• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nắng Sớm Soi Đường Về​





Phần 19


Thực phẩm và đồ dùng đã được chia sẵn ra làm nhiều túi, sau khi bốc xuống khỏi xe hàng xong thì những người dân trong thôn cũng tập trung ra nhà văn hóa hết. Sợ mặt trời lặn mất thì trời tối khó nhìn nên cả đoàn chúng tôi ai cũng xắn tay áo vào chia quà, tôi lúc đầu ngại không dám xông vào vì sợ mình không thuộc nhân viên của công ty Dệt Trường An, mãi sau Hà thấy tôi cứ lóng nga lóng ngóng, nửa muốn chia nửa lại không dám, mới chạy lại bảo:
– Chị ơi, chị cứ xách từng túi chia cho mọi người đi. Mỗi hộ một túi. Nhà nào có trẻ em đang còn đi học thì được thêm một cái cặp và hai tập vở.
– Chị không phải người công ty em, chia quà có sao không?
– Không ạ. Đang còn đông lắm, mà trời cũng sắp tối rồi, chia xong sớm cho mọi người còn về ạ.
– Ừ, thế để chị phụ mọi người chia quà.
Những người dân trong thôn này cách thành thị rất xa, lương thực thực phẩm dùng hàng ngày toàn đồ tự cung tự cấp, thỉnh thoảng lắm mới có người ra chợ huyện mua đồ về cải thiện, nên khi được phát miễn phí thế này, ai ai cũng vui mừng. Nhất là lũ trẻ con ở đây, đứa nào đứa nấy tóc đều vàng do cháy nắng, chân tay người ngợm đen nhẻm, nhưng lúc được nhận cặp mới đi học thì ánh mắt đứa nào cũng sáng bừng lên, cười ngoác miệng, lộ ra những chiếc răng sún xinh thật xinh.
Tôi cũng vô thức bật cười, dù đi quãng đường xa lên đây rất mệt nhưng vì những người xung quanh vui vẻ nên tinh thần tôi cũng phấn chấn theo. Tay tôi thoăn thoắt phát từng túi quà nặng trĩu cho mọi người, mồ hôi vã ra đầy trán, đến khi xong xuôi thì bầu trời cũng vừa vặn tối.
Trưởng bản thấy mấy người trong đoàn bọn tôi mệt như vậy thì xách cả xô nước mát đến, cười thật tươi:
– Hôm nay mọi người đi xa mệt lắm rồi đúng không? Uống nước đi, nước suối trong bản đấy, mát mà ngọt lắm.
Phương gật đầu, cầm chiếc muôi bằng vỏ dừa múc lên uống thử. Anh ta bình thường có bệnh sạch sẽ, không phải rượu Wishky đắt tiền không uống, không phải trà thượng hạng không đụng đến, vậy mà giờ lại tu ừng ực nước suối trong gáo dừa. Uống xong còn sảng khoái nói một tiếng:
– Đúng là ngọt với mát thật. Ở chỗ cháu không có nước tự nhiên ngọt thế này đâu, đun sôi lên được vẫn bẩn chết.
– Con suối này dân chỗ tôi múc nước uống ở thượng nguồn, tắm rửa giặt giũ ở cuối nguồn, trâu bò cũng không chăn thả ở gần đó, mọi người uống cứ yên tâm.
– Vâng.
Anh ta nói xong lại quay đầu nhìn mấy người trong đoàn, lên tiếng bảo:
– Mọi người cũng uống đi, nước này mát hơn nước khoáng nhiều.
– Vâng.
Tôi thấy thái độ của những người còn lại ai cũng dè dặt, nhưng vì sợ sếp phật lòng nên không ai dám từ chối. Tôi giờ chẳng phải tiểu thư lá ngọc cành vàng gì, mười năm nay cũng chịu đủ loại cay đắng, cho nên tôi không sợ những thứ này, nghe Phương nói xong thì xung phong lên đầu tiên. Đang khát, tôi cầm muôi dừa uống một phát hết sạch, xong còn nhìn anh ta cười:
– Đúng là ngọt thật, khác hẳn nước chỗ mình.
Khi tôi nói xong câu này, ánh mắt của Phương nhìn tôi đột nhiên biến đổi, tôi không rõ ánh nhìn ấy là gì nhưng tôi có thể cảm nhận được đáy mắt ấy trở nên rất sâu, sâu không thấy đáy, giống như một mặt biển mênh mông không biết bên dưới ẩn chứa những điều gì.
Dù không hiểu ý nghĩa nhưng chẳng biết sao trong lòng tôi lại sinh ra phản ứng muốn né tránh, tôi bối rối quay mặt đi, nhanh chóng bỏ lại chiếc muôi vỏ dừa rồi rảo bước đi ra chỗ khác. Lúc này mọi người phía sau thấy tôi uống nước suối một cách tự nhiên thế cũng mạnh dạn lên múc nước trong xô uống, trưởng bản đứng ở bên nói:
– Tối nay bản chúng tôi mổ một con lợn rừng, nướng thịt chiêu đãi mọi người. Các anh lên đây vất vả rồi, còn xây cầu và phát quà cho người dân trong bản tôi, mổ mỗi con lợn cũng hơi ít nhưng đây là tấm lòng của cả bản, các anh thông cảm nhé.
– Chú ơi, ở dưới xuôi không có thịt lợn rừng đâu. Được ăn thịt lợn rừng của bản là quý lắm. Bọn cháu mừng còn không hết, bọn cháu không dám chê đâu ạ. Với cả một con lợn cũng nhiều rồi, sợ không ăn hết một phần ấy chứ.
– Lợn rừng của bản này là đặc sản đấy, toàn thả cho nó tự đi kiếm đồ ăn thôi, thịt ngon lắm. Mọi người hôm nay ở đây cứ ăn uống thoải mái, nếu thích thì ngày mai tôi bảo thanh niên trong bản vào rừng đi săn thịt thú rừng tiếp. Ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ có đặc sản rừng là không thiếu thôi.
– Vâng, nhưng cháu ăn thịt lợn rừng là đủ rồi ạ. Chú cứ yên tâm, mấy người bọn cháu nhìn thế thôi chứ không kén ăn đâu, ăn cơm trắng với muối cũng được ấy chứ.
Trưởng bản nghe xong thì gương mặt không giấu nổi sự hài lòng, vỗ vỗ vai Phương một cách đầy quý mến và tự nhiên:
– Cậu này người thành thị mà chẳng kênh kiệu tý nào nhỉ? Đợt trước có mấy đoàn đến đây làm từ thiện, nói chung chỉ đến đưa vài hộp mì tôm, mời uống nước cũng không dám uống, mấy đứa trẻ con thấy xe ô tô thích nên ra sờ tý, thế mà bọn họ đuổi như đuổi tà. Lần đầu tiên tôi gặp người như cậu đấy, tối nay nhớ uống với tôi mấy bát đấy nhé.
Phương cười cười đáp:
– Vâng, phải uống chứ ạ.
– Nhớ đấy nhé. Rượu trên này ngon lắm đấy, không uống phí rượu. Giờ chắc cả đoàn ai cũng mệt rồi phải không? Mọi người ra suối tắm rửa đi cho mát rồi vào ăn cơm nhé. Chắc bây giờ cũng sắp nấu xong rồi đấy.
– Vâng. Cháu biết rồi ạ.
Vì cả đoàn chỉ có tôi và Hà là con gái, mà giờ này nhiều người còn đang qua lại ở suối nữa nên bọn tôi quyết định tắm sau cùng, nhường cho cánh đàn ông tắm trước rồi đến khi ăn cơm xong, muộn muộn rồi mới ra tắm sau.
Nhìn bản làng chỉ có vài chục mái nhà ngói, còn lại toàn là nhà tranh liêu xiêu, xung quanh còn thả trâu thả bò khắp nơi, tự nhiên tôi lại có cảm giác trong lòng bình yên dễ chịu, khác xa không khí đầy xô bồ khói bụi của thành phố.
Nhưng lúc này cũng mới thấy thấm thía những lời mà Phương nói, anh ta bảo điều kiện vật chất ở đây thiếu thốn, dặn tôi chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả mọi thứ. Nhưng tôi thì cứ khẳng định chắc nịch rằng dù gì chỉ lên đây nửa tháng là về, không cần phải mang lỉnh kỉnh đồ đạc. Giờ xem, ngay cả một cái bạt quây để tắm rửa cho tử tế cũng không có, cũng chẳng mang kem chống muỗi, tý nữa ngủ bị cả đống muỗi to như con ong này chích khắp người thì không biết phải làm sao đây.
Đang đứng ngẩn ngơ ở nhà văn hóa thì thấy có mấy người phụ nữ mặc váy dân tộc đi ra, tay bưng mấy mẹt đồ ăn vẫn còn đang nóng hổi. Nhìn kỹ mới thấy đây là một mẹt thịt lợn rừng được bày lên lá chuối, ở giữa có một nhúm muối hạt và ớt xanh dùng để chấm kèm, dù không bày biện sang trọng như nhà hàng nhưng nhìn ngon ơi là ngon.
Tôi cười tủm tỉm, lăng xăng chạy lại nói:
– Chị ơi có gì phụ không? Em phụ với.
Chị gái kia nói tiếng Kinh lơ lớ, mất gần nửa phút mới phát âm ra được một câu hoàn chỉnh trả lời tôi:
– Không… không đâu… xong cả… xong rồi.
– Để em vào bê ra cho nhé. Em không biết nấu nhưng bê ra thì em làm được.
Nói xong, tôi không chờ chị ấy trả lời đã nhảy chân sáo đi vào trong ngôi nhà mái tranh phía trước, thấy mọi người đang lúi húi xếp thức ăn vào lá chuối thì cúi đầu chào một lượt, sau đó tay thoăn thoắt bưng mấy mẹt đồ ăn bước ra.
Khi những người đàn ông tắm xong thì mấy mẹt lá chuối cũng bày lên chiếu xong, tất cả mọi người ngồi ăn ở ngoài trời chỗ nhà văn hóa. Tôi liếc nhìn trong đám đông, thấy Phương đầu tóc vẫn còn ướt từ phía sau đi vào, anh ta không mặc áo sơ mi nữa mà chỉ mặc một chiếc áo pull sáng màu sạch sẽ, quần ngố, trông chẳng giống một tổng giám đốc Dệt Trường An phong lưu phóng khoáng thường ngày mà chỉ giống như một cậu thanh niên trẻ mới chỉ hai mươi mấy tuổi, đẹp trai lại hiền lành.
Mấy cô gái trong bản thấy anh ta thì lập tức ngẩn ra nhìn, sau đó thẹn thùng quay đi, tủm tỉm cười nói gì đó với nhau, dù không nghe được nhưng tôi có thể đảm bảo gương mặt của Phương không làm mấy cô ấy chết mê chết mệt mới lạ đấy.
Đang thầm chửi bậy anh ta là đồ “đi đâu cũng dụ dỗ con gái nhà lành” thì bỗng nhiên Phương liếc mắt về phía tôi, sau đó nhoẻn miệng cười một cái. Tim tôi giống như kiểu vừa bị ăn sốc điện, cuống quít đập điên cuồng trong lồng ngực, cầm đũa cũng run run mà chẳng hiểu vì sao.
Đúng lúc này trưởng bản cầm bát rượu lên, nói to trước mặt mọi người:
– Hôm nay đoàn từ thiện của công ty Dệt Trường An đến đây, trước mắt là xây cầu cho dân bản ta đi qua sông, giảm bớt thời gian phải lội đường bộ ra xã, sau đó là tặng chúng ta rất nhiều quà để cải thiện đời sống. Bà con, mỗi người nâng một chén cảm ơn anh Phương và đoàn từ thiện, cảm ơn vì đã đến đây giúp đỡ người dân chúng tôi.
Mọi người trong thôn nghe xong ai cũng hào hứng nâng bát rượu lên, mấy đứa trẻ con còn vỗ tay, khiến tất cả mọi người trong đoàn chúng tôi ai cũng ngại ngùng. Phương xua tay bảo:
– Các cô các bác đừng khách sáo, mọi người có cầu ra ngoài xã thì kinh tế mới phát triển, lúc đó đừng quên Dệt Trường An bọn cháu là được rồi. Công ty cháu không hy vọng gì nhiều, chỉ mong cuộc sống của mọi người bớt khó khăn hơn, cùng chung dòng máu người Việt cả, đồng bào sống tốt thì đất nước mới phát triển được chứ đúng không?
– Đúng, đúng. Bản tôi có cầu đi, sao mà quên các anh được. Nào mọi người, tất cả uống hết bát này nhé.
– Cạn chén cạn chén.
Tôi để ý phụ nữ trong bản này uống rượu rất giỏi, người già hay người trẻ gì đều uống bằng bát cả, mà một ngụm là hết luôn chứ không nhấp môi giống như tôi. Hà ngồi bên cạnh thấy thế thì mặt mày tái mét, lí nhí hỏi:
– Chị Tuyền ơi, mình không uống có sao không?
– Chắc không sao đâu. Mình không uống thì ăn thịt đi, đừng từ chối thành ý của người ta.
– Vâng.
Ở chiếu trên, mấy người đàn ông nâng bát uống rượu, ở chiếu dưới, tôi và Hà ngồi vui vẻ thưởng thức thịt lợn rừng. Có mấy lần tôi giả vờ vô tình liếc lên mâm trên, thấy Phương ngồi cạnh trưởng bản nên phải uống rất nhiều, trưởng bản uống một bát, anh ta cũng cạn hết một bát, dù bình thường tửu lượng của cái gã này rất tốt nhưng uống rượu bằng bát như vậy chắc cũng không chịu được lâu, tai cũng bắt đầu đỏ ửng lên rồi.
Chẳng biết sao tôi rất sợ anh ta say rượu, không phải vì lo Phương thiếu kiểm soát rồi nói mấy lời xằng bậy, mà từ trong lòng tôi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của anh ta. Dù gì vết thương trên lưng cũng đã lành hẳn đâu, nhỡ uống nhiều quá lại ngã ở đâu rồi toác miệng lại thì rách chuyện.
Nhưng mà… tôi cũng chẳng thể can anh ta được, cũng chẳng có quyền gì để nhắc Phương đừng uống nữa nên đành lặng lặng quay mặt đi chỗ khác, không nhìn nữa mà chỉ tập trung ăn thịt lợn rừng trong bát mình. Một lát sau, mâm đàn bà con gái ăn xong, mọi người đứng dậy gần hết, tôi với Hà cũng theo mấy chị gái đứng dậy dọn dẹp, xong xuôi mới tranh thủ lúc mâm đàn ông đang uống rượu để ra suối đi tắm.
Hà cầm quần áo mãi không dám xuống suối, cứ liếc ngang liếc dọc một hồi rồi hỏi tôi:
– Chị ơi, lỡ có ai nhìn thấy thì sao?
– Giờ này con trai đang uống rượu hết rồi, không ai ra đây đâu, em cứ xuống đi.
– Nhưng lỡ… có con gì dưới suối thì sao? Ở đây nhiều bụi rậm lắm, em sợ rắn.
– Các cô trong bản toàn tắm ở đây mà, không sao đâu.
– Ôi, nếu phải ở đây một tháng thì em stress chết mất thôi.
Nghe đến đây, tôi bật cười bảo:
– Mọi người vẫn sống được mà, có sao đâu. Thỉnh thoảng đi khỏi thành thị cho đỡ khói bụi, lên đây hít thở không khí trong lành cho thoải mái.
– Nhưng mà… trên này cái gì cũng thiếu. Thiếu cái nhà tắm là em ớn nhất đấy. Chị không thấy thế à?
– Thì bây giờ cũng thấy hơi hơi ngại, nhưng chắc vài hôm nữa là quen. Người ta tắm được, mình cũng tắm được mà. Hay là mấy hôm nữa sếp Phương về, em xin đi theo đi. Cứ nói không quen điều kiện ở đây, chắc anh ấy cũng cho về lại Sài Gòn ấy mà.
– Thôi…
Hà định nói thêm câu gì đó, nhưng nghĩ sao rồi cuối cùng lại thôi. Tôi thấy cô ta sợ sệt như vậy, cuối cùng cũng thương tình, đành nói:
– Em xuống tắm đi, chị đứng trên này canh cho.
– Thế được không ạ?
– Được, lo gì. Tắm nhanh lên không sương xuống lạnh.
– Vâng, thế chị canh giúp em một tý nhé, em tắm ù cái là xong luôn.
– Ừ.
Trong lúc Hà xuống tắm, tôi ngồi trên bờ ngồi đếm sao, đếm đến hai trăm năm mươi thì cô ta cũng tắm xong. Có lẽ là vì sợ nên mới tắm trong thời gian nhanh như thế.
Hà lên đứng sau phiến đá to rồi nhặt quần áo trên đó mặc vào người, miệng bảo tôi:
– Em xong rồi, chị xuống tắm đi. Em canh cho.
– Ừ.
