Cho nên, Triệu Vân chỉ có thể làm võ tướng, chứ không thể làm thuyết khách.
Bàng Đức thì bất kể người mà Triệu Vân nói tới là ai.
Y là gia tướng của Tào Bằng, Triệu Vân nói y “giúp Trụ làm tàng”, đương nhiên là ám chỉ Tào Bằng. Nói cho cùng, Tào Bằng đối với Bàng Đức không tệ, coi y như người tâm phúc. Kể từ hồi bị bắt ở vịnh Lô Thủy, cho đến sau này Bàng Đức quy thuận, Tào Bằng đối đãi với Bàng Đức phải nói là hết sức thân tình nồng hậu. Còn Bàng Đức thì sao? Y lại là một người thẳng tính, người kính ta một thước, ta kính người một trượng, đối với ân tri ngộ của Tào Bằng đối với y thì lại càng không cần phải nói.
Cho nên, Triệu Vân nói ai cũng được, nhưng không được nói động đến Tào Bằng.
<!--Ambient video inpage desktop-->
Miệng lưỡi của hắn không tồi, nên phản pháo ngay Triệu Vân một câu.
Triệu Vân phần vì xấu hổ, phần vì không hài lòng với thái độ cứng rắn của Bàng Đức, kết quả là hai bên quay qua nhìn nhau đầy thù địch như thế này.
-Tử Long, đây là bức thư Tử U nhờ ta chuyển cho ngươi. Thanh bảo kiếm này, tên gọi Kinh Hồng, là tác phẩm năm nay của gia phụ (cha ta), vốn là gửi tặng cho Tử U, nhưng không ngờ Tử U lại gửi tới đây, nhờ ta chuyển tặng cho ngươi. Còn nói “bảo kiếm tặng anh hùng”, chắc hẳn Tử U cho rằng, chí có Tử Long mới xứng đáng sử dụng thanh kiếm Kinh Hồng này. Xin Tử Long mang về cho.
Triệu Vân nghe nói vậy, giật mình.
“cha của Tào Bằng là ai?”
Đó là Ẩn Mặc Trùy Tử danh tiếng vang lừng, là bậc thầy đúc binh khí đương đại.
Mấy năm nay Tào Cấp rất ít khi rèn đao đúc kiếm, một phần là do địa vị, mặt khác là do ông ta không có thời gian.
Thân là Thứ sử Lương Châu, mặc dù không đến mức trăm công ngàn việc, nhưng cũng bận rộn đủ thứ việc.
Mặc dù bên cạnh ông ta có rất nhiều phụ tá giúp sức, bất luận là Từ Thứ hay Hám Trạch, đều có thể san sẻ bớt gánh nặng công việc với Tào Cấp, nhưng vẫn làm không hết việc. Cho nên, Tào Cấp gần như là đóng cửa lò rèn, rất ít khi rèn đao đúc kiếm. Nếu không phải do vào cuối năm Kiến An thứ mười, Tào Bằng sáng tạo ra phương pháp rèn lưỡi đao dưới đất, gây sự chú ý với Tào Cấp, thì chẳng gì có thể khiến cho ông ta mở lại lò rèn kiếm. Năm Kiến An thứ mười một, Tào Cấp bỏ ra thời gian nửa năm, dùng phương pháp rèn lưỡi đao dưới lòng đất, kết hợp với trí nhớ về việc rèn đao đúc kiếm trước kia, tổng cộng làm ra bảy thánh kiếm ba thanh đao, khiến cho vô số người thèm đến nhỏ dãi.
Tuy nhiên, không ai dám đến tìm Tào Cấp hỏi lấy.
Bởi vì mười thanh đao kiếm này vừa ra lò là đã có chủ nhân rồi.
Trong số đó, Khai Thiên Kiếm là làm cho Tào Tháo, Trấn Xích song kiếm một thanh thuộc về Quách Gia, một thanh thuộc về Tuân Úc.
Hạ Hầu Uyên được một thanh Long Uyên, Tào Nhân được một thanh Truy Phong. Sở dĩ Hạ Hầu Lan có thể có được thành Kinh Hồng, là do nhờ Tào Bằng nói giúp, nên đặc biệt để lại cho hắn.
Còn lại một thanh Kim Phong thì thuộc về Vương Mãi.
Bởi vì tên tự của Vương Mãnh là Thiên Kim, và thanh Kim Phong kiếm này là Tào Cấp đúc ra để tưởng nhớ đến Vương Mãnh, đương nhiên là phải tặng cho Vương Mãi.
Ba thanh bảo đao, lần lượt được đặt tên là Lương Châu Long Tước, Hà Tây Thanh Cương và Tây Cực Hàm Quang.
Trong số đó, Lương Châu Long Tước là Tào Cấp tự mình sử dụng, Hà Tây Thanh Cương tặng cho Giao Phạm, còn Tây Cực Hàm Quang thì trở thành bội đao bên mình của Tào Bằng. Sự ra lò của mười thanh đao kiếm này, quả thực đã làm dấy lên một cơn chấn động. Nguyên nhân ư… hết sức đơn giản, vì Tào Cấp quyết định đóng lò, từ giờ trở đi sẽ không chế tạo binh khí nữa.
Cũng có nghĩa là, mười thanh đao kiếm này là tác phẩm cuối cùng của Tào Cấp trước khi đóng lò, cũng là đại diện cho tài nghệ đỉnh cao nhất của Tào Cấp trong sự nghiệp chế tạo binh khí.
Sau này, những “Cấp tạo thần binh” (binh khí thần kỳ do Tào Cấp chế tạo) trên thị trường sẽ trở nên vô giá. Ngoại trừ một số còn được lưu trữ trong “thần binh các” của nhà họ Tào ra, trên thị trường sẽ rất khó tìm thấy thêm những tác phẩm của Tào Cấp.
Khi đó Tào Bằng cũng tỏ thái độ tiếc nuối.
Nhưng Tào Cấp nói với hắn, ông ta đã tìm thấy hậu nhân của vị sư huynh quá cố, sẽ truyền thụ hết tài nghệ cho người đó kế thừa.
Tào Bằng có nhớ, khi xưa Tào Cấp có một vị sư huynh, họ Bồ. Nhưng rồi sau đó mất liên lạc, không ngờ lại còn có hậu nhân còn sống sót trên thế gian.
Khi Triệu Vân nghe nói thanh bảo kiếm trước mắt là do Tào Cấp làm ra, y không khỏi giật mình.
Khi Tào Bằng đưa bức thư và thanh bảo kiếm cho Triệu Vân, y không khỏi có chút luống cuống.
-Xong rồi, việc mà Tử U muốn ta làm, cuối cùng ta đã làm xong. Nếu như Tử Long có viết thư trả lời, thì cứ cho người đưa đến phủ ta, ta sẽ cho người chuyển đến cho Tử U. Trời đã không còn sớm nữa, nếu Tử Long không có việc gì, thì ta cũng không giữ ngươi nữa.
Triệu Vân lại ngạc nhiên thêm một lần nữa.
Y vốn cho rằng, Tào Bằng đưa thư và Kinh Hồng kiếm tặng cho y rồi, sẽ nói vài lời giữ khách.
Đương nhiên, Triệu Vân sẽ không do dự gì mà nói lời cự tuyệt với Tào Bằng.
Nhưng người ta lại không nói thêm lời nào, mà tiễn khách luôn, quả thật khiến cho Triệu Vân có chút khó hiểu… Chần chừ một lát, đoạn Triệu Vân chắp tay:
-Vân hôm nay mạo muội, quấy rầy công tử, mong công tử lượng thứ. Nhưng, tuy hôm nay công tử tặng bảo kiếm cho Vân, ngày sau trên chiến trường Vân cũng sẽ nhất định không niệm tình đâu.
Tào Bằng nghe vậy khẽ mỉm cười.
-Vậy chúng ta hẹn gặp nhau trên chiến trường để giải quyết vậy.
Nói xong, hắn khoát tay một cái, đoạn quay người đi trở vào phòng ngủ.
Cùng với cánh cửa phòng đóng lại, trong lòng Triệu Vân cũng dâng lên một luồng cảm xúc khó tả.
-Này, đi theo ta… đừng có giở trò trèo tường nữa, rồi lại nói công tử nhà chúng ta không biết đãi khách.
Bàng Đức nói chuyện quả là không chút khách khí.
Triệu Vân đỏ bừng mặt, trừng mắt lườm Bàng Đức một cái:
-Vậy xin dẫn đường.
Trong sân viện lại trở nên yên tĩnh.
Tào Bằng đặt quyển sách đang cầm trên tay xuống, đứng dậy uể oải vươn vai, đoạn thổi tắt ngọn đèn trên hương án. Hắn đi ra ngoài phòng ngủ, đứng ở trên hiên, tay vịn lan can, đưa mắt nhìn lên vầng trăng sáng tỏ trên bầu trời đêm. Hai con mắt không biết tự lúc nào khép thành một đường thẳng nhỏ, những ngón tay gõ nhẹ xuống thành lan can.
Vừa rồi, không phải là hắn không muốn lôi kéo Triệu Vân.
Phải biết rằng, kiếp trước của Tào Bằng là một người hết sức trung thực.
Trong “Tam quốc”, nhân vật mà hắn yêu thích nhất e rằng chính là Triệu Vân.
Đặc biệt là hình tượng Triệu Vân bảy tiến bảy xuất trong “dốc Trường Bản”, đời sau được lưu truyền thành rất nhiều bản kịch hát, khắp đại Giang Nam Bắc, già trẻ lớn bé đều biết đến.
Từ lâu rồi, khi biết Hạ Hầu Lan và Triệu Vân là chỗ bạn bè chơi với nhau từ nhỏ, Tào Bằng đã có ý định muốn lôi kéo mời chào Triệu Vân. Nhưng mãi đến tận sau này hắn mới biết, muốn lôi kéo mời chào được người tài ở thời đại này không thể chỉ dựa vào một hai lời nói mà đạt được mục đích. Lúc trước, một Hạ Hầu Lan đã phải tốn không ít công sức. Càng không cần nói đến Cam Ninh, sở dĩ y nương tựa chỗ Tào Bằng cũng là do có nguyên nhân đặc biệt.
Vì muốn mời chào Bàng Đức, Tào Bằng có thể nói là đã trả giá bằng tâm huyết rất lớn.
Còn nay người muốn lôi kéo mời chào là Triệu Vân, vậy thì mức độ khó khăn còn phải hơn xa Cam Ninh với Bàng Đức nữa…
Vào những năm cuối thời Đông Hán, muốn lôi kéo người tài cần phải có rất nhiều chú ý. Tào Tháo lập nghiệp, là nhờ vào sự ủng hộ của người trong dòng tộc và người nhà Hạ Hầu. Nhưng ông ta cũng có chính thức lôi kéo được người tài, đó chính là vào lúc ông ta thảo phạt Đổng Trác, sau khi một mình dẫn quân truy kích. Lúc đó chư hầu công hãm Tuy Dương, chỉ có hai người là Tào Tháo và Biệt Kiên là đi truy đuổi. Toàn bộ đội quân của Tào Tháo bị tiêu diệt, nhưng ngược lại ông ta lại đạt đựơc danh tiếng cực lớn, rồi sau đó mới thu phục được đám người Tuân Úc quy thuận.
Về phần Viên Thiệu thì lại càng không phải nói.
Đắc tội với Đổng Trác, phải vứt bỏ quan tước mà chạy, chạy đến vùng hoang vu là quận Bột Hải.
Nhưng lại dựa vào xuất thân của ông ta mà thu hút được một lượng lớn nhân tài. Kể cả sau này, khi ông ta đoạt lấy Ký Châu cũng chẳng phải tốn nhiều công sức, có rất nhiều người nguyện ý đi theo.
Cái này gọi là “nhờ vào sức mạnh của xuất thân”!
Không có danh vọng, không có xuất thân, vậy thì chỉ có thể dựa vào cơ duyên.
Ví dụ tốt nhất chẳng phải là ba người Lưu Quan Trương đó sao.
Khi đó Lưu Bị chẳng qua chỉ là một viên Tịch phán lý, lại có thể kết đồng chí hướng với Quan Vũ, Trương Phi. Trong chuyện này còn có nhân tố khác, đó là sức thu hút của bản thân Lưu Bị, cũng đồng thời là nhờ cơ duyên mà nên. Nếu như không có loạn Khăn vàng, nếu như không có chuyện Trình Chí Viễn dẫn quân đến Trác quận, lại tỏ ta e sợ ba người Lưu Trương Quan, thì dù bọn họ có gặp nhau đi nữa thì cũng chỉ là người lạ mà thôi.
Tào Bằng có danh vọng, cũng có được một xuất thân.
Nhưng muốn lôi léo mời chào Triệu Vân thì cơ hội tốt nhất đã bị lỡ mất rồi.
Nếu vẫn cố miễn cưỡng lôi kéo mời chào, ngược lại sẽ phản tác dụng. Những chuyện như thế này quả đúng là phải có thời cơ thích hợp…cho nên đối với việc này, Tào Bằng cũng chẳng có cách nào cả.
Hắn đứng trên hiên, khe khẽ lắc đầu.
Lúc nãy, nếu cứ cố tình cưỡng ép mà giữ Triệu Vân lại, e rằng thứ mà hắn giữ lại được chỉ là một xác chết mà thôi.
Muốn mời chào, quá khó.
Lòng trung thành của Triệu Vân đối với Lưu Bị rất khó lay chuyển. Y lại là một người nhận thức cứng nhắc, khăng khăng một ý, khéo lách kẽ hở, những điều này càng làm cho độ khó tăng them.
Nếu không phải vậy, dựa vào mối thiện cảm của Triệu Vân đối với Lưu Bị, khi Lưu Bị chiếm cứ Từ Châu, y hoàn toàn có thể ở lại bên cạnh Lưu Bị.
Nhưng Triệu Vân lại vẫn lựa chọn rời khỏi Lưu Bị, trở về bên chỗ Công Tôn Toản. Không phải là vì y có mối thiện cảm lớn lao gì với Công Tôn Toản, mà là vì y không muốn mang tiếng là kẻ phản chủ.
Nghĩ đến đây, Tào Bằng khẽ vỗ vỗ lên trán.
Chuyện này đúng là phiền phức.
Giết chết Triệu Vân?
Tào Bằng thực sự là không nỡ.
Nhưng nếu như không thể lôi kéo được Triệu Vân, thì người này sẽ trở thành một mối uy hiếp với hắn.
Nếu thực sự không được, thì chỉ còn nước…
Nghĩ đến đây, theo bản năng Tào Bằng nắm chặt bàn tay lại.
Phía sau có tiếng bước chân vang lên, Tào Bằng không quay đầu lại.
- Công tử, đã tiễn người đó đi rồi.
Bàng Đức bước đến bên cạnh Tào Bằng, hạ giọng nói:
- Ta thấy công tử có vẻ rất coi trọng người này, tại sao lúc nãy lại không giữ y lại?
- Lệnh Minh, người này thân thủ thế nào?
- Tuy chưa giao chiến qua với nhau, nhưng y nhất định mạnh hơn ta một bậc. Tuy nhiên nếu ta và công tử cùng ra tay, thì trong vòng năm mươi hiệp, nhất định có thể hạ được y. Nếu có sự hỗ trợ của ám sĩ nữa, thì y nhất định không chống đỡ nổi hai mươi hiệp.
Bàng Đức tuy không ưa gì Triệu Vân, nhưng những lời y nói đều là có sao nói vậy, không chút giả dối.
Tào Bằng mỉm cười, nhẹ giọng nói:
- Nếu có giữ được, cũng chỉ là một cái xác mà thôi, bậc anh hùng như vậy mà chết như thế thì quả thực có chút đáng tiếc. Hơn nữa, Tử U và y là bạn tốt từ nhỏ, nếu là giết y há chẳng phải khiến Tử U đau lòng hay sao? Hôm nay cứ kết chút tình giao hảo trước đã, sau này nếu như có duyên, thì tất sẽ được như ý nguyện. Tuy nhiên Lệnh Minh ngươi vẫn cần phải cẩn thận, nếu có gặp phải người này trên chiến trường, cũng không được khinh địch. Người này dù sao cũng là đệ tử thân truyền của Thương tuyệt Đồng Uyên, thương pháp xuất chúng, hơn nữa lại can đảm cẩn trọng, cần phải cẩn thận.
Bàng Đức đi theo Tào Bằng cũng đã được hơn ba năm rồi.
Lần này là lần đầu tiên nghe Tào Bằng dùng cách nói trịnh trọng như thế này để nhắc nhở y phải cẩn thận với một ai đó.
Trên mặt lập tức lộ vẻ nghiêm túc, chắp tay nói:
- Công tử cứ yên tâm, nếu có gặp người này trên chiến trường, Đức sẽ cẩn thận một chút.
- Vậy thì tốt!
Tào Bằng khẽ mỉm cười, ánh mắt thâm thuý nhìn về nơi xa xăm ở hướng tây.
Lưu Huyền Đức, rốt cục cũng có thể giao tranh trực diện với ngươi… chỉ có điều không biết lần này, liệu ngươi còn có thể giữ được vận may nữa hay không?