Hoa quế đã nảy mầm, dần dần lớn lên thành một cái cây non xanh biếc đáng yêu. Cây ngọc lan cũng từ từ nở hoa, góc sân nhỏ tràn ngập hương thơm thanh khiết.
Hoằng Huy cũng lớn lên rất nhanh. Dường như đã thuộc nằm lòng “Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm (Áo chàng bâu vải xanh xanh, Nhớ chàng em lại nghĩ quanh xa vời) (1). Lúc Dận Chân không ở trong phủ Vân Yên thường giúp thằng bé ôn lại thi thư.
Tiểu Hoằng Huy có một thói quen, đó là rất thích những động vật nhỏ xuất hiện trong thi từ. Ví dụ như câu “U u lộc minh, Thực dã chi bình (Hươu kêu rao rao, cùng ăn quả bình) (2)” xuất hiện trong bài này. Thằng bé chớp chớp đôi mắt to tròn, dựa sát vào người Vân Yên nói muốn nuôi một con nai con, muốn đưa nai con ra ngoài thành ăn cỏ.
Vân Yên cười nhéo nhẹ lên cái mũi nhỏ của thằng bé nói chờ nhóc lớn lên rồi quất roi cưỡi ngựa trên thảo nguyên, đừng nói là cỏ, nhóc muốn đưa nai con đi ăn táo cũng được.
Khi Vân Yên ra phòng ngoài lấy trà thì vô tình nghe thấy hai tiểu nha hoàn đang thì thầm nói chuyện vài ngày trước nha hoàn Xuân Nhạn trong phòng Trắc phúc tấn Lý thị, mỗi lần Tứ gia đến viện chủ tử, thì luôn mặc quần áo màu hồng, khi bưng trà còn liếc mắt đưa tình hâm mộ với Tứ gia nhiều lần, mơ mộng hão huyền mình có thể bay lên đầu cành đổi đời. Tuy Tứ gia không hề đếm xỉa đến, nhưng Lý thị lại nhìn thấy. Vốn phụ nữ có thai không thể thị tẩm, số lần Tứ gia đến lại không nhiều. Tâm tình trong lúc này là nhạy cảm nhất, thấy nha hoàn trong phòng mình dám có tâm tư như vậy, đâu thể nhịn được. Tứ gia vừa bước khỏi cửa, Lý thị liền vung tay lên cho Xuân Nhạn một cái bạt tai, tức giận chỉ vào nàng ta nói chỉ là một con nô tì ti tiện, đến làm nha hoàn thông phòng còn không xứng! Rồi phạt nàng ta quỳ ở hậu viện. Sau đó phúc tấn Na Lạp thị biết được đến thăm Lý thị khuyên bảo nàng ta phải giữ gìn sức khỏe, cũng nhắc nhở nàng ta đừng quên gia không thích nhất chính là hậu viện tranh giành ghen tuông, cãi nhau xong, để gia biết được lại phạm vào quy củ. Nàng ta mới thôi, cuối cùng nói không muốn để Xuân Nhạn hầu hạ nữa. Xuân Nhạn cũng bị Na Lạp thị trục xuất ra khỏi phủ tìm một gã sai vặt để gả, sự việc không khỏi làm người khác bàn tán.
Vân Yên lẳng lặng bưng ấm trà đi, không lên tiếng. Hậu viện sâu như bốn biển, nơi nào không có chuyện này chuyện nọ? Thê thiếp hòa thuận, gia quy nghiêm ngặt như ở phủ Tứ gia cũng không dập tắt được yêu hận tình thù như sóng ngầm mãnh liệt trong lòng mỗi người phụ nữ.
Vân Yên khi đứng cạnh Dận Chân sao chép Kim Cương kinh cũng nhớ rõ một câu: Hễ có hình tướng đều là giả dối. Con người trên thế gian tội gì phải theo đuổi những thứ giả dối đó? Thứ vốn đã không thuộc về mình, thì tốt nhất đừng mơ tưởng, vì có mơ tưởng thì cũng không có được. Đây chính là đạo lý mà mẹ đã dạy nàng từ nhỏ.
Không đến mấy ngày sau, Dận Chân lúc bãi triều lơ đãng bảo Vân Yên thu xếp, nửa tháng sau sẽ cùng với Hoàng thượng tuần du cửa ải.
Vân Yên nghe xong sững sờ, miệng hơi hé ra rồi khép lại, cung kính tuân lệnh. Dận Chân yên lặng nhìn nàng một cái rồi xoay người đi xử lý công văn. Cúi thấp đầu, đúng rồi, làm nô tài bên người đương nhiên chủ tử đi đâu mình phải đi theo đó. Nếu không ai sẽ hầu hạ chủ tử.
Trong nửa tháng, Vân Yên tỉ mỉ sửa soạn hành lý của Dận Chân, từ đầu đến chân, từ bữa ăn đến giấc ngủ. Na Lạp Thị cũng dặn dò nàng ở bên ngoài nhất định phải chu đáo chăm sóc tốt cho Bối Lặc Gia, Vân Yên càng thêm cẩn thận hơn. Đã tới thì an tâm ở lại. Tuần du cửa ải thì chính là tuần du cửa ải, dù Vân Yên là người thích cuộc sống an ổn, chứ không thích bay nhảy khắp nơi. Nàng tự an ủi chính mình, coi như là cơ hội để mình mở mang tầm mắt, mở rộng kiến thức đi. Ít nhất cũng có thể tự mình chiêm ngưỡng dung nhan thật sự của Hoàng đế Khang Hi.
Người Dận Chân mang theo không nhiều lắm, một nha hoàn bên người tất nhiên là Vân Yên, hai gã sai vặt là Tiểu Thuận Tử và Tiểu Ngụy Tử. Cộng thêm bốn thị vệ nữa.
Đến tháng bảy là thời gian tuần du, nha hoàn Vân Yên một là không biết cưỡi ngựa, hai là phải đảm nhận hầu hạ bên người chủ tử, được sắp xếp ngồi trên xe ngựa riêng của Tứ Bối Lặc Dận Chân. Chỉ là khi ra khỏi thành thì chỉ có một mình Vân Yên ngồi trên xe ngựa rộng rãi xa hoa, các hoàng tử đều cưỡi ngựa, Dận Chân cũng không ngoại lệ.
Ngày ra khỏi thành, người ngoài cửa thành tấp nập đông đúc. Dân chúng chen lấn đều muốn tận mắt nhìn thấy khí chất uy nghi hoàng gia của Hoàng đế Khang Hy và các hoàng tử. Mà bọn họ quả nhiên không làm dân chúng phải thất vọng.
Ngoại trừ Thái tử phải ở lại giám quốc, các hoàng tử thành niên, sắp thành niên còn lại đều đi theo. Các vị hoàng tử với tư thế oai hùng, tôn quý phi phàm hộ vệ xe ngựa của vua Khang Hi, phong thái thanh nhã cưỡi ngựa. Có người mở đường, có người hộ vệ, có người hộ tống, mỗi người đều có tư thái riêng, làm người khác phải tán thưởng.
Tứ Bối Lặc Dận Chân cưỡi một con tuấn mã màu hạt dẻ, nét mặt trầm tĩnh. Con ngựa dưới thân thuần chủng không dính chút tạp chất, từ khung xương đến hình thể đều hoàn mỹ, đường cong bắp thịt rắn chắc. Ánh mắt của nó đen tuyền vô cùng trong trẻo mà thâm thúy, có vài điểm tương tự giống như chủ nhân. Vân Yên nhớ rằng, con ngựa đực màu hạt dẻ này là con ngựa Dận Chân thích nhất, tên là Truy Vân. Một ngày nó có thể đi được ngàn dặm, dường như có thể đuổi mây cưỡi gió.
Bát Bối Lặc Dận Tự phong thái tao nhã cưỡi ngựa đến bên cạnh Dận Chân, hắn cưỡi một con tuấn mã đen nhánh, khiến người khác đặc biệt hâm mộ. Người đàn ông với phong thái như vậy vốn dĩ nên cưỡi một con ngựa trắng, nhưng nếu hắn cưỡi ngựa trắng có lẽ ngược lại là chuyện rất tầm thường, không bằng cưỡi ngựa đen nhưng khiến mọi người phải kinh ngạc! Tư thái hắn tao nhã nhẹ nhàng cầm dây cương, cùng với khuôn mặt xinh đẹp tuyệt thế và nụ cười như gió xuân thổi qua, không thể không khiến cho thần hồn dân chúng điên đảo.
Thập Tam A Ca Dận Tường cưỡi một con ngựa trắng muốt, bên cạnh là Thập Tứ A Ca với con ngựa đỏ rực như lửa. Hai chàng thiếu niên trong sáng cao quý cùng đi song song với nhau, thật sự giống như một đôi ngọc khiến người khác phải ca tụng.
Tiếng hô của dân chúng rung trời, khi vua Khang Hi bước ra từ xe ngựa, đội hình dân chúng ven đường lập tức chỉnh tề nghênh đón hoàng đế, mọi người cùng quỳ xuống, đồng thanh hô vạn tuế, tiếng hô như sấm rền bên tai.
(1) Trích từ bài thơ Tử Khâm 1 trong Kinh thư. Bản dịch của Tạ Quang Phát.
(2) Trích từ bài thơ Đoản ca hành kỳ 2 – Tào Tháo. Bản dịch của Cao Tự Thanh.