Chương 14: Người mẹ không đàng hoàng!
Vì vết thương rất nghiêm trọng cho nên cha đám trẻ phải nằm ở bệnh viện quân y dưỡng thương một tháng. Sau đó sẽ về nhà vào khoảng tháng mười một dương lịch tức tháng mười âm lịch.
Lâm Thanh Hoà cảm thấy tới lúc đó, chuỗi ngày tháng tự do tự tại của cô sẽ không còn nữa, có đàn ông trong nhà làm gì cũng phải giữ ý giữ tứ, không thể thoải mái thích làm gì thì làm như lúc ở cùng ba đứa trẻ con được.
Vì vậy trước khi anh ta quay lại, những gì cần mua phải nhanh chóng mua ngay.
Thời đại này con người chẳng có gì để vui chơi tiêu khiển, mọi người chỉ biết bận rộn với công việc đồng áng. Đã vào thu nhưng mặt trời vẫn còn rất gay gắt, Lâm Thanh Hoà không muốn huỷ hoại làn da mịn màng mà nguyên chủ đã dày công chăm sóc.
Da cô không quá trắng, chỉ không đen thôi, nhưng so với những người phụ nữ khác trong thôn thì làn da này đã được xếp vào diện trắng sáng.
Chính vì vậy những ngày kế tiếp, Lâm Thanh Hoà chỉ ở trong nhà lo việc gia đình. Nguyên chủ không kết bạn với ai cho nên cô không thể ra ngoài giao tiếp với mọi người được đành ở nhà nấu ăn cho bọn nhỏ.
Mấy ngày nay ba đứa trẻ được ăn nhiều tới nỗi dường như miệng lúc nào cũng bóng mỡ. Chu Đại Oa và Chu Nhị Oa thậm chí Chu Tam Oa vui sướng phát điên.
Sau nhiều ngày Lâm Thanh Hoà kiên trì dạy dỗ, Chu Tam Oa đã bắt đầu biết nói. Làm như có ai đả thông hai mạch Nhâm Đốc cho nó mà nó nói liên tục không ngớt, cả ngày bi ba bi bô nào là “thịt”, “ăn”, “đi tè”, “nước”, đương nhiên từ được nó ưu ái nói nhiều nhất chính là “ mẹ”.
Nguyên chủ tuy rằng lười nhưng cũng nhận thức được mình giao tế kém, vẫn còn biết đường tự cung tự cấp.
Hậu viên có một mảnh vườn nho nhỏ trồng rau xanh, dưa leo, cà chua, hành hẹ, củ cải…mỗi loại một ít.
Nhờ đó cũng dễ cho Lâm Thành Hoà làm mấy món như hẹ xào trứng, củ cải hầm xương ống, dưa leo xào thịt thăn…Tuy ba đứa nhỏ có chút thắc mắc nhưng chung quy trẻ nhỏ dễ dạy, Lâm Thanh Hoà tuỳ tiện bịa vài ba câu là đâu vào đấy ngay, nào là thực phẩm mua sẵn từ lần trước mẹ đi chợ, giữ được sự tươi ngon là do ướp muối.
Lâm Thanh Hoà lấy trong không gian riêng một miếng thịt ba chỉ và một miếng thịt thăn, ướp muối, sau đó chiên lên, vị mặn mặn, thích hợp ăn cùng cháo trắng hoặc để sẵn đó lúc nào thích nấu mì bỏ lên cũng rất tuyệt. Món này vừa ngon lại vừa tiện!
Chỉ trong vòng mấy ngày ngắn ngủi, Chu Tam Oa lớn lên trông thấy, trắng trẻo mũm mĩm rất đáng yêu, đúng là trẻ con gầy nhanh mà béo cũng nhanh. Đều là nhờ công của Lâm Thanh Hoà, mỗi ngày kiên nhẫn đút cho ăn no rồi tắm rửa sạch sẽ.
Kết thúc thu hoạch vụ mùa, chị ba Chu may xong quần áo mùa đông cho Chu Tam Oa trước. Bà Chu cầm quần áo tới, vừa vào cửa thấy đứa cháu trai tròn trịa trắng trẻo như cục bột đang được mẹ nó bế trên tay thì ngây cả người ra một lúc.
