Toàn bộ các con đường lớn nhỏ đi về hướng Kinh Nhạn cung đều bị quân đội Mông Cổ phong tỏa, dù chim cũng khó mà bay lọt, khiến cho cung hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài.
Kinh Nhạn cung có diện tích rất rộng, điện các đình đài, không khí trang nghiêm, dựa vào thế núi mà xây dựng, lưng tựa vào đỉnh chính Kinh Nhạn phong của Thiên Lý cương, đây là chính lý do đặt tên cho cung. Ngọn Kinh Nhạn phong xuyên qua mây, nhô ra đỉnh núi, từ Kinh Nhạn cung có thể nhìn thấy toàn bộ bình nguyên Lưu Mã và Lưu Mã dịch cách bên trái bảy dặm.
Toàn cung, trừ chủ điện được xây gần như từ đá cẩm thạch, phần còn lại của cung đều được dùng từ gỗ. Chủ điện Nhạn Tường điện nằm trung tâm, hai bên trái phải có thêm hai điện, được nối chủ điện bằng hành lang dài hai mươi trượng tựa như hai cánh của chim nhạn giang ra trên trời. Hai phó điện này được đặt tên là Tả Nhạn Dực điện và Hữu Nhạn Dực điện.
Trước cung có hào nước bảo vệ rộng và sâu, nước mương được lấy từ suối của Thiên Lý cương tạo thành tấm bình phong thiên nhiên. Để vào Kinh Nhạn cung, ngoài trừ leo lên Thiên Lý cương rồi đi xuống thì chỉ có cách duy nhất là đi qua cây cầu đá lớn thông thẳng tới cửa chính, cầu rộng đến mức có thể chứa cùng lúc bốn con ngựa chạy song song tạo ra cho nơi đây một khí thế mênh mông, tạo ra cảm giác một kẻ giữ ải đủ giữ vạn quân.
Đến cuối giờ Thìn, mặt trời không còn chính bóng mà hơi lệch về phía Tây, dưới ánh mặt trời chiếu rọi, Kinh Nhạn cung đứng thẳng sừng sững. Thảo nguyên bên ngoài cung có đấy đó quân doanh Mông Cổ, truyền ra tiếng ngựa hí và kèn lệnh kéo dài. Nơi đây có hơn một vạn lính tinh nhuệ của Mông Cổ đóng quân.
Lúc này, trong chủ điện Nhạn Tường điện của Kinh Nhạn cung tụ tập bảy nhân vật quan trọng nhất của quân Mông Cổ, mà trong đó có một người là Nhan Liệt Xạ vừa thi triển thân thủ thần tiễn ở Lưu Mã dịch. Sáu người còn lại, ngoại trừ một nam tử mặc hoàng phục Mông Cổ và hai người Hán ra, còn lại đều là tướng lĩnh quân Mông.
Nam tử mặc hoàng phục đang đưa lưng về phía sáu người còn lại, chắp tay quan sát phù điêu trên một cột điện. Sáu người còn lại đều yên lặng đứng bên, tựa hồ sợ quấy rầy nhã hứng của y, xem ra địa vị của người này cao hơn những người khác.
Nam tử mặc hoàng phục có thân hình cao lớn, rất có khí phái, anh tư hơn người, chắp tay đứng thẳng, giống như một cây tùng bách cao ngất. Y nhìn một lúc rồi xoay người lại, thần sắc trên mặt lộ sự khao khát.
Nam tử có tướng mạo đường đường, không giận mà uy, ánh mắt như tia chớp, lạnh lùng như có ma lực nhìn thấu lòng người, khiến người ta có cảm giác y là kẻ khôn khéo lợi hại nhưng có lòng dạ thâm trầm, chính là điển hình cho kẻ sĩ hùng tài đại lược. Nhìn qua ngoại hình của y tầm hơn bốn mươi tuổi nhưng thời gian không khiến y già đi mà ngược lại tăng thêm thu hút của vẻ chững chạc và uy nghiêm.
Nếu như Hướng Vô Tung ở đây, chắc chắn khó tránh khỏi bị chấn động, và hắn cũng một lần nữa phải đánh giá lại sự kiện Kinh Nhạn cung này. Thân binh cận vệ của Đại hãn Mông Cổ vất vả viễn chinh, trong thời điểm binh hoang chiến loạn này mà Mông Cổ vẫn rút ra một phần sức lực đi làm, chỉ điểm này thôi đã cho thấy sự kiện này không phải tầm thường. Thậm chí ngay cả nhân vật như thế mà cũng đến đây chủ trì càng cho thấy chuyện này khó mà tưởng tượng nổi.
Nam tử mặc hoàng phục này là Tư Hán Phi, có quân quyền chỉ dưới đương kim Đại hãn Hốt Tất Liệt. Tư Hán Phi là em của Hốt Tất Liệt, có tên cũ là Húc Liệt Ngột, bởi vì yêu thích văn hóa Trung Hoa nên sau khi người Mông vào Trung Nguyên đã đổi tên là Tư Hàn Phi. Y có võ công cái thế, cùng với ‘Ma Tông’ Mông Xích Hành và Quốc sư Bát Sư Ba là tam đại cao thủ của Mông Cổ.
Tư Hán Phi là thiên tài quân sự hiếm có, năm xưa từng đại phá liên quân Ba Tư ở châu Âu, thành lập cơ nghiệp của đế quốc Mông Cổ, có thời quyền khuynh thiên hạ. Y thu nạp thủ hạ không ít người là kỳ nhân dị sĩ khiến những võ sĩ chống Mông nghe thấy đều phải khiếp sợ. Thời điểm Hốt Tất Liệt đăng cơ, sự ủng hộ của y là một yếu tố quyết định.
Tư Hán Phi nhìn quanh mọi người trước mắt một cái, trong số người này, ngoại trừ đại tướng Bác Nhĩ Hốt và tâm phúc, cao thủ, mưu sĩ người Hán Thôi Sơn Kính thì tất cả đều lộ ra thần sắc không hiểu hành động xem thạch điêu vừa rồi của y.
Tư Hán Phi cười nhạt một tiếng, lộ ra hàm răng chỉnh tề trắng như tuyết, thanh âm nho nhã, thong dong nói:
"Những bức phù điêu này có hình dáng cổ xưa, được chế tác tinh xảo, công trình có quy mô lớn kinh người, nhất định trong thời gian ngắn không thể hoàn thành xong.
Nội dung của nó lại rất khó hiểu, chạm trổ đều là kỳ cầm dị thú, mặc dù ta đã từng đọc qua số sách, nhiều năm nam chinh bắc chiến, đi khắp thiên hạ nhưng lại hoàn toàn không biết gì về số phù điêu này, không thể từ hình ảnh của chúng để đưa ra kết luận. Chuyện này thật là kỳ quái.”
Nói đến đây, y dừng lại một chút, giống như chờ sáu người còn lại lên tiếng. Thanh âm của y trầm mà rõ ràng, phong thái cực kỳ dễ nghe, cho nên vấn đề y nghi hoặc, bề ngoài tưởng như có vẻ không liên quan gì đến nhiệm vụ của quân đội Mông Cổ nhưng tất cả đều biết y là người cực kỳ trí tuệ, lời sẽ không nói hết, khiến người khác cảm thấy không có chút nào là mất kiên nhẫn, ngược lại sinh ra lòng hiếu kỳ muốn nghe thêm.
Nhìn thấy mọi người đều lộ thần sắc chờ đợi, Tư Hán Phi rất hài lòng, khống chế bầu không khí là một trong các phương pháp điều khiển thuộc hạ.
Tư Hán Phi nói tiếp: “Nghe rằng Kinh Nhạn Cung là do em trai hoàng đế khai quốc nhà Tống là Triệu Bắc Mĩ xây, Triệu Bắc Mĩ là kẻ phàm phu tầm thường, làm sao có lòng dạ quyết đoán này, cho nên truyền thuyết này chắc chắn là hư cấu.”
Kỳ thật trước đó Tư Hán Phi đã chỉ ra các bức phù điêu đều có tạo hình cổ xưa, không giống với hình ảnh phù điêu hiện tại. Hơn nữa, để hoàn thành một công trình như thế này sẽ phải mất rất nhiều năm, vì vậy Tư Hán Phi đưa ra suy đoán như thế, mọi người đều cảm thấy hợp lý.
Tư Hán Phi tiếp tục: “Trát Lực, ngươi báo cáo kết quả điều tra của ngươi cho mọi người nghe đi.”
Thống lĩnh Túc Vệ quân Xích Trát Lực bước vội tới trước một bước. Về cấp bậc trong quân, Xích Trát Lực cao hơn Nhan Liệt Xạ một cấp, gã có bề ngoài dũng mãnh nhưng động tác lại nhẹ nhàng linh hoạt khiến người ta không dám có chút sơ sót nào đối với nam tử có dáng người hơi thô này.
Xích Trát Lực nói: "Tiểu tướng phụng mệnh hoàng gia, từng điều tra nhiều mặt về Kinh Nhạn cung, bao gồm điều tra hoàng tộc người Hán đầu hàng ta, lục soát tư liệu của các đời chủ nhân và hậu nhân từng tham gia xây dựng, hỏi thăm cư dân gần đây cũng như vật liệu xây dựng, bản vẽ…Kết quả điều tra lại cực kỳ chán nản, không giống nhưng trước khi tiến hành điều tra.”
Tất cả mọi người không khỏi kinh ngạc, dưới sự điều tra cực kỳ chặt chẽ của Xích Trát Lực, vậy mà không tra được bất kỳ tư liệu nào. Thế nên chỉ có một khả năng: chính là có người cố ý giấu diếm tất cả bí mật liên quan đến Kinh Nhạn cung, hơn nữa là trong một thời gian rất dài đã có những người khác nhau trong các triều đại khác nhau tiến hành loại công việc bảo mật này.
Xích Trát Lực tiếp tục nói: "Từ Tống Cao Tông tới nay, Kinh Nhạn cung tuy rằng có người quản lý và sửa chữa, nhưng chưa từng có người ở lâu, thậm chí không cho phép bất kỳ người nào ngoài hoàng tộc đến đây thăm hỏi. Càng kỳ quái chính là, trong vòng năm mươi năm gần đây, khu bình nguyên Lưu Mã này mới có người ở. Trước đó, toàn bộ Thiên Lý cương và bình nguyên Lưu Mã là nơi hoang vu, cằn cỗi. Tiểu tướng đã từng điều tra gia phả của cư dân gần đây, huyện chí, chữ trên bia mộ… nhiều nhất cũng chỉ có thể được truy trở lại bốn thế hệ. Điều này thực sự kỳ lạ.”