Chương 127: Chia thịt
Chiếc chăn bông được bà lão may rất dày dặn và chắc chắn. Lâm Thanh Hoà cầm lên ước chừng bằng tay.
Bông thì được làm hết nhưng vải vẫn còn dư.
Bà lão nói: “Vẫn còn dư chút vải vụn, để bà đi lấy.”
Lâm Thanh Hoà: “Bà cứ giữ lại đi.”
Vừa nói cô vừa đưa một cái rổ cho bà. Bên trong đựng 2, 3 cân thịt, trong đó đặc biệt có nửa cân loại nhiều mỡ.
Trước khi tới đây lấy chăn cô đã tranh thủ bán hết chỗ thịt có trong tay, đây là phần cô giữ lại theo lời hứa.
Mừng quá, cô ấy vẫn giữ lời, nhìn vào trong rổ toàn là thịt ngon, bà lão vui vẻ ra mặt.
Hai người nói chuyện dăm ba câu, Lâm Thanh Hoà cột chăn vào yên sau rồi rời đi.
Quẹo vào một ngõ nhỏ vắng vẻ, cô nhanh tay thu chăn vào không gian riêng sau đó thong thả đạp xe về thôn.
Lâm Thanh Hoà mang chăn bông về tới nhà. Ngay cái nhìn đầu tiên đã khiến bà Chu hoảng hốt vô cùng. Trời đất, lớn quá! Bà ngàn vạn lần không nghĩ tới con dâu lại có thể làm cho hai ông bà một cái chăn to cỡ đó.
Bà Chu lắp bắp: “Chỗ này…chắc nhiều bông lắm nhỉ?”
Lâm Thanh Hoà: “Bảy cân. Bây giờ thanh thiên bạch nhật không tiện cho lắm, đợi trời tối con bảo Thanh Bách khiêng qua nhà cho cha mẹ nhé.”
Bà Chu vội hỏi: “Đèo cái chăn lớn thế này, dọc đường có bị người ta chú ý không?”
Lâm Thanh Hoà trấn an bà: “Làm gì gặp ai, giờ này mọi người đi làm hết rồi. Với lại con cố tình đi men theo con đường xuyên qua cánh rừng nhỏ bên kia nên không chạm mặt ai, mẹ cứ yên tâm.”
Bà Chu: “Trời đất, đường rừng heo hút rất nguy hiểm. Lần sau chớ có mạo hiểm như thế nữa, có gì cứ đợi trời tối bảo Thanh Bách đi lấy về là được.”
Lâm Thanh Hoà gật gù tán đồng: “Dạ, ý kiến này hay. Lần sau con sẽ làm theo lời mẹ.”
Cô nói thế cho mẹ chồng yên tâm thôi chứ trên thực tế cô sẽ không kêu Chu Thanh Bách đi làm. Đây toàn là bí mật không thể bật mí.
Thấy con dâu nghe lọt lời mình, bà Chu mới chịu dừng lại. Nhưng vấn đề an toàn với nguy hiểm qua đi thì lại xuất hiện vấn đề khác, tiền, cái chăn bông to thế này, chắc cũng phải tốn một mớ kha khá. Haizzz
Bà Chu: “Chẹp…chẹp, ai da, không cần thiết phải làm to dày thế này.”
Lâm Thanh Hoà: “Đã làm thì làm luôn một lần, dùng được về lâu về dài. Chứ làm mỏng mỏng, chỉ ấm được có 1 năm đầu thôi.”
Vừa sờ cái chăn bà vừa xuýt xoa, chắc là ấm lắm đây, 7 cân lận cơ mà!
Năm nay đại đội phân cho mỗi hộ nửa cân bông, có nghĩa là toàn bộ gia đình chỉ có nửa cân bông, từng đấy thật chả bõ bèn gì.
Định mức được phân, Lâm Thanh Hoà cho hết Chu Tây, còn cho nó thêm một miếng vải vừa đủ làm cái áo bông khoác bên ngoài.
Ngày hôm sau, Chu Đông lập tức chạy qua, đưa một ít tiền và phiếu vải của năm nay cho Lâm Thanh Hoà.
Lâm Thanh Hoà chỉ cầm mỗi tem phiếu và nói: “Thím chỉ nhận phiếu không nhận tiền. Nếu có thời gian thì giúp thím đi mò mấy con lươn con cá là được.”
Chu Đông gật đầu, vừa xoay người là đi mò cá liền luôn.
Trời đã bắt đầu lạnh, cá, lươn gì đó đều trốn tiệt, nhưng nếu chịu khó bỏ thời gian đi mò thì vẫn bắt được một ít.
Mỗi ngày một ít, tích mấy ngày cũng được đầy một chậu lươn. Chu Đông bưng qua cho Lâm Thanh Hoà.
Đối với hai anh em Chu Đông Chu Tây, một chậu lươn không đáng là gì so với những thứ thím tư tặng nhưng trong mắt Lâm Thanh Hoà thì chậu lươn này đáng giá hơn nửa cân bông rất nhiều.
Mọi người trân quý bởi vì mùa đông đuổi tới sát mông rồi mà bông lại quá khan hiếm.
Thật ra với nửa cân bông chỉ có thể làm được một cái áo mỏng lét. Cũng may thím tư cho thêm, cộng với định mức nhà mình được phân mới miễn cưỡng làm dày dày hơn một chút. Kỳ thực không thấm tháp vào đâu so với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông nhưng méo mó có còn hơn không.
Đợt trước, Chu Tây cũng đã nhờ Lâm Thanh Hoà mua giúp một ít sợi len. Thế là mùa đông năm nay, hai anh em có cả áo len để mặc. Tính ra thì cuộc sống mỗi năm mỗi khá hơn.
Chậu lươn lớn thế này phải kho được hai nồi. Lâm Thanh Hòa phân ra lần lượt chế biến cho cả nhà thưởng thức.
Hơn 10 giờ đêm, Chu Thanh Bách lặng lẽ khiêng chăn bông sang Chu gia, thần không biết quỷ không hay.
May mà giữa đường không gặp ai chứ không lại chấn động cả thôn.
Thời này mà kiếm được 7 cân bông làm chăn không phải chuyện dễ dàng. Ấy thế mà nhà anh có hẳn hai cái. Anh cũng chẳng rõ bà xã làm thế nào nhưng mà phải công nhận một điều đắp ấm kinh khủng.
Vừa gieo xong hạt giống vụ đông thì trời đổi gió.
Lâm Thanh Hoà đã đan xong áo len cho Chu Thanh Bách. Bên trong mặc một cái áo sơ mi kết hợp với áo gi-le len bên ngoài, phải nói là cực kỳ bảnh bao.
Sau đó tới lượt tụi nhỏ, áo của Tam Oa đã hoàn thành, của Nhị Oa mới xong một nửa, của Đại Oa chưa bắt đầu.
Của cô thì thôi khỏi vì áo cũ vẫn còn mặc đẹp nên không cần thiết đan áo mới.
Sáng sớm hôm sau, Chu Thanh Bách bắt đầu đi kiếm củi lửa, mùa đông bắt buộc phải sưởi ấm nếu không sẽ bị chết cóng.
Đại Oa đi vào phòng tìm mẹ: “Mẹ ơi, ngày mai đại đội giết heo, nhà mình lấy bộ đồ lòng về ăn nhé.”
Lâm Thanh Hoà nói thẳng: “Đợi cha về con nói với cha đi, mẹ không biết làm mấy cái đó đâu.”
“Ôi hỏi cha làm gì, cha bận đi kiếm củi rồi, để con đi hỏi bà nội.” Nói xong nó lập tức vọt ra cửa chạy như bay sang Chu gia.
Lát sau, bà Chu liền bế nhóc Tô Thanh qua đây, hỏi: “Đại Oa bảo muốn ăn lòng heo nhưng mẹ nó không biết làm, có phải vậy không?”
Lâm Thanh Hoà: “Vâng, con chẳng biết làm cái đó.”
Bà Chu gật đầu: “Để mẹ làm cho.”
Lâm Thanh Hoà lại hỏi: “À, bao tử mẹ có biết làm không?”
Bà Chu cười cười: “Biết.”
Lâm Thanh Hoà: “Vậy con sẽ lấy thêm bao tử nữa.”
Bao tử ăn rất ngon, nhất là hầm với tiêu, giòn sần sật, cay nồng, ngon hết xảy, vừa ấm bụng vừa dưỡng sinh.
Ngày hôm sau, bà Chu cùng Lâm Thanh Hoà dẫn theo đàn con đi lãnh thịt. Loại sự tình này không nặng nhọc nên không cần đàn ông ra mặt, Chu Thanh Bách vẫn tiếp tục đi đánh củi.
Lượng thịt của nhà cô năm nay thì khỏi phải bàn, công điểm của Chu Thanh Bách và ông bà Chu cộng thêm Đại Oa đi cắt cỏ heo sau mỗi giờ tan học.
Lâm Thanh Hoà chẳng khách khí, vừa tới là chọn ngay một miếng thịt mỡ cực lớn, tiếp đó là thịt ba chỉ, thịt nạc, xương sườn, xương ống, một cái bao tử và một bộ lòng heo, hôm nay vẫn còn ruột non, cô cũng lấy luôn.
Mặc dù cô không hảo mấy thứ này lắm, nhưng kiếp trước nhỏ bạn thân suốt ngày lải nhải bên tai rủ cô đi ăn phá lấu.
Lựa xong, phân lượng của nhà Lâm Thanh Hoà năm nay là một thùng thịt đầy tràn.
Đám phụ nữ trong thôn có hâm mộ, có ghen ghét, có đố kỵ.
Vương Linh và Chị hai Chu thì càng khỏi phải nói.
Vương Linh: “Mẹ chồng cô thật là buồn cười, sống quá bất công, bao nhiêu thịt thế kia mà cho hết nhà chú tư, chả cho nhà cô lấy một miếng nhỏ.”
Chị cả Chu đứng ngay bên cạnh nghe thấy không sót chữ nào, đáp trả liền: “Lời này của cô mới thật là buồn cười đấy. Cha mẹ tôi đã cho tất cả con cái phân gia. Thịt thà lương thực nhà nào nhà nấy tự hưởng theo công điểm. Cha mẹ hiện tại ăn chung với nhà chú tư, tất nhiên thịt thà cũng phải góp về bên đó chứ.”