Trong lòng y, Lưu Bị mới là kẻ địch lớn nhất.
Đúng như những gì Tào Tháo đã dự đoán, sau khi Hứa Bình trở về Diên Tân, Hứa Du liền lập tức lệnh cho Tự Hộc và đại tướng Cao Phiền mau tới Bộc Dương thế chân.
Trước đây, hắn còn lễ phép thăm hỏi một chút, nhưng lần này căn bản không hề hỏi han, trực tiếp lệnh cho Tự Hộc và Cao Phiền tới đổi quân.
Lưu Bị giờ chẳng khác nào đang nằm trong tay Hứa Du, tất sẽ phải đối diện với sự báo thù tàn bạo của hắn. Vì thế lúc này Tào Tháo chọn tấn công Bạch Mã chính là để tạo cho Lưu Bị một lý do buộc phải xuất trận. Gã phải xuất binh để cứu viện Bạch Mã mới có thể chứng minh được sự trong sạch trước Viên Thiệu. Nếu không làm như vậy, Lưu Bị đừng mơ tới chuyện chiếm được nửa phần tín nhiệm của Viên Thiệu lần nữa, mà khi ấy gã đã không có chỗ dung thân ở Hà Bắc.
Chẳng qua, Lưu Bị quả thật đã ra trận.
Tuy nhiên phản ứng của gã lại khiến Tào Tháo cực kỳ cáu giận.
Người này gần như đã đi với tốc độ rùa bò, xuất phát từ Bộc Dương vào giờ Mão, nhưng cứ đi được bốn mươi tới năm mươi dặm đường lại nghỉ ngơi, mất quá nửa ngày.
Cũng có thể thấy, Lưu Bị nhất định cũng cảm nhận được tình hình, vì thế mới có phản ứng này.
Từng bước đi của gã đều rất cẩn thận, thám báo liên tục lui tới khiến Tào Tháo không thôi phiền não.Tuy nhiên Tào Tháo buộc phải kiên trì chịu đựng và chờ đợi.
Có thể nói, Lưu Bị đang chậm chạp, cố ý kéo dài thời gian.
Nói cách khác, Lưu Bị đang làm Tào Tháo mất hết kiên nhẫn.
Tuy nhiên lần này, Tào Tháo đã chuẩn bị kỹ càng, y tin rằng, Lưu Bị không dám không cứu viện Bạch Mã.
Thời gian chậm chạp trôi đi, gió cũng từ từ ngừng thổi.
Sau giờ ngọ, mặt trời buổi chiều dần chênh chếch, chiếu nghiêng khắp nơi, bao phủ một lớp áo khoác màu đỏ rực rỡ trên bình nguyên đầu xuân.
-Chủ công, Lưu Bị đã tới rồi.
Thám báo cuối cùng đã truyền đến một tin làm mọi người phấn chấn, Tào Tháo chợt nở nụ cười.
-Quân Minh, Trọng Khang.
-Dạ.
-Chuẩn bị xong rồi.
Điển Vi cười ha hả, một tay nhấc bổng trường kích lên:
-Chủ công yên tâm, nếu đại tặc đã đến, Điển Vi nhất định phải khiến gã chết không có chỗ chôn.
Hắn rất giỏi dùng song thiết kích.
Nhưng do là kỵ chiến nên Điển Vi đặt song thiết kích ở sau lưng, thay vào đó là một thanh trường kích.
Là một đại tướng thì mười tám vũ khí đều phải tinh thông như nhau. Về điểm này, Điển Vi mạnh hơn Hứa Chử rất nhiều. Hứa Chử giỏi sử dụng đại đao, trong khi đó Điển Vi có thể dùng mọi vũ khí đều xuất thần như nhau. Tuy nhiên nếu so đấu khí lực, Hứa Chử lại mạnh hơn Điển Vi một bậc.
Hứa Chử nhếch mép, để lộ ra hàm răng trắng như tuyết.
-Tên đại tặc đó sao còn chưa tới đây?
Đang nói thì ở phía cuối đường chân trời xuất hiện một nhóm nhân mã từ từ tiến đến.
Nơi đây gọi là Triệu doanh.
Cũng chính là nơi trước đây Nhan Lương chặn đánh Từ Hoảng.
Địa thế rất trống trải, thích hợp nhất cho đại quân dã chiến. Khi cờ của Lưu Bị đập rõ ràng trước mắt Tào Tháo, Tào Tháo đột nhiên thúc ngựa:
-Toàn quân xuất kích.
Một bên là Võ Vệ quân và bên kia là Hổ Bôn quân, tất cả đều ùa lên phía trước.
Hai đội quân áo giáp vừa xuất hiện, Lưu Bị cũng lập tức nhận ra.
Gã cười chua xót, hạ giọng nói:
-Ta biết mà, lão tặc Tào Tháo không đơn giản như thế.
Khi gã nghe tin Bạch Mã thất thủ thì phản ứng đầu tiên không phải là đi cứu viện mà là nghĩ cách giữ vững Bộc Dương. Bởi vì gã biết, đó nhất định là một cái bẫy, nhưng không ngờ rằng ba tên Vu Cấm, Lý Điển và Từ Hoảng lại đột nhiên dẫn binh lùi về phía sau ba mươi dặm và hạ doanh trại ở đó.
Tự Hộc không nói gì, vì trước khi hắn tới Bộc Dương đã nhận được thư của Tự Thụ.
Trong thư nói, không thể bức ép Lưu Bị quá đáng, tốt nhất cứ để gã ở lại Bộc Dương. Như vậy ít ra cũng có thể giúp Tự Hộc một tay.
Tuy nhiên Cao Phiền lại không đồng ý.
Cao Phiền là tử sĩ của Viên gia, vốn đóng quân trên sông.
Sau khi biết tin Bạch Mã thất thủ, Cao Phiền lập tức thỉnh cầu Lưu Bị xuất binh.
Nói là thỉnh cầu nhưng thực ra là ra lệnh. Lưu Bị trong lòng ngàn vạn lần không muốn làm theo lệnh nhưng đã là mệnh lệnh của Cao Phiền, gã cũng đành phải xuất binh. Chỉ là sau khi rời khỏi Bộc Dương, Lưu Bị luôn cố ý đi thật chậm chạp và rất dè dặt, tránh phải gặp quân mai phục của Tào Tháo, nhưng không ngờ rằng tới cuối cùng vẫn phải quyết chiến với y. Gã nhìn binh mã phía sau mà thầm cười cay đắng:
-Tam quân, dàn trận đón địch.
Nếu Từ Hoảng ở đây, nói không chừng hắn sẽ cười sằng sặc, sau đó nói:
-Đại tặc cũng có ngày hôm nay.
Phong thủyluân chuyển, lúc này cục diện mà Lưu Bị phải đối mặt có gì tương tự với cục diện Từ Hoảng gặp phải trước đây?Cùng là ở Triệu doanh, cùng bị người chặn đường, cùng là không thể lui về phía sau, chỉ có thể kiên trì nghênh chiến, lịch sử luôn có nhiều sự trùng hợp thú vị như vậy.
-Huyền Đức, còn không mau xuống ngựa đầu hàng?
Tào Tháo cười lớn, thúc ngựa tiến lên, thanh kiếm trong tay chỉ Lưu Bị từ xa.
Lưu Bị sa sầm nét mặt, một lúc lâu sau mới lạnh lùng nói:
-Lão tặc, ta hận không thể nuốt máu ăn thịt ngươi.
Hai người đã quá quen nhau, đến nỗi căn bản không cần trình bày gì nhiều. Một người là mối họa kịp lẩn thoát sau khi Tào Tháo diệt trừ những người lưu danh trên Y Đai Chiếu; Một người là kiêu hùng thời đó, dã tâm bừng bừng.
-Ai lấy thủ cấp của lão tặc kia cùng ta?
Lưu Bị hét lớn một tiếng, Trương Phi phía sau không nói lời nào đã xông ngựa, cầm mâu, lao về phía Tào Tháo.
Bên này Trương Phi vừa ra thì Hứa Chử trong Tào quân cũng lao ra, thúc ngựa, múa đao chặn Trương Phi lại.
Hai người đều là mãnh tướng hạng nhất có thần lực trời sinh, dũng mãnh khác thường. Lần này bọn họ đánh nhau, mọi người chỉ nghe thấy tiếng đao mâu va vào nhau cùng tiếng hô quát không dứt. Xét về võ nghệ, Trương Phi mạnh hơn Hứa Chử; Còn bàn về khí lực thì Hứa Chử lại có ưu thế hơn Trương Phi. Tuy nhiên Hứa Chử còn có một lợi thế nữa, đó là yên ngựa cao kiều, có thể giúp hắn giữ vững cơ thể, hai bàn đạp ngựa giúp hắn ngồi chắc chắn hơn, phát ra được sức mạnh lớn hơn, thậm chí ngay cả ngựa chiến cũng giúp hắn người ngựa hợp nhất, nhờ thế mà chiếm được thế thượng phong.
Gót sắt đuổi theo chiến mã của Trương Phi, còn con ngựa của Trương Phi cũng hết sức thông minh, vừa quan sát được tình hình không ổn, liền vội vàng né mình. Chỉ là lúc này Trương Phi khó ngồi yên được trên lung ngựa, khi giao phong với Hứa Chử đương nhiên cũng thấy tốn sức, dần dần không chống đỡ được.
Quan Vũ quan sát thấy vậy, đôi mắt xếch khép nhẹ đột nhiên trợn tròn lên, con ngựa y cưỡi hí một hồi dài, theo đà kéo Quan Vũ xông ra trận.
- Tên tiểu nhi đánh lén còn muốn càn rỡ sao?
Quan Vũ kéo đao lao về phía Hứa Chử, nhưng lại nghe thấy tiếng hô lớn của người bên phe Tào Tháo.
Điển Vi chấp kích xông lên, chiến mã hắn ngồi như một tia chớp màu đỏ, trong nháy mắt đã chặn đường đi của Quan Vũ.
Phải nói rằng con ngựa của Điển Vi có lai lịch không hề tầm thường. Con ngựa này chính là phong thú xích thố mà Lã Bố cưỡi trước kia.
Trong lịch sử, sau cuộc chiến ở Hạ Bì, Quan Vũ có ba điều quy ước với Tào Tháo, sau đó quy thuận Tào Tháo.
Tào Tháo tiếp đón Quan Vũ rất nồng hậu, ba ngày thiết tiểu yến, năm ngày thiết đại yến, lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc, sau đó còn tặng cả ngựa xích thố cho Quan Vũ và phong Quan Vũ chức Hán Thọ đình hầu... Nhưng dù vậy, do rất nhiều nguyên nhân, Tào Tháo dù vẫn thích Quan Vũ như trước nhưng người y xem trọng nhất vẫn là Điển Vi. Sau khi diệt Lã Bố, Tào Tháo tặng Phương thiên họa kích của Lã Bố cho Tào Bằng, còn tặng ngựa xích thố cho Điển Vi.
Điển Vi cười lạnh, trường kích xoay vòng, giáng một đòn xuống đầu Quan Vũ.
Quan Vũ vừa thấy, cũng chẳng màng chuyện đi giúp Trương Phi nữa, y vung đao đón lấy, đại đao va mạnh vào trường kích, phát ra tiếng nổ long trời.
Hai con ngựa hí lên những tràng dài, đồng thời lùi lại phía sau.
Tuy nhiên từ đòn này cũng có thể thấy, ngựa của Quan Vũ rõ ràng không bì được với ngựa xích thố.
Sau khi ngựa xích thố lui lại mấy bước liền lao ra lần nữa, còn ngựa của Quan Vũ lại vì phải chịu một uy lực lớn nên buộc phải lùi lại liên tục về sau. Khi chiến mã dừng lại, Quan Vũ định xung phong thì Điển Vi đã tới trước mặt. Trường kích lại chém xuống mạnh kinh người. Lưỡi kích xé toạc không khí, phát ra tiếng vang chói tai. Trường kích chưa đến nhưng cương phong đã dồn Quan Vũ phải dốc sức chống trả, cánh tay run lên tê dại.
Điển Vi cũng thầm khen ngợi tên Quan Vũ này quả thật phi phàm.
Nhưng khen thì vẫn là khen, hắn sẽ không mảy may nể tình.
Trường kích múa may, kích vân quay cuồng, kích ảnh tầng tầng lớp lớp. Quan Vũ cắn răng, lấy hết sức chiến đấu cùng Điển Vi.
Trong lịch sử, Quan Vũ mang lại cho mọi người cảm giác về một thích khách thiên hạ vô song.
Trong các trận đánh thành danh của Quan Vũ, dường như toàn bộ đều là đối phương bị trúng một đao mất mạng, tuyệt nhiên y không cho kẻ địch bất kỳ cơ hội nào. Sức bật của Quan Vũ cực kỳ mạnh, như sư tử vồ thỏ, ba đao trước hung hãn dị thường nhưng sau ba đao, nếu không thể giết địch thì Quan Vũ sẽ bước vào giai đoạn giằng co.
Như trong Tào Quế luận chiến đã nói, một đao mà tiếp sẽ có ba đao, ba đao sau nữa ắt sẽ suy.
Hậu thế có rất nhiều người nói rằng đao pháp của Quan Vũ xuất phát từ Xuân Thu tả truyện, có vẻ cũng có lý.
Ít nhất khi Quan Vũ giao thủ với đối phương có hơi mang dấu vết của Tào Quế luận chiến. Hơn nữa, ngựa xích thố của y khi đó cũng là một con ngựa quý có sức bật siêu cường. Hai thứ phối hợp với nhau đương nhiên có thể tạo ra uy lực khủng khiếp, thế nhưng hiện giờ...
Ngựa xích thố tới tay Điển Vi, đao pháp của Quan Vũ dù vẫn tàn nhẫn như trước nhưng uy lực ít nhất đã giảm mất ba phần.
Còn ngựa xích thố, yên ngựa, bàn đạp và móng sắt đã được trang bị đầy đủ, làm cho Điển Vi như hổ thêm cánh. Trong tình cảnh này, chỉ ba mươi hồi, đao pháp của Quan Vũ đã bắt đầu tán loạn. Lưu Bị quan sát ở phía sau cũng không khỏi hết hồn lo sợ. Gã bắt đầu hối hận vì đã không đem Triệu Vân đi cùng. Nếu có Triệu Vân ở đây thì khi xông vào chém giết Tào Tháo, ít nhất gã sẽ không bị thiệt thòi về phương diện võ tướng.
-Chủ công, nhị tướng quân và tam tướng quân hình như không trụ nổi nữa rồi.
Trần Đáo thúc ngựa tiến lên, thì thầm vào tai Lưu Bị.
Lưu Bị khẽ gật đầu.
Lão tặc Tào Tháo không hiểu đã phối đồ vật gì lên ngựa của Điển Vi và Hứa Chử mà lực kỵ chiến của hai tên này được nâng cao rõ rệt.
Chủ công còn nhớ năm ngoái khi giao phong với Hổ Báo kỵ binh của lão tặc, Hổ Báo kỵ binh dường như cũng được trang bị như thế này.
Lưu Bị gật đầu tiếp, thầm hạ quyết tâm, nhất định phải nghĩ cách tìm ra bí mật này.
