Lâm Thanh Hoà bắt đầu tháo vỏ chăn, quần áo bông ra giặt. Thời điểm này là thích hợp nhất vì ban ngày vừa có nắng vừa có gió, phơi rất nhanh khô.
Nghe thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực tế lại rất mệt vì toàn đồ dày, may có Chu Tây qua giúp, đỡ cực một nửa mà tốc độ lại nhanh gấp đôi.
Vừa làm, Lâm Thanh Hòa vừa tán gẫu với Chu Tây: “Năm nay Chu Tây nhà ta cao hơn không ít nhỉ.”
Trước kia đói ăn nên người còi dí còi dị. Từ 3 năm trở lại đây, con bé có da có thịt hơn được chút bởi cả hai anh em đều tới tuổi đi làm lại chịu thương chịu khó nên kiếm được nhiều công điểm, tuy không được ăn ngon nhưng đảm bảo mỗi ngày 3 bữa no bụng.
Chu Tây cười bẽn lẽn, nói: “Từ giờ tới cuối năm thím có vào thành nữa không ạ?”
Lâm Thanh Hoà hỏi: “Cháu muốn mua gì à?”
Chu Tây ngượng ngùng: “Dạ, cháu muốn mua ít táo đỏ.”
Lâm Thanh Hoà tán thưởng: “Đúng rồi, con gái chịu khó ăn táo đỏ rất tốt, không cần ăn nhiều, mỗi ngày 3 tới 5 quả là được. Lần sau thím mua về cho.”
Chu Tây cong môi cười: “Dạ, cháu nghe lời thím.”
Lâm Thanh Hoà: “Còn muốn mua gì khác nữa không?”
Chu Tây liền nói: “Quần áo của anh cháu ngắn hết cả rồi, cháu muốn làm cho anh bộ mới. Thím cắt giúp cháu mảnh vải được không ạ?”
Mỗi năm đều được phát phiếu vải. Năm ngoái, Lâm Thanh Hoà cho Chu Tây bông, Chu Đông đem phiếu vải đưa cho Lâm Thanh Hoà.
Năm nay cũng được phát, gộp định mức của hai anh em lại vừa vặn may được cho Chu Đông một cái quần mới.
Lâm Thanh Hoà nhận lời ngay: “Được chứ.”
Bà Chu cũng lại đây tham gia hỗ trợ. Ba người cùng làm nên rất mau.
Tháo vỏ ra, giặt sạch sẽ rồi kiểm tra xem bục chỉ chỗ nào thì khâu lại, rách chỗ nào thì kiếm miếng vải vụn vá lên, sau đó cất vào tủ, chờ mùa đông mang ra dùng.
Hiện giờ, lịch âm là rằm tháng 8, lịch dương là trung tuần tháng 9. Cuối tháng này chính thức bước vào thu hoạch vụ thu.
Bởi thế, sau khi giặt giũ khâu vá chăn mền xong xuôi, Lâm Thanh Hoà lại ra sức nâng cấp bữa ăn.
Nhà cô thường hay ăn cá chạch và lươn, nhóm thanh niên choai choai trong thôn lại giỏi nhất bộ môn này vì cả ngày rảnh rỗi chẳng có gì chơi nên suốt ngày thấy chúng xắn quần lội nước. Lâm Thanh Hoà gợi ý nếu bắt nhiều quá ăn không hết thì cứ mang thẳng tới cửa nhà cô đổi lấy tiền.
Trong mắt người lớn, Lâm Thanh Hoà là một người vợ không hiền huệ, không biết chi tiêu sinh hoạt nhưng trong mắt bọn trẻ thì hoàn toàn ngược lại. Toàn bộ cái thôn này, từ nhóc con lẫm chẫm cho tới thanh thiếu niên, không một ai không hâm mộ ba anh em Đại Oa được làm con của một người mẹ vô cùng tuyệt vời.
Sẵn danh tiếng tốt, nên cô nói một cái là bọn chúng nghe ngay.
Hễ bắt được lươn là lại xách tới cửa í éo gọi, Lâm Thanh Hoà liền cho bọn chúng tiền. Chỉ 1, 2 hào lẻ thôi nhưng đủ khiến đám trẻ phất khích cực kỳ, ra sức bắt thật nhiều.
Thêm vụ này nữa, bọn trẻ càng yêu thích mẹ Đại Oa, thím rất giữ chứ tín, hứa đổi tiền là đổi thật.
Liên tục trong vòng nửa tháng, mâm cơm nhà Lâm Thanh Hoà thay đổi phong phú, mỗi ngày một món không trùng lặp từ các món canh tới các món thịt kho tàu rồi tới các món hầm, dưỡng đến độ Chu Thanh Bách béo hồng hẳn ra
Đừng nói Chu Thanh Bách, ngay cả ông Chu cũng vậy, khoẻ khoắn, nhanh nhẹn lên trông thấy.
Ăn nhiều vậy mà vẫn còn bao nhiêu cá chạch và lươn, Lâm Thanh Hoà phải thả vào chậu nuôi để ăn từ từ.
Cuối tháng 9, toàn đại đội tiến vào vụ gặt.
Vụ thu là vụ quan trọng nhất và vất vả nhất trong năm, kéo dài tầm 2 tháng tới khoảng cuối tháng 11 mới xong. Đã có kinh nghiệm từ trước nên Lâm Thanh Hoà rất chú trọng về mặt dinh dưỡng trong khoảng thời gian này, cứ cái gì ngon bổ là ăn, kể cả sữa bò tươi cũng tăng số lượng lên 4 chai một ngày.
Bà Chu thật lòng nói với con dâu rằng không cần bồi dưỡng mọi người quá kĩ càng.
Lâm Thanh Hòa đáp: “Cuối vụ chỉ cần mua dư 2 túi lương thực khiêng qua chỗ bà dì con là tiền quay về.”
Lâm Thanh Hoà chỉ nói lơ lửng nhưng bà Chu nghe hiểu. Đây là buôn bán lương thực.
Bà Chu có phần lo lắng, kéo con trai ra nói chuyện riêng. Sau khi được Chu Thanh Bách trấn an một hồi mà mới tạm yên tâm phần nào.
Chai sữa bò đặt dôi ra, Lâm Thanh Hoà dùng để làm màn thầu sữa dành riêng cho ông Chu và Chu Thanh Bách.
Màn thầu sữa ăn với một đĩa lớn cải thìa xào thịt vụn hoặc dưa leo xào trứng gà, vừa no bụng vừa đủ chất, đảm bảo đủ sức gặt hái cả một buổi sáng.
Giữa trưa lại có một mâm thức ăn ngon xách ra tận ruộng, vừa tiếp thêm năng lượng lại vừa có giá trị cổ vũ tinh thần.
Vẫn như mọi khi, khu vực nghỉ ngơi nhà cô luôn thu hút ánh nhìn của tất cả mọi người, nhưng Lâm Thanh Hoà quen rồi, bảo cô giống như ba chị dâu tuỳ tiện làm mấy cái bánh bột bắp, muối dưa mặn chát cho chồng ăn chỉ cốt lấp đầy bụng, cô thực sự không làm được.
Lao động chân tay là một công việc cực kỳ nặng nhọc. Huống hồ người đàn ông của mình đang kiếm tiền nuôi gia đình mà mình lại chỉ vì tiết kiệm chút tiền thức ăn mà bòn rút sức lực của chồng là một việc làm ngu xuẩn.
Người khác làm thế nào Lâm Thanh Hoà không thể quản nhưng cô tuyệt đối không làm như vậy.
Thỉnh thoảng cô còn xúi Chu Thanh Bách trốn việc, mắng anh suốt ngày cứ nhận việc nặng về mình nhưng ai bảo chồng cô lại là một nam tử hán đại trượng phu, tính tình cương trực, ghét nhất gian dối thủ đoạn.
Tuy ngoài mặt cô mắng anh cứng đầu không biết linh động nhưng trong thâm tâm lại sung sướng “ôi chồng mình đàn ông quá!”
Vì không giúp đỡ được anh trong chuyện công việc cho nên người làm vợ như cô toàn tâm toàn ý lo việc bếp núc.
Nhưng mà quanh đi quẩn lại chỉ có vài món, nghĩ nát óc cũng chẳng ra được món mới.
May sao hôm nay trời rủ lòng thương, chạng vạng mọi người từ ruộng về xách theo một con thỏ hoang.
Lại bắt được một con thỏ hoang béo múp, con này ước chừng phải 5, 6 cân chứ không ít.
Lâm Thanh Hoà kích động cực kỳ.
Tam Oa bắt đầu tranh công: “Mẹ, vừa nhìn thấy một cái là con gọi cha liền luôn. Là con nhìn thấy trước.”
Lâm Thanh Hoà: “Giỏi lắm, mẹ làm đồ ngon thưởng cho con, được không?”
“Dạ được.” Tam Oa hô rõ to.
Bà Chu cũng cười vui vẻ, chà chà, con thỏ béo quá!
Lâm Thanh Hoà bảo Chu Thanh Bách làm thịt thỏ, cô vào bếp chuẩn bị nguyên liệu làm món thỏ hầm khoai tây.
Nấu chín, cô múc riêng 1 tô nhỏ để dành cho bữa sáng mai, còn lại bao nhiêu tối nay xử hết, ăn một bữa thoả thích luôn.
Cả thôn hâm mộ muốn rớt tròng mắt. Nhưng hâm mộ hay ghen tị gì thì cũng vô dụng, Chu Thanh Bách nhà người ta thân thủ phi phàm, thoáng thấy bóng con thỏ vụt qua, mọi người chưa kịp phản ứng đã thấy anh xách tai con thỏ quay về rồi.
Tiếc thật đấy, ước gì con thỏ béo đó rơi trúng nhà mình thì có phải ngon không cơ chứ?! Vì thế, bữa tối nay, không ít người bưng cơm đến ngồi chồm hỗm ngoài tường bao nhà Chu Thanh Bách để hít hà mùi thơm thịt thỏ hầm.
Mọi người đều thèm thịt, từ đầu năm tới giờ chưa được miếng thịt nào, phải đợi tới tận sau khi thu hoạch vụ này, gieo cấy vụ đông xong xuôi, đại đội mới tiến hành phân thịt.
Haizz, cả năm được ăn có hai lần thịt, chẳng bõ bèn!
Kể ra thì vẫn có thể cầm phiếu thịt đi mua thịt nhưng phiếu thịt khó kiếm hơn lên trời, ai có cũng giấu khư khư đời nào chịu đổi, với lại người nông thôn tiết kiệm thành quen, thèm thế chứ thèm nữa cũng không đi đổi phiếu thịt đâu.