Đã mang tiếng là thằng tù, giờ đây Tuấn còn thêm cái danh đầu trộm, đuôi cướp. Cu Nam đi học bạn bè không ai dám đến gần vì bố mẹ chúng ngăn cấm, ông Quý đã già nên ông ít ra đường, nhưng mỗi khi đi đâu ông cũng bị người làng, người xóm mỉa mai, dè bỉu. Vân sinh xong ở cữ, cô biết những việc chồng làm, mặc sức khuyên can nhưng Tuấn không nghe. Từ một người chồng yêu vợ, thương con, nay Tuấn bỗng biến chất, dù rằng việc Tuấn làm cũng vì mục đích lo cho vợ, lo cho hai con, nhưng sao nó cay đắng, tủi nhục đến vậy.
Có lần Vân nói:
- - Anh đừng làm thế nữa, bà con hàng xóm, rồi cả những người ở chợ họ chửi ghê lắm.
Tuấn cộc cằn:
- - Chửi à, thằng nào, con nào, đứa nào chửi...Em bảo chúng nó đến đây gặp anh. Đm, anh đấm cho vỡ mồm cho lần sau chúng nó khỏi chửi. Mà anh có làm gì đâu...?
Vân đáp:
- - Anh không làm nhưng bọn đàn em anh nó làm, anh biết không, ngày hôm qua nhà bác Năm mất con chó giữa ban ngày ban mặt. Bác ấy cũng khổ chứ có giàu sang gì đâu, chồng chết trong chiến tranh, có đứa con gái đi làm ăn xa 1 năm về được có 1 lần. Con chó bầu bạn, trông nhà cũng bị bắt mất.
Tuấn gắt:
- - Mất chó sao lại hỏi tao...? Tao trộm chó nhà bà ấy đâu mà mày cứ quy hết tội cho tao thế hả...?
Tuấn nổi khùng, bởi thực sự thì Tuấn đâu có trộm chó nhà bà Năm. Nhưng Vân vẫn cố nói:
- - Em nghe người ta chửi phong thanh em khó chịu lắm, anh xem thằng Nam, đi học cứ thui thủi một mình. Bạn bè nó không ai chơi cùng, ngày xưa anh vì giết thằng ăn trộm mà vào tù, bình sinh anh rất ghét ăn trộm ăn cắp, tại sao ra tù anh lại thay đổi đến như vậy.
" Choang "
Tuấn đập mạnh cái cốc xuống nền nhà, mảnh thủy tinh văng ra tung tóe, Tuấn chỉ tay vào mặt vợ chửi bới:
- - Câm mồm, mày nói chuyện ngày xưa ư......Đúng, ngày xưa tao là người như thế, nhưng bây giờ, chúng mày có cho tao sống yên ổn không...? Mày có biết tao đi đâu xin việc chúng nó cũng nhìn bằng cặp mắt coi thường, ngay cả bọn làng, bọn xã, tao xin cái dấu chúng nó cũng gây khó khăn. Rồi hàng xóm láng giềng, nhìn thấy tao như nhìn thấy ma.....Bố mày muốn sống tốt, nhưng chúng nó không chịu, mấy tháng nay, nếu không có lũ đàn em kia nhặt nhạnh khắp nơi, liệu nhà còn gạo cho mẹ con mày ăn không..? Rồi tiền học cho thằng Nam, mày nghĩ ngồi im mà có tiền à...? Mày bảo chúng nó chửi mày không chịu được phải không...? Được để tao sang nhà con mụ Năm hỏi xem nó chửi ai. Nó mà chửi tao tao bóp cổ con già đó chết luôn.
Dứt lời, Tuấn cởi trần rồi đi sang bên ngõ nhà bà Năm, Vân không đi theo được, cô ngồi trong giường dỗ con bé Hạnh đang khóc ầm ĩ bởi nó giật mình vì tiếng đập cốc ban nãy. Vân biết, chồng cô không phải người xấu, thậm chí bản tính còn rất tốt. Nhưng Tuấn nói cũng không sai, xã hội quá cay nghiệt đối với Tuấn, bố mẹ đẻ của Tuấn cũng quá nghiệt ngã với Tuấn. Gần 10 năm trong tù, Tuấn dù có chăm chỉ, có cần cù đến đâu thì khi ra tù Tuấn vẫn là một con người bị tụt hậu. Kiến thức không có, kinh nghiệm cũng không, xã hội thay đổi, con người cũng đổi thay.....Nhưng sự kỳ thị đối với một thằng tù chỉ có tăng lên chứ không giảm đi, bởi càng phát triển, con người ta lại càng sợ phải đối mặt với những thứ nguy hiểm. Trong mắt họ, kẻ giết người như Tuấn là thành phần cần phải tránh xa.
Chính sự nhẫn tâm, ruồng rẫy ấy mà không ít những kẻ ra tù xong lại quay trở lại nhà tù. Bởi thế giới ngoài kia tưởng chừng như rộng lớn, nhưng không có chỗ dành cho họ. Bất mãn, uất ức, mưu sinh....tất cả những áp lực đó đã khiến Tuấn phải thay đổi chính con người mình. Bởi không như vậy, Tuấn sẽ chết, không chỉ Tuấn chết mà vợ con Tuấn cũng sẽ chết.
Bần cùng sinh đạo tặc, có sức vóc, có bản lĩnh nhưng không nơi tiếp nhận, Tuấn bước chân vào cái hố đen rồi dần hòa mình vào nó.
" Rầm....Rầm "
- - Bà Năm đâu, bà Năm đâu rồi.
Tuấn đập mạnh vào cổng, miệng quát tháo um sùm. Hàng xóm xung quanh nghe thấy tiếng ồn ào thì mỗi nhà đều ngó ra xem, nhưng ngay lập tức ai cũng phải thụt đầu vào sau khi nhìn thấy đứng bên ngoài cổng nhà bà Năm là thằng Tuấn " Điên ", Tuấn cởi trần, cơ thể toàn sẹo là sẹo, cái đầu húi cua, đôi lông mày Trương Phi nhìn ai là như muốn giết chết người đó.
Có lẽ bà Năm ở trong nhà nhưng sợ không dám ra, không thấy người Tuấn lại càng đập mạnh hơn. Tuấn quát:
- - Không mở cửa là tôi vào tôi lôi cổ bà ra đấy.
Lúc này bà Năm sợ quá mới lút cút, loẹt quẹt tiếng dép bước ra sân, nhìn về phía cổng, bà Năm sợ tái cả mặt, ấp úng bà Năm nói:
- - Là....là con rể nhà....nhà Quý...có phải không...?
Tuấn gằn giọng:
- - Là tôi đây, thấy bảo nhà bà mất con chó, mà bà chửi bố tôi lên có phải không..? Bà có thấy tôi ăn cắp chó nhà bà không hả mụ già kia....Hôm nay không nói rõ ràng thì nhà bà không xong với tôi đâu.
Lúc này hàng xóm mới hiểu đầu đuôi câu chuyện, mọi người bắt đầu bàn tán:
" Chết bà Năm rồi, hôm bữa chửi ghê lắm, mà đúng là hình như có chửi đến nhà Quý. "
" Chọc ai không chọc, lại đi chọc vào ngay thằng giết người....Nhìn hắn thế kia, lớ ngớ hắn bẻ gãy cổ như chơi ấy chứ. "
" Lại không à, đến bố mẹ hắn còn phải sợ......Hắn giết người chỉ bằng tay không đấy "
Bà Năm sợ quá rối rít van xin:
- - Kìa anh Tuấn, của đau con xót.....Trong lúc bực dọc tôi có lỡ lời....Chứ tôi nào dám đổ cho anh.....Nể tình bố mẹ anh cũng bằng tuổi tôi, anh đừng chấp bà già này.
Tuấn gào lên:
- - Mụ già chó chết, nghĩa là mụ không thấy thằng này bắt chó nhà mụ mà mụ dám chửi đúng không...? Không bẻ hết mấy cái răng của mụ di là mụ ngứa mồm chứ gì...? Khốn kiếp...
Tuấn toan thò tay vào mở cổng thì đằng sau có giọng ông Quý vang lên:
- - Tuấn, mày làm gì đấy hả con......Dừng lại ngay.
Chắc có lẽ là Vân sợ Tuấn làm bậy nên phải nhờ ông Quý đi sang bên khu nhà bà Năm ngăn cản. Ông Quý lúc này cũng đang bệnh tật, ông đi đã phải chống gậy, mắt mũi cũng kèm nhèm không còn được như trước nữa. Chiến tranh xông pha trận mạc, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng lúc về già. Nhưng chẳng ai nói được Tuấn ngoài ông Quý.
Nghe thấy tiếng bố vợ, Tuấn lập tức dừng tay....Thấy ông Quý lập cập chống gậy, Tuấn chạy lại đỡ rồi hỏi:
- - Bố, bố đi ra đây làm gì...? Bố đang ốm cơ mà...?
Ông Quý cúi đầu xin lỗi bà con đang nhìn ngó, ông nói:
- - Tuấn, mày có nghe tao không...? Về ngay, tại sao lại sang phá làng phá xóm như vậy hả..?
Tuấn đáp:
- - Bố....nhưng con mụ già này nó dám chửi....
Ông Quý đập cây gậy xuống đất rồi ho khù khụ:
- - Vậy là mày không nghe lời ông già này nữa phải không...? Thằng Tuấn ngày xưa đâu rồi, tại sao mày lại đem cái du thủ du thực, cái khốn nạn ấy về đây hả Tuấn.....Bạn của tao nói mày không giống những thằng tù khác cơ mà. Đi về ngay.
Nhìn ông Quý giận đến ho khan cổ họng, Tuấn không còn cách nào ngoài việc đi về nhà. Đưa ông Quý về xong, Tuấn đang định khóa cổng thì từ trên đường, có thằng đàn em của Tuấn đứng vẫy tay, miệng gọi nhỏ:
- - Đại ca, đại ca.
Sợ bố vợ biết, Tuấn hẩy tay cho thằng đàn em núp đi, đưa ông Quý vào nhà xong Tuấn mới đi ra ngoài.
Tuấn hỏi:
- - Có việc gì đấy..?
Thằng đàn em tên Lẹo cười gian manh, Lẹo móc từ túi áo ra một cái nhẫn vàng, nhẫn trơn 1 chỉ, Lẹo nói:
- - He he he, mình ra lán đi đại ca.....Hôm nay em trúng quả, lát ra lán, em bán cái này rồi đại ca cầm tiền đó chia cho anh em.
Là đám trộm cắp, nhưng bọn ong ve dưới trướng như Lẹo sợ Tuấn một vành. Cũng nhờ có Tuấn mà không bọn du côn nào dám động đến chúng, lắm khi đàn em của Tuấn lang thang bến xe hành nghề trộm cắp, bọn khác biết nhưng cũng phải làm lơ vì nhắc đến Tuấn " Điên " thì ai cũng phải rùng mình.
Tuấn nhìn chiếc nhẫn cười lớn rồi vỗ vai Lẹo:
- - Thằng này khá lắm, thế đi ra lán.
Lẹo xun xoe:
- - Anh em cũng đang ở ngoài đó hết cả rồi, chỉ chờ đại ca đến nữa thôi.
Vân bế con đứng sát mép cửa nhìn lên đường, thấy chồng như vậy Vân đau thắt từng đoạn ruột. Xã hội không hiểu cho Tuấn, nếu đến cả Vân cũng bỏ mặc Tuấn lúc này thì Tuấn càng lấn sâu vào vũng bùn mà thôi.....Vân đợi khi bé Hạnh cứng cáp hơn chút nữa, cô sẽ gửi Hạnh cho ông bà ngoại trông, khi đó cô sẽ đi làm, kinh tế không còn khó khăn, chắc có lẽ gánh nặng của Tuấn sẽ được trút bỏ, và Vân hi vọng, Tuấn khi ấy sẽ quay trở lại là Tuấn của ngày xưa. Một người đàn ông bản lĩnh, đầu đội trời, chân đạp đất, hiên ngang, vững vàng.....Là người chồng mà cô yêu quý.
Nhưng........