.

Tôi và Ma Lạt Thang tin tưởng lẫn nhau, cũng cư xử rất tự nhiên với nhau. Tôi sợ làm phiền người khác, sợ mắc nợ ân tình của người khác, sợ người khác ngoài mặt khách sáo mà trong lòng khó chịu, nhưng tôi chưa bao giờ cho rằng những việc Ma Lạt Thang làm vì tôi là gây phiền cho cô. Đối với tôi, cô cũng thân thiết như người nhà vậy, đối với người nhà mà nói, đứng ra giúp nhau không phải là phiền toái, mà là lẽ đương nhiên. Chuyện lần này, nếu đặt vào hoàn cảnh ngày trước, có lẽ tôi đã điện thoại cho Ma Lạt Thang từ lâu, gọi cô về bên cạnh, nắm tay tôi, để tôi có thêm kiên cường, thêm dũng khí. Nhưng từ đầu tới cuối tôi không hề nói với cô một lời. Nhằm giữ gìn tình bạn, tôi phải chật vật đè nén cảm xúc của mình, ngờ đâu chính sự kiềm chế khổ sở ấy lại đang hủy hoại tình bạn của tôi và cô.

Đã rất lâu tôi không tâm sự với Ma Lạt Thang rằng tôi vui tươi hay đau khổ. Tôi giở ra với cô toàn những lời dối trá, nỗi niềm của tôi đã trở thành bí mật trước mặt cô, tôi đeo mặt nạ giả tạo, dựng lên bao nhiêu thành lũy giữa hai bên. Có phải cô sớm đã cảm nhận được sự thay đổi của tôi? Cô luôn gắng sức rủ tôi đi chơi, tìm tôi tâm sự, có phải là muốn ra sức cứu vãn? Nhưng tôi lại giữ gìn tình bạn theo cách chủ quan của mình, kiên quyết lạnh lùng, đẩy cô càng lúc càng xa.

Tôi đột nhiên phát hiện ra, nếu không giải quyết được vấn đề Tống Dực, tình cảm của tôi và Ma Lạt Thang coi như mấp mé vực thẳm. Lẽ nào trong thời gian ngắn ngủi, mọi người thân của tôi đều bỏ tôi mà đi?

Đời người vô thường thế đấy, cố gắng hết sức để nắm bắt, nhưng càng nỗ lực càng tuyệt vọng.

Tôi chẳng rõ mình đã ngồi trong bóng tối bao lâu. Khi chuông cửa réo vang, tôi không muốn bận tâm đến, nên không phản ứng.

Chuông cửa ngừng rồi, nhưng một lát sau lại có tiếng gõ cộc cộc, mà càng lúc càng to, tôi đang ngồi dựa cửa, cảm giác lưng mình bị lay chuyển đến phát đau.

– Ai đấy?

– Tôi.

Giọng Lục Lệ Thành. Tôi đành đứng lên mở cửa, ngoài hành lang đèn bật sáng trưng, tôi ở lâu trong bóng tối, cửa mở đột ngột nên hơi chói mắt, vội đưa tay che, quay mình đi vào. Lục Lệ Thành bước theo, tôi vặn đèn ngủ.

– Có chuyện gì thế?

Anh trừng trừng nhìn tôi, im lặng. Tôi hỏi:

– Sao vậy?

– Cô soi gương mà xem – Anh nói.

Tôi đi vào nhà tắm, mới phát hiện ra mặt mình có hai vệt máu bầm. Ma Lạt Thang tát không mạnh, nhưng cô đeo nhẫn, lại để móng tay dài, vì vậy mặt tôi không sưng nhưng lại có vết thương.

Tôi tì đầu vào gương, trí óc tê liệt, ngày mai biết giải thích với bố thế nào?

– Nếu tôi nói với anh, tôi bất cẩn nên bị xước, anh có tin không?

– Không tin. Tống Dực vừa gọi điện cho tôi, nhờ tôi sang thăm xem tình hình của cô. Tôi hỏi có chuyện gì, vì sao anh ta không tự dẫn xác lại, anh ta không nói, tôi đành chạy tới đây xem sao, không ngờ quả thật không bị thất vọng, chỉ đáng tiếc là hụt mất cảnh hay nhất. Hứa Liên Sương đánh hả?

– Vậy theo anh là Tống Dực đánh chắc? – Tôi hỏi.

Lục Lệ Thành tựa người vào cánh cửa nhà tắm, nhàn nhã cười nói:

– Còn có tinh thần tự trào nữa, chúc mừng! Tôi tưởng bị người ta bắt gian tại trận thì xấu tốt gì cũng phải hoảng hốt một phen.

Tôi bỗng nổi điên, vơ luôn bình nước rửa tay ném anh ta. Lục Lệ Thành giơ tay bắt gọn, lại còn tâng tâng nhẹ nhàng, dáng vẻ khinh thường hết sức. Tôi vớ tiếp sữa rửa mặt quăng ra, anh ta nhẹ nhàng lách mình tránh. Tôi liền chụp tất cả những thứ nằm trong tầm tay ném tới tấp, nhưng không trúng phát nào.

Trông sàn phòng tắm bừa bãi, cảm thấy chán ghét vô cùng, tôi bèn trỏ tay về phía cửa:

– Anh đi cho!

Lục Lệ Thành vẫn cười tinh quái, chống tay lên khung cửa phòng tắm:

– Sao lại thế? Cứ như tôi đổ oan cho cô vậy! Dám làm thì phải dám chịu, nếu Hứa Liên Sương không tận mắt trông thấy gì đó thì cũng không đến nỗi ra tay nặng nề thế này. Mà, tôi có hơi thắc mắc, Tống Dực xem chừng quyến luyến cô lắm, nhưng lại cứ khăng khăng ở bên Hứa Liên Sương, cô cam lòng làm người tình bí mật, chịu kiếp chồng chung à?

– Lục Lệ Thành! Anh đừng chạy đến nhà tôi mà động rồ nữa! Anh cảm thấy Ma Lạt Thang phải chịu uất ức, muốn phản kháng thì cứ đi mà hỏi tội Tống Dực. Tôi bằng lòng làm người tình bí mật đấy, thì sao nào? Đấy là tự do của tôi, anh quản được à? Cút đi! – Tôi chạy lại, kéo bật cửa ra, thét đuổi anh ta ra ngoài.

Lục Lệ Thành đi vùn vụt qua tôi như gió cuốn, đầu không ngoảnh lại lao thẳng đến thang máy. Tôi đóng sầm cửa, tựa lưng vào đấy, cảm thấy cả người bải hoải. Đây rốt cuộc là món nợ đồng lần nào, chúng tôi kiếp trước ai thiếu nợ của ai?

Một lát sau, qua lần cửa, một giọng nói vang lên, nghe như sát bên tai:

– Xin lỗi, vừa rồi tôi hơi mất kiềm chế.

Tôi không trả lời, anh ta tiếp tục độc thoại, hệt như thổ lộ với đêm đen:

– Tôi luôn cho rằng cô đã thích Tống Dực thì cứ đường hoàng mà nói cho rõ ra, gắng hết sức mình mà theo đuổi anh ta. Cớ gì lẩn lút trốn tránh thế này, khiến mọi người cũng khổ sở theo cô.

Tôi bình tĩnh nói:

– Người Tống Dực yêu là Ma Lạt Thang, từ đầu đến cuối anh ấy lựa chọn giữa tôi và Ma Lạt Thang, chứ không phải tôi lựa chọn anh ấy. Tôi lẩn lút trốn tránh, có lẽ vì biết mình hoàn toàn không còn cơ hội, có lẽ chỉ muốn giữ gìn cho mình một chút tự tôn.

Lục Lệ Thành nói:

– Thật ra tôi không nên trách cô. Bản thân tôi, đến ba chữ “anh yêu em” còn không nói được. Tôi xin lỗi!

Tôi áp mặt vào cánh cửa:

– Không sao, vừa rồi không phải tôi giận anh. Tôi chỉ… chắc tôi chỉ muốn mượn cớ để trút nhẹ tâm tư thôi.

Anh khẽ nói:

– Có thể tôi quá kiêu hãnh, biết cô ấy không thích tôi, nên đến dũng khí để bày tỏ cũng mất hết. Thực ra cho dù nói rồi, người cô ấy yêu vẫn là Tống Dực, mà thứ tôi nhận được có lẽ chỉ là sự né tránh và cự tuyệt lạnh lùng. Tôi không nói, ít ra vẫn còn có thể níu giữ đôi chút tự tôn trước mặt cô ấy, ở bên cô ấy với danh nghĩa bạn bè.

Nỗi đau đớn và chơi vơi trong giọng Lục Lệ Thành khiến tôi sa lệ. Người đàn ông này đã bị thời gian trui rèn thành thứ thép lạnh rắn nhất, không muốn lại phải tan chảy vì tình, nhưng tình yêu không có lẽ công bằng, không phải người nào cho đi nhiều nhất sẽ nhận về nhiều nhất. Ma Lạt Thang không yêu anh, thì anh cũng chẳng còn cách nào.

Tôi nhẹ nhàng nói:

– Muốn lòng không nổi sóng nhưng số mệnh không hiểu. “Cũng như ta chẳng thể thờ ơ, sóng tình cuộn đến như mơ, lãng quên thật khó hững hờ chẳng xong. Như lớp lớp trùng dương mải miết, như êm đềm băng tuyết đã tan…” Trái tim cứ âm thầm quẫy động, nếu tình cảm đã là sâu nặng, thì còn ai bận tâm đến việc mình đau đớn hay không nữa?

Giống như trả lời anh, lại cũng như trả lời cho bản thân. Lục Lệ Thành mỉm cười, gõ gõ cửa:

– Bản quyền của tôi.

Tôi cũng cười:

– Được rồi, mỗi lần nghe bài hát này, tôi nhất định sẽ nhớ là bài hát của anh.

Anh đùa:

– Cô phải nhớ lời mình đã nói đấy!

– Tôi phải đau khổ, chính là vì trí nhớ quá tốt.

– Cô nghỉ sớm đi, tôi về đây!

– Khoan đã. Theo anh, tôi nói với bố vết thương trên mặt là do cành cây quệt phải, liệu bố tôi có tin không?

– Sáng mai mấy giờ cô đến bệnh viện?

– Chín giờ.

– Cũng khoảng ấy tôi sẽ lại, bố cô gặp tôi rồi sẽ tin thôi.

– Ba hoa gì vậy?

– Tôi không nói dối đâu. Bác mà không tin thì cô cứ tính sổ với tôi.

– Vậy được! Đi đường cẩn thận!

– Chúc ngủ ngon!

– Ngủ ngon!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK