Đến khi cuối cùng mọi chuyện đã kết thúc tôi mới dám chắc thứ tôi muốn
viết, đó là: Quay đầu là bờ.
Câu chuyện này kể về quá trình quay đầu khổ sở của một con người. Trên
chặng đường báo thù, Trịnh Ngân Xuyên đáp trả lại cái ác mình phải hứng
chịu khi xưa bằng sự độc ác gấp bội, đạp lên máu tươi và sinh mệnh của
người khác để bước về phía thù hận, liệu anh có thể quay đầu chăng? Mặt
ngoài, cái ngoảnh đầu cuối cùng của anh là do Cảnh Ninh thúc đẩy. Ngân
Xuyên từng nói với Cảnh Ninh: Đừng bắt nạt kẻ yếu, vì nhiều khi em sẽ
không chống trả nổi sự phản kháng của kẻ yếu. Nhưng chính anh đã quên
mất lời mình. Cảnh Ninh lập mưu khiến Ngân Xuyên giết cô, kẻ yếu ớt bị
lừa gạt, giày vò và bịp bợm từ đầu chí cuối ấy đã dùng cách thức tàn nhẫn
nhất để trả thù Ngân Xuyên.
Là trả thù, nhưng cũng là cứu rỗi.
Từ đầu tới cuối, mạch truyện như những nút thắt được trải đều, tôi cứ thế
viết, nhìn Ngân Xuyên chật vật cởi từng nút thắt, có cái rất dễ dàng, có cái
lại vô cùng khó khăn, anh cởi bỏ chúng mà gãy lìa móng tay, máu chảy đầm
đìa. Đến cuối cùng khi đã hoàn toàn được giải thoát và quay đầu lại, thực
chất đây chính sự trở lại của chính anh.
…
Hai cuốn “Kinh mộng” và “Phù sinh” của “Có giọt mưa xuân sà vào lòng
sông” kể về câu chuyện “cầu mà không được”. Đó là câu chuyện “cầu mà
không được” của Vân Lang với Ngân Xuyên, của Cảnh Ninh với Tử Chiêu,
Tử Chiêu với Cảnh Ninh, Ngân Xuyên với Cảnh Ninh, Phan Thịnh Đường
với tiền tài và quyền lực. Cầu bất đắc, oán tăng hội, ái biệt ly. Đâu đâu cũng
là ải khó, đâu đâu cũng là bất lực. Muôn vàn câu chuyện về bản chất đều
chỉ đang giảng giải cùng một lý lẽ, Phật lý có muôn ngàn hóa thân, thế gian
chỉ như cát bụi, đời người nhỏ bé vô hạn chính là động lực thúc đẩy những
câu chuyện tuần hoàn không dứt.
Quay đầu là một quá trình đau đớn, nhưng nó không phủ định hoàn toàn
những điều ta trải qua, mà chỉ là sự gột rửa bỏ lại sai lầm và tội lỗi ta phạm
phải do tính tình cùng sự lựa chọn của mình, thử nỗ lực tìm ra cơ hội mới.
Có rất nhiều những mối quan hệ và vấn đề rối rắm trong đây. Ví dụ như một
người có thể hai người cùng lúc không (Cảnh Ninh với Ngân Xuyên và Tử
Chiêu), trọng lượng của tình yêu sẽ được chia đều ra sao? Liệu giữa kẻ thù
có thể tồn tại sự giảng hòa và cứu rỗi không (thứ tình “phụ tử” yêu hận đan
xen giữa Phan Thịnh Đường và Ngân Xuyên). Nếu vứt bỏ mọi thứ ta từng
cho là quý giá nhất với bản thân, liệu rằng ta có thật sự trắng tay? Có buông
tay không, có vứt bỏ không? Phải lùi lại hay tiến về phía trước?
Tạ Tề Phàm nói rất đúng: Cương nhu vẹn toàn, tâm địa ngay thẳng. Nhưng
thử hỏi liệu có ai làm được điều này?
Có những lúc, con người ta phải dựa vào chính bản thân để phá vỡ thế cờ.
Mỗi nhân vật tôi viết đều không bao giờ hoàn hảo, bọn họ đầy rẫy những
khuyết điểm. Thật ra vấn đề họ gặp phải cũng là điều mà tất cả mọi người
trên đời đều có thể gặp. Thậm chí ta cũng có thể dễ dàng gặp được những
cái “ác” trong đó.
Ví dụ như hành động Tống Duẫn Đoan bế Tiểu Quai đi. Có người sẽ cho
rằng tên đàn ông này bị điên ư? Y có còn lương tâm không? Giận cá chém
thớt với một đứa bé sơ sinh vô tội, thật là biến thái. Sau khi tâm hồn con
người ta méo mó, mất đi lý trí, quả thực không thể lường trước họ sẽ làm ra
chuyện gì. Nhân tính quá phức tạp. Khi ranh giới cuối cùng của linh hồn kẻ
ác sụp đổ, định nghĩa về cái ác trong y sẽ thay đổi. Trong lòng Tống Duẫn
Đoan, vợ chồng Đồng Xuân Giang và Trịnh Ngân Xuyên mới là kẻ ác. Kẻ
ác không biết ác là gì, ấy mới là cái ác đáng sợ nhất.
Tôi đã rất nỗ lực để viết nên câu chuyện này, tôi mong câu chuyện của mình
có thể vẽ nên cõi đời, những con người với tính cách, tư tâm và khuyết
điểm riêng, nhưng trong số họ sẽ luôn có một vài người lựa chọn vứt bỏ
tính cách, tư tâm hay thậm chí là sinh mạng mình vào một thời điểm nhất
định. Dù có là trước tình yêu hay trước vận mệnh đất nước, sự từ bỏ ấy
nhiều khi chính là tác thành.
Chủ nhân giải thưởng Nobel Patrick Modiano từng phát biểu trong lễ trao
giải, đề cập tới một trải nghiệm mà mỗi tác giả đều gặp phải: “Mỗi khi một
cuốn sách chuẩn bị kết thúc, tôi sẽ cảm thấy nó đang bỏ tôi mà đi, nó đã hít
thở được bầu không khí của tự do… Chúng gào thét quấy phá, không còn
lòng dạ nghe bài giảng của người làm thầy. Thậm chí có thể nói khi đi tới
đoạn kết, cuốn sách đã bắt đầu sinh lòng thù ghét, chỉ mong có thể mau
chóng thoát khỏi ta. Tôi vừa viết xong chữ cuối cùng, nó đã bỏ tôi mà đi,
kết thúc rồi, nó không còn cần tôi nữa.”
Các độc giả đã chờ đợi “Có giọt mưa xuân sà vào lòng sông” suốt ba năm,
ban biên tập thân mến đã khoan dung cho những lần chậm trễ của tôi, phải,
cuốn sách này đã không còn cần tôi nữa.
Nhưng nó cần các bạn, nó là của các bạn.
Mong ánh dương vĩnh cửu của tâm hồn vô nhiễm mãi chiếu rọi tôi và bạn.
Giang Thiên Tuyết Ý, tháng Bảy năm 2015
Hạnh:
Chẳng biết nên bắt đầu viết từ đâu nữa, vì mỗi một tình tiết, một suy nghĩ,
hành động của các nhân vật trong Có giọt mưa xuân sà vào lòng sông đều
đáng nói, có quá nhiều thứ để nói, mà không biết nói sao cho trọn vẹn, nên
có lẽ mình sẽ bàn về vài điểm mình thích nhất cũng như các câu hỏi mọi
người thường đặt ra khi đọc bộ truyện này.
Ban đầu khi đọc cuốn này mình chỉ đọc lướt cho vui (mà toàn lướt đoạn
quan trọng) và một phần do quá u mê, thương xót cho Ngân Xuyên nên
mình đã bỏ qua quá nhiều tình tiết, thành ra đến cuối mới ngã ngừa phát
hiện Ngân Xuyên là người huỷ hoại cả đời Cảnh Ninh. Lúc đấy chỉ thấy
sốc, phẫn nộ, và khi Cảnh Ninh tự sát thì hả hê, đây là cách duy nhất có thể
khiến Ngân Xuyên đau khổ và trả giá.
Lúc ấy mình nghĩ sẽ không bao giờ chạm vào bộ truyện này nữa, nhưng
chẳng hiểu sao cuối cùng lại dịch hẳn luôn.
Càng đọc kỹ lại càng thấy Có giọt mưa xuân sà vào lòng sông đầy ẩn ý, sâu
sắc, khiến mình phải nhìn nó theo một lăng kính khác. Trong đó, kẻ đáng
nói đến trong câu chuyện chắc chắn chính là Ngân Xuyên. Với mình, Ngân
Xuyên là linh hồn của câu chuyện, tất cả các nhân vật khác như Phan Cảnh
Ninh, Phan Thịnh Đường, Mạnh Tử Chiêu hay Từ Đức Anh, dù có chiều
sâu, phức tạp và được xây dựng rất tốt nhưng cũng chỉ là những cái bóng
trong cuốn sách này, vì họ là một phần trong cuộc đời Ngân Xuyên. Con
người phức tạp, vừa đáng sợ vừa đáng thương của Ngân Xuyên mới chính
là cốt lõi của bộ truyện.
Có giọt mưa xuân sà vào lòng sông là quá trình độc giả chứng kiến, đi sâu
dần vào tâm hồn Ngân Xuyên, một chàng trai có vẻ ngoài nho nhã dịu dàng,
nhưng sâu trong đó là một tâm hồn bị ăn mòn bởi thù hận. Ta chứng kiến
một đứa trẻ trong sáng dần bị vấy bẩn bởi tâm hồn dơ dáy của người lớn, để
rồi khi trưởng thành anh trở thành chính kẻ đã huỷ hoại đời mình. Ta chứng
kiến một đứa bé tội nghiệp bị gieo mầm mống thù hận từ khi còn quá nhỏ,
bị đẩy vào con đường gian dối, lừa lọc khổ đau, bóp méo tâm hồn mình vì
sinh tồn và để trả thù. Khi sự xấu xa của Ngân Xuyên lên đến cùng cực, ta
chợt quên mất chàng trai ấy từng đáng thương tới mức nào, ta chỉ nhìn thấy
một Ngân Xuyên mất trí, méo mó, một bản sao của Phan Thịnh Đường chứ
không còn là một cậu bé bơ vơ tội nghiệp khi xưa. Đau khổ không phải lý
do bao biện cho những hành động của Ngân Xuyên, nhưng chắc chắn một
con người sống cuộc đời kinh hoàng tựa địa ngục như Ngân Xuyên sẽ
chẳng thể ngay thẳng, tử tế, chẳng thể “bình thường” như Mạnh Tử Chiêu.
Ngân Xuyên không có sự lựa chọn nào, cuộc đời bắt buộc anh phải là kẻ
xấu. Một là ác, hai là chết.
Có giọt mưa xuân sà vào lòng sông xoay quanh chủ đề yêu và hận. Trong
đó mình đánh giá cao mối hận hơn tình yêu, nhưng tình yêu trong cuốn
truyện này cũng có khá nhiều tranh cãi nên mình muốn viết một chút về
tuyến tình cảm của Ngân Xuyên – Cảnh Ninh.
Tình cảm của Ngân Xuyên dành cho Cảnh Ninh
Nhiều bạn bên Trung không cảm thấy thuyết phục trước tình cảm của Ngân
Xuyên dành cho Cảnh Ninh.
Việc Ngân Xuyên yêu Cảnh Ninh tới mức điên rồ thực ra cũng dễ để lý giải.
Nhưng quả thật với mình nó không đơn thuần là tình yêu, nó là một thứ tình
cảm phức tạp hoà trộn cùng khát khao gia đình, và còn là cách thức để
Ngân Xuyên sinh tồn, vùng vẫy trong cuộc đời bất hạnh của mình.
Sau khi mẹ chết, gần như toàn bộ những người xung quanh Ngân Xuyên chỉ
nhăm nhăm thăm dò, đề phòng, hãm hại anh, hoặc mưu toan đòi hỏi thứ gì
đó từ anh. Từ Phan Thịnh Đường đa nghi, bà Vân ích kỷ, Vân Tú Thành
tham vọng, Hà Sĩ Văn bệnh hoạn… Hay thậm chí Cảnh Huyên, cậu em
tưởng chừng trong sáng ngây ngô cũng bị mẹ và cậu nhồi cho những suy
nghĩ phải vượt xa anh mình, phải đề phòng anh, hạ bệ anh. Để rồi khi biết
âm mưu của Địch Huệ Lan – Vân Tú Thành – Hồng Toàn Căn ở những
chương đầu cuốn Kinh Mộng, Cảnh Huyên chọn cách im lặng, mặc cho
Vân Tú Thành đẩy Ngân Xuyên vào họng súng của Hồng Toàn Căn, nhưng
oái ăm thay Ngân Xuyên đã khiến cậu trở thành con cừu thế mạng. Những
hành động của Ngân Xuyên không phải trả đũa, mà là hất đổ mọi thứ cản
đường mình. Nó lạnh lùng hơn là trả đũa, vì với Ngân Xuyên, cậu em mình
giờ đã biến thành một vật cản vô tri, cậu không đáng để Ngân Xuyên trả thù
nhưng anh ta sẵn sàng huỷ hoại cậu để loại cậu khỏi cuộc chơi.
Hay là cả Tạ Tề Phàm, dù hết lòng giúp đỡ bao bọc cho Ngân Xuyên,
nhưng ông đã liên tục uốn nắn anh, biến anh thành cỗ máy trả thù không
còn tình cảm và xót thương, không còn “lòng dạ đàn bà”. Chuyện này cũng
không thể trách Tạ Tề Phàm, vì đây là sự lựa chọn duy nhất giúp Ngân
Xuyên sống sót. Nếu không mạnh mẽ, nếu không trả thù, sớm muộn gì
Ngân Xuyên cũng sẽ sụp đổ, phát điên, hay bị Phan Thịnh Đường cùng vô
số những con sói khát máu khác xé xác. Nhưng chắc chắn Tạ Tề Phàm
không thể trao cho Ngân Xuyên ấm áp và hy vọng về tương lai tươi sáng.
Cuộc đời Ngân Xuyên như một khoảng không trống rỗng, không có một ai
để nương tựa, để yêu thương. Có một chi tiết rất hay là cô hầu gái A Mai
xuất hiện thấp thoáng ở chương đầu, chỉ trong vòng một hai đoạn văn ngắn
ngủi, người duy nhất thật sự thương xót, yêu thương và chăm lo cho Ngân
Xuyên mà không đòi hỏi gì ở anh. Nhưng cuối cùng đã rời đi vì Ngân
Xuyên tỏ ra dựa dẫm vào bà Vân, thân thiết với hai anh em cùng cha khác
mẹ. A Mai xuất hiện lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ. Để sống sót, Ngân Xuyên
đã đánh mất tất cả.
“Lúc nào cũng vậy, tất cả mọi người đều đòi hỏi vô cớ từ anh, dù có là lúc
nào, dù anh có bỏ ra bao nhiêu tình cảm cho họ, dù anh có đợi chờ họ bao
lâu. Vào giờ khắc quan trọng nhất, tất cả bọn họ đều sẽ quên mất một
chuyện, đó là Phan Cảnh Sâm không phải một con rối, không phải là gỗ đá,
không phải kẻ ngu, không phải công cụ hay món đồ chơi, anh là con người,
anh có máu có thịt, anh biết đau khổ, biết yếu mềm, anh biết sợ hãi, cũng
biết co mình lại trước cô độc. Những kẻ ấy chỉ biết đòi hỏi. Vắt kiệt anh rồi,
họ sẽ vứt anh đi.”
Và trong hoàn cảnh như vậy, Cảnh Ninh chẳng khác nào một tấm ván để
Ngân Xuyên bấu víu, gắng gượng sống sót. Khác với những người xung
quanh, Cảnh Ninh chỉ là một cô bé còn quá nhỏ, quá vô tư, dù có đỏng đảnh
quậy phá Ngân Xuyên, hành động của cô bé cũng không vì một mục đích
xấu xa hay vụ lợi nào. Ngân Xuyên đơn độc bơ vơ chỉ biết níu lấy Cảnh
Ninh như một chỗ dựa để vượt qua những ngày tăm tối, là người để yêu
thương, trút hết cảm xúc và tình yêu của mình. Thay vì nói Ngân Xuyên
chăm lo cho Cảnh Ninh, không bằng bảo Cảnh Ninh cứu vớt Ngân Xuyên.
Ngân Xuyên cần một thứ gì đó để bám vào, để thuyết phục mình còn điều
gì đó đáng giá, thuyết phục bản thân rằng anh còn là “con người”, anh
giống con người. Và đó là tình yêu dành cho Cảnh Ninh. Đó không phải
một tình yêu thuần khiết, nó đầy tạp chất, đầy những cảm xúc phức tạp,
đồng thời là bằng chứng cho sự bất hạnh, đơn độc của Ngân Xuyên. Đúng
như Cảnh Ninh đã nói: “Linh hồn anh đã luôn bị giày vò trong địa ngục đau
khổ, mà anh thì đã lầm tưởng rằng cô là điều duy nhất có thể khiến nỗi đau
ấy vơi đi.”
Ngân Xuyên yêu Cảnh Ninh, nhưng lại đẩy cô vào số phận như bà Vinh
Mẫn Huyên mẹ mình. (Có một chi tiết nữa là bề ngoài bà Vân khá giống
Vinh Mẫn Huyên, nên khả năng cao Cảnh Ninh cũng có nét giống Mẫn
Huyên)
Phan Thịnh Đường yêu tiền, giá như Ngân Xuyên cũng như vậy. Nếu anh
yêu tiền, quyền lực hay trả thù, anh đã là kẻ thắng cuộc. Nhưng anh yêu
Phan Cảnh Ninh hơn những thứ này, đến mức biến bàn cờ của cuộc trả thù
thành bàn cờ của tình ái, một thứ tình yêu ẩn nhẫn, nung nấu lâu tới mức
biến chất, méo mó, ám ảnh. Vậy nên cuối cùng anh đã thua. Vì mục đích
của Ngân Xuyên không còn là trả thù nữa, mà là Cảnh Ninh, là một mái nhà
mà anh chưa bao giờ có.
Cảnh Ninh yêu Ngân Xuyên không?
Cũng rất nhiều bạn khẳng định từ đầu chí cuối Cảnh Ninh không hề yêu
Ngân Xuyên.
Đến cuối cùng, khi Cảnh Ninh nhận ra Ngân Xuyên là người đã huỷ hoại
cuộc đời mình và quyết định tìm tới cái chết, mình có cảm giác rất xứng
đáng. Như đã nói ở đoạn đầu, vì lỡ quá là nhiều chi tiết, vì quá thương cảm
và yêu quý Ngân Xuyên, bỏ qua mọi linh cảm ngờ ngợ nên mình biết sự
thật về Ngân Xuyên cùng lúc với Cảnh Ninh trong truyện. Dường như mình
cũng hiểu phần nào nỗi tuyệt vọng và cảm giác bị phản bội của Cảnh Ninh.
Rồi khi đọc/dịch lại truyện, nhớ lại một Ngân Xuyên đầy vết thương, đầy
thù hận và cũng đầy tình yêu, mình lại mâu thuẫn giữa cảm giác vừa yêu
vừa ghét bỏ thù hận, vừa đáng thương lại vừa đáng sợ. Có lẽ cảm giác của
Cảnh Ninh cũng như vậy, cô tìm đến cái chết không đơn giản chỉ vì hận
Ngân Xuyên, mà còn vì cô yêu Ngân Xuyên. Vì yêu và cũng vì hận nên cô
không thể sống, không thể tiếp tục tồn tại trong cái thứ tình cảm méo mó
này. Cảnh Ninh vừa thù hận căm thù kẻ đã huỷ hoại cuộc đời cô, vừa yêu và
lưu luyến người đã bên cô suốt từ ngày còn thơ. Cô cần trả thù, cần một sự
kết thúc, giải thoát và cần một khởi đầu cho Ngân Xuyên.
Mình tin Cảnh Ninh rất yêu Ngân Xuyên, thứ tình cảm cô dành cho Ngân
Xuyên phức tạp, to lớn, và khả năng cao nó đã bắt đầu từ rất sớm, khi tất cả
mọi người không ai hay biết. Trong những dòng hậu ký trên, Giang Thiên
Tuyết Ý có đề cập qua về vấn đề có thể yêu hai người cùng lúc không, và
cụ thể ở đây là tình cảm Cảnh Ninh dành cho Ngân Xuyên và Tử Chiêu.
Mình không nghĩ nó có ý ám chỉ tình cảm của cô sau khi chia tay Tử Chiêu
và Đức Anh, khi đang bắt đầu nghiêng về phía Ngân Xuyên, mà là từ rất lâu
trước đây, lúc Cảnh Ninh còn đang ở bên Tử Chiêu hay thậm chí là trước
đó. Đối mặt với Ngân Xuyên, Cảnh Ninh thường xuyên cảm thấy đau đớn,
như có gì vụn vỡ, như có con nhện đang bò trong lòng mình, cô phản ứng
mạnh mỗi khi nhắc đến Ngân Xuyên, vì Ngân Xuyên và tình yêu của anh là
hiện thân tội lỗi, là thứ cô không thể chạm đến, không thể đáp trả, là thứ cô
quyết tâm phủ nhận tới tận những trang gần cuối của bộ truyện. Tình yêu
với Ngân Xuyên đã được gieo trong lòng Cảnh Ninh từ rất lâu, và nó cứ thế
dần dần trỗi dậy mặc cho Cảnh Ninh đã cố gắng phủ nhận, chối từ. Cùng
với đó, cô cũng hiểu rất rõ thứ tình cảm Ngân Xuyên dành cho mình không
hoàn toàn là tình yêu mà là sự bấu víu, là thứ anh tự cho là ánh sáng cứu rỗi
mình. Vậy nên Cảnh Ninh luôn như một con thú nhỏ chạy trốn trước Ngân
Xuyên, để rồi khi gạt bỏ mặc cảm tội lỗi, thì thứ chờ đợi cô còn kinh khủng
hơn thế…
Và cuối cùng thì mình Ngân Xuyên ở lại. Cuộc đời anh tiếp theo đây thế
nào thì chẳng ai biết, nhưng giờ nó đã hoàn toàn thuộc về anh. Cả câu
chuyện đời Ngân Xuyên phủ một màu u ám ảm đạm, hầu như không có một
khoảnh khắc nào anh được thật sự hạnh phúc. Đó là một con đường đã được
định trước, Ngân Xuyên gần như không có một sự lựa chọn nào, những lần
anh xoay xở cố gắng tự quyết cũng chỉ hoá thành sai lầm huỷ hoại chính
anh. Người thân quay lưng, bạn bè trở mặt, người ép anh ác quay sang chỉ
trích anh ác độc, người thương anh cũng chẳng chịu nổi sự tàn nhẫn của
anh. Sau cùng thì anh còn lại gì, hay đã trở lại thành một đứa bé tay trắng
khi xưa.
Thương thay cho Ngân Xuyên, làm tất cả để sống, để tồn tại, để rồi ước
muốn cuối cùng của anh chỉ là được chết.
Nhưng bầu trời u ám đang le lói một tia sáng bé nhỏ. Mong anh sẽ tìm được
tia sáng cuối cùng của đời mình.
Một cuốn truyện khá khó đọc đã kết thúc, rất cảm ơn những bạn đã kiên
nhẫn theo dõi và ủng hộ dù đây là một bộ truyện rất nặng nề và mệt mỏi.
Mong các bạn đã có những khoảnh khắc đẹp, đầy cảm xúc với Có giọt mưa
xuân sà vào lòng sông.
- -----oOo------