Lâm Thanh Hoà đưa Chu Tam Oa cho bà Chu ẵm, cô đón lấy bộ quần áo bé xíu vừa ngắm nghía vừa không tiếc lời khen tặng: “ Chị ba tay nghề tốt thật!”
Đúng là tay nghề của chị ba Chu rất tốt, lại đang lúc rảnh rỗi không có việc gì làm, mới mấy ngày đã may xong cho Tam Oa. Tất nhiên bộ này bé nhất nên không tốn quá nhiều thời gian và công sức.
Quần áo của Chu Đại Oa và Chu Nhị Oa chắc chắn sẽ xong sớm thôi, bởi mùa vụ đã xong, mọi người không còn bận rộn như trước nữa thế nên việc nhà không tới lượt chị ba Chu. Chị ba có thể dành toàn lực cho việc may đồ.
Sô lượng bông Lâm Thanh Hoà đưa sang rất nhiều, cho dù chị ba Chu có hơi ngốc nghếch một chút cũng không lo thiếu bông, chị ba Chu may áo bông và quần bông cho bọn trẻ rất dày dặn, đường kim mũi chỉ chắc chắn.
Ví dụ như bộ quần áo Lâm Thanh Hoà đang cầm trên tay, rất thích hợp cho tiểu gia hoả mặc vào mùa đông. Nhưng chỉ có một bộ sợ rằng hơi thiếu thốn nhỉ?!
Lâm Thanh Hoà nói với bà Chu: “ À đúng rồi, bên nhà mẹ còn trứng gà không? Nếu còn thì mẹ để lại cho con trước đi, con trả tiền.”
Trong nhà cô không nuôi gà, nhưng lại ăn rất nhiều trứng. Lâm Thanh Hoà định lấy thêm mấy cân trong không gian riêng, nhưng dù sao cũng phải giấu giếm khéo léo một chút.
Bà Chu liền nhìn cô một cái rồi nói: “ Nhà bên kia vẫn còn, con muốn bao nhiêu?”
Lâm Thanh Hoà: “Con lấy trước một cân là được. Đằng nào thì hai hôm nữa con cũng định đi chợ trên trấn mua vài thứ, tới lúc đó tiện thể mua thêm trứng gà cũng được.”
Bà Chu giật mình: “Con lại muốn đi chợ nữa?”
Lâm Thanh Hoà đáp với vẻ dĩ nhiên: “ Không đi chợ lấy gì ăn? Ba cái miệng của ba thằng nhóc này ăn không ít đâu. Hơn nữa thời tiết càng lúc càng lạnh, con không muốn phải bước chân ra cửa khi trời rét. Đằng nào chả phải mua, mua sớm cho xong việc. Mẹ có muốn mua gì không, con mua giúp mẹ?”
“Mẹ không thiếu thứ gì cả.” Bà Chu vốn dĩ rất hài lòng cô con dâu chăm sóc chu đáo cho ba đứa cháu nội, đặc biệt là thằng bé tiểu Tam Oa béo trắng ra không ít, nhưng vừa nghe tới việc cô lại muốn tiêu tiền phung phí, tim gan bà lại nhói đau.
Bà định nói vài câu nhưng nghĩ lại thôi, bà biết có nói ra nó cũng chẳng nghe lời bà. Nên bà đành ôm cục tức đi về.
Lâm Thanh Hoà nói hai ngày nhưng thực tế sáng sớm ngày hôm sau cô cho Chu Tam Oa ăn no rồi bế sang đưa cho bà Chu.
Chu Nhị Oa và Chu Đại Oa lẽo đẽo đi theo sau mẹ, hai đứa nó tưởng lần này sẽ được đi chợ với mẹ nhưng Lâm Thanh Hoà ngại đường xá xa xôi, cô đi một mình còn mệt nữa là xách theo hai cái đuôi, quá phiền phức. Vì thế cô gửi hết cả ba đứa sang Chu gia, tất nhiên kèm theo một bọc đường phèn nhỏ, ý tứ rất rõ ràng cô muốn bà Chu sẽ để mắt tới con cô cẩn thận.
Lúc bốn mẹ con tới Chu gia trời còn rất sớm, mọi người chưa ai rời giường, trận thu hoạch này mệt mỏi thực sự, bây giờ là thời gian nông nhàn, ai cũng tranh thủ ngủ bù nghỉ ngơi dưỡng sức.
Lâm Thanh Hoà chả quan tâm, cô để lại ba đứa nhỏ rồi ôm cái rổ đi ra khỏi cửa.
Cô vừa khuất bóng, bà Chu đã bực bội nói: “Cả ngày chỉ biết tiêu xài hoang phí, chẳng biết lo lắng tiết kiệm cho tương lai gì cả, ba đứa con thì đều còn nhỏ, sau này chúng trưởng thành, việc lớn việc nhỏ gì mà không cần tới tiền cơ chứ?”
Chị cả Chu và chị ba Chu nghe thấy tiếng động liền ra khỏi phòng, tiến tới hỏi có chuyện gì. Bà Chu bắt được cơ hội, kể hết sự tình tiện thể xả giận một hồi.
Chị cả Chu và chị ba Chu nghe biết vậy thôi chứ không tham gia, nhưng trong lòng hai người bọn họ rất tán đồng với cách nói của bà Chu. Thím tư đúng là một người như vậy, vung tay mà không chớp mắt một cái, làm như thứ cô ấy cầm không phải là tiền mà là giấy lộn, tiêu không biết xót.
Bọn họ không giống như vậy, tiêu một xu cũng đau lòng muốn chết. Quanh năm suốt tháng ba phòng đều ở tại Chu Gia, vì chưa phân gia cho nên mọi khoản thu nhập đều phải nộp hết cho bà Chu. Tất cả chi phí sinh hoạt đã có bà Chu lo cho nên các cô con dâu không phải tiêu pha gì tới tiền. Bà Chu phát cho mỗi người một ít tiền tiêu vặt, bọn họ đều tích cóp lại được khoảng hai đồng làm tiền riêng.
Chị cả Chu ngắm nghía ba anh em Đại Oa rồi nói: “ Xem ra gần đây em tư rất tận tâm chăm sóc bọn nhỏ.”
Lần này đi chợ còn biết đường ôm Tam Oa lại đây là tốt lắm rồi, trước kia làm gì có chuyện đó, toàn mặc kệ bọn nó ở nhà với nhau, dù sao chúng vẫn là ba đứa trẻ con, lỡ đâu xảy ra chuyện gì không may…
Bà Chu nghe chị cả Chu nói vậy thì không đáp lời.
Chị ba Chu hỏi Chu Đại Oa: “ Đại Oa, bình thường mẹ cho mấy đứa ăn gì? Mới mấy hôm không gặp mà bác thấy ba đứa béo ra không ít nha.”
Chu Đại Oa dõng dạc đáp: “ Mẹ cho chúng con ăn thịt, thị ba rọi, thơm ngon cực kỳ!”
“Thịt?” chị cả Chu và chị ba Chu sửng sốt, thời điểm này lấy đâu ra thịt?
Bà Chu đã biết trước, nên bà nói cho qua chuyện: “ Hai người các con hỏi gì mà hỏi lắm thế, mấy ngày nữa đại đội sẽ phát thịt, đến lúc đó không thiếu thịt cho các con ăn.”
Chị cả Chu và chị ba Chu liền hiểu chuyện này mẹ chồng không muốn các cô biết nhiều, cho nên rất thức thời không hỏi tiếp nữa.
Chu Đại Oa bên này thì lại có chút mất mát, nó đang rất hào hứng muốn khoe những món ngon mấy ngày nay mẹ nó làm cho ăn. Bên ngoài có tiếng trẻ con í ới gọi nhau đi chơi, chuyện gì cũng tạm gác lại chạy đi chơi trước cái đã. Dĩ nhiên trước khi đi nó không quên xin bà nội một cục đường phèn bỏ vào miệng cho ngọt giọng.
Cuối cùng mọi người trong Chu Gia đã thức dậy, khi nhìn thấy hai anh em Nhị Oa Tam Oa ở đây thì rất bất ngờ. Hỏi ra mới biết người mẹ không đàng hoàng của bọn chúng lại đi họp chợ.