Tối hôm đó Vu Hương giao Vu Kiều cho Tiểu Thiên, chị muốn nói chuyện với bà Trần. Tại bàn tròn trong phòng của bà Trần, Vu Hương lấy ra một sắp tiền: "Con biết rằng nếu không có số tiền này, bà cũng sẽ chăm sóc cho Kiều Kiều rất tốt. Nhưng nếu bà không nhận nó thì con không an lòng."
Bà Trần tất nhiên là từ chối: "Ba của Tiểu Thiên luôn cho bà tiền. Điều kiện của chú và cô của nó cũng rất tốt. Bà không cần con trả thù lao, cất lại đi!"
"Bà nội ơi." Giống như Tiểu Thiên, chị gọi bà nội.
"Ba mẹ con đều không còn nữa. Mấy năm trước tình trạng của bọn con cũng ổn nhưng vẫn luôn không về đây thăm bà. Cho dù không phải là chi phí sinh hoạt của Kiều Kiều, thì số tiền này cũng coi như là con hiếu kính với bà."
Bà Trần đứng dậy bước đến đầu giường, lấy ra một chiếc ví vải thô, mở nó ra trước mặt Vu Hương: "Con nhìn xem, bọn bà một già một trẻ, bình thường cũng không tiêu tốn mấy. Số tiền này bà xài cũng không hết."
Vu Hương mở chiếc ví ra nhìn. Trong đó lớn nhất là tờ một trăm, thấp nhất là tờ mười, được ép trong ví suốt một thời gian dài, cực kỳ phẳng và có mùi mực cũ.
Bà Trần tiếp tục nói: "Chồng của con bà chỉ mới gặp được mấy lần, cũng không biết là người như thế nào. Lúc đó con cứ khăng khăng đòi đi theo cậu ta, ba mẹ con cũng không có cách nào. Giờ ba mẹ con không còn nữa, con cứ coi nhà bà như là nhà mẹ đẻ của con, nếu ở bên ngoài có gặp bất kỳ khó khăn gì thì hãy quay về tìm bà... "
Vu Hương bật khóc, những ngón tay chị khẽ run lên: "Dạ, con biết. Anh ấy... trước đây anh ấy rất tốt..."
"Hãy nghe lời bà, cất tiền đi. Nếu nửa năm cuối con gái con đi học ở đây thì con hãy lại đưa."
Vu Hương cũng không khách sáo nữa, cất tiền vào.
Bà Trần khẽ thở dài: "Cũng không biết con về đó rồi còn phải tốn bao nhiêu tiền nữa."
Vu Hương nói với Vu Kiều rằng chị phải trở về quê nhà để viếng mộ ba mẹ, rồi còn phải đến đồn công an để làm thẻ căn cước, rất nhiều việc vặt vãnh, nên để Vu Kiều đợi ở nhà bà Trần, trước khi đi học sẽ đến đón cô bé.
"Mỗi ngày con đều phải làm bài tập về nhà, ngày nào cũng phải làm, đừng để đến gần lúc bắt đầu đi học rồi mới cuống cuồng lên."
"Bà Trần đã lớn tuổi rồi, cơm nước xong xuôi phải giúp bà dọn dẹp chén đũa."
"Ngoại trừ bà Trần và anh Tiểu Thiên, người khác cho bất cứ thứ gì cũng không ăn, người khác muốn dẫn con đi chơi không được đi. Ngoài ra, con gái phải chú ý bảo vệ mình, chỗ được quần áo che không thể cho con trai đụng vào."
Chị tạm dừng một lúc rồi nói tiếp: "Nếu có người bắt nạt con thì hãy gọi cho mẹ. Đúng rồi, số điện thoại!"
Vu Hương lấy cuốn bài tập trên bàn của Vu Kiều, viết một số điện thoại trên trang giấy trắng cuối cùng, rồi lại thêm mã vùng vào phía trước.
"Đây là số điện thoại của bạn ba mẹ. Con nói con là con gái của Vu Hương. Dì ấy sẽ nói lại với mẹ."
Vu Kiều nhìn thoáng qua: "Không phải mẹ nói xong việc sẽ đến đón con sao?"
Vu Hương nghẹn ngào: "Trong trường hợp khẩn cấp, con muốn tìm ba cũng có thể gọi vào số điện thoại này!" Mã vùng của số điện thoại này là ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Vu Kiều không vui lắm, con bé này lúc không vui cũng sẽ không khóc, quay lưng lại đối mặt với tường ngủ.
Vu Hương tắt đèn, vừa định mở cửa thì nghe thấy Vu Kiều gọi mình: "Mẹ ơi, mẹ nói trước khi bắt đầu vào học sẽ đến đón con, có thật không mẹ?"
Vu Hương giữ cửa, hít một hơi thật sâu, cắn răng nói: "Là thật, nếu như không có gì thay đổi, mẹ nhất định sẽ đến đón con."
---
Ngày hôm sau, khi Vu Kiều thức dậy thì Vu Hương đã đi rồi.
Chuyện này cũng đã trong dự liệu của Vu Kiều. Nhưng cho dù là như vậy thì đối với một đứa trẻ 11 tuổi lần đầu tiên xa mẹ và bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ mà nói, vẫn là một thách thức rất lớn.
Cũng lo lắng như cô bé, còn có bà Trần và Trần Nhất Thiên.
Bà Trần cũng đã làm hết sức mình chứ không hề nói suông. Bà làm trứng cho bữa sáng, không phải trứng luộc hay trứng chiên, mà là trứng ốp la.
Trứng ốp la cũng là một món yêu thích của Trần Nhất Thiên. Anh cũng lo lắng không yên. Dựa trên sự hiểu biết của anh về đứa trẻ 11 tuổi thì sáng nay, sợ là không thể thiếu chuyện khóc lóc om sòm, lăn qua lộn lại, gào rống và thậm chí là chạy trốn khỏi nhà. Nhưng anh đã hứa với Vu Hương là sẽ chăm sóc con gái của chị. Nếu như mới trận đầu tiên mà đã bị đánh cho tơi bời thì anh đúng là vô dụng.
Vu Kiều đứng ở cửa phòng vệ sinh nhìn bóng dáng của hai người họ trong nắng sớm. Lần này không phải là của mẹ và bà Trần nữa, mà là của Trần Nhất Thiên và bà.
Một người đang ốp la trứng còn người kia thì đang dọn bàn ăn.
Cơ thể của họ chuyển động dưới ánh nắng mặt trời, trong mắt Vu Kiều, cứ như thể mình đang ở hàng cuối cùng của rạp chiếu phim, ngẩng đầu nhìn lên là thấy ngay hiệu ứng chuyển đổi màn hình trong cửa sổ chiếu.
Lần đầu tiên, Trần Nhất Thiên nói chuyện với Vu Kiều.
"Bạn nhỏ thức dậy rồi?!"
Trong tay Vu Kiều đang cầm một cuộn tiền lẻ. Sáng nay cô bé đã nhìn thấy nó trên tủ đầu giường.
Trong cuộn tiền lẻ này có một vài tờ là tiền ngày hôm qua mua viết còn dư lại, Vu Hương đã thêm một ít vào rồi cuộn nó thành một cuộn, bây giờ cầm nó trong tay, nhìn bà cháu nhà họ Trần, cô bé mới thật sự tin rằng mẹ mình đã đi rồi.
Trần Nhất Thiên nhìn vào tình huống trước mắt, bưng dĩa trứng ốp la đến đứng cách cô bé không xa, mùi trứng ốp la vừa mới chiên bay vào mũi Vu Kiều.
"Thơm không? Nhanh đi rửa mặt đi, để nguội rồi sẽ không ngon nữa."
Ánh mắt của chàng trai cao lớn dán chặt vào Vu Kiều, bày ra mức độ cảnh giác, đề phòng những giọt nước mắt bão tố của Vu Kiều ở giây tiếp theo.
Nhưng tâm trạng của cô bé lại rất ổn: "Cảm ơn bà, cảm ơn anh Tiểu Thiên."
Nụ cười 360 độ không có góc chết, lễ phép 100 điểm.
Năm 1998, đất nước gặp phải nạn lũ lụt. Mấy con sông lớn như Trường Giang, Tùng Hoa, Nộn Giang và Châu Giang đều rơi vào tình trạng nguy cấp. Các nhà lãnh đạo quốc gia cũng chia nhau ra hành động, xuất hiện trên nhiều tuyến đầu cứu trợ lũ lụt.
Trong suốt kỳ nghỉ hè, trên TV thường có tin tức về cứu hộ lũ lụt. Những từ như "cứ sau 100 năm", "tử thủ canh phòng nghiêm ngặt" và "bảo vệ bờ kè" thường xuyên xuất hiện.
Đây là tin mà cả nước đều biết. Cũng trong năm này, nhà nước đã đưa ra một thông báo, chỉ ra rằng hiện tại và trong tương lai, các vấn đề cơ bản về đảm bảo cuộc sống và việc làm của những người lao động bị sa thải trong các doanh nghiệp nhà nước cần được ưu tiên giải quyết, và sẽ mất khoảng năm năm để bước đầu hình thành hệ thống thích ứng với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, hệ thống an sinh xã hội bắt buộc và cơ chế việc làm.
Lũ lụt rất dữ dội, khi mùa mưa qua đi, nước rút, người dân lại đắp đê, dựng nhà, lấy lại tinh thần, tiếp tục cuộc sống.
Nhưng sự chán nản và bất lực do từ "sa thải" mang lại không tiêu tan ngay lập tức.
Đặc biệt là ở vùng Đông Bắc, khu vực tập trung các ngành công nghiệp nặng và công nhân công nghiệp, việc sa thải đã gây khó khăn cho sinh kế của gia đình, gây ra sự tự chối bỏ tập thể và đảo lộn cuộc sống của nhiều người, tương lai của họ không biết sẽ về đâu, nửa đời người coi như hỏng bét...
Sự bối rối của Vu Kiều không liên quan gì đến chuyện này, nhưng mức độ lại không thua kém gì nó cả.
Vu Kiều không phải là một đứa trẻ hư.
Năm Vu Hương làm việc trong nhà máy đồ lót, chị đã gặp ba của Vu Kiều, cũng họ Vu, là một nhân viên kế toán mới được thuê trong nhà máy và có thể nói được tiếng Hàn.
Trong khi các nữ công nhân trong xưởng còn đang thầm thương trộm nhớ thì Vu Hương đã nhanh chân đến trước, ước định chung thân với anh kế toán xong cả rồi.
Sau màn tranh cãi với người bán rong và thắng lớn, Vu Hương phát hiện ra là mình đã có thai.
Ngay sau đó, chị đã thôi việc và cùng người kế toán này đi về phía Nam.
Người Đông Bắc gọi phía Nam Sơn Hải quan là "Quan nội", vào thời điểm đó "người Quan nội" xuất hiện ở Đông Bắc đã hiếm, người từ Đông Bắc xuống phía Nam lại càng hiếm hơn.
Ba mẹ Vu Hương đương nhiên là không đồng ý, bọn họ không hiểu gì về đối tượng của Vu Hương, không hiểu phương Nam, cũng không hiểu quyết định của Vu Hương. Nhưng Vu Hương rất quyết tâm và hành động nhanh chóng, bọn họ đến Giang Tô vào mùa thu, một năm sau đó sinh ra Vu Kiều.
Vu Kiều được Vu Hương nuôi dưỡng rất tuỳ tiện, vậy thế nào là tuỳ tiện? Đối với một cô gái 20 tuổi, cuộc sống sinh hoạt tuỳ tiện bao nhiêu thì nuôi con cũng tuỳ tiện bấy nhiêu.
Kế toán Vu là người Giang Tô. Anh ấy trở về địa phương, thử làm nhiều công việc, cuối cùng tự mình mở cửa hàng kinh doanh in ấn.
Vu Hương phải đến cửa hàng hỗ trợ, và Vu Kiều lớn lên trong chính cửa hàng ấy. Nơi này gần trường mẫu giáo và trường tiểu học. Vu Hương không ngần ngại làm mọi việc, đối xử chân thành với mọi người, thái độ thì tích cực, thích nói yêu cười... Những tính cách này cũng ảnh hưởng nhiều đến Vu Kiều.
---
Đây là lần đầu tiên Vu Kiều rời xa ba mẹ đến với vùng Đông Bắc nơi có khí hậu, giọng nói và phong tục khác lạ. Vu Hương cứ vậy mà giao cô bé cho hai người xa lạ.
Nhưng Vu Kiều hầu như không có thay đổi gì, cô bé rất dễ thích nghi.
Một mặt, nhất định là Vu Hương có việc gì đó, không thể mang cô bé theo, cũng không thể ở đây cùng cô bé, ngay cả "khai giảng sẽ đến đón" cũng là điều không thể xác định được. Cô bé đã chấp nhận sự thật này.
Mặt khác, không cần phải nuông chiều, vì Vu Kiều không mắc bệnh công chúa, cộng với việc trẻ con dễ nuôi, giống như cỏ dại vậy, cắm rễ vào đất là lớn nhanh như thổi. Hầu hết thời gian cô bé đều im lặng, đối với bà Trần, cô bé có một sự tin tưởng và phụ thuộc rất rụt rè, còn đối với anh Tiểu Thiên 19 tuổi, thì lại có sự ngưỡng mộ và tò mò không thể nào giải thích được.
Vài ngày sau khi Vu Hương rời đi, trong nhà bình an vô sự, Vu Kiều chẳng qua chỉ hơi dính bà một chút. Bà nấu cơm, cô bé ở bên cạnh giúp bà đưa dầu đưa sạn. Bà đi ra ngoài mua thức ăn, cô bé cũng đi theo giúp bà xách đồ, thuận tiện làm quen với môi trường xung quanh luôn. Thỉnh thoảng bà sẽ kể về những chuyện trước kia, mỗi khi nói đến Vu Hương, cô bé đều sẽ im lặng lắng nghe.
Không cần ai ép, Trần Nhất Thiên cũng tự mình thực hiện lời hứa với Vu Hương. Anh lại trở về cuộc sống trước đây, cả ngày buồn chán ở trong phòng, ngoại trừ chạy bộ buổi sáng và ăn cơm, anh rất ít ra ngoài, cũng rất ít nói chuyện.
Dường như việc trong nhà có thêm người cũng không ảnh hưởng gì đến anh cả.
Bà nội có thêm một người bạn, lời nói cũng bắt đầu nhiều, càng có hứng nấu ăn hơn: Cháo, bánh, mì, cơm, cứ vậy mà nấu xoay vòng. Trần Nhất Thiên miệng nhai cơm, tai nghe hai bà cháu nói chuyện, cảm thấy sống cùng một bà cụ và một cô bé cũng rất thú vị.