Triệu Cơ ra chiều thất vọng, song vẫn thuận tình chờ đợi. Đôi bên nói thêm vài câu thì mấy cung nữ hầu cận của Triệu Cơ mang bánh trái, trà nước đi vào.
Trong phòng vốn để sẵn hai cái ghế, Triệu Cơ ngồi một cái, chỉ tay bảo Trần Tĩnh Kỳ ngồi lên một cái, rồi cả hai cùng nhau ăn bánh, uống trà.
Chuyện trò được một lúc, Triệu Cơ chủ động đứng lên; theo ý nàng, Trần Tĩnh Kỳ xoay gót rời đi. Hôm đó, bức tranh vẫn chưa thể hoàn thành. Nói gì vẽ tranh, một nét mực thậm chí còn chưa được hạ, tờ giấy xuyến chỉ như cũ vẫn nằm im nơi đầu hoạ án...
Hôm sau, trước cổng phủ Chất tử lại có một cỗ xe sang trọng ghé qua. Bước xuống xe vẫn là Dịch Thành - thái giám tổng quản của cung Phượng Nghi.
Tranh còn chưa vẽ, việc vẫn chưa xong, Trần Tĩnh Kỳ đương nhiên là phải tiếp tục vào cung.
Dưới sức kéo của mấy con tuấn mã, xe bắt đầu lăn bánh, đi qua những cung đường phồn hoa, náo nhiệt của đế đô. Càng chạy, thanh âm càng nhỏ và ít dần đi...
...
Hôm nay Triệu Cơ không tiếp khách ở chính cung, thay vì một gian phòng rộng thì bây giờ, một khu vườn quang đãng tràn ngập sắc hương mới là nơi được nàng lựa chọn.
Theo chân thái giám Dịch Thành và hai cung nữ, Trần Tĩnh Kỳ được dẫn vào bên trong Mị Uyển.
Tương tự Ngự Hoa Viên ở cung Càn Thanh, Mị Uyển này cũng quy tụ rất nhiều loài hoa thơm, cỏ lạ, cây kiểng quý hiếm của nhiều vùng miền khác nhau, không chỉ trong nước mà còn ở các nước lân bang.
Tất nhiên, các loại hoa, cây kiểng này, chúng đã được chọn lựa rất kỹ càng, phải đảm bảo yêu cầu về mặt thẩm mỹ như: dáng thế, màu sắc hoa của cây…, đặc điểm sinh thái của cây trồng như: cây lựa chọn đảm bảo phù hợp với điều kiện lập địa và sinh thái của vùng trồng, không gây độc, dễ uốn sửa, tạo tán, ít sâu bệnh…
Thực vật trong vườn Mị Uyển rất phong phú và đa dạng. Từ các loài cây lớn, cây trung bình, cây nhỏ, cây bụi cho đến dây leo, cây cỏ lạ… Trên bờ dưới nước đều có đủ.
Việc bố trí các loài cây trong vườn Mị Uyển thoạt nhìn có thể lầm tưởng là mang tính tùy hứng nhưng khi xem xét kỹ thì mới thấy sự sắp xếp, bố trí hết sức hợp lý, tinh tế và luôn tuân theo các nguyên tắc nhất định: cây cổ thụ lớn, cây bóng mát thường được trồng ở xa vườn, ở các góc vườn, tường thành, bên ngoài các ngọn núi; các cây trung bình thì được trồng ở ven bờ nước, các đảo, đồi; các loài cây nhỏ, thấp, bụi, các loài hoa thì được trồng sát công trình.
Trần Tĩnh Kỳ theo chân thái giám Dịch Thành và các cung nữ bước đi, vừa đi vừa đưa mắt ngắm nhìn chung quanh. Sau một hồi, hắn đã nhận ra sự khác biệt giữa Mị Uyển của Hoàng hậu Triệu Cơ và Ngự Hoa Viên của Hạng đế Lý Uyên.
Bên trong Ngự Hoa Viên, ngoài các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây kiểng quý hiếm của nhiều vùng miền khác nhau được chọn lựa mang về thì còn có một vài khu vực được bố trí trồng nhiều loại cây ăn quả phổ biến như xoài, nhãn, thanh long, mít…Thậm chí còn trồng các loài cây lương thực như kê, ngô… Điều đó cho thấy tinh thần trọng nông, khuyến nông của Hạng đế Lý Uyên.
Mị Uyển thì không như vậy. Nơi này rất thanh tao, khắp nơi đều chỉ thấy hoa thơm cỏ lạ; xoài, mít, kê, ngô, những loài cây như vậy tuyệt nhiên chẳng thể nhìn thấy.
Hoàng hậu Triệu Cơ, nàng chỉ đơn thuần muốn thưởng ngoạn phong cảnh mà thôi.
...
Mị Uyển rất là rộng lớn, Trần Tĩnh Kỳ phải đi một đỗi lâu thì mới tới được chỗ Triệu Cơ.
Nơi nàng đang đứng đây, bốn phía hoa đang thi nhau đua nở; trắng, vàng, xanh, đỏ... màu sắc hầu như chẳng thiếu.
Có lẽ do đang mải mê thưởng hoa nên Triệu Cơ vẫn chưa nhận ra sự xuất hiện của Trần Tĩnh Kỳ, phải đợi cung nữ hầu cận lên tiếng bẩm báo thì nàng mới xoay đầu ngó lại.
Hôm nay Triệu Cơ nàng mặc cung trang màu vàng, nhưng không đậm như thường thấy, nó nhạt hơn; ở trên đầu nàng, sáu cây trâm đang cài cũng chẳng phải phượng trâm, tất cả đều là kim trâm hình dạng hoa Mẫu Đơn. Chính điều ấy đã khiến cho Triệu Cơ nàng bớt đi mấy phần uy nghiêm, nhiều thêm mấy phần hiền thục.
- Tĩnh Kỳ tham kiến Hoàng hậu nương nương.
Triệu Cơ nhoẻn miệng cười:
- Hôm nay không có "thiên tuế", cũng không có "vạn tuế" nhỉ?
Trần Tĩnh Kỳ im lặng không đáp. Hắn cố tình đấy.
Triệu Cơ phẩy tay cho thái giám Dịch Thành lui ra ngoài, chỉ giữ lại hai cung nữ để tiện bề sai bảo.
- Nương nương, chúng ta sẽ vẽ tranh ở đây sao?
Trần Tĩnh Kỳ không nhìn thấy có cây bút hay là tờ giấy nào ở đây cả.
Tiếu ý vẫn chưa tan, Triệu Cơ hồi đáp:
- Bộ ta có nói sẽ vẽ tranh ở đây sao?
- Không vẽ tranh, vậy...
- Chúng ta thưởng hoa.
Thưởng hoa?
Trần Tĩnh Kỳ thoáng liếc xem hoa nở bốn phía chung quanh, trong lòng thầm suy đoán ý tứ của Triệu Cơ.
Phía trước, Triệu Cơ đã chuyển mình bước đi. Đi được vài bước, nàng bỗng quay đầu:
- Nhà ngươi sao còn đứng đó?
Trong lòng cảnh giác, Trần Tĩnh Kỳ nhấc chân bước theo vị Hoàng hậu trước mặt.
Kẻ trước người sau, đôi bên cách nhau tầm ba bốn bước chân, vừa đi vừa trao đổi chuyện trò. Chủ yếu là Triệu Cơ hỏi, Trần Tĩnh Kỳ đáp.
...
Trời đương buổi sáng, nắng hãy còn dịu nên Triệu Cơ cũng không cần cung nữ phải che chắn làm gì. Nàng đi trước dẫn đường, vừa đi vừa chỉ điểm cho người ở phía sau.
Qua những lời thuyết minh của nàng, Trần Tĩnh Kỳ mới vỡ lẽ ra rằng ở khu vực trung tâm của Mị Uyển, cũng chính là vị trí mà hắn và Triệu Cơ đang hiện diện đây, hoa được trồng duy chỉ có đúng một loài: Mẫu Đơn. Những sắc xanh, đỏ, vàng, tím... mà hắn nhìn thấy từ nãy giờ, chúng bất quá từ các chi nhánh khác nhau của loài hoa Mẫu Đơn này mà thôi.
Có rất nhiều loại, mỗi loại có một tên gọi riêng. Nào là Ngụy Tử, Triệu Phấn, Nhị Kiều, Diêu Hoàng, Ngự Y Hoàng, Thanh Long Ngoạ Mặc Trì, Bạch Tuyết Tháp, Đậu Lục... Trong số đó, quý nhất là bốn loại Ngụy Tử, Diêu Hoàng, Triệu Phấn, Đậu Lục, được xưng "Mẫu Đơn tứ đại danh phẩm".
Tay chỉ một cây Mẫu Đơn Ngụy Tử, Triệu Cơ nói:
- Hoa Ngụy Tử có màu đỏ tím, hình hoa sen hoặc hình vương miện, kỳ hoa nở dài, số lượng hoa nhiều, đóa hoa đầy đặn, xinh đẹp vô cùng. Ngụy Tử cũng là giống Mẫu Đơn có nhiều cánh hoa nhất, có thể đạt tới hơn bảy trăm cánh hoa, vì vậy nên đôi lúc còn được gọi là "Thiên Diệp Hoa".
Trần Tĩnh Kỳ im lặng lắng nghe, thuận tình tiếp thụ. Đối với hoa cỏ, hắn hiểu biết không nhiều, bản tính vốn cũng chẳng yêu thích gì lắm, nhưng qua sự thuyết minh tận tường của Triệu Cơ, trong lòng hắn dường như đã bắt đầu sinh ra hứng thú.
Triệu Cơ thấy hắn chăm chú lắng nghe, thuận tình đón nhận như vậy thì cũng thêm phần cao hứng. Nàng rẽ gót ngọc, đi sang một khu vực khác. Dừng bên gốc cây Mẫu Đơn với những bông hoa màu hồng phấn, nàng nói:
- Giống Mẫu Đơn này chính là Triệu Phấn, có xuất xứ đào tạo từ hoa viên của nhà họ Triệu. Vì hoa có màu phấn hồng giống má hài nhi nên còn được gọi là “Đồng Tử Diện".
Triệu Phấn có hình dáng đa dạng, cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, số lượng hoa trên cây nhiều, hương thơm nồng đậm nhưng thanh nhã động lòng người. Triệu Phấn rất hay ra hoa. Hình dáng cánh hoa cũng có nhiều loại: cánh đơn, cánh kép, cánh kép - đơn kết hợp trên một bông hoa; thậm chí có cả ba loại hình dáng hoa trên một cây, rất thú vị và đặc biệt.
Nói rồi Triệu Cơ chỉ cho Trần Tĩnh Kỳ thấy sự khác biệt ở những bông hoa Triệu Phấn.
- Đấy, ngươi xem.
- Quả đúng như lời nương nương nói.
Trần Tĩnh Kỳ gật đầu công nhận. Đối với loài hoa Mẫu Đơn, Triệu Cơ nàng đích xác am hiểu.
Triệu Cơ mỉm cười, lại dẫn Trần Tĩnh Kỳ sang một khoảnh đất khác.