Cô bé không hỏi bà Trần hay Trần Nhất Thiên mà chỉ âm thầm quan sát. Những ngày gần đây bất cứ khi nào điện thoại reo, cô bé đều sẽ vểnh tai lên lắng nghe, hy vọng là mẹ mình gọi đến, nhưng không phải, không hề có một cuộc gọi nào cần tránh cô bé cả.
Vu Kiều tự an ủi: Không có tin tức gì cũng không sao, ít nhất là không có tin tức nào nói không đón mình.
Cuối mùa nóng, chợt có một ngày những cơn gió mát thổi đến. Gần đến Lập thu, cũng sắp đi học. Lúc Vu Kiều ở Giang Tô, mùa hè có rất nhiều mưa và sức nóng sẽ kéo dài đến tháng mười, cái gọi là Lập thu này với họ mà nói cũng giống như đảng đối lập yếu thế, không đáng nhắc đến. Nhưng Đông Bắc thì khác. Mùa thu ở Đông Bắc là mùa thu, rất chắc chắn và rõ ràng: Mùa hè đã qua, sớm muộn gì nhiệt độ cũng sẽ xuống thấp, màu của lá xanh bắt đầu vàng và khô...
Vu Kiều thật không biết phải làm sao với số đồ dùng cá nhân của mình: Bài tập về nhà của kỳ nghỉ hè chỉ mới bắt đầu làm, phía sau không hề đụng tới. Sách giáo khoa lớp bốn trong ba lô đi học dường như cũng vô dụng. Quần dài chỉ mang theo hai cái. Mấy năm gần đây cơ thể cô bé đang ngày một phát triển, cả hai cái quần đều đã ngắn đi. Cô bé không thể kéo nó đến rốn được nữa, vì làm vậy bắp chân sẽ bị lộ ra... Chiếc váy mà Vu Hương đã mua cho cô bé trước khi rời đi, cô bé vẫn không nỡ mặc nó, nhưng mùa thu nói đến là đến, sợ rằng đến lúc khai giảng phải lấy nó ra mặc rồi.
Nỗi u sầu của cô bé 11 tuổi, bà Trần và Trần Nhất Thiên đều không hề hay biết, họ đang lên kế hoạch cho Vu Kiều đi học. Vu Hương tuy ở Giang Tô nhưng lại rất thần thông quảng đại, nhờ người hỏi thăm, tìm được một trường tiểu học công lập gần đây, có thể nhận Vu Kiều. Tiền đề là Vu Kiều cần phải có hộ khẩu ở đây, trước khi nhập học cần phải đăng ký, chỉ cần nộp bản gốc và bản sao sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận bất động sản.
Bà Trần không rành việc này, Vu Hương chỉ có thể giao phó cho Trần Nhất Thiên làm. Vu Kiều như lọt vào trong sương mù, đi theo bà Trần đến ủy ban khu phố. Cô bé không thấy rõ bà Trần đang làm gì, chỉ nhớ rằng dì của ủy ban khu phố rất quen thuộc với bà Trần. Trong phòng dịch vụ, một ông nọ vừa hút thuốc vừa cá cược với người khác. Chỉ vào chân của Vu Kiều nói: "Đứa trẻ này chắc chắn lớn lên sẽ cao! Phải một mét bảy trở lên!" Một số cán sự cũng nhìn cô bé, bán tín bán nghi. Ông hút thuốc hỏi bà Trần, ba mẹ của đứa trẻ cao bao nhiêu. Bà Trần nói: "Mẹ con bé hơn một mét sáu, còn ba nó cũng không cao lắm." Ông hút thuốc nói: "Để rồi xem! Con bé này khẳng định sẽ cao hơn mẹ!"
Chuyện đăng ký hộ khẩu đã được Trần Nhất Thiên đến đồn công an xử lý. Vu Hương vẫn không nói gì với Vu Kiều, nhưng chị đã gửi đồ đến. Trong thùng đồ có giấy giới thiệu định cư của Vu Kiều. Trần Nhất Thiên không đưa nó cho Vu Kiều xem mà cầm đi luôn. Ngoài ra còn có một số quần áo mùa thu và mùa đông, đều là quần áo cũ của Vu Kiều.
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập học, Trần Nhất Thiên đã gọi cho Vu Hương. Lần này anh không tránh Vu Kiều, Vu Kiều đang ở bên cạnh lắng nghe.
Qua điện thoại, Trần Nhất Thiên dăm ba câu nói về chuyện đăng ký nhập học của Vu Kiều. Vu Hương ở đầu bên kia điện thoại nói lời cảm ơn. Trần Nhất Thiên tựa hồ chẳng muốn nghe, nói: "Vu Kiều đang ở đây, chị nói chuyện với con bé đi."
Sau đó, điện thoại đến tay Vu Kiều.
Đây là cuộc gọi điện thoại đầu tiên của hai mẹ con. Vu Kiều thì thầm gọi "Mẹ", Vu Hương không nói gì, Vu Kiều lại hỏi: "Mẹ đang ở đâu?"
Vu Hương nói: "Mẹ đang ở Nam Kinh."
Vu Kiều cầm điện thoại bằng cả hai tay, đứng ở cạnh bàn. Ánh sáng mặt trời bên ngoài cửa sổ không thể chiếu tới cô bé. Từ góc nhìn của Trần Nhất Thiên, cô gái nhỏ giấu mình trong góc tối, đầu cúi xuống thấp, không nói gì trong vài giây.
Trần Nhất Thiên đứng dậy rời đi.
Chỉ còn lại Vu Kiều trong phòng. Cô bé đưa điện thoại sang tai trái, vẫn cầm nó bằng cả hai tay, tai nghe áp sát vào tai, "Mẹ ơi, mẹ không có lựa chọn nào khác nữa đúng không?"
"Sao con?"
"Mẹ nói, trừ khi thật sự không có cách nào khác, mẹ nhất định sẽ trở lại đón con về đi học."
"Ừ... Kiều Kiều, mẹ đã nói với bà Trần rồi, học kỳ này con sẽ ở lại nhà bà. Anh Tiểu Thiên của con đã liên lạc với trường học. Con có thể trực tiếp đến lớp năm vào ngày 1 tháng 9."
Vu Kiều không nói gì.
Vu Hương suy nghĩ một chút, nói: "Con không thích bà Trần sao?"
Vu Hương vội vàng phủ nhận: "Thích, con thích." Cũng lắc đầu phụ hoạ theo.
"Bà Trần sẽ thay mẹ chăm sóc cho con, không phải con nói đồ ăn của bà Trần nấu ngon hơn mẹ nấu đó sao?"
"Dạ!" Vu Kiều gật đầu lần nữa, "Nhưng mà, mẹ ơi, mẹ không sao chứ?"
Bên kia điện thoại, Vu Hương sụt sịt mũi: "Mẹ không sao, ba con bị bệnh. Mẹ phải tập trung chăm sóc cho ba con, không có cách nào chăm sóc con được."
"Ba bị bệnh..." Vu Kiều nhất thời nghẹn ngào. Cô bé và ba mình không quá thân thiết, giữa hai ba con giao tiếp rất ít, nhưng cô bé không thể ngờ được rằng ba mình sẽ bị bệnh.
"Con còn tiền không?"
"Con còn." Tiền tiêu vặt Vu Hương để lại cô bé không động đến một đồng nào, và thật sự cũng không có nơi nào để tiêu tiền.
"Con không cần phải lo lắng về chuyện học phí và sách vở. Mẹ đã sắp xếp cả rồi. Kiều Kiều, con đã lớn rồi, mọi thứ đều phải dựa vào chính mình, đừng làm phiền bà Trần con nhé. Chủ nhật phải giúp bà rửa chén và quét nhà... "
Mẹ càng nói, Vu Kiều càng nghe không hiểu, cô bé chỉ biết gật đầu.
Vào ngày bắt đầu đi học, Trần Nhất Thiên và bà cùng đưa cô bé đến trường.
Không hiểu sao bà lại rất xem trọng chuyện này, còn dậy sớm làm món sủi cảo với hai loại nhân.
Sau đó đi gọi Vu Kiều dậy, đương nhiên là Vu Kiều cũng không có nằm ỳ, cô bé đánh răng rửa mặt đâu vào đấy, chuẩn bị cặp sách rồi ăn sáng.
Mặc dù Trần Nhất Thiên thức dậy muộn nhưng động tác của anh rất nhanh, vẫn là nhanh hơn Vu Kiều một bước, đợi ở cửa phòng Vu Kiều.
Vu Kiều mặc chiếc váy màu xanh da trời đó - chiếc mà mẹ đưa cô bé đi mua trước khi đi, cũng là chiếc mà Trần Nhất Thiên đã chọn.
Cô bé dùng tay nhẹ nhàng vuốt phẳng những nếp gấp của váy, dùng mặt kính tủ sách làm gương, khẽ xoay người, nhìn gấu váy hơi hất lên...
Vừa lúc thấy Trần Nhất Thiên đang đứng ở cửa.
"Anh Tiểu Thiên."
"Nhanh lên, bà đã thay giày rồi."
"Dạ!"
Trần Nhất Thiên dựa vào khung cửa một cách uể oải, tay đút vào túi quần thể thao, nhàm chán nhìn Vu Kiều kiểm tra ba lô đi học.
Vu Kiều nắm chặt dây đeo ba lô của mình bằng hai tay, bước ba bước thành hai bước. Khi cô bé bước đến chỗ Trần Nhất Thiên, Trần Nhất Thiên vẫn còn đang trong tình trạng mất tập trung.
Vu Kiều đành phải nghiêng người tránh đôi chân dài của anh, cẩn thận bước ra khỏi cửa.
Một giọng nói vang lên phía sau: "Sau này đừng có đụng vào đồ của anh."
Giọng điệu rất là lạnh lùng.
Vu Kiều quay đầu lại, Trần Nhất Thiên nâng cằm chỉ vào kệ sách rồi lướt qua Vu Kiều, sải bước đến lối ra vào để thay giày.
Khi ba người đi về phía trạm xe buýt, Vu Kiều đi chậm lại một bước, theo ở phía sau.
Bà Trần mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt có thêu hoa văn ở cổ, vẫn để kiểu tóc như lần đầu cô bé gặp bà, kẹp tóc ra sau tai rất gọn gàng, ngăn nắp.
Trần Nhất Thiên thì vẫn ăn mặc bình thường, anh mặc một chiếc quần thể thao rộng thùng thình, áo phông hứng gió khiến ngực áo dán sát vào, lưng phồng lên như một cánh buồm nhỏ.
Vu Kiều nhớ lại những gì anh vừa nói: "Sau này đừng có đụng vào đồ của anh."
Đây là câu nhắc nhở, chắc chắn là đang ám chỉ chuyện cô bé đã lén lục lọi kệ sách của anh và ôm cuốn "Thư kiếm ân cừu lục" giả vờ ngủ.
Cứ tưởng rằng anh đã quên, vậy mà sau một thời gian dài anh lại đặc biệt cảnh cáo...
"Đồ keo kiệt, thù dai." Vu Kiều nhìn xuống mặt đất trước mặt mình, cái bóng của Trần Nhất Thiên cũng thấy kiêu ngạo gì đâu.
"Trên mặt đất có tiền hay gì?"
Thôi chết, không theo kịp mọi người mất rồi. Vu Kiều bước nhanh vài bước, bà dắt tay cô bé, ba người đi cạnh nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên Vu Kiều đến trường mới.
Vu Hương cũng rất có bản lĩnh, dù đang ở nơi khác nhưng chị lại có thể giải quyết được chuyện đi học của Vu Kiều.
Trường học không xa nhà, đi bộ 25 phút, cách 3 trạm xe buýt.
Bà Trần quyết định ngày đầu tiên đến trường, bà sẽ đưa Vu Kiều đi xe buýt, để cô bé làm quen với tuyến đường trước, sau này quen đường rồi thì đi bộ hay đi xe buýt đều tuỳ Vu Kiều.
Vu Kiều đi giữa bà và Trần Nhất Thiên, tràn đầy nhiệt huyết bước vào sân trường. Mới bước vài bước trên sân, cô bé liền bối rối.
Sân trường đang phát nhạc với âm lượng rất lớn. Là bài hát vang lên khi buổi tập thể dục kết thúc, các học sinh bắt đầu vào lớp học, khiến người ta muốn nổi da gà.
Nhà trường thông báo 8:30 phải có mặt nhưng bây giờ mới 7:30 mà sân trường đã đông đúc rồi. Có nhiều học sinh đến rất sớm, không biết là có ai sắp xếp không, nhưng có thể mơ hồ thấy được học sinh đang xếp thành nhiều hàng, các bạn cùng lớp quen nhau chơi đùa, còn các bậc phụ huynh thì hòa vào nhau nói chuyện vui vẻ.
Ngoài Trần Nhất Thiên và bà Trần ở sau lưng, Vu Kiều không quen biết ai cả.
Cô bé ngập ngừng đứng ở cuối một hàng, nhưng không dám cách quá xa bà Trần và Trần Nhất Thiên. Vì không biết vị trí lớp nên cô bé không biết phải đứng ở đâu cả.
Có hai bạn nam đang đùa giỡn, một bạn chạy ở phía trước và một bạn đuổi theo ở phía sau. Bạn chạy ở phía trước chạy quanh Vu Kiều, bạn phía sau thì cười khúc khích nhào lên, điều này làm Vu Kiều thấy sợ.
Sự bối rối và bàng hoàng của ngày hôm đó cũng chỉ kéo dài mười phút.
Sau đó, tiếng nhạc trên loa dừng lại, giọng của một người đàn ông trưởng thành vang lên, hướng dẫn mọi người xếp hàng từ Đông sang Tây, theo thứ tự: Lớp 1-1, lớp 1-2, lớp 1-3... Mỗi lần đọc đến tên lớp, sẽ có một bạn đứng ở đầu hàng giơ tay ra hiệu cho mọi người đứng sau mình.
Cuối cùng thì Vu Kiều cũng đã tìm thấy lớp học của mình: lớp 5-2. Hai bạn nam đùa giỡn vừa rồi đứng ở phía trước cô bé không xa, trở thành thứ duy nhất cô bé có thể nhìn để bắt chước làm theo.
Tại trường tiểu học phía Bắc thành phố Thẩm Dương này, năm học lớp năm của Vu Kiều sắp bắt đầu. Vạn vật sinh trưởng không ngừng tiến về phía trước. Thế nhưng nhiều năm về sau Vu Kiều sẽ nhớ mãi sự hỗn loạn và phù phiếm ngắn ngủi này: Những khuôn mặt xa lạ mà đôi mắt đã thấy, những giọng nói khác nhau mà đôi tai đã nghe.
Dù vậy, trong số những khuôn mặt lạ lẫm đó sau này cũng có vài khuôn mặt cùng cô bé đi qua một hành trình nhất định trong cuộc đời. Lúc đó nghe chỉ thấy giọng miền Đông Bắc thật thú vị, sau này lại thấm vào tủy vào xương, trở thành thói quen mỗi khi nói chuyện.