C 48: Tình hình tại Trấn Hoài Nhân
Tân Bình, đặc biệt là Nam Bình có thể bước vào thời kỳ phồn thịnh, nguyên nhân chủ yếu là do làng Hồng Bàng bung sức, cung cấp nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy sản xuất. Nhưng không thể không kể tới công lao của Lữ Liêm ở Trấn Hoài Nhân. Từ khi được phục chức, Lữ Liêm quá mạnh tay vơ vét, khiến thương nhân ngoại quốc bỏ của chạy lấy người, thương cảng Thị Lị Bị Nại một thời sầm uất, nay không có thương thuyền ghé tới.
Những thương nhân này đã được Kiệt mời tới làm ăn tại Phủ Tân Binh, do sản xuất phát triển, hàng hóa dồi dào lại thêm Kiệt dùng sức ảnh hưởng khiến các thương nhân, địa chủ đồng loạt phát lực, quan viên không có hành vi vòi vĩnh quá đáng, họ càng tới nhiều hơn. Nhìn những đoàn thương thuyền chạy qua nườm nướp trước mặt nhưng không hề ghé qua cảng Thị Lị Bị Nại, tiền thuế trôi qua trước mắt, Lữ Liêm làm sao mà không tức tối.
Tức thì tức, Lữ Liêm cũng không ngu, lão cho người đàm phán với các thương nhân, chấp nhận giảm thuế phí để thương nhân quay lại. Trong bụng của Lữ Liêm thầm rủa một phen, coi như tạm nuốt cục tức này đã. Các thương nhân được hứa hẹn, cũng quay lại xem thử, nhưng rồi cũng sớm rời đi. Quả thật nếu so với cảng Thị Lị Bị Nại, toàn bộ Tân Bình không có cảng nào sánh được, nhưng nếu chỉ có cảng tốt thì cũng chả để làm gì, thương nhân tới đâu chỉ dể gửi tàu thuyền, còn phải buôn bán nữa chứ. Chính sách thuế mà khắc nghiệt không chỉ phá hoại thương nghiệp, cũng phá hoại công- nông nghiệp, các xưởng sản xuất dần không dám làm, sản phẩm ít ỏi, sản xuất manh mún, còn nông dân không muốn khai phá thêm đồng ruộng cho dù đã biết phương pháp canh tác mới. Không có hàng hóa, thương nhân vào cũng chả để làm gì, họ lỉnh mất.
Tới lúc này, Lữ Liêm mới giật mình kinh sợ, nhưng kinh tế học thì lão chưa từng học, đối phó với những vấn đề này là quá mức phức tạp. Lữ Liêm đành phải sử dụng phương án cổ truyền: khoan thư sức dân, giảm thuế má và lao dịch, để người dân tự hồi phục lại các ngành nghề. Vốn dĩ, cách này không tệ, người dân thấy lợi là sẽ tự làm, kích thích kinh tế phát triển. Đồng thời, tin tức truyền về, Nam Bàn nổi loạn, đánh xuống Tân Bình, Lữ Liêm mừng húm, cho là cơ hội làm ăn đã tới. Tiếc thay, Phủ Tân Bình
tuy bị tai họa, vẫn còn Nam Bình không chịu ảnh hưởng, Nam Bình còn thì các thương nhân còn tới. Chưa kể, để có tiền phục vụ việc phòng thủ và tái thiết lại Tân bình sau chiến loạn, quan lại Tân Bình còn cho khu Nam Bình hưởng mọi ưu đãi, dân chạy nạn tới Nam Bình lập tức xin làm việc để có cơm ăn, Nam Bình trong thời loạn vẫn phát triển kinh tế thần tốc, hàng hóa xuất ra nhiều vô số kể, giá cả hợp lý, nhiều chính sách khuyến mại, nên thương nhân không hề lo sợ chiến loạn tại Tân Bình mà quay qua chờ đợi Hoài Nhân hồi phục, cứ Tân Bình mà vào.
Vô số điều kiện cộng hưởng, khiến Lữ Liêm càng lúc càng quẫn và quẫn thì làm những điều ngu xuẩn, Lữ Liêm nghĩ tới ngành sản xuất gương, bắt tăng sản lượng hơn nữa, giảm giá để bán, hòng kiếm lấy lợi nhuận bù lỗ. Hành động này lập tức là giọt nước tràn ly, vì gương rẻ hơn sẽ làm những người trước còn mua gương đắt, chưa kịp bán hết thì giờ lại phải bán giá cạnh tranh với những kẻ được mua gương giá rẻ. Chưa kể tới việc làm gương vốn phực tạp, thợ làm gương trước với Kiệt được trả công cao, nay vì giảm giá thành để bán cho nhiều, Lữ Liêm giữ lợi cho bản thân như cũ, tự nhiên lương bổng cho thợ bị cắt giảm. Thế là ngành làm gương phồn thịnh lập tức nổi sóng to gió lớn. Các thương nhân mua gương đánh giết lẫn nhau, cướp phá các tàu thuyền chở gương giá rẻ để chỉnh đốn thị trường, rồi tìm cách mời chào các thợ thủ công ở xưởng gương, không được thì làm hại. Các thợ làm gương vừa phải chịu hãm hại, lương chẳng cao, dần bỏ nghề mà đi.
Mất đi ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế của Hoài Nhân lập tức ảm đạm, chỉ còn có thể trông cậy vào thu thuế nông nghiệp. Lữ Liêm bóp đầu bóp đít mãi, cũng biết nếu mà áp thuế nữa là có loạn, nông nghiệp là gốc, dân mà bị đánh thuế tới mức nộp thuế là chết, vậy nó sẵn sàng không nộp, ăn cho no rồi chết hoặc nổi loạn và chết với đống lương thực của mình. Nam Bàn chính là vì nạn đói mà loạn, Lữ Liêm không thể không phòng.
Trong lúc tình hình căng thẳng, Amira chọn hợp tác với Lữ Liêm. Cô ta đã quay về Trấn Hoài Nhân được mấy tháng, và thời gian qua đã âm thầm quan sát. Nếu Lữ Liêm điên cuồng và ngu xuẩn quá mức, vậy thì cô ta chỉ còn cách thức cực đoan nhất- chuẩn bị khởi loạn. Nhưng Lữ Liêm vẫn còn tỉnh táo, nên Amira chọn cách hợp tác. Tất nhiên, người ra mặt bàn việc hợp tác với Lữ Liêm là cha của cô ta Haquamani, Amira dù sao cũng là đàn bà, Lữ Liêm có thể nghe lời cô ta sao.
- Theo như lời chú em nói, thì có cách để vực dậy kinh tế Trấn Hoài Nhân ta.
- Vâng, thưa đại nhân, Trấn Hoài Nhân ta khoáng sản dồi dào, lại có cảng Thị Lị Bị Nại vốn là nơi đông đúc, sầm uất, chỉ là do Tân Bình trỗi dậy, lấy mất thương khách của ta, thực là đáng hận!- Haquamani nới tới đây, Lữ Liêm hơi run tay, mẹ kiếp, nó nói giảm nói tránh mà không khác gì tạt nước sôi vào mặt lão, ai chả biết vì lão mà Hoài Nhân ra nông nỗi này, nói giảm nói tránh làm quái gì đây.
- Đúng vậy, thật đáng giận.
- Mà chúng tôi còn nghe nói, chiến loạn ở nơi đó sắp kết thúc, không còn chiến loạn kìm chân, Tân Bình sẽ phát triển mạnh mẽ, khi ấy thì Hoài Nhân chúng ta càng thêm khổ rồi. Vì lẽ đó, hôm nay tôi tới gặp đại nhân để cùng đại nhân tính cách đối phó.
- Vậy chú em có cách nào rồi.
Haquamani khẽ liếm môi, rồi nói. Phương thức hợp tác thì đơn giản, bên Hiên Giáo có thân quen với người Chiêm, đặc biệt là quý tộc Chiêm giàu có. Họ sẽ kêu gọi các quý tộc Chiêm Thành bỏ vốn vào làm ăn ở Trấn Hoài Nhân này, Có vốn thì mới có thể làm công nghiệp phát triển trở lại rồi có máy móc làm nông nghiệp và tạo ra sản phẩm thu hút thương nhân các nơi quay về. Thị Lị Bị Nại là một cảng lớn, thương nhân cho tàu thuyền ra vào dễ dàng, như có thể khôi phục như xưa, tự nhiên là vạn sự đại cát rồi.
Lữ Liêm nghe xong liền hơi trầm ngâm, lão nghĩ tới người Chiêm vừa gây đại họa ở Nam Bàn, Tân bình cũng chịu ảnh hưởng, liệu có phải người Chiêm muốn làm gì hay không. Nếu lão bắt tay với quân Chiêm, thì có nguy cơ nào bị như Nam Bàn không, Lữ Liêm cũng nghi ngờ có phải bọn người Hiên Giáo muốn phản loạn nên mới mời quân Chiêm vào. Có điều, Lữ Liêm không tỏ thái độ nào, mà hỏi cách hợp tác. Haquamani giải thích phương thức hợp tác, dó là các quý tộc Chiêm Thành xuất tiền, Hiên Giáo vận động giáo chúng làm nhân công, Lữ Liêm và các quan viên ở giữa điều phối, thay đổi các chính sách thuế má,...
Lữ Liêm khẽ vuốt râu, bảo lão cần nghĩ thêm, mời Haquamani về trước, lão trả lời sau. Thực tế, Lữ Liêm không suy nghĩ một mình, mà đi mời tất cả những yêu nhân của Trấn Hoài Nhân tới cùng bàn bạc: cha con họ Đặng, Trương Văn So và thân tín của lão- Phạm Thời Trực.
- Các người nghĩ sao về chuyện này?
- Thưa đại nhân, tôi thấy đại nhân lo lắng không phải không có lý, nhưng cũng có phần quá lo nghĩ mà thôi.- Đặng Toán thấy không ai có ý định mở lời trước, liền giành phần.
- Lão Đặng nói rất tự tin, tự tin là rất tốt.
- Thưa đại nhân, Nam Bàn nội loạn, là vì nạn đói xảy ra, quân Chiêm mới có thể kích dân nơi ấy làm loạn, nay chỉ cần đại nhân tỉnh táo, không tạo nên những vụ phá lúa trồng mía hay đem nông dân đi làm thợ, thì cũng có thể xảy ra điều gì đây.
- Vậy nếu quân Chiêm nhân cơ hội đưa tiền của vào, thực tế mua chuộc Hiên Giáo làm loạn thì sao?
- Nếu như có chuyện ấy, đại nhân yên tâm, tôi sẽ cho đại quân tới làm gỏi hết đám nổi loạn!- Đặng Toán nói giọng chắc nịch, lộ rõ ý đồ ủng hộ việc phát triển công thương này.
Đặng Toán không có ý suy nghĩ gì, lão đã chán ngãn cảnh nghèo đi rồi. Trấn Hoài Nhân càng khủng hoảng kinh tế thì quân đội càng chịu ảnh hưởng tiêu cực: thiếu tiền thiếu lương thì binh sĩ có thể hăng hái tập luyện được sao? Không thao luyện thường xuyên, quân đội càng ngày càng yếu đuối, cuối cùng không khác gì con hổ giấy. Ngược lại, nếu phải chiến đấu mà được lương tiền đầy đủ, thì chẳng thà chọn vế phía sau. Hơn thế nữa, Hiên Giáo cũng cho người tiếp xúc với cha con lão rồi, Amira đã thông qua tên cướp biển Ebisu để mà gặp mặt cha con họ Đặng, phân tích thiệt hơn, lại dâng lễ, tự nhiên họ ủng hộ kế hoạch này.
- Ý của mọi người thế nào?- Lữ Liêm liếc qua Phạm Thời Trực, thấy y ngập ngừng không dám nói gì, lão nhíu mày rồi cũng hiểu, Trực cũng cầm binh, tự nhiên là muốn TRấn Hoài Nhân có tiền có lương để chi trả cho quân mình. Vậy là coi như xong, lão chỉ còn cách hợp tác.
- Đại nhân, tôi thấy vụ hợp tác lần này không phải không được, chỉ cần ta cẩn thận là được!- Kể cả Trương Văn So cũng tán thành, lão sau đó nói nhỏ với Lữ Liêm, quan viên trong Trấn cũng đang oán thán Lữ Liêm quay về phá hủy Trấn Hoài Nhân này. Các quan viên ăn lương thì ít, ăn lậu thì nhiều, Lữ Liêm làm cho Trấn Hoài Nhân mất hết thương nghiệp, công- nông đình đốn, thành một nơi nghèo xơ xác thì họ cũng lấy được lậu đâu ra mà ăn, tài chính đều vô cùng căng thẳng.
Có câu hai đánh một không chột cũng què, ở đây là một mình Lữ Liêm phải đối mặt với mọi thế lực khác của Trấn Hoài Nhân, Lữ Liêm phải thuận. Việc hợp tác với Hiên Giáo và vay tiền Chiêm Thành được thông qua, nhưng Lữ Liêm cũng báo trước cho Haquamani việc nếu để Chiêm Thành làm loạn, lão sẽ hỏi tội Hiên Giáo trước tiên.
- Đại nhân xin yên tâm, Hiên Giáo với Trấn Hoài Nhân cùng vinh cùng tổn mà.- Haquamani cam đoan.