Trương gia ở dải Hà Tây có thanh danh rất lớn, Trương Mãnh khá có tài, năm xưa từng làm thái thú Võ Uy, song chẳng được mấy năm thì Trương Hoán qua đời, hắn phải từ quan về thủ hiếu cho cha, hết ba năm chịu tang thì tình hình triều chính đã có biến động lớn lao.
Trương Mãnh không làm quan nữa, dựa vào uy vọng của Hà Tây, đi kinh doanh. Trước khi Trần Đáo đoạt Trương Dịch, Trương Mãnh là tay buôn ngựa lớn nhất Hà Tây, có điều về sau làm ăn ngày càng đi xuống.
Đổng Phi sau khi chiếm bốn quận Hà Tây, mặc dù mở cửa buôn bán ngựa, nhưng Trương Mãnh không thể chen chân vào trong đó, bởi thế sinh hận, phái người đưa thư cho Mã Đằng, muốn hợp tác lấy lại bốn quận Hà Tây.
Giả Hòa rất nghiêm túc, đọc thư hết lượt này tới lượt khác. Mã Đằng không giục hắn phát biển ý kiến, mắt chăm chăm nhìn vào bản đồ.
- Chủ công!
Mã Đằng quay lại:
- Văn Thúc thấy sao? Phong thư này của Trương Mãnh có mấy phần là thật?
Giả Hòa không chút do dự nói:
- Mười phần.
- Hả?
- Trương gia Võ Uy, Hoàng Phủ tộc ở An Định là thế tộc có danh vọng nhất Lương Châu. Hoàng Phủ tộc sau khi Hoàng Phủ Tung chết, vì tập kích Đổng gia nên uy vọng ở An Định đã giảm mạnh. Nhưng thanh danh của Trương gia ở Võ Uy không ai sánh bằng. Trương Mãnh là kẻ tựa hồ như hào sảng, thực chất tính toán chi li, lòng dạ hẹp hòi. Đổng gia chặn tài lộ của hắn, Trương Mãnh khẳng định không chịu, hắn kinh doanh nhiều năm, có dính líu với Hung Nô cũng không phải là không có khả năng.
Nụ cười trên mặt Mã Đằng càng rực rỡ:
- Vậy ta tập kích Thước Âm, Văn Thúc thấy sao?
- Về chuyện này.
Giả Hòa nhíu mày nói:
- Hòa khó nói, Đổng gia năm ngoái càn quét Tây Vực, mặc dù nói thực lực bị tổn hại, nhưng không động tới gân cốt. Bắc Hung Nô và người Khang Cư chắc gì tạo thành uy hiếp được với Tây Vực.
Nghĩ rồi nói thêm:
- Có điều Từ Vinh điều đi làm thái thú Thú Quận, thái thú Võ Uy là một Từ Thứ vô danh, không hiểu lai lịch thế nào, có điều mới tới cũng cần quá trình thích ứng, đúng là một cơ hội.
Mắt Mã Đằng sáng quắc:
- Nói thế là có thể?
Giả Hòa rất muốn nói :" Có thể!" Nhưng chợt trong đầu hiện lên hình dáng một người, không khỏi rợn người, lời ra tới miệng phải nuốt về:
- Đổng gia tử xảo trá, chủ công muốn đánh Thước Âm phải hành sự thận trọng, tiến chắc từng bước, đừng kinh suất đánh vào.
Mã Đằng gật đầu:
- Ta cũng cho rằng như vậy, trước đoạt Thước Âm, sau đó từ từ mà tiến. Ta đã lệnh Quách Hiến khởi binh, ba ngày sau sẽ tới Lệ Tổ, cùng đại quân của ta hợp binh. Tô Cố chỉ là tên hề nhố nhăng. Lý Quách đang tranh đấu dữ dội, chỉ có Sóc Phương là cái họa lớn. Ta muốn mời Văn Thúc ra mặt trấn thủ An Định, không biết ý ngươi ra sao?
Cố kỵ của Mã Đằng là có lý, Sóc Phương hiện nay binh cường tướng mạnh, Từ Hoàng dùng binh thành thục, Tô Tắc giỏi mưu tính. Võ có Phan Chương, Lăng Thao; văn có Dương Bàng, mấy lần giao phong chẳng được ích gì, đúng là cái họa lớn.
Giả Hòa trầm ngâm:
- Chủ công đã có lệnh, Hòa sao dám không theo? Chỉ là một mình Hòa thế đơn lực mỏng, sợ không đủ đảm đương trọng trách, xin chủ công phái một vị đại tướng làm soái, Hòa nguyện ở bên hiệp trợ, giữ An Định.
Mã Đằng suy nghĩ rồi hỏi:
- Văn Thúc cho rằng dưới trướng của ta ai có thể làm chủ soái.
- Nhị công tử Trọng Khởi có thể đảm nhận trọng trách.
Giả Hòa tiến cử đúng với tâm tư Mã Đằng, nói thật ông ta cũng không muốn giao hậu phương cho một người ngoài, dù Giả Hòa một dạ trung thành, nhưng trên đời này lòng người khó dò, chẳng may có gì sơ sót, ngay chỗ chôn thây cũng chẳng có. Mã Thiết khá được Mã Đằng yêu thương, võ nghệ cao cường không thua kém ông ta, thậm chí có xu thế còn hơn.
Hơn nữa mấy năm qua theo Giả Hòa và Quách Hiến, cũng học được không ít, có hắn ở An Định, đúng là thích hợp nhất.
- Nếu như Văn Thúc nói thế vậy ta để Trọng Khởi trấn thủ An Định, chỉ là trọng khởi tuổi còn nhỏ, khó tránh khỏi suy nghĩ thiếu chu toàn, còn mong Văn Thúc chỉ điểm nhiều hơn.
- Hòa tuyệt đối không phụ kỳ vọng của chủ công.
Giả Hòa cũng chẳng ngốc, sao chẳng nhìn thấu tâm tư của Mã Đằng?
Mã Thiết đúng là nhân tuyển rất thích hợp, Mã Đằng tín nhiệm hắn, với Giả Hòa cũng giữ lễ đệ tử, có thể giảm không ít phiền toái.
Thế là hai người trao đổi chi tiết, định đoạt sự việc này.
Ba ngày sau Mã Đằng và Quách Hiến hợp binh, tám vạn tinh binh Tây Lương rầm rộ tiến về phía Thước Âm.
Trên tường thành Lệ Tổ, Mã Thiết đưa mắt tiễn đại quân đi xa, lòng hết sức phiền muộn, không kìm được oán trách:
- Tiên sinh sao lại giữ ta lại? Đại trượng phu lập nghiệp trên chiến trường, tranh đấu giữa hai trận. Với tài của tiên sinh trấn thủ An Định có thừa, vì sao nhất định phải kéo ta vào?
Giả Hòa chỉ biết cười khổ. Phải giải thích ra sao đây? Chẳng lẽ nói :" Cha ngươi không tin ta, cho nên mới phải đưa ngươi cùng đi giữ An Định!"
Hơn nữa trong lòng Giả Hòa luôn có sợ hãi khó diễn tả với Hà Tây, không phải chỉ vì Đổng Phi, còn có một người khác. Sự lợi hại của người đó Giả Hòa rất rõ, trước kia cho rằng bản lĩnh của mình không thua kém người đó, hai năm qua mới biết, so với người đó mình chẳng qua chỉ là thứ hạng hai.
- Công tử, cần gì phải lo không có đất dụng võ? An Định sát với Sóc Phương và Tam Phụ, muốn đánh trận không thiếu cơ hội.
- Ta chỉ tiếc không được cùng Bạo Hổ đánh một trận.
Mã Thiết mặt buồn rầu, tự như lẩm bẩm một mình nói:
Vẻ mặt đó làm Giả Hòa nhớ tới Mã Siêu, nhớ trước kia Mã Siêu mới vào Lạc Dương, nghe nói Đổng Phi đã xuất chinh Sóc Phương, giọng nói và vẻ mặt không khác gì Mã Thiết hiện giờ: Ta chỉ tiếc chưa được lĩnh giáo sự lợi hại của Hổ lang chi tướng.
Về sau Mã Siêu được lĩnh giáo sự lợi hại của Đổng Phi, nhưng kết quả...
Giả Hòa không muốn Mã Thiết đi vào vết xe đổ của Mã Siêu. Đúng thế, Mã Thiết hiện nay có lẽ lợi hại hơn Mã Siêu năm xưa, nhưng nay Bạo Hổ càng hung dữ lão luyện hơn, làm sao mà so được.
- Công tử, chúng ta mau chuẩn bị rồi tới An Định đi.
Mã Thiết gật đầu, nhưng trong lòng rất hụt hẫng. Giả Hòa nhìn về phía Thước Âm, lòng có chút không yên: Chủ công và Quách Hiến có thể thuận lợi đánh hạ Thước Âm, chiếm lại Hà Tây sao?
Khi Mã Đằng xuất binh tới Thước Âm, Tào Tháo dẫn ba vạn đại quân tới Lạc Dương, tuy nói trước kia Lý Quách rút khỏi Lạc Dương, Tào Tháo đã chiểm lĩnh tòa đô thành cổ này, nhưng do dải Kinh Triệu vô cùng mẫn cảm, tránh kích thích Viên Thiệu quá mức, nên không phái binh trú đóng ở Lạc Dương.
Nói cách khác, mấy năm qua Lạc Dương tuy nắm dưới sự quản lý của Tào Tháo, nhưng thực tế là thành thị không có người trông nom.
Lạc Dương phồn hoa ngày nào đã đổ nát không thể tưởng tượng nổi, hoàng thành huy hoàng chỉ còn tường đổ ngói vỡ, nhân khẩu giảm mạnh, đại hộ hào tộc theo thời cuộc rung chuyển mà rời khỏi Lạc Dương, tới Kinh Tương hoặc Ba Thục.
Đương nhiên cũng có một số tới Sóc Phương, Tây Vực nhưng đêm so ra đó là bộ phận rất ít.
Người ở lại Lạc Dương đều là bách tính phổ thông nhiều đời sống ở nơi này.
Vinh quang ngày xưa không còn nữa, mọi người chỉ biết dựa vào ký ức, hồi tưởng lại cuộc sống mỹ hảo phồn hoa năm xưa.
Tháng 5 năm Hưng Bình thứ tư, Hán đế Lưu Hiệp được thái úy Dương Bưu, Hoàng Uyển hộ vệ, quay lại Lạc Dương.
Vốn cho rằng có thể tìm kiếm được cuộc sống có thể diện trong tòa đô thành cổ xưa này, nhưng khi Lưu Hiệp tới Lạc Dương mới phát hiện ra tòa đô thành này chẳng còn lại có gì, một đám người thủ trong hoàng thành tan hoang, ngay cả việc ăn no mặc ấm cũng không thể giải quyết.
Không một ai biết lúc này trong lòng những người đó suy nghĩ gì.
Dương Bưu, Hoàng Uyển, người nào người nấy sa sút ủ rũ, từ thời khắc bước vào thành Lạc Dương, không một ai nói gì, tín sứ phái đi bốn phía cầu viện, nhưng không một chư hầu nào tỏ ra đặc biệt tích cực.
Ngày qua ngày, trong lòng mọi người chất chứa đầy nỗi tuyệt vọng.
Hứa Chử cùng một đại hán thân cao chín xích, mặc khôi giáp theo sát Tào Tháo, bước về phía Gia Đức điện.
Đại hán kia tên là Tào Bành, huynh đệ trong tộc của Tào Thảo, tuổi 27, đang vào độ chín của cuộc đời, sử dụng một cây khai sơn phủ, nặng 78 cân, bẩm sinh thần lực, thời trẻ đi thỉnh giáo hết danh sư thiên hạ, võ nghệ cao cường.
Sau khi Tào Tháo bình định loạn Biên Chiêu, võ nghệ Tào Bành cũng vừa thành hạ sơn, trận chiến đầu quy thuận Tào Tháo đã lập chiến công hiển hách, được Tào Tháo phong làm giáo úy, cùng Hứa Chử hộ vệ sát bên người hắn.
Tào Bành có cái dũng vạn người khó địch, từng cùng Hứa Chử đại chiến một trăm hiệp, cuối cùng thua một chiêu, trong số võ tướng dưới trướng Tào Tháo, chỉ tính võ lực thì hắn xếp vào sáu hàng đầu.
Tào Tháo bái kiến Hán đế Lưu Hiệp xong lệnh người mang thức ăn tới, trước tiên trấn an đám người Hán đế trước, mọi người đều biểu đạt tạ ơn Tào Tháo, đồng thời uyển chuyển nói, Dương Châu là cố đô Hán thất, nay bộ dạng thế này thật không ra thể thống gì, mong Tào Tháo tu sửa một phen.
Tào Tháo không gật cũng chẳng lắc, chỉ hàm hồ nói cho qua, bái biệt Hán đế.
Soái phủ lâm thời đặt ở trong phủ thái sư Nghênh Xuân môn.
Quách Gia không tới, Y Tịch là mưu thần chuyến đi đón Hán đế, đã quét dọn phủ thái sư sạch sẽ, thấy Tào Tháo về, vội đón vào trong phủ:
- Chủ công, tiếp theo chúng ta phải làm sao.
Đám Y Tịch đều không hỏi tình hình Hán đế, thực ra trong lòng bọn họ, Hán thất tới mức này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, vị Hán đế trong hoàng thành nói thẳng ra là con rối mà thôi, không cần phí nước bọt với loại đó, chủ công của bọn họ là Tào Tháo.
Tào Tháo khép mắt trầm ngâm ngồi xuống ghế, chợt nói:
- Trước kia phồn hoa ra sao, vậy mà nay tàn bại thế này, ai là thủ phạm?
Đám Y Tịch không trả lời, theo quan điểm của số đông mà nói, hết thảy là do Đổng Trác, nhưng bọn họ không n nói ra nổi, nhớ năm xưa Đổng Trác còn sống, đại hộ Lạc Dương bị thanh tẩy nhiều lần, nhưng Lạc Dương phồn hoa hết sức, ngược lại ông ta chết đi....
Trình Dục khẽ nói:
- Lạc Dương luân lạc tới mức này cũng là do thiên mệnh mà ra.
Chỉ có thể đem cái sai đẩy cho thiên mệnh, đôi khi Trình Dục nghĩ, nếu như Đổng Trác không chết, Hán thất sẽ ra sao? Thật khó mà nói được, song ít nhất tệ đến đâu thì cũng hơn thế này.
Đương nhiên những lời này chỉ có thể nói trong lòng mà thôi.
Tào Tháo cười:
- Ý của Mã thái úy là muốn chúng ta trùng tu Lạc Dương, ổn định lại ở đây, mọi người thấy sao?
- Vạn vạn lần không thể.
Y Tịch đứng bật dậy:
- Tu sửa Lạc Dương là công trình khổng lồ, nay Kinh Triệu không phải như xưa, kho đã trống rỗng. Dù là trước kia hưng thịnh chỉ sợ cũng phải giật gấu vá vai, hơn nữa đất này không thích hợp làm đô thành nữa. Từ cổ Lạc Dương thông tới phát phương, nếu chúng ta chiếm cứ lâu dài ở đây, ắt làm Hà Bắc Viên Thiệu bất an.
- Vậy ý Cơ Bá là?
- Tịch trước khi xuất phát đã cùng Phụng Hiếu trao đổi việc này, hiện chúng không tiện khống chế Lạc Dương, nên mời thành thượng tạm trú ở Hứa Xương, cũng tiện cho chủ công chiếu cố.
Những lời này của Y Tịch hợp dạ Tào Tháo, liền gật đầu đồng ý ngay, lệnh Y Tịch, Trình Dục phụ trách việc này.
Đám Dương Bưu nay là chó nhà tang, có chỗ an thân đã đủ, nếu khuyên không được, Tào Tháo ra mặt là xong ngay, hơn nữa hiện tâm tư của Tào Tháo cũng không phải ở đây:
- Trọng Khang, Tông Tự đi theo ta.
Tông Tự là tên chữ của Tào Bành, hai người lập tức tuân mệnh.
Tự có thân tùy an bài ngựa, Tào Tháo ngồi trên Tuyệt Ảnh, dẫn Hứa Chử và Tào Bành rời Nghênh Xuân Môn, dọc đường đi không nói một lời, tâm tình rất kém.
Rời Lạc Dương hai mươi dặm là Bắc Mang sơn, trước kia Đổng Phi xây dựng Bắc Mang sơn trang ở đây, về sau Đổng Phi lập phủ ở An Định, Bắc Mang sơn trang giao cho Đổng Trác. Từng có một dạo Đổng Trác thậm chí hi vọng có thể sống hết quãng đời còn lại ở nơi này.
Có điều nay Bắc Mang sơn trang đã biến thành đống hoang tàn, phòng xá năm xưa chỉ còn là gạch vụn đầy đất. Tào Tháo xuống ngựa ngoài sơn trang, chậm rãi đi vào, Hứa Chử và Tào Bành đưa mắt nhìn nhau, hiệu thân tùy ở ngoài canh, theo Tào Thao đi vào bên trong, dừng lại ở chỗ không có gì bắt mắt.
