- - Tụi mày đốt cái gì đằng sau à...?
Lẹo cười:
- - À, hai thằng Sâm với thằng Mọi đang làm tí đồ lát anh em mình nhậu lai rai. Đại ca cứ vào ngồi đi, sẵn tiện đây em có chuyện này muốn thưa với đại ca, mong đại ca cho ý kiến.
Tuấn hất hàm:
- - Có chuyện gì..?
Lẹo nói:
- - Bọn em mới nhắm được cái nhà này, cả nhà nó mới ở Đài Loan về được nửa năm nay, xây nhà to lắm, mà xây xong nó để không, đi suốt.....Em tính làm một vụ ở đó, kiếm chút đỉnh anh em mình chia nhau.
Xưa nay đám trộm cắp này chỉ ăn trộm con gà, con vịt, có móc túi thì cũng chọn những bến xe khu vực huyện, nói chung chỉ là ăn cắp vặt. Vậy mà lần này Lẹo lại dám bàn đến chuyện đột nhập vào nhà dân để ăn trộm. Tuấn có phần e ngại thì Lẹo nói luôn:
- - Nếu đại ca sợ ra mặt thì chỉ cần đồng ý thôi, việc còn lại cứ để tụi em. Em cũng căn giờ giấc nhà đó rồi, đợi đại ca quyết là chúng em làm. Chứ ăn cắp vặt thế này không bõ anh ạ.
Vừa lúc đó thì thằng Mọi bê mâm bát từ sau làn lên, trên mâm nào là giềng xả, mắm tôm, lá mơ. Mọi nhìn Tuấn cười hềnh hệch:
- - Đại ca đến bao giờ mà em không biết, đại ca rửa tay đi rồi chuẩn bị vào đánh chén. Ngon lắm đại ca ạ...?
Tuấn hỏi:
- - Cái gì thế này...?
Mọi đáp:
- - Ơ, thế thằng Lẹo nó không nói gì với anh à...? Thịt chó anh ơi, cuối tháng rồi, làm bữa thịt chó cho nó giải đen. Chó tươi anh ạ, mới bắt hôm trước, ngon lắm, không hiểu thằng Sâm bắt được con chó ở đâu mà chất đáo để.
Không nói không rằng, Tuấn chạy ngay ra sau lán nơi thằng Sâm đang nấu nướng, cạnh đống rơm đã tàn là những phần thịt chó được thui vàng ươm, phần đùi chó ngon nhất đã được sâm chặt thành khúc bỏ vào nồi gang nấu rựa mận. Nhác thấy Tuấn, Sâm quệt ngang tay khiến cho nhọ nồi dính đầy lên mặt, Sâm cười:
- - Ơ đại ca, đại ca ra đây làm gì. Anh cứ ngồi trên lán, đợi em 30 phút nữa là xong.
Nhìn chỗ lông màu đen trong cái bao dứa, Tuấn trợn mắt, lao lại túm lấy cổ áo Sâm, Tuấn quát:
- - Có phải mày bắt chó của bà già cách nhà tao hai con ngõ có phải không..? Nhà có cây muỗm gần cổng ra vào, có phải không...?
Nghe thấy ồn ào đằng sau, bọn đàn em của Tuấn vội chạy ra xem, thấy Tuấn đang túm cổ Sâm, mặt mũi giận dữ, Sâm nuốt nước bọt ấp úng đáp:
- - Dạ....dạ đúng rồi......Nhưng sao...đại ca...biết.
Tuấn nghiến răng:
- - Thằng chó chết, tao đã dặn chúng mày không được ăn trộm ăn cắp ở gần khu vực nhà tao rồi cơ mà. Mày có biết, mụ già đó đã chửi bung mồ, bung mả nhà tao lên không...? Hôm nay tao còn suýt bẻ cổ mụ nữa, vì tao nghĩ không phải chúng mày làm.....Giờ thì....khốn kiếp thật...
Sâm tái mặt:
- - Đại ca, dại ca cho em xin lỗi......Em kỳ thực không có ý định ăn trộm ở đó....Nhưng đi ngang đường, thấy con chó chạy rông, đường lại vắng nên....nên em tiện tay......Đại ca tha cho em.
Lẹo với Mọi nuốt nước bọt ừng ực, bởi lần trước va chạm nơi bến xe, cả bọn đều đã được chứng kiến độ điên khùng của Tuấn. Một mình Tuấn mà đánh cho cả đám bảo kê bến xe phải chạy bán sống, bán chết. Nhờ đó mà bọn chúng mới hành nghề ăn cắp được tại bến xe vì có Tuấn đứng sau bảo kê.
Tuấn giơ nắm đấm định trút hết cơn giận dữ vào mặt Sâm, nhưng chẳng hiểu sao, ngay khi nắm đấm gần chạm vào Sâm thì Tuấn dừng lại, Tuấn buông thõng Sâm ra xong lặng lẽ quay người bỏ đi.
Tuấn đi qua, Lẹo vội nói:
- - Đại ca, đại ca tha cho nó.....Chắc nó không cố ý đâu.
Tuấn đáp:
- - Không sao, vốn dĩ tao với bọn mày cũng chỉ là đám cặn bã, bị chửi bới hàng ngày. Đi đến đâu cũng không ai chứa chấp......Ăn trộm ăn cắp thì ở đâu cũng là trộm cắp. Thôi, chúng mày ăn nhậu đi.....Tao phải về qua nhà một chút.
Dứt lời, Tuấn rời khỏi lán, trên đường về Tuấn vừa đi vừa cười cay đắng, vậy là Vân nói không sai, cả bà Năm kia chửi cũng chẳng trật đi câu nào, ban nãy Tuấn hùng hổ chửi vợ, Tuấn bực tức đi sang nhà bà Năm hăm dọa cũng là để vớt lấy chút sĩ diện cuối cùng, vì Tuấn tin con chó nhà bà Năm không phải do bọn đàn em của mình bắt mất. ́y thế mà, giờ đây, chút sĩ diện nhỏ xíu ấy cũng không còn, đám đàn em của Tuấn bắt chó nhà bà Năm thì khác gì Tuấn bắt.
Tuấn cười chua chát:
- - Rốt cuộc thì mày cũng chẳng hơn con chó là bao, mày còn không bằng súc vật Tuấn ạ.....Ha ha ha....Ha ha ha.
Đánh mất chính mình, càng ngày trôi qua Tuấn lại càng biến chất, Tuấn uống rượu suốt ngày, lúc nào cũng trong tình trạng say xỉn. Bởi Tuấn nói:
" Chỉ có say thì mới quên đi được cái hiện tại khốn nạn này "
Bé Hạnh được hơn 1 tuổi, Vân đã phải gửi cho ông bà ngoại trông, Vân xin việc trên một khu công nghiệp cách nhà tầm 8km, nơi đó cũng là nơi bác Dung làm việc. Hàng ngày Vân dậy sớm, cơm nước cho cu Nam rồi tất bật đi sang nhà bác Dung để nhờ xe đạp đi làm. Tuấn thì chẳng đoái hoài gì đến vợ con nữa, có đồng nào, Tuấn nhậu nhẹt, bù khú với đám bạn xấu hết cả.
Dần dần, đến cả ông Quý cũng không buồn nói đến thằng con rể mà ông từng một mực tin tưởng. Bệnh tình của ông Quý chuyển biến ngày càng xấu, mắt ông giờ đã bị mờ hẳn 1 bên coi như không nhìn thấy gì nữa. Ông Quý biết mình chẳng sống được bao lâu nên ông chỉ thương hai đứa cháu ngoại, bố thì như thế, một mình con gái ông phải cáng đáng tất cả mọi thứ trong gia đình.
Mẹ nào mà mẹ chẳng thương con, ông Quý thì chưa bàn đến chuyện này nhưng mẹ Vân thì đã nói với con gái:
- - Hay là con bỏ nó đi, nó bây giờ không còn là thằng Tuấn ngày xưa nữa đâu. Con xem đấy, ra đường bây giờ người ta chửi cho không ngẩng mặt lên được. Rượu chè, đàn đúm suốt ngày.....Thà con bỏ nó rồi để hai đứa nhỏ ở đây bố mẹ chăm cho mà tập trung đi làm.
Nghe mẹ nói vậy Vân gạt đi ngay lập tức, Vân bênh chồng:
- - Mẹ, sao mẹ lại xui con bỏ chồng.....Ăn ở với nhau bao nhiêu năm, tính anh Tuấn thế nào con biết, anh ấy không phải người xấu. Chỉ là hai năm nay mọi thứ đổ hết lên đầu anh ấy, con lại sinh đẻ không đi làm được. Mẹ cũng biết có phải anh ấy không muốn đi làm đâu, mà do không chỗ nào nhận anh ấy đó chứ. Giờ con đi làm được rồi, chắc chắn anh ấy sẽ bớt áp lực, thấy con vất vả mà thương....Mẹ cho anh ấy thêm thời gian đi mẹ.
Ông Quý cũng thêm vào với con gái:
- - Nó nói đúng đấy, dù sao thằng Tuấn cũng ở trong tù 10 năm.....Nói gì thì nói, 10 năm đó khốn khổ khốn nạn, giờ ra ngoài lại bị người ta kỳ thị, gặp bạn xấu nên nó dễ bị lung lay, để con Vân đi làm một thời gian, tôi sẽ nói chuyện với nó. Vợ chồng sống với nhau vì cái tình, cái nghĩa, có với nhau 2 mụn con rồi, bảo bỏ là bỏ sao được. Mà nó rượu chè bên ngoài chứ nó có về nhà lấy tiền vợ đi đâu.
Mẹ Vân thở dài:
- - Hai bố con ông còn bênh nó nữa, ngay từ đầu nhìn là tôi đã không muốn cho con Vân lấy nó rồi. Thôi thì kệ bố con nhà ông, sướng khổ thế nào tự chịu. Nói nữa lại bảo tôi ác mồm.
Cũng may có ông bà ngoại nên dù mẹ đi làm, hai anh em Nam vẫn được chăm lo đầy đủ. Được cái cả hai đều ngoan, cu Nam còn nhỏ nhưng đã biết phụ giúp ông bà công việc nhà, còn cái Hạnh cũng chẳng quấy khóc gì, cứ cho ăn xong là ngủ ngon lành. Vân thì đi làm từ sáng sớm cho đến chập tối mới về, nhà đến cái xe đạp còn không có, thành ra nhiều lần tăng ca, bác Dung đi nhờ xe người quen, còn để xe lại cho Vân về sau. Cực khổ, khó khăn như vậy nhưng chưa bao giờ ai thấy Vân than phiền một câu nào về chồng. Lúc nào cô cũng hi vọng rồi đây, vợ chồng cô sẽ lại có một cuộc sống như hồi mới sinh cu Nam. Khoảng thời gian đó tuy còn một vài cay đắng trong mối quan hệ với bố mẹ chồng, nhưng chưa bao giờ Vân thất vọng bởi vì bên cạnh cô là người chồng sẵn sàng làm tất cả vì cô và con.
Nhưng rồi, những mong ước, những hi vọng đó của Vân không bao giờ trở thành sự thật, hoặc chí ít là cô sẽ không bao giờ được nhìn thấy người chồng ngày đó nữa.....Những cố gắng của Vân đã đổ sông, đổ biển kể từ ngày hôm đó. Một ngày mà Vân biết và nhận ra, Tuấn của 10 năm trước đã chết.