Tuy nhiên lúc này, gã đã không còn thời gian để cân nhắc tới trang bị của Tào Tháo. Mắt thấy Quan Vũ, Trương Phi đều đã rơi xuống thế hạ phong, Lưu Bị cũng biết đã tới lúc liều chết một phen. Trước đây, gã luôn không chịu xuất kích là vì lo Tào Tháo còn có hậu chiêu. Không đúng, nhất định y còn có hậu chiêu.
Đâu ngờ Tào Tháo còn chưa ra chiêu, bên phía gã đã sắp không chống đỡ nổi nữa.
-Xông lên xuất kích.
Nói rồi, Lưu Bị rút thư hùng song kiếm ra.
Lúc này, gã sử dụng thư hùng song kiếm, nói là kiếm nhưng thực ra có chút giống với trảm mã đao hơn. Thân kiếm đặc biệt dài, hơn nữa cũng rất rộng. Hai thanh kiếm nặng tới ba mươi sáu cân, cũng xứng là hai thần binh. Hai thanh kiếm này do Đổng Thừa tặng cho Lưu Bị sau khi gã ký tên vào Y Đai Chiếu ở Hứa Đô. Còn người tạo ra hai thanh đại kiếm này chính là cha Tào Bằng tên là Tào Cấp. Khi ấy, tiếng tăm của Tào Cấp vang xa, từng có thỏa thuận với Tào Hồng rằng cứ ba tháng sẽ rèn cho Tào Hồng một cây đao. Thư hùng song kiếm này được tạo ra lúc đó, sau khi qua tay Tào Hồng, y đã bán giá cao cho Đổng Thừa. Về tính chất nó không so được với Hà nhất song đao, nhưng cũng là hai vũ khí sắc bén hiếm có thời điểm này.
Lưu Bị chuẩn bị đích thân xuất chiến.
Luận về võ nghệ, Lưu Bị chắc chắn không so được với đám Trương Phi, Quan Vũ, thậm chí ngay cả Quan Bình cũng thắng gã một bậc.
Tuy nhiên, gã chẳng phải loại thư sinh trói gà không chặt. Nghĩ lại trước đây khi khởi binh ở Trác quận, Lưu Bị cũng dựa vào võ nghệ của mình mà chém chết không ít quân địch.
Chẳng qua, hậu thế chỉ nói tới Quan Vũ và Trương Phi, làm cho Lưu Bị có vẻ mờ nhạt hơn.
Lúc này, trời chiều đã xuống núi, sắc trời mờ tối...
Hai quân đều đã đốt đuốc, Tào Tháo thấy Lưu Bị chuẩn bị xuất chiến là biết gã sắp không còn chống đỡ nổi nữa.
Ta đang chờ ngươi ra tay đây.
Tào Tháo rút kiếm chỉ về phía trước:
-Nhạc Tiến, xuất kích.
Trống trận vang lên ầm ầm, trường thủy doanh của Nhạc Tiến xông đến với khí thế dời non lấp bể, đánh về phía binh mã của Lưu Bị.
Trong phút chốc, tiếng la giết quanh quẩn trên không ở Triệu doanh, gần vạn người quần đấu một chỗ, đao phương vun vút, cảnh chém giết vô cùng thê thảm. Trong ánh lửa, máu tươi phun ra, chân tay bị chặt đứt rơi khắp mặt đất. Nhạc Tiến cắn răng, trừng mắt, đại đao trong tay tung bay, chém giết tới mức máu chảy thành sông.
Rầm rầm, rầm rầm.
Tiếng trống trận càng lúc càng vang dội, Tào Tháo khẽ khép hai mắt lại.
-Tử Khác, Công Lưu, xuất kích.
-Vâng.
Lã Càn và Sử Hoán đã không kiên nhẫn được từ lâu, tiếng la giết dội thẳng vào hai người họ, kích thích nhiệt huyết sục sôi.
Nghe nói Tào Tháo ra lệnh, hai người lập tức dẫn bộ binh lao ra.
Tào Bân nói:
-Hay là hạ lệnh cho Hổ Báo kỵ binh xuất kích?
-Không vội.
Tào Tháo nhìn chăm chú vào chiến trường, hạ giọng nói:
-Chờ thêm chút nữa.
Lưu Bị dù ra vẻ đọ sức, nhưng trận hình lại không hề hỗn loạn.
Còn có một nhóm nhân mã vẫn đang quan sát cuộc chiến ở phía sau. Nói là quan sát chiến sự, thực ra nên dùng từ theo dõi để hình dung hợp lý hơn. Trang phục của những binh mã đó rõ ràng không giống với quân của Viên Thiệu khi vào chiến trường. Bọn chúng mặc áo khoác màu trắng, khiên đeo bên trái, đao bên phải, khí thế dũng mãnh.
Bạch Mạo binh!
Đây là đội Bạch Mạo binh tinh nhuệ nhất dưới quyền Lưu Bị.
Số lần giao phong giữa Tào Tháo và Lưu Bị không nhiều, thảo phạt Đào Khiêm coi như là một lần, sau đó chắc chỉ còn đại chiến Nhữ Nam.
Tuy vậy không có nghĩa là Tào Tháo không hiểu Lưu Bị.
Uy dũng của Bạch Mạo binh, nhớ ngày đó cũng từng khiến Tào Tháo thèm thuồng không thôi. Tuy nhiên, hiện giờ y nắm ba đội quân tinh nhuệ trong tay là Võ Vệ, Hổ Bôn và Hổ Báo kỵ binh nên sự đố kỵ và ngưỡng mộ ấy đã giảm bớt rất nhiều. Thế nhưng cho dù như vậy, Tào Tháo vẫn hết sức cảnh giác đối với sức chiến đấu của Bạch Mạo binh.
Không sai, đến nay Bạch Mạo binh của Lưu Bị quả thật không bì được với Bạch Mạo khi ở Từ Châu trước đây.
Qua nhiều lần giao tranh, đội Bạch Mạo tinh nhuệ đã chịu tổn thất rất nhiều. Mặc dù, sau đó đã bổ sung thêm một số quân ở Nhữ Nam nhưng sức chiến đấu suy cho cùng vẫn không bằng lúc trước.
Chỉ có điều, Tào Tháo vẫn không hề khinh địch một chút nào, vẫn giữ lại ba đội binh mã Hổ Báo kỵ binh, Hổ Bôn và Võ Vệ, đợi mệnh lệnh giao chiến cuối cùng từ Lưu Bị. Tam giáo gộp lại, binh lực vẫn có phần không đủ. Lưu Bị tay múa song kiếm, rong ruổi trong quân, sát pháp cực kỳ sắc bén, linh hoạt.
Đồng thời, còn có Quan Bình tương trợ, khiến cho Lã Càn và Sử Hoán phải liều mạng mới chặn được hai người.
Huynh đệ Hạ Hầu Thượng và Hạ Hầu Ân nóng lòng muốn được tỷ thí trong trận này, nhưng không có lệnh của Tào Tháo nên hai người cũng không dám tự tiện xuất chiến, sợ ảnh hưởng tới chiến cuộc.
-Tử Vũ, Bá Nhân, hai ngươi dẫn Võ vệ binh xuất kích.
-Vâng!
Thấy chiến sự đi vào thế giằng co, Tào Tháo không khỏi nhíu mày.
Đây không phải là cục diện y muốn nhìn thấy. Hai người Hạ Hầu Ân và Hạ Hầu Thượng đúng là con nghé mới sinh không biết khiếp sợ hổ, sau khi nhận được lệnh lập tức dẫn Võ vệ quân xông vào chiến trường. Ban đầu, quân Viên Thiệu hơi chiếm thế thượng phong, thế nhưng khi một nghìn năm trăm quân Võ vệ lao vào, đã có sự thay đổi. Quân Võ vệ chủ yếu là người của Hứa thị tộc, theo Tào Tháo chinh phạt nhiều năm, sự dũng mãnh của bọn họ không hề thua kém Hổ Bôn quân.
Lưu Bị lúc này đang miệt mài chiến đấu, song kiếm bay lên bay xuống, chém vun vút hai bên.
-Thản Chi, cùng ta đi chặn hai tên đó lại! truyện được lấy tại TruyenFull.vn
Vừa nói, gã đột nhiên phát lực, song kiếm càng quay càng nhanh hơn.
Nhất thời, Lã Càn và Sử Hoán không làm gì được Lưu Bị, thậm chí còn hơi bị gã áp chế.
Quan Bình hét lớn một tiếng, thúc ngựa lao tới chỗ huynh đệ Hạ Hầu Thượng. Ở phía sau, Trần Đáo đang đứng quan sát trận chiến. Vẻ mặt trầm tĩnh, hắn quay đầu nói với Tôn Càn:
-Công Hữu, ta để lại hai trăm người cho ngươi, ta dẫn bộ binh tham chiến. Nếu tình thế không ổn, ngươi phải bảo vệ chủ công rút lui, ta cản ở phía sau.
-Được!
Tôn Càn cũng rút bội kiếm ra, tư thế sẵn sàng hành động.
Trần Đáo giương cao đại thương, lớn tiếng quát:
-Bạch Mạo, xuất kích!
Tám trăm Bạch Mạo binh đồng loạt hò hét, chạy ào ào vào chiến trường.
Đừng tưởng chỉ có tám trăm người nhưng đây lại là đội quân tinh nhuệ nhất của Lưu Bị, đã theo Lưu Bị chiến đầu liên tục ở nhiều nơi, kinh nghiệm phong phú, sát pháp dũng mạnh khác thường.
Sau khi Bạch Mạo xông vào chiến trường, tình hình đã thay đổi.
Tào Tháo quan sát ở bản trận, thấy Bạch Mạo xuất kích liền cười gằn độc ác.
-Hổ Bôn, xuất kích.
Y rút bảo kiếm, thúc ngựa xông lên.
Phải biết rằng, Tào Tháo cũng là người thiện chiến.
Trước kia y là kỵ đô úy, từng dẫn đầu binh sỹ, chém giết quân Hoàng Cân. Xét về võ dũng, chưa chắc Tào Tháo đã kém Lưu Bị nhiều lắm.
Sau khi Hổ Bôn quân tham chiến, quân Tào Tháo như được chắp thêm đao khiên trong tay, binh mã mạnh thêm một phần. Lúc trước, Tào Bằng bảo Điển Vi huấn luyện Hổ Bôn xếp thành hàng, đi lại, đứng theo tư thế, thực ra là một sự rèn luyện đối với quân Hổ Bôn. Chỉ xét về sức chiến đấu mà nói, Hổ Bôn quân vượt trội hơn Võ vệ quân. Từ hơn mười vạn binh sĩ, Tào quân chọn ra những người tinh nhuệ, sau đó lại được huấn luyện chính quy, phối hợp cực kỳ ăn ý.
Ba người một nhóm, Hổ Bôn quân tuyệt không một chọi một với Bạch Mạo binh.
Vũ khí sắc bén nhất của bọn họ chính là sự phối hợp thuần thục với nhau. Sau khi xông lên, thường là ba người hoặc năm người vây lấy một người, loáng cái đã giết chết đối phương, sau đó lại tìm tiếp mục tiêu khác. Một tên Hổ Bôn giương khiên đập gãy trường mâu mà quân Viên Thiệu đâm tới, sau đó hai người xông lên chém giết, một phong kín một giương lên, phối hợp như nước chảy mây trôi. Một tên trong quân Viên Thiệu liền ngã gục trong biển máu. Văn Ngọc Đông là người dẫn đầu tiểu đội của Hổ Bôn, đại đao hung hãn vụt qua cổ của một tên quân Viên rồi lập tức lớn tiếng quát:
-Hổ Bôn, biến trận.