năm nay. Có thể nói, hiệu buôn này đã phải vượt muôn ngàn khó khăn mới
được đi vào hoạt động. Sau khi Ngân Xuyên trải qua một loạt các sự kiện
như thoát nạn tù tội, giúp hiệu bạc Phú Hưng vượt qua khủng hoảng, chỉnh
đốn lại phòng kế toán Hoa của Phổ Huệ, khoản vốn kinh doanh có thể đổ
vào hiệu buôn Vĩnh Hòa chỉ còn lại chưa tới hai mươi nghìn hiện kim.
Một hiệu buôn mới dù lớn hay nhỏ cũng đều cần có nền móng vững chắc.
Ngân Xuyên dùng khoản tiền lương và hoa hồng cao ngất làm mồi để lặng
lẽ thu hút những rường cột trẻ của Phổ Huệ, bổ nhiệm họ làm người phụ
trách cho các bộ phận lưu trữ, vận chuyển, vân vân. Người phụ trách phòng
kế toán là Vu Tố Hoài, còn Lý Nam Gia chín chắn kiệm lời tiếp tục lưu lại
hiệu buôn Tây Phổ Huệ, làm trợ thủ cho Ngân Xuyên tại phòng kế toán
Hoa.
Từ thời nhà Thanh đã có tiền lệ mại bản Trung Quốc của hãng buôn Tây
vốn nước ngoài sở hữu một hiệu buôn cho riêng mình. Ban đầu khi mới
thành lập, “Hiệu buôn Vĩnh Hòa” chẳng khác những ngoại trang tầm
thường là bao, nhưng Edmund lại rất đề cao cảnh giác. Thấy Ngân Xuyên
bắt đầu thôn tính cổ quyền của phòng kế toán Tây Phổ Huệ, Edmund như
ngồi trên đống than, oán hận nghiến răng ken két. Để đuổi Ngân Xuyên đi,
ông ta đã sử dụng đủ thủ đoạn, khiến không ít rắc rối nảy sinh, ấy vậy mà
Ngân Xuyên lại đổi hẳn cái tính nhã nhặn từ tốn xưa kia, anh chẳng những
không sợ giằng co đối chọi với ông ta, mà tác phong hành sự cũng trở nên
quyết đoán tàn nhẫn. Hơn nữa anh còn là con người cực kỳ thận trọng,
khiến chiêu trò của Edmund gần như không có đất dụng võ.
Mặt hàng chính của hiệu buôn Vĩnh Hòa là dầu trẩu. Khối lượng mỗi lô dầu
trẩu xuất khẩu phải đạt tới 300 tấn Mỹ, với nguồn lực hiện tại, hiệu buôn
Vĩnh Hòa sẽ rất khó xoay vòng vốn. Vì vậy nên Ngân Xuyên tranh thủ ghé
tới những kho dầu trẩu nhỏ đang cần xuất khẩu hàng gấp nhưng không tìm
được cửa ngõ tiêu thụ tại Xuyên Tương Ngạc, anh lợi dụng mối quan hệ
của mình với hiệu buôn Tây, giật dây bắc cầu làm đại lý tiêu thụ hàng hóa
cho các kho hàng nội địa. Anh áp dụng một phương pháp đại lý tiêu thụ với
phương thức bảo hiểm hết sức đơn giản: Tìm hiệu buôn nước ngoài có nhu
cầu nhập khẩu, để bọn họ tự điền chứng từ tín dụng vốn, ký kết hợp đồng,
trong một khoảng thời gian nhất định, hiệu buôn Vĩnh Hòa sẽ chịu trách
nhiệm mua hàng tại Trung Quốc rồi vận chuyển ra nước ngoài, sau đó lại
kết toán ngoại hối với ngân hàng, trong đó mọi chi phí lưu trữ, vận chuyển,
chiết xuất, xuất khẩu, bảo hiểm đều do phía tư sản nước ngoài chịu trách
nhiệm, hiệu buôn Vĩnh Hòa chỉ thu tiền hoa hồng. Như vậy có phòng tránh
những nguy hiểm do giá cả tăng giảm thất thường đem đến cho hiệu buôn
Vĩnh Hòa, đồng thời còn giải quyết được vấn đề thiếu hụt vốn một cách tài
tình.
Tháng kinh doanh đầu tiên, hiệu buôn Vĩnh Hòa đã bán được hơn bảy trăm
tấn dầu trẩu, tháng thứ hai bán ra hai nghìn tấn, đến tháng thứ ba con số này
đã lên tới bảy nghìn năm trăm tấn. Tháng thứ hai sau khi Vĩnh Hòa thành
lập, hiệu bạc Phú Hưng được Ngân Xuyên rót vốn đã trở thành Ngân hàng
Phú Hưng. Xét địa vị của Ngân Xuyên tại hiệu buôn Tây Phổ Huệ, tình
hình đang ngày một tốt đẹp của hiệu buôn Vĩnh Hòa cùng vị cổ đông chủ
chốt là nhân vật bang hội như Đồng Xuân Giang, thể theo tập tục chốn
thương trường, những ông lớn sừng sỏ giới tài chính kinh doanh đã cùng
gửi một lượng tiền giấy và vàng thỏi lớn vào Phú Hưng để chúc mừng.
