Thứ nhất là khẩu khí, ý tứ trong thơ văn. Văn chương ứng đối của Trần Tĩnh Kỳ, theo như Lý Long Tích nhìn nhận thì nó phảng phất cái chí tiêu dao tự tại, tận hưởng nhân sinh, có phần mơ mộng, xa rời thực tế, căn bản không thích hợp. Nếu để Trần Tĩnh Kỳ đem cái cốt cách "nhu nhược" ấy phô bày ra trước mặt các hoàng thân quốc thích, văn võ quần thần, e còn bị họ chê cười; phụ hoàng của hắn vốn dĩ là một người mang hùng tâm tráng chí, làm sao có thể ưa thích thứ cốt khí văn chương mềm yếu như vậy được.
Thứ hai, khiến Lý Long Tích đánh giá thấp chính là bút tích. Nét chữ của Trần Tĩnh Kỳ hắn cũng đã xem, đẹp thì có đẹp, nhưng còn lâu mới sánh được với Hứa Bỉ, Tào Tất An, hai vị sứ thần Phạm Đăng Giai - Đề Thanh kia. Phải biết, so đấu ở đây chẳng riêng cái "ý" mà còn ở cả cái "hình"!
Câu đối đâu phải chỉ đọc, nó còn phải viết ra, sau đó đem treo lên cho mọi người đánh giá, bình luận!
Trần Tĩnh Kỳ? Không thể.
...
Bên trong đại sảnh rộng lớn lúc này, trừ bỏ mấy nữ tì thì cũng chỉ còn có một mình Lý Long Tích. Ở trước mặt hắn là những bức tranh chữ, những đôi câu đối cùng với danh tự người đã viết ra chúng.
Lý Long Tích cẩn thận xem qua từng cái, càng xem nét mặt càng trở nên âm trầm.
Xoảng!
Chợt, thanh âm đổ vỡ vang lên. Trên bàn, một cái bình, mấy cái ly đã vừa bị người vung tay gạt đổ, mảnh sứ văng khắp nơi.
- Vương gia bớt giận!
- Vương gia bớt giận!
Mấy tì nữ đứng đợi sai bảo gần đấy, cả đám ai nấy cũng đều giật mình, lập tức quỳ xuống, khuôn mặt ngập tràn sợ hãi. Bọn họ nào biết chính lời nói thốt ra trong lúc kinh sợ của mình, nó lại càng khiến cho Lý Long Tích thêm tức giận.
Hai chữ "Vương gia", Lý Long Tích nghe rất chói tai!
"Thái tử", hắn muốn là "Thái tử"!
Mắt long sòng sọc, Lý Long Tích từ từ xoay đầu nhìn lại, hướng chỗ mấy tì nữ tiến đến.
- V-Vương gia bớt giận!
- Vương gia bớt giận!
Lý Long Tích không có ý dừng, chân bước càng nhanh hơn. May sao, thời điểm hắn tính xuống tay đánh chết mấy tì nữ đáng thương kia thì từ phía ngoài, Châu Vân chạy vào.
- Vương gia!
- Chuyện gì?!
Lý Long Tích quay phắt lại, ánh mắt bức nhân.
Châu Vân khựng người, trong lòng hơi rét:
- Bẩm Vương gia, có An Vương cầu kiến.
- An Vương? Trần Tĩnh Kỳ?
Lý Long Tích hỏi:
- Hắn tới đây làm gì?
- Bẩm Vương gia, An Vương nói muốn dâng lễ vật.
- Lễ vật? Lễ vật gì?
- Dạ... An Vương không nói rõ, nhưng khẳng định sau khi Vương gia nhìn thấy nhất định sẽ liền thay đổi tâm trạng.
- Hửm? Trần Tĩnh Kỳ hắn biết ta đang có tâm trạng thế nào sao?
Trong dạ nổi lên chút ngờ vực, Lý Long Tích cũng từ từ nguôi cơn nóng giận.
- Gọi hắn vào đây.
Lúc Trần Tĩnh Kỳ và Bao Bọc Vàng tiến vào đại sảnh thì những mảnh vỡ ly tách đều đã được dọn sạch, bóng dáng của các tì nữ hiện cũng chẳng còn ai.
Khác hẳn ban nãy, hiện giờ sắc diện của Lý Long Tích khá là thong dong tự tại. Hắn ngồi uống trà, ngẩng nhìn kẻ mới tiến vào.
- Điện hạ.
Trần Tĩnh Kỳ chắp tay, cung kính hướng Lý Long Tích chào hỏi. Hắn cũng rất tâm lý, không có gọi "Vương gia" mà thay bằng hai tiếng "điện hạ".
Lý Long Tích đem chén trà trên tay để xuống bàn, từ tốn hỏi:
- An Vương, hôm nay sao lại có thời gian mà ghé thăm ta vậy?
- Điện hạ, mấy ngày nay Tĩnh Kỳ là vì ngài chuẩn bị một món lễ vật.
- Ồ...
Lý Long Tích vờ ngạc nhiên:
- An Vương, là lễ vật gì? Tại sao lại chuẩn bị cho ta?
- Điện hạ, hai ngày nữa không phải là Tết Nguyên Tiêu rồi sao? Tĩnh Kỳ nghe nói người đang cần một món lễ vật bất phàm để dâng tặng cho hoàng thượng, vì vậy nên hôm nay đặc biệt mang đến.
Lý Long Tích nhìn xem Trần Tĩnh Kỳ, lại ngó qua Bao Bọc Vàng, thoáng dừng ở chiếc hộp màu đỏ khá dài mà Bao Bọc Vàng đang cầm, khẽ nhếch môi, lộ ra ý tứ coi thường:
- Trần quốc là đại quốc, có nền văn hoá lâu đời, lễ vật của An Vương nhất định là bảo vật. Ta thật có chút chờ mong... An Vương, sao không mở ra cho ta xem.
Lý Long Tích có ý tứ bất thiện, Trần Tĩnh Kỳ sao lại chẳng nhìn ra. Dù vậy, hắn không sợ. Bởi vì hắn biết món lễ vật này của mình nhất định sẽ khiến cho Lý Long Tích phải thay đổi thái độ.
Dáng vẻ điềm nhiên, hắn xoay người đem nắp chiếc hộp mà Bao Bọc Vàng đang cầm mở ra, từ trong đấy lấy một bức hoạ.
Lý Long Tích vốn dĩ là mang tâm lý khinh thị, chỉ chờ để bắt tội Trần Tĩnh Kỳ, trút đi những buồn bực trong lòng, song, thời điểm nhìn thấy hình ảnh bức tranh, hắn không khỏi động dung.
Đôi mắt từ từ mở to, tiếu ý tắt lịm, Lý Long Tích buông luôn chén trà trên tay, đứng hẳn dậy. Rồi, hắn bước nhanh đến chỗ Trần Tĩnh Kỳ, nhìn chằm bức hoạ.
Trong tranh, được vẽ không phải con người hay cảnh phong thủy gì, chỉ có duy nhất một chữ: "Phúc". Nhưng là cái chữ "Phúc" này, nó vô cùng đặc biệt, bên trong có hình tượng của Long - Lân - Quy - Phụng cách điệu, cực kỳ sống động!
Đây chính là Tứ Linh Hoá Phúc Đồ!
- Tuyệt bút! Tuyệt bút!
Cũng chả cần giữ lễ, Lý Long Tích đem bức tranh Tứ Linh Hoá Phúc Đồ tước khỏi tay Trần Tĩnh Kỳ, hai mắt không rời, kích động ngợi khen. Ở trong đời mình, rất hiếm khi Lý Long Tích hắn thất thố tới như vậy.
Trần Tĩnh Kỳ chẳng nói gì, im lặng ở một bên, kiên nhẫn chờ đợi. Rung động có chăng là người đứng cạnh hắn: Bao Bọc Vàng.
Thú thật là trước khi tới đây Bao Bọc Vàng vẫn chưa được xem qua Tứ Linh Hoá Phúc Đồ kia, mãi đến tận lúc này thì hắn mới thực sự nhìn rõ, cảm thấy khó tin.
Chữ của Trần Tĩnh Kỳ rất đẹp, cái đấy Bao Bọc Vàng sớm biết, nhưng so với nét bút đang hiện hữu trước mắt đây, phải nói là khác xa! Chữ "Phúc" này có "thần" hơn rất rất nhiều!
"Thư hoạ đồng nguyên", đạo lý này thực sự đã được Trần Tĩnh Kỳ chứng minh, cả hai hòa quyện một cách rất đỗi tài tình. Chưa cần đề cập hình ảnh tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng cách điệu bên trong, chỉ xét riêng những đường nét bên ngoài thôi cũng đã đủ để thấy được tài năng bất phàm của Trần Tĩnh Kỳ rồi.
Thư pháp, nó không chỉ là một môn nghệ thuật cao siêu bởi nó không chỉ đạt được cái đẹp mà còn có tính chất phô diễn, mang khí phách của con người, và thêm vào đó là cá tính của người cầm bút. Một thư gia có thể hành bút, thì phải trải qua thời gian khổ luyện, nắm được tiêu chí cơ bản về: Điểm hoạch (đường nét), kết thể (bố cục), thần vận (cái hồn) của tác phẩm, và cao hơn thế nữa chính là cảnh giới tư tưởng của thư gia.
Một nhà thư pháp cần có kiến thức sâu rộng và khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Điều này đòi hỏi người ta phải có nền tảng kiến thức thâm sâu về kết hợp và phân bố hình khối, tạo nét dáng qua từng đường nét. Khi có óc tưởng tượng kết hợp với khả năng cảm thụ thì người ta mới thể hiện thành công ý tưởng trên tác phẩm của mình.
Sư đòi hỏi đối với một thư gia không phải chỉ đơn thuần ở luyện tập về kiến trúc, kiến thức tạo hình, tạo màu mà còn phải là tu luyện tâm thân. Tác phẩm thư pháp đẹp là tác phẩm không chỉ dựa trên kiến thức, mà còn thể hiện ra cảnh giới tư tưởng.
Một thư gia có tâm hồn hòa ái, sự kiên trì nhẫn nại, hay tính tình nóng vội, tự cao, đều thể hiện ra nét bút của mình, độ đậm nhạt của nét bút, tốc độ viết nhanh chậm đều thể hiện trạng thái tâm tư của người đó khi cầm bút.
Chữ "Phúc" mà Trần Tĩnh Kỳ viết ra đây, mềm mại nhưng không lỏng lẻo, cứng cỏi nhưng không khô khan, trong cương có nhu, trong động có tĩnh, phải nói tuyệt diệu vô cùng.
"Thần bút", đấy là hai từ mà Bao Bọc Vàng có thể nghĩ tới lúc này.