Trên giấy chính là nét chữ của Viên Hi. Hồi chiều, trong lúc hắn đang đi trên đường, có một người đã bí mật đưa cho. Trước giờ vẫn vậy, cách thức liên lạc đều do Viên Hi quyết định, tính an toàn và cơ mật luôn được đảm bảo. Đừng nói khó ai có thể nhận biết, kể cả khi bị phát hiện, đoạt lấy thư từ đi nữa thì cũng khó lòng nhìn ra được nội dung chân chính bên trong.
Viên Hi đâu có viết thẳng thừng, tất cả ý tứ đều được che đậy. Cho dù là kẻ hay chữ nghĩa như Hứa Bỉ, Tào Tất An, Từ Thức, Hàn Dũ cũng chưa chắc đủ khả năng khám phá. Trần Tĩnh Kỳ hắn với Viên Hi có những ám hiệu của riêng mình.
Trần Tĩnh Kỳ xem kỹ lại nội dung hàm ẩn bên trong lá thư, càng xem nét mặt càng đăm chiêu.
Sau một lúc, hắn thở nhẹ một hơi, đem lá thư đang cầm trong tay đốt bỏ.
- Viên Hi à Viên Hi, rốt cuộc thì trong hồ lô của ngươi đang đựng thuốc gì vậy...
...
Quyết định đã được đưa ra, Trần Tĩnh Kỳ theo đó mà nhanh chóng tiến hành. Việc đầu tiên hắn phải làm chính là đắp lại con đập. Trước khi cho thi công, hắn cần phải xem xét, xác định vị trí. Hiện giờ, đang đồng hành với hắn là Trương Mục, Phàn Cối - hai vị quan hà đê đứng đầu của quận Phụng Thiên. Lê Công Lượng thì hôm nay Trần Tĩnh Kỳ không có dẫn theo; hắn đã nhờ vị nhạc phụ tương lai này giúp mình chuẩn bị nhân lực, vật lực...
Cưỡi trên lưng ngựa, Trần Tĩnh Kỳ, Trương Mục, Phàn Cối dẫn theo một đám quân binh men theo con sông Vị hướng thượng nguồn đi lên, đến đầu giờ tỵ thì tới nơi.
Trước mặt là dòng nước chảy mạnh, hai bên bờ sông hãy còn lưu lại dấu vết của con đập đã bị cuốn phăng trong đợt lũ hồi tháng mười năm ngoái.
Trần Tĩnh Kỳ rời khỏi lưng ngựa, tự mình xem xét.
Một hồi lâu, hắn cuối cùng quyết định sẽ không xây đắp đập ở tại chỗ này nữa, thay vào đó sẽ dời đến một vị trí khác.
Trước nghi vấn của hai vị quan hà đê Phụng Thiên, hắn bảo:
- Chỗ này theo ta thấy chính là nơi nước trũng sâu nhất, lúc trước các ngươi cho xây đắp đập chỗ này, tâm tư thế nào ta đương nhiên thấu tỏ. Chỉ là, ở đây dòng nước chảy mạnh, địa thế lại dốc, lũ nhỏ thì còn đỡ, nhưng một khi có lũ lớn tràn về, đập dù kiên cố mấy e cũng khó giữ.
Mấy lời Trần Tĩnh Kỳ nói quả thật không sai. Thực tế đã chứng minh điều đó.
Trương Mục, Phàn Cối thoáng quay mặt nhìn nhau, rồi cùng hướng người thanh niên đang đứng trước mặt mình thỉnh giáo.
Trần Tĩnh Kỳ nhẹ nhếch môi mỉm cười, nói:
- Lúc trước các ngươi đã cưỡng lại thế nước, dẫn tới đập tan đê vỡ, nay ta sẽ thuận theo dòng nước để đắp đập vậy.
Thuận theo dòng nước?
Hai vị quan hà đê Phụng Thiên vẫn chưa hiểu gì mấy, còn muốn nghe giải thích thêm thì người phía trước đã quay lưng cất bước.
Trần Tĩnh Kỳ đảo mắt quan sát chung quanh một vòng, đột nhiên lên tiếng gọi mấy tên lính hầu lại.
Tay chỉ vào đám chuối mọc ở bìa rừng, hắn bảo:
- Các ngươi tới đó chặt cho ta năm cây chuối, bỏ hết lá rồi đem về đây.
Mấy tên lính nghe qua, ai nấy đều âm thầm nghi hoặc. Bọn họ vẫn chưa hiểu bề trên có dụng ý gì. Dù vậy, bọn họ cũng không dám thắc mắc hay là chần chừ do dự, ngay lập tức y lệnh làm theo. Thân phận tôi đòi, họ dám đâu khiến bề trên phật ý.
Khi quân lính mang năm cây chuối đã được tước bỏ hết lá về, trước ánh mắt ngờ vực của Trương Mục, Phàn Cối, Trần Tĩnh Kỳ lệnh cho thả một cây xuống nước, sau đó lên ngựa, đi theo để quan sát.
Hắn đây là muốn xem cái gì?
Trương Mục, Phàn Cối chưa biết, đám quân binh thì lại càng không rõ. Bọn họ chỉ biết đi theo chờ đợi.
Dưới sông, thân cây chuối theo dòng nước trôi mau, chừng qua đến một khúc cua thì tốc độ bỗng chậm lại, có khuynh hướng tấp vào trong bờ.
- Lính!
Nghe tiếng hô gọi của Trần Tĩnh Kỳ, đám quân binh ở phía sau ngay lập tức chạy nhanh tới.
Trần Tĩnh Kỳ chỉ tay vào vị trí mà thân cây chuối vừa mới tấp vào, nói:
- Đánh dấu chỗ đó cho ta!
- Tuân lệnh!
Sau lần thứ nhất thì đến lần thứ hai, lần thứ ba, rồi lần thứ tư, lần thứ năm, vẫn theo cách cũ, Trần Tĩnh Kỳ cho quân lính đem các thân chuối từ nơi thượng nguồn thả trôi theo dòng nước, hễ thấy thân chuối tấp vào chỗ nào là cho người đánh dấu chỗ đó.
Trương Mục, Phàn Cối có đặt nghi vấn, song Trần Tĩnh Kỳ không vội trả lời, chờ khi mọi thứ đã xong xuôi thì lúc này hắn mới hướng hai người bọn họ giải thích:
- Như trước đó ta đã có nói, lần này ta muốn thuận theo thế nước mà đắp đập. Nãy giờ ta cho thả năm cây chuối từ thượng nguồn trôi xuống, mục đích chính là để xác định vị trí. Tại những nơi thân chuối trôi chậm, có khuynh hướng tấp vào trong bờ chính là những chỗ mà dòng chảy chậm, thế nước yếu. Đắp đập ngay các vị trí ấy, tuy rằng sẽ tốn công hơn địa điểm cũ, nhưng bù lại, khi có mưa lũ xảy ra, sức phá của nước sẽ giảm đi, do đó mà con đập cũng sẽ bền vững hơn.
Trương Mục, Phàn Cối chăm chú lắng nghe, rất nhanh liền hiểu được. Dẫu vậy, bọn họ vẫn chưa quá tin tưởng. Lý thuyết và thực tiễn, chúng đôi khi cách nhau rất xa. Huống hồ, xét ở cách thức xây đắp con đập về sau, Trần Tĩnh Kỳ làm cũng hơi "dị" so với người ta. Thân đập được tạo thành từ những tảng đá lớn, nặng vài tạ xếp đều, chồng chất lên nhau. Giữa các tảng đá, hắn cho người đem những bụi cây phun chai - một loài cây thủy sinh có rễ bám chắc vào thân đá - trồng xen kẽ để liên kết mà giữ đập.
Một con đập bằng đá, trồng cây xen kẽ vào như vậy liệu có đủ để chống lại mưa lũ?
...
Đã có những hoài nghi. Bản thân Lý Long Tích thực chẳng an tâm. Trong suốt quá trình xây đắp con đập, Lý Long Tích hắn đã nhiều lần đích thân đi ra đến tận nơi xem xét, rồi hướng Trần Tĩnh Kỳ hỏi han, chất vấn. Mỗi lần như vậy Trần Tĩnh Kỳ đều giải trình cặn kẽ, từ đầu tới cuối thái độ đều rất tự tin, còn dám nói lời đảm bảo.
Thấy hắn khăng khăng, nhất mực tin tưởng như vậy, Lý Long Tích cũng bớt lo phần nào, tiếp tục ủy thác.
Theo thời gian, con đập rốt cuộc cũng được xây đắp xong...
Ngày khánh thành, dân chúng Phụng Thiên kéo tới xem rất đông. Nhìn con đập bằng đá với những bụi cây phun chai, đã có không ít người tỏ ra lo ngại. Thậm chí có kẻ ngay tại đương trường lắc đầu, cảm thán thở dài.
Ngó coi phản ứng của dân chúng Phụng Thiên, trông thấy những gương mặt hoài nghi, ít nhiều thất vọng nọ, Lý Long Tích không khỏi nhíu mày. Hắn đưa mắt nhìn qua Trần Tĩnh Kỳ.
Trái ngược hoàn toàn với hắn, Trần Tĩnh Kỳ vẫn một bộ thong dong, trên môi còn sinh vài phần tiếu ý.
"Hắn đã dám mạnh miệng nói lời bảo đảm, ắt hẳn sẽ không sao..."
Lý Long Tích lặng lẽ thở một hơi, đứng ra chủ trì buổi lễ cúng tế.