Trước biểu hiện vô tư của nàng, Hoàng thượng không những không giận mà còn vô cùng cao hứng. Với ông, các công chúa, hoàng tử trong cung đều được dạy quy củ ngay từ nhỏ, dù là phụ tử nhưng chúng cũng không bao giờ biểu hiện ra những hành động hay lời nói như vậy. Giờ trước mặt lại có một tiểu nha đầu, không run không sợ mà còn gọi ông là bá bá, khiến trong lòng khơi lên một cỗ ấm áp, nhìn Tử Chiêu lại càng thêm từ ái.
Vài vị thái giám, công công cùng thị vệ đứng gác ngoài cửa nghe được tiếng cười sảng khoái của hoàng thượng từ trong ngự thư phòng vọng ra, tinh thần mới khẽ thả lỏng, thở phào một hơi. Thời gian gần đây, không khí trong cung căng như dây đàn, không khỏi cảm thấy khẩn trương.
Nhìn ra ngoài thấy sắc trời mát mẻ, hoàng thượng liền giữ Tử Chiêu và Yến Lân lại, cùng nhau tản bộ trong ngự hoa viên.
Vừa đi, Tử Chiêu vừa quay đầu nhìn lại phía sau. Nói là ba người cùng đi dạo, vậy mà phải có đến một hàng dài thái giám cùng cung nữ theo sau hầu hạ, còn chưa kể cả đám thị vệ xếp thành hàng nghiêm chỉnh phía hai bên.
Nàng ngán ngẩm, không muốn tiếp tục đánh giá về sự khoa trương trong hoàng cung này nữa. Chuyên tâm ngắm cảnh trong ngự hoa viên. Không ngó tới thì thôi, vừa liếc nhìn, Tử Chiêu cảm thán không thôi, hòn non bộ trải rộng, hồ nước trong vắt tĩnh lặng phía xa, trụ hành lang khảm ngọc, thềm đá trắng, hoa viên trồng đầy kỳ hoa dị thảo, một số loại vốn không đúng mùa nhưng vẫn nở hoa, rực rỡ vô cùng. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua, hương thơm thanh thuần lập tức tràn ngập trong không khí, làm nao lòng người.
Ba người vừa đi vừa trò chuyện, hoàng thượng còn thân thiết dắt tay nàng, tiến thẳng đến một cái đình giữa hồ. Mới đến gần, Tử Chiêu đã thấy chiếc bàn trong đình bày sẵn rất nhiều điểm tâm tinh xảo, một bên còn có cung nữ đang pha trà. Nàng thẩm nhủ: " Hiệu suất thật nhanh. Không hổ là hoàng cung, nơi nơi đều phải chuẩn bị đầy đủ như vậy. Không biết trong cung nuôi đến bao nhiêu người làm mới đủ nữa?"
Trong đình, Tử Chiêu tròn mắt nghe hoàng thượng tự mình tỉ mỉ giới thiệu từng món điểm tâm trên bàn, nào là bánh nướng Hoàng Kiều, bánh hoa quế, bách hợp hạt thông, bánh xốp nhân táo, bánh mật ong, bánh trứng đoàn viên, chè bát bảo, ngân nhĩ hạt sen,... khiến nàng hoa cả mắt. Trong đầu Tử Chiêu phải tự hỏi không biết vị hoàng đế này là lâu rồi không được nói chuyện với ai nên thấy nàng mới hào hứng thái quá như vậy sao?
Mới trò chuyện được một lúc, thì có bóng dáng của một nữ tử đang đi tới. Nhìn vóc dáng cũng phải 14 – 15 tuổi, lớn hơn cả Nhan tỷ tỷ. Làn da trắng nõn, váy áo màu hồng nhạt, ống tay áo dài rộng thêu hoa tường vi bằng chỉ bạc, rủ xuống, vô cùng bắt mắt, càng làm tôn lên vẻ kiều diễm của nàng.
Vừa tới trước mặt hoàng thượng, nàng cúi người thi lễ sau đó ngẩng lên, mỉm cười dịu dàng, ánh mắt khẽ liếc qua Tử Chiêu, tuy chỉ là thoáng qua nhưng cũng đủ để Tử Chiêu thấy một tia không vui lóe lên trong mắt nàng ta.
Nàng nghĩ đến thất thần: "Chuyện lạ nha, ta và cô nương này không quen không biết, vừa chạm mặt đã phóng cho ta ánh mắt như vậy. Kỳ cục!".
Nhưng nàng nào biết, chỉ vì màu sắc y phục của mình hiện tại giống với người nào đó mà cư nhiên rước đến bao nhiêu phiền phức.
Cả hoàng cung này đều biết thái tử ưa thích y phục tử sắc. Nghiễm nhiên nó trở thành màu sắc đặc trưng của Yến Lân, với thân phận đặc thù của hắn, không ai dám vận y phục màu tím mà ngang nhiên đi lại trong cung cấm.
Đang mải ngẫm nghĩ, lại thấy giọng nói của hoàng thượng vang lên bên tai, lúc đó Tử Chiêu mới định thần lại: "Ồ, là Lạc Vân sao, có phải là vừa biết tin Lân nhi mới trở về liền tìm tới phải không?"
"Vân nhi không có, Vân nhi là tới thỉnh an hoàng thượng, nhân tiện tới chào hỏi thái tử một chút". Lạc Vân vẫn giữ nguyên nụ cười dịu dàng, khẽ cúi đầu chào hỏi Yến Lân rồi như vô thức hướng ánh mắt hiếu kỳ về phía Tử Chiêu, nàng hỏi: "Không biết vị tiểu thư đây là...?"
Tử Chiêu đang định lên tiếng thì bị Yến Lân cướp lời: "Đây là tiểu muội của một vị bằng hữu mà ta quen biết, nhà họ ba đời đều làm thợ rèn. Lần này bằng hữu của ta có chuyện đi xa một chuyến nên gửi gắm Khả Nhi cho ta trông nom. Nhưng ta lại có chuyện cần phải hồi kinh nên đành đem muội ấy cùng tiến cung. Lạc Vân cùng Khả Khả khi rảnh rỗi các ngươi có thể tìm nhau trò chuyện".
Nàng rất nhanh liền hiểu ra, chuyện Mục gia đứng sau lưng trợ giúp hoàng thượng làm một số chuyện luôn là vấn đề nhạy cảm.
Tử Chiêu thức thời, nhanh chóng phối hợp, đưa một tay ra chào hỏi. Nếu đã đóng vai con gái thợ rèn thì cũng phải hào sảng một chút: " Tỷ tỷ, ta là Hồng Khả Nhi, tỷ có thể gọi ta là Khả Khả như A Lân ca gọi vậy. Mong tỷ chiếu cố".
Cả Hoàng thượng lẫn Lạc Vân cùng mấy vị công công đều lấy làm lạ với động tác chào hỏi và lời lẽ của Tử Chiêu, riêng Yến Lân ngồi một bên chỉ cười, nhớ lại lần đầu tiên gặp hắn, nàng cũng là bộ dạng thiếu nghiêm chỉnh như vậy.
Hắn lên tiếng nhắc: "Khả Khả chỉ là một hài tử dân gian, không có quá nhiều quy củ. Ở chỗ của muội ấy mọi người chào hỏi sẽ nắm lấy tay nhau như vậy". Nói rồi, hắn còn đưa tay nắm lấy tay Tử Chiêu làm ví dụ. Ở Mục phủ một thời gian, hắn sớm đã quen với mấy hành động kỳ quái này của nàng.
Nhìn thấy hành động cùng lời nói thân mật của Yến Lân và Tử Chiêu, Lạc Vân cảm thấy không vừa mắt chút nào nhưng vẫn nhịn xuống, học theo Yến Lân, đưa tay nắm lấy tay Tử Chiêu lắc nhẹ, bộ dạng vô cùng hòa nhã, thân thiết.
Yến Lân trước nay luôn là tư thái lạnh lùng, xa cách, rất ít khi thấy hắn cười nói với ai quá hai câu, vậy mà với nha đầu này lại là ngoại lệ.
Khi trở về, nàng ta liền sai cung nữ lấy nước rửa tay, miệng thầm mắng: "Nha đầu chết tiệt, chỉ là một tiện dân lại dám chạm tới tay của ta. Hơn nữa còn để thái tử nắm lấy. Thật không biết vô liêm sỉ".
Nguyên lai, nàng ta là Quận chúa Lạc Vân, nữ nhi thứ ba của hoàng đế Triệu quốc, tên gọi là Triệu Lạc Vân.
Thế mạnh của Triệu Quốc thiên về khoáng sản nhưng đất đai cằn cỗi, không có khả năng tự trồng trọt. Hai năm trước, Triệu Quốc đưa tiểu quận chúa theo đoàn sứ giả cùng một số lễ vật quý giá tới Đại Minh với mong muốn cầu hòa, mở rộng quan hệ giao thương giữa hai nước. Nói trắng ra là bán nhi nữ nhà mình đi làm con tin. Vì vậy, trong lòng Tử Chiêu cũng sinh ra chút thương cảm với vị quận chúa này, còn trẻ đã phải xa nhà, xa người thân, còn chưa biết liệu có cơ hội trở về hay không.
Mấy ngày sau đó, Tử Chiêu chỉ thong thả trong sân viện của mình phơi nắng, hết sức thư thái. Ngoài việc thường xuyên tới ngự thư phòng ra nàng cũng không bước nửa bước chân ra ngoài, lại càng không có ai tới làm phiền nàng.
Hoàng thượng nghe Yến Lân kể về kỳ nghệ của Tử Chiêu, tỏ ra vô cùng hứng thú. Phải nói người cổ đại thật sự rất thích chơi cờ, cứ rảnh rỗi ra là ông sẽ truyền Tử Chiêu tới chơi cờ giết thời gian.
Chỉ mấy ngày, nàng đã thoải mái trò chuyện cùng hoàng thượng. Người đời cứ nghĩ ông cao cao tại thượng, đến ngước mắt nhìn còn không dám nên cũng chẳng ai nhớ tới ông cũng chỉ như người bình thường, cũng có lúc vô cùng từ ái, dễ chịu.
Thi thoảng có vài lần tới ngự thư phòng, Tử Chiêu còn gặp được hoàng hậu Duyên Khánh. Nếu đem nàng ra so với mẫu thân của mình, Tử Chiêu thật không biết phân biệt nặng nhẹ thế nào.
Từ nhỏ tới giờ, ngoài mẫu thân cùng cái tên Dữ Ngọc quái dị kia ra, nàng thật chưa từng coi ai là mỹ nhân cả. Nay được chiêm ngưỡng dung mạo hoa nhường nguyệt thẹn của Duyên Khánh hoàng hậu, Tử Chiêu không khỏi lấy làm yêu thích, hảo cảm lại càng sâu.
Cùng trò chuyện, trong chốc lát Tử Chiêu còn biết vị hoàng hậu này cùng mẫu thân nàng cũng chính là hảo tỉ muội. Năm xưa nhờ mối quan hệ này mà hoàng thượng gặp được Duyên Khánh, hai người mến mộ lẫn nhau.
Từ sau hôm đó, ngoài ngự thư phòng, Tử Chiêu còn hay chạy qua chạy lại cung hoàng hậu, thi thoảng có gặp mấy phi tử, tiểu công chúa, hoàng tử này nọ, trong đó có cả quận chúa Lạc Vân mà nàng từng gặp qua. Vì nàng vốn có thành kiến với hoàng cung cổ đại nên thường tỏ ra lạnh nhạt, không mấy quan tâm.
Do y phục được chuẩn bị cho nàng thời gian này đều là màu tử sắc nên không khỏi bị người khác chú ý, nhưng cũng chỉ là nói bóng gió vài câu. Tử Chiêu hoàn toàn không để vào tai.
Trong ngự thư phòng, vừa đi một nước cờ, Tử Chiêu vừa hỏi: "Hoàng bá bá, khi nào thì Chiêu nhi được tới Trường Sinh doanh vậy?"
"Nha đầu đừng nóng vội. Đợi Yến Lân làm xong chút chuyện, nó muốn tự mình đưa ngươi tới đó".
"Vậy khi nào thì Lân ca ca mới trở về? Chiêu nhi đã đợi mấy ngày rồi đó bá bá, Chiêu nhi sẽ buồn tới chết" - nàng chu môi, ra vẻ làm nũng.
Hoàng thượng thấy vậy rất tự nhiên đưa tay xoa đầu nàng, cười lớn, mắng nàng nói nhăng nói cuội. Cứ mỗi lần như vậy, Tử Chiêu lại thấy nhớ phụ thân, ông cũng luôn vừa cười vừa xoa đầu nàng. Cảm tình với hoàng thượng lại cứ thế tăng lên, quen thuộc như thể nàng đang ở cạnh phụ thân vậy.
Lúc này, trước cửa ngự thư phòng có một thị vệ khẩn trương tiến vào. Vừa hành lễ xong, hắn liền đứng dậy bẩm bảo: "Khởi bẩm hoàng thượng, Mục thiếu gia có tin báo về từ Bích Hoài".
Nghe vậy, Tử Chiêu ngẩng phắt dậy, ánh mắt sắc bén, đột ngột toát lên khí thế bức người, nhìn chằm chằm vào thị vệ trước mặt làn hắn có chút mất tự nhiên, bất giác né tránh ánh mắt của nàng. Ngay sau đó, hắn phải tự thấy khó hiểu hành động của chính mình: "Kỳ lạ, chỉ là một tiểu nha đầu mà lại có ánh mắt như vậy? Có khi nào ta vội vàng tới hoa mắt rồi. Có gì phải tránh né chứ?"
Nghĩ rồi hắn hơi hắng giọng, điều chỉnh lại tâm lý, đứng thẳng người nhìn lại. Nhưng xác thực những gì hắn thấy không phải do hoa mắt. Ánh mắt đứa trẻ ngồi kia vẫn nhìn chằm chằm hắn, hiện lên vẻ kiên định, có chút chờ mong, cả người giống như đang tỏa sáng.
Kỳ thực, lúc này trong đầu Tử Chiêu đang gào thét: "Là Tử Hàm, là tin của Tử Hàm".
Thấy chỉ là một đứa trẻ lạ mặt, không rõ thân phận, thị vệ đưa tin vẫn đứng đó, không có ý tiếp tục bẩm báo, chờ hoàng thượng để nàng lui ra nhưng lại chỉ thấy ông nghiêm nghị phất tay nói: "Không có việc gì, ngươi cứ nói tiếp đi".
Gã thị vệ ngạc nhiên, hơi lưỡng lự những vẫn y theo lệnh: “Khởi bẩm hoàng thượng, trận thủy chiến sông Bích Hoài chúng ta toàn thắng. Thủy quân của Thuần Vương đại thương nhưng không bắt được hắn. Lúc Mục thiếu gia tấn công lên thuyền lớn mới hay biết người không có trên thuyền”.
Cả Hoàng thượng lẫn Tử Chiêu đều nhíu mày, nàng vô thức nhếch mép cười: “ Thời gian kéo dài quá lâu, Thuần Vương tự thấy không có khả năng vượt sông, bỏ lại toàn bộ thủy quân của mình. Tìm đường khác tiến vào Lệ Trân mất rồi”.
Thanh âm của nàng không lớn nhưng cũng đủ để những người trong phòng nghe thấy. Thị vệ tới đưa tin trợn mắt há mồm, hắn còn nghĩ mình nghe nhầm. Hoàng thượng cũng đã sớm nghe chuyện về Tử Chiêu nhưng vẫn là lần đầu tiên nhìn rõ phong thái của nàng, trong lòng không khỏi tán thưởng: “ Quả là thời thế xuất anh tài, không những không tỏ ra bất ngờ mà còn bình tĩnh như vậy. Dường như cũng đoán trước được kết quả này vậy. Dáng vẻ này còn vượt xa nhiều so với cả Tử Hàm. Chỉ đáng tiếc Tử Chiêu còn quá nhỏ, lại là nữ nhi, bằng không sau này hẳn là có chỗ đứng không nhỏ đi. Đáng tiếc, đáng tiếc”.
Tử Chiêu căn bản không lấy làm bất ngờ gì vì nàng biết chỉ cần làm đúng kế hoạch được vạch ra thật tỉ mỉ, cẩn thận thì chắc chắn thành công, không cần bàn cãi.
Thư phòng vô cùng an tĩnh liền bị phá vỡ bởi câu hỏi của Tử Chiêu: “Hoàng bá bá, Thuần Vương coi như tế sống quân đội của hắn cho chúng ta rồi. Kẻ này đủ ngoan độc, hy sinh biết bao nhiêu sinh mạng để che mắt chúng ta giúp hắn tìm đường thoát thân. Chỉ sợ sớm muộn thành Lệ Trân cũng sẽ bị tấn công. Người tính toán thế nào?”
Nghe câu hỏi của Tử Chiêu cùng gương mặt thản nhiên của nàng, không ít người toát mồ hôi lạnh. Cái gì mà tế sống, cái gì mà tính thế nào. Hơn nữa người được hỏi lại là Hoàng thượng chí tôn. Đây,… đây … chính là khi quân a.
Toàn bộ cung nữ, thái giám đều cúi đầu, lộ vẻ nơm nớp lo sợ, không dám cả gan liếc nhìn người mặc long bào bên kia sẽ có biểu hiện gì. Vạn An công công theo hầu bên cạnh hoàng thượng khẽ đảo mắt, thấy sắc mặt ngài không hờn không giận mà lại lộ vẻ trầm tư. Ông hơi thả lỏng tâm tình, liếc nhìn Tử Chiêu trừng mắt, trong đầu như muốn truyền âm cảnh cáo nàng: “May mắn cho nha đầu nhà ngươi, hoàng thượng là bậc minh quân, không chấp nhặt tiểu tiết. Hứ …”.
Có điều, Tử Chiêu cũng không thèm để ý tới Vạn An.
Mặc dù trong đầu còn đang do dự, không biết có nên bàn bạc chuyện này với Tử Chiêu hay không. Dẫu sao nàng cũng chỉ là một đứa nhỏ, nhưng trong lòng hoàng thượng còn hiếu kỳ hơn, thật sự muốn biết Tử Chiêu còn có thể nói ra điều gì khiến ông kinh ngạc nữa.
“Chiêu nhi có phải đã có chủ ý gì không?”
Nàng lắc đầu: “Chiêu nhi không hiểu biết nhiều nên cũng không nghĩ ra điều gì cả. Bất quá, Thuần Vương không vượt sông, ắt phải đi đường vòng, sẽ mất nhiều thời gian hơn. Hắn còn phải dẫn quân, không sớm thì muộn vị trí cũng bị bại lộ, cứ thuận theo như vậy, chú ý động tĩnh cùng củng cố binh mã trấn thành Lệ Trân. Trước mắt chuyện đó không quá đáng lo, Chiêu nhi là nghĩ tới một chuyện khác”.
Hoàng thượng nheo mắt chăm chú nắm bắt biểu tình của Tử Chiêu: “Rất sắc bén. Ngươi còn nghĩ tới chuyện gì nữa?”
Nàng cười nhưng ánh mắt lại bắn ra hàn quang lạnh lẽo: “Hoàng bá bá, người có bao nhiêu nhi tử, hẳn nên hiểu rõ. Thuần Vương gia cũng là bá bá của bọn họ, nhưng cũng chỉ là một tảng băng nổi mà thôi, tới giờ hắn nổi dậy cũng chỉ vì cái ghế rồng kia.
Đương kim Hoàng thượng là người, thái tử đương triều là Lân ca ca. Mấy ngày qua, theo quan sát của Chiêu nhi thì chuyện dẹp loạn Thuần Vương cũng chỉ có người, có thái tử cùng bá quan văn võ trên triều là khẩn trương. Vậy thử hỏi, những nhi tử khác của người đâu? Chuyện quốc gia đại sự đã tới nước này, dân chúng nhiều thành trì không biết nhưng bọn hắn không thể không biết, thậm trí còn cáo ôm không lên triều. Trùng hợp vậy sao? Hay là chỉ muốn ở giữa chờ thời cơ, làm ngư ông đắc lợi.
Tảng băng trôi thì có thể bắn cho vỡ nát, nhưng sóng ngầm thì làm sao yên.
Hoàng bá bá, đây chính là nội loạn, là đảo chính”.