Còn một đoạn nữa mới về nhà, Phó Nham Phong không đáp lời, mãi đến khi đỗ
xe, kéo tay phanh tay mới quay sang nhìn.
Giang Vân Ý cũng quay người, kéo tay anh, dựa vào ánh đèn xe nhìn thoáng
qua, dọn đồ cả một ngày, bàn tay Phó Nham Phong có không ít vết xước, nhìn
qua thì tưởng là vết chai, nhưng thực ra đều là vết thương rất nhỏ.
“Không nghiêm trọng đâu.” Phó Nham Phong rụt tay lại, rút hai tờ khăn giấy
nhét vào tay Giang Vân Ý, “Lau nước mắt đi.”
Giang Vân Ý không nhận, cố chấp lặp lại: “Anh đừng vất vả như thế!”
Vất vả.
Trước khi Giang Vân Ý nhắc tới, Phó Nham Phong chưa từng tự hỏi vấn đề này,
giống như cá chưa từng hỏi nước là gì, cuộc sống đã tốt hơn trước rất nhiều, nếu
nói vất vả thì anh từng vất vả hơn thế này rồi.
Ba Phó Trung làm công cho người ta nhiều năm, sức khỏe Ngô Văn Hà thất
thường, từ khi có kí ức, anh đã giúp ba mẹ làm việc đồng áng, những năm thu
hoạch kém anh còn không đi học được. Năm lớp chín, ba xuất viện về nhà, nằm
trên giường nửa sống nửa chết, ngày nào cũng nhắc đến cái chết. Có hôm Ngô
Văn Hà mang một lọ paraquat ra bảo cả nhà chết cho xong việc, hôm ấy Phó
Nham Phong vừa lên núi đốn củi về thì bị bắt viết di thư, cuối cùng ba bức di
thư xếp ngay ngắn trên bàn bát tiên, một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi như
Phó Trung lần đầu tiên gào khóc trước mặt người nhà, hứa không bao giờ đòi
chết nữa, cả nhà phải cùng nhau sống thật tốt.
Sau đó Phó Trung qua đời, không chết vì tai nạn mà chết bởi các loại biến
chứng sau cắt cụt chi.
Tiền chữa bệnh ở bệnh viện lớn quá đắt, lúc Phó Trung tử vong, thầy lang bọn
họ mời đến mới rời đi, nói ông có không việc gì.
Phó Nham Phong nhớ rõ di thư năm ấy mình chỉ viết đúng một câu: Kẻ đáng
chết không phải chúng ta.
Chủ thầu lái xe đâm Phó Trung tàn phế một chân, anh phế cả hai chân người nọ,
bị phạt tù năm năm, mười sáu tuổi vào Trung tâm cải tạo, hai năm sau chuyển
sang ngục giam, hai mươi tuổi với biểu hiện tích cực được ra tù trước thời hạn.
Anh ngồi tù bốn năm trở về, tâm thế Ngô Văn Hà đã thay đổi, trải qua tất thảy,
bà hiểu tồn tại trên thế gian là ông trời ban cho, bà bảo từ nay chỉ hướng về phía
trước, không quay đầu nhìn quá khứ.
Khi còn nhỏ, lũ lụt ập tới ngôi làng, quét qua đất đai nhà Phó Nham Phong, lúc
ấy anh mới bảy, tám tuổi, Phó Trung bị chủ nhà xưởng khất nợ tiền lương mấy
tháng, Ngô Văn Hà phù chân không đi nổi, hàng ngày anh dùng quần áo cũ của
Ngô Văn Hà làm túi sang từng nhà hàng xóm xin đồ ăn như ăn mày.
Cuộc sống vô thường, ai biết bao giờ lại khổ sở, Phó Nham Phong không muốn
Ngô Văn Hà rơi vào kết cục chết vì nghèo như Phó Trung. Với anh, có nơi trú
ngụ, có ăn có mặc đã là ngày lành, ước mong lớn nhất là người nhà khỏe mạnh
bình an, đến nỗi có vất vả hay không, không nằm trong phạm vi suy xét của kẻ
như anh.
Anh biết Giang Vân Ý thương anh, không phải bởi không biết cuộc sống khó
khăn, mà hoàn toàn ngược lại, bởi vì không thể bằng dăm ba câu nói hết nỗi đau
lòng nên mới cố chấp bảo anh đừng vất vả.
Nước mắt Giang Vân Ý vẫn rơi, Phó Nham Phong lại gần chạm trán cậu, nói
mình không vất vả: “Thật sự không vất vả, những thứ đó nhìn thì nặng thôi, vác
lên nhẹ hều à.”
Giang Vân Ý mếu máo: “Anh gạt em.”
Phó Nham Phong mỉm cười, đôi môi hôn lên trán cậu.
Giang Vân Ý chu môi đòi hôn, Phó Nham Phong liền chạm lên môi cậu.
“Em muốn cái kia cơ…”
Giang Vân Ý muốn hôn lưỡi, Phó Nham Phong lại vỗ đầu cậu: “Nhóc con láu
cá.”
Giang Vân Ý khoanh tay nổi giận, yêu nhau hôn lưỡi thì làm sao!
Thật ra cậu từng suy nghĩ về kĩ năng hôn môi của Phó Nham Phong, anh hôn
cậu rất thoải mái, không biết có phải có kinh nghiệm từ trước hay không.
Nhưng nếu hỏi vấn đề này thì không phóng khoáng chút nào, vì vậy cậu chỉ tự
hỏi trong lòng chứ chưa hỏi thẳng ra lần nào.
Hôm nay về muộn, Ngô Văn Hà vẫn đang đợi bọn họ, xuống bếp nấu cho Giang
Vân Ý bát mì, biết Giang Vân Ý muốn ở lại một thời gian thì vừa hạnh phúc
vừa lo lắng, lo nhà mình điều kiện không tốt, không biết Giang Vân Ý ở có
thoải mái hay không.
Nhà bọn họ không có thói quen ăn khuya, Giang Vân Ý cũng không đói, vì thế
Phó Nham Phong bảo Ngô Văn Hà sau này đừng nấu: “Nếu em ấy đói thì con
nấu, mẹ ngủ sớm đi, không cần chờ bọn con đâu.”
Ngô Văn Hà bối rối hỏi anh: “Có phải người nhà Tiểu Vân không lo cho thằng
bé không?”
Giang Vân Ý thường xuyên sang nhà họ, Ngô Văn Hà không phải chưa từng
nghĩ cậu bị bỏ rơi, dù sao trong thôn có không ít phụ huynh ra ngoài làm công,
ba mẹ Giang Vân Ý hẳn là bận rộn một năm không về được mấy lần, nếu không
thì đã mua nhà trong thành phố rồi.
Ngô Văn Hà thừa nhận bản thân có tư tâm, bà thích Giang Vân Ý, chính mình
không sinh được áo bông nhỏ tri kỷ, bé ngoan nhà người khác bằng lòng ở với
bà, bà vui vẻ không hết, hận không thể giữ Giang Vân Ý lại mãi mãi, không bị
người nhà giục về, nên lén lút hỏi Phó Nham Phong.
Nhắc đến đây, Ngô Văn Hà lại muốn có con dâu, tiếc là con trai nhà mình
không có ý định này.
Bà chợt cảm thấy hối hận lúc trước mình bảo “Không vội”.
Vốn là không vội, nhưng ở chung với nhóc con Giang Vân Ý lại bắt đầu nôn
nóng.
“Con xem, nếu Tiểu Vân là con gái thì hay rồi…”
Ngày hôm sau, Giang Vân Ý biết Phó Nham Phong không bán hàng mà muốn
tới chợ đầu mối lấy hàng, ngay từ sáng sớm đã canh ở cửa, sợ anh không cho
mình đi cùng.
Phó Nham Phong lấy cơm thừa cho gà ăn, vừa ra khỏi cửa đã thấy Giang Vân Ý
đứng ngoài chuồng gà, tay cầm một cành cây khô, duỗi qua hàng rào chọc mấy
con gà bên trong.
Giang Vân Ý đang nghịch, quay đầu thấy Phó Nham Phong đi tới, nhoẻn miệng
cười.
“Không sợ gà nữa?” Phó Nham Phong liếc cậu, sau đó mở hàng rào đi vào.
Gà bị Giang Vân Ý chọc chạy toán loạn, Phó Nham Phong vừa vào, mấy con gà
mái nghịch ngợm vỗ cánh bay qua hàng rào cao bằng nửa thân người.
“A a a a a….”
Giang Vân Ý đứng ngoài chuồng ném cành cây, ôm đầu chạy.
Đại Hoàng đứng trong sân phối hợp sủa gâu gâu, cả sân đúng với hình dung gà
bay chó sủa.
Đến khi Phó Nham Phong bắt gà bỏ vào chuồng rồi quay lại, Giang Vân Ý đã
ngồi im ở bậc cửa, bị dọa đến nỗi sắc mặt trắng bệch.
“Sao thế, sao thế?” Ngô Văn Hà nghe thấy tiếng thì tập tễnh bước ra.
Giang Vân Ý còn sợ hãi, thấy Phó Nham Phong đứng một bên cười, hừ một
tiếng rồi quay đầu sang chỗ Ngô Văn Hà, không thèm nhìn anh nữa.
Phó Nham Phong giải thích hai câu, Ngô Văn Hà cũng cười theo.
Lúc này Giang Vân Ý mới thẹn thùng: “Con thấy gà bị nhốt trong chuồng, nào
ngờ chúng nó còn bay được…”
Sợ gà lại chọc gà, kết quả bị gà bay khỏi chuồng dọa đến nỗi thét chói tai, bản
thân Giang Vân Ý còn xấu hổ.
Ngô Văn Hà bảo Phó Nham Phong buổi tối về nhà thì nấu bát canh trứng trấn
an nhóc con.
Lăn lộn hồi lâu cuối cùng có thể ra cửa, Giang Vân Ý ngồi trên ghế phụ, hai tay
đặt lên đầu gối, giống như bị trận ban sáng dọa mà trở nên ngoan ngoãn.
“Ngoan thế cơ à.” Phó Nham Phong đánh vô lăng, liếc cậu một cái.
Ai ngờ mới được khen, vài phút sau thiếu niên đã nhoài ra cửa sổ ngắm phong
cảnh bên ngoài.
~Hết chương 22~