Trong thời gian này, Phượng Phi Phi thu thập được đủ thứ tin tức không ngừng truyền về. Bộ Thủ quả xứng đáng là lão đại của Mĩ Ni Tư, huy động năm quân đoàn toàn những phần tử tinh hoa. Mấy ngày trước chúng không tuyên chiến đã bất ngờ tấn công quân khăn hồng Ma Ni giáo, vừa giết vừa làm bị thương hơn một vạn quân khăn hồng tinh nhuệ khiến cho địa khu Mĩ Ni Tư yên tĩnh bấy lâu giờ lại nổi phong ba.
Ma Ni giáo đương nhiên không chịu kém thế, bọn họ tìm đúng nhược điểm của Quang Minh đế quốc, phản công trở lại. Phương Phỉ Thanh Sương tự thân xuất trận, giết liền một mạch sáu tướng kị binh Ngõa Lạp, khiến cho quân sĩ Ngõa Lạp như rắn mất đầu, cuối cùng đại bại, thiệt hại hơn bốn ngàn quân và năm ngàn thớt chiến mã. Thủ lĩnh người Ngõa Lạp Ma Sa Địch nổi trận lôi đình, thề phải giết chết Phương Phỉ Thanh Sương báo thù rửa hận. Bộ Thủ hạ lệnh điều ba quân đoàn binh lực ước chừng năm vạn đến mé tây sào huyệt Ma Ni giáo ở Hổ Xuyên, lăm le như hổ rình mồi. Ma Ni giáo cũng không chịu kém cạnh, điều hơn ba vạn quân khăn hồng tinh nhuệ bày trận nghênh địch, tình thế đôi bên hết sức căng thẳng.
Tình hình đế quốc càng không mấy lạc quan. Hai nước Y Lan và Nhược Lan đã kí được hiệp định đình chiến. Quân đội tinh nhuệ của Y Lan đóng tại cứ điểm Hoàng Hôn, Tiêu Nam thống lĩnh quân đoàn Bạch Lộ rút về trước cứ điểm Xạ Nguyệt ở hành lang Á Sâm. Thằng ngốc cũng nhận ra Y Lan quốc chuẩn bị thừa gió bẻ măng, mưu đoạt hành lang Á Sâm. Sự xuất hiện của Tiêu Nam khiến triều đình đế quốc không dám lơ là, vội vàng vơ vét sáu bảy sư đoàn điều về hành lang Á Sâm, chịu sự chỉ huy của đại hoàng tử Đường Cốc khiến cho tổng binh lực tại hành lang Á Sâm đạt đến con số chưa từng có – 40 vạn người. Thế nhưng, với năng lực chỉ huy của Đường Cốc, kết quả trận chiến này lại làm người ta như ngồi trên đống lửa.
Không dừng ở đó, biện pháp bắt các thuộc quốc gánh chịu quân phí cùng với đế quốc bị bốn nước này nhất loạt phản đối. Bọn họ công khai phản đối chính sách của đế quốc đã là chuyện hiếm thấy, còn cực lực yêu cầu thay Đường Cốc bằng Đường Hạc song Đường Minh làm ngơ không đếm xỉa đến. Đôi bên vì vấn đề quân phí mà xuất hiện rạn nứt rất lớn, Tư Mã gia và Độc Cô gia nhân cơ hội phát biểu đầy ẩn ý trên báo chí, đổ thêm dầu vào lửa. Triều đình u ám, cục diện chính trị bấp bênh.
Đồng thời, tam hoàng tử Đường Hạc phụ trách thu hồi các khoản nợ của quốc khố cũng gây nên một trận cuồng phong. Các khoản nợ của quốc khố là vấn đề sót lại của lịch sử, tưởng cất tay là có thể giải quyết dễ dàng sao? Đường Hạc liên tục lột áo mão của quan viên nhất phẩm, làm cho quan trường đế quốc hỗn loạn hết sức. Không ít những tên quan ti bỉ thông đồng với nhau, bãi công, cố tình gây mâu thuẫn, đẩy mũi dùi của Đường Hạc từng bước từng bước hướng về phía những quan viên trung ương có trọng lượng như Đường Cảnh, Đường Lan.
“Không hay rồi!” Dương Túc Phong cười khổ.
Quả nhiên, Đường Hạc nhanh chóng bị điều khỏi nhóm “đòi nợ” quốc khố, thuyên chuyển đến Cung Xuyên đạo phụ trách xây dựng tuyến đường sông. Đường Minh phái Đường Cảnh đảm nhiệm chức nhóm trưởng, rầm rộ đẩy công cuộc thu hồi quốc khố lần thứ nhất rơi vào lãng quên.
Ngày 1 tháng 12 thiên nguyên 1727, tại đảo Phổ Cát cách đông nam Lạc Na 300 hải lí, hải quân Mã Toa quốc và đế quốc khai diễn một trận hải chiến quy mô chưa từng có. Kết quả chưa biết nhưng tin rằng thành quả chiến đấu không khiến người ta lạc quan nổi. Quả nhiên, mấy ngày sau, báo chí đăng tin hải quân đế quốc toàn thắng, đánh chìm 23 chiến hạm Mã Toa quốc. Song tư lệnh hạm đội Nam Hải số 1 điện hạ Đường Lẫm không may bị thương nặng, nhị hoàng tử Đường Thước tiếp nhiệm chỉ huy.
“Ngược lại, hạm đội Nam Hải số 1 chắc chắn thiệt hại nặng.” Dương Túc Phong lạnh lùng quăng tờ báo xuống đất, lo lắng đi tới đi lui trong phòng. Thiệt hại của hạm đội Nam Hải có quan hệ trực tiếp đến kết quả trận chiến Lạc Na, nay Đường Thước nhậm chức tư lệnh, không nghi ngờ gì nữa, tiền đồ hạm đội Nam Hải càng thêm ảm đạm. Trong bốn hoàng tử, có năng lực nhất là Đường Hạc song thế lực gia tộc mẹ y không có, vì thế từ trước đến nay Đường Minh không yêu mến y, thậm chí có lúc ba, bốn năm không diện kiến một lần. Những hoàng tử khác hiển nhiên là, giữ thành quả thì không đủ mà việc xấu có thừa.
Phượng Thái Y xăm xăm đi tới, mời Dương Túc Phong trở về Đan Phong Bạch Lộ thành, thương thảo chuyện chính thức thành lập Lam Vũ quân. Dương Túc Phong giao phó vấn đề kĩ thuật ở công xưởng Bà Châu xong, đêm hôm khuya khoắt theo Phượng Thái Y trở về Đan Phong Bạch Lộ thành.
Ngày 12 tháng 12 thiên nguyên 1727, Lam Vũ quân chính thức thành lập.
So với dự tính hoàn toàn không giống, nghi thức thành lập Lam Vũ quân hoàn toàn đơn giản, vắng vẻ. Không điển lễ chúc mừng long trọng, cũng không có nhân vật quan trọng phát biểu, chỉ cử hành lễ duyệt binh đơn giản. Tổng số quân đầu tiên của Lam Vũ quân vào khoảng 1500 người tụ tập tại khu đất trống bên ngoài thành, cùng nhau giơ cao tay phải tuyên thệ trước Sư thứu kì màu xanh, toàn bộ nghi thức đến đấy kết thúc.
Căn cứ mệnh lệnh của Dương Túc Phong, Lam Vũ quân không tiếp tục áp dụng biên chế như quân đội đế quốc, bỏ hết các khái niệm sư đoàn, liên đội, đại đội, dũng cảm áp dụng biên chế của quân đội giải phóng Trung Quốc, có thay đổi chút cho phù hợp. Áp dụng chế định do đại tướng Túc Dụ khởi thảo, chia quân đội theo thứ tự thành sư (lữ), đại đoàn, tiểu đoàn, đại đội, tiểu đội. Mỗi tiểu đội bộ binh có 12 người. Theo quy định của đế quốc, quân đội của lãnh chúa phải do triều đình nhất trí trao tặng phiên hiệu, song hiện giờ rõ ràng không thể thỉnh thị triều đình. Thế nên Dương Túc Phong tự mình chủ trương, tự đặt ra số hiệu: Sư đoàn biên phòng quân số 101 do hắn làm sư trưởng, Phượng Thái Y làm tham mưu trưởng.
Hiện tại quân số không nhiều, nên chỉ biên chế thành tám đại đội, mỗi đại đội có 150200 quân. Trong đó bao gồm cả Xạ Nhan, Tang Cách, Tang Bố, Tang Đốn, Lặc Phổ, Tô Liệt, Niếp Lãng mỗi người thống lĩnh một đại đội bộ binh. Còn như Mông Địch Vưu, Đỗ Qua Nhĩ mỗi người chia nhau quản một đại đội pháo binh chưa được trang bị vũ khí. Vốn dĩ Dương Túc Phong định xé lẻ các đạo quân của hắn rồi tổ chức lại, nhưng quân tình khẩn cấp, không đủ thời gian thích ứng nên phải áp dụng biện pháp phân chia biên chế theo tộc: Cung Đô chiến sĩ, tộc Tang Lan và Đường tộc.
Quân phục Lam Vũ quân hoàn toàn sao y bản chính quân phục của quân đội nhân dân Trung Quốc, chia thành hai loại chiến phục và thường phục. Có điều thường phục thiên về quân phục của lính cảnh vệ, nhân vì từ nhỏ Dương Túc Phong đã rất khoái ngắm tư thế của lính cảnh vệ. Chiến phục chủ yếu là đồ ngụy trang. Tất cả trang phục này do Tài gia phủ Cao Dương sản xuất. Bọn họ kinh doanh ngành may mặc đã nhiều năm, khả năng sản xuất và tiêu thụ rất lớn. Sau khi Phượng Thái Y liên hệ với họ, Tô Lăng Tuyết không ừ chẳng hử. Tài Băng Tiêu tự mình làm chủ, miễn phí sản xuất mớ quân phục đó, còn tỏ ý sau này sẽ cung cấp tất thảy quân phục cho Lam Vũ quân.
Phương diện trang bị quân hàm cho Lam Vũ quân cũng có cải tiến, mô phỏng quân hàm của quân giải phóng có sửa chữa. Quân hàm đô úy cấp 1 của đế quốc thay bằng cấp tá, quân hàm giáo úy cấp 1 thay bằng cấp úy. Tổng cộng có 13 cấp quân hàm, chia thành thiếu uy, trung úy, thượng úy, đại úy, thiếu tá, trung tá, thượng tá, đại tá, thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, đại tướng, nguyên soái. Quân đội đế quốc chia quân hàm theo lục quân và hải quân. Lam Vũ quân cũng thế mặc dù tới giờ này bóng dáng hải quân còn chưa thấy đâu.
Trang bị cho Lam Vũ quân, vũ khí lạnh bị loại hết, trừ súng trường có gắn lưỡi lê. Tất cả đại đội bộ binh đều sử dụng súng trường Mễ Kì Nhĩ và lựu đạn cầm tay. Đại đội Cung Đô của Xạ Nhan và lính đánh thuê của Lặc Phổ còn được trang bị súng cối 4 rãnh vừa mới sản xuất. Bất quá, mấy thứ vũ khí kiểu mới này đối với Cung Đô chiến sĩ mà nói không quen tay được, thậm chí còn có cảm giác không tận dụng được đầy đủ lợi thế thân thể của họ. Bọn họ kiên quyết yêu cầu được giữ trường kiếm, kết quả bị Dương Túc Phong gạt đi. Để thỏa hiệp, Dương Túc Phong vì họ mà phối hợp một khẩu Mễ Kì Nhĩ 60 li với loan đao làm bằng thép hợp kim bén ngót dùng cho giáp lá cà.
Cùng ngày Lam Vũ quân thành lập, tổng tư lệnh quân đoàn Quang Minh đế quốc Bộ Thủ công khai phát biểu rành mạch, yêu cầu quân khăn hồng Ma Ni giáo lập tức buông vũ khí, đầu hàng Quang Minh đế quốc. Ma Ni giáo phản đối tức khắc. Bộ Thủ hạ lệnh năm quân đoàn chia thành 5 đường tấn công Ma Ni giáo. Kị binh Ngõa Lạp và Tây Mông đồng thời phát động tấn công địa bàn Hổ Xuyên đạo của Ma Ni giáo. Dưới “uy quyền” của Bộ Thủ, các thế lực khác ở Mĩ Ni Tư câm như hến. Mặc cho Ma Ni giáo kêu gọi thế nào, bọn họ đều không dám liên minh đối phó Bộ Thủ.
Công kích của Bộ Thủ dẫn đến một loạt phản ứng dây chuyền. Tại Tình Xuyên đạo, vương quốc Cáp Lạp Lôi từ lâu đã ngấp nghé Tình Xuyên cũng không chịu ngồi chơi, ban bố lệnh tổng động viên, mục tiêu là phản quân Bành Việt ở Tình Xuyên đạo. Tuy phản quân Bành Việt có vương quốc Ương Già chống lưng nhưng thực lực quân sự của Ương Già còn kém Cáp Lạp Lôi một đoạn, trường chiến đấu này rốt cuộc ai thắng ai bại còn chưa nói trước được.
Ngày 15 tháng 12 thiên nguyên 1727, vương quốc Cáp Lạp Lôi chính thức xuất binh đánh Tình Xuyên. Phản quân Bành Việt hăm hở phản công. Quân đội Ương Già dưới sự chỉ huy của nữ vương, cũng là nữ tư lệnh tiến vào Tình Xuyên. Đại chiến Mĩ Ni Tư cuối cùng cũng bùng nổ toàn diện.