Một năm trôi qua. Lại đến sinh nhật một tuổi của Nguyễn Phong. Theo tập tục truyền thống, trong ngày sinh nhật đầu tiên của đứa nhỏ, gia đình sẽ bày ra các loại đồ chơi cho đứa trẻ chọn lựa. Tuy nói là đồ chơi, nhưng chủ yếu lại là các loại biến thể của mười tám ban binh khí. Đứa trẻ khi lựa chọn loại đồ chơi nào, đại biểu sau này hắn lớn lên, sẽ tu tập võ nghệ theo con đường đó. Trong buổi lễ, đặc biệt sẽ có một vị sư phụ của địa phương đến chúc mừng, cũng là để sớm nhận đồ đệ, hoặc giúp gia đình đứa trẻ liên lạc với những vị sư phụ khác, tạo điều kiện cho đứa trẻ sau này khi lớn có thể dễ dàng tìm được sư phụ chỉ dạy. Đại Việt lập quốc dựa trên võ lực, trải qua thời kì dài chống lại ngoại xâm, lại bình nội loạn, đất nước mới chính thức được hình thành. Chính vì vậy,tinh thần thượng võ đã thấm nhuần vào mỗi con người Đại Việt.
Nhà họ Nguyễn theo lý mà nói thì cũng phải cất công một phen đi mời một vị danh sư địa phương tới để chủ trì nghi thức quan trọng này trong sinh nhật của Nguyễn Phong, chỉ có điều trong gia đình họ vốn đã có một vị danh sư, chính là sư phụ ,đồng thời cũng là cha vợ của Nguyễn Bảo. Con người luôn dành sự quan tâm lớn nhất cho những người mà mình yêu quý, ông ngoại của Nguyễn Phong cũng không ngoại lệ. Để chuẩn bị cho đứa cháu ngoại này, ông đã tự mình đi lên núi, tuyển chọn cây gỗ tốt nhất, tự tay đẽo gọt làm lên những món đồ chơi cho cháu mình. Ông thật hy vọng đứa cháu của ông có thể toàn tài, chọn hết tất cả những món đồ chơi mà mình làm ra.
Sinh nhật của Nguyễn Phong diễn ra, tuy không xa hoa long trọng như những gia đình phú quý, nhưng cũng đầy đủ các loại nghi thức. Không như lễ đầy tháng mời tất cả thôn đến, buổi sinh nhật này chủ yếu được tổ chức trong quy mô gia đình, những người đến dự đều là người thân của Nguyễn Bảo. Đến giờ khắc quan trọng nhất của buổi lễ, mười tám món đồ chơi được bày đều trước mặt Nguyễn Phong. Mọi người đều mong chờ sự lựa chọn của Nguyễn Phong, người thì đoán là đao kiếm, kẻ lại cho là thương bổng, mỗi người một ý, thậm chí có người giống như ông ngoại Nguyễn Phong còn cho rằng cháu mình sẽ tinh thông cả mười tám ban võ nghệ. Trong sự mong chờ của mọi người, Nguyễn Phong nhìn qua một lượt tất cả đồ chơi, rồi sau đó chỉ lắc đầu. Mọi người đều ngẩn ra, có người thì mặt lại lộ vẻ thất vọng. Chỉ là còn không chờ cho mọi người kịp bình tâm lại, Nguyễn Phong đã đưa tay lên chỉ về một phía, miệng bập bẹ vài tiếng như muốn đi về phía đó. Nguyễn Phong chập chững bước đi, đến trước một cái bàn thì dừng lại. Trên bàn chỉ bày một bộ văn phòng tứ bảo, một vài món đồ chặn giấy, hai ba quyển sách các loại, còn lại cơ hồ không có gì khác. Nguyễn Phong muốn với lên trên cái bàn, nhưng hắn chỉ mới được một tuổi, còn quá thấp, mà cái bàn thì lại cao không thể với nổi. Bất đắc dĩ, cha hắn đành phải bế hắn lên. Vừa được bế lên, Nguyễn Phong ngay lập tức vơ lấy một cây bút lông. Cây bút chuyên dùng để viết nét to, thân bút có chút thô to, nắm trong bàn tay bé nhỏ của một đứa bé một tuổi, nhìn cũng có chút buồn cười. Thế nhưng tất cả mọi người không có mấy người cười, trên mặt họ chỉ lộ vẻ ngạc nhiện, vài người mặt có chút thất vọng. Họ không cho rằng bút là một loại vũ khí, và quả thực cũng chẳng có mấy người dùng bút làm vũ khí.
“Phong nhi lại chọn một cây bút lông, phải chăng hắn muốn làm một thư sinh, không muốn luyện võ?” Có người lên tiếng nói.
“Cũng không hẳn là vậy. Ta cũng từng nghe nói có vài cao thủ thành danh trên thiên hạ sử dụng vũ khí là bút. Chỉ là bút của họ là phán quan bút chứ không phải bút lông. Nói vậy cháu ngoại ta sau này có lẽ còn tài giỏi hơn những cao thủ này, ha ha”. Ông ngoại Nguyễn Phong lên tiếng, tuy rằng có chút khiên cưỡng, nhưng cũng xuất phát từ niềm hy vọng của ông dành cho cháu ngoại, chẳng ai lại lên tiếng phản đối niềm hy vọng của một người cả.
“Không bằng chúng ta lại cho hắn lựa chọn thêm một lần nữa. Biết đâu Phong nhi văn võ song toàn, trước lấy bút lông, sau mới cầm binh khí thì sao?” Có người lên tiếng đề nghị, thì ra chính là Nguyễn Bảo. Hắn cũng hy vọng con mình lớn lên mạnh mẽ, cho nên mới đưa ra đề nghị như vậy.
Chỉ là Nguyễn Phong lại làm cho cha hắn thất vọng thêm một lần. Đống đồ chơi bày trước mắt, Nguyễn Phong nhìn cũng chẳng nhìn lại, chỉ ôm lấy cây bút lông xem như bảo bối. Mọi người thấy vậy cũng không nói gì đến việc lựa chọn binh khí nữa, chỉ tiếp tục bữa tiệc sinh nhật của Nguyễn Phong. Có lẽ vì không khí đã chùng xuống, hoặc là gia chủ đã tâm tình đã giảm, nên bữa tiệc cũng không kéo dài lâu.
Hơn 2 năm sau, Nguyễn Phong đã ba tuổi. So với những đứa trẻ bình thường khác, thì biểu hiện của hắn thành thục hơn nhiều. Sức ăn của Nguyễn Phong cũng tốt hơn những đứa trẻ khác. Thế nhưng thân thể của Nguyễn Phong lại gầy gò ốm yếu. Đối với việc này, tất cả người nhà của Nguyễn Phong cũng cảm thấy vô cùng khó hiểu, nhưng dù đã mời thầy thuốc đến, họ cũng không tìm được nguyên nhân. Nguyên nhân không tìm được, nhưng lại có được một kết luận, đó là Nguyễn Phong không thể tập võ, bởi cơ thể hắn quá mức gầy gò, kinh mạch toàn thân lại nhỏ yếu do không được hấp thu đủ dinh dưỡng. Nếu như hắn tập luyện võ công, chỉ sợ gân mạch sẽ bị đứt đoạn. Ông ngoại và cha hắn khi biết được kết quả này, cũng cảm thấy rất buồn, nhưng cũng không có biện pháp gì, chỉ đành thở dài. Có lẽ Nguyễn Phong đã được định sẵn là cả đời làm thư sinh. Mặc dù không thể chinh chiến xa trường, báo đền nợ nước, nhưng làm thư sinh cũng tốt, học nhiều hiểu rộng, nếu đỗ khoa cử thì ra làm quan, lo lắng cho dân, còn không thì về làm một thầy đồ trong làng, dậy chữ cho trẻ con. Cuộc đời tuy không hùng tráng, nhưng cũng có thể thoải mái yên ổn. Chỉ là không ai biết được suy nghĩ trong lòng Nguyễn Phong. Hắn kế thừa được trí nhớ từ kiếp trước, đối với võ thuật cũng không phải là không có niềm đam mê,nhưng vẫn không bằng chữ viết. Chính vì vậy, hắn nguyện làm một thư sinh, để theo đuổi đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp.