“Tôi ngày ngày vất vả cóp nhặt từng đồng chu cấp cho nó ăn học là lỗi của tôi à?”
“Nhà tôi không thuộc loại ham học, thà ra ngoài kiếm việc may ra còn có tương lai, ai mượn ông lo cái nọ quản cái kia?”
Các phụ huynh ở đây cũng không dễ chọc, bọn họ chỉ ngây ra một chốc, sau đó liền sục sôi như chảo dầu, điên cuồng phản công Lão Lâm.
Lão Lâm rửa tai lắng nghe từng câu từng chữ, ông nhàn nhã ngồi tại chỗ, khẽ mỉm cười, ghim chặt lời nói và khuôn mặt những người đó.
Giữa các phụ huynh nảy sinh mâu thuẫn, người khó xử nhất trong lớp đương nhiên là giáo viên chủ nhiệm đang đứng trên bục giảng.
Lý Xu nhìn trái một chút, liếc phải một chút, rất muốn lên tiếng hòa hoãn bầu không khí trong lớp, đúng lúc này, Lão Lâm chợt nhìn cô.
Ánh mắt cô giáo chợt biến đổi, như đã nhận được tín hiệu, cô yên lặng đứng đó không nói gì.
Tiếng kháng nghị của phụ huynh nhỏ dần, thậm chí còn ngừng lại hẳn.
“Nghe thấy chưa?”
Giọng Lão Lâm chậm rãi vang lên.
“Nghe cái gì mà nghe?”Một phụ huynh EQ hơi thấp lầm bầm.
“Những lời của bố mẹ các bạn, tất cả đều nghe rõ chưa?” Lão Lâm nhìn toàn bộ học sinh trong lớp, ông hỏi.
Lớp học rơi vào trạng thái trầm mặc, không ai trả lời câu hỏi này.
Lão Lâm vẫn kiên trì hỏi học sinh: “Có suy nghĩ gì với những lời này?”
Đa số học sinh đều yên lặng cúi đầu, Lão Lâm chỉ hỏi ba câu, thậm chí giọng điệu còn chẳng giống người làm khách chút nào, không khí trong lớp hệt như vừa bị giáo viên mắng một trận.
“Có phải nghe khá thất vọng không? Trường học vô trách nhiệm với các bạn, người trông có vẻ khổ sở kiếm cơm nuôi bạn ăn học thì cảm thấy bản thân đã làm tròn trọng trách, chẳng có ai chịu trách nhiệm với tương lai của các bạn, cảm giác ấy thế nào?”
“Thì… thì cứ thế?” Bỗng nhiên, hàng cuối cùng lớp học có tiếng dò hỏi
Lão Lâm nhìn qua đó, ông tóm được người nói: “Bạn nhỏ này sáng tạo đấy, đến đây nói xem, ‘thì cứ thế’ là thế nào?”
“Cháu cũng không biết.” Hiếm khi mới thấy Trịnh Mã Đặc nghiêm túc: “Thì cứ đi một bước tính một bước thôi ạ.”
“Cháu nghĩ bước tiếp theo cháu sẽ đi đến đâu?”
“Cháu không biết?”
“Mở quyển sách bìa trắng bên tay cháu ra, bước tiếp theo của cháu khả năng sẽ đi đến đâu?”
“Trường trung cấp ạ?”
“Ngành nghề gì?”
“Máy tính, bố cháu bảo ngành này kiếm ra tiền.”
Bố Trịnh “chậc” một tiếng, ý bảo cậu ngậm miệng: “Ba cái tuổi đầu biết gì mà tiền nong?”
“Bố suốt ngày giục con học nhanh lên ra trường tìm việc kiếm tiền đấy thôi?”
“Thế bản thân cháu thì sao?” Lão Lâm nhìn cậu: “Mặc kệ bố cháu nói gì, cháu thích làm gì, sau này có hứng thú với gì?”
Trịnh Mã Đặc mở miệng, vô thức muốn trả lời Lão Lâm, nhưng đắn đo một hồi, cậu nhận ra mình chẳng biết nói gì.
“Cháu cũng không biết ạ…”
Cuối cùng cậu thật thà đáp, đồng thời nhìn Lão Lâm với ánh mắt chờ mong, dường như hi vọng sẽ tìm được câu trả lời chính xác từ ông.
Nhưng Lão Lâm chỉ nói: “Nếu không biết thì hãy nghĩ thử xem.”
Có người khẽ “xì~” một cái, xem ra trong lớp không chỉ mỗi Trịnh Mã Đặc muốn biết đáp án từ phía Lão Lâm.
Trịnh Mã Đặc không cam tâm chút nào: “Chú ơi cháu không hiểu, cháu phải nghĩ gì ạ?”
Lão Lâm nhìn giáo viên chủ nhiệm trên bục giảng: “Cô giáo có đề xuất gì không?”
Lý Xu nói: “Cô nghĩ, nếu trước mắt em vẫn chưa biết mình muốn làm gì, vậy cứ học hành cho tốt trước đã, ít nhất sau khi lên cấp ba, khi em đã nghĩ thông con đường cho tương lai thì vẫn còn cơ hội lựa chọn.”
Bố Trịnh tức giận: “Cô có ý gì, xem thường những người học trung cấp bọn tôi à, tôi tốt nghiệp trung cấp về mở siêu thị, mỗi tháng kiếm được mấy chục ngàn, hơn khối lương của các người đấy!”
Trịnh Mã Đặc càng mơ hồ: “Vì sao cô lại nói, học trung cấp ra sau này không có cơ hội ạ?”
Lý Xu rất khéo léo: “Cơ hội thì vẫn có, nhưng em phải sẵn sàng trả giá đắt hơn…”
“Trả giá gì ạ?”
Lý Xu không biết nên trả lời thế nào, cô nhìn Lão Lâm.
Chẳng mấy khi thấy Lão Lâm kiên nhẫn đến vậy: “Tôi chỉ có thể nói, nếu như, nếu như cháu may mắn tìm được thứ mình thích, cháu không cam tâm khi chỉ tiếp xúc với một chút bề ngoài của nó, khi cháu muốn liên tục theo đuổi, cháu sẽ biết mình phải trả cái giá gì.”
Nói đến đây, ông thay đổi phong cách: “Thật ra mấy câu vừa rồi là súp gà phổ thông cho tâm hồn thôi, trên thực tế, tuy cơ hội là để dành cho những người có chuẩn bị, nhưng người không có cơ hội lắm khi cũng chẳng cần chuẩn bị đâu.”
Lâm Triều Tịch nghe vậy, cô thấy đầu gối đau nhức, câu nói huỵch toẹt cuối cùng của Lão Lâm cô đã từng được lĩnh hội sâu sắc.
“À, ra là vậy, trước kia có ai bảo cháu đâu!” Trịnh Mã Đặc ảo não.
“Đây không phải lỗi của cháu.” Lão Lâm nghiêm túc: “Không thể cho cháu một môi trường phát triển tốt nhất là vấn đề của gia đình, trường học và xã hội này.”
Lão Lâm nhìn vị phụ huynh ban nãy chất vấn ông: “Lúc nãy vị phụ huynh nào bảo “trường học chia con chúng ta vào lớp 9-13, trường phải có trách nhiệm”, xin mời giơ tay lên.”
Các phụ huynh đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng mẹ của một nam sinh nào đó nói oang oang: “Tôi nói đấy làm sao!”
“Chị nói rất đúng!” Lão Lâm gật đầu công nhận.
Người mẹ đó trợn mắt, nghĩ bụng khả năng Lão Lâm bị thần kinh.
Lão Lâm: “Nhưng trường học đã sai, chị cũng đâu làm gì được? Nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng quá hạn chế, con chị ít nhất vẫn đang được học trong trường cấp hai trọng điểm, vậy là tốt lắm rồi, những gia đình bình thường còn bất lực hơn kìa. Theo một khía cạnh nào đó, địa vị và thân phận của chúng ta quyết định nền tảng giáo dục mà con ta sẽ tiếp nhận, dẫn đến một chức vụ nghề nghiệp nhất định. Điều đó rất không công bằng, nhưng mức độ bất công thực sự đã đỡ hơn nhiều so với 100 năm trước.”
Lão Lâm lại nhìn bố Trịnh Mã Đặc: “Ban nãy anh hỏi chủ nhiệm lớp con anh có tư cách gì mà coi thường anh. Vì chủ nhiệm đang cố gắng giúp con anh thoát khỏi những định nghĩa “bất công” do anh tạo ra, nên đây chính là điểm cô ấy có tư cách coi thường anh.”
Giống hệt một buổi họp báo, Lão Lâm tiếp tục chỉ định: “Tôi xin phép diễn dịch lại câu nói của chị ban nãy: Chị ngày ngày vất vả cóp nhặt từng đồng chu cấp cho con ăn học, chị làm tròn trọng trách rồi, là ý này phải không?”
“Chẳng lẽ không phải?!”
“Tôi chỉnh lại một chút, chu cấp cho con cái ăn học là việc luật pháp nhà nước quy định chúng ta phải làm, còn dạy chúng học hành, làm người, giúp chúng trưởng thành là yêu cầu của xã hội với chúng ta. Nhưng hãy thừa nhận đi, dạy con mệt thật, trên đời này làm gì có bài học nhập môn làm cha làm mẹ, chúng ta đều phải nỗ lực tìm hiểu phương pháp dạy con, đây là khuyết điểm và thiếu sót của chúng ta, mới nảy sinh vấn đề trên người đám trẻ.”
Các phụ huynh lại bắt đầu xì xào bàn tán, thậm chí những đứa trẻ trong lớp thấy Lão Lâm trách móc bố mẹ mình, chúng hơi tức giận bất bình.
Nhưng còn lâu Lão Lâm mới quan tâm ba cái đó, ông chỉ điểm chuẩn xác vị phụ huynh cuối cùng: “Cuối cùng, tôi xin được trả lời câu hỏi “liên quan đếch gì đến tôi” của mẹ Lưu Bình.”
Lão Lâm nói: “Thật không hay, lũ nhóc không chỉ là con của các vị, mà cũng là con của xã hội. Với tư cách là một thành viên trong xã hội, tương lai tôi còn trông cậy vào chúng, bởi vậy, chuyện này vẫn khá liên quan đến tôi đấy chứ.”
“Theo lí của chú thì bọn cháu học hành chẳng ra sao cũng chẳng phải lỗi của bọn cháu rồi?”
Cuối cùng cũng có một học sinh mạnh dạn giơ tay cười khúc khích đặt câu hỏi.
“Thật không may, nhóc ạ, có lẽ cháu hiểu nhầm ý chú rồi…” Lão Lâm cũng cười, như bắt được con mồi rơi vào cạm bẫy của thợ săn.
“Người lớn bọn chú mặt dày lắm. Gia đình, trường lớp, xã hội nơi các cháu đang sinh sống lắm vấn đề thế chứ? Nhưng các cháu biết phải làm sao? Vẫn phải gánh chịu sai lầm của người lớn, nghe theo sự sắp đặt của người lớn, bước trên con đường “thì cứ thế” đến hết một đời.
“Vì sao!?” Có học sinh không cam lòng.
“Vì đám người lớn bọn chú không chỉ vô cùng cố chấp mà năng lực còn có hạn. Chúng tôi không thể thay đổi những vấn đề các bạn gặp phải ở giai đoạn hiện hiện nay, không chỉ vậy, chúng tôi còn chẳng thể chịu trách nhiệm với những việc mình gây ra cơ mà.”
Lớp học lại trầm xuống, như một khoảng vũ trụ nhỏ trống trải, khiến người ta rơi vào thời khắc tư duy yên tĩnh tuyệt đối.
“Nếu phụ huynh đã không thể thay đổi, bọn cháu lại không muốn nghe theo sự sắp đặt, vậy thì phải tự mình cố gắng mà thay đổi ư?” Tổ trưởng nghĩ thế nào cũng thấy không hợp lí: “Thật dã man, còn ám chỉ bọn mình phải cố gắng thay đổi hiện trạng xã hội, cháu có thể làm như chưa từng nghe những lời ban nãy của chú không?”
“Muộn rồi.” Lão Lâm nói.
“Chú đúng là mặt dày mà.”
Học sinh trong lớp trăm miệng một lời gào lên với Lão Lâm.
Kết thúc buổi trả lời phỏng vấn, đồng chí Lão Lâm nở nụ cười.