• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“Thuận theo tự nhiên…” Nhiếp Tung cầm điện thoại, nơm nớp hỏi: “Chẳng lẽ nói vậy là sai à?”

Đầu dây bên kia, Doãn Hy ngạc nhiên không thôi: “Anh thật sự nói vậy trước mặt cả nhà luôn á?”

“Ừ.”

“Xong rồi, thế là mẹ anh lại càng tức hơn rồi.” 

“Sao lại thế?”

Doãn Hy bị cái đầu gỗ này làm cho nhức đầu, trách nhẹ: “Ngốc ạ, em đã bảo anh phải dỗ dành dì mà!”

“Thuận theo tự nhiên thì sao? Không được nói à?”

“Anh nhớ lại xem lúc em nói bốn chữ đó, anh phản ứng thế nào?”

“Ờ…”

“Thái độ của bố mẹ anh chỉ có thể nghiêm khắc hơn anh thôi, ngay cả ông nội từng đồng ý ủng hộ em, chắc giờ cũng quay lưng rồi, haizz…” 

Lúc này Nhiếp Tung bắt đầu lo lắng. Anh mải phản bác mẹ, thậm chí còn dùng cách khích tướng để thuyết phục bà, lại quên mất chuyện này. Anh nhăn mặt hỏi Doãn Hy bên kia điện thoại: “Vậy bây giờ phải làm sao?”

“Còn làm sao được nữa,” Doãn Hy thở dài, “Thuận theo tự nhiên thôi.”

Dự án hợp tác giữa Doãn Hy và Nhiếp Tung đã bước vào giai đoạn kết thúc. Ngoài việc rà soát lại nguồn gốc quặng làm nguyên liệu cho chất màu khoáng hiếm, họ còn thành công trong việc mở rộng cơ sở dữ liệu về vùng khai thác.

“Lúc này là lúc để em khoe khoang rồi đấy!” Trương Trì vừa trêu chọc cô, vừa mỉm cười đầy hài lòng.

“Sư huynh, đừng keo kiệt như vậy, mau khen tôi hết lời đi.” Doãn Hy đắc ý mím môi cười, tắt máy tính.

“Mặc dù em là sư muội ruột của tôi, nhưng tôi cũng phải nói một câu: tha cho sư huynh một con đường sống đi.” Trương Trì chắp tay vái lạy, van nài, “Bài báo cáo có thể nộp trễ mấy ngày được không?”

Doãn Hy đang dọn dẹp bàn làm việc, nghe vậy liền ngẩng đầu: “Anh vẫn chưa xong à?”

“Ừm…”

“Không phải anh bắt đầu trước tôi sao?”

“Sư muội à, người ta đã khổ lắm rồi, đừng vạch trần nữa được không?”

“Được thôi, anh cứ từ từ mà viết.” Doãn Hy cười, đứng dậy xách túi.

Trương Trì ló đầu ra nhìn: “Hôm nay tan làm đúng giờ vậy sao?”

Doãn Hy thoa son dưỡng môi, mím môi cười khẽ: “Hẹn hò.”

“Phụ nữ đang yêu quả là rạng ngời như ánh mặt trời!”

“Cảm ơn lời khen.”

“À này, sư muội,” Trương Trì vừa gõ bút lên bàn vừa ngẫm nghĩ, “Tôi vẫn luôn tò mò, một người như em, thân thể kim cương bất hoại, rốt cuộc là thứ gì có thể đánh gục được em?”

“Ý anh là gì?”

“Chuyên môn không làm khó được em, khảo sát thực địa em không ngán, bạn trai giận dỗi hay chiến tranh lạnh cũng không dọa được em, đồng nghiệp nói móc nói xéo em không để tâm, những kẻ nói xấu cũng chẳng hề gì với em… Chậc chậc chậc, sư muội quả thật là nữ anh hùng từng săn heo rừng, đánh rắn độc! Nhưng tôi thật sự rất muốn biết, rốt cuộc cái gì mới có thể khiến nữ kim cương như em sụp đổ?”

Giữa sư huynh muội họ vốn quen đùa giỡn như vậy, Trương Trì nói một cách tuỳ tiện mà chính anh ta cũng không để tâm. Nhưng Doãn Hy thì lại nghiêm túc suy nghĩ. Nếu như đến cả rắn độc và heo rừng cũng không làm cô sợ, vậy rốt cuộc cô sợ cái gì? Yếu điểm của cô là gì? Có thứ gì có thể đánh gục cô không?

Đột nhiên, cô nhớ đến lần tình cờ gặp mẹ Nhiếp trong quán lẩu. Khoảng thời gian chỉ mười mấy phút ngắn ngủi ấy lại dài dằng dặc như một thế kỷ, cảm giác bị trói buộc và nghẹt thở mãnh liệt ấy lại trào dâng.

Cô lắc lắc đầu, trả lời: “Không có tự do, thà chết còn hơn.”

Trương Trì ngẩn ra, rồi từ từ giơ ngón tay cái lên.

Giống như Trương Trì nể phục cô, thì Doãn Hy cũng vô cùng khâm phục Nhiếp Tung. Cô ngồi ngay ngắn như học sinh tiểu học, nghiêm túc hỏi “thầy giáo Tiểu Nhiếp”:

“Hùng hoàng và Từ hoàng là khoáng vật cộng sinh, còn Thạch hoàng là khoáng vật kèm theo của Hùng hoàng, đều thuộc cùng một nhóm khoáng vật. Vậy theo anh, chúng có thể thay thế cho nhau không?”

(*) Hùng hoàng (雄黄) là một loại khoáng vật tự nhiên, tên khoa học là realgar, công thức hóa học: As₄S₄ – arsenic sulfide. Có màu cam đỏ đến đỏ gạch, ánh sáng rực rỡ, dễ vỡ. Nó là một hợp chất chứa asen (thạch tín), rất độc nếu dùng sai cách. Trong Đoan Ngọ, người Trung Hoa thường dùng bột hùng hoàng hòa rượu (rượu hùng hoàng) để bôi lên trán trẻ con, hoặc viết chữ lên cửa với niềm tin xua đuổi tà ma, nọc rắn, trừ sâu bọ. Từ hoàng (雌黄) tên khoa học là orpiment, công thức hóa học: As₂S₃ – arsenic trisulfide. Là một loại khoáng chất có màu vàng rực, hơi óng ánh, mềm và dễ vỡ. Là “anh em” với hùng hoàng vì đều là các khoáng vật chứa asen và lưu huỳnh. Trong Đông y, từ hoàng được ghi nhận có tác dụng: Giải độc, sát trùng, tiêu viêm, dùng ngoài da để điều trị mụn nhọt, lở loét, ghẻ ngứa.

“Anh nghĩ là không thể.”

“Tại sao?”

“Hùng hoàng có màu vàng cam, chất màu từ Hùng hoàng tự nhiên thì có độ óng ánh như kim cương; còn Từ hoàng thì có màu vàng nhạt pha xanh, chất màu làm từ Từ hoàng thì có sắc vàng tươi sáng.” Nhiếp Tung đan tay đặt lên bàn, thỉnh thoảng đẩy nhẹ kính. Thấy Doãn Hy vẫn còn vẻ mặt mơ hồ, anh đứng dậy kéo cô: “Đi theo anh.”

Doãn Hy đang chăm chú lắng nghe, hơi ngỡ ngàng: “Đi đâu vậy?”

“Anh để mấy chất màu trong phòng sách, em nhìn tận mắt thì cảm nhận sẽ rõ hơn.” Vừa nói, Nhiếp Tung vừa bày ra các loại chất màu khoáng khác nhau để minh họa cho cô.

Bàn làm việc của Doãn Hy vốn đã lớn, sau khi Nhiếp Tung đến thì anh sắp xếp lại một lượt, chia ra hai khu vực làm việc. Bên trái đặt máy tính, tạp chí và tài liệu của Doãn Hy, bên phải là bút mực giấy nghiên của Nhiếp Tung.

Doãn Hy nhận lấy hùng hoàng và từ hoàng từ tay Nhiếp Tung. Chỉ bằng mắt thường, cô đã có thể khẳng định đây là hai loại màu vàng hoàn toàn khác nhau.

“Em thấy được gì rồi?”

Doãn Hy gật đầu: “Là hai màu hoàn toàn khác nhau, chắc chắn cách sử dụng cũng khác nhau.”

“Ừ, em nhìn xem—” Nhiếp Tung không biết từ đâu lấy ra một quyển họa tập, lật đến một trang rồi chỉ cho cô, “Bức tranh này em chắc từng thấy rồi.”

“Trông quen lắm, là tranh nổi tiếng phải không?”

“Đây là Tương Quân Tương Phu Nhân Đồ của Văn Trưng Minh. Trang phục của Tương Quân và Tương Phu Nhân trong tranh được vẽ bằng chất màu hùng hoàng.” Nhiếp Tung tiếp tục lật sang các trang khác, “Ngoài ra, hùng hoàng còn được dùng để vẽ cảnh mùa thu, phong cảnh mùa thu và áo cà sa của Phật trong chùa.”

(*) “Tương Quân Tương Phu Nhân Đồ” (湘君湘夫人图) là một bức họa cổ nổi tiếng của họa sĩ Trung Quốc Văn Trưng Minh (文徵明), một danh họa thời Minh. Bức tranh này được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về hai vị thần sông Tương – Tương Quân và Tương Phu Nhân, vốn là hai người vợ của vua Thuấn trong thần thoại Trung Hoa.​

“Em thấy màu hơi ngả cam, đây chính là màu kim loại mà anh nói à?” Doãn Hy nghiêng người tựa vào anh, vừa nghiêng đầu liền thấy anh đang mỉm cười, cô ngơ ngác hỏi, “Anh cười gì vậy?”

Anh nghiêng đầu nhìn cô, đôi mắt sau cặp kính ánh lên ý cười: “Là màu kim cương.”

Doãn Hy vừa nghe liền bật cười ha hả.

Nhiếp Tung xoa mái tóc ngắn của cô, chỉ vào từ hoàng: “So với nó thì từ hoàng có độ bão hòa thấp hơn. À đúng rồi, em đợi chút…” Nói rồi, anh lấy từ trong ngăn kéo ra một túi nhỏ chứa các khối từ hoàng chưa nghiền thành bột, bôi bừa lên tờ giấy thô đã viết chữ của anh, “Em thấy không?”

Doãn Hy thấy thú vị, bắt chước anh vẽ vài nét lên giấy, lớp mực đen ban đầu bị che khuất hoàn toàn. Cô cầm khối từ hoàng trong tay nghịch, liếc mắt nhìn Nhiếp Tung: “Nói năng bừa bãi (tín khẩu từ hoàng)?”

(*) Vì chứa thạch tín, từ hoàng là chất cực độc, không nên dùng bừa bãi hoặc tự ý bào chế thuốc tại nhà. Trong văn học, từ hoàng được dùng với nghĩa chỉ trích, không có căn cứ. Ví dụ: “Anh ta toàn nói kiểu từ hoàng, không có cơ sở gì cả!”

“Ừ, đúng nghĩa đó đấy.”

“Nguyên liệu này chắc dễ kiếm nhỉ?”

Nhiếp Tung thở dài, đáp: “Không dễ kiếm đâu.”

“Tại sao? Tiệm thuốc Đông y nào chẳng bán?”

“Nguyên liệu tự nhiên dùng cho tranh thủy mặc truyền thống cực kỳ hiếm. Ngay cả những cái tên phổ biến như hùng hoàng hay từ hoàng giờ cũng gần như không tìm ra được nữa. Vài năm trước, bác Bàng đã bỏ rất nhiều công sức tìm kiếm, mãi mới gom được chưa đầy mười cân, mà giá thì cao đến mức vô lý.”

Doãn Hy nhớ tới xưởng chế tạo màu của nhà họ Bàng. Không cần đoán cũng có thể tưởng tượng ra, trải qua các công đoạn giã, nghiền, rồi dần dần chế thành chất màu dùng cho quốc họa, phải tốn biết bao nhiêu thời gian và công sức.

Nhiếp Tung xếp tờ giấy thô lại, để sang một bên: “Hùng hoàng phải được loại bỏ tạp chất trong quặng thô mới làm thành phẩm được. Quá trình này tiêu hao phần lớn nguyên liệu ban đầu. Nhiều khi có một tảng rất to, cuối cùng chỉ còn một lõi nhỏ xíu dùng được. Rất phiền phức.”

Khoáng vật chất màu thời hiện đại ngày nay đã phát triển đến mức có hàng trăm loại, bổ sung rất nhiều cho bảng màu hạn chế của thời xưa. Thế nhưng, con đường của chất màu quốc họa truyền thống vẫn vô cùng gian nan. Nếu không có Nhiếp Tung, không có nhà họ Bàng, có lẽ Doãn Hy sẽ chẳng bao giờ biết được rằng có những người đang âm thầm gìn giữ tinh hoa chất màu quốc họa Trung Hoa.

Một cảm giác tự hào chưa từng có dâng lên trong lòng cô. Cô ngẩng đầu, đúng lúc bắt gặp ánh mắt của Nhiếp Tung.

“Sao không nói gì nữa vậy?” Anh hỏi cô.

“Muốn đóng dấu lên anh.” Cô nâng mặt anh lên, ngắm nghía trái phải trên dưới một lượt, bỗng nhiên đưa ngón trỏ chọc nhẹ vào má anh, “Vị trí này được đấy.”

“Dấu gì cơ?”

“Thì là kiểu như ‘con đường này là do tôi mở, cái cây này là tôi trồng’ ấy?”

“Hả?”

“Để em nghĩ đã…” Doãn Hy đảo mắt một vòng trong phòng sách, cuối cùng cũng tìm thấy thứ mình muốn, đó là con dấu Nhiếp Tung đã tặng cô. Cô ướm thử lên má trái anh, hỏi: “Chỗ này được không?”

Nhiếp Tung nắm lấy cổ tay cô, vừa bất lực vừa buồn cười: “Rốt cuộc em định làm gì?”

“Đóng dấu rồi, anh chính là của em.”

Doãn Hy hà một hơi vào con dấu, vừa định đóng lên thì chợt nghe anh thấp giọng nói một câu: “Anh vốn dĩ đã là của em rồi.”

“Đây là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.”

Nhiếp Tung buông cô ra, tháo kính xuống, nói: “Được.”

Doãn Hy chớp chớp mắt, thu tay lại, cẩn thận cất con dấu vào ngăn kéo. Cô chống hai khuỷu tay xuống bàn, bật người ngồi lên mặt bàn, ngoắc tay với Nhiếp Tung: “Lại đây.”

Không biết cô lại định giở trò gì, Nhiếp Tung bước đến trước mặt cô: “Sao không đóng nữa?”

Doãn Hy tiện tay chộp lấy một thỏi son từ trên bàn, thoăn thoắt thoa lên môi, rồi vòng tay qua cổ anh kéo xuống bắt buộc anh cúi đầu. Cô áp sát vào anh, môi chỉ cách nhau một sợi tóc. Cô mím môi, nhẹ nhàng lướt qua môi anh như không có gì, thì thầm: “Em tự đóng dấu.”

Một nụ hôn rơi xuống môi, một nụ hôn rơi lên má, một nụ hôn rơi lên yết hầu đang chuyển động.

Nhiếp Tung ôm chặt lấy cô, nuốt trọn những nụ hôn đó vào lòng.

“ٗٗٗ” Tiếng rung gấp gáp vang lên, là điện thoại của Nhiếp Tung.

“Điện thoại… có… nghe không?” Giọng của Doãn Hy rời rạc, đứt quãng.

Nhiếp Tung hoàn toàn không để ý, tay vẫn vuốt ve nơi lưng cô, khẽ nói: “Không nghe.”

Điện thoại rung không ngừng khiến hai người cuối cùng cũng phải tách ra. Doãn Hy thò tay vào túi quần anh, móc điện thoại ra đưa cho anh.

Nhiếp Tung cúi đầu nhìn, trên màn hình chỉ có một chữ — Mẹ. 

Anh bắt máy, chưa kịp lên tiếng đã nghe mẹ anh bắn ra một tràng: “Đang làm gì thế? Sao còn chưa về nhà? Mấy giờ rồi mà còn chưa chịu về?”

Doãn Hy khẽ cười với anh, nhảy xuống khỏi bàn làm việc, rời khỏi phòng sách.

Khi cô rót nước chuẩn bị uống, Nhiếp Tung cũng đi ra, nhún vai bất lực: “Là mẹ anh…”

“Ừ.”

“Hôm nay vốn dĩ anh định cho em xem tranh.”

“Anh mang theo rồi à?”

Nhiếp Tung gật đầu.

Doãn Hy đặt cốc nước xuống rồi quay về phòng sách, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Đặt đâu thế? Em chẳng thấy gì cả.”

Nhiếp Tung đi theo cô, rút ra một tờ giấy vẽ từ tầng trên cùng của giá sách.

Đây không phải lần đầu tiên Doãn Hy được chiêm ngưỡng bức Chân dung nữ tài tử thời Tống La Tích Tích, nhưng đây là lần đầu tiên cô sở hữu một bức tranh được vẽ riêng dành cho mình. Cô không thể đánh giá bức họa này từ góc độ chuyên môn, càng không hiểu gì về kỹ thuật hội họa hay nghề đóng khung, nhưng cô biết, cô thích bức tranh này.

Cô chăm chú nhìn vào chữ “Tung” nhỏ xíu ở góc dưới bên phải, khóe môi và đuôi mắt đều bất giác cong lên. Cô trải bức tranh phẳng trên bàn, dùng chặn giấy cố định lại, rồi lấy con dấu ra, chấm vào mực đỏ tươi — dấu “Cao Sơn” rơi gọn ghẽ dưới chữ “Tung”.

Cô đặt con dấu xuống, tựa đầu vào ngực anh, giọng nhẹ nhàng như gió thoảng: “Cảm ơn anh.”

Nhiếp Tung ngẩn ra một chút, rồi cười: “Cảm ơn anh vì điều gì?”

Doãn Hy không ngẩng đầu, tai nghe rõ tiếng tim anh đập vững vàng trong lồng ngực. Cô im lặng một lúc: Cảm ơn anh, vì đã cùng em trèo lên ngọn núi cao nhất.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK