Xe điện của cô gái không đủ điện, phải dựa vào sức đạp của cô ấy nên cực kỳ tốn sức.
Chẳng hiểu sao Nghê Yến Quy lại ôm cánh tay của Trần Nhung, chất vấn anh: “Anh từng gặp cô gái này rồi sao?”
“Chưa.” Trần Nhung càng tỏ ra nghi hoặc hơn, “Hình như cô ta rất sợ đàn ông?”
“Có thể là vậy.” Cô nâng mặt anh lên, “Nhưng anh là cục cưng ngoan hiền, có gì đáng sợ đâu.”
Cô dắt tay anh đi khỏi đó.
Đến chỗ đầu đường, trong lúc đợi đèn xanh, Trần Nhung quay đầu nhìn.
Xe ba bánh của cô gái đỗ ở cột đèn đường. Một nam sinh dắt xe của cô ấy, nghe cô ấy nói mấy câu rồi quay đầu nhìn về phía này, vừa vặn chạm phải ánh mắt của Trần Nhung.
Người đó là Chu Phong Vũ, anh ta nhướng mày với Trần Nhung.
Trần Nhung cảm thấy tay mình bị kéo mạnh một cái.
Nghê Yến Quy ngẩng đầu hỏi anh: “Nhung Nhung, em tiễn anh đến bến xe nhé, được không?”
Trần Nhung khẽ cười, đáp: “Dự báo thời tiết báo tối nay có mưa, em đừng đi nữa. Đi đi về về vất vả, phiền lắm .”
Ráng chiều đỏ trên bầu trời như bức tranh sơn dầu, không có dấu hiệu của cơn mưa. Nhưng ở thành phố này, có khi ông mặt trời to to còn đang treo trên bầu trời, cũng sẽ mưa như trút nước. Cô không mang theo ô, nắm tay anh không chịu buông, “Thật sự muốn đi cùng anh.”
Anh vén lọn tóc của cô ra sau tai, “Anh ngồi trên xe vẫn có thể nói chuyện với em mà.”
“Nói chuyện trên mạng không có hơi ấm của anh.” Cô ghé mặt lại gần.
Anh dán mặt vào mặt cô, “Tuần sau gặp lại.”
**
Mưa phía Nam nói đến là đến ngay. Không có nhịp dạo đầu, vừa đến đã nhỏ những hạt mưa to bằng hạt đậu, rơi “tách tách tách” lên mặt kính, từng dòng nước chảy xuống.
Đinh Kiến Long đứng trước cửa sổ, nhìn xuống dưới lầu thấy đám đông đang vội vã chạy qua, người không có ô tụ lại dưới mái che mưa của quán.
Đinh Kiến Long từng giành được giải thưởng Đai lưng vàng, là huấn luyện viên chính của quán boxing này. Các ngành nghề đều có tính cạnh tranh khốc liệt, trong vòng bán kính năm kilomet đã có năm cơ sở boxing. Đa số không chỉ huấn luyện mỗi bộ môn boxing, mà bao gồm các bộ môn cận chiến. Người làm ăn có đủ chiêu trò mánh khóe, cũng giống như Đinh Kiến Long, anh ta mở một hội nhóm “Đấm bao cát” trên trang web đánh giá. Thời gian mua hàng theo nhóm khá muộn, sau tám giờ tối.
Cơ sở boxing và phòng gym không giống nhau, hội viên đến tập luyện có ý chí mục tiêu rất mạnh, số lượng người cũng ít hơn phòng gym. Gặp hôm trời mưa, trong quán sẽ vắng tanh vắng ngắt.
Đinh Kiến Long thả lỏng bả vai, đang định đi thu dọn găng tay thì bên ngoài cửa có người đi vào.
Cậu trai để ô vào trong chiếc thùng lớn ở cửa. Ống quần của cậu ta đã ướt sũng, vạt áo cũng bị dính nước, dán vào thắt lưng gầy.
Đinh Kiến Long là dân tập luyện chuyên nghiệp, không còn xa lạ với vóc dáng cao gầy rắn rỏi nữa. Trong mắt anh ta, khuôn mặt của cậu trai này càng khiến người ta có ấn tượng sâu sắc hơn, đường nét sắc sảo lạnh lùng, tính công kích cực mạnh.
Thời gian đến đây tập luyện của chàng trai kia rất cố định, nửa tháng một lần. Cậu ta ít nói, không cần sự chỉ dẫn của huấn luyện viên. Cậu ta đến nơi này chỉ để học môn học chủ đạo của lớp học này một cách siêng năng -- Đấm bao cát.
Đinh Kiến Long chưa thấy cậu ta cười bao giờ, anh ta trưng ra khuôn mặt niềm nở của mình làm thân với đối phương. Đầu tiên là vẫy tay, sau đó chào một cách thân thiết: “Hi.”
Cậu trai kia không thích để ý đến người khác, đôi mắt lạnh lùng ẩn chứa vụn băng, rất sáng nhưng cũng rất sắc bén.
Đinh Kiến Long phát hiện ra dạo gần đây cách ra tay của cậu ta đã có thay đổi. Trước đây, cậu ta đa phần dùng kỹ thuật đấm thẳng và đấm móc, sau này luyện được kỹ thuật đá chân, đá ngang, duỗi thẳng chân. Đây không phải kỹ thuật đấm bóc, mà thiên về bộ môn tán đả.
Cậu trai này đến đây không phải để nghe giảng, toàn bộ quá trình đều không giao lưu với huấn luyện viên. Cả quãng thời gian đó cậu ta đều im lặng, tập trung tấn công bao cát.
Hai huấn luyện viên khác không có học viên, họ nói với Đinh Kiến Long rằng xuống dưới lầu ăn cơm xong sẽ lên sau.
Hai người vừa đi khuất, tiếng mưa bên tai Đinh Kiến Long cũng biến mất. Anh ta cảm thấy mình chỉ nghe được tiếng găng tay đấm vào bao cát “bụp bụp bụp”, cực kỳ mạnh mẽ.
Đinh Kiến Long đi đến bên cạnh chàng trai kia.
Cậu ta liếc anh ta một cái, sau đó tiếp tục một cú đấm thẳng rất mạnh.
Bao cát xoay tròn một vòng giữa không trung, dây thừng bên trên cũng xoắn tít lại.
Đinh Kiến Long hỏi: “Được đấy, cậu bắt đầu tập boxing từ khi nào thế?”
Đây không phải lần đầu tiên anh ta hỏi câu này, nhưng đây là lần đầu tiên cậu trai kia trả lời anh ta. Cậu ta có một chất giọng du dương: “Cấp hai.”
Đinh Kiến Long: “Đã được mấy năm rồi à, luyện tương đối khá.”
Chàng trai nhanh chóng vung hai nắm đấm ra.
Nếu đổi lại lúc bình thường, nơi này chỉ còn lại Đinh Kiến Long và cậu trai này thì anh ta sẽ không nói chuyện, vì quá yên tĩnh. Hôm nay, nước mưa không ngừng tạt vào mặt cửa kính, dù chỉ có mình anh ta nói chuyện một mình thì cũng không cảm thấy nhạt nhẽo. Anh ta hỏi tiếp: “Có thể kiên trì tập luyện nhiều năm như vậy, là vì hứng thú sao?”
Chàng trai: “Không đến mức đó.”
Đinh Kiến Long sửng sốt, “Không phải hứng thú? Là muốn tham gia thi đấu chuyên nghiệp ư?”
“Hứng thú của tôi là bao cát, không phải boxing.” Câu trả lời này đã giải thích cho câu hỏi vì sao cậu trai này chưa từng tham gia lớp học lý thuyết hay lớp học thực chiến, mà chỉ đăng ký môn “Đấm bao cát”.
Bao cát là đạo cụ huấn luyện trong môn boxing, nhưng đứng ở khía cạnh nào đó mà nói, đây cũng là một bộ môn vận động để giải tỏa căng thẳng.
Chàng trai này đến đây giải tỏa căng thẳng không ngừng nghỉ, có thể thấy áp lực của cậu ta nặng như núi.
Đối với Đinh Kiến Long mà nói, ở cái tuổi này cậu trai vẫn còn là một đứa trẻ. Anh ta nổi lòng thương hại, bắt đầu truyền thụ “canh gà” thần thánh: “Cậu em à, trong phương pháp giải tỏa áp lực, đấm bao cát được coi là chữa ngọn chứ không phải chữa gốc, muốn được giải tỏa, cậu còn phải đối thoại với tâm hồn của mình.”
Nắm đấm của thiếu niên đấm vào bao cát.
Đinh Kiến Long không nghe được âm thanh bao cát rỗng ruột, đây là sức mạnh chân thực, trong căn phòng rộng lớn mà vẫn nghe thấy tiếng nắm đấm xé gió mạnh mẽ.
Đinh Kiến Long kiểm tra hóa đơn đồ ăn đặt ngoài của mình, “Ăn cơm tối chưa, muốn ăn đồ ăn đặt ngoài không, ăn xong thì tập tiếp. Hôm nay ít người, không tính thời gian với cậu đâu, cứ tập xả láng đi.”
Chàng trai nói: “Không không ăn đâu, chín giờ tôi về rồi.”
Tám giờ đến, chín giờ về. Cậu trai này chưa bao giờ vắng mặt, đây là một người có tính tự kỷ luật cực kỳ tốt.
Theo Đinh Kiến Long quan sát, cách ra tay và cách ra chân của chàng trai này có kỹ thuật riêng của mình. Đinh Kiến Long nói: “Đăng ký một môn học là có thể nâng cao trình độ của mình. Kỹ thuật boxing vẫn cần có có người chỉ ra những lỗi sai của mình.”
Không nhận được lời hồi đáp, anh ta tự cảm thấy chuốc nhục vào người.
Đồ ăn đặt ngoài đã đến, là pizza.
Đinh Kiến Long ghé mũi ngửi chiếc bánh một cái, anh ta mời bao nhiêu lần thì thất bại bấy nhiêu, hò về phía chàng trai kia: “Ăn pizza không?”
Chàng trai: “Cảm ơn, không cần.”
Đinh Kiến Long ăn pizza xong, chàng trai nọ đã tháo găng tay, chậm rãi cởi dây đai trên tay mình, chuẩn bị ra về.
Đinh Kiến Long lấy quyển sổ đăng ký hội viên ra, hỏi: “Để lại phương thức liên lạc nhé?”
Đếm kỹ lại, câu này anh ta đã nói không dưới mười lần, lần nào cậu trai kia cũng chỉ đáp lại anh ta bằng một ánh mắt lạnh lùng.
Nhưng khác với những lần trước đó, lần này cậu trai đã dừng lại, viết tên họ và số điện thoại vào quyển đăng ký.
Đinh Kiến Long nhìn vào quyển sổ.
Số điện thoại là số điện thoại bàn. Thời đại nào rồi mà vẫn có người dùng điện thoại bàn? Đinh Kiến Long đoán, cậu trai này không muốn để lại thông tin thực. Anh ta xem đến chỗ tên của cậu ta, Trần Phi.
“Tên của cậu khiến tôi nhớ đến một người.”
Chàng trai ngước mắt lên.
Đôi mắt của chàng trai thật sự rất đẹp, cũng rất lạnh lùng, lạnh như một lưỡi kiếm sắc, lộ ra sự sắc bén. Đinh Kiến Long nói: “Những người tập boxing như chúng tôi, dù ít dù nhiều cũng từng nghe về truyền thuyết trong giang hồ. Có một người có nắm đấm cực kỳ cứng, biệt danh của anh ta là Quyền Lang, còn tên thật thì hầu hết mọi người không biết.”
Chàng trai đã đeo balo lên lưng.
Đinh Kiến Long nói tiếp: “Anh ta và cậu có tên giống nhau nhưng khác họ, anh ta tên là Chu Phi. Tất nhiên, anh ta là người liếm máu trên lưỡi đao, ra tay tàn nhẫn hơn cậu nhiều.”
Màn mưa bên ngoài cửa sổ to hơn.
Chàng trai không nói không rằng, trực tiếp đi khỏi đó.
Đinh Kiến Long lại đứng trước cửa sổ.
Bên dưới có người đẩy cửa đi ra.
Là cậu trai kia. Khác với dáng vẻ ban nãy, lúc này cậu ta đã đeo kính, nói chuyện với người bảo vệ đang cầm ô.
Ở ngay tầng hai, Đinh Kiến Long nhìn thấy rõ khuôn mặt của cậu trai kia đã giương nụ cười mỉm thân thiện.
Mỉm cười? Thân Thiện?
**
Tiếng mưa lớn, át đi tiếng xe cộ qua lại. Trần Nhung nhìn thấy phía trước có đèn xe chiếu tới, soi sáng cái hố nông dưới chân anh.
Anh nhường đường.
Chiếc xe lập tức dừng lại.
Cửa xe từ từ hạ xuống, khuôn mặt xinh đẹp của người phụ nữ lộ ra, đẹp rạng ngời trong đêm mưa. Bà ấy khẽ cười, gọi: “Trần Nhung.”
Trần Nhung hạ ô xuống thấp một chút, cười chào bà: “Mẹ.”
Trần Nhược Nguyên xuống khỏi xe, bà ấy không mang ô, bèn nhảy một cái đứng dưới tán ô của con trai, sau đó bà ấy vẫy tay với người đàn ông ngồi ở ghế lái, “Tạm biệt anh yêu.”
Cần gạt nước chuyển động hai cái, người đàn ông gật đầu với Trần Nhung qua kính chắn gió.
Trần Nhung cũng gật đầu chào lại. Dựa theo vai vế, anh phải gọi người kia là chú. Có điều, họ chưa nói chuyện với nhau được mấy câu.
Chiếc xe phóng đi, để lại đèn chiếu hậu tờ mờ.
Trần Nhược Nguyên mặc bộ váy màu đen, tà váy rộng, quét ra đến bên ngoài ô.
Trần Nhung dịch ô về phía bà ấy.
Bà ấy khoác tay con trai, “Về muộn thế con.”
“Mưa to quá, đành trú mưa một lúc.”
“Lúc không mưa, con cũng về muộn như vậy.” Đây là lời phàn nàn.
“Tan học muộn mà mẹ.” Lời giải thích của Trần Nhung mãi mãi như thế này.
Chỉ cần nói đến chuyện học hành, Trần Nhược Nguyên đều rất dễ bỏ qua.
Về đến nhà, bà ấy giũ bỏ vẻ dịu dàng trên mặt, thay đổi biểu cảm. Đá văng đôi giày cao gót ra, bà ấy vươn vai rồi ngồi xuống sofa, “À mà, chú con hỏi mẹ ngày mai có muốn về nhà ông ấy ăn bữa cơm không?”
“Dạ?” Trần Nhung đang treo ô lên.
Trần Nhược Nguyên cúi đầu, nói: “Có thể ông ấy muốn vun đắp tình cảm cha con với con đó.”
Trần Nhung cười cười, “Dạo này con bận, để sau hãy nói.”
“Cũng đúng, gia đình của ông ấy nhiều quy củ quá, mẹ vẫn thích nhà mình hơn.” Có điều, từ khi Trần Nhung lên đại học, bà ấy đã không về cái nhà này nữa. Thậm chí, bà ấy còn nhường phòng ngủ lớn lại cho Trần Nhung. Vì bà ấy đã có gia đình khác, ở đó có đàn ông và một bé gái hai tuổi. Người chồng hiện tại của bà ấy không rộng lượng đến mức có thể chấp nhận đứa con khác của bà. Trần Nhược Nguyên thở dài một tiếng, “Trần Nhung, đợi con tốt nghiệp rồi có thành tích trong sự nghiệp là mẹ yên tâm rồi.”
“Vâng.” Trần Nhung không nhiều lời.
“Ai da, trên người ám mùi nước hoa Cologne, mẹ đi tắm đây.” Trần Nhược Nguyên đi vào phòng tắm.
Trần Nhung về phòng mình, đóng cửa, ngón tay khẽ gạt một cái, khóa cửa lại.
Anh gỡ kính, ngồi trên bệ cửa sổ, một chân gập lại, một chân tùy ý duỗi thẳng.
Điện thoại reo lên, là Nghê Yến Quy nhắn: “Về đến nhà chưa?”
“Về đến nhà rồi. Vì trời mưa nên về muộn, không báo cho em ngay được, là lỗi của anh.”
Nghê Yến Quy gửi một nhãn dán đáng yêu, “Dính mưa rồi à?”
Trần Nhung: “Không, mưa ngớt rồi.”
Sau đó, Nghê Yến Quy lại gửi cho anh một bức ảnh. Có lẽ cô vừa mới tắm xong, gò má nổi lên màu đỏ như rặng mây mù. Cô lại mặc chiếc áo hai dây kia.
Cô rất chú ý góc độ, hướng chính diện về phía anh, không để lộ hoa văn ở sau bả vai một chút nào.
Nơi căng tròn của cô vừa mềm vừa vun cao. Cô cong môi cười, ánh mắt biếng nhác. Cô đang ở độ tuổi hồn nhiên, ngây thơ đến mức đáng yêu. Cô chưa bao giờ che giấu mục đích muốn dụ dỗ Trần Nhung của mình.
Ngón cái của Trần Nhung miết qua bộ phận nào đó trên màn hình, không lớn không bé, anh rất thích.
Nghê Yến Quy: “Hai ngày không gặp, em sợ anh nhớ.”
“Đã bắt đầu nhớ rồi đây.”
“Anh mượn tấm ảnh này xoa dịu tâm tư của mình đi.”
“Được.”
Bên ngoài vọng vào tiếng của Trần Nhược Nguyên: “Trần Nhung.”
Trần Nhung nhìn thấy đôi mắt mình phản chiếu trên mặt kính, không có ý cười, thứ lộ ra chỉ toàn là gai nhọn. Anh xuống khỏi bệ cửa sổ, cầm gọng kính bằng cả hai tay, đeo kính lên sống mũi.
Anh chớp mắt một cái.
Lúc mở cửa, khuôn mặt anh đã trở nên ngoan hiền, “Mẹ.”