Nhưng ngẫm lại, nếu vì chuyện này mà Quý phi Niên thị bị thất sủng, thì chẳng phải người trong thiên hạ đều biết nàng ta được sủng ái nhờ Niên Canh Nghiêu hay sao? Hơn nữa sự thật chuyện này hoàn toàn không giống thế, Ung Chính cũng là người đàn ông không cho phép người khác dò xét mình.
Mấy ngày gần đây, Ung Chính bận bịu không dứt khỏi chuyện triều đình, chuyện Niên Canh Nghiêu lại liên quan tới đảng Long Khoa Đa và Doãn Tự, đúng là bận đến sứt đầu mẻ trán.
Lục Thập năm tuổi bắt đầu cùng với các ca ca đến thư phòng học tập, ngày ngày vô cùng bận rộn, tan học lại chạy ngay đến điện Dưỡng Tâm, Vân Yên kéo Lục Thập đến trước giường, bên cạnh là Lan Hà và Lan Tịch, mọi người đều nô đùa vui vẻ.
Thập Lục hồn nhiên đọc cho Vân Yên nghe Thi Kinh mới học thuộc được:
- Quan quan... thư cưu, tại hà… chi châu… yểu điệu thục nữ… quân tử… hảo cầu.
Vân Yên nhìn gương mặt bụ bẫm của thằng bé, chợt nhớ tới Hoằng Huy, những lời kì lạ trước đây Cửu Bối tử Doãn Đường nói về Hoằng Huy nàng từng mơ thấy hiện lên rõ mồn một, dở khóc dở cười…
Lý do không sống ở cung Càn Thanh mà sống ở điện Dưỡng Tâm nàng đã biết từ lâu, lý do Hoằng Huy không về kinh thành cũng vì ngài sợ cậu sẽ bị cuốn vào vòng xoáy quyền lợi. Hơn nữa, sao bọn họ biết chuyện của Hoằng Huy?
Dù nghĩ tới nguồn gốc của giấc mơ kì lạ hay câu nói “người khác” ấy của Doãn Đường, tim nàng vẫn đau nhói như bị hàng trăm cây kim đâm vào. Nhưng nàng không còn là Vân Yên trẻ trung của năm ấy, tuy dung mạo không thay đổi, nhưng trái tim đã chai sạn hơn nhiều.
Lục Thập hồn nhiên nhào vào lòng nàng, chu cái miệng nhỏ lên đòi thơm, Vân Yên thoải mái chiều theo nhóc, xoa nhẹ bím tóc nho nhỏ sau gáy, nhìn sự lanh lợi trong đôi mắt trong veo, nàng chợt nhớ tới Hoan Sênh, trong lòng thoáng dịu dàng hẳn đi.
Rầm!
Ngoài phòng chợt vang lên tiếng động rất lớn, làm mấy người trong phòng đều giật mình, tưởng như tiếng đá cửa nặng nề.
Vân Yên xoa đầu Lục Thập, vừa mới quay người lại, đã thấy người đàn ông mặc long bào mang theo gió sải từng bước lớn vào phòng ngủ, ngay cả góc áo cũng bị lây sự tức giận, cả điện Dưỡng Tâm ngột ngạt nặng nề. Lục Thập mới chỉ mấy tuổi cũng sợ hãi nín thinh nép người vào lòng Vân Yên, không dám gọi Hoàng a mã, Lan Tịch và Lan Hà đồng loạt quỳ xuống, không dám mở miệng thỉnh an.
- Ra ngoài.
Giọng nói Ung Chính khàn đặc đáng sợ, gương mặt chưa bao giờ u ám như lúc này.
Vân Yên ngẩng đầu nhìn góc mặt âm u của ngài, trầm mặc đưa Lục Thập trong tay cho Lan Tịch và Lan Hà, ra hiệu cho họ nhanh chóng bế bé ra ngoài, cánh kêu khẽ vang lên tiếng cọt kẹt.
Ung Chính đứng trước cửa sổ, hai bàn tay chắp sau lưng nắm chặt lại, mu bàn tay nổi đầy gân xanh, bím tóc dài và tua rua màu vàng tượng trưng cho tôn quyền thiên hạ rủ xuống hai tay ngài, chạm lên eo long bào tinh xảo.
Vân Yên vẫn ngồi bên giường, đầu mày hơi chau vào rồi từ từ giãn ra, nàng đứng lên, lẳng lặng đứng sau lưng ngài.
Từ khi làm hoàng đế, việc chính sự quấn thân, đây không phải là lần đầu tiên Ung Chính nổi giận như sấm rền, nhưng lần này có vẻ nghiêm trọng hơn cả, vì khi về đến tẩm cung ngài vẫn lửa giận phừng phừng. Làm bạn với vua như làm bạn với hổ, dù Vân Yên không lên triều, không ở hậu cung, nhưng ít nhiều cũng có thể cảm nhận được.
Ung Chính vẫn không quay người lại, giọng nói trầm thấp lạ thường:
- Nàng có biết Niên Canh Nghiêu từng đến tiền sảnh không?
Vân Yên không hề ngạc nhiên, không sợ không hoảng đáp lại rõ ràng:
- Nếu không phải do thiếp mơ ngủ nhìn lầm, thì rất giống y.
Thật ra, sau này bình tĩnh nhớ lại, Vân Yên cũng không hiểu y lấy gan đâu mà dám từ tiền điện vào tiền sảnh, nhớ tới mùi rượu thoang thoảng trong không khí ấy, gan của y đúng là to ra nhờ quyền lực quyền thế. Nhưng thật chất ra, y chỉ là người đàn ông không cam lòng làm nô lệ mà thôi.
Ung Chính xoay người lại, nắm chặt tay vào mà không nói lời gì, các khớp xương khẽ vang lên tiếng nho nhỏ, đôi mắt đen tuyền của ngài nheo lại như đã trút ra toàn bộ sự giận dữ.
- Y làm gì?
Vân Yên lắc đầu, bình thản đáp:
- Không làm gì cả, thiếp nhìn thấy y qua tấm màn, y đứng ở chỗ cửa, hình như đã uống rượu, sau đó quay người ra ngoài.
Ung Chính nghiến răng nói:
- Coi trời bằng vung, hỗn xược hoang đàng.
Vân Yên nín thở, rồi nhẹ nhàng nắm lấy tay ngài:
- Tức giận chỉ hại thân thôi.
Ung Chính trở tay nắm lại tay nàng, hạ thấp giọng:
- Đế xuất Tam Giang Khẩu, Gia Hồ tác chiến trường (1)... Chết cũng không tiếc!
Vân Yên mở to mắt chợt hiểu ra câu “Đế xuất Tam Giang Khẩu”, cũng giật mình không thôi.
Niên Canh Nghiêu, y thật sự dám có suy nghĩ ấy sao?
Nhưng chủ tử của y đâu phải quân vương yếu đuối hoang đàng vô dụng, người y gặp là vị đế vương trăm năm khó gặp, y có cửa thắng ư?
Nàng bừng tỉnh trở lại, vừa vuốt nhẹ ngực ngài vừa thong thả đáp:
- Thiếp biết trong lòng chàng đang giận, ngay từ đầu thiếp không báo lại cho chàng biết là vì... thứ nhất, cách một tấm màn, thiếp không nhìn rõ người đứng bên ngoài, hơn nữa y còn liên quan đến Quý phi Niên thị, nếu thiếp mách lẻo cũng chẳng hay ho. Hai là, ngày ấy chàng đã đập chén đập bát nói muốn xử lý y, nếu thiếp đổ thêm dầu vào lửa, không biết chàng sẽ nổi nóng đến mức nào.
Cơn tức của Ung Chính đã nguôi đi đôi phần, nghe thấy mấy từ “đập chén đập bát” thì dở khóc dở cười, tức giận gõ vào trán nàng:
- Mách lẻo? Cùng chung chăn gối mười mấy năm ta còn không hiểu nàng sao? Cả đời này nàng không được học cách viết hai chữ “tố cáo” là thế nào à?
Vân Yên bĩu môi:
- Vậy Hoàng thượng dạy thiếp đi.
Ung Chính nghẹn họng nhìn nàng chằm chằm, rồi bế thốc nàng lên, giả bộ đánh vào mông nàng mấy cái. Vân Yên khẽ kêu đau mấy tiếng, ngài hầu như không dùng sức, nghe nàng kêu đau thì vội vàng thả tay ra, nhìn nụ cười trên khuôn mặt nàng, lửa giận ngút trời trước khi vào phòng cũng được dập tắt hơn nửa.
Vân Yên nắm lấy ống tay long bào, kéo ngài vào noãn các phía tây tiền điện, giả bộ nói:
- Xử lý chuyện này khi vẫn còn tức giận, thì y càng thêm tội lớn, tự ý xông vào tẩm cung, chỉ tội này thôi là đủ rồi.
Ung Chính ấn nhẹ ngón tay cái của mình lên trán nàng, cuối cùng ngoảnh mặt đi:
- Ngốc, tội này mà cũng có thể viết vào công văn à.
Vân Yên mỉm cười, vuốt ve lòng bàn tay dày rộng của ngài, thở dài:
- Đừng tức giận nữa, giữ gìn long thể mới là điều quan trọng. Y đã đi đến ngày hôm nay, thêm hay bớt một tội cũng không khác nhau mấy.
Trong sớ tạ ơn của Niên Canh Nghiêu khi được điều động bổ nhiệm làm Hàng Châu tướng quân, Ung Chính tự tay phê rằng:
“Trẫm đã nghe thấy tin đồn ‘Đế xuất Tam Giang Khẩu, Gia Hồ tác chiến trường’ từ lâu… Trẫm nghĩ nếu khanh tự mình xưng đế, vậy thì đó là ý trời, trẫm cũng khó vãn hồi. Hai câu này không biết khanh đã từng nghe thấy chưa? Khanh hiểu rõ mà vẫn làm, lòng trẫm quả thật vô cùng băng giá. Xem ra, khanh không hề hối hận. Ông trời trên cao, nếu trẫm phụ khanh, trời tru đất diệt, nếu khanh phụ trẫm, không biết ông trời xử trí thế nào?”
Sau khi Niên Canh Nghiêu bị điều chức, quan viên trong ngoài triều đình càng nhìn rõ hơn thế cục hiện giờ, đồng loạt vạch trần tội trạng của y, giống như giậu đổ bìm leo, trong đó có rất nhiều chuyện liên quan tới Long Khoa Đa, có thể sánh ngang với Niên Canh Nghiêu, khiến Ung Chính chịu đả kích khá nhiều. “Niên tuyển”, “Đồng tuyển” (2) đã chiếm trọn một nửa giang sơn của Ái Tân Giác La. Ung Chính nghe theo lời cầu xin của quần thần, cách chức Niên Canh Nghiêu.
Khi kết cục của Niên Canh Nghiêu đã định, Ung Chính đế bắt đầu ra tay liên tiếp xử lý đảng Liêm thân vương Doãn Tự.
Chỉ trong vài năm lên ngôi, trong công vụ triều đình, Ung Chính giám sát Liêm thân vương vô cùng chặt chẽ, không ngừng chia rẽ và tấn công đảng Doãn Tự, ngay cả Cửu Bối tử Doãn Đường cũng bị phái đến Thanh Hải ở tây bắc, nơi đóng quân của Niên Canh Nghiêu, Doãn Tự và Doãn Đường mỗi người một nơi, chỉ khi Niên Canh Nghiêu về kinh báo cáo công việc thì y mới được về, bởi vậy y đương nhiên cực kì thù hận Ung Chính, hơn nữa khi rời khỏi kinh còn lần lữa dùng dằng, bị Ung Chính trách phạt, gần như bị cưỡng ép mà đến chỗ quân đóng ở Tây Ninh. Sau khi phát hiện ra chuyện của Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa có liên quan tới mật thiết tới Liêm Thân vương Doãn Tự và Cửu Bối tử Doãn Đường, ngài bắt đầu nghiêm khắc trừng trị Đảng Doãn Tự. Trên triều đã rơi vào thế cục biến động mà không ai ngờ tới, thậm chí còn hơn cả những năm cuối cùng triều Khang Hi.
Xuân hạ là mùa hoa ngọc lan nở, đối lập với điện Dưỡng Tâm khép kín nặng nề, thỉnh thoảng khi Ung Chính lên triều, Vân Yên sẽ bí mật để lại lời nhắn cho ngài trong căn phòng phía đông, rồi tự đi qua mật đạo đến Tứ Nghi Đường cho khuây khỏa.
Đi hết con đường này tốn khá nhiều sức, mỗi lần đến Tứ Nghi Đường nàng đểu đổ mồ hôi ròng ròng, coi như rèn luyện sức khỏe.
Quay về Tứ Nghi Đường là lúc nàng tự tại nhất, nơi đây không phải hoàng cung, không có quy củ nghiêm ngặt, chỉ có từng nhành cây ngọn cỏ quen thuộc, dù nàng đi đâu, đều cảm thấy thanh thản.
Vân Yên không ngờ sẽ gặp lại Tiểu Huệ. Từ sau khi uống thuốc mất trí nhớ, nàng đã quên gần hết những sự việc và con người không vui, trong tiềm thức cũng không chủ động nhớ lại.
Người ấy quỳ phịch xuống đất, tiếng nói hòa lẫn nước mắt:
- Phu nhân!
Hơn mười năm trôi qua rồi, Vân Yên gần như không nhận ra nàng ta. Tiểu Huệ năm đó đã thay đổi, gầy hơn trong trí nhớ nàng, hơi tiều tụy. Bàn tay đan trước người hình như phải làm việc nặng trong nhiều năm, đã có vết chai sạn. Rõ ràng không còn là cô gái có gương mặt tròn trịa đi theo nàng năm ấy. Những năm nay, nàng ta có lẽ rất khổ cực.
- Tiểu Huệ?
Cả người Tiểu Huệ quỳ bò dưới đất:
- Nô tì có tội, xin phu nhân trách phạt.
Vân Yên sửng sốt, chợt nhớ lại chuyện nàng ta bưng cho nàng bát thuốc ấy, cuối cùng dìu vai nàng ta lên, thở dài:
- Đứng lên rồi nói chuyện, tôi đã nói không cần làm vậy mà.
Vân Huệ không chịu đứng lên, gương mặt đầm đìa nước mắt:
- Xin phu nhân hãy để nô tì quỳ.
Vân Yên cười nói:
- Lẽ nào em có việc cần cầu xin tôi sao?
Khuôn mặt Vân Huệ bỗng nhiên đỏ bừng, lắc đầu quầy quậy:
- Nô tì không dám.
Vân Yên đáp:
- Vậy thì đứng lên rồi hẵng nói chuyện.
Vân Huệ đành phải nghe theo, lập tức bò lên. Vân Yên vẫy tay, đi vào trong sân Tứ Nghi Đường.
- Từ khi tôi khỏi bệnh về thì không nhìn thấy em, mấy năm này em làm việc ở viện nào?
Nàng ta cúi đầu trả lời:
- Nô tài làm ở phòng tạp dịch.
Vân Yên ngồi xuống ghế mây trong sân, hơi chau mày.
- Không thể nào.
Vì nàng ta không chăm sóc nàng chu đáo, nên Dận Chân nổi giận đuổi nàng ta đến phòng tạp dịch ư?
Vân Huệ cắn môi quỳ xuống lần nữa:
- Nô tì tội đáng muôn chết, nô tì... từng to gan giúp Vương gia... không, Vạn Tuế Gia... cởi giày... Vương... Vạn Tuế Gia... tức giận...
Vân Yên ngạc nhiên:
- Chỉ vì chuyện này?
Nàng ta rũ mắt xuống:
- Khi ấy Vạn Tuế Gia... tưởng là phu nhân... nên gọi tên húy của phu nhân...
Vân Yên tựa người vào ghế mây không lên tiếng, không biết đang nghĩ gì.
Tứ Nghi Đường trong những ngày xuân phảng phất hương hoa ngọc lan khắp nơi, ánh nắng từ kẽ hở tán cây rọi xuống, sưởi ấm người bên dưới.
- Chuyện bát thuốc ấy không phải là lỗi của em... dẫu sao, Vạn Tuế Gia mới là chủ tử... chuyện trước đây hãy để nó qua đi, em cũng chịu khổ đủ rồi.
Vân Yên khép mắt, chậm rãi nói.
Vân Huệ xấu hổ cắn môi, hai mắt đỏ hoe vì khóc:
- Nô tì nghĩ hơn mười năm mới hiểu mình sai ở đâu, tính mạng nô tì và ông nội nô tì đều do phu nhân cứu, không có phu nhân, thì không có nô tì. Nô tì sai rồi.
Vân Yên đưa tay kéo nàng ta dậy:
- Tính mạng của em là do Vạn Tuế Gia cứu, chuyện đó quả thật khó cả đôi đường, vật đổi sao dời, tôi không trách em. Hoàng cung hay vương phủ cũng đều như lớp băng mỏng, tôi tin hiện giờ chắc chắn em hiểu rồi.
Vân Huệ lau nước mắt, đáp lại chân thành:
- Hiện giờ phu nhân sống càng ngày càng tốt, vẻ ngoài dường như không thay đổi bao nhiêu. Nhiều năm qua Hoàng thượng vẫn một lòng một dạ với phu nhân.
Vân Yên cười hờ hững:
- Giữa con người với con người đều là tương hỗ với nhau, biết đủ sẽ vui.
Vân Huệ như chìm vào trong kí ức, nước mắt chực trào:
- Phu nhân, Vạn Tuế Gia thật sự... đây là bí mật mà nô tì đã chôn kín nhiều năm trong lòng. Trong đêm ấy, ngài thiêu trụi Tứ Nghi Đường, nhưng chỉ để tìm một chiếc tráp nhỏ mà suýt nữa vùi thây trong biển lửa, nô tì chưa từng thấy Vương gia như thế... Sau này ngài đến Viên Minh Viên, đi rất lâu mà không trở lại, khi trở về người đã gầy xọp hẳn đi, thay đổi nhiều lắm.
(CÒN TIẾP)
(1) Một câu nói của Ung Chính, tạm dịch: vua xuất hiện ở Tam Giang Khẩu, tranh ngôi anh hùng ở Gia Hồ (ở đây chỉ phản Thanh phục Minh). Tam Giang Khẩu nằm ở tỉnh Chiết Giang, chỉ ba con sông đổ vào cửa biển là sông Tào Nga, sông Tiền Thanh và sông Chiết Giang (hay còn gọi là sông Tiền Đường). Gia Hồ chỉ đồng bằng Gia Hồ (Khu vực đồng bằng bao xung quanh Hàng Châu, Gia Hưng, Hồ Châu).
(2) Khi ở hành cung Tây Vực, Niên Canh Nghiêu tự ý dùng người của mình bổ nhiệm các chức quan địa phương, không thông qua bẩm báo, nên gọi là “Niên tuyển. Khi còn ở bộ Lại, Long Khoa Đa tự ý tuyển quan lại vào, nên gọi là “Đồng tuyển” (Đồng cũng là họ cha của Long Khoa Đa). Ngoài ra triều Thanh còn có “Tây tuyển” khi Ngô Tam Quế tự ý tuyển quan theo tháng, cùng với “Niên tuyển” và “Đồng tuyển” tạo thành “Tam tuyển”.