Nơi này chỉ có một phần mộ, rất đơn giản, xa xa nhìn chỉ như một đống đất.
Bên cạnh phần mộ dựng một khối đá, bên trên dấu vết loang lổ, lờ mờ nhìn thấy được vết chữ " Cố thái sư Đổng chi mộ!"
Tào Tháo vuốt ve chữ viết, tự nói một mình:
- Dù sinh thời có hiển hách ra sao, cuối cùng cũng chỉ là nắm đất vàng mà thôi ...
Đây là mộ Đổng Trác, Tào Tháo và ông ta không có ân oán gì, ngược lại Đổng Trác tán thưởng hắn, từng làm Tào Tháo cảm kích vạn phần.
Nói ra chỉ là chính kiến bất đồng mà thôi. Mặc kệ trước kia chém giết thảm liệt thế nào cũng không ảnh hưởng tới cái nhìn của Tào Tháo với Đổng Trác, cho nên sau khi chiếm lĩnh được Lạc Dương, Tào Tháo bí mật sai người thu thập xác Đổng Trác, an táng tại Bắc Mang.
Suy nghĩ miên man, như quay lại năm tháng xưa.
Trước kia Đổng Phi tổ chức thi đấu kính cúc ở Lạc Dương hưng thịnh biết bao, nhưng nay ai còn nhớ ngày tháng năm đó.
Đổng Phi.
Trong đầu Tào Tháo hiện lên khuôn mặt xấu xí mũi sư tử, lông mày rậm, mắt nhỏ kia.
Cuối cùng cũng định ra tay sao?
Lần trước ta bại, nhưng không đại biểu lần này ta cũng sẽ thua, Đổng Tây Bình nay không phải là Đổng gia tử xưa, nhưng Tào Mạnh Đức này cũng không phải Tào A Man bị ngươi ép phải cưỡi ngựa nhảy qua sông.
Thật mong mỏi có thể giao phong với ngươi một lần.
Mặt Tào Tháo hiện lên nụ cười nhẹ, quay người lại:
- Chúng ta và bọn Trọng Nghĩa tách nhau ra được bao lâu rồi?
Hứa Chử gập ngón tay tính:
- Đã bảy ngày rồi, tính thời gian cũng sắp tới tới Hàm Cốc quan.
Tào Tháo gật đầu không nói nữa, nhìn về phía tây bắc, ánh mắt hết sức thâm thúy, Tây Bình hiền đệ, xem ra lần này ca ca đi trước một bước rồi, đệ sẽ có phản ứng ra sao đây?
****************
Theo kế hoạch của đám Quách Gia, cùng lúc đón Hán đế cũng phải mở cửa Quan Trung, cánh cửa này là Hàm Cốc quan.
Phụng lệnh trấn thủ Hàm Cốc quan chính là Dương Duy danh tướng Tây Lương.
Người này vốn là đại tướng dưới trướng Ngưu Phụ, ở Lũng Tây khá có tên tuổi, từng suất lĩnh hơn mười kỵ sĩ, đánh lui hơn nghìn phỉ tặc, võ lực cao, được mệnh danh là đệ nhất dũng tướng của Ngưu Phụ. Sau khi Ngưu Phụ bị giết, Dương Duy suất lĩnh ba nghìn tinh kỵ quy thuận Lý Quách.
Một mặt đều là người Lương Châu, Lý Quách tất nhiên hoan hỉ, hai là dưới trướng Lý Quách binh nhiều, nhưng tướng không nhiều.
Cũng biết Dương Duy võ nghệ cao cường, thấy hắn tới nương tựa, hai người vô cùng vui mừng, lập tập phong Dương Duy làm Chấn Võ tướng quân, đóng ở Hàm Cốc quan. Lý Quách hiểu rõ, chỉ cần Hàm Cốc quan không mất, tám trăm dặm Tần Xuyên sẽ vững như núi.
Chỉ là không ai ngờ tới một ngày hai người bọn họ trở mặt thành thủ.
Dương Duy ngồi trong đại trướng chăm chú lau kiếm, thanh kiếm này là bảo kiếm Tây Vực hắn bỏ rất nhiều tiền ra mua, cực kỳ sắc bén. Dương Duy coi bảo kiếm như mạng, ngày nào cũng bỏ thời gian ra lau chùi một phen.
Đúng lúc ấy có thân binh đi vào:
- Tướng quân, bên ngoài có người tự xưng là cố nhân của tướng quân cầu kiến.