Con đập này, nó thực rất khác. Mà cái gì lạ, người ta vẫn thường có thái độ hoài nghi. Họ cần thêm thời gian để tiếp nhận, cũng là để kiểm chứng.
Trần Tĩnh Kỳ thấy hết, nghe hết, song vẫn như cũ giữ vẻ điềm nhiên, tiếp tục công việc của mình. Dưới sự trợ giúp của Lê Công Lượng và các quan viên hà đê quận Phụng Thiên, sau con đập, hắn nhanh chóng cho tiến hành đào kênh để dẫn thủy nhập điền.
Con kênh khởi nguồn từ đập Mộc Thạch, chảy qua một vùng đồng bằng phẳng lì, thuộc địa phận các thôn Hoài Nhơn, Hoài An, Liên Sơn, Chất Thường, Hiếu Lễ...
Theo ý tứ của Trần Tĩnh Kỳ, dòng kênh không được đào thẳng mà uốn lượn quanh co, với chủ đích để làm chậm dòng chảy vào mùa lũ, giúp tưới tắm được nhiều hơn vào mùa khô cạn. Khi chảy về cuối thôn Phước Thiện, con kênh lại được chia đôi, một nhánh gọi kênh Nam, còn nhánh kia được gọi là kênh Bắc, chảy về tưới mát cho các thôn An Trung, Vũ Tế, Ninh Kiều...
Kể từ lúc khởi công đắp đập Mộc Thạch cho đến khi hai dòng kênh Nam, Bắc chính thức hoàn thiện, thời gian trước sau cộng lại mất gần ba năm. Trong suốt gần ba năm này, Trần Tĩnh Kỳ đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhưng nhờ có Lê Công Lượng ở bên hỗ trợ, với sự kiên định và lòng tin của mình, hắn rốt cuộc cũng thành công; bây giờ, bọn hắn chỉ còn chờ để kiểm chứng...
Thượng thiên cũng chẳng bắt bọn hắn phải chờ lâu, giữa tháng mười năm đó Phụng Thiên lại có lũ lớn xảy ra. Trận lũ này, tính ra cũng chẳng thua gì ba năm về trước. Song, nếu ở ba năm về trước, mưa lũ đã làm hư hại toàn bộ hoa màu, khiến nông dân mất trắng, dẫn đến tình trạng đói kém, gây nên bạo loạn thì hôm nay, kết quả lại hoàn toàn khác biệt.
Thời điểm mưa lũ tràn về, ban đầu dân chúng Phụng Thiên ai nấy đều nơm nớp, lo sợ tai hoạ giống ba năm về trước lại một lần nữa tái diễn; tuy nhiên rất nhanh bọn họ đã dần an tâm trở lại. Lý do là bởi con đập Mộc Thạch vẫn sừng sững trụ vững giữa mưa lũ!
Tới lúc này người ta mới chính thức thấu hiểu dụng ý của Trần Tĩnh Kỳ. Con đập được tạo thành từ vô số tảng đá xếp liền kề nhau kia, chúng có những khe hở để cho nước có thể luồn qua, chảy về xuôi, vì lẽ đó nên đập không bao giờ bị tức nước. Thêm nữa, khi mưu lũ đổ vào sông Vị, sức phá của nước đã được dòng kênh làm giảm bớt. Theo hai nhánh kênh Nam, kênh Bắc uốn lượn quanh co, nước lũ đã được dẫn về các vùng nổi tiếng quanh năm khô hạn, từ đấy mà thiệt hại giảm đi đáng kể.
Không! Phải nói là rất rất đáng kể mới đúng!
Cùng là mưa lũ, thế nước lớn mạnh như nhau, nhưng nếu ba năm về trước Phụng Thiên tan tác, người người chìm trong thảm cảnh thì hiện giờ, hầu như tất cả đều được bình an! Ruộng lúa hoa màu, nó cũng chẳng bị hư hại nhiều!
Khác nhau là một trời một vực!
Đây là nhờ vào cái gì? Lẽ nào còn cần phải hỏi?
Đập Mộc Thạch! Hai dòng kênh Bắc, Nam!
Từ sự hoài nghi, lo ngại ban đầu, lúc này, khi thực tế đã chứng minh, dân chúng Phụng Thiên ai nấy đều hết lòng ca ngợi con đập Mộc Thạch cùng hai dòng kênh Nam, Bắc. Những người đã xây đắp nên chúng, lẽ dĩ nhiên càng đáng phải mang ơn, kính ngưỡng.
"Hoàng thượng nhân từ", "Vũ vương anh minh", mấy ngày này, trên địa phận quận Phụng Thiên vẫn thường được nghe. Đầu thôn, cuối xóm, người người tán dương, râm ran không dứt.
Cũng chả có gì khó hiểu. Trong sự tuyên truyền, tên tuổi của Hạng đế và Lý Long Tích vẫn luôn được đề cập kia mà. Nếu như lúc trước hạn chế bao nhiêu thì bây giờ, sau khi kết quả được kiểm chứng, mọi thứ đều tốt đẹp thì Lý Long Tích liền cho người tích cực nêu cao danh nghĩa của Hạng đế, của mình bấy nhiêu. Ba chữ "Trần Tĩnh Kỳ", hắn tuyệt nhiên không nhắc.
Trần Tĩnh Kỳ rất bình thản đón nhận. Hắn thậm chí còn chủ động đứng ra nói với dân chúng Phụng Thiên rằng hết thảy mọi việc đều là do Hạng đế và Lý Long Tích chỉ định, rằng nhờ sự anh minh sáng suốt của họ mà đập Mộc Thạch cùng hai dòng kênh Nam, Bắc mới nhanh chóng được xây đắp xong.
Từ đó, người dân Phụng Thiên đối với Hạng đế và Vũ vương Lý Long Tích lại càng biết ơn, tôn kính.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa Trần Tĩnh Kỳ chẳng thu được chút gì. Thực ra thì đám quan viên của quận Phụng Thiên này kính nể hắn lắm. Một bộ phận nhân công, dân chúng thường xuyên tiếp xúc với hắn, trong lòng họ cũng vô cùng khâm phục, ghi nhớ công ơn.
Sự thật thì vẫn là sự thật, ai chân ai giả, đóng góp bao nhiêu, công lao nhiều ít, cuối cùng rồi cũng sẽ được phơi bày. Trước mắt, quả đúng danh tự của Hạng đế và Lý Long Tích rất nổi bật, thế nhưng mai này, được dân chúng Phụng Thiên khắc ghi lại không phải bọn họ. Trần Tĩnh Kỳ mới là người được hậu nhân ca tụng.
Đập Mộc Thạch, hai dòng kênh Nam, Bắc, rất lâu rất lâu sau này vẫn còn tồn tại. Cư dân Phụng Thiên từ đời này sang đời khác vẫn thường kể cho con cháu nghe về câu chuyện xa xưa, rằng Phụng Thiên năm đó có một vị An vương tên gọi Trần Tĩnh Kỳ đã đứng ra chỉ đạo cho đắp đập, đào kênh. Con đập và đôi dòng kênh Nam, Bắc ấy, chúng đã tưới tắm cho hồn người và những cánh đồng phì nhiêu ở khắp nẻo Phụng Thiên này...