- Thằng nhóc này, lại trốn việc rồi!- Minh từ đâu đi tới, gõ đầu Tài một phát. Minh biết rằng em mình thể nào cũng sẽ có lúc nhụt lòng, nên đôi lúc sẽ đột xuất kiểm tra xem liệu thằng nhóc này có làm việc không. Quả nhiên, nó đã trốn việc.
- Trời ạ, anh cũng phải cho thằng em này nghỉ ngơi một chút chứ! Suốt ngày theo anh dạy người luyện chữ, giờ tay em có chai rồi.
- Khổ luyện thành tài, tay chai bắn giỏi. Anh hai của em ngay từ nhỏ đã tự tay làm việc, không nề gian khó, tay chân đầy vết nứt nẻ, chai sạn, nhưng không như vậy sao mà là người đứng đầu làng Hồng Bàng đây. Em mới đi làm việc chút này mà đã kêu khổ rồi hả?
- Thôi đi, anh và anh hai đều là bậc kỳ tài, thằng em này sao so được!
- Không chịu phải không, vậy thì để anh báo về cho cha mẹ biết.
- Thôi thôi, em sẽ cố gắng mà.
Tài không dám nói không. Từ khi Anh Kiệt chuẩn bị ra khơi, cậu đã cải cách chính sự trong làng Hồng Bàng, trong đó có một điều khoản có thể tóm gọn như sau: không có công không hưởng lộc. Điều khoản này được diễn giải rằng bất kỳ con em làng Hồng Bàng nào cũng được hưởng một chính sách kinh tế, phụ giúp bọn nhỏ được nuôi nấng cẩn thận, ngoài ra có chút tiền giải trí, cho tới khi 10 tuổi thì thay đổi. Từ lúc 10 tuổi này, bọn nhỏ bắt đầu tiến lên học 5, học các kiến thức quan trọng, từ đấy sẽ liên tục tiến hành khảo thí, ai đủ sức học tập sẽ được tặng tiền thưởng và ghi thành tích, ai không đủ sức thì chỉ được hưởng ưu đãi thường. Khi đủ tuổi 16, dựa vào thành tích có được, sẽ cho đi làm việc phù hợp. Hiển nhiên, ai thành tích cao sẽ có việc tốt rồi.
Tài lúc trước được nuông chiều, kiến thức không vững, thành ra chỉ được hưởng những ưu đãi thông thường. Không muốn con trai mình sau này phải sống tầm thường, Văn Nguyệt Nga chấp nhận việc Minh rèn em út. Bà nói rằng nếu Tài không nghe lời, sẽ rút tài trợ hoàn toàn, cho cậu lên đây làm việc để tự kiếm sống luôn. Tài hiện còn có tài trợ của mẹ, có thể mua mấy đồ ngon ăn, nước mía uống, không có tiền đó, phải ăn uống như là anh trai cậu, thì không khác gì tra tấn nó mất.
- Vậy còn đợi chờ gì mà không bắt tay vào việc ngay đi. Đi kiểm tra đống vở viết ngay.
- Dạ!
Minh kèm cặp em trai mình, thấy Tài không phải ngu xuẩn, có điều quá vô tổ chức, cần phải kiểm soát lại. Vì thế, Minh bắt Tài phải làm việc kiểm tra chữ viết của những học trò người Thượng đồng thời phụ trách việc nắn chữ giúp họ. Chữ Hồng Bàng ( ký tự La tinh) mà Kiệt dùng ở làng Hồng Bàng học thì nhanh, cũng khiến người ta dễ cẩu thả, chữ Hoa tuy học khó, quý ở chỗ phải dụng tâm. Học chữ Hoa khiến Tài có được lòng kiên trì, kiên trì thì việc gì cũng xong.
- Minh!- Đang toan đi cùng thằng em để giám sát công việc chút, Minh chợt nghe tiếng người gọi thất thanh.
- Sao vậy hả?- Minh quay sang nhìn Vi Thúy Liên đang hớt hải chạy tới, buông một câu đùa- Trời sập à!
- Còn chưa? Nhưng mà cũng sắp! Người ta báo rằng sắp có vị quan lớn đi thị sát Học Phủ!
- Thị sát Học Phủ?
- Đúng vậy, để kiểm tra tiến độ làm việc của Học Phủ, xem xem có gì cần trợ giúp không đó?
- Vậy sao trông cô hoảng vậy?
- Ây dà, cái này thì do chị Hồng cho người tới bảo. Chị ấy dặn trước nên tính cách đi. Những cuộc thị sát kiểu này thực ra là để vơ vét đó.
- Hừ! Thầy chắc chắn không chịu việc này rồi!
- Tính của cha thì anh thừa hiểu rồi, cứng lắm. Thuyên chuyển chức bao lần có sợ đâu. Nhưng những chức quan khi trước cha làm, cha dù cố thế nào cũng chỉ tạo phúc được cho số ít, công việc hiện tại mà cha làm là có thể tạo phúc cho số đông, nhất là lại được anh giúp. Giờ ông ấy đang thật lòng toàn tâm toàn ý cho công việc này, nếu vì việc mất lòng quan trên mà bị thuyên chuyển hay ngăn cấm làm việc, ông sẽ buồn lắm.
- Lại muốn “tớ” nghĩ cách giúp sao?
- Đúng! Năn nỉ đó!- Vi Thúy Liên chắp tay như đang cầu thần phật. Sống cạnh nhau gần năm, cô cũng có thể bỏ bớt lễ giáo, nói chuyện thân mật như người nhà.
Minh thở dài một cái, lại gật đầu đồng ý giúp. Dù gì, cũng là bố vợ tương lai mà. Hơn nữa, cậu cũng là một người đọc sách thánh hiền từ nhỏ, giống như Vi Công Tín, cậu ta luôn mong có thể giống các bậc đại trượng phu, thánh hiền trong sách vở dùng sức mình mang lại cho người dân một cuộc sống tốt. Minh may hơn người thầy kia, cậu có một người em trai là Hoàng Anh Kiệt. Những kiến thức và hành động của Kiệt đã giúp Minh học thêm được việc dùng công thương cải tạo cuộc sống. Minh từ giữa được lợi, từng bước kết hợp giữa công thương và Nho học để tìm một giải pháp tốt đẹp nhất. Cậu dùng nguồn lợi công thương để làm mồi, dụ người Thượng thèm muốn, dụ họ tới Học Phủ học tập. Trong Học Phủ, không chỉ truyền dạy nghề nghiệp, còn dạy cả đạo đức. Minh tính rằng, chỉ cần cố gắng 3 năm, người dân vừa có cách để cải thiện cuộc sống, lại vừa được học tập lễ nghi, sẽ từng bước thay đổi. Muốn làm vậy, không có Vi Công Tín ủng hộ là không xong.
Minh muốn giúp Vi Công Tín, nhưng tiền bạc cậu cũng hạn chế, khi trước dùng mía đường và rượu mía để giao dịch, Minh đã đem phần mình quyên hết cho Học Phủ, giờ hai tay trống trơn. Những khoản tiền của gia đình giờ đang dùng cho việc khác, tiền của làng Hồng Bàng bị kiểm tra gắt gao, chỉ còn nguồn của Dương Ánh Hồng là có thể dùng. Nhưng Minh không nghĩ cậu nên tới đó để mà vay tiền. Số tiền đó là để Hồng giúp cha mua chức quan. Cậu vay một đồng thì cô ta phải tìm cách kiếm lại một đồng, hoặc từ Minh hoặc từ người khác. Những cái Minh làm ra, cần thời gian, Hồng không có nhiều thời gian như vậy, nên sẽ là từ người dân trên này.
Suy nghĩ hồi lâu, Minh chợt nghĩ ra, cậu và Vi Công Tín bấy lâu làm bao việc, tiền tài tuy không có, nhưng cũng có được lòng người. Lòng người, một thứ nghe thì hư vô, nhưng lại vô cùng đáng sợ! Minh cho người đi gọi tất cả những cán bộ lớp người dân tộc đến để bàn việc.
- Thầy Minh!
- Thầy Minh!
- Thầy Minh!
Đám học trò nhao nhao chào hỏi. Để tiện việc quản lý, Minh học theo Kiệt, chia lớp, chia tổ đàng hoàng, lớp có lớp trưởng, tổ có tổ trưởng, những người này sẽ đại diện số đông giao tiếp với Minh, tiếp nhận kiến thức, rồi về phổ biến lại, đồng thời thay Minh quản giáo đám học trò không chức vụ.
- Sao rồi, khỏe chứ!
- Khỏe lắm thầy ạ! Mấy hôm nữa thầy lại thử sức lại xem, bọn con đảm bảo thắng thầy.- Các cán bộ lớp nói như đồng thanh. Ngoài việc học chữ, học nông học, chúng nó đôi khi còn học võ với Minh nữa. Xủ Lu đã dạy Minh, với những người dân tộc, ân cần có, uy cũng phải có,
- Tốt! Có chí khí, nhưng mà nói được là một chuyện, làm được hay không cứ xem đã.
- Hừ, bọn em mới từng này tuổi đã đánh ngang thầy, lớn thêm chút nữa, sức đủ, thầy thua là cái chắc.
Nói giỡn một hồi, thầy trò liền vào việc chính, vụ khảo sát Học Phủ sắp diễn ra. Những người học trò nghe tới vụ quan trên đòi tiền liền nhìn nhau. Chúng cũng không khá giả gì thực, nhưng mắm môi mắm lợi một hồi, chúng cùng đồng thanh nói
- Thưa thầy, bọn con thực sự không có quá nhiều tiền... Nhưng nếu thầy cần, bọn con sẽ cố...
- Không! Ta đâu có đòi tiền các trò! Thầy trò mình ở cùng nhau bấy lâu, mấy đứa sống thế nào ta không biết sao?
- Hì hì!
- Vậy thầy muốn bọn con làm gì?
- Muốn mấy đứa cùng giúp thầy, giúp thầy Tín giữ được vị trí ở đây.
- Xin thầy cứ dạy!- Đám cán bộ lớp đều là kẻ thông minh. Khi mới vào học, bọn nó từng nghe dạy đủ điều xấu xa về dân xuôi, nhưng khi vào học thì được đối xử tốt vô cùng. Càng ở lâu, chúng càng hiểu những điều này có được là bởi chính sách của Học Phủ thời này, do Vi Công Tín và Hoàng Anh Minh làm ra. Họ còn ở trên này, chúng mới sống tốt.
Minh gật gù cái đầu, rồi bắt đầu nói thử kế hoạch ra.
- Thầy Vi Công Tín không quen trò đút lót, mà thực sự ông ta cũng chả có gì mà đút lót cả. Thầy thì cũng thế, nên e rằng lần này quan trên sẽ quở trách, bọn thầy chỉ sợ khó lòng giữ chức cũ, sẽ có người thay thế.
- Nếu thầy và thầy Tín không còn giữ chức, thì còn ai chịu giúp bọn con nữa chứ? Kẻ có thể lấy được tiền từ trên đây, sao có thể làm việc như hai thầy hay làm.
- Đúng! Các trò nghĩ được như thế, các tộc trưởng, trưởng buôn cũng sẽ nghĩ được điều tương tự.
- Vậy là các vị ấy nhất định sẽ tìm cách đứng ra nói giúp thầy và thầy Tín, phải không ạ?
- Cái đó thầy cũng không dám chắc. Nên mấy trò liệu nghĩ cách mà nói sao cho mấy người đó hiểu, để họ giúp đỡ hết lòng.
- Vâng!- Đám cán bộ lớp đồng thanh trả lời. Minh phẩy tay, ra hiệu bọn nó đi làm nhanh lên. Thời gian không còn quá nhiều mà.
Sau hai tháng chờ đợi và bố trí mọi sự, cuối cùng thì các vị quan làm nhiệm vụ thị sát cũng đã đi tới Trấn Nam Bàn. Lực lượng đảm nhiệm công việc thị sát Học Phủ là là 3 vị quan, một chủ khảo và hai phó khảo. Chủ khảo là Trung Học Sĩ Tống Đan Thần, người Đại Hoa gốc Đảng Hạng, tài năng có đủ, thủ đoạn vô biên, không chỉ tinh thông kinh sử, mà tài làm ăn cũng không hề kém cạnh, chỉ mới 40 tuổi mà đã lên được chức Trung Học Sĩ mà còn tích lũy được một khoản tiền lớn, đủ để dưỡng già. Hai vị phó khảo đi cùng hắn là Trần Ngạn và Chương Bá Quyền- đều là người Bách Việt, một người là Thái Học Sinh đã học hành xong xuôi, được giữ lại làm việc, một người là con cháu quý tộc cũ đã đầu hàng Đại Hoa khi Đại Hoa xâm chiếm Bách Việt. Hai người đều trải qua khảo nghiệm cẩn thận, xác định sự trung thành, rồi mới được thả về Nam Giao Đô Ty để tiếp tục hỗ trợ các quan cai trị duy trì sự ổn định của nơi này.
Ba nhân vật này, chỉ có Tống Đan Thần là biết toàn bộ kế hoạch của quan lại Nam Giao Đô Ty, còn hai vị phó khảo thì thực sự chính là bức bình phong che mắt. Tống Đan Thần đi lên Học Phủ Trấn Nam Bàn, làm rình rang một trận, kiểm tra mọi thứ: nhà cửa, phòng học, giấy viết,... Lão kiểm tra mọi thứ từng ly từng tí một, trông hệt như một vị quan mẫn cán, đóng kịch như thần. Song thực chất, lại không ngừng nhắn nhủ Vi Công Tín sớm hối lộ, kích cho Vi Công Tín làm loạn, để có thể đưa người vào thay Vi Công Tín, chuẩn bị công tác gián điệp. Bị làm phiền quá mức, Vi Công Tín nào chịu, cơn tức giận như chực chờ bùng nổ.
Lúc Vi Công Tín tưởng như đã điên lên, chuẩn bị làm loạn, cũng là lúc các tộc trưởng người Thượng tìm Tống Đan Thần, dâng các loại lễ để bảo vệ Vi Công Tín. Họ dâng lễ lên, khen ngợi Vi Công Tín, đồng thời ngầm biểu lộ sự bảo vệ với ông ta. Bất ngờ trước điều này, Tống Đan Thần đành ngậm ngùi nhận lễ, đồng thời tạm hoãn kế hoạch một chút.