Cẩm Văn chưa từ bỏ ý định tiếp tục thuyết phục:
- Đông Diêu có tam mỹ, đó là mẫu đơn ở Lạc đô, tuyết trắng ở Thượng Lâm và khói sóng trên sông Hoài.
- Liên quan gì tới hoa đào?
Tang Vi Sương không hiểu.
Tang Cẩm Văn quýnh lên:
- Đương nhiên là liên quan! Khói sóng sông Hoài là nhờ trăm dặm rừng đào dọc hai bờ sông mà nổi tiếng thiên hạ! Này nhé “Chấm nước bờ bên đào ngợp hoa”(Trích “Xuân du hồ” của Từ Phủ, nguyên văn “Giáp ngạn đào hoa trám thủy khai”, Lê Xuân Khải dịch thơ), còn nữa “Lên lầu cao ngắm trăng soi, Rừng đào xuân sắc ngợp trời ý thơ”. Đại tỷ, Đào hoa yến năm nay do chiến sự ở Thiệu Nam mà đã trễ nhiều ngày rồi đấy!
Hóa ra nó vốn không phải tổ chức trùng với ngày sinh nhật của nàng, tại sao trước đây nàng chưa từng nghe nói về Đào hoa yến của thành Hoài Châu nhỉ.
- Tiểu Cẩm Văn, không ngờ đệ không thích Luận ngữ mà lại thích mấy thứ gió trăng này?
Đôi con ngươi lạnh lẽo của Tang Vi Sương chăm chú nhìn Tang Cẩm Văn.
Tang Cẩm Văn lúc này mới ý thức được vấn đề trong hai câu thơ kia.
- Đại tỷ, đệ cũng là “nói như vẹt” thôi, tỷ đừng nghĩ nhiều.
Cẩm Văn giải thích.
Tang Vi Sương nheo mắt:
- Hửm? Mong là tỷ nghĩ nhiều, có điều chuyện ngày mốt thì cho phép.
- Thật ư? Đại tỷ?
Tang Vi Sương cười nói:
- Đại tỷ của đệ trước giờ luôn nói là làm, đệ lại hỏi ngược xem thật hay giả. Bây giờ không tin tỷ thế à?
Vi Sương nói vậy, Cẩm Văn càng gấp gáp hơn:
- Tin, đương nhiên là đệ tin, tỷ, đến lúc đó Cẩm Văn sẽ tranh thể diện lại cho tỷ!
- Hở?
Vi Sương khó hiểu nhìn khuôn mặt nhỏ mềm của hắn.
- Ngày mốt tỷ sẽ biết.
- Được, cho đệ thần bí thêm hai ngày đó.
Tang Vi Sương cười bộ dạng người thì nhỏ mà lanh chanh của hắn, nhưng cảm giác có một bí mật cũng hay hay, nàng lúc nhỏ cũng hay thích làm những chuyện như vậy.
Tang Cẩm Văn gật đầu, nhào vào lòng Tang Vi Sương:
- Đại tỷ, mấy bữa nay ngày nào Kiêm Gia ca ca cũng ở trong cửa hàng ngọc thạch tính đá, tối về ngả đầu xuống là ngủ, tỷ xem huynh ấy tội nghiệp biết mấy, người cũng gầy đi rồi.
- Hả?
Tang Vi Sương suy tư chốc lát:
- Có sao?
- Gầy thật, không biết huynh ấy ở trong cửa hàng ngọc thạch có ăn cơm đúng giờ không nữa.
Cẩm Văn vừa nói vừa lén nhìn Lâu Kiêm Gia:
- Tỷ, Vấn Ngọc tỷ tỷ nói ở Đào hoa yến có rất nhiều thức ăn ngon.
- Không lẽ đều không tốn bạc à?
Vi Sương lại kinh ngạc.
- Đúng vậy, nhưng không phải ai cũng có thể đi.
Cẩm Văn rón rén đến trước bàn gỗ hình tròn màu đỏ trong phòng, lấy ra vài tấm thiệp có hình hoa đào được vẽ tỉ mỉ:
- Đây là Vấn Ngọc tỷ tỷ cho, vừa đủ bốn thiệp! Cái này người của thành Hoài Châu muốn cầu cũng cầu không được đấy.
Tang Vi Sương nhìn thiệp hoa đào trong tay Cẩm Văn:
- Hoa đào vẽ rất tinh tế, miêu tả đều đặn, bút pháp lưu loát……
Không ngờ người của thành Hoài Châu ngay cả một tấm thiệp nho nhỏ cũng dụng tâm như thế, xem ra thành Hoài Châu rất xem trọng Đào hoa yến này.
- Nguyên liệu làm tấm thiệp này hẳn phải mấy chục văn.
Chất liệu thiệp rất tốt, so với giấy Tuyên Thành thủ công của Tuyên Đức phường mà nàng dùng để vẽ tranh còn tốt hơn mấy lần. Ngày mai đi Đào hoa yến nàng phải hỏi xem thiệp này là của nhà nào làm, thật khiến người ta yêu thích.
- Đại tỷ, tỷ sẽ không sờ thiệp rồi thích không nỡ buông tay chứ?
Cẩm Văn đương nhiên biết đại tỷ của hắn thích nhất là mấy thứ văn phòng tứ bảo, ngày trước ở huyện An tỷ ấy thích nhất là có người tặng quà là văn phòng tứ bảo. Tỷ ấy thích giấy Tuyên Thành của Tuyên Đức phường, nói nó mềm mại như da em bé, tỷ ấy còn thích mực và nghiên mực của Trúc Huyên các, hắn nhớ khi đó một ca ca họ Tạ sai người đưa tới cho đại tỷ rất nhiều giấy Tuyên Thành của Tuyên Đức phường và đá mực của Trúc Huyên các, lúc đó đại tỷ rất vui vẻ, khi rảnh rỗi đại tỷ thích nhất là vẽ tranh, tỷ ấy thích những người có kỹ năng vẽ tinh tế, cũng yêu thích những tác phẩm đầy tâm huyết của các họa sư.
- Tấm thiệp này làm rất tốt, không chút tạp chất, sờ trơn bóng như mỡ như ngọc, có lẽ được làm từ tay của chuyên gia.
- Được rồi tỷ tỷ, một tấm thiệp cũng có thể khiến tỷ cảm thán thế này!
Tang Cẩm Văn che trán.
Lâu Kiêm Gia nhìn hai người họ liền cười trộm, hắn hơi nghiêng người, một tay thò vào trong ống tay áo màu tuyết trắng, sờ một cây trâm gỗ trầm hương đơn giản, ánh mắt toát ra hào quang vô cùng dịu dàng. Hắn đã đợi lâu lắm, hắn muốn tự tay cài cây trâm này vào búi tóc nàng.
***
Vi Sương luôn nhớ ngày Hoa Dương cập kê, hôm đó thời tiết cũng như hôm nay, vạn dặm không mây, gió xuân nhẹ nhàng ấm áp, chim hót véo von.
Kiếp này nàng cập kê cũng là thời tiết ấy, cũng làn gió ấm thổi vào mặt, cũng ánh mặt trời mới lên, nhưng hôm nay nàng đi trong biển người đông nghịt, giữa trăm dặm rừng đào, trên con đê dài hoa đào chấm nước. Đi bên cạnh là những người thân của nàng.
- Cẩm Văn, đi từ từ thôi!
Cẩm Văn chạy bước nhỏ đến quầy bán bánh hoa đào bên đường. Hắn lấy tiền trong ngực ra mua bánh hoa đào trên mấy khay trúc.
- Hoa đào không thơm mà còn có vị lạ, tại sao lại dùng nó để làm bánh chứ?
Vi Sương không hiểu nói.
Bà lão bán bánh cười hiền hậu:
- Công tử, hoa đào dùng mật ong để ướp không những khử được mùi hôi mà còn có công hiệu thuốc, ăn nó giúp dưỡng nhan làm đẹp, còn bánh này được làm từ gạo nếp của Ngô quốc phía Nam xay thành bột, ngọt mà không ngấy, bảo đảm công tử ăn một lần là muốn ăn nữa.
Sau đó Tang Vi Sương mới biết bà lão này đã bán bánh hoa đào bên bờ sông Hoài năm mươi mấy năm rồi, bây giờ tuổi tác đã cao bà vẫn cố gắng đi bán.
Tang Vi Sương nhìn bà lão, trong mắt mang theo vẻ kính trọng:
- Lão bà bà, mấy mươi năm luôn làm một chuyện, bà không thấy chán sao?
Bà lão bán bánh cười lớn, nếp nhăn quanh mắt cũng không ngăn được nụ cười hiền hậu của bà:
- Công tử à, sao có chuyện không chán được, người ta thường nói làm nghề nào ghét nghề đó, năm xưa lão cũng từng không muốn làm, hơn nửa năm không bán, nhưng rồi sau đó nghĩ lại, đây là nghề bà ngoại truyền cho lão, lão nếu không làm thì bánh hoa đào của bà ngoại không còn ai biết làm nữa, thế là lão lại làm suốt năm mươi sáu năm.
Tang Vi Sương gật nhẹ đầu, nàng nghĩ đến tâm nguyện của mình, đột nhiên cúi đầu.
Tang Cẩm Văn ngồm ngoàm ăn xong bánh hoa đào của mình, lại nhìn đĩa lớn vẫn còn bánh trước mặt Lâu Kiêm Gia đang nhai kỹ nuốt chậm, bèn vươn tay ra lấy mấy cái.
Lâu Kiêm Gia cười ngốc nhìn Cẩm Văn, Cẩm Văn đỏ mặt tiếp tục ăn ngấu nghiến.
Cẩm Văn tự an ủi chính mình: “Kiêm Gia ca ca không thích ăn đồ ngọt, mình thế này là đang chia sẻ giúp huynh ấy”. Hắn không muốn thừa nhận mình đói bụng.
Tang Vi Sương nhấp một ngụm trà lớn, quay đầu nhìn thì thấy một nơi tụ tập tuấn nam mỹ nữ.
- Kia là gì vậy?
Bà lão bán bánh nhìn theo tầm mắt Tang Vi Sương, sau khi nhìn rõ thì cười nói:
- Đó là sạp của các bán tiên chân trần vùng này, chỗ đó có Quy bàn tệ, có thể tự đoán được tương lai hoặc nhân duyên, sau đó bán tiên sẽ giải thích. Công tử cũng qua đó thử xem, Bán tiên trai của thành Hoài Châu chúng tôi rất linh nghiệm!