Thái độ của Chủ nhiệm Trương, Quan Bì Bì có thể hiểu được. Hôm qua vào giờ tan ca, ông ấy đã nhắc đi nhắc lại rằng Bì Bì phải đến đúng giờ trong buổi họp hôm nay, kết quả là cô "biết rõ mà cố tình phạm lỗi". Cảm thấy đuối lý, Bì Bì tức tốc lấy từ trong túi ra chiếc bút ghi âm cùng quyển sổ ghi chép, sau đó khẽ gật đầu với Chủ nhiệm Trương tỏ ý xin lỗi, rồi chạy như bay vào phòng họp.
Tòa nhà của Tòa soạn báo được xây dựng từ những năm Tám mươi nên tương đối cũ kỹ. Năm đó, tòa nhà này cũng từng được coi là một trong những kiến trúc hoành tráng nhất ở thành phố. Bì Bì thấy thất bại lớn nhất trong thiết kế của tòa nhà chính là hệ thống thông gió.
Trong phòng họp, ai ai cũng đều hút thuốc.
Máy điều hòa lớn đang để chế độ sưởi ấm, hơi ấm quyện lẫn mùi thuốc, vừa ồn ào vừa nóng bức, Quan Bì Bì cảm thấy mình như đang ngồi trong ống khói vậy.
Cuộc họp vừa bắt đầu, Giáp đốc Tòa soạn nói về những vấn đề trọng điểm trong tháng này, các phòng ban sẽ báo cáo về vấn đề chọn đề tài và những chuyên mục mới, phòng Truyền thông sẽ báo cáo về tình hình thu chi của Tòa soạn.
"Tuần trước, một sinh viên ở Đại học C vì mâu thuẫn gia đình đã giết chết mẹ mình trong cơn tức giận. Chúng ta dự định sẽ cử nhà báo đến điều tra về vấn đề áp lực tâm lý của sinh viên. Ngoài ra, để được tham gia vào cuộc bình chọn Mười tin Văn hóa hay nhất của Bộ Văn Hóa tổ chức vào cuối năm, chúng ta đã có bản dự thảo về năm chuyên đề Văn hóa mang đậm tính truyền thống và phương thức phỏng vấn những nhân vật có liên quan, hiện đang trong quá trình bàn bạc", Tạ Hoàng, Trưởng phòng Chính trị - Văn học, nhìn cuốn sổ ghi chép của mình, trình bày ý kiesn một cách lạnh nhạt, chẳng thể hiện chút cảm xúc gì.
Do dự một lát, Giám đốc Tòa soạn liền nói: "Về vấn đề điều tra áp lực tâm lý ấy, trước tiên chúng ta nên hoãn lại một chút, để xem bên cơ quan pháp luật kết luận như thế nào đã rồi hẵng tính tiếp. Nếu như cậu ta mắc bệnh thần kinh, thì đó chỉ là một việc ngẫu nhiên, tất cả miễn bàn. Hoặc là anh có thể đi điều tra về áp lực tâm lý, nhưng không nên nhắc đến chuyện này. Hiện chúng ta phải nhanh chóng chốt được vấn đề chọn đề tài cho Mười tin Văn hóa hay nhất, cuối tuần này tranh thủ báo lại với tôi".
Giám đốc Tòa soạn nhậm chức đã năm năm rồi. Ông được coi là vị giám đốc trẻ tuổi nhất từ trước đến nay của Tòa soạn này, tính tình thẳng thắn, tác phong nhanh nhẹn, chỉ vài lời ngắn gọn cũng thể hiện được sức sát phạt và quyết đoán.
"Vâng."
Ánh mắt Giám đốc Tòa soạn báo tiếp tục hướng tới phòng Công nghiệp và Giao thông vận tải.
Trưởng phòng Phương Nam Huy lập tức báo cáo: "Đoạn đường sắt V3 đã sắp hoàn thành, những nhà báo theo sát và đưa tin và hạng mục này đều phải ăn ở ngủ nghỉ trên núi, tương đối vất vả. Tòa soạn có thể xem xét về vấn đề cho họ một khoản trợ cấp đặc biệt không? Còn nữa, Tiểu Vệ mang thai được ba tháng rồi, ốm nghén rất nặng, ngày nào cũng nôn, điều kiện sinh hoạt ở vùng núi lại quá kém, theo tôi thấy nên điều cô ấy sang phòng Chính trị - Văn học thì hơn".
Giám đốc Tòa soạn gật gật đầu: "Chuyện trợ cấp không thành vấn đề, nhưng định mức thế nào thì cần phải bàn thêm với các Phó giám đốc một chút. Việc của Tiểu Vệ cần giải quyết ngay lập tức, hôm nay anh có thể thông báo cho cô ấy trở về thành phố được rồi".
"Hôm nay cô ấy phải kiểm tra thai kỳ, nên đã về thành phố rồi."
"Vậy thì báo cho cô ấy không cần quay lại công trường nữa."
...
Buổi họp diễn ra rất lâu. Mỗi một cái miệng đều không ngừng nói, đồng thời cũng không ngừng phả ra khói thuốc.
Bì Bì vẫn đang kiên trì nhanh chóng ghi lại mọi điều trong cơn sặc khói, một mặt không ngừng mỉm cười với các vị trưởng phòng đang báo cáo nghiệp vụ của mình, một mặt đầu óc choáng váng căng cứng chờ cho cuộc họp kết thúc.
Sau hai tiếng rưỡi, cuối cùng Giám đốc Tòa soạn cũng nói: "Hôm nay họp đến đây thôi. Tiểu Quan, cô hãy làm một bản ghi chép nội dung cuộc họp, sau đó đánh thành báo cáo vắn tắt, rồi gửi đến các phòng ban nhé".
Vừa nhận nhiệm vụ xong, Quan Bì Bì bỗng cảm thấy buồn nôn, liền che miệng chạy thẳng vào nhà vệ sinh dưới ánh nhìn của biết bao nhiêu người.
Tháng trước ở thành phố C tràn lan bệnh Viêm gan A, nghe nói nó bắt nguồn từ những quầy hàng bán đồ ăn sáng. Người ở thành phố C hầu hết có thói quen ăn sáng bên ngoài. Mặc dù họ đều sử dụng bát và đũa dùng một lần, thế nhưng virut Viêm gan A vẫn cứ tung hoành ngang dọc. Lúc đầu Quan Bì Bì ngờ rằng có khi nào bánh bao thịt lúc sáng mình ăn không được sạch sẽ không, sau lại đoán có khi cốc sữa đậu nành kia có vấn đề. Dù thế nào đi nữa thì tóm lại lần này cô nôn mãi vẫn không thể dừng được. Cứ nôn cho đến tận khi trước mắt xuất hiện đầy sao, khuôn mặt tái mét, cô mới có thể ôm bụng, vịn tường lần từng bước trở về phòng Biên tập.
Quan Bì Bì không ngờ lại gặp Trưởng phòng Biên tập Đỗ Văn Quang - người quản lý trực tiếp của mình ở ngay cửa ra vào.
"Sao thế? Không khỏe à?" Nếu như Tổng biên tập quan tâm đến nhà báo, mà nhà báo lại kiêu ngạo không chịu nghe theo, thì Tổng biên tập chỉ còn một cách là bướng bỉnh cương quyết hơn họ, như vậy mới có thể trấn áp được họ. Chính vì vậy, thông thường Đỗ Văn Quang luôn giữ tác phong nghiêm nghị, bình tĩnh, không bao giờ nói cười tùy tiện. Được một người nghiêm túc, nói năng thận trọng quan tâm hỏi han như vậy, nhất thời Bì Bì cảm thấy hoảng sợ lo lắng, vội đáp: "Không sao, có thể vì ăn phải đồ ăn hỏng thôi".
Tổng biên tập càng thêm quan tâm: "Vậy thì mau về nghỉ ngơi đi, để tôi bảo người đánh xe đưa cô về".
"Không, không, không, quả thực là không sao đâu. Giám đốc yêu cầu soạn một bản tóm tắt về cuộc họp vừa rồi, làm xong tôi xin nghỉ sau cũng được."
Thấy cô khăng khăng như vậy, Đỗ Văn Quang cũng không cương quyết nữa, bèn gật đầu: "Vậy được, nếu không xong thì ngày mai nộp sau, hoặc không thì cô cứ viết một bản nháp trước, tôi bảo Tiểu Kế sửa lại đôi chút cũng được".
Tiểu Kế cũng là thư ký của phòng Biên tập, nổi tiếng làm việc gì cũng không đáng tin, thế nhưng vì có ô dù phía trên nên không bị đuổi khỏi công ty. Nếu không, phòng Biên tập cũng không phải là to, đâu đến nỗi cần những hai thư ký chứ?
Bì Bì kiên quyết lắc đầu, "Hôm nay Tiểu Kế cũng rất bận, cô ấy phải xử lý tài liệu. Thôi cứ để tôi tàm, nếu không xong thì tôi nhờ cô ấy giúp sau vậy".
Cố nén từng cơn quặn thắt trong dạ dày, Quan Bì Bì gắng viết cho xong báo cáo tóm tắt. Viết một mạch cho tới khi xong bản nháp, triệu chứng đau bụng vẫn không giảm chút nào, những thứ trong dạ dày cô đã bị đẩy ra hết sạch từ lâu, lúc này cô chỉ có thể nôn khan, còn khó chịu gấp mười lần so với nôn thường. Trộm nghĩ nếu cứ tiếp tục cố gắng thế này thì mình sẽ trở thành chiến sỹ hy sinh oanh liệt mất, Quan Bì Bì đành đưa bản nháp cho Tiểu Kế, nhờ chỉnh sửa giúp. Vì ngại không muốn làm phiền đến xe của cơ quan, cũng tiếc tiền không nỡ ngồi taxi, nên vừa ra đến cửa chính, Quan Bì Bì vội vàng chạy thẳng đến bến xe điện ngầm với cái túi nilon trên tay.
Đúng lúc đó, tiếng điện thoại bất chợt vang lên.
"A lô, Bì Bì", đầu bên kia truyền đến giọng nói rầu rĩ, kèm theo những tiếng rè rè của đường dây điện thoại, như có như không. Nhưng, tại sao giọng nói của Đào Gia Lân lại thay đổi đến mức cô không thể nhận ra thế này?
"Gia Lân", Bì Bì nhỏ giọng trả lời.
"Mua sách chưa?"
"Mua rồi."
"Hết giờ làm có thể tiện đường mang đến cho tớ không? Tớ có việc cần dùng gấp."
"Được", Bì Bì vốn định nói với Gia Lân rằng hôm nay mình không được khỏe, nhưng nghĩ lại, có thể chỉ là nhất thời không thoải mái thôi, biết đâu đến chiều là khỏi, thôi cứ đi đến đó một chuyến cũng được. Hiếm lắm mới có một lần Gia Lân nhờ cô giúp đỡ, trong ký ức của Bì Bì thì đâu có mấy lần như thế này.
"Mấy giờ đến? Tớ đợi cậu ở phòng của tớ nhé."
"Khoảng năm rưỡi."
"Ừ, lát nữa gặp lại."
"Ừ...", Bì Bì còn muốn nói thêm vài lời, nhưng đầu bên kia đã ngắt máy.
Không biết tại sao mỗi lần Quan Bì Bì nói chuyện điện thoại với Gia Lân đều ngắn ngủn như vậy, còn không có đến một câu chào hỏi.
Có lẽ cũng bởi hai người quá quen nhau, quen đến mức chỉ cần một cái chau mày, một ánh mắt, trong lòng hai người cũng có thể hiểu được đối phương muốn nói gì.
Đó chính là Bì Bì và Gia Lân. Từ nhỏ họ đã là hàng xóm của nhau, rồi quen biết nhau khi đi nhà trẻ, từ đó lên cấp một hay cấp hai đều cùng học một lớp, đến cấp ba thì chia thành ban Tự nhiên và Xã hội nhưng vẫn chung một trường.
Từ nhỏ đến lớn hai người luôn dùng cùng một mã bưu chính.
Điểm khác biệt duy nhất chính là sau khi bước vào cánh cổng trường cấp ba, thành tích học tập của Bì Bì liên tục đi xuống; còn Gia Lân lại luôn giữ vị trí đứng đầu trong mọi năm học, không gì có thể lay chuyển được. Thêm phần vừa cao vừa đẹp trai, lại là đội trưởng đội bóng rổ, Gia Lân đã trở thành thần tượng được vô số các bạn nữ đem lòng ngưỡng mộ.
Thế nhưng Bì Bì lại không cảm thấy Gia Lân đẹp đến mức như vậy, ít nhất là cũng không đến mức "rất ngầu" hoặc "đẹp chết đi được" như đám bạn nói. Bởi vì Bì Bì đã từng chứng kiến một Gia Lân nước mũi ròng ròng, một Gia Lân nói chuyện thều thào khi thay răng sữa, và một Gia Lân phải nằm viện vì bệnh vàng da, chứ chưa nói đến thời kỳ Gia Lân tay chân dài loằng ngoằng, đầu to như cái đấu, nhìn từ xa cứ tưởng cây nấm hoặc người đến từ sao Hỏa vậy. Sau này, trên mép Gia Lân còn có thêm những sợi lông mềm đen nho nhỏ nữa, yết hầu cứ chuyển động lên xuống trên cổ theo từng câu nói, có một thời gian Bì Bi cảm thấy không quen mắt, không dám nhìn lên mặt bạn.
Đương nhiên rồi, người cùng học mẫu giáo từ ngày còn nhỏ xíu tất nhiên sẽ thân thiết hơn những người xung quanh.
Vào một ngày năm học lớp Mười, trong giờ ăn trưa, Gia Lân đột nhiên xuất hiện bên cạnh Bì Bì, nhỏ giọng rủ cô đến các cửa hàng ngắm nghía.
"Cậu muốn mua gì?", Bì Bì giật mình. Bởi vì thông thường mà nói, các bạn nam chẳng khi nào chủ động đến tìm và nói chuyện với các bạn nữ cả, đặc biệt lại là một học sinh xuất sắc, kiêu ngạo, luôn đứng đầu lớp, cao cao tại thượng như Gia Lân đây.
"Mua quần áo."
Hai người hẹn gặp nhau ở cổng trường. Tránh bao ánh mắt hoài nghi, Bì Bì theo Gia Lân đi ra từ cửa phía Đông. Bên phải chính là chợ bán quần áo, một con đường dài tít tắp đầy những thương nhân từ vùng nông thôn đến bán hàng.
Gia Lân hỏi: "Cậu mặc quần cỡ nào?".
"Mua quần... cho... cho tớ?"
"Ừm."
"Tại... tại sao?", Bì Bì đỏ mặt, nói lắp bắp.
"Ừm ừm...", Gia Lân "ừm" mấy tiếng rồi không nói gì thêm nữa, chỉ bảo với chủ cửa hàng quần áo: "Cháu muốn mua cái quần này, màu đen, vâng, bạn ấy mặc. Chắc cô là thợ may chứ? Cỡ bao nhiêu chắc chắn cô biết".
Khi đó, cả Bì Bì và Gia Lân đều mặc bộ đồng phục màu nâu nhạt của trường. Thông thường một người sẽ có hai bộ đồng phục trường, thế nhưng gia đình Bì Bì không có điều kiện nên chỉ có thể mua một bộ, dường như ngày nào cô cũng mặc bộ ấy. May mà kiểu dáng của bộ đồng phục đó là trang phục mùa xuân, nên có thể mặc được chiếc áo lót cổ tròn bên trong, chịu khó thay và giặt giũ thì cũng không phải là bẩn lắm.
Hai người đều không biết mặc cả, khi trả tiền, thấy khóe miệng cô chủ hàng nhếch lên một nụ cười, Bì Bì trộm nghĩ chắc chắn Gia Lân bị mua đắt rồi.
Đi qua một nhà vệ sinh công cộng bên đường, Gia Lân bỗng đưa chiếc quần cho Bì Bì: "Đi thử một chút đi, xem xem có vừa không?".
Nhìn nhà vệ sinh nữ không được sạch sẽ cho lắm, Bì Bì không đồng ý, gượng gạo: "Bắt buộc phải thử lúc này sao?".
Gia Lân cúi đầu nhìn ngón chân mình, "Ừm, thử bây giờ có lẽ tốt hơn".
Bì Bì vào trong, cởi bỏ chiếc quần ra mới biết, mặc dù đã mua loại băng vệ sinh có cánh siêu dài rồi nhưng chiếc quần vẫn bị ướt một mảng lớn, đỏ cả một vùng, vô cùng bắt mắt. Vừa rồi xếp hàng dài để lấy cơm ở căng tin, chắc hẳn ai cũng nhìn thấy mất rồi.
Thật là mất mặt chết đi được!
Ngượng ngùng thay xong chiếc quần rồi ra ngoài, thấy Gia Lân vẫn đứng đợi mình, Bì Bì liền vội vàng lấy ra hai đồng, sau đó kéo Gia Lân chạy đến tiệm giải khát, "Tớ mời cậu ăn kem".
Gia Lân rất vui vẻ nhận lời. Đến khi Bì Bì định lấy một cây kem cho mình thì cậu bèn ngăn cô lại, nói với người bán hàng: "Anh có nước cam Tang nóng không?".
... Đây là một trong những ký ức mà Quan Bì Bì thích nhất. Hễ nhắm mắt lại, hình ảnh Gia Lân cúi đầu nhìn những ngón chân lại chui ra từ trong tiềm thức cô.
Uống xong thuốc chống nôn, rồi nằm trên giường nghỉ ngơi hai tiếng đồng hồ, Bì Bì đã cảm thấy người khỏe hơn nhiều rồi. Nhớ đến bản báo cáo sơ lược vẫn chưa hoàn thành, cô liền cầm túi xách, ra ga tàu điện ngầm tới Tòa soạn mà không cần biết đến những lời khuyên ngăn của bà.
Trong thang máy, cô gặp Tiểu Vệ, cũng chính là vệ Thanh Đàn, nữ nhà báo của phòng Chính trị - Văn học.
"Ấy, chị Thanh Đàn, chị về rồi sao?"
"Cảm ơn sự quan tâm của cơ quan, chị được chuyển sang phòng Chính trị - Văn học rồi. Bì Bì, chị có việc cần em giúp, em có thể đến phòng làm việc của chị một lát không?"
Ngoài việc ngưỡng mộ nghề nhà báo, Bì Bì còn rất ngưỡng mộ phong cách sống của những nhà báo: Không cần làm việc theo đúng giờ quy định. Bì Bì cảm thấy làm nhà báo thật là một công việc vô cùng lý tưởng. Bì Bì vốn trời sinh tính tình hiếu kỳ, rất thích các câu chuyện, thế nhưng hoàn toàn không phải cứ có lòng hiếu kỳ thì bạn sẽ được nghe những câu chuyện thú vị, người ta sẽ chẳng dễ dàng gì mà kể cho bạn, trừ khi bạn là nhà báo.
"Được ạ!"
Vệ Thanh Đàn cao một mét bảy mươi chín, khổ người to lớn, những ai không quen biết còn cho rằng cô ấy là vận động viên bóng rổ. Thế nhưng khi một người sức khỏe dồi dào như Vệ Thanh Đàn mang bầu, sắc mặt cũng trở nên xanh xao, song vẫn tràn đầy sức sống: "Bì Bì, cái này tặng cho em đấy!"
Cô ấy lấy từ trong túi ra một chiếc hộp nhỏ rồi đưa cho Quan Bì Bì. Bì Bì mở hộp ra nhìn, là chiếc vòng tay bằng đá Turquoise vô cùng xinh xắn.
"Ôi... cái này, sao em có thể nhận được? Cái vòng này chắc là đắt tiền lắm?", mặc dù trong đám nhà báo thì Thanh Đàn và Bì Bì được coi là có quan hệ tốt hơn cả, nhưng Thanh Đàn thường được cử đi công tác ở bên ngoài, cơ hội hai người chào hỏi nhau cũng không nhiều, không phải thân thiết đến mức hai bên có thể tặng quà cho nhau.
"Đương nhiên là miễn phí. Chị còn có mấy cái nữa đấy. Em có nhớ báo cáo lần trước chị viết không, nói rằng có một xưởng gia công đá Turquoise, gần đó có một quặng đá quý cao cấp, nhưng lại không có khả năng gia công?"
"Em có nhớ."
"Trên tỉnh rất coi trọng bản báo cáo đó, còn cho xưởng ấy vay mấy triệu Nhân dân tệ nữa đấy."
"Ồ, họ hối lộ chị sao?", Bì Bì cười nói.
"Tặng quà lưu niệm khi sắp đi. Những thứ ở tận nơi sản xuất thì không đắt, khi nào được chuyển đến các cửa hiệu vàng bạc đá quý thì giá trị của nó mới tăng lên gấp bội."
"Chị có việc gì cần em giúp sao?"
"Chẳng phải em vẫn thích làm nhà báo đó à?"
"Vâng ạ!", cảm nhận được manh mối gì đó, Bì Bì nhất thời hưng phấn hẳn lên.
"Là thế này, dạo gần đây chẳng phải trên Trung ương muốn phát huy các truyền thống văn hóa đó ư? Chị có một đối tượng để phỏng vấn, chuẩn bị làm một bài phỏng vấn hoàn chỉnh. Nhưng người này rất bí ẩn, nghe nói từ trước đến nay chưa bao giờ chịu gặp nhà báo, đồng thời cũng từ chối bất cứ cuộc phỏng vấn nào. Chị có người bạn làm ở tòa soạn khác từng thăm dò ý của anh ta, nhưng cũng bị anh ta từ chối không tiếp."
"Có thể phỏng vấn những người xung quanh trước không? Ví dụ như phỏng vấn đồng nghiệp của anh ta, bạn học của anh ta, bạn bè người thân của anh ta gì gì đó", bỗng nhớ tới bài tập môn Tin tức tuần trước, Bì Bì cảm thấy rất vui bởi bản thân có thể đưa ra một vài từ chuyên ngành.
"Chị cũng đã mấy lần phỏng vấn người xung quanh rồi", Vệ Thanh Đàn cầm một chiếc kẹp tài liệu ở trên bàn lên, trong đó chỉ có vài tờ giấy, còn có thêm một băng ghi âm nữa, "Thông tin về anh ta rất ít".
"Tại sao?", Bì Bì hỏi, "Anh ta là Tiền Chung Thư chắc?". Theo như Quan Bì Bì được biết, tin tức liên quan đến người nổi tiếng trước giờ đều rất nhiều, những tin bát nháo, những vụ tai tiếng chỉ cần lên mạng vào Google tìm kiếm là thế nào cũng ra một vài thông tin đáng kinh ngạc từ fan club của họ.
"Anh ta không phải là Tiền Chung Thư, nhưng thầy của anh ta là Tống Kỷ, địa vị của ông ấy trong giới văn vật chẳng kém gì Tiền Chung Thư. Họ đều được coi là ngôi sao sáng của ngành cổ ngọc. Sau khi Tống Kỷ qua đời, người đàn ông này được coi là một nhân vật xuất sắc mới nổi trong giới nghiên cứu đồ ngọc, đánh giá ở một mức độ nào đó thì, lời anh ta nói cũng có uy như lời của Tống Kỷ vậy."
Văn vật? Đồ ngọc? Những thứ này chẳng chút liên quan đến kiến thức của Quan Bì Bì.
"Anh ta tên là Hạ Lan Tịnh Đình, là chyên gia cổ ngọc, người sưu tầm và giám định đồ cổ. Người này rất ít giao du với mọi người bên ngoài, chỉ có một danh hiệu là cố vấn lâu năm của Viện bảo tàng thành phố C."
Quan Bì Bì cười nói: "Viện bảo tàng thành phố C? Chẳng phải Viện bảo tàng ấy nằm ở gần đây đó sao? Em sẽ giả bộ đi tham quan rồi thình lình chụp một bức ảnh anh ta".
"Bì Bì, đăng ảnh của người ta mà chưa được người ta đồng ý là hành vi phạm pháp đó. Em còn nhớ tờ báo Thương mại thành phố C vô cùng nổi tiếng nửa năm trước chứ? Chỉ vì đăng một bức nhr nhìn nghiêng của Hạ Lan Tịnh Đình mà Toàn soạn đó đã bị anh ta tố lên Tòa án. Anh ta mời đến Tòa án một luật sư giỏi nhất trong nước, chuyện bé xé ra to, truy cứu đến cùng không chịu bỏ qua một cơ hội tấn công nhỏ nào, cuối cùng đã khiesn cho tòa báo đó rối tung rối mù lên, thiếu chút nữa thì phải đóng cửa đấy."
Những năm gần đây, người nghèo nào dám chọc đến quan tòa? Bì Bì le lưỡi: "Người như vậy mà chị còn dám phỏng vấn ư? Chị không sợ tìm rắc rối cho mình à?".
"Cho nên chị mới để em đi. Thứ nhất, mục tiêu của em không lớn, có thể trà trộn vào đám đông rồi lặng lẽ quan sát anh ta; thứ hai, em có thể tìm cách để cảm hóa anh ta, khi nào anh ta tương đối mềm lòng rồi, chị sẽ bắt tay vào hành động. Thế nào? Dạo này chị nghén nghiêm trọng quá, ngày nào cũng nôn, thực sự là không thể chạy đi thực hiện kế hoạch nữa rồi. Bảo báo cáo này chúng ta sẽ cùng nhau ký tên, hợp tác với nhau viết thật hay, sau đó tham gia cuộc thi Mười tin Văn hóa hay nhất do Bộ Văn hóa tổ chức năm nay. Nếu như được giải, em có thể đưa lên cho Giám đốc Toàn soạn xem, để ông ấy chuyển em đến bộ phận làm tin tức cuối tuần hay tin tức giải trí. Như vậy chẳng phải em đã trở thành nhà báo rồi hay sao?"
Bì Bì vô cùng xúc động, vội nói: "Có thật thế không? Thật là có thể như vậy ư? Thật sự em có thể chuyển sang làm nhà báo sao?".
Tục ngữ có câu "Khác nghề như cách núi". Bì Bì vốn là một thư ký của phòng Tin tức, mặc dù cũng dính đến hai từ "tin tức", thế nhưng đại ngộ và tính chất công việc lại khác một trời một vực so với nhà báo.
"Sao mà không được? Biệc này cũng không phải là chưa có tiền lệ. Huoogns hồ chẳng phải bây giờ em đang theo học chuyên ngành Chỉnh sửa tin tức hệ Chính quy hay sao? Bằng cấp và kinh nghiệm đều có cả, đương nhiên có thể chuyển rồi. Em cầm lấy máy ảnh của chị, nhìn cho kỹ vào nhé, đây là máy ảnh Nikon chuyên nghiệp, lens cũng phải trên một vạn tệ đó, em phải giữ gìn cẩn thận nhé. Chị đi tìm Đỗ Văn Quang đã, bảo anh ấy làm cho em cái thẻ phóng viên thực tập. Chị sẽ nói mình không khỏe, cần được giúp đỡ nên muô nhờ những khi em rảnh, anh ấy nhất định sẽ đồng ý thôi. Vậy, em có làm không nào? Nếu như em không làm, chị đành phải đến nhờ Tiểu Kế vậy."
"Làm! Làm!"
"Được, vậy em xem tài liệu trước đi. Tất cả những gì chị biết đều nằm ở đây cả. xin lỗi, có phải em dùng nước hoa không? Chị phải đi nôn đây... Mẹ ơi, đã ba tháng rồi mà vẫn ngày ngày nôn mửa, đến khi nào mới hết đây?", Vệ Thanh Đàn bịt miệng, chạy vội ra ngoài cửa.