Ý phải nghe bà nội cằn nhằn về mẹ mình mãi. Cậu đã hiểu, dù mình làm gì thì
bà nội đều quy hết lỗi lầm lên người mẹ cậu.
“Nếu mẹ mày không chạy theo đàn ông, mày làm gì đến nỗi không có ai dạy
dỗ.” Lưu Hiền Trân năm nay gần bảy mươi tuổi, mắng mỏ vẫn dư sức, mái tóc
bạc phấp phới theo nhịp.
Thật sự Giang Vân Ý không biết mẹ mình đi đâu, làm cái gì, lưu truyền từ
miệng mọi người có ít nhất hai mươi phiên bản khác nhau, trong miệng Lưu
Hiền Trân thì là “chạy theo đàn ông”, nhưng cậu cảm thấy ba mình có tốt đẹp
hơn gì đâu, ngần ấy năm dẫn bao nhiêu phụ nữ về nhà, có khi hôm nay người
này, mai đổi người khác, đủ để sáng tạo ra hơn năm mươi phiên bản, kết quả
mọi người đều mắng mẹ cậu, không ai mắng ba hết, thậm chí sau mười mấy
năm, ba cưới một người phụ nữ trẻ tuổi, ai ai cũng khen một câu đàn ông càng
già càng đáng giá.
Giang Vân Ý buồn bực.
“Cậu ấm như mày lang thang trong thôn nhàn nhã quá hay gì, không biết giống
ai, trời sinh đã không an phận, cả ngày chỉ biết chạy ra ngoài đường.” Lưu Hiền
Trân nói liên mồm, “Không có ba làm lụng, mày lấy đâu ra tiền mà tiêu? Chờ
mẹ mày tới chăm mày hay gì?”
Giang Vân Ý có muốn được sinh ra đâu.
Ba giao hết tiền sinh hoạt trong kỳ nghỉ hè cho Lưu Hiền Trân, ông cho rằng
cậu chỉ cần chỗ ăn chỗ ở là được, chứ không nghĩ tới Lưu Hiền Trân còn cho
rằng cậu lợi dụng nhà bà.
Giang Vân Ý im lặng thì Lưu Hiền Trân cằn nhằn “Không có miệng à?”, vì thế
cậu mở miệng, sau đó Lưu Hiền Trân lại bảo “Ai cho mày tranh luận”, “Xem
mình là thiếu gia thật hay gì”.
Ông nội mất sớm, mọi chuyện trong nhà đều do một tay Lưu Hiền Trân quản lý,
cô Giang Vân Ý – tức em gái ba cậu, một nhà ba người đều ở nhà của Lưu Hiền
Trân. Con trai cô ba tuổi rồi còn chưa biết nói, Lưu Hiền Trân lại cưng chiều
thằng nhỏ vô biên, ăn cơm không lo ăn chỉ lo bò khắp nhà, bà thì lò dò theo sau.
Giây trước còn hớn hở, vừa thấy Giang Vân Ý thì thay đổi sắc mặt ngay lập tức.
Giang Vân Ý muốn tìm công việc làm thêm vào kỳ nghỉ hè chỉ đơn giản vì
không muốn ở nhà, cậu đánh mất xe đạp nên không thể không kiếm tiền mua bù
cái mới.
Không có xe đạp, may là chú có xe điện, ruộng vườn không có việc gì làm thì
mỗi ngày trời chưa sáng chú đã lái xe điện đến xưởng thủ công trên thị trấn làm
việc. Giang Vân Ý nghĩ thầm, nhờ chú đèo cậu đi không phải việc gì khó.
Sáng sớm, Phó Nham Phong lái motor chở khách, dừng trước bến xe thị trấn,
nhận mười tệ, trả lại năm tệ, sau khi nhét tiền vào túi, vừa quay đầu đã thấy
Giang Vân Ý đứng cạnh bến xe vẫy tay điên cuồng.
Mùa hè bình minh lên sớm, lúc Phó Nham Phong ra cửa không tới sáu giờ, hiện
tại cùng lắm là sáu rưỡi.
Cạnh bến xe có một cái chợ, bây giờ còn sớm, ven đường chủ yếu là quán hàng
rong, cửa hàng thì chưa mở, trên đường rải rác người đi bộ và đi xe máy.
Phó Nham Phong không chuyên chở khách, chỉ là trước tám giờ tiếp vài khách
lẻ quanh khu vực. Lúc này dựng xe dưới gốc cây, chưa chờ được khách tiếp
theo thì Giang Vân Ý đã tới.
Đương lúc Giang Vân Ý bước tới, mấy bác xe ôm bên cạnh lập tức ngồi thẳng,
thấy cậu đi về phía Phó Nham Phong thì lại ỉu xìu, mắt nhìn về hướng khác, tìm
kiếm khách hàng tiếp theo.
Dừng trước mặt người đàn ông, Giang Vân Ý còn chưa kịp mở miệng thì anh đã
cất tiếng hỏi trước: “Xe ôm không? Ba tệ ba kilomet.”
Không giống trong tưởng tượng gì cả, Giang Vân Ý còn cho rằng hôm qua bọn
họ xem như quen biết, vì thế mím môi nói nhỏ: “Anh không nhớ tôi à? Hôm
qua tôi…”
Mới qua một buổi tối, sao quên nhanh thế được, người đàn ông bật cười: “Ra
đây sớm thế làm gì?”
Giang Vân Ý dụi mắt: “Tìm việc chứ sao.”
Phó Nham Phong nhìn cậu dụi mắt rồi lại ngáp bèn hỏi: “Buồn ngủ à? Không
cần dậy sớm như thế.”
Giang Vân Ý giơ tay che miệng, híp mắt, lại ngáp cái nữa: “Bình thường anh
cũng chở khách à?”
“Chở khách hay chở hàng đều như nhau.”
Giang Vân Ý hiểu ra: “À, vậy anh chở hàng cũng dùng xe máy phải không?”
Phó Nham Phong trả lời: “Mượn người ta xe ba bánh.”
Xe người ta để đó không dùng tới, mỗi ngày tám giờ anh sang lấy xe, trước khi
trời tối thì trả lại.
“À, à.”
Phó Nham Phong nhìn Giang Vân Ý cúi đầu, dáng vẻ như tự hỏi, cũng giống
muốn nói lại thôi, biết có lẽ cậu có chuyện muốn hỏi nhưng không định chủ
động, anh thò tay vào túi lấy thuốc ra hút.
Anh ngậm thuốc trong miệng còn chưa kịp châm thì nghe cậu nhả từng từ:
“Ừm, anh, anh có cần trợ lý không?”
Từ trợ lý đối với một tài xế chở cả khách và hàng hóa như Phó Nham Phong có
hơi hài hước, anh ngẩng đầu nhìn người tay nhỏ chân nhỏ trước mắt, không từ
chối thẳng mà chỉ về một hướng: “Bên kia đường có cửa hàng trái cây, lát nữa
người ta mở hàng thì cậu tới hỏi xem bà chủ có tuyển trợ lý không, cứ bảo Phó
Nham Phong giới thiệu.”
Phó Nham Phong học từ “trợ lý” từ cậu. Giang Vân Ý không chú ý đúng trọng
tâm, hai mắt tròn xoe nhìn anh, nói với giọng điệu bất ngờ: “Anh tên là Phó
Nham Phong nha… Có phải Nham trong nham thạch, Phong trong gió núi
không?”
Phó Nham Phong tạm dừng một lát rồi trả lời: “Đúng vậy.”
Thiếu niên cong mắt, tự khen mình: “Tôi thông minh ghê.”
Người qua lại đông dần, các bác tài bên cạnh lần lượt đón khách, Phó Nham
Phong không hút thuốc nữa, nhìn thiếu niên hất cằm: “Cậu có thể tới cửa hàng
đợi rồi đấy.”
Thiếu niên không đi, vẫn đứng im tại chỗ không nhúc nhích: “Anh còn chưa hỏi
tôi tên là gì.”
Phó Nham Phong nhìn xung quanh, không thấy ai có định bắt xe, vì vậy tiếp tục
tán gẫu: “Cậu tên là gì?”
Thiếu niên trả lời: “Tôi là Giang Vân Ý, Giang trong nước sông, Vân trong mây
trắng, Ý trong ý tứ.”
Phó Nham Phong hỏi tiếp: “Cậu không phải người Phổ Phong đúng không?”
Người trong thôn chủ yếu họ Phó, ít nghe thấy ai họ Giang.
“Ba tôi họ Phó, trong sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân đều viết là Phó Vân Ý”.
Thiếu niên lại ngáp, “Nhưng tôi muốn theo họ mẹ, sau khi trưởng thành sẽ tự
tới đồn cảnh sát sửa họ, hiện tại gọi Giang Vân Ý cho quen trước.”
Phó Nham Phong không hỏi vì sao cậu sửa họ, cũng không hỏi gì thêm, lúc này
có người muốn bắt xe, Giang Vân Ý tự giác nhường đường.
Phó Nham Phong chở người ta rời khỏi bến xe, phản chiếu trong gương chiếu
hậu là hình ảnh Giang Vân Ý đi về phía cửa hàng trái cây, sau gáy là mấy sợi
tóc chổng ngược, gió thổi qua, mấy sợi tóc kia phấp phới dưới ánh rạng đông.
Giang Vân Ý không ngờ gặp lại người này nhanh như vậy, vốn định gặp lại thì
trả anh bao thuốc lá.
Nếu đã vậy thì nợ trước đã, khi nào mình có tiền thì trả lại sau, Giang Vân Ý
thầm nghĩ.
Mười giờ sáng, Phó Nham Phong chở một xe đồ gia dụng tới bến xe, thấy trước
cửa hàng trái cây đặt một thùng trái cây, người đang khom lưng sắp xếp đúng là
Giang Vân Ý, lúc khom lưng, xương sống dưới áo thun nhô lên rõ ràng.
Mười hai giờ trưa, theo thường lệ, Phó Nham Phong tới tiệm đồ ăn nhanh mua
một suất. Tiệm đồ ăn nhanh cách cửa hàng trái cây không xa, ở giữa chỉ có ba
cửa hàng. Xe đỗ trước tiệm đồ ăn nhanh, trước khi dùng bữa, Phó Nham Phong
ghé qua cửa hàng trái cây.
~Hết chương 2~