Tôi nhanh chóng cởi quần áo, nương theo ánh trăng bạc hắt xuống rồi bắt đầu lội nước. Thật kỳ lạ, nước ở đây lúc uống thì rất mát, nhưng về đêm không hề làm người ta có cảm giác lạnh mà khi vây quanh da thịt còn thấy âm ấm dễ chịu, ngâm mình thấy cực kỳ sảng khoái.
Trước đây ở Nhật thỉnh thoảng tôi có tắm suối nước nóng, nhưng so với ở nơi này thì tôi còn thấy nước mát ở đây thích hơn gấp nhiều lần. Tâm trạng thoải mái nên tôi ngâm nga vài câu hát, Hà ở trên bờ thì cứ đập muỗi chan chát rồi xuýt xoa.
Tôi thấy thế mới bảo:
– Hay em vào đi, chị tắm còn lâu. Không phải canh đâu.
– Nhưng mà… để mình chị ở đây sao được?
– Đừng lo, chị từng đi bộ đội đấy.
– Gì ạ? Chị đi bộ đội ấy ạ?
Tôi gật đầu, nâng cánh tay lùa một con cá nhỏ đang bơi quanh, thản nhiên đáp:
– Ừ. Không được như mấy anh con trai nhưng cũng tạm, không sợ chết như hồi chưa vào quân ngũ.
– À… vâng. Chị siêu thật đấy, em thấy ít con gái dám đi bộ đội lắm.
– Ừ. Thế nên em cứ vào đi, tý nữa chị vào. Không sao đâu. Vào đi không muỗi đốt.
– Thế… thế em vào trước nhé. Có gì thì chị cứ hét to lên, em sẽ chạy ra ngay.
– Ừ, đi đi.
Tôi nghĩ Hà và tôi không phải là bạn bè, cũng chẳng phải là đồng nghiệp, đơn giản chỉ là những người quen biết nhau mà thôi. Bởi thế cho nên có cô ta ở đây tôi thấy không tự nhiên, mà cũng không cần Hà trông cho tôi tắm.
Sau khi cô ta đi rồi, tôi vẫn ngâm nga vài câu hát, ánh trăng sáng tỏ trên trời rọi xuống phản chiếu lên mặt nước những làn sóng vàng nhàn nhạt. Tôi khua nước loạn xạ thì ánh trăng vỡ ra, lát sau lại dần dần dồn vào lại thành một đường, giống hệt như tôi và Phương, có tách ra mười năm thì cuối cùng duyên số lại đem chúng tôi quay về bên nhau một lần nữa.
Nhưng bây giờ tôi không còn ngây thơ như mười năm trước, trở lại Việt Nam lần này không những mang theo trái tim đầy đau khổ mà còn ôm theo cả rất nhiều dã tâm. Không biết tôi có làm nên được trò trống gì không, có lật đổ nổi Dệt Trường An không, những lúc này bỗng dưng tôi lại nghĩ: nếu như tôi thành công thì liệu giữa chúng tôi sẽ thế nào? Trả thù được rồi, tôi sẽ thế nào? Sẽ vui chứ? Và Phương, anh ta sẽ hận tôi như tôi từng hận gia đình anh ta chứ?
Bỗng nhiên, có một tiếng huýt sáo truyền đến tai tôi, giật mình ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một bóng người đang ngồi trên phiến đá.
Theo phản xạ, tôi vội vàng ngụp xuống nước, chỉ để hở mỗi mặt trồi lên trên rồi quát to một tiếng:
– Ai đấy?
Người ta thờ ơ trả lời:
– Hưởng thụ nhỉ? Vừa tắm vừa hát à?
Nhận ra giọng của Phương, dây thần kinh cảnh giác trong tôi mới có thể buông lỏng, nhưng nửa giây sau lại ngay lập tức căng lên đề phòng. Đêm tối, tôi trần như nhộng tắm suối ở đây, gặp con sói gian ác như anh ta mà không sợ mới lạ đấy.
– Tự nhiên anh ra đây làm gì?
– Còn làm gì nữa, ngắm trăng, ngắm cô nude.
Trong lòng tôi thầm rủa: Đồ mặt dày vô sỉ. Trời cao trăng sáng thế này, không biết nãy giờ anh ta đã được bổ mắt những gì rồi.
Phương thấy tôi mắm môi mắm lợi trừng anh ta như vậy thì bật cười:
– Làm gì mà phải tức thế, có phải tôi chưa thấy cô bao giờ đâu. Tư thế nào tôi chả thử rồi.
– Này, anh biến đi cho tôi tắm.
– Không biến, cô có giỏi thì lên bờ mà đuổi.
Tôi đang không mặc gì, có bị điên mới lên bờ để cho anh ta nhìn. Tức đến ứa gan mà không làm được gì cái gã thần kinh này, chỉ có thể bực bội đáp:
– Anh bệnh cũng vừa vừa thôi, đây là tội quấy rối đấy. Thích ngắm thì về Sài Gòn tìm mấy cô em của anh mà ngắm.
– Tôi chỉ ra đây ngồi chơi thôi, đã làm được gì cô đâu mà quấy rối. Hay là tôi xuống tắm chung với cô cho thành tội quấy rối nhé.
– Dưới suối có nhiều đá lắm, anh thử xuống đây xem tôi có cầm đá đập vào đầu anh không.
Dưới ánh trăng sáng, người đàn ông ngồi trên phiến đá cười thật tươi, nụ cười còn đẹp hơn cả ánh trăng kia, rơi xuống mắt tôi. Dù anh ta vẫn xấu xa như thế, thích trêu ghẹo người khác như thế, nhưng vẻ ngoài hoàn mỹ của anh ta đúng là có thể nịnh được lòng người.
Tôi trong bụng thì tức, nhưng trái tim lại bắt đầu đập loạn nhịp vì người đàn ông kia. Phương liếc mắt nhìn tôi, thoải mái gối đầu vào phiến đá nhỏ ở sau lưng rồi bình thản nói:
– Tắm nhanh lên, sương xuống nước lạnh giờ đấy.
– Có anh ở đây tôi không tắm được, mời anh biến đi cho.
– Phiền phức, ai thèm nhìn.
Sau đó đúng là anh ta không thèm nhìn tôi nữa thật, chỉ ngẩng đầu lên nhìn trời nhìn mây rồi huýt sáo khe khẽ. Tôi hết cách, không thể thi gan được với gã này nên đành vội vàng tắm rửa, sau đó khi bò lên bờ mặc quần áo còn bảo:
– Tôi cầm sẵn đá rồi đấy, anh mà dám quay lại thì đừng trách tôi.
– Nhìn chán rồi.
Tôi hừ lạnh một tiếng, nhanh như chớp mặc quần áo vào người , sau khi xong xuôi, ngẩng lên thấy Phương vẫn đang nhìn chằm chằm bầu trời đầy sao trước mặt. Tôi sợ anh ta say rồi ngủ luôn ở đây, nhỡ cảm lại chết toi, cho nên tốt bụng gọi:
– Xong rồi, về thôi.
Nghe vậy, anh ta mới chậm chậm quay đầu nhìn tôi, thấy mặc quần áo xong xuôi rồi, Phương mới nhảy xuống khỏi phiến đá, đi lại gần tôi rồi nói:
– Ngồi xuống đi.
– Hả? Làm gì?
– Đã bảo ngồi xuống.
Anh ta cau mày, kéo tay tôi ngồi xuống phiến đá dưới chân rồi lôi từ trong túi quần ra một thứ, nhìn kỹ mới biết đó là một hộp kem bôi. Phương thấy tôi cứ tò mò nhìn mới thờ ơ nói:
– Kem chống muỗi, bôi vào tối mới ngủ được.
– Để tôi tự bôi.
– Ngồi yên.
Anh ta giữ chặt tay làm tôi không cựa được, cuối cùng đành phải ngồi yên để cho Phương bôi. Anh ta thoa khắp những chỗ da thịt lộ ra ngoài quần áo của tôi, bàn tay ấm nóng, nhẹ nhàng mơn trớn trên từng tấc cơ thể, ban đầu chỉ là những động tác thô cứng vụng về, nhưng càng bôi lâu thì không hiểu sao tôi lại cứ thấy cơ thể mình nóng dần lên.
Đúng là lâu ngày không được đụng vào đàn ông có khác, mới chỉ thế thôi đã cảm thấy hô hấp bắt đầu rối hết cả lên rồi.
Tôi cúi xuống, nhìn những ngón tay Phương cọ qua cọ lại trên đùi tôi, lúc này rõ ràng đã hết kem từ lâu mà anh ta vẫn miệt mài xoa. Cuối cùng, tôi thấy nếu cứ tình hình thế này, mình sẽ bị con sói xấu xa này làm thịt ngay tại bờ suối này mất, cho nên vội vội vàng vàng đẩy anh ta ra:
– Được rồi.
Phương hơi giật mình, bối rối thu tay về rồi cười cười:
– À… ừ.
– Tôi về chỗ nhà văn hóa đây. Anh say rồi, cũng về ngủ sớm đi.
– Đợi đi, tôi đi cùng về.
Thế là hai chúng tôi một trước một sau lững thững đi dưới ánh trăng, từ ngoài bờ suối vào lại trong bản. Lúc này mâm đàn ông cũng mới tàn cuộc, trưởng bản uống nhiều nên mặt mũi đỏ bừng, vừa thấy bọn tôi đi vào đã bảo:
– Muộn rồi, mọi người về ngủ đi. Tôi đã chuẩn bị chỗ ở trong nhà sàn rồi, mọi người ngủ tạm nhé. Có yêu cầu gì cứ nói để tôi sửa soạn thêm.
– Không cần đâu ạ. Bọn cháu ngủ ở đâu cũng được.
– Đừng khách sáo, ngủ ở đây không bằng ngủ ở nhà mọi người, thông cảm nhé.
– Chú đừng lo, bọn cháu không sao đâu mà. Chú cũng mệt rồi, giờ về đi ngủ thôi ạ.
– Ừ, đi. Tôi dẫn các cậu vào nhà sàn.
Thế là tối hôm ấy mấy người bọn tôi được ngủ riêng ở một nhà sàn trong bản, đàn ông con trai nằm một góc, tôi và Hà nằm một góc. Nhà sàn nhiều muỗi nhưng vì tôi được ai đó bôi kem chống muỗi rồi nên hôm ấy đã ngủ rất ngon.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, trưởng bản bảo người bê đến một nồi cháo nóng to đùng, cả bọn ăn xong lại bắt đầu rồng rồng rắn rắn ra chỗ khu vực cầu gãy trong bản, lúc này người ở bên công ty xây dựng kia cũng đến, đôi bên xem xét tình hình rồi bắt đầu bàn bạc phương án xây dựng lại.
Thời điểm chưa xây dựng thì giám sát như tôi chưa có việc gì làm nên đi loanh quanh ở khu vực ấy xem có nền đất nào chắc để có thể làm trụ cầu không. Mùa này đã qua thời điểm lũ, nhưng con suối to ở đây vẫn đục ngầu, sóng chảy cuồn cuộn, diện tích rộng bằng cả một con sông, cách bên bờ kia tầm hai kilomet là trung tâm xã, nhưng nếu không có cầu thì phải đi vòng mấy chục cây số thì mới ra đến bên ngoài được.
Tôi nghĩ nếu xây lại cầu thì người dân trong bản mới có thể thông thương với ngoài xã được, vả lại trẻ con đi học cũng dễ dàng hơn nhiều. Nhưng địa hình ở nơi này rất gập ghềnh, nếu không tìm được một nền đất tốt để làm trụ cầu thì có xây lại cũng vẫn sẽ bị lũ đợt sau cuốn trôi.
Vì muốn tìm nền đất chắc nên tôi đi đến đoạn nào là sẽ thử dẫm chân xuống một cái, cứ đi dọc con suối đục ngầu đó cho đến khi tới một đoạn đất lồi ra, tôi vừa đặt chân lên thì bỗng nhiên đất ở đó ào ào sụp xuống, nhanh đến mức tôi không kịp bỏ chạy, chỉ thấy những tiếng ầm ầm do đất đá rơi xuống nước và cả người mình bị trượt đi.
Nhưng may sao khi mới rơi được nửa mét thì tôi quờ tay bám được một túm rễ cây dại còn mắc lại bên cạnh bờ suối, cúi đầu nhìn xuống phía dưới thấy nước chảy cuồn cuộn, rơi xuống không va đầu vào đá chết thì cũng bị nước nhấn chết. Đang run lẩy bẩy thì bỗng nhiên lại nghe thấy tiếng bước chân dồn dập chạy đến, vài giây sau có một cánh tay đàn ông chìa ra trước mặt tôi, sau đó nắm chặt lấy cổ tay đang cầm rễ cây của tôi.
Không biết Phương xuất hiện từ khi nào, vẻ mặt anh ta hiện tại đẫm mồ hôi, ánh mắt không còn cợt nhả như mọi ngày mà trở nên lo lắng tột độ, sốt ruột đến nỗi tròng mắt đỏ ngầu:
– Nắm chắc lấy tay tôi.


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK