C 90: Hoạch định mưu lược
- Vậy là tên Tống Đan Thần đó dám tự tiện làm loạn kế hoạch ư? Hồng đại nhân, người của ngài vậy mà thật có gan lớn.
- Hừ, ta lại thấy ngài mới đang quá đáng đó Khương đại nhân! Ngài có đọc báo cáo gửi về không vậy! Đám tộc trưởng man di kia quyết tâm bảo vệ Vi Công Tín, nếu làm căng quá, khiến chúng chống đối ra mặt, thì sao có thể…
- Đám mọi rợ đó mà cũng không bãi bình nổi, cuối cùng lại phải l;àm loạn kế hoạch ban đầu, nếu ai cũng làm thế, kế hoạch còn lập ra làm gì!
- Tướng tại biên ải, không nghe lệnh vua. Việc binh xưa nay có chuyện này không hiếm. Ngài làm tướng mà còn không biết việc này sao.
- Các vị, đừng quá căng thẳng, dù sao công việc cũng còn dài dài, ta cũng từ từ mà bàn, có phải không?
- Lương đại nhân, việc gì cũng bàn lùi như vậy đâu có được.
Những người đang cãi nhau như dân chợ búa kia không phải là kẻ tầm thường, họ là những viên quan quyền cao chức trọng người Đại Hoa. Nơi họ đang đứng là Thành Quý Hạ, tòa thành lớn nhất Phủ Thuận Hóa. Trong quá trình hoạch định kế hoạch tấn công lên để bình định Trấn Nam Bàn, Phủ Thuận Hóa được chọn làm nơi tập trung quân, vì nó tương đối xa Nam Bàn, khó bị thám thính, lại giàu có đủ nuôi một đạo quân thường trực, chỉ ăn, tập luyện đợi ngày xung trận.
Quan trọng nhất, mục tiêu sâu xa khi đánh lên Trấn Nam Bàn, chính là hướng về các tiểu quốc Chiêm Thành. Thông qua các đoàn thuyền buôn của các đại gia tộc đi buôn khắp các nước, Hoằng Hạo biết được các quốc gia Chiêm Thành nhờ buôn bán nên cực kỳ giàu có. Ông ta muốn tìm cách diệt chúng, mang vàng bạc châu báu về, phần để dâng vua, phần để dùng tài tiêu tai, mua chuộc sự trung thành của binh sĩ, quan lại dưới trướng cũng như để dâng tặng các ô dù.
Mục tiêu xa như vậy, nên lượng quân đội tập hợp không hề ít. Để chỉ đạo đội quân tương lai, đồng thời chuẩn bị hậu cần đầy đủ, một lực lượng quan lại tinh anh được cử tới Phủ Thuận Hóa và thành Quý Hạ, đảm nhiệm những vai trò quan trọng: luyện binh, hành chính, tài chính, lương thảo, giao thương, tình báo,… Ai tới cũng từng là thiên chi kiêu tử, tài hoa hơn người, tự nhiên ngạo khí cũng hơn người. Đã vậy, họ còn đến từ các trận doanh khác nhau, dù cùng chung mục đích muốn kiến công lập nghiệp, thì ngày thường vẫn hay mâu thuẫn.
Đám quan lớn này có 3 hệ phái chính, với 3 nhân vật chia nhau đứng đầu Tổng Binh Khương Thụy, Giám Quân Hồng Thần Vũ và Tri Phủ Lương Khánh Thành.
Tổng Binh Khương Thụy là người miền bắc Đại Hoa, xuất thân con nhà võ tướng, tinh thông kinh sử, làu làu binh pháp, chỉ phải cái hơi tham công, nóng tính, tuy vậy tài đánh trận không thể nghĩ bàn, trong tay ông ta có đội kị binh hùng hậu từ phương bắc, thậm chí có cả lính Thát đánh thuê.
Giám Quân Hồng Thần Vũ là quan văn, đến từ miền nam Đại Hoa, tuy vậy cũng tòng quân đánh trận, có thể coi là bậc nho tướng, hay cậy chữ nghĩa mà coi thường Khương Thụy, Hồng Thần Vũ chủ yếu phụ trách những việc như do thám binh tình địch, hoạch định sách lượng, chống gián điệp. Không chỉ mâu thuẫn do một bên là quan văn, một bên là quan võ, cả hai còn có mâu thuẫn do cạnh tranh giành công lao nữa, cái này mới là cái chết nhất. Ai cũng muốn bản thân phải là kép chính đây mà vở kịch thời lượng có hạn.
Thế nên phải có nhân vật thứ ba. Lương Khánh Thành là Tri Phủ của Phủ Thuận Hóa, đảm nhiệm vai trò hậu cần, chuẩn bị lương thực, làm đường, phu phen,… giờ thì thành kẻ đảm nhiệm việc can ngăn mâu thuẫn của hai vị trên. Bởi Lương Khánh Thành là quan Tri Phủ, công tích của ông ta không phụ thuộc vào chiến tích đánh Chiêm Thành, nên ông ta coi như là kẻ ngoài cuộc, bất kể ông ta nói gì, cũng khó bị coi là giành công lao, không bị nghi kị. Mà Lương Khánh Thành không thân với ai trong hai vị này, chỉ chăm chăm lo giữ chức Tri Phủ, không lo thiên vị.
- Hai vị, thực ra tôi biết điều hai vị lo lắng, tôi cũng thế. Bây giờ kế hoạch có điều thay đổi hẳn nhiều cái phải chuẩn bị lại, nhưng chúng ta cũng nên nghĩ thoáng ra. Rõ ràng, hiện tại Trấn Nam Bàn đó đang có những thay đổi tích cực, lương thực làm ra nhiều hơn nghĩa là khả năng thu được lương tại chỗ tăng, quân ta lên đó không còn sợ thiếu lương. So với việc chuẩn bị lại một kế hoạch còn cả năm nữa mới diễn ra, thì xây dựng một đồn điền tốt còn tốn kém hơn nhiều!- Lương Khánh Thành nêu ra điểm tích cực.
- Nói thì nói như vậy, song nếu kế hoạch mấy người bày ra cứ đổi luôn xoành xoạch thì ai mà biết cho được.- Khương Thụy càm ràm một hồi rồi bỏ đi.
Ngược lại với Khương Thụy, Hồng Thần Vũ và Lương Khánh Thành lại tỏ ra rất vui vẻ với những thông tin mới. Nhất là Lương Khánh Thành. Việc Trấn Nam Bàn có thể trở thành một khu cung cấp lương thực cũng có nghĩa là nguồn lương thực phải cung ứng từ Thuận Hóa sẽ được bớt đi, tức là không phải tăng sưu thuế, dân sẽ không làm loạn nhiều. Dân không loạn thì việc vơ vét sẽ ổn định thôi.
- Lương đại nhân, thứ cho tôi nói thẳng, Khương đại nhân quá nóng tính, ông ấy chỉ muốn có thể đánh một trận lớn, đè bẹp đối thủ nhanh chóng, mặc cho nhất tướng công thành vạn cốt khô. Kiểu người như vậy khó mà hiểu được việc dầu gạo củi muối của ngài. - Hồng Thần Vũ bắt đầu giở giọng bơm đểu. Ý của Hồng Thần Vũ chính là Khương Thụy ham công, nhất định sẽ đòi vắt kiệt tài nguyên của Thuận Hóa phục vụ thắng lợi, như vậy sẽ khiến việc vơ vét của Lương Khánh Thành. Hai bên lúc này nên hợp mưu hợp trí tìm cách đối kháng Khương Thụy.
- Tôi nghĩ chúng ta cũng nên thông cảm cho Khương đại nhân, quả thực bắt ngài ấy ở đây tận 2 năm rồi lại đổi kế hoạch, chuẩn bị lại, ngài ấy không cáu mới là lạ.- Lương Khánh Thành đâu ngu mắc mưu, hắn nói kiểu nước đôi ngay. Khương Thụy cũng đâu phải hạng hữu dũng vô mưu, hắn chỉ tham công thôi. Nếu coi hắn là một tên ngu, rồi đối đầu thì mới là kẻ ngu.- Dù sao, việc đưa Vi Công Tín lên Trấn Nam Bàn có thể coi là một điều may mắn hiếm có, ta cần tận dụng hết mức có thể. Tôi đang nghĩ rằng ta nên thử mở cửa buôn bán lương thực với trên đó, dùng giá cao thu mua, kích cho dân trên đó ham trồng lúa gạo hơn nữa, như vậy khi ta tới đó, lúa gạo sẽ đầy đủ. Ngặt nỗi giờ này cái lợi mía đường cao quá, chỉ sợ khó thôi.
- Cái này cũng khó, ngài cũng thử bàn tính thêm xem sao!- Hồng Thần Vũ biết ý, không bàn sâu thêm việc hội đồng Khương Thụy. Ông ta nhanh chóng rời phòng họp và mưu tính một sách lược mới, phù hợp với điều kiện thực tế mới.
Phù hợp thực tế trong ý của Hồng Thần Vũ là vừa phải làm trận đánh thành công, nhưng cũng vừa phải tạo công lao cho lão. Như Tống Đan Thần báo về, việc trồng mía đang làm bọn mọi kia tham lam. Câu chuyện này khiến Hồng Thần Vũ nhớ lại một điển tích rất hay: Quản Trọng làm suy yếu nước Lỗ. Thời Xuân Thu, nước Lỗ và nước Tề ở gần nhau, Tề muốn làm Lỗ suy yếu, nhưng dùng vũ lực chưa chắc ăn nổi, Quản Trọng kiên quyết không nên đánh. Ông ta thấy nước Lỗ có nghề dệt rất khá, bèn bảo dân Tề phải dùng vải lụa Lỗ, mua vào với giá cao, khiến dân Lỗ tham tiền mà bỏ lúa trồng dâu nuôi tăm, được một thời gian, ruộng lúa của Lỗ đã thành ruộng dâu, Tề liền không mua vải lụa của Lỗ nữa, lúc này kinh tế nước Lỗ đình đốn, vải chất hàng đống mà không bán được, không có tiền mua lương, mà ruộng lúa đã không còn, không có gạo mà ăn nữa. Thế là dân Lỗ đói ăn, làm loạn, nước Lỗ yếu đi, Tề nhân cơ hội thu nạp dân Lỗ về đi khai hoang, Tề càng thêm mạnh, Lỗ lại mất nhân khẩu.
Bây giờ, Hồng Thần Vũ muốn dùng chiêu này với dân mọi trên Nam Bàn. Ông ta dự định dùng gián điệp ở trên kia, kích cho dân trên đó ham lợi mía đường, dưới này cũng trở tài thương mại, làm ngành rượu mía, ngành đường phát triển. Như thế, ắt dân man tham tài mà bỏ lúa đi trồng mía đường. Đến năm sau, nhất định đói lớn. Đói thì sẽ loạn, lúc đó thì chỉ cần có cái ăn, đám người này nhất định phải bán mạng. Ông ta sẽ dùng chúng làm phu, làm lính mở đường đi đánh Chiêm Thành, vừa tiết kiệm xương máu.
Cái khó duy nhất, là phải làm sao kiểm soát được bọn chúng, không cho chúng bí quá hóa liều, lập tức họp quân đánh rốc xuống Phủ Tân Bình cướp bóc. Bọn nó bí quá là dễ hóa liều. Muốn chúng bị kìm chân chặt ở đó, thì phải có quân binh mới được, nhất là đạo quân phòng thủ trên đó. Vậy là phải xem Khương Thụy thôi.
Lương Khánh Thành tính toán, Hồng Thần Vũ tính toán và Khương Thụy cũng tính toán. Ông ta hiếu thắng, song không phải hữu dũng vô mưu. Không chỉ biết tính, lão cũng có nguồn tin riêng, nguồn tin của lão là từ các bách quân trưởng mà lão cài cắm ở ngay bên cạnh Dương Quốc Lộ, Vương Vĩnh. Chúng là kẻ đã giúp Tống Đan Thần nắm được vụ cha con nhà họ Dương làm trên Trấn Nam Bàn, nhưng thông tin đó không đầy đủ bằng những gì chúng báo cho Khương Thụy.
Thông tin mà Khương Thụy có được, đơn giản cho thấy là, Vương Vĩnh đang vượt mặt cha vợ để làm ăn riêng, hắn ăn tham lại còn ăn bẩn, khiến đám dân mọi trên Nam Bàn cực kỳ ghét. Cách ăn của hắn, cách hắn làm, theo tính toán của ông ta, chả mấy mà dân trên đó sẽ bị ảnh hưởng cực nghiêm trọng, nạn đói, hiềm khích các tộc,... Như vậy, đám mọi không sớm thì muộn cũng làm loạn. Tốt cho ông ta. Nếu có loạn, có thể danh chính ngôn thuận đem quân lên đánh dẹp, tạo hỏa mù khiến người Chiêm nghĩ rằng chỉ là vấn đề nội bộ của Nam Giao Đô Ty. Chúng sẽ khó lòng phòng bị một trận đột kích tiếp theo khi ỷ y rằng bọn họ sẽ mất thời gian củng cố lại Trấn Nam Bàn.
Chuyện đánh chiếm thì không khó, vì quân đội của họ vô cùng tinh nhuệ, mọi ở Nam Bàn gặp là chết. Khó ở chỗ tên khốn Lương Khánh Thành đã nói tới một ý tưởng cực kỳ đột phá: nếu Trấn Nam Bàn được ổn định, sản xuất lương thực đủ đầy, đó sẽ là một bàn đạp quan trọng để đánh sâu hơn nữa vào đất Chiêm Thành, sẽ không còn là một chiến dịch ngắn ngày, họ có thể đánh dài hơi một chút, và càng đánh được lâu dài, chiến tích sẽ càng vang dội.
Vậy là, họ phải tính việc làm sao để Trấn Nam Bàn trước khi họ lên thì loạn, sau khi họ lên thì phải an. Trấn Nam Bàn mà luôn ổn định, lương thực đủ đầy, dân trên đó không loạn, tùy ý kéo quân lên đó rất mạo hiểm, sẽ đánh động bọn Chiêm Thành rằng ta chuẩn bị tấn công chúng. Chúng mà phòng ngự chặt chẽ, tận dụng địa lợi, chiến dịch sẽ kéo dài. Quân ông ta sẽ phải đánh dài hơi, thậm chí đóng chặt ở Nam Bàn, tiêu hao lương thực, lại phải phòng dân mọi bản xứ phản trắc. Còn nếu lên đó mà Nam Bàn còn loạn, thì mất thời gian, không còn yếu tố bất ngờ ban đầu. Chưa kể dân đói thì sẽ nhắm vào các đoàn lương thảo của họ, chứ không thể cung cấp lương cho họ.
Cả ba nhân vật tài năng tính đi tính lại một hồi, cảm thấy mưu sâu kế hiểm mà mình nghĩ ra đều có khuyết điểm, và đều thấy rằng cơ hội sắp tới sẽ cho bản thân một chiến công vang dội, có điều, họ sẽ cần đối phương hỗ trợ. Lương Khánh Thành, với sự trung lập, nhanh chóng tìm cả hai vị kia lại, nói ra kế hoạch của bản thân, rồi xin hai người chỉ giáo.
Đã có sự mào đầu này, Khương Thụy và Hồng Thần Vũ cũng không nề hà mà nói ra mưu lược của mình, tất nhiên sẽ có vài con át chút bài được ém lại, nhưng cơ bản thì kế hoạch là vậy rồi.
- Tôi thấy rằng ba chúng ta hợp kế lại thì thật mạnh vô cùng!- Lương Khánh Thành nghe kế hoạch hai người kia xong liền cười ha hả.- Tôi đã thấy một cách giải quyết rất hay. Đầu tiên là dùng cách của Hồng đại nhân làm dân mọi loạn lên vì đói, sau đó để quân phòng vệ trên đó tạm chặn chúng lại ít lâu. Tôi sẽ liên hệ với Phủ Tân Bình, để chúng ta kéo quân qua đó trợ giúp họ, Khương đại nhân kéo quân lên đó, một mặt trấn áp bọn mọi, mặt khác ép bọn nó đồn điền, chuẩn bị sẵn sàng quân lương tại chỗ. Bọn mọi đã bị đói khổ lâu, nhất định sẽ chịu cày cấy, khuất phục. Như thế địch vẫn sẽ nghĩ ta vì chặn phản loạn mà làm vậy, chứ không dám nghĩ ta nhân cơ hội này tích lương, luyện binh.
- Luyện binh. Ông muốn ta dùng đám lính tuyển từ bọn mọi sao?
- Đúng vậy, đại nhân nghĩ xem, thay vì để lại bọn mọi đó ở hậu phương làm ruộng nhưng cũng có nguy cơ phải đối phó khi trưng thu quá nhiều lương thực, ta cứ lấy hết lương của chúng, ép chúng theo làm phu, làm lính, bia thịt, có phải tiện hơn bao nhiêu không?
- Chỉ e làm vậy càng khiến chúng căm phẫn. Dùng một đạo quân mà suốt ngày phải phòng bị không hay đâu!- Hồng Thần Vũ khuyên can
- Quân ta mạnh áp đảo...
- Kẻ trộm có thể rình mò đêm ngày hàng tháng, nhưng chủ nhà không thể phòng trộm nổi đâu.
- Vậy thì xoa dịu chúng một chút, khó gì!- Khương Thụy nhếch mép cười.- Cái đầu của cha con nhà họ Dương cùng với lời bảo chứng của Hoàng Anh Minh.
Lời của Khương Thụy vừa nói xong, hai người còn lại đều rùng mình. Nếu kế hoạch thực hiện, tất nhiên sẽ làm Trấn Nam Bàn lâm vào đói kém. Nạn đói đó do họ thúc đẩy, nhưng trong mắt dân Nam Bàn, những hành động của Vương Vĩnh, Dương Quốc Lộ, Dương Ánh Hồng lại rõ ràng hơn. Tức là khi nạn đói xảy ra, kẻ bị đổ lỗi chính là 3 kẻ này, ai giải quyết 3 kẻ này, thì dân trên đó sẽ cảm kích lắm đây. Thật tội nghiệp cho 3 kẻ xấu số kia.
- Tên nhãi Hoàng Anh Minh đó khó mà tính toán, hắn có tính cách như Vi Công Tín, nhưng tài năng trội hơn, nếu không khéo tính toán, nguy hại cũng hơn hẳn!- Hồng Thần Vũ nhắc nhở.
- Gia cảnh của hắn thì nhiều nhất chỉ đủ làm tên giặc cỏ thôi!- Khương Thụy khinh thường đáp lại. Hoàng Anh Minh dám gây chuyện thì sẽ thành chiến công cho ông ta nữa đấy.
- Tôi thấy tên Minh có thể dùng được, hắn là hạng biết tiến thoái, không như lão gàn Vi Công Tín. Cho hắn chút lợi lộc là xong.
- Nếu đã vậy, tôi cũng không có ý kiến gì nữa.- Hồng Thần Vũ nhún vai.- Ta sẽ cho tên Hoàng Anh Minh đó lợi lộc gì.
- Tôi nghĩ rằng không nên để tên nhãi đó trực tiếp nắm quyền. Hắn quá mức lý tưởng, cầm quyền trong tay tất làm lung tung beng. Để cha của hắn làm đi. Thằng cha Hoàng Văn Định đó là hạng dân thường, thăng hắn lên chức Tổng Trấn Nam Bàn, hắn chả sướng rơn.- Lương Khánh Thành đề nghị
Ông ta nói cho họ thông tin về Hoàng Văn Định, một tên thường dân đi lên cũng nhanh nhờ mua bán và nghề thủ công, lại biết mua quan bán tước, hạng này dễ sai khiến.
- Có câu dao sắc khó mà gọt chuôi, tên Minh sẽ vì cha mà phải theo ta thôi.
- Từ xưa tới nay, biết bao thanh quan vì việc nhà mà phải nhúng chàm!- Lương Khánh Thành cười phụ họa.