Chẳng mấy chốc, văn phòng trên đường Bảo Thuận đã trở nên chật hẹp, đầu
tháng Năm, Ngân Xuyên thành lập một văn phòng mới trên đường Tam
Dân, Hán Khẩu cho hiệu buôn Vĩnh Hòa.
Cuối tháng Năm, Ngân Xuyên bắt gặp Mạnh Tử Chiêu tại Hội Tân Lâu trên
đường Tam Dân.
Đây là nhà hàng nổi tiếng nhất đường Tam Dân, tầng một bán đồ ăn vặt,
tầng hai bày tiệc rượu, cứ đến giờ ăn cơm là khách khứa lại xếp hàng đông
nườm nượp, đến cả phòng bao tầng hai cũng thường có khách phải ghép
bàn.
Rõ ràng Mạnh Tử Chiêu chưa đặt bàn trước, sau khi lên tầng, cậu khoanh
tay đứng đợi ngoài cầu thang. Ngân Xuyên gọi món xong, vừa khéo nhìn
thấy cậu, lâu không gặp, người điều hành Đại Quân lại càng tuấn tú phong
độ, đôi mắt cậu vẫn sáng ngời, phấn chấn như xưa, nhưng ánh mắt lại
chững chạc hơn nhiều.
“Cậu Mạnh,” Ngân Xuyên vẫy tay với Tử Chiêu, “nếu cậu không chê thì
chúng ta có thể ngồi chung bàn.”
Nghe tiếng, Tử Chiêu ngoái lại nhìn, sắc mặt cậu hơi thay đổi nhưng vẫn
tiến lại ngồi đối diện với anh.
“Lâu lắm rồi không gặp, nghe nói đợt trước cậu đi Malacca, cậu về từ bao
giờ vậy?”
“Cũng được mấy hôm rồi.” Tử Chiêu cầm thực đơn lên.
“Đại Quân đã giành được hợp đồng SS Conte Verde rồi chứ?” Ngân Xuyên
nói.
“Vâng,” Tử Chiêu trả lời rất thẳng thắn, “rất xin lỗi đã khiến các anh phải
thất vọng.”
“Dù có thế nào đi chăng nữa cũng chúc mừng cậu.”
Tử Chiêu ngẩng đầu, híp mắt: “Cũng chúc mừng hiệu buôn Vĩnh Hòa của
anh Trịnh mới mở cửa đã thành công vang dội tại Hán Khẩu.”
“Bánh bao thịt nước tương ở đây vừa miệng lắm.” Ngân Xuyên nói.
“Vâng, đậu hũ hướng dương cũng rất ngon.”
Cứ người nọ tung kẻ kia hứng như vậy, cả hai đều không khỏi mỉm cười.
Tử Chiêu nâng ly trà, muốn nói gì đó nhưng lại ngập ngừng, Ngân Xuyên
cất lời: “Con bé vẫn rất ổn, tháng sau là sinh rồi.”
Tử Chiêu biến sắc, như đang vô cùng sửng sốt, Ngân Xuyên ngỡ cậu không
biết chuyện Cảnh Ninh mang thai nên cũng không nhiều lời, anh cụng ly
với cậu: “Dùng trà thay rượu để chúc con bé bình an suôn sẻ thôi.”
Tử Chiêu ngẩng đầu, uống cạn ly trà.
Dinh thự nhà họ Từ là biệt thự kiểu Tây, Cảnh Ninh trang trí lại phòng
khách và phòng trà theo phong cách Trung Quốc, cô tìm được mấy mẫu chữ
Hành nhỏ xíu đã được lồng khung gỗ lim trong kho, mang treo lên, mẫu
chữ nhiều thì ngay ngắn rõ ràng, tự nhiên phóng khoáng, mẫu chữ ít thì
được in giữa lớp giấy viết thư rắc kim sa, trông rất nhẹ nhàng thanh tao, vừa
vặn phù hợp. Cô bày hai tấm bình phong cổ để ngăn đôi lối vào phòng
khách, trong đó một lối có bày bàn vẽ với bút mực giấy nghiên và đồ trang
trí, lối còn lại là bàn trà và ghế bành, các góc có thêm mấy chiếc ghế nhỏ.
Tiết Tiểu mãn vừa qua, hoa thược dược nở rộ, đến cửa hàng hoa còn mua
được cả mẫu đơn, Cảnh Ninh quyết định phối thược dược đỏ với mẫu đơn
trắng, đặt một bình ở cửa, một bình ở phòng trà, một bình ở phòng khách.
Trừ hoa cả ra, phòng ốc gần như đã được trang trí xong xuôi cả.
Bà Từ vốn đã rất tán thành cách bài trí của Cảnh Ninh, Từ Chúc Linh cũng
vô cùng hài lòng, ông chắp tay đi mấy vòng trong phòng khách, liên tục gật
đầu: “Đẹp, đẹp lắm!”
Sau khi mọi người ngồi xuống ông mới bật mí nguồn cơn của buổi tiệc trà
bất ngờ này, nguyên nhân là do một người bạn tri kỷ của ông đột nhiên qua
đời vào mấy hôm trước.
Từ Chúc Linh than thở: “Khi ấy cha và Duệ Chi tạm biệt nhau tại ga tàu
hỏa Đông Kinh, đến tận khi tàu lăn bánh ông ấy mới nhảy lên như một chú
khỉ, vừa bám lấy cửa nói với cha rằng, anh nhớ phải tới Quảng Châu thăm
tôi đấy. Đến tận giờ này cha vẫn chưa một lần tới gặp ông ấy, nhoáng cái đã
hai mươi năm trôi qua rồi. Hôm nọ con trai ông ấy viết thư, nói ông ấy vừa
qua đời tháng trước. Vậy là cha không thể gặp lại Duệ Chi nữa rồi. Nhiều
lúc duyên phận giữa con người với nhau là thế đấy, chẳng ai nói từ biệt mà
ông trời lại để chúng ta vĩnh viễn không còn cơ hội gặp lại, người ta thường
bảo ‘Có duyên ắt sẽ có tâm’, nhưng phải có tâm thì mới có duyên được. Khi
Duệ Chi còn sống, nếu cha thật sự quyết tâm muốn gặp ông ấy thì cũng
không phải không được, nhưng lại chỉ mong may mắn gặp mặt nhau, lòng
vẫn cứ nghĩ sau này sẽ còn cơ hội, nhưng không ngờ sự đời vô thường, cứ
thế không hẹn ngày gặp lại. Vậy nên cha muốn nhân mấy ngày nay còn
đang rảnh rỗi để mời bạn bè tới hội họp, vớt vát được chừng nào duyên
phận thì hay chừng ấy.”
Cảnh Ninh cúi đầu, bà Từ tưởng cô mệt bèn bảo cô về phòng nghỉ. Đức
Anh đi theo sau lưng cô, cậu ta khẽ cất lời: “Cha gửi thiệp mời cho cả
người nhà họ Mạnh nữa, chắc là muốn cởi bỏ khúc mắc giữa hai nhà, nghe
nói Tử Chiêu về Hán Khẩu lâu rồi, có lẽ cũng sẽ tới.”
Ý tại ngôn ngoại, cậu ta ám chỉ mình cũng mong khúc mắc của cô sẽ được
gỡ bỏ.
Bước chân Cảnh Ninh không dừng lại: “Anh ấy sẽ không tới.”
Cô nói đúng.
Hôm tổ chức tiệc trà, Mạnh Đạo Quần và bác Trần – quản gia nhà họ Mạnh
– tới tham dự một lát. Sức khỏe ông không được tốt, đi chuyến này là đã nể
mặt Từ Chúc Linh rồi, ông tới vội, đi cũng nhanh. Cảnh Ninh thậm chí còn
không có cơ hội gặp mặt ông. Còn Tử Chiêu thì không tới thật.
Lần này vợ chồng Cảnh Huyên và Ngân Xuyên cũng tham gia tiệc trà.
Cảnh Huyên mang theo cả quà đã mua sẵn từ trước, khách nam mỗi người
được một bộ áo len cashmere, khách nữ mỗi người nhận một chiếc khăn lụa
tơ tằm; Ngân Xuyên đưa theo một nghệ sĩ dương cầm và nghệ sĩ sáo, Cảnh
Ninh suy tính rất cẩn thận nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót, dù bữa tiệc
được trang trí rất tao nhã tinh tế, mang hơi hướng xưa cũ nhưng vẫn thiếu
thiếu điều gì đó. Hai nhạc sĩ đến vừa khéo lại đệm thêm chút âm nhạc cho
buổi tiệc trà. Khách khứa dự tiệc có lão thần triều Thanh, có chính khách,
có doanh nhân lẫy lừng, cũng có cả học giả và họa sĩ, hầu hết đều là người
qua lại thân thiết với Từ Chúc Linh, nghệ sĩ dương cầm đàn khúc “Tri âm
tri kỷ”, mọi người cùng thưởng trà nghe nhạc, ngâm thơ điền từ, vô cùng
thoải mái cởi mở.
Cảnh Ninh là thai phụ, dù chỉ cần xã giao qua loa nhưng như vậy cũng đã
hơi quá sức cô. Cô tìm một góc yên tĩnh để ngồi xuống, đầu bếp làm đồ
ngọt là người của nhà họ Phan được gọi tới đây, Cảnh Ninh cầm một miếng
bánh ga tô, chậm rãi thưởng thức bột hạt dẻ phủ phía trên, như chộp được
một khoảnh khắc tự tại ngắn ngủi. Đến khi vợ của Cảnh Huyên là Thiệu
Anh Lan tiến lại, cô mới buông đồ ăn trong tay xuống để hàn huyên một
cách khách sáo với chị dâu. Anh Lan sinh sống tại ngoài lâu năm, hoàn toàn
không biết đến chuyện tày trời trái đạo của cô em chồng trước khi kết hôn,
không rõ nỗi đau đớn đổi thay con người cô từng trải qua, Anh Lan chỉ cảm
thấy Cảnh Ninh dịu dàng dễ gần, lịch sự lễ độ, lời nói cử chỉ thể hiện rõ sự
chu đáo và phong độ của một mợ chủ, hiềm nỗi ánh mắt hơi cứng rắn,
thoáng nét ngạo mạn được ẩn giấu kỹ càng. Đây chính là cặp mắt của một
kẻ ương bướng không an phận.
Họ chỉ bâng quơ những chuyện tầm phào, Cảnh Ninh mệt mỏi cất lời xã
giao, gắng gượng trò chuyện, cứ chốc chốc lông mi lại rũ xuống, khiến
gương mặt trắng muốt lại càng tiều tụy. Bà Từ tinh ý, bèn tiến lại dặn cô về
phòng nghỉ ngơi, lúc này cô mới thoát thân được. Lúc đi ngoài hành lang cô
bị người ta gọi lại. Cảnh Ninh quay người, vẻ khó chịu lóe qua cặp mắt cô,
rồi hóa thành nụ cười ấm áp.
“Anh cả.”
Ngân Xuyên liếc ra ngoài đại sảnh: “Để anh gọi Đức Anh tới.”
Cảnh Ninh nói: “Anh ấy là chủ tiệc, còn phải tiếp khách, sao có thể ngồi với
vợ được, như vậy thì còn gì là lễ nghĩa.”
Ngân Xuyên mỉm cười, rất chậm rất chậm rãi.
Nụ cười ấy khiến Cảnh Ninh ngượng ngùng, cô cố gắng ép luồng nhiệt trên
gò má tan đi, như một đứa trẻ đang vờ tỏ vẻ trưởng thành rồi lại bị người
lớn nhìn thấu vẻ ngây ngô ấu trĩ. Cô tự nhận rằng bản thân đã là một bà chủ
nhà đúng chuẩn, nhưng không biết vì sao mà cô cứ cảm thấy trước mặt
Ngân Xuyên, mình vẫn cứ như một cô bé con, lúng túng mất tự nhiên.
Ánh nắng lúc ba giờ chiều xuyên qua khung cửa sổ kính, đường nét gương
mặt và đôi mắt tràn ngập ân cần của anh trở nên dịu dàng tới lạ. Cả ngày
hôm nay Cảnh Ninh đã sức cùng lực kiệt, đặc biệt là sau khi Mạnh Đạo
Quần vội đến vội đi, cô lại càng khó chịu tới cùng cực, nhưng vẫn cố gồng
mình lên, Ngân Xuyên cảm nhận được rõ ràng sự thay đổi phức tạp trong
lòng cô, như ngửi rõ thấy hương thược dược cô đặt ngoài cổng.
“Mau đi nghỉ đi…” Anh nháy mắt với cô, hồi nhỏ cứ mỗi lần anh tỏ vẻ như
vậy thì hầu như đều đang chuẩn bị cho cô một món đồ thú vị nào đó.
Cô hoài nghi nhìn anh, còn Ngân Xuyên chỉ cười rồi quay người bỏ đi. Về
đến phòng, Cảnh Ninh cẩn thận nhìn xung quanh, băn khoăn không biết lát
anh có cho người làm mang thứ gì đó vào không, nhưng lại chẳng có gì. Cô
nằm xuống, mình mẩy đau nhức, rã rời kiệt sức, nhưng lại càng thấy phiền
muộn hơn.
Tiếng sáo văng vẳng bay vào phòng.
Đây là giai điệu đã quá đỗi quen thuộc với cô. Ngay khi nốt nhạc đầu tiên
vang lên, cả khúc nhạc đã chảy xuôi trong đầu cô một cách hoàn chỉnh.
“Love’s Sorrow”.
Thời niên thiếu kiêu ngạo tự ý biến khúc violon thành một bản dương cầm,
đàn loạn một mạch, cô bé vô ưu vô lo sao có thể thật sự hiểu được nỗi ưu
sầu của tình yêu. Mà đến khi cảm nhận được mùi vị của nó rồi, bị mắc trong
tơ tình ngổn ngang trăm mối, mừng và tủi đều vượt qua những tưởng tượng
khi trước, mọi chua cay ngọt đắng lưu lại trong ký ức lại trằn trọc trong
lòng hết lần này tới lần khác như nhịp Valse nhẹ nhàng dứt khoát. Một cây
sáo trúc mà cũng có thể khiến điệu nhạc Tây Dương trở nên rung động khác
thường tới thế. Dù có những nốt nhạc không được giống lắm, giai điệu cũng
hơi khác biệt nhưng tiếng nhạc trong veo thanh sạch, dịu dàng như trăng
sáng trải bạc đầy đất, bầu trời trong xán lạn ngoài cửa như được ai lọc thành
vầng trời sao tĩnh lặng, sao sáng kết thành tấm mạng, thành màn che dệt bởi
hào quang treo trên trời cao, mang theo sự vỗ về nhân từ, nhìn xuống từng
linh hồn bé nhỏ.
Cảnh Ninh chìm vào giấc mộng, cô tìm được sự lặng im ngắn ngủi quý giá.
3.
Cảnh Ninh hạ sinh một bé gái, đứa bé mất tới hơn mười tiếng đồng hồ để
chào đời, mà tệ hơn là sau khi sinh con được ba tiếng, Cảnh Ninh bắt đầu
sốt cao, lâm vào hôn mê nhiều lần.
Ông Fujiwara – viện trưởng người Nhật của Bệnh viện Đồng Nhân, nói
thẳng với người nhà cô: “Tình hình của mợ đang rất nguy hiểm, tôi lo đây
là triệu chứng báo trước của chứng giật kinh phong, trong vòng hai mươi tư
giờ tính từ lúc này, nếu mợ gặp phải hiện tượng co giật, nhà ta buộc phải
tính tới tình huống xấu nhất.”
“Tình huống xấu nhất?” Đức Anh trợn tròn mắt, không sao tin nổi.
“Nếu chẩn đoán đúng thì gần như vô phương cứu chữa rồi. Giờ điều duy
nhất chúng ta có thể làm là chờ đợi…”
“Đợi cô ấy chết sao?!” Đức Anh cười lạnh, quay sang nhìn đám người, để
lộ biểu cảm cay nghiệt hiếm thấy, “Kẻ này còn chẳng nói sõi tiếng Trung!
Mọi người tin lời ông ta sao? Vô phương cứu chữa ư? Giờ đã là thời đại
nào rồi kia chứ, tôi không tin phụ nữ sinh con mà lại gặp chuyện xấu được.”
Fujiwara không giận, chỉ kiên nhẫn nói: “Chúng tôi đã cho mợ dùng thuốc,
nhưng ngoài ra thì không thể làm gì hơn. Tôi bảo đợi ý ở đây là đợi hai
mươi tư giờ qua đi an ổn. Giờ người bệnh cần yên tĩnh, nếu mợ tỉnh lại, mọi
người cũng phải giữ tâm trạng ổn định cho mợ, không được khiến mợ căng
thẳng. Mợ mất quá nhiều máu, hơn nữa còn có thể tiếp tục băng huyết bất
cứ lúc nào. Xin các vị đây rời phòng bệnh, nếu phải ở lại thì để một hai
người ở phòng bệnh là được. Tôi sẽ cầu nguyện cho mợ.” Ông khom người
thật thấp rồi rời khỏi phòng bệnh.
Tất cả mọi người đều như bị sét đánh, phòng bệnh yên lặng đến mức gần
như có thể nghe thấy tiếng thuốc nhỏ giọt trong ống truyền. Trên giường
bệnh, Cảnh Ninh cứ khi mê khi tỉnh, lông mày cô luôn cau rất chặt, như
đang chịu đựng một nỗi đau đớn kinh khủng lắm.
Bà Vân chợt ôm mặt khóc thút thít.
Đức Anh nhìn bà: “Mẹ, tốt nhất mẹ ra ngoài đi.”
Gương mặt cậu ta đau khổ sợ hãi, đôi mắt ngập trong hỗn loạn, lời ăn tiếng
nói cũng rất thiếu chừng mực, bà Từ vội bảo: “Mọi người đừng tụ tập trong
phòng bệnh nữa, như vậy mới tốt cho Cảnh Ninh. Thế này đi, Đức Anh à,
con ở lại đây nhé. Những người khác thì đi xem đứa bé, lát nữa rồi về.”
Trong tất cả mọi người, chỉ mình Ngân Xuyên là giữ vẻ mặt bình tĩnh tới lạ
lùng, thậm chí từ đầu chí cuối ăn còn chẳng hề biến sắc, khiến người ta lấy
làm lạ. Bà Từ vừa dứt lời, anh đã cúi đầu nhìn đồng hồ rồi vội vã rời khỏi
phòng bệnh, như chỉ sợ nán lại thêm một phút là lỡ mất công chuyện hệ
trọng của mình.
Bà Vân gạt lệ, nhìn bóng lưng Ngân Xuyên, bà oán hận: “Đáng ra không
nên nghe A Huyên, gọi cái kẻ đó đến làm gì kia chứ?”
Cảnh Huyên cau mày, nói: “Mẹ, dù sao trong lòng Cảnh Ninh anh ấy cũng
là người anh cả con bé kính yêu.” Ngân Xuyên bỏ đi như vậy cũng khiến
Cảnh Huyên rất bất mãn, nhưng cậu không biết vài tiếng đồng hồ sau, Ngân
Xuyên lại quay trở về.
Ba giờ sáng, ngoài trời mưa như trút nước, cây cối gào thét chao đảo, ánh
đèn trắng trong phòng bệnh lọt qua khe cửa, tia sáng dài dao động theo nhịp
chân, rồi lại bị bước chân cắt đoạn. Ngân Xuyên đi quá nhanh, đến mức gần
bước tới cuối hành lang mới nhận ra mình đã đi quá phòng bệnh, anh lại
vòng về, tìm phòng bệnh của Cảnh Ninh. Anh đứng trước cửa hồi lâu, tay
chân run rẩy, có lẽ vì áo khoác đã ướt đẫm, cũng có khi anh chỉ đang sợ, vì
anh không hề lạnh, trước đó anh đã uống một ly rượu rum lớn không pha
nước.
Anh do dự không biết có nên tiến vào không, nỗi sợ hãi và sự kỳ vọng đối
chọi trong tim anh, anh sợ khi mở cửa ra mình sẽ nhìn thấy chiếc giường
trống không, sợ sẽ vĩnh viễn mất đi cô.
Cửa mở, Từ Đức Anh bước ra, tay cầm chiếc khăn mặt, thấy anh đứng
trước cửa, cậu ta không hề kinh ngạc, chỉ nói: “Ninh Ninh tỉnh được một
lúc rồi, không chịu ăn gì cả.”
“Cậu đi đâu đấy?” Ngân Xuyên hỏi, anh cởi áo khoác ướt đẫm, đặt xuống
chiếc ghế dài cạnh cửa, lúc này Đức Anh mới nhìn thấy anh đang ôm một
chiếc bọc trong lòng.
“Em đi rửa mặt.”
“Tình hình cô ấy thế nào rồi?”
“Không ổn lắm… tỉnh tỉnh mê mê, liên tục nói sảng.” Tiếng Đức Anh
nghẹn lại, cậu ta tiến vào phòng cùng anh, Ngân Xuyên không quay đầu,
chỉ lạnh nhạt nói: “Tôi không ở lại đây lâu đâu, lát nữa còn có người tới.”
Đức Anh ngẩn ra, nét mặt cậu ta thay đổi hẳn.
Giọng Ngân Xuyên rất nhẹ nhàng, nhưng cũng vô cùng kiên quyết cứng
rắn: “Người con bé mong ngóng nhất hiện giờ chưa chắc đã là tôi hay cậu.
Khi nào người đó tới tôi sẽ đi ngay, cậu cũng đừng nán lại nữa.”
Đức Anh chán nản lùi bước, quay đầu rời khỏi phòng, ngồi xuống chiếc ghế
dài cạnh cửa.
Ngân Xuyên đặt chiếc bọc lên tủ đầu giường, anh mở bọc, lấy những món
đồ bên trong ra, thật cẩn thận sao cho không phát ra tiếng động.
Trong bọc là người bạn “Meo Meo” Cảnh Ninh thích nhất, trước khi xuất
giá cô đã đặt con búp bê cũ kỹ này vào hòm đồ cưới, nhưng anh lại lén lấy
mất. Anh biết rõ cô sẽ đi tìm, biết không tìm được cô sẽ rất buồn, nhưng
anh vẫn lấy nó đi. Phải, anh còn lấy cả chiếc hộp đựng thẻ rượu ngà voi, giờ
anh lại mang nó đến. Đúng là ấu trĩ, cứ luôn lấy mất những thứ cô thích rồi
lại ngốc nghếch mang trả về.
Cô tỉnh rồi, đôi mắt vô hồn lẳng lặng nhìn anh, chẳng mấy chốc cô đã lại
tiếp tục đau đầu, cô đau đớn cau chặt mày. Anh vội vàng buông món đồ
trong tay, ngồi xuống chiếc ghế bên giường, ghé lại gần bên cô.
“Ninh Ninh!” Anh gọi cô.
“Anh cả… em đau lắm, em không ngủ được.” Cô khẽ thốt.
“Không ngủ được thì đừng ngủ.” Anh mỉm cười với cô, mắt lại ầng ậc
nước.
Mắt cô dại đi, gương mặt nóng đỏ bừng, giọt lệ treo trên khóe mắt, tựa sắp
rơi mà lại không rơi, như hóa thanh màu hồng nhạt, gương mặt tiều tụy hóp
lại, chỉ còn đôi mắt to đang mơ màng mở ra. Cô gây gò như vậy, đáng
thương nhường này.
Anh đau đớn nhìn cô, lòng nói: Hạt Dẻ đáng thương, em khó chịu lắm phải
không? Đứa bé đó khiến em khổ sở đến vậy, em có ghét nó không? Anh
thật sự rất hận nó, nó hại em khổ sở nhường này.
Anh hận đứa bé ấy. Anh không thích nó chút nào, cái thứ ốm yếu như một
chú chuột con ấy, khi Từ Đức Anh ôm nó, khi tất cả mọi người đều âu yếm
vỗ về gương mặt bé nhỏ của nó, thứ bé xíu ấy phát ra âm thanh rầm rì yếu
ớt cũng khiến anh căm ghét vô cùng. Thứ nghiệp chướng ấy hoàn toàn
không quan tâm tới việc mẹ mình đang vùng vẫy bên bờ vực sống chết,
suýt nữa nó đã hại chết mẹ nó… Liệu nó có hại chết cô không?
Ngân Xuyên lấy dũng khí, vươn tay gạt sợi tóc trên chóp mũi Cảnh Ninh,
Cảnh Ninh thậm chí còn không có sức giơ tay lên, cô buồn bã nói: “Anh cả,
em sắp chết rồi phải không… Bác sĩ đó nói có thể em sẽ chết… Em nghe
thấy rồi…”
“Em có nhớ hồi còn nhỏ không?” Ngân Xuyên mỉm cười nói, “Chúng mình
tới Tô giới Nhật bày trò nghịch ngợm, bảo sẽ ăn mất con chó của người
Nhật Bản nên bọn họ không thích chúng mình, ông bác sĩ ấy cố tình nói
linh tinh để chọc tức em đấy.”
Cảnh Ninh cũng muốn cười, nhưng khóe môi lại trĩu xuống, gương mặt cô
vô cùng bi thương.
“Ninh Ninh, em nhìn này, Meo Meo đấy.”
Ngân Xuyên đặt con búp bê vải xuống bên gối cô, rồi lại mở hộp thẻ rượu
ra, trút chúng xuống, tìm lấy tấm thẻ cử nhân rồi đặt hết xuống gối cô, dỗ
dành cô như dỗ một đứa trẻ, anh thật sự không còn cách nào khác.
Cảnh Ninh mệt mỏi ngước mắt, cô chỉ thoáng liếc nhìn rồi đã kiệt sức thốt:
“Anh cả, em mệt quá, em muốn đi, anh để em đi đi.”
“Được, không sao, em muốn đi đâu anh cũng đi cùng em.” Anh vẫn mỉm
cười.
Cảnh Ninh lắc đầu, nước mắt nhỏ xuống, ý thức của cô không mấy rõ ràng,
chưa được bao lâu đã lại mắt đầu nói mê.
Cõi lòng Ngân Xuyên lại rất bình tĩnh. Đúng vậy, dù chuyện xấu nhất có
xảy ra anh cũng không sợ, cô đi đâu anh cũng sẽ theo cùng, có gì đáng sợ
chứ?
Có tiếng bước chân vọng lại, anh ngoảnh đầu, nói với chàng trai đang tiến
lại: “Ninh Ninh gọi tên cậu mãi.”
Người chàng trai nọ ướt rượt, đầu tóc mặt mũi đẫm nước mưa, cậu bước
nhanh về phía chiếc giường, quỳ xuống định nắm lấy tay Cảnh Ninh.
“Tay cậu vừa ướt vừa lạnh, đừng để con bé bị rét.” Ngân Xuyên lạnh nhạt.
Tay Tử Chiêu khựng lại, cậu sốt sắng nhìn anh: “Cảm ơn anh. Cảm ơn anh
đã gọi em đến.”
Ngân Xuyên im lặng bước khỏi phòng, ra đến cửa quay người lại, thấy Tử
Chiêu đang liên tục hà hơi vào tay để bàn tay ấm áp thêm đôi chút. Lòng
anh chợt chua xót, anh khép cửa lại, Từ Đức Anh ngồi trên chiếc ghế dài
ngoài hành lang như một pho tượng, tay còn đang siết chiếc khăn mặt.
“Cô bé thối, anh tới rồi đây.” Tử Chiêu khẽ thốt, nắm lấy bàn tay nóng hầm
hập của Cảnh Ninh.
Cô mơ màng nhìn cậu, đau đớn nhắm mắt lại: “Anh ấy sẽ không gặp lại em
đâu, anh cả, anh đừng đi tìm anh ấy.”
“Mở to mắt ra nhìn anh đi, anh là Mạnh Tử Chiêu.” Cậu hôn đốt ngón tay
mảnh mai của cô như khi xưa, thì thầm, “Em trông em kìa, sao lúc nào cũng
gây phiền phức cho anh vậy? Em muốn anh phải chết ư? Em nói em nghĩ
rất thoáng, em nói chỉ cần còn sống bình yên trên cõi đời nay là coi như
đang bên nhau, không phải chúng ta luôn ở bên nhau sao? Cô bé xấu xa!
Nếu em không giữ lời anh sẽ không bao giờ tha thứ cho em. Đồ xấu xa, em
muốn anh hận em suốt đời sao?”
Cô không mở mắt, giọng nói của cậu đưa cô vào một giấc mộng, cô đắm
chìm trong cơn mơ đẹp ấy, khóe miệng nở nụ cười ngọt ngào, cô khẽ thốt:
“Ừ, anh là đồ quỷ đáng ghét.”
Tử Chiêu mỉm cười nhưng nước mắt tuôn rơi: “Phải, anh là quỷ đáng ghét.”
Hơi thở của Cảnh Ninh dần trở nên ổn định. Tử Chiêu nhìn cô không chớp
mắt, cậu thầm hồi tưởng, đếm lại mọi ký ức về cô, những niềm vui và nỗi
đau ấy, những mảnh vỡ vụn nát không thể nhặt lại ấy, những thời khắc quý
giá không thể quay trở về ấy.
“Phan Cảnh Ninh, anh xin em, hãy sống tiếp thật tốt. Phải như vậy anh mới
có thể sống được.”
Cậu đặt một nụ hôn lên gò má nóng rực của cô, nước mắt của cậu và cô hòa
vào nhau, nhưng giọt nước mắt của câu là nước mắt đau khổ, sự chia ly của
họ đã được định sẵn, không thể nào cứu vãn được nữa.
Thời gian chầm chậm trôi đi, có lẽ đây là cái đêm khốn khổ nhất cuộc đời
bốn con người trong và ngoài phòng bệnh, yêu hận tự mình, ly hợp tự trời,
những dấu vết vận mệnh lưu lại trong cuộc đời con người cứ vết sau sâu
hơn vết trước. Tiếng mưa ngoài cửa sổ như triều dâng, hung hăng lao tới,
trong xao động xốn xang lại ẩn giấu lặng im mênh mang.
Tảng sáng, mưa dần tạnh. Nước đọng từng vũng dưới tán cây trong vườn
hoa bệnh viện, chảy theo con đường lát đá xanh, kim ngân và hoa hồng trên
hàng rào quấn quýt lấy nhau, mấy chú chim đang nhảy nhót, nước đọng trên
cánh hoa lách tách đáp xuống, mưa bụi dần tan, tiếng chim hót càng lúc
càng âm vang, tất thảy như đang sống dậy, sáng bừng.
Tử Chiêu nhẹ nhàng rời khỏi phòng bệnh, cậu tìm thấy Ngân Xuyên dưới
mái hiên cửa vào tầng một. Anh đứng đó hút thuốc một mình, không biết đã
đứng bao lâu.
“Cảnh Ninh đã bình an rồi, nếu còn gặp lại em sẽ chỉ đem lại phiền phức
cho cô ấy thôi. Nhờ anh đưa cô ấy món đồ này giúp em.”
Tử Chiêu đưa anh một ống thư chạm ngà voi.
“Tôi có thể xem không?”
“Vâng.”
Ngân Xuyên mở nắp san hô, rút một cuộn giấy nhỏ ra từ ống thư, trên tờ
giấy Tuyên Thành ngả vàng là hai chữ Khải nho nhỏ rất thanh tú hàm súc:
Tĩnh An.
“Em mua từ một cửa hàng bán đồ cổ Trung Quốc ở Quảng Châu, dù biết
chưa chắc đã có cơ hội tặng cô ấy nhưng vừa thấy đã không cầm lòng nổi,
từ nhỏ Cảnh Ninh đã thích những thứ này. Sau khi về Vũ Hán, em mang nó
tới chùa Quy Nguyên, dập đầu trước các vị Bồ Tát… Giờ tặng cô ấy coi
như lời chúc phúc cho hai mẹ con.”
“Tôi sẽ đưa cho con bé.” Ngân Xuyên nói, “Nhưng phải đợi nó hồi phục
một thời gian đã.”
Tử Chiêu đáp vâng, rồi chợt nói: “Anh Phan, à không, anh Trịnh, em rất
ghét anh, anh biết chứ?”
Ngân Xuyên cất ống thư vào túi rồi lạnh nhạt nói: “Tôi cũng rất ghét cậu,
trước đó ghét, bây giờ cũng vậy. Chỉ là cậu còn phải làm ăn ở Vũ Hán, thể
nào cũng sẽ thường xuyên gặp mặt tôi, vậy nên chúng ta chỉ có thể thích
ứng thôi.”
“Chào anh.” Tử Chiêu chắp tay.
Ngân Xuyên gật đầu đáp lễ, đưa mắt nhìn cậu bỏ đi, nước mưa trên mái
hiên nhỏ xuống nền xi măng, phát ra tiếng vang trống rỗng.
Không lâu sau, Tử Chiêu đính hôn với con gái của một thành viên hội đồng
quản trị Ngân hàng Vĩnh Lợi, Hán Khẩu, bà Mạnh quả thực không hề nuốt
lời, vừa quyết định hôn sự xong xuôi, bà đã lấy tiền riêng mua cho con dâu
mình một chiếc áo khoác chồn tía.
Đêm mưa ấy là lần gặp cuối cùng trong đời Mạnh Tử Chiêu và Phan Cảnh
Ninh.