• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“Thầy Tiểu Nhiếp, thầy Tiểu Nhiếp có ở đây không?”

Nhà họ Nhiếp là một gia tộc chuyên về phục chế, kỹ nghệ phục chế thư họa cổ đã được truyền đến đời thứ ba, là Nhiếp Tung. Những đồng nghiệp cũ ở Trung tâm nghiên cứu công nghệ bảo tồn văn vật đều biết: “thầy Lão Nhiếp” là ông nội của Nhiếp Tung, “thầy Nhiếp” là bố anh, còn danh xưng “thầy Tiểu Nhiếp” dĩ nhiên được dành cho Nhiếp Tung.

Nhưng dạo này, anh lại thường bị cách xưng hô này làm cho phân tâm.

Nhiếp Tung dừng cây bút lông trong tay, cau mày nhìn người vừa đến – là Ngô Mẫn Chi bên nhóm gốm sứ.

“Thầy Tiểu Nhiếp, anh qua giúp tôi xem màu với, tôi pha mãi vẫn không ra đúng được.”

Văn phòng ở ngay bên cạnh, chỉ cần nhấc chân là đến. Không lâu sau, Nhiếp Tung đã giúp anh ấy pha ra màu như mong muốn.

“Màu tím này đúng rồi, tôi pha cả ngày vẫn cảm thấy không đúng. Thầy tôi lại không có ở đây, chẳng có ai để hỏi, tôi bức bối chết đi được!” Ngô Mẫn Chi vừa nói vừa bắt đầu thực hiện bước sửa màu cuối cùng trên món đồ sứ. “Tôi học chuyên ngành hóa mà vẫn không nhạy màu bằng các anh.”

“Anh Mẫn Chi quá khen rồi, chỉ là quen tay hay việc thôi.” Nhiếp Tung đáp lại vài câu hỏi, rồi vẫy tay rời đi.

Cậu nhân viên mới bên nhóm gốm sứ lập tức tiến lại gần Ngô Mẫn Chi, trầm trồ nói: “Thầy Tiểu Nhiếp là ai thế anh, đến cả anh cũng phải nhờ vả sao? Cũng mới tốt nghiệp thạc sĩ thôi mà? Sao vừa vào làm đã được cầm bút toàn sắc, còn miễn cả ba năm học việc?”

Ngô Mẫn Chi vừa có được màu mới, tâm trạng đang vui, liếc nhìn cậu ta một cái rồi cười: “Cậu nói thầy Tiểu Nhiếp à? Biết cậu ấy là ai không?”

“Là ai? Không phải là Nhiếp Tung sao?”

“Thế cậu biết nhà họ Nhiếp không?” Thấy cậu ta mặt mũi ngơ ngác, Ngô Mẫn Chi tiếp tục nói: “Là gia tộc phục chế thư họa.”

“À!”

“Bậc thầy phục chế thư họa cổ – Nhiếp Phàm Chu là ông nội của Nhiếp Tung, người truyền nhân di sản văn hóa phi vật thể trong nghệ thuật đóng khung thư họa – Nhiếp Văn Viễn là bố cậu ấy.”

“À!”

“Còn về phần Nhiếp Tung, ba tuổi đã lăn lộn trong viện bảo tàng rồi. Tôi hỏi cậu, ba tuổi cậu làm gì?”

“Ba tuổi… chơi đất sét…” Cậu nhân viên kinh ngạc đến mức nói không thành lời.

Ngô Mẫn Chi cười nhẹ: “Lúc cậu còn chơi đất sét, thì Nhiếp Tung làm gì? Ba tuổi quét mép giấy, năm tuổi nấu hồ dán, bảy tuổi học quốc họa (*), chín tuổi đã theo ông và cha học phục chế thư họa. Cậu còn chê ba năm học việc là lâu, người ta học bao nhiêu năm rồi, tự cậu tính đi!”

(*) Quốc Họa là một dạng tranh truyền thống của Trung Quốc. Được vẽ trên lụa hoặc giấy bằng bút nhúng nước, mực hoặc màu. Dụng cụ và vật liệu bao gồm bút lông, mực, bột màu vẽ, lụa, giấy,… Về nội dung, Quốc Họa thể hiện những quan niệm triết học và thẩm mỹ truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Về kỹ thuật quan sát, tạo hình và biểu đạt, ngay cả những đối tượng khách quan cũng vô cùng thuần túy tự nhiên như phong cảnh, hoa cỏ, chim muông. Cũng được kết nối một cách có ý thức với xã hội, tình cảm thẩm mỹ của con người trong quá trình quan sát, tìm hiểu và biểu hiện.

“Thảo nào!” Cậu ta như ngộ ra điều gì, “Bảo sao thầy Tiểu Nhiếp trẻ vậy mà đã là trụ cột của nhóm thư họa, từ rửa, gỡ, bổ sung đến tô màu đều làm được hết.”

“Cậu tưởng dễ à! Cầm bút cần hiểu ý tranh, biết tính cách của bút lông, xưa nay luôn do người sao chép tranh cổ đảm nhận. Sao Nhiếp Tung làm được? Vì người ta là Đồng tử công (*) tôi luyện từ bé, hơn nữa không ngừng học hành chuyên sâu, nghiên cứu sâu về phong cách các triều đại và sắc tố trong tranh cổ.” Ngô Mẫn Chi vừa nói, vừa dùng bút chọc chọc cậu nhân viên đang há hốc mồm, “Tài nghệ người ta như thế, cậu học thêm ba năm nữa cũng chưa chắc đuổi kịp!”

(*) Thiếu Lâm Đồng Tử Công là một môn nội tráng ngoại cường, phải luyện tập từ nhỏ mới thành, được coi là công pháp mật truyền của môn phái Thiếu Lâm. Người muốn học Đồng tử công bắt buộc phải bắt đầu luyện tập từ khi còn nhỏ, và tuy là võ “trẻ con” đấy, nhưng lợi hại như chiêu Tích lịch hoàn phong thoái, một chiêu thức tấn công dùng chân xoáy như bão tố, mạnh như sét giáng cũng phải bó tay quy hàng trước Đồng tử công.

Chưa đến hai ngày sau, Ngô Mẫn Chi lại đến, lặng lẽ đứng sau Nhiếp Tung đang cúi đầu làm việc.

Nhiếp Tung đang phục chế một cuốn họa sách lụa, dùng màu gần với nền gốc của tranh để tô phần bị mất sắc. Việc tô toàn sắc đã kéo dài mấy ngày.

Cây bút lông trong tay đã bị tòe ngòi, anh nhìn một cái rồi ném vào đống bút hỏng.

Chất liệu lụa cứng, tranh lụa yêu cầu rất cao với đầu bút, nhiều cây chỉ dùng vài nét đã hỏng.

“Cây thứ mười rồi.” Anh lẩm bẩm, vừa định thay bút thì một bàn tay đưa tới, trên lòng bàn tay chính là cây bút anh đang cần.

“Thầy Tiểu Nhiếp.” Ngô Mẫn Chi cười tươi đưa bút cho anh.

“Anh Mẫn Chi, có chuyện gì sao?”

“Hôm kia anh giúp tôi pha màu đó là nham cổ đại tử đúng không?”

“Gần đúng rồi.”

“Có sẵn màu đó không?”

“Có.”

“Hôm nay tôi ra kho lấy, không còn.” Ngô Mẫn Chi cau mày, níu tay áo anh, “Anh chia cho tôi ít đi.”

Nhiếp Tung lắc đầu: “Tôi không có.”

“Sao? Không phải anh bảo có mà?”

“Tôi nói là có loại màu gọi là nham cổ đại tử.” Gương mặt Nhiếp Tung đầy vô tội.

“Thứ đó làm từ gì mà khan hiếm vậy?”

“Cổ hoa.”

(*) Cổ hoa hay Cobaltite là một khoáng vật hiếm, có công thức hóa học là CoAsS – nghĩa là nó chứa coban (Co)asenua (As) và lưu huỳnh (S). Đây là một trong những khoáng vật chính dùng để khai thác kim loại coban – một nguyên tố quan trọng trong công nghiệp, đặc biệt là trong chế tạo pin lithium-ion, hợp kim và từ tính.

“Cổ hoa?” Ngô Mẫn Chi nghĩ một lúc, vỗ trán: “Là cái thứ nung lên thì chuyển sang màu xanh, dùng để tô men gốm sứ và men tráng men phải không?”

“Ừ.” Nhiếp Tung chấm màu, tiếp tục công việc tô màu.

“Không phải là màu phổ biến sao? Chẳng lẽ mỏ khai thác hết rồi?”

“Chuyện đó thì tôi không biết, phải hỏi người làm ngành khai khoáng…”

Ngô Mẫn Chi rời đi rồi, Nhiếp Tung lơ đãng đặt bút xuống. “Người làm ngành khai khoáng”, anh mới quen một người.

Trong danh bạ WeChat, tên “Doãn Hy” cùng với lời chào hệ thống sau khi kết bạn chìm dần xuống dưới. Nhiếp Tung lướt qua từng cái tên, mở khung chat, gõ mấy chữ rồi bấm gửi.

Doãn Hy từng nghĩ với tính cách nghiêm túc, nhút nhát của Nhiếp Tung thì chắc chắn phải đến lúc cấp bách lắm mới chủ động liên lạc với cô. Nhưng cô đã sai – chưa đầy một tuần, anh đã nhắn WeChat. Dù chỉ là một câu công việc rất “cứng nhắc”, nhưng vẫn khiến cô bật cười.

“Tiến sĩ Doãn, trữ lượng cổ hoa ở nước ta như thế nào?”

Doãn Hy giữ nút ghi âm, trả lời: “Anh nói đến cái loại được khai thác ra có lớp lông tơ mềm mềm, được gọi là hoa của đá ấy hả?”

Cô đang bận, giọng điệu thản nhiên, nói hơi nhanh. Có lẽ Nhiếp Tung cũng nhận ra, nên sau hai chữ “phải đấy” anh lại thêm một câu “Làm phiền cô rồi, xin lỗi nhé.”

Doãn Hy hoàn toàn có thể tưởng tượng ra vẻ mặt lo lắng, tai đỏ bừng của anh lúc này. Cô nhìn quanh, thấy đồng nghiệp vẫn đang chăm chú làm việc, bèn nghiêm túc trả lời:

“Nếu tôi nhớ không nhầm thì trữ lượng cobalt kim loại đã được phát hiện ở nước ta lên tới hàng trăm nghìn tấn, phân bố ở 24 tỉnh, trong đó Cam Túc nhiều nhất, chiếm 28% toàn quốc. Ngoài ra, An Huy, Tứ Xuyên, Tân Cương cũng có một lượng nhất định.”

Chạm tay vào đống dữ liệu thí nghiệm bên cạnh, cô nhắn thêm: “Tôi vừa làm xong thí nghiệm, đang viết báo cáo, nếu anh không gấp thì đợi tôi tra thêm tư liệu rồi gửi thông tin chính xác cho anh.”

Đến khi Doãn Hy làm xong báo cáo và cầm ly nước lên mới phát hiện mặt trời đã lặn về phía tây, đồng nghiệp đều đã tan làm, nước trong ly cũng nguội ngắt. Cô rót lại nước ấm, nhấp từng ngụm nhỏ rồi nhớ đến chuyện đã hứa với Nhiếp Tung, liền ngồi lại trước máy tính để tra cứu tài liệu điện tử. Rất nhanh sau đó, cô đã tổng hợp được một bản tài liệu dựa trên dữ liệu chi tiết, rồi gửi qua email cho Nhiếp Tung sau khi nhắn hỏi anh địa chỉ qua WeChat.

Bãi đỗ xe của Viện nghiên cứu địa chất gần như trống không, Doãn Hy ngồi vào xe, qua khung cửa sổ, những vì sao lác đác ngoài trời đang lấp lánh ánh sáng yếu ớt.

Điện thoại đổ chuông, là một số lạ, không có dấu hiệu gì của cuộc gọi quảng cáo hay lừa đảo.

“A lô.” Doãn Hy nghe máy.

“Tiến sĩ Doãn, tôi là Nhiếp Tung.”

“Thầy Tiểu Nhiếp à——” Doãn Hy lập tức nâng cao giọng, kéo dài âm “à” một cách đầy thân mật.

“Làm phiền cô nhiều quá, tôi thật sự rất xin lỗi, muốn mời cô một bữa để tỏ lòng cảm ơn.” Có lẽ sợ bị từ chối, giọng anh có vẻ rất khẩn thiết, “Không biết lúc nào cô tiện?”

“Chuyện nhỏ ấy mà, không đáng nhắc đến.” Doãn Hy xoay xoay chìa khóa xe trong tay, không vội nổ máy.

“Sau này nếu hợp tác lâu dài, chắc chắn còn phiền đến cô nhiều nữa.”

“Ồ?” Tưởng rằng anh chỉ nói xã giao, không ngờ lại biết cách chuẩn bị cho tương lai, xem ra cũng không khô khan như ấn tượng ban đầu. Doãn Hy bật cười, “Để hôm khác nhé.”

Cúp máy xong, cô lại ngẩng đầu nhìn bầu trời, những ngôi sao như sáng hơn giữa màn đêm đen đặc.

Khi Doãn Hy nói “để hôm khác”, cô hoàn toàn không ngờ lần gặp lại Nhiếp Tung sẽ đến nhanh đến thế. Đó là cuộc họp công tác liên kết giữa bảo tàng và viện địa chất, đúng lúc cả hai đều tham dự. Một khi đã muốn hợp tác sâu rộng, thì việc giao thoa giữa các lĩnh vực là điều tất yếu. Đề tài thủ công từ khoáng vật của Doãn Hy tự nhiên có sự giao thoa với nghiên cứu sắc tố khoáng sản của Nhiếp Tung.

“Nhiệm vụ ưu tiên bây giờ là đối chiếu tên các loại sắc tố thường dùng với nguồn khoáng vật của chúng, sau đó dựa vào địa chất để xác định khu vực phân bố, nhất là các vùng khai thác mới trong mười năm trở lại đây.” Doãn Hy ghi chú các điểm chính trong sổ tay, rồi nhìn sang Nhiếp Tung, “Nhiệm vụ đầu giao cho anh, phần sau để tôi làm, thế nào?”

“Được thôi.” Nhiếp Tung đẩy gọng kính, khoanh tròn vào sổ tay rồi nói, “Tiến sĩ Doãn, tôi có một ý tưởng chưa chín muồi.”

“Anh cứ nói thử xem.”

“Có một số khoáng vật trữ lượng thấp, khó khai thác, sản lượng bản thân đã không nhiều. Do đó, lượng sắc tố khoáng sản có thể cung ứng sau sản xuất càng ít hơn. Không biết liệu có thể tìm loại khoáng vật tương đồng hoặc tương chất để thay thế được không?”

Ngoại trừ lần trước ở bảo tàng làm khách mời giảng giải, đây là lần đầu tiên Doãn Hy nghe anh nói một đoạn dài đến vậy, thoáng chốc cô có chút phân tâm.

Thấy cô như đang suy nghĩ gì đó, Nhiếp Tung sợ đề xuất của mình quá viển vông, vội vàng giải thích: “Tiến sĩ Doãn, xin lỗi, tôi chỉ nói linh tinh thôi.”

Ai ngờ Doãn Hy đột nhiên mỉm cười với anh: “Anh vừa cho tôi một ý tưởng hoàn toàn mới đấy, thầy Tiểu Nhiếp.”

Nụ cười ấy tỏa sáng rực rỡ, như thể thi triển phép thuật lên người Nhiếp Tung. Anh nhìn cô không chớp mắt, trong đôi mắt cô lấp lánh ánh sáng, rồi anh bỗng hỏi một câu lạc quẻ: “Tiến sĩ Doãn, cô thật sự không nhớ chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi sao?”

Doãn Hy mím môi cười, chớp mắt trêu anh: “Anh nhớ sao?”

Nhiếp Tung lắc đầu bất lực, phải chi anh nhớ được thì tốt rồi.

“Nói thật nhé, thời nay còn cô gái nào bị anh ‘thả thính’ theo kiểu cũ kỹ như thế mà đổ không?” Doãn Hy đứng dậy, vỗ nhẹ vào sổ ghi chép của anh, “Đi nào, thầy Tiểu Nhiếp, tôi mời anh ăn món xào trong căng tin.”

Căn tin viện nghiên cứu địa chất khá tốt, tầng một là cơm phần, tầng hai là các món xào đặc sản vùng miền. Lúc này, Doãn Hy dẫn Nhiếp Tung ngồi gần cửa sổ tầng hai, trên bàn là ba món mặn – nhạt và một bát canh.

“Ban đầu nói là tôi mời cô, vậy mà lại để cô tốn kém rồi.” Nhiếp Tung cầm đũa, có chút ngại ngùng nhìn Doãn Hy.

“Anh vừa cho tôi nguồn cảm hứng lớn như vậy, tôi mời là đúng rồi.” Doãn Hy dùng đũa công cộng gắp một miếng sườn bỏ vào bát anh, rồi hỏi, “Sao anh lại nghĩ đến chuyện thay thế khoáng vật?”

“Hôm đó sau khi đọc tài liệu cô gửi, tôi tra thêm trên mạng, thấy rằng cobaltite (cổ hoa) không phải khoáng vật phổ biến trong vỏ trái đất, và sản lượng đang ngày một giảm.” Nói đến đây, anh lén liếc nhìn Doãn Hy.

Gặp ánh mắt do dự ấy, Doãn Hy gật đầu: “Đúng vậy. Hơn nữa, trạng thái tồn tại của khoáng vật chứa cobalt rất phức tạp, hàm lượng thấp, nên phương pháp chiết tách rất đa dạng, quy trình công nghệ lại phức tạp, tỷ lệ thu hồi thấp.”

“Tôi liền nghĩ, liệu có thể dùng khoáng vật có trạng thái tồn tại đơn giản hơn, dễ chiết tách hơn để thay thế không.”

“Vì trong nốt mangan dưới đáy biển chứa lượng cobalt rất lớn, là nguồn tài nguyên triển vọng nên từ trước đến nay người ta vẫn tập trung nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên biển này. Còn đề xuất của anh lại mở ra một hướng đi khác, đồng nghĩa với một khả năng lớn hơn.”

(*) Nốt mangan dưới đáy biển là những cục khoáng sản hình tròn hoặc bầu dục nằm rải rác trên nền đáy đại dương, chủ yếu ở các vùng biển sâu. Chúng được tạo thành từ quá trình kết tủa kim loại từ nước biển hoặc từ các lớp trầm tích, diễn ra rất chậm trong hàng triệu năm.

Được Doãn Hy khẳng định, lòng Nhiếp Tung vui như mở hội, anh cũng gắp lại cho cô một miếng sườn. Với hai tai đỏ bừng, anh im lặng vừa ăn cơm, vừa nhai hết miếng này đến miếng khác, không ngờ lại ăn liền mấy bát cơm trắng.

Thật thú vị, như một học sinh tiểu học được khen một chút liền hí hửng.

Hiếm khi có món ăn đưa cơm đến thế, Doãn Hy cũng ăn thêm nửa bát cơm nữa lúc nào không